Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 13, 2021

Truyện cổ tích Pakistan: VỢ CHỒNG NGƯỜI NÔNG DÂN VÀ CÁNH CỬA MỞ | VUA VÀ CÁC CÔNG CHÚA | CHÓ RỪNG DÍNH THUỐC NHUỘM - Nguyễn Khắc Phước kể

 

Cảnh nông thôn ở Punjab, Pakistan,

VỢ CHỒNG NGƯỜI NÔNG DÂN

VÀ CÁNH CỬA MỞ


 Tác giả: Rev. Charles Swynnerton


Ngày xửa ngày xưa, một người nông dân nghèo và vợ anh ta, sau khi kết thúc ngày lao động và ăn bữa tối thanh đạm, đang ngồi bên đống lửa. Vào lúc đó, một cuộc tranh cãi nảy sinh giữa họ về việc ai nên đóng cánh cửa trước đó đã bị một cơn gió mạnh thổi tung.

"Này bà, đóng cửa lại!" người chồng nói.

"Thì ông tự đóng đi!" người vợ nói.

"Tôi sẽ không đóng cửa, và bà cũng không," người chồng nói; "Nhưng ai nói từ đầu tiên, người đó sẽ đóng cửa lại."

Đề nghị này làm người vợ vô cùng hài lòng, và vì vậy, cặp vợ chồng già yên lặng đi ngủ.

Vào giữa đêm, họ nghe thấy một tiếng động, và nhìn ra, họ thấy một con chó hoang đã vào phòng và đang tìm cách mở kho thức ăn nhỏ của họ. Tuy nhiên, những người ngớ ngẩn này không thốt ra một lời nào, và con chó, đã đánh hơi mọi thứ, ăn thỏa thích, rồi đi ra khỏi nhà.

Sáng hôm sau, người phụ nữ mang một ít ngũ cốc sang nhà một người hàng xóm để xay thành bột.

Khi bà vợ vắng mặt, người thợ cắt tóc bước vào và nói với người chồng: "Sao mà anh ngồi đăm chiêu một mình vậy?"

Người nông dân không trả lời. Người thợ cắt tóc bắt đầu cạo đầu, nhưng người nông dân vẫn không nói; sau đó anh ta cạo đi một nửa bộ râu và một nửa bộ ria mép, nhưng ngay cả khi đó người chủ nhà vẫn cố gắng không thốt ra một lời nào. Sau đó, người thợ cắt tóc phủ lên người anh ta một lớp sơn đen muội đèn gớm ghiếc, nhưng người nông dân rắn rỏi vẫn nín như câm.

"Ông này bị ai bỏ bùa mê rồi!" Người thợ cắt tóc kêu lên, và vội vã rời khỏi nhà.

Người chồng vẫn còn ngồi đó khi người vợ trở về từ nhà hàng xóm. Khi nhìn thấy chồng mình trong bộ dạng khủng khiếp như vậy, bà bắt đầu run rẩy, và kêu lên: “A! Khốn khổ, ông đã làm gì vậy?"

Người chồng nói: “Bà đã nói lời đầu tiên, vậy thì hãy đóng cửa lại.”

 

VUA VÀ CÁC CÔNG CHÚA

 

Xưa có một vị vua có nhiều cô con gái. Ông hỏi cô công chúa lớn nhất:  "Hoàng nhi yêu Trẫm như thế nào?"

"Nhi thần yêu phụ vương như đường," cô ấy nói.

Tiếp theo, ông hỏi cô con gái thứ hai: "Hoàng nhi yêu Trẫm thế nào?"

"Nhi thần yêu phụ vương như mật ong," cô ấy nói.

Đến cô thứ ba, nhà vua hỏi: "Hoàng nhi yêu Trẫm thế nào?"

Cô ấy nói: “Nhi thần yêu phụ vương như rượu bia.”

Đến người cuối cùng và cũng là người trẻ nhất, nhà vua hỏi: "Hoàng nhi yêu Trẫm như thế nào?"

 

"Nhi thần yêu phụ vương như muối," cô ấy nói.

Khi nghe câu trả lời của cô con gái út, nhà vua cau mày, và khi cô ấy vẫn tiếp tục lặp lại câu trả lời đó, ông đuổi cô ấy vào rừng.

Ở đó, khi đang buồn bã lang thang, cô nghe thấy tiếng ngựa chạy, và cô ẩn mình trong một cái cây rỗng. Nhưng chiếc váy của cô tung bay khiến người cưỡi ngựa nhìn thấy, và may mắn, người đó là một hoàng tử của lân quốc. Ngay lập tức, người ấy yêu cô và kết hôn với cô.

Một thời gian sau, nhà vua, cha cô, người không biết chuyện gì đã xảy ra với cô, đã tìm đến thăm nhà chồng cô. Khi đầu bếp đang nấu nướng, công chúa chăm sóc tất cả các món ăn được dọn cho cha phải là đồ ngọt, thế nhưng khi dọn lên, nhà vua chỉ chuyển qua hoặc chỉ nếm thử mặc dù ông đang rất đói và đang cần thứ gì đó có thể ăn được.  Chỉ còn một món cuối cùng là đĩa rau bina thông thường, nêm với muối, như nông dân ăn, và nhà vua  bằng lòng  và ăn nó một cách ngon lành.

Bấy giờ, công chúa vén mạng che mặt, để lộ ra trước mặt cha và nói: “Hỡi phụ vương, nhi thần yêu phụ vương như muối; Tình yêu của nhi thần  có thể đơn giản, nhưng chân thật và lâu dài, và nhi thần cầu xin sự tha thứ của phụ vương."

Sau đó, nhà vua nhận ra mình đã phạm sai lầm lớn như thế nào, và đã giảng hòa hoàn toàn với con gái.  

 

CHÓ RỪNG DÍNH THUỐC NHUỘM

 

Một con chó rừng bị rơi vào một cái bình lớn chứa đầy thuốc nhuộm. Khi trở về nhà, tất cả bạn bè của nó đều ngạc nhiên nói:

"Chuyện gì đã xảy ra với bạn vậy?"

Nó vểnh đuôi và trả lời: “Có ai trên thế gian này gặp may như tao không? Hãy nhìn tao đây! Đừng ai gọi tao là 'chó rừng' nữa nhé."

"Vậy thì bạn muốn được gọi là gì?" các bạn hỏi.

 "Công," từ đây tụi bây cứ gọi tao là Công,” chó rừng đáp, dạo lui, dạo tới, tỏ ra hãnh diện lắm.

Những bạn của nó nói, “Nhưng một con công có thể xòe đuôi  đẹp lộng lẫy. Bạn có thể xòe đuôi ra không?”

“Chà, không, tao không thể làm được điều đó,” chó rừng trả lời.

Họ tiếp tục: “Và một con công có thể tạo ra tiếng kêu nhẹ nhàng du dương. Bạn có thể tạo ra tiếng kêu du dương hay không? ”

Chó rừng nói: “Cái đó thì tao cũng chịu luôn.”

Các bạn vặn lại: “Vậy rõ ràng nếu bạn không phải là chó rừng, thì bạn cũng không phải là công.”

Và chúng đuổi nó ra khỏi nhóm bạn.

 

Nguồn: fairytalez.com

Pakistani Fairy Tales, Folk Tales and Fables.

 

 

READ MORE - Truyện cổ tích Pakistan: VỢ CHỒNG NGƯỜI NÔNG DÂN VÀ CÁNH CỬA MỞ | VUA VÀ CÁC CÔNG CHÚA | CHÓ RỪNG DÍNH THUỐC NHUỘM - Nguyễn Khắc Phước kể

MÂY TRÔI VỀ ĐÂU - Nhạc và lời: Giang Thiên Tường -Hòa âm: Phong Vũ -Tiếng hát: Kim Ngân

READ MORE - MÂY TRÔI VỀ ĐÂU - Nhạc và lời: Giang Thiên Tường -Hòa âm: Phong Vũ -Tiếng hát: Kim Ngân

SINH NHẬT CỦA LỲ - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn

Nhà văn Nguyễn Đại Duẫn


SINH NHẬT CỦA LỲ

Truyện ngắn

Nguyễn Đại Duẫn



Chuông điện thoại reo lên,  Lỳ mừng quá vội vàng cầm ống nghe. Tiếng đầu dây nói vọng lại: 

- A lô! Lỳ đấy hả? Mẹ đây, con ở nhà với bà ngoan nhé. Mẹ không về để tổ chức sinh nhật cho con được. Mẹ phải đi công tác phục vụ chống dịch Covid  nơi thành phố, tình hình Covid đang phức tạp, bệnh nhân cách ly nhiều. Con đừng buồn nhé. 

Mẹ nói vậy chứ  Lỳ cứ buồn thườn thượt: “Thế là sinh nhật này mẹ  không mua bánh sinh nhật, mua quà cho Lỳ rồi”. Lỳ  gọi điện  cho bố, số máy bố cứ tích tè, tích tè. Là sao đây mà bố không nghe máy?  Như nghĩ ra, Lỳ tìm quyển danh bạ rồi điện về cơ quan  của bố. Tiếng đầu đây:

- A lô! Ai gọi ạ? Cu Lỳ mừng rỡ: 

- Dạ cháu là Lỳ ạ. Cháu gọi cho bố nhưng bố không nghe máy nên cháu gọi cho các chú.

- À! Cu Lỳ hả? Chú biết rồi. Bố giờ đã lên vùng biên để phục vụ chống dịch. Chắc sóng điện thoại chập chờn nên cháu  không liên lạc được. Có gì chú sẽ nói với bố cho.

Lỳ buồn bã gác máy. Mà bà nội đi đâu rồi cũng không biết.

Mọi năm, vào lúc này bố mẹ đã chuẩn bị quà, bánh sinh nhật cho Lỳ. Ngồi thơ thẩn, cầm quyển sách trên tay mà Lỳ chẳng đọc được chữ nào. Những món quà sinh nhật năm trước như đang còn đó, nào là máy bay có điều khiển từ xa của bố tặng, bộ quần áo mới  mẹ mua, cặp sách có bộ bút vẽ quà của bà, tập  sách Doraemon của thằng Tý bạn thân của nó... rồi được phá cỗ, thổi nến, cắt bánh sinh nhật... Những hình ảnh ấy cứ chập chờn hiện về làm cho nó thấy tiếc nuối khi nghe bố mẹ phải đi chống dịch Cvid ở xa không về được. 

Mẹ Lỳ là bác sỹ làm ở bệnh viện, lúc nào cũng bận rộn, nào là mổ cho bệnh nhân, cấp cứu, trực đêm. Về nhà là cặm cụi với bao nhiêu việc không tên. Bàn ghế, nhà cửa sạch tinh tươm, vườn tược lúc nào cũng xanh tốt đủ các loại rau. Khi rảnh rỗi, mẹ còn kèm cho Lỳ học bài. Mẹ nói,  nếu Lỳ đạt học sinh giỏi nghỉ hè mẹ sẽ cho đi du lịch thành phố Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ. Lỳ thích lắm nên cố gắng học hành chăm chỉ. Năm nay, tình hình Covid phức tạp, Lỳ được nghỉ học sớm, chương trình đang còn dang dở phải học online nên chưa tổng kết được. Nghĩ đến đây Lỳ thấy thương mẹ và ghét cái con Covid. Cái con Covid nhỏ tí ti mà nó gây bệnh cho bao người,  làm hỏng hết bao nhiêu kế hoạch, dự định của Lỳ.

Lỳ đi ra cửa, ngọn gió nồm mát mẻ như thức tỉnh nó. Nó như nhớ ra trước khi đi công tác mẹ nó có trồng một cây hoa giấy vào bao ni lông để nó đưa lên trồng ở bồn hoa của trường. Thôi rồi, cây đã héo lá, nó ngồi thụp xuống vuốt ve chiếc lá đang  rủ xuống. Giá như giờ có bố để hỏi nhỉ? À! Bữa trước nghe bố nói, hoa giấy dễ sống, có khi giả chết để được chiều chuộng. Lỳ đưa cây vào chỗ râm mát, cầm gáo tưới nhẹ nước  cho cây, cắm lại  que kẻo gà bới gốc rồi đi vào nhà. Nó thấy nhớ bố. Không biết giờ này ở vùng biên có sóng điện thoại chưa để nó gọi cho bố. 

 Bố Lỳ là bộ đội Biên phòng, đóng quân nơi biên giới xa lắc. Có một dạo nghỉ hè,  được bố cho lên đơn vị chơi, nó thích nhất là con chim khướu của các chú trong đơn vị. Lỳ bắt cho khướu con cào cào, con chim nhảy nhót tung tăng trong lồng, rồi cất tiếng  hót lảnh lót như cảm ơn nó. Mấy chú đơn vị bố nói: “ Nếu cháu thích các chú làm quà cho cháu”. Nhưng bố bảo: “ Không được đâu con. Nuôi chim phải có kỹ thuật chứ đâu phải dễ. Phải cho ăn, vệ sinh lồng thường xuyên, rồi bệnh tật... mất thời gian lắm. Mà con đi học rồi bỏ đói nó, tội”. Nghe bố nói vậy Lỳ giận bố lắm, không muốn chơi với bố nữa. Nhưng rồi Lỳ cũng nghĩ ra bố nói đúng, Lỳ còn phải đi học. Rồi bố đưa Lỳ đi xem vườn rau của đơn vị. Chao ôi! Vườn rau đơn vị bố đẹp thật. Từng luống  xanh tốt thẳng tắp như hàng quân đang duyệt binh. Nó cứ trầm trồ khen. Nhưng khi bố hỏi vườn rau mẹ đẹp hơn hay vườn rau đơn vị bố đẹp hơn, nó lưỡng lự trả lời: “Vườn rau mẹ đẹp hơn” rồi nhìn bố cười xòa. 


 Bà về xách túi đồ nặng, Lỳ chạy ra phụ bà rồi cất tiếng hỏi:

- Bà đi đâu về mà xách nhiều đồ thế này?  Bà đi không nói với cháu, ở nhà cháu mong ơi là mong. 

Bà nội Lỳ đã ngoài sáu mươi  nhưng bà còn khỏe lắm. Mọi việc trong nhà một tay bà lo toan để bố mẹ Lỳ yên tâm công tác. Nhất là những lúc bố mẹ đi xa, bà lo cho Lỳ ăn uống, tắm rửa, học hành, kể chuyện cho Lỳ nghe, Lỳ thích lắm. Gặp bạn bè trong lớp, Lỳ kể lại chuyện cho các bạn như để khoe về bà. Khi chỉ còn hai bà cháu, Lỳ nằm gác đầu lên chân bà hỏi: 

- Sao bố mẹ cháu lại đặt tên cháu là Lỳ hở bà?. 

- Đã đến ngày sinh rồi mà cháu  không chịu ra, khi ra rồi không chịu khóc nên các bác sỹ phải vỗ vào mông thật đau, chà tay vào lưng thì mới chịu oe oe, nên mới đặt tên là Lỳ.

Bà soạn mâm dọn hoa quả, kẹo bánh và không quên thắp nến lên bánh sinh nhật. Lỳ vui lắm cùng bà phá cỗ. Những tia pháo sáng phát ra những ánh lửa như đang reo vui cùng hai bà cháu. 

- Vậy là cháu đã sang tuổi thứ mười một rồi đấy.  Sang tuổi mới, bà chúc cháu có nhiều tiến bộ mới nhé. Phải biết vâng lời bố mẹ để bố mẹ yên tâm công tác.

Sinh nhật năm nay vắng bố mẹ, Lỳ thấy như thiếu đi hơi ấm gia đinh. Chắc giờ này bố mẹ đang bận lắm. 

Bỗng, tiếng chuông điện thoại reo lên, người gọi đầu dây là bố Lỳ.

- Bố à! bố ở đâu vậy, bố có về sinh nhật con không? 

- Bố ở xa lắm, không về sinh  nhật Lỳ được. Hai bà cháu vui vẻ nhé. Bố chúc Lỳ thêm tuổi mới chăm ngoan. 

- Dạ

Chưa xong tiếng dạ, thì bố đã tắt máy, Lỳ tiu nghỉu, muốn nói thêm chuyện với bố. Bà bảo, mạng nơi bố yếu nên không tiếp tục kết nối được. “Chán ơi là chán” , Lỳ thốt lên tiếng thở dài.   

Năm nào sinh nhật, Lỳ cũng rủ Tý sang phá cỗ. Lúc nào nó cũng có quà cho Lỳ, khi thì quyển sách, khi thì quả ổi, quả cam vườn nhà nó. Lỳ nhìn bà đề xuất: 

- Bà ơi! Cháu gọi bạn Tý sang vui cỗ bà nhé. Bà nội nhìn đứa cháu ngoan lòng bà thấy vui, nhưng vẽ mặt nghiêm nghị:

- Cháu  tốt với bạn là đúng  lắm. Nhưng hôm nay thì không được, tình hình Covid đang diễn biến phức tạp,  chúng ta phải thực hiện tốt 5K để cùng chung tay chống Covid nhé.


 Trên bàn, tiếng điện thoại lại gióng giả reo vang, chắc là mẹ gọi đây rồi. Vui mừng, Lỳ vội cầm ống nghe:

- A lô! Mẹ à?.

- Không phải mẹ. Chú là đồng nghiệp của mẹ Lỳ đây. Mẹ Lỳ đang bận cấp cứu cho ca bệnh nhân nặng nên mẹ nhờ chú  gửi lời chúc sinh nhật Lỳ nhé. Khi nào hết đợt chống dịch mẹ Lỳ về sẽ có quà cho cháu.

Chắc mẹ vất vả lắm. Không có thời gian để chúc mừng sinh nhật của Lỳ nữa. Lỳ thấy thương mẹ. Nghề của mẹ sao vất vả bận rộn quá. Lỳ nghĩ, lớn lên Lỳ sẽ không đi nghề như mẹ, nhưng nếu không có nghề như mẹ thì ai sẽ chữa bệnh cho mọi người. Thôi việc đó đợi lớn lên đã. 

 Bà dọn dẹp xong, thì đi nằm. Không biết sao hôm nay bà thấy khó ở. Bà dặn:

  - Lỳ coi phim xong đóng cửa đi ngủ nhé.

Đợi bà đi nằm, Lỳ đóng cửa và chạy ù đến nhà Tý.

- Tý ơi! Ra đây có việc này.

- Có việc gì vậy Lỳ. Hôm nay sinh nhật cậu mà tớ không sang góp vui được, buồn ơi là buồn. Mẹ tớ bảo phải thực hiện 5K  để chống dịch.

Lỳ thầm thì  vào  tai Tý điều gì đó. Hai đứa đi nhanh về quán tạp hóa đầu làng. Lỳ mua gói bánh qui,  phong kẹo lạc, chai nước lọc mấy que kem. Hai đứa vội đi về gốc đa đầu làng rồi ngồi xuống cùng phá cỗ. Khi mấy que kem cuối cùng nhâm nhi xong hai đứa cũng vội vã chia tay.

Mới sáng bảnh mắt, tiếng loa công cộng của Tổ dân phố đã oang oang: “ A lô! A lô, mọi người chú ý lắng nghe thông báo khẩn...”

 Bà nội Lỳ dõng tai ghe ngóng. Khi thông báo kết thúc, bà lo lắng đi vào nhà miệng lẩm bẩm một mình:  Lại là nhà bà Năm quán tạp hóa đầu làng có người đi nước ngoài về, hiện là đối tượng F0, Covid. Thật khổ rồi đây! Không biết họ đã  đưa đi bệnh viện cách ly, chữa bệnh chưa. Không biết mọi người những ai tiếp xúc với người nhà bà Năm có đến trạm y tế xã để khai báo chưa? 

Khi thông báo kết thúc,  lối xóm nháo nhác cả lên. Mọi người cứ chạy vào chạy ra, nhìn nhau ngơ ngác. Không ai dám bước qua nhà nhau, không ai dám gọi nhau như thường lệ. Những cánh cổng vội vàng khép lại, không khí nặng nề bao trùm cả xóm. Những đoàn công tác của chính quyền đang vào cuộc. Họ chặn các lối đi đến quán bà Năm, cử người kiểm tra nhiệt độ, kê khai y tế những người qua lại.

 Bà gọi Lỳ vào dặn dò: 

- Cháu đã  nghe thông báo rồi đấy. Không được đến nhà bà Năm quán tạp hóa, không được đi ra khỏi nhà, không được đi đâu xa để tiện bề theo dõi. Bà cháu mình tự cách ly ở nhà và thực hiện tốt 5K nhé. 

 

Đã xế chiều mà bà nội không thấy Lỳ đâu. Bà gọi cũng không thấy Lỳ trả lời.  Vào phòng ngủ bà thấy Lỳ nằm dài trên giường, uể oải không muốn dậy, sờ tay lên trán cháu, bà nội Lỳ thốt lên:

- Trời! Cháu tôi làm sao thế này. Mới hôm qua đang còn khỏe mạnh cơ mà. Lỳ ơi! Cháu có làm sao không? Dậy bà xem nào.

Lỳ bật ho mấy tiếng, nói qua hơi thở:

- Cháu không sao đâu. Cháu sốt nhẹ thôi.

Bà  cuống quýt lên không biết làm gì, rồi như nghĩ ra bà cầm điện thoại gọi cho con dâu:

- A lô! Con dâu à.  Thằng Lỳ nó bị làm sao ấy. Mẹ lo quá. Con dâu nghe điện thoại,  cuống lên:

- Là sao. Là sao, mẹ nói rõ xem nào. Bà đắn đo giây lát sợ con dâu lo lắng, nhưng rồi bà cũng thốt lên:

- Thằng Lỳ có biểu hiện nhiễm Covid. Nó ho, sốt. Không biết hôm qua nó có đi ra quán bà Năm không? Các ngã đường đến quán bà Năm đã bị phong tỏa. Nhà bà ấy có đối tượng là F0 Covid rồi.

- Mẹ hãy bình tĩnh nhé. Điện thoại cho số máy 1900…để họ tư vấn hay họ đến khám cho cháu mẹ nhé. Nếu bị nhiễm Covid để họ còn có cách đưa đến bệnh viện chữa trị. Mẹ ơi! Mẹ giúp con với, con giờ không thể về được. Ôi thương con quá Lỳ ơi! 

Lòng bà nội như có lửa đốt. Bà chạy vào xem Lỳ có biểu hiện gì khác không. Bà cầm điện thoại gọi số máy vừa được con dâu thông báo. 

Ông bác sỹ và cô điều dưỡng Trung tâm y tế huyện đến kiểm tra sức khỏe cho Lỳ. Sau khi khám xong, ông hỏi Lỳ:

- Hôm qua cháu có đến nhà bà Năm không? Cháu có uống nước đá hay ăn đồ lạnh không?

Lỳ sợ sệt, lắp bắp  kể lại chuyện hôm qua cùng  Tý trốn bà đi tổ chức sinh nhật, ông bác sỹ nhìn bà nội, nhìn Lỳ trấn an:

- Như vậy đã rõ. Cháu Lỳ  có một số biểu hiện của bệnh Covid, thực ra cu Lỳ bị viêm họng là do ăn kem nên bà và cháu đừng lo. Cho cháu uống thuốc, ăn cháo chỉ ít bữa là khỏi.  Nhưng cũng phải lấy mẫu xét nghiệm cho cháu, gia đình mình đang  thuộc đối tượng cách ly. Hiện nay có chủ trương cách ly tại nhà, bà và cháu không được đi đâu khỏi nhà, không giao tiếp với ai trong vòng 14 ngày. Mọi sinh hoạt của hai bà cháu, cán bộ địa phương sẽ chịu trách nhiệm giúp đỡ. Có gì thì bà điện thoại báo cho chính quyền để được hướng dẫn thêm. 

Bà nội Lỳ thở phào, bà đã trút bớt mọi lo lắng, đến bên Lỳ động viên:

- Cháu cố ăn bát cháu rồi uống thuốc cho hết bệnh viêm họng, đừng lo lắng gì. 

Nằm trên giường Lỳ bồn chồn, lo âu lỡ bị nhiễm Covid thật thì biết làm thế nào.  Bố mẹ đi vắng cả, chỉ một mình bà biết xoay xở  sao đây ? Nó thấy ân hận đã không vâng lời bà. Rồi nó nghĩ đến Tý, không biết Tý có đau ốm gì không, nhà Tý không có điện thoại để liên lạc. Nó mong cho mọi sự bình yên.

Hai ngày rồi, Lỳ uống thuốc theo đơn nhưng vẫn chưa hêt ho. Cơn sốt có phần thuyên giảm nhưng chưa cắt hẵn. Nước da nhợt nhạt, mồm không muốn ăn lại thêm bệnh đau bụng đi ngoài. 

Bà nội thấp thỏm, muốn điện cho con dâu nhưng sợ con dâu lo lắng, ảnh hưởng công việc. Bà đi vào, đi ra lòng không yên. Không biết làm sao bây giờ đây. Lòng bà rối như tơ vò. Bà điện cho Trung tâm y tế. Ông bác sỹ lại đến, ông thông báo cho bà biết, mẫu xét nghiệm của Lỳ âm tính. Sau một hồi thăm khám ông kết luận: 

- Cháu không khó thở, không đau đầu, đau bụng tiêu chảy là do ngộ độc thức ăn. Hai bà cháu yên tâm không sao đâu, cho cháu uống thuôc theo dõi có gì khác thường thì báo cho Trung tâm y tế.

Vài hôm Lỳ khỏe lại, nó đi ra sân hít thở không khí trong lành. Nó mừng lắm. Mấy ngày ốm nằm một mình Lỳ thấy buồn ơi là buồn, nó thấy nhớ bố mẹ. Chắc bố mẹ bây giờ bận rộn công việc lắm. Hôm qua bà điện thoại báo Lỳ đã khỏe, bố mẹ nó vui lắm. Nó vào nhà, cất tiếng: 

- Bà ơi! nhà Tý có bị sao không? 

- Nhà Tý cũng bị cách ly cháu à. Nhưng cũng không sao, nghe nói nó cũng bị đau bụng đi ngoài, cũng bị sốt nhẹ nay đã khỏi. 

Lỳ mừng lắm. Lỳ nhìn bà rồi cúi xuống miệng lý nhí:

- Bà ơi! Cháu xin lỗi bà, vì không nghe lời bà mà ra nông nỗi này!

- Không sao là tốt rồi. Nếu bị nhiễm bệnh Covid thì bà cháu mình không biết xoay xở ra sao. Giờ thì ổn rồi, mẹ cháu cũng yên tâm chăm sóc cho bệnh nhân Covid, bố cháu cũng yên tâm canh gác biên giới không cho người vượt biên trái phép, mang mầm bệnh Covid lây truyền lung tung.

Tổ dân phố đã  có thông báo đã hết thời gian cách ly, hết thời gian giãn cách xã hội. Đường đi đến nhà bà Năm cũng đã được giải tỏa. Mọi người trong xóm ai cũng phấn khởi vui vẻ qua lại thăm hỏi nhau. Mọi  sinh hoạt, công việc  làm ăn trở lại như xưa. Các cánh cửa đã được mở toang cho không khí trong lành ùa vào. Lỳ chạy vội đến nhà Tý, hai đứa ôm nhau vỡ òa.

Hôm nay bà nội đi họp tổ dân phố về, Lỳ nghe tiếng mọi người ríu ran ngoài ngõ: 

- Nhờ có Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ ra kịp thời, có hiệu lực,  mọi người đều tự giác tham gia phòng chống Covid nên mới dập tắt đợt dịch này nhanh chóng thế. Mong mọi người thực hiện tốt 5K để dịch đừng bùng phát trở lại nữa.

Xế chiều, có tiếng  ô tô đỗ xịch trước cổng, Lỳ chạy ra mừng rỡ reo lên: 

- Bà ơi!  bố mẹ cháu đã về rồi. 

Mẹ chạy ào tới ôm chầm lấy Lỳ, nước mắt trào ra. Bố nắm chặt tay Lỳ, đưa mắt nở nụ cười tươi.

Tối nay bố mẹ Lỳ tổ chức “hậu” sinh nhật cho Lỳ. Lỳ vui lắm, tay mân mê chiếc máy tính bảng của bố tặng để Lỳ dùng học tiếng Anh, xúng xính với  bộ quần áo mới mẹ mua làm quà, ngắm nhìn bộ bút vẽ của bà mừng sinh nhật. Cả nhà nhìn Lỳ âu yếm. Lỳ nhìn bà, nhìn bố mẹ ánh mắt đầy cảm ơn và tự hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi, vâng lời. 

Ngoài đường tiếng xe cộ qua lại tấp nập, tiếng người nói cười rộn rã như đang hòa vào niềm vui của Lỳ, một không khí trong lành,  bình yên nơi quê nhà. 



Nguyễn Đại Duẫn

Hội viên Hội VHNT Quảng Bình




READ MORE - SINH NHẬT CỦA LỲ - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn

DỞ DANG, DỖ DÀNH TƯƠNG LAI, DỤ NGÔN, DƯỚI CHÂN ĐÈO VẠN TƯỢNG – Thơ Lê Văn Trung

 
 

 
DỞ DANG
(Thơ cho Cõi Lặng Im)
 
Đi chưa cuối những con đường
Mà chiều tôi đã ngập ngừng bước chân
Qua chưa hết một dòng sông
Mà hoàng hôn đã mịt mùng khói sương
Uống chưa cạn một ly buồn
Mà men rượu cháy cả hồn thu xưa
Mơ hoài chưa hết cơn mơ
Mà nghe hoạn nạn bên bờ chiêm bao
Rụng chưa hết một mùa đau
Vàng thu tôi mãi xôn xao lá vàng
Mây đời tôi mãi lang thang
Từ em mang nỗi dở dang theo cùng.
                        
 
DỖ DÀNH TƯƠNG LAI
 
Mẹ sáng tinh sương ngoài đồng nội vắng
Cha đêm mưa dầm trên núi hoang vu
Ngày có bom rơi xuống vườn lúa chin
Đêm có giao tranh máu đỏ mịt mù
 
Mẹ hát ru con đong đầy thương mến
Cha đợi chờ con ở cuối tương lai
Thương mến tháng năm khô dần nước mắt
Đợi chờ lớn khôn con sống lạc loài
 
Mẹ dỗ dành con giấc nồng sớm tối
Cha mớm cho con từng giọt mồ hôi
Sớm tối mắt con nhìn trời vẫn thấy
Một đời tai ương vây phủ quanh người
 
Mẹ bước ra sông nhìn dòng nước chảy
Cha lên rừng sâu ngắm đá cuội mòn
Nước chảy từ bao nhiêu ngàn thế kỷ
Đời mẹ đời cha vẫn hoài tối tăm
 
Mẹ đứng bên nôi nhìn con đã ngủ
Mẹ lên đồi cao xây một nấm mồ
Cha đến bên con nhìn đôi mắt mở
Cha xuống đồn xa tìm một lá cờ
 
Mẹ hỏi, bao giờ con trai yêu dấu
Khôn lớn nên người con biết yêu thương
Hãy lên đồi cao ngồi xem lửa cháy
Lửa đỏ điêu tàn trên khắp quê hương
 
Cha hỏi bao giờ con trai yêu dấu
Con biết buồn vui trong cõi tình người
Con nhớ dừng tay khi cờ đỏ máu
Lịch sử đau buồn ơi Việt Nam ơi
 
Con ngủ vùi quên mẹ ru miệt mài
Có lời chia buồn ở cuối tương lai
Mai con lớn khôn cha đừng buồn tủi
Mai con lớn khôn con sống lạc loài


DỤ NGÔN
 
Tôi đang thở hơi thở của Đất Trời
Bằng nhịp đập của trái tim Vũ Trụ
Tôi đang sống với tấm lòng Thiên Cổ
Và yêu em bằng mầu nhiệm của Thi Ca
Linh hồn tôi là vạn cõi Bao La.
                        
 
DƯỚI CHÂN ĐÈO VẠN TƯỢNG
 
Ta ngồi kể trăm lần câu chuyện cũ
Mà trăm lần nghe như mới hôm qua
Người vợ trẻ bên mộ chồng cỏ úa
Xé khăn tang thay tạm một lá cờ
 
Ôi bé thơ nghĩ cha mình nằm đó
Cha sẽ về với bé trong cơn mơ
 
Anh ở lại dưới chân đèo Vạn Tượng
Vài chiếc lá khô thay nhang khói tiêu điều
Đồng đội anh đưa tay chào vĩnh biệt
Cũng cạn rồi nước mắt tiễn anh đi
 
Bom đạn vẫn xé ngang trời Tổ Quốc
Ai hoan ca? Ai đứt ruột tội tình
Người vợ trẻ bỗng nhiên thành góa phụ
Con mồ côi, chồng chất nỗi oan khiên
 
Chiều tháng ba dưới chân đèo Vạn Tượng
Gió Trường Sơn, mùi tử khí xông lềnh
Người hoảng loạn trên bước đường di tản
Di tản về đâu ôi đất nước quê hương?
 
Lê Văn Trung
 
* Để nhớ chuyến chạy bộ vượt đèo tháng 3. 1975
                                      
READ MORE - DỞ DANG, DỖ DÀNH TƯƠNG LAI, DỤ NGÔN, DƯỚI CHÂN ĐÈO VẠN TƯỢNG – Thơ Lê Văn Trung

KHÁI NIỆM ĐÊM #3 – Thơ Khaly Chàm

 
 
                             Nhà thơ Khaly Chàm


khái niệm đêm #3
 
thời tiết nhú mầm mê sảng
những con mắt lá hoài nghi nhiệt lượng
giấc mơ loài chim linh giác
tiếng đập cánh báo mùa tuẫn nạn
những cái bóng nguỵ trang sau chùm ánh sáng
cường điệu nỗi khát thèm rực rỡ
nhiều gương mặt u mê
khàn đục giọng lưỡi
 
linh hoạt những ngón tay
man dại nhục thể ve vuốt mùi hương
ảo tưởng nở hoa trên làn da
tiếng cười thú tính hả hê bay đi
còn lại giọt nước mắt xám mờ
nỗi đau mộng du
quay vòng trên con đường số mệnh
vết thương tâm thức mơ hồ lành lặn
 
con chữ nói lời phán quyết
trí tưởng tôi phải tìm một chỗ trú
đừng xuẩn ngốc bơi qua biển đêm
tôi choàng tỉnh nhìn thấy mặt trời
những ẩn dụ
vượt thoát bằng tốc độ ánh sáng
 
cuchithu 2016
khaly chàm

READ MORE - KHÁI NIỆM ĐÊM #3 – Thơ Khaly Chàm

NGỤ NGÔN AESOP TẬP 6 : HAI KẺ BỘ HÀNH DƯỚI GỐC CÂY TIÊU HUYỀN | CON SÓI HIỂM ÁC VÀ CHÚ CỪU LẠC BẦY | BÌNH ĐẤT VÀ BÌNH ĐỒNG - Người dịch: Đinh Hoa Lư

 


HAI KẺ BỘ HÀNH DƯỚI GỐC 

CÂY TIÊU HUYỀN

 

Có hai kẻ Bộ Hành đi giữa trưa nắng gắt nên phải tìm một bóng mát nào đó trú thân.

 Nằm dưới bóng mát của một tàng cây cả hai đều ngó lên cùng biết được đám lá đang cho họ sự thoải mái mát mẻ lúc này chính là cây Tiêu Huyền.

Một trong hai kẻ buông lời phẩm bình:

-Cái cây Tiêu Huyền này thật vô tích sự, nó chẳng có thứ trái nào ngoại trừ cái việc làm rụng lá đầy mặt đất thôi...

Bỗng nhiên từ trên cây có một giọng nói vọng xuống:

-Lủ bây thật là Những Đứa Vong ân ! Các ngươi đang nằm dưới bóng mát ta che chở cho, thế mà các ngươi bảo ta VÔ ÍCH! Ôi Thần Jupiter ơi! sao Ngài lại phù hộ cho những đứa như thế này?

 

LỜI BÀN

 -Con người thường hay quên mất chuyện biết ơn sau khi đã được trời phò hộ

-Qua sông chớ có quăng chèo

-Tạo hóa sinh ra muôn loài, mỗi loài đều có cái ích riêng của nó. Có khi người đời chưa biết chỉ nhìn ra mặt tiêu cực của nó mà xét đoán vội vàng mà thôi.

 


 Cây Tiêu Huyền hay Sycamore 

 

The Plane Tree

 

Two Travellers, walking in the noonday sun, sought the shade of a widespreading tree to rest. As they lay looking up among the pleasant leaves, they saw that it was a Plane Tree.

 

"How useless is the Plane!" said one of them. "It bears no fruit whatever, and only serves to litter the ground with leaves."

 

"Ungrateful creatures!" said a voice from the Plane Tree. "You lie here in my cooling shade, and yet you say I am useless! Thus ungratefully, O Jupiter, do men receive their blessings!"

 

Our best blessings are often the least appreciated.

                       ==========

 


CON SÓI HIỂM ÁC 

VÀ CHÚ CỪU LẠC BẦY

 

Một buổi sáng nọ có con cừu lạc mẹ đang uống nước cạnh con suối gần một cánh rừng. Rủi thay đầu ngọn suối sáng đó có con SÓI hung ác hắn đang đói và đang tìm mồi để ăn thịt.

Vừa gặp Chú Cừu, Gã Sói liền vồ ngay món ngon này quyết không chừa một chút xương nào. Nhìn chứ Cừu 'bơ vơ, tội quá' Sói Ta làm bộ bày ra một cuộc HỎI TỘI trước khi kết liễu cuộc đời nạn nhân.

Con Sói hung ác hét to:

-Tại sao nhà ngươi dám cả gan lội bẩn dòng nước của ta? Sự liều lĩnh của người đáng phải bị trừng trị thật nặng.

Cừu run rẩy trả lời:

-Nhưng thưa đức Vua, con đâu dám làm đục dòng nước đầu nguồn của ngài uống đâu ? Xin Bệ Hạ  nhớ cho kẻ này chỉ uống nước dưới giòng còn ngài uống trên giòng cơ mà?

-Chính ngươi đã làm ĐỤC giòng nước!

Sói vặn giọng, ép chế Cừu một cách  man trá:

-Còn thêm một tội nữa, năm ngoái ngươi đã nói LÁO về ta?

Cừu biện bạch:

-Thưa Bệ Hạ, con làm sao nói về ngài năm ngoái? Con mới ra đời năm này cơ mà?

- Nếu không ngươi thì ANH nhà ngươi, biết chưa?

-Nhưng con không có anh em?

SÓI thâm hiểm vẫn gầm gừ:

-Thế thì ai đó trong dòng họ nhà ngươi vậy! Nhưng người đó là ai ta chẳng cần thiết. Vấn đề là ta chẳng bao giờ bỏ qua bữa ăn sáng này của ta đâu!

Chẳng cần nói thêm lời nào nữa, Gã Sói hung ác liền vồ chú Cừu đáng thương, tha vào rừng ăn thịt mất ./.

 

*BẠO CHÚA NÀO CŨNG LUÔN LUÔN TÌM LÝ DO ĐỂ BẢO VỆ CHO SỰ CHUYÊN CHẾ , TÀN ÁC CỦA MÌNH.

*KẺ BẤT CÔNG KHÔNG BAO GIỜ CHỊU LẮNG NGHE SỰ TRÌNH BÀY CỦA NGƯỜI VÔ TỘI.

*LÝ KẺ MẠNH BAO GIỜ CŨNG ĐÚNG. 

                                  **** 

The Wolf & the Lamb

 

A stray Lamb stood drinking early one morning on the bank of a woodland stream. That very same morning a hungry Wolf came by farther up the stream, hunting for something to eat. He soon got his eyes on the Lamb. As a rule Mr. Wolf snapped up such delicious morsels without making any bones about it, but this Lamb looked so very helpless and innocent that the Wolf felt he ought to have some kind of an excuse for taking its life.

 

"How dare you paddle around in my stream and stir up all the mud!" he shouted fiercely. "You deserve to be punished severely for your rashness!"

 

"But, your highness," replied the trembling Lamb, "do not be angry! I cannot possibly muddy the water you are drinking up there. Remember, you are upstream and I am downstream."

 

"You do muddy it!" retorted the Wolf savagely. "And besides, I have heard that you told lies about me last year!" "How could I have done so?" pleaded the Lamb. "I wasn't born until this year."

 

"If it wasn't you, it was your brother!"

 

"I have no brothers."

 

"Well, then," snarled the Wolf, "It was someone in your family anyway. But no matter who it was, I do not intend to be talked out of my breakfast."

 

And without more words the Wolf seized the poor Lamb and carried her off to the forest.

 

The tyrant can always find an excuse for his tyranny.

 

The unjust will not listen to the reasoning of the innocent.

 

========================

 

BÌNH ĐẤT VÀ BÌNH ĐỒNG



BIẾT MÌNH PHẢI BIẾT NGƯỜI

 

Có hai chiếc bình: một bằng đồng và một bằng sứ, bao lâu nay được đặt cạnh nhau trên đầu lò sưởi trong nhà kia. Ngày nọ BÌNH ĐỒNG dự định rủ BÌNH ĐẤT cùng nhau chu du một chuyến trong thiên hạ để biết thế giới bên ngoài. Nhưng BÌNH ĐẤT thì lại trù trừ tự nghĩ thầm rằng nên ở lại trên lò sưởi là khôn ngoan nhất.

Bình Đất mới phân bua với Bình Đồng:

-Bạn biết đó, thân tớ đây rất dễ vỡ. Chỉ động nhẹ một tí là tan tành thì làm sao dám ngao du đây đó?

Bình Đồng mới cặn vặn với bạn mình:

-Bạn chớ lấy lý do đó mà ở lì mãi trong nhà. Tớ sẽ hết mình bảo vệ bạn. Gặp vật gì cứng tớ sẽ nhảy vào cứu bạn ngay thôi.

Cuối cùng Bình Đất cũng phải xiêu lòng. Cả hai kề vai nhau, đi ngúc ngắc bằng 3 cái cẳng mập ngắn củn cởn. Cả hai cùng xiêu bên này lắc bên kia mỗi bước đều đụng vào nhau lộp cộp…

Rõ ràng sự đồng hành lạ đời như thế làm Bình Đất không thọ được lâu. Đi chưa đủ mười bước thì Bình Đất nhà ta bắt đầu nứt, rồi bước kế tiếp, BÌNH ĐẤT TAN TÀNH THÀNH NGÀN MẢNH VỤN ./.

 

*PHẢI BIẾT HOÀN CẢNH MÌNH NGANG ĐÂU TRƯỚC KHI HỢP TÁC VỚI AI.

*HOÀN CẢNH CÓ GIỐNG NHAU  MỚI LÀM BẠN ĐƯỢC LÂU DÀI .

*PHẢI BIẾT AN PHẬN THỦ THƯỜNG.

*CHỚ THẤY KẺ SANG BẮT QUÀNG LÀM HỌ. 

 

The Two Pots

 

Two Pots, one of brass and the other of clay, stood together on the hearthstone. One day the Brass Pot proposed to the Earthen Pot that they go out into the world together. But the Earthen Pot excused himself, saying that it would be wiser for him to stay in the corner by the fire.

 

"It would take so little to break me," he said. "You know how fragile I am. The least shock is sure to shatter me!"

 

"Don't let that keep you at home," urged the Brass Pot. "I shall take very good care of you. If we should happen to meet anything hard I will step between and save you."

 

So the Earthen Pot at last consented, and the two set out side by side, jolting along on three stubby legs first to this side, then to that, and bumping into each other at every step.

 

The Earthen Pot could not survive that sort of companionship very long. They had not gone ten paces before the Earthen Pot cracked, and at the next jolt he flew into a thousand pieces.

 

Equals make the best friends.

 

Nguồn:
THEO BÓNG THỜI GIAN
Tập hợp những tản văn và dich thuât
của tác giả ĐINH HOA LƯ.
READ MORE - NGỤ NGÔN AESOP TẬP 6 : HAI KẺ BỘ HÀNH DƯỚI GỐC CÂY TIÊU HUYỀN | CON SÓI HIỂM ÁC VÀ CHÚ CỪU LẠC BẦY | BÌNH ĐẤT VÀ BÌNH ĐỒNG - Người dịch: Đinh Hoa Lư