Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 8, 2014

TÀO LAO VỚI "LÝ NGẠO ĐỜI" CỦA KHA TIỆM LY - Châu Thạch

Kha Tiệm Ly



LÝ NGẠO ĐỜI

Chẳng có bầu mà tự nhiên muốn ói,
Chẳng phải thằng điên sao đột ré lên cười.
Rượu uống suông, uống một mình quen thói,
Nhức tai nghe con kéc nói tiếng người!

 Nhân cách một đời người còn rao bán,
 Còn thơ ta muốn bán chẳng ai mua.
 Lỡ dạy học trò cái Tâm trong sáng,
 Nên vào đời đứa thiệt đứa thua!

Chẳng bằng, bọn tự xưng kẻ sĩ,
Bôi tro, muối mặt riết thành quen
Đứa háo lợi háo danh, đạp chà sĩ khí
Ôm đống bạc tiền bất kể trắng đen.
Đứa mượn chút văn chương lếu láo,
Làm mặt mo che đậy cái tâm hèn!

Thương học trò ta:
Em “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”
Cho đời nầy còn có Lục Vân Tiên.

Lại thương em bút nghiên không thỏa chí,
Gồng gánh lên rừng đốt củi làm than.
Em chờ vận vác cần ra sông Vị.
Em như thầy, vỗ bụng nghênh ngang!

Tìm đỏ mắt không ra người tri kỉ,
Giận bấy nhân gian ta viết Lý Ngạo Đời
Một khúc giang hồ bỏ liều cũng phí
Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi!
                                        Kha Tiệm Ly 



Tôi vốn hiền lành, xưa nay bị người bắt nạt nhiều nhưng chỉ chữi ngấm ngầm chớ không chữi ra miệng bao giờ. Hôm nay đọc “Lý Ngạo Đời” của Kha tiệm Ly trong lòng tôi sướng quá. Sướng là vì Kha tiệm Ly chữi đời thay tôi mà chữi hay làm sao. Người ta thường nói “hỗn như bán cá” (xin lỗi), nhưng tôi thấy Kha ta còn hỗn hơn bán cá nhiều, chữi độc hơn, hay hơn, dài hơn và cũng có văn hóa hơn. Thật thế, vì dùng thơ mà chữi tất nhiên phải có văn hóa rồi nhưng thơ của Kha tiệm Ly ngoài cái văn hóa còn văng ra cái văn chương khiến đọc nghe mà thỏa dạ vô cùng. Có ai vào đề bài thơ mà non ọe ra ngay đâu. Chỉ có cái anh chàng Kha ngạo đời lại “mửa” ngay ở câu thơ đầu tiên. Vậy mà khi đọc không ai bịt mũi, lại còn hỉnh to ra thưởng thức cái mùi chua khó ngửi hơn dấm mới lạ làm sao:

Chẳng có bầu mà tự nhiên muốn ói,
      Chẳng phải thằng điên sao đột ré lên cười.
      Rượu uống suông, uống một mình quen thói,
      Nhức tai nghe con kéc nói tiếng người!  



Chẳng  phải ói trong thơ, anh ta còn cười ré lên như thằng khùng. Vì sao thế?. À ra vì anh ta uống rượu một mình buồn chăng?. Chẳng phải thế đâu. Là vì anh ta uống rượu một mình trong yên lặng đã quen, nhưng tại vì lần nầy bị con kéc phá đám không cho bình yên ngồi uống, dùng thứ tiếng người của kéc,  thử giả tiếng người của loài vô tri không nhân tinh nói ra rả vào tai. Có thật kéc nói không? Cũng không đâu. Tất nhiên nếu kéc nói thật thì Kha tiệm Ly có thể thích thú lắng nghe và tán dương khen thưởng chớ mấy khi lại ói ra đâu. Ói ra là vì ngược lại, là vì người mà nói như kéc đó thôi. Thật ra người mà nói như  kéc được là người có biệt tài giả tiếng loài vật đáng khen, nhưng “kéc nói tiếng người” là nói suông, nói những điều người ta bày mà không do lý trí mình suy nghĩ, con tim mình cảm xúc mà ra, hay chua cay hơn là kéc học làm người! Hóa ra suy cho cùng Kha Tiệm Ly không chữi kéc nói tiếng người đâu mà chưởi “kẻ làm kéc nói tiếng người” đó vậy.

Đúng thế, trong vế thơ kế tiếp Kha tiệm Ly nói mình ói ra, mình ré lên là vì cái bọn ấy khiến cho Kha tức tối:

Nhân cách một đời người còn rao bán,
      Còn thơ ta muốn bán chẳng ai mua.
      Lỡ dạy học trò cái Tâm trong sáng,
      Nên vào đời đứa thiệt đứa thua!



Hóa ra Kha nhà ta ganh tỵ với bọn người nói tiếng kéc ở trên. Thật vô lý, đời nầy người ta bán nhân cách đi thì mới thăng quan tiến chức, mới giàu sang phú quý, mà người mua nhân cách thì cũng dùng tiền để tô điểm cho mình, bôi son cho sự nghiệp để vang danh trong thiên hạ. chớ thơ bán thì ai mua làm gì,  vì nó đăng đầy trên hàng trăm trang web, mở mạng thì đọc được ngay đâu cần chi bỏ tiền ra mua cho hao tốn.  Kha tiệm Ly trở thành…  “Kha đậu hủ” rồi! Vì thời bây giờ mà còn không biết tính toán chi ly kinh tế, lại còn lạc hậu ôm khư khứ cái nhân cách của mình không chịu bán đi như bọn kia. Đã thế Kha thành “đậu hủ” thật vì còn nghĩ sai. Bọn “kéc nói tiếng người” đâu có nhân cách mà bán, họ có bán chăng là bán luôn cái giả nhân cách của họ mà thôi. Họ vốn thiệt thòi hơn Kha vì sinh ra không có nhân cách nhưng họ được trời thương hơn Kha vì họ đắc thời còn Kha thì mạt vận! Kha còn một cái tội lớn lao, là làm giáo dục theo kiểu phong kiến xa xưa, đem cái tâm trong sáng ra bảo học trò cứ thế mà ôm giữ khư khư, khiến cho hậu sinh thừa tự cái gia tài trong như hạt sương ấy tan ra trong nắng mưa thực tế giữa đời, thua thiệt với người cũng chẳng khác chi Kha. Cái tâm bây giờ là cái tâm “kinh tế thi trường” khác hẳn xưa. Cái tâm ấy phải chủ động làm biến đổi xu hướng con người và phải được quảng cáo hằng ngày láo khoét trên TV để thu về lợi nhuận thật cao. Cho nên cái tâm bây giờ có mấy người mà giữ được trong sáng như Kha đâu. Trách Kha nhưng mà cũng thương Kha và khen Kha lắm, vì nhờ những người thủ cựu như Kha làm ngọn hải đăng trên cao định hướng tìm về cho biết bao con thuyền đang lênh đênh trong cơn giông bão trôi trên biển đạo lý suy đồi. 

Qua vế thơ thứ ba Kha Tiệm Ly say thật rồi. Đã ói ra, đã cười lên the thế lại còn đập bàn chữi bới lung tung, gọi đến kẻ sĩ, gọi đến người làm văn mà móc họng người ta:

      Chẳng bằng, bọn tự xưng kẻ sĩ,
      Bôi tro, muối mặt riết thành quen
      Đứa háo lợi háo danh, đạp chà sĩ khí
      Ôm đống bạc tiền bất kể trắng đen.
      Đứa mượn chút văn chương lếu láo,
      Làm mặt mo che đậy cái tâm hèn



Bọn kẻ sĩ ấy chỉ là kẻ sĩ giả, tự bôi tro muối mặt vào thân, còn bạn kẻ  sĩ thật khồng tự bôi tro muối mặt nhưng nói như ở vế thơ sau phải “lên rừng đốt củi làm than”, “Vác cần ra sông Vị” thì cũng bị mưa nắng làm cho đen thui thủi, còn xấu xí hơn bọn kẻ sĩ kia gấp nhiều lần. Có chăng là bọn kẻ sĩ giả có tiền nên rửa bên ngoài được nhưng bệnh thì thâm vào tim, gan, phèo, phổi càng ngày càng ô uế thêm ra, còn kẻ sĩ thật thì nhờ nắng mưa mà giữ gìn cho sức khỏe, tuy bề ngoài nám đen nhưng bên trong mạnh như trâu, chẳng có vết dơ gì thâm nhập vào tâm can được. Phải nói trong bọn nầy không có Kha, không có tôi cũng chẳng có vị nào điên mà tự nhận mình xấu xa cả. Vậy thì Kha chữi ai đây? Đích thị là Kha chữi đổng. Thật tình chê Kha chữi đổng còn thua xa Chí Phèo. Giá mà Kha gọi cha, gọi ông. gọi ba đời dòng họ nhà nó ra mà chưởi như Chí Phèo chưởi thì hay biết mấy. Tuy thế cũng nên châm chước cho Kha, vì Kha chữi theo kiểu có văn hóa còn Chí Phèo thì chữi theo kiểu vô văn hóa mà đem ra so bì sao được!

Hết muốn ói, hết cười, hết chữi, bây giờ miệng lưỡi Kha tiên sinh trầm lắng xuống  nghe cũng thấy hơi buồn:


Thương học trò ta:
      Em “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”
      Cho đời nầy còn có Lục Vân Tiên.

      Lại thương em bút nghiên không thỏa chí,
      Gồng gánh lên rừng đốt củi làm than.
      Em chờ vận vác cần ra sông Vị.
      Em như thầy, vỗ bụng nghênh ngang!

      "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giá” hiểu nôm na là “Thấy việc nghĩa không làm thì không phải dũng”. Câu nầy còn đi theo một câu nữa là “Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” hiểu nôm na là  “Gặp người lâm nguy không cứu thì không phải anh hùng”. Hai câu nầy đoán mò cũng biết của các thầy đồ ngày xưa dạy học trò làm người anh hùng sống giữa cuộc đời. Người hùng ngày nay khác xa, đó là “Thấy bia rơi không “cáp duồn” không dũng/ Chốn đông người không chen lấn không hùng”. Kha tiên sinh dạy học trò ngược về cái thời “cửa Khổng sân Trình” nên học trò “bút nghiên không thỏa chí”, “lên rừng đốt củi làm than”, “ vác cần ra sông Vị” chờ đến suốt đời cũng chẳng ai dùng là rất đúng, chớ có than van! Nói thì nói thế nhưng suy nghĩ lại, ngày nay nếu không có các vị Bồ Tát nầy lấy thân mình ra làm chiếc đuốc soi cho con đường trần gian có thêm chút ánh sáng, thì chiếc xe chở sự suy đồi sẽ bon bon đưa loài người xuống hố sâu tội lỗi. Họ chỉ như những con đom đóm bay trong đêm, nhưng đom đóm cũng báo động cho người biết mình đang đi trong đêm rất cần ánh sáng ban mai.



Rồi thì Kha than van đốt đuốc “tìm đỏ mắt không ra tri kỷ” thật là ngạo đời:

Tìm đỏ mắt không ra người tri kỉ,
      Giận bấy nhân gian ta viết Lý Ngạo Đời
      Một khúc giang hồ bỏ liều cũng phí
      Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi!



Cỡ như Kha tiệm Ly có đầy. Nhưng nghĩ lại cũng đúng, cỡ như Kha tiệm Ly có đầy nhưng làm thơ ngông như Kha và ngạo đời như Kha thì có một. Châu Thạch cũng muốn mon men đến xin làm tri kỷ nhưng đọc thơ xong thấy học trò của Kha như thế, mình mà làm bạn Kha thì chắc trơ xương nên rút êm cho khỏe cái thân già. Kha giận nhân gian mà viết Lý Ngạo Đời là gãi ngứa cho nhân gian. Vậy mà đúng thật, đọc Lý Ngạo Đời của Kha, Châu tôi thấy đã ngứa từ môi đến lưỡi vỗ bụng lên tim sướng ơi là sướng. Kha tiên sinh lại dùng khúc giang hồ Lý Ngạo Đời “Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi” là tốt quá, vì cái Lý nầy nó như con rắn có nọc,  đời sợ vô cùng, nhưng ngâm nó vào rượu thì uống vào bổ xương bổ cốt. Nọc của rắn nguy hiểm cho bọn đi đêm nhưng đem chữa bệnh cho đời thì tốt vô song.

Một khúc giang hồ bỏ liều cũng phí
      Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi!



“Uống chơi”, nó toát lên cái ngạo nghễ, cái “ngạo đời” đến thế là cùng!


Chữ tào lao theo định nghĩa là “Không có gì thiết thực, đúng đắn, chỉ nói ra cho vui”. Vậy cho nên xin tác giả và bạn đọc xem như Châu Thạch tôi nhảy cỡn lên vì đọc Lý Ngạo Đời thấy đã quá mà thôi. Thật tình xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi nếu tào lao sai phạm điều gì./.

Châu Thạch

Đà Nẵng 8/5/2014   
                                             




READ MORE - TÀO LAO VỚI "LÝ NGẠO ĐỜI" CỦA KHA TIỆM LY - Châu Thạch

BUỒN! - chùm thơ Hoa Nguyên




BUỒN!

Nói chi cũng đã muộn rồi!
nỗi buồn muôn thưở
cứa rời tâm can
Giọt dài…
giọt ngắn
bâng khuâng
Chừng nghe mặn đắng
khoác choàng lên tôi
Ngõ xưa
nức nở khôn nguôi
Khiến đêm lạc lối
buồn trôi não nề
Tôi chừ ảm đạm ủ ê
mua phiền chuốc lụy
chi hề!
lẻ loi…
Khối buồn kết tủa trong tôi
Sụt sùi viễn xứ
thấu trời sao đang?
Chở buồn
chập choạng
lên đàng
cô liêu
ủ dột
trễ tràng
chênh chao
Xua buồn
vàng vọt hanh hao
đốt hiu quạnh
để thương nhau cháy lòng!



CHÂN THẬT

Sóng tình
cuộn chảy xôn xao
Từ em
ngọt lịm môi
dào dạt thơm
Nắng vàng rạo rực
hương đơm
Mây hồng trôi khắp trời
gom gió về
Cho lòng dịu mát đê mê
hồn nhiên sống đẹp
mùa hè trong xanh
Yêu anh
biết trọng thanh danh
vượt trên cố tật
đành hanh tầm thường
chắt chiu kỷ niệm thân thương
cùng vui cùng quý
quãng hồn mộng mơ
Tim em trọn vẹn tôn thờ
Tình anh trọn kiếp đợi chờ hồn hoa




ĐÊM NAO TRĂNG THỀ?

Đêm nao
anh đón trăng thề?
cuối trời tĩnh lặng
lối về xa xôi
Cỏ xanh vờn rối rít mời
đốt buồn tan chảy
trăng trôi lạc dòng
cập bờ thương
vấp long đong
Trăng thề đêm ấy
quặn lòng tới nay
Nhũ tuôn hối hả tình đầy
hẹn lên tột đỉnh
miệt mài vọng cao
Trăng thề ùa ập
đêm nao?
vàng loang vụng dại
nhĩ nhàu
bén duyên
phải chăng vãn cuộc
ngược miền
Đêm trăng thề tới
anh tìm ngõ xưa?

Em chờ cũng đã xế trưa…

HOA NGUYÊN


*Nếu chưa hóa đá thì chưa chịu về!

NGUYỄN THỊ HOA
49/83A NGÔ GIA TỰ
PHAN RANG NT
094554 8707



READ MORE - BUỒN! - chùm thơ Hoa Nguyên

CHUYỆN TÌNH CỦA CẬU MỢ TÔI Ở ĐIỆN BIÊN - Nguyễn Hồng Trân


 



CHUYỆN TÌNH CỦA CẬU MỢ TÔI Ở ĐIỆN BIÊN



Sau khi nghe tin bà Ngọc Toản vào dự Festival ở Huế ra, sáng ngày 20-4- 2014, tôi đến thăm bà và tìm hiểu thêm về cuộc đời quân ngũ của bà và ông chồng bà là tướng Cao Văn Khánh nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên (1954-2014).



Ông Cao Văn Khánh là người bà con bên ngoại với tôi (Nguyễn Hồng Trân). Ông ngoại của tôi (Phan Thanh Tuân) và bà mẹ của ông Khánh (bà Phan Thị Sâm) là anh em ruột. Tôi thường gọi cậu Khánh và mợ Toản. Ông Khánh đã mất năm 1980, bà Ngọc Toản tuy nay tuổi đã cao (86 tuổi), nhưng  bà vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn đã kể cho tôi nghe vắn tắt về cuộc đời thăng trầm trong chiến cuộc. Đặc biệt là bà rất có duyên gặp lại người yêu cùng tham gia chiến dịch của quân dân ta đánh tan tập đoàn cứ điểm giặc pháp tại Điện Biên Phủ vào tháng 5, năm 1954.



 Bà Nguyễn Ngọc Toản [NNT] kể lại cho Nguyễn Hồng Trân [NHT] nghe:



-NNT: Cậu Cao Văn Khánh hồi xưa học ở trường Quốc học Huế, sau đó ra Hà Nội học trường Bưởi cùng một thời với ông Hoàng Đình Cầu. Cậu Khánh học xong Tú tài rồi học Cử nhân Luật. Sau đó về dạy môn Toán ở trường tư thục Phú Xuân, rồi sang dạy trường Việt Anh ở Huế. Đồng thời, cậu theo phong trào hướng đạo do ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu chỉ dẫn và vào trường quân sự Thanh niên Tiền tuyến ở Huế.



Đến năm 1945, sau cách mạng Tháng Tám, cậu vào đội Giải phóng quân [GPQ] của Việt Minh cùng đơn vị ông Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Chánh. Ông Thanh làm Chủ tịch và cậu làm Phó Chủ tịch GPQ Thuận Hóa. Còn mợ và cô Nguyễn Thị Lệ Tùng làm cứu thương cho đội GPQ. Sau đó cậu theo đội GPQ đi Nam tiến vào miền Nam Trung bộ. Sau đó, ông Khánh làm Sư đoàn trưởng, ông Hà Văn Lâu Sư đoàn phó của Sư đoàn 27.



Mợ không đi Nam tiến như cậu, mợ hoạt động nội thành Huế. Năm 1947, mợ bị giặc Pháp bắt, về sau mợ được ra tù rồi tiếp tục hoạt động. Mợ bị bắt lần 2 và bị trục xuất khỏi Huế. Mợ vào Sài Gòn học trường Maricuri và tiếp tục tham gia hoạt động CM trong sinh viên.Hồi đó có cô Bình Thanh, ông Phạm Xuân Ẩn, Trần Văn Ơn cũng học trường này và tham gia phong trào SV chống thực dân Pháp. Sau một thời gian bị lộ, mợ ra lại tỉnh Thừa Thiên, lên chiến khu Dương Hòa tham gia kháng chiến. Ngày 19-5-1949, mợ được kết nạp Đảng do ông Nguyễn Chí Thanh giới thiệu. Tiếp đó, mợ được điều ra Nghệ An công tác và học thêm về nghiệp vụ Y tế. Đến năm 1950, có thư của Bác Hồ cho đưa gia đình BS. Đặng Văn Ngữ ra Việt Bắc giúp Chính phủ Kháng chiến. Ông Ngữ xin đem đi theo 3 học viên y tế, trong đó có mợ (mợ là em ruột chị Tôn nữ Thị Cung-vợ ông Ngữ).



-NHT: Thưa mợ, thế cậu mợ ra Bắc lên tham gia chiến dịch Điện Biên lúc nào?



-NNT: Ông Khánh, năm 1948 làm Trưởng Khu 5, sau khi ông Nguyễn Sơn có lệnh cấp trên điều ra Thanh Hóa nhận trách nhiệm mới. Sau đó cuối năm 1949, cậu cũng ra Bắc vào Đại đoàn 308. Ông Vương Thừa Vũ làm Đoàn trưởng, cậu làm Đoàn phó, kiêm Tham mưu trưởng. Sau chiến dịch Hòa Bình năm 1951, cậu đến tìm mợ với tình cảm người đồng hương xứ Huế. Hai năm sau, đến tháng 12 năm 1953, từ hậu phương Thái nguyên, Đại đoàn 308 lên đường hành quân đi chiến dịch Trần Đình (tên gọi bí mật của chiến dịch Điện Biên Phủ).



-NHT: Thưa mợ, như thế cậu mợ yêu nhau từ khi nào và cưới nhau lúc nào?



-NNT: Thực ra, cậu mợ đã quen nhau từ thành phố Huế sau cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Hồi ấy, mợ mới 16 tuổi, công tác tại Đội cứu thương GPQ, còn cậu thì đang lo việc quân bận rộn suốt ngày đêm. Cậu mợ chưa nghĩ đến chuyện yêu đương. Hơn nữa, mợ hồi ấy còn trẻ quá, lo gì! Sau đó chiến tranh xẩy ra, cậu mợ lại xa nhau mấy năm trời mới gặp lại nhau sau chiến dịch Hòa Bình năm 1951 và đến chiến dịch Điên Biên (1953 -1954). Trong mấy năm trời đó, cậu mợ cũng ít khi được gặp nhau, chỉ tâm tình với nhau qua thư từ thôi.


Cậu mợ thực sự thương yêu nhau từ khi gặp lại cậu một cách tình cờ, khi cậu vừa ở Lào về cuối năm 1953 để chuẩn bị vào chiến dịch Điện Biên. Hồi ấy mợ đã ghi vào trang nhật ký như sau:



“Buổi gặp gỡ tình cờ đó ở giữa núi rừng Điện biên đã làm tôi thấy rõ lòng mình đã thật sự yêu anh Khánh. Lúc chia tay nhau mà lòng tràn ngập niềm vui của cuộc gặp gỡ… Âu cũng là một sự kiện mà Trời Phật sắp xếp để tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua được những thử thách của những ngày sắp đến”.



 Cuối năm 1953, cậu lên tham gia chiến dịch Điện Biên. Sau đó, mợ cũng lên theo đơn vị cứu thương của chiến dịch này. Mợ lo làm Y sĩ lo chăm sóc thương bệnh binh tại Đội cứu thương của bệnh viện dã chiến. Bệnh viện này đóng tại Bản Tấu (cách chiến trường vài chục cây số). Lúc bấy giờ cậu mợ tuy ở trong vùng Điện Biên, nhưng mỗi người một nơi, ít khi được gặp nhau.



Mợ cũng muốn biên thư dài cho cậu để chia sẻ nhiều chuyện vui buồn của mợ, nhưng sợ cậu Khánh phân tâm trong lúc cậu còn bao việc nhà binh căng thẳng. Thỉnh thoảng cậu biên thư cho mợ. Trong một bức thư có đoạn:



“Trước giờ phút quyết liệt, anh nghĩ đến bộ đội, đến em. Anh hi vọng rằng những chiến sĩ bị thương do sơ suất, những khuyết điểm của anh trong chỉ huy chiến đấu sẽ được bổ khuyết bằng sự chăm sóc dịu dàng của em”.



Trong một bức vào những ngày đầu tháng 5 kết thúc trận chiến mà quân dân ta đã toàn thắng giặc Pháp tại Điện Biên, cậu rất xúc cảm với thời điểm lịch sử ấy và liền viết thư để chia sẻ với mợ nỗi niềm vui sướng đó:



 “Em thân yêu! Ngày hôm nay là một ngày vui lớn của toàn quân, toàn thể nhân dân chúng ta. Ta đã đánh gục kẻ thù ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ, bắt tù binh hơn một vạn quân với toàn bộ đại bác xe tăng của chúng ... Toàn quân, toàn dân phấn khởi trước chiến thắng vĩ đại đó. Nhân dân các nước cũng chia vui với chúng ta, vì đó cũng là một thắng lợi để củng cố nền hòa bình thế giới. Quân đội ta đã trưởng thành mau chóng, dù còn rất nhiều khuyết điểm.



Em hãy lặng yên nhắm mắt để tưởng tượng niềm vui sướng của toàn thể nhân dân. Anh gửi cho em nỗi vui sướng của đơn vị ta sau những chiến thắng dồn dập. Anh gửi em nỗi vui sướng của lòng anh, trước sự trưởng thành của quân đội ta, trong đó đoàn ta đã góp vào một phần xây dựng”.



Sau chiến thắng quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Ban lãnh đạo chiến dịch ĐBP đề nghị tổ chức đám cưới cho cậu mợ ở trong hầm tướng De Castries (Đờ- Cát). Lúc ấy tin đột ngột quá, mợ bối rối, mợ nói với Ban lãnh đạo (có ông Vương Thừa Vũ và ông Trần Nam Trung) cho để lại việc hôn lễ sau vào một thời gian ổn định mọi việc thu dọn chiến trường và đồng thời mợ phải về Bản Tấu xin phép bà mẹ mợ là bà Phạm Thị Tiên đang ở vùng có đội điều trị thương bệnh binh ở đó. Nhưng ông Vương Thừa Vũ cứ thôi thúc cậu mợ nên chấp thuận làm lễ thành hôn và nói để các ông xin phép bà mẹ thay cho, cứ yên tâm tổ chức lễ cưới dã chiến cho kịp thời. Vì đó là một sự kiện lịch sử đặc biệt có một ý nghĩa rất hay trong ngày quân dân ta toàn thắng quân xâm lược Pháp. Thế là cậu mợ tuân theo Quyết định của Ban tổ chức làm lễ thành hôn vào ngày 22-5-1954 trong căn hầm tướng Pháp De Castries đã đầu hàng quân ta.



Hôm tổ chức lễ cưới cho cậu mợ thật giản đơn nhưng trang trọng, vui vẻ, tưng bừng trong quang cảnh những ngày toàn quân dân ta mừng chiến thắng Điện Biên. Ông Trần Nam Trung làm chủ hôn. Bà con “hai họ quân đội” vỗ tay đề nghị cô dâu chú rể hát tặng bà con. Cậu hát bài “Anh bộ đội về làng”, còn mợ hát bài: “Em bé Mường La” và mọi người cùng hát theo rất nhiệt tình. Nhiều người cười vui nói to lên: “Đề nghị cô dâu, chú rể hôn nhau đi!”. Thế là cậu mợ hôn nhau lần đầu tiên trước đám đông đồng đội. Hôm đó cậu mợ rất xúc động nhìn nhau mỉm cười mà đôi mắt nhòa lệ. Sau buổi lễ thành hôn lịch sử đó, cậu về nói với mợ: 



 “Hôm nay, chúng ta rất vui sướng được sự ưu ái của các đ/c có mặt trong buổi thành hôn đặc biệt của chúng ta trên chiến trường đã im hẳn tiếng súng. Chúng ta vô cùng nhớ ơn các đ/c, đồng đội đã hy sinh trên chiến trường này để đến hôm nay chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc riêng tư trong niềm vui sướng chung của cả dân tộc. Vợ chồng mình sẽ cố gắng hết sức mình để sống cho xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân đội ta,với niềm tin của nhân dân ta; niềm tin của Đảng và bác Hồ”.

 

Còn đối với mợ, hôm đó là một ngày kỷ niệm nhớ mãi trong đời mình. Trong buổi lễ cưới ấy, các đ/c, đồng đội có mặt đều vui vẻ đến chúc mừng cậu mợ thành vợ chồng. Lúc đó mợ rất xúc động vì mình sau chiến trận vẫn còn sống và được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Lúc ấy mợ hình dung lại những ngày đêm trên chiến trường bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, trong đầu mợ cứ nhớ mãi những gương mặt trẻ trung của các chiến sĩ bị thương nặng rồi có người đã tắt thở trên cánh tay chăm sóc cấp cứu của mợ. Những hình ảnh ấy cứ hiện lên trước mắt mợ, làm mợ không cầm được nước mắt. Mợ nghĩ rằng, mình phải cố gắng phấn đấu trở thành một người thầy thuốc tốt và giỏi để cứu chữa cho đồng đội, cho nhân dân có hiệu quả.



Cũng trong ngày hôm ấy, cậu mợ hẹn nhau lên nóc chiếc xe tăng của quân ta đã tấn công vào ĐBP để chụp ảnh kỷ niệm.



-NHT: Cháu rất cám ơn mợ đã kể lại cho cháu biết rõ được chuyện tình của cậu mợ đã gắn liền với chiến thắng lịch sử của quân dân ta tại Điện Biên Phủ.



Cháu kính chúc mợ sức khỏe và mọi sự an lành và cho cháu được thắp nén nhang lên bàn thờ cậu, chúc cho linh hồn của cậu siêu thoát vào miền cực lạc ở cõi vĩnh hằng.



Nguyễn Hồng Trân


*****                         


Ghi chú: GS.Nguyễn Thị Ngọc Toản là con gái của cụ Tôn Thất Đàn-Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn. Bà Toản là Đại tá Bác sĩ Quân y, là Ủy viên TW Hội nạn nhân chất độc da cam-Dioxin.
 

READ MORE - CHUYỆN TÌNH CỦA CẬU MỢ TÔI Ở ĐIỆN BIÊN - Nguyễn Hồng Trân

MƠ HỒNG - thơ Thy Lệ Trang

Thy Lệ Trang


MƠ HỒNG
(Họa “Giấc Mơ Trưa” thơ Châu Thạch)


Mây hồng thấp thoáng giăng đầu núi
Đón bước anh về giữa nắng trưa
Ngập ngừng tiếng võng buồn đưa
Bên thềm, sứ trắng mới vừa trổ bông
Em mơ - anh biết gì không?
Thênh thang bến mộng, nửa vòng chim bay...
Ta cùng nhau ngẩn ngơ say
Em bên anh... nép trong tay rất hiền
Không là tiên, cũng trích tiên
Vầng trăng cổ tích dành riêng tặng người
Trong mơ em thấy anh cười
Xôn xao ánh mắt gấp mười lời thương.
Ngựa hồng hãy buộc bên đường
Cho nhau giấc mộng bình thường mà thôi
Quên đi một cõi luân hồi
Cùng em một giấc bên đồi ngủ trưa
 
Thy Lệ Trang
Quê Biên Hòa
Hiện sống ở Massachusets, USA
READ MORE - MƠ HỒNG - thơ Thy Lệ Trang

GỬI MỘT NGƯỜI HÁT NHẠC TRỊNH - thơ Phạm Xuân Dũng



 
GỬI MỘT NGƯỜI HÁT NHẠC TRỊNH
(Nhân đêm biểu diễn của ca sĩ K.L)


Sao không về hát giữa quê hương
Hát giữa quảng trường với đồng bào yêu nhạc Trịnh
Hát cho anh xe thồ một thời đi lính
Hát cho chị lao công quét rác trên đường.


Sao không về hát giữa quê hương
Cho bà mẹ mất chồng, lạc con qua bom rơi đạn nổ
Cho người cụt tay bốn mùa rao vé số
Cho em sinh viên vừa học vừa làm.


Những người không có tiền mua vé xem cô hát
Đã từng yêu giọng ca máu đỏ da vàng
Đã từng biết chiến tranh và nỗi buồn chia cắt
Đã từng nhớ một người con gái Việt Nam.


Cô bán giọng mình với giá cao ngất ngưỡng
Hát giữa quê hương vẫn tính chuyện kim tiền
Khán giả những người ăn sung mặc sướng
“Em còn nhớ hay em đã quên...”


Cô thừa hưởng gia tài của mẹ
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”
Cô hát gì đây khi ngoài kia cửa bể
Bọn xâm lăng hung hãn muốn tràn vào.


Cô thừa hưởng gia tài của Trịnh
Của đồng bào nước Việt quê hương
Thôi đừng hát, chẳng thà câm nín
Để đồng bào còn nhớ, còn thương.


Ngày 8/5/2014.
Phạm Xuân Dũng
dpthachthao@gmail.com
READ MORE - GỬI MỘT NGƯỜI HÁT NHẠC TRỊNH - thơ Phạm Xuân Dũng

QUẢNG TRỊ CHÂU Ô - thơ Chu Vương Miện


Tranh của Họa sĩ PHAN LINH BAO HANH từ trang LOTUS GALLERY



QUẢNG TRỊ CHÂU Ô
thơ chuvuơngmiện

*
1
lâu quá mơí nhận email của chị
thì ra chị vẫn sống vẫn còn
bao nhiêu đường đất chị qua hết
chỉ có nước mình chị lại quên ?
trong đầu nọ chi khi này khi nọ
có đôi lần chị nhắc tớí em
nhắc chừng chừng cho có nhắc
46 năm sông cạn đá mòn
đơì của chị mấy cơn gió chướng
đến và đi lật đật phũ phàng
bao thân thiết không giữ chân chị nổi
nhớ thương hoài tình cũng bé cỏn con
chồng chất mãi chị qua lục thập
vẫn kiên gan chân cứng đá mòn
ôi Quảng Trị cũng kệ cha Quảng Trị
em có chờ cũng mặc xác em ?
đơì chị bây giờ kể như đồ bỏ
cha mẹ anh em chừ cũng chả còn ?
chị có sống cũng nghỉ nơi nước nhược
có trách gì ? chị nghĩ chỉ có em

2
chị đi ngoài đường đầu quên những con đường
chị ngôì trong quán quên đi ly nước lạnh
chị vào thiền môn tịnh tọa
mấy mươi năm chị quên cha lẫn mẹ
quên cả anh chị và các em
đến mồ mả ông cha chị cũng quên luôn
chỉ thân thiết những kỳ quan thế giới
chị mỏi chân từ sớm mai tới tối
những đền đài miếu mạo thủa xưa
những tháp lăng mồ mả những ông vua
thôi đủ thứ từ vàng đen tới trắng
quê quán cũ toàn củ tam thất đen cực đắng
nên thoát ly chả ngoái quay về
chị em mình như nuớc dưới khe
chẩy rỉ rả chẩy qua vách đá
dù chúng ta là chị em cũng là ngươì lạ
giọt máu đào trong ao nước lã
với bùn đen mục ải bao thời
nước mắt nào từ thủa biết chẩy xuôi
nên cứ vậy chưa bao giờ chuyển lại
chị ra đi sống 1 thời thoải mái
không tấm chồng cũng chả có con
sống khơi khơi dăm tháng dăm hôm
với đủ thứ giang hồ tứ chiếng
mấy mươi năm chị thứ gì cũng chán
thì sá gì trường cũ thầy cô xưa ?
gió thờ ơ rít trên mấy tàu dừa
nghe lất phất như tấm lòng gái giá
1 lũ quạ bay qua đen thùi lùi [à lũ quạ]


3
chị giờ sống cũng bằng không ?
không tình không nghĩa không trông đợi gì
dậu khoai tiếp đến nương mì
chơ vơ tiếng hát hoạ mi gọi hoài
chị giờ chiếc bóng hôm mai
4 bên là biển sông dài suốt năm
mắt mòn tri hơĩ là âm
Tử Kỳ đã chết đàn cầm vỡ tan
hành vân lưu thủy trễ tràng
minh sơn cổ độ còn mang mang về
cầm đài mảnh gỗ còn kia
thuyền trôi hờ hững mấy bề tiêủ giang
mơ gì ? 1 chuyến đò hoang
châu về Hợp Phố còn đang ngóng đò
lòng sông còn có kẻ dò
lòng người còn có người đo người lường
thì thôi đào kép phường tuồng
kẻ la người hét đều buồn như nhau ?
chị giờ sống được bao lâu
mà sao trời á trời Âu đất người ?


chuvưongmiện


READ MORE - QUẢNG TRỊ CHÂU Ô - thơ Chu Vương Miện

Châu Thạch - CA DAO KHIÊNG LỬA



CA DAO KHIÊNG LỬA

Thỏ rừng cong đuôi bỏ chạy
Chim từng đàn vỗ cánh bay đi xa
Dập vùi hương sắc vạn hoa
Xác loài chồn cáo phơi ra giữa rừng
Liêu trai gặp lửa bừng bừng
Bỏ công tu luyện đã từng ngàn năm
Thư sinh một giấc đêm rằm
Nằm mơ mắt lệ cũng đầm đìa rơi
Tử thần cởi gió rong chơi
Qua rừng oan khí rụng rời tay chân
Ai xuôi về phố một lần
Hỏi thăm dưới ấy có cần lửa đây?
Nếu cần thì cứ chung tay
Lên rừng chặt gỗ khiêng ngay lửa về.
Châu Thạch
 
READ MORE - Châu Thạch - CA DAO KHIÊNG LỬA