Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 8, 2014

Truyện ngắn TRĂNG XƯA CÒN SÁNG - Trường Hải Lê Văn Đông





TRĂNG XƯA CÒN SÁNG                                          

                                         
Những ngày chiến tranh ác liệt nhất (1968 -1972),hẳn những người trong cuộc thời đó không bao giờ quên. Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ 8/1964, không quân Mỹ mở rộng ném bom, bắn phá miền Bắc. Khu IV từ Thanh Hóa vào đến Vĩnh Linh là tuyến lửa ác liệt nhất, bởi đây là nơi tập kết hàng hóa quân sự và con người để chi viện cho Miền Nam qua đường mòn chiến lược 559.

Tuyến đường 7 trên đất Nghệ An từ Diễn Châu lên Mường Xén qua Lào là trọng điểm ném bom bắn phá liên tục của Mỹ suốt ngày đêm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã lấy tuyến đường này làm bối cảnh cho truyện ngắn nổi tiếng “Mảnh trăng cuối rừng” lúc bấy giờ.

Mảnh đất miền núi các huyện dọc đường 7 đã in sâu vào tâm trí của những người từng qua đây. Địa danh: Vĩnh Hoàn, Khe Diêm, Eo Vực Bồng,

Khe Choăng, Khe Bố, Rừng săng lẻ,…nơi trú chân của dân công hỏa tuyến, bộ đội đi C, nhất là cánh lái xe quân sự của Đoàn TH.10; TH.13 của mặt trận miền Tây lúc bấy giờ.

Trong chiến tranh nhiều chuyện đáng nhớ, đáng kể lắm. Tôi chỉ ghi lại một câu chuyện nhỏ trong muôn vàn chuyện tình thời chiến mà thôi.


Chàng lái xe quân sự Mạnh Hùng, mới ngoài hai mươi tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông xung phong vào bộ đội, quê ở Hải Phòng vào lính dược vài năm nay. Anh cùng đơn vị trú quân ở đất Vĩnh Hoàn, thuộc Xã Bồng Khê, Con Cuông, bởi lấy hàng từ Ga Si, Diễn Châu lên đến đó trời vừa sáng, thời chiến xe chạy ban đêm để tránh máy bay Mỹ bắn phá. Ban ngày ngoài việc kiểm tra xe, ngụy trang xe thì cánh lái xe trẻ thường giao lưu với các cô thôn nữ dân quân làng. Nhiều mối tình thời chiến sau này thành đôi lứa uyên ương. Có một tình yêu thời ấy vắt qua hai thế kỉ, như một chuyện cổ tích, tôi sẽ kể để mọi người cùng nghe. Đó là chuyện tình của Mạnh Hùng.

Nhà mẹ Tâm ở sát vách lèn, cạnh cầu Khe Diêm lạ nơi cánh lái xe đặt bếp nuôi quân hậu cần của dơn vị. Mẹ Tâm có ba người con, anh đầu tên Báu, đi bộ đội ở chiến trường B, cô em gái tên Thanh Chương, mười chín tuổi đang ở nhà, tham gia dân quân tự vệ, còn cậu em út tên Qúy còn nhỏ học cấp một. Chồng mẹ Tâm mất đa 5 năm nay .

Ngôi nhà tranh của mẹ Tâm luôn ăm ắp tiếng cười, giọng nói vui vẻ, lạ tai của các chàng lính quê đa phần là các tỉnh phía Bắc nước ta.

Đang tuổi thanh xuân, Thanh Chương hồn nhiên, xinh tươi như một đóa hoa rừng. Dáng người thon gọn, da trắng, đôi mắt sáng, mái tóc dài đã làm mê mệt các chàng lính trẻ, người đã bắn trúng đích mũi tên ái tình tới cô là Mạnh Hùng. Hết mùa mưa sang mùa khô, hết tuần trăng này sang tuần trăng khác, tình yêu của hai người lớn dần theo năm tháng. Mỗi lần ghé xe qua, Mạnh Hùng đều có món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa tặng Thanh Chương, khi thì chéo dù ngụy trang, khi thì chiếc lược đuya- ra làm từ cánh rốc-két của máy bay Mỹ bắn xuống…Thanh Chương bao giờ cũng có quà tặng lại người yêu: khi thì chiếc khăn tay màu xanh hòa bình thêu bông hoa hồng đỏ thắm ở giữa, góc trái là đôi chim bồ câu trắng quấn quýt bên nhau, góc phải là hai chữ “Thủy chung”; khi thì một chùm hoa sen hồng vừa hái ở ao làng…

Cuối năm 1971, sang đầu 1972 Đoàn xe vận tải quân sự TH10 chuyển  tuyến hoạt động vào sâu trên đường Trường Sơn , Mạnh Hùng đi trong số đó.

Chiến dịch nối tiếp nhau, thời chiến nên thư từ thông tin liên lạc ngày càng thưa dần, hầu như bặt vô âm tín. Những ngày sắp kí Hiệp định Pa-ri đầu 1973, Thanh Chương nhận được một lá thư của đồng đội  Mạnh Hùng báo tin: xe của Mạnh Hùng bị trúng bom khi đang hành quân, anh bị thương nặng đã hy sinh.

Thanh Chương khóc mấy ngày liền,cô quá thương nhớ cho người yêu của mình. Cô xót xa cho mối tình  đầy kỉ niệm đẹp như vầng trăng tròn trịa nhưng ngắn ngủi của mình với anh lính trẻ quả cảm, lãng mạn mà cô chỉ biết quê anh qua lời giới thiệu của anh. Vết thương lòng rồi cũng nguôi ngoai qua năm tháng, vì con người còn nhiều việc phải làm trong cuộc sống, cuộc chiến để giành Độc lập, tự do cho đất nước, gia đình.

Hai năm sau khi đã sang tuổi 24, Thanh Chương lập gia đình với một chàng cùng quê đi lính trở về. Bốn mươi năm chung sống cùng nhau họ sinh được ba người con trai, nay đều đã trưởng thành, đã lập gia đình riêng, có công việc ổn định.

Cô Thanh Chương xinh đẹp ngày nào giờ đã thành bà cụ tuổi sáu lăm có đến 5 đứa cháu nội. Ông nhà sau một thời gian bạo bệnh đã qua đời ở tuổi sáu mươi sáu. Bà vẫn ở lại ngôi nhà của mình để hàng ngày hương khói cho ông, cạnh nhà các con của mình.

Ở trên đời này không ai biết hết sự bất ngờ! Trong trận bom B52 chặn đoàn xe vận tải quân sự của ta, Mỹ muốn tiêu diệt đoàn xe và các dũng sĩ quả cảm của ta, nhưng đâu được. Mạnh Hùng bị thương nặng trong trận đó, anh được cấp cứu kịp thời, được chuyển về tuyến sau. Thần chết phải chịu thua anh và đồng đội.Vết thương lành dần, anh được chuyển về Đoàn an dưỡng ngoài miền Bắc một thời gian, sau đó anh được phục viên về quê nhà. Một thời gian sau, anh lấy vợ cùng quê. Vợ anh cũng là lính thông tin trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt năm xưa. Ngân Hạnh, tên vợ anh, cũng xuất ngũ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975.

Hạnh phúc của những người lính thương binh sau chiến tranh thật bình dị. Những khó khăn chung của đất nước sau chiến tranh cả dân tộc cùng chia sẻ.Vợ chồng Mạnh Hùng – Ngân Hạnh tiếp tục tham gia công tác đoàn thể, xã hội ở địa phương. Họ có với nhau hai đứa con, một trai, một gái. Ai từng sống vào hoàn cảnh đất nước sau ngày thống nhất đất nước mới thấy được bao khó khăn, khó về giao thông vận tải, khó về thông tin liên lạc, nên Mạnh Hùng và Thanh Chương không có một thông tin nào về nhau cả. Cuộc sống hai bên cứ bình an trôi theo cùng năm tháng.

Cách đây ba năm, do di chứng chất độc Đioxin ở chiến trường, sức khỏe bà Ngân Hạnh yếu dần, cộng thêm bệnh cao huyết áp thất thường, mặc dù chồng, con tận tình chạy chữa nhưng bà không qua khỏi. Hai con đã trưởng thành, có gia đình riêng, đều có công ăn, việc làm ở các cơ quan Nhà nước đều có nhà ở thành phố. Ông Mạnh Hùng vẫn ở một mình với ngôi nhà vợ chồng ông tần tảo dựng nên trong những ngày đầu gian khó. Ông tham gia sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh xã, Hội người cao tuổi xã, huyện… lấy đó làm niềm vui khỏa lấp trống vắng tuổi già đơn chiếc.

Cách đây vừa đúng hai năm, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức chuyến về nguồn “Thăm lại chiến trường xưa” vào Khu IV, ông Mạnh Hùng là đại diện của Hội cựu chiến binh xã được tham gia .Nói sao hết nỗi niềm vừa phấn khởi, vừa hồi hộp xen lẫn vui buồn của những người được đi trong chuyến nay, nhất là ông. Thật khó hình dung cảnh vật, con người sau cuộc bể dâu hơn bốn chục năm qua, quá nửa đời người. Người xưa ai còn, ai mất? Bà Thanh Chương nay còn ở đó không, hay đã đi đâu rồi? Tình quân dân cá nước, tình đồng bào, đồng đội xao xuyến dâng trào!

Đoàn cựu chiến binh “Về nguồn” dừng xe tại làng Vĩnh Hoàn sau hơn một ngày rong ruổi trên đường thiên lý, theo yêu cầu đề xuất của ông Mạnh Hùng. Mảnh đất Vĩnh Hoàn xưa nay đổi thay nhiều bởi hai bên đường nhà cửa khang trang, nhiều nhà hai, ba tầng, có cả xe con, xe tải trong các ga-ra gia đình. Sau một lời hỏi thăm cậu thanh niên trẻ, ông Hùng biết được bà Thanh Chương vẫn còn ở đây. Hai người gặp lại nhau trong ngỡ ngàng, bùi ngùi xúc động. Cuộc gặp bất ngờ, người xưa hiện ra trước mắt mà cả hai người cứ ngỡ trong mơ. Họ thông tin cho nhau hoàn cảnh gia đình, con cháu, cuộc sống hiện tại và kịp đưa cho nhau số điện thoại trước khi đoàn xe tiếp tục hành trình.

Đoàn tham quan không trở lại theo lộ trình cũ mà trở về theo con đường mới hoàn thành cách đây vài năm: Đường tuần tra biên giới Việt- Lào, sau hơn mười ngày cả đi lẫn về. Một chuyến đi an toàn, trọn vẹn nghĩa tình.

Các con, các cháu ông Mạnh Hùng hỏi thăm và chia vui chuyến đi đầy ý nghĩa của bố và ông. Ông kể nhiều chuyện về chuyến đi trong đó nhắc đến chuyện ông gặp lại bà Thanh Chương , chuyện tình ngày xưa của ông. Các con ông điện thoại hỏi thăm bà Thanh Chương và không quên lời mời trân trọng bà Thanh Chương ra thăm chơi quê Hải Phòng của ông khi bà sắp xếp được thời gian, các con ông sẽ vào đón.

Sau chuyến đi ấy, về nhà tâm tính ông Mạnh Hùng có nhiều thay đổi, ông trầm tĩnh, ít nói hơn. Mắt ông nhìn xa xăm như đang chăm chú nhìn tìm một ngôi sao cuối chân trời trong vũ trụ mênh mông. Các con ông càng thương bố hơn, chúng tìm đủ cách để mời bố về ở cùng cho vui, nhưng ông không chịu. Ông có cái lý của mình: Cảm ơn các con, tuổi già bố muốn được yên tĩnh, bố muốn sống với hoài niệm của mình, với bà con làng xóm. Người đời có câu ví “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, các con ông thầm hiểu vậy.

Một dịp có ngày vui của gia đình, anh con cả thử dò ý ông: “Bố ạ, ngày xưa bố có tình cảm với bà Thanh Chương, hay các con đón bà ra chơi, biết đâu … trăng khuyết lại đầy,  đèn khêu lại sáng…”. Ông cười, im lặng.

Từ hôm đó trở đi các con giục ông thi thoảng gọi điện vào thăm bà, chúng cũng gọi điện xưng “dì với con” để nối gần khoảng cách. Con cái hai nhà của ông bà từ chỗ xa lạ dần biết nhau, hiểu nhau, thành chỗ thân quen.

Những người già cô đơn họ ngầm chia sẻ nỗi cô đơn với nhau, ông bà Thanh Chương – mạnh Hùng không ngoại lệ. Vốn đã có tình cảm từ thời thanh xuân, sau khi ông mạnh dạn đặt “vấn đề”, bà dường cũng xiêu xiêu. Người đời có câu “Tình cũ không rủ cũng về”, có cái lý của nó.

Sau vài lần ông, bà vào ra thăm nhau, gặp mặt con cháu hai bên, họ càng thương yêu, chia sẻ với nhau hơn.

Mùa xuân mới lại đến, bà quyết định trọng đại của đời mình: Bà về Hải Phòng ở với ông để cả hai cùng chăm sóc cho nhau sau hơn bốn mươi năm lỡ hẹn cuộc tình thời chiến. Con cháu, họ hàng, bà con, đồng đội cũ đều mừng cho ông bà. Chuyện tình của ông bà giống như truyện cổ tích.

Hết chiến tranh đến Hòa bình, sau cơn mưa trời lại sáng, vầng trăng xưa còn sáng tận bây giờ.

                                   Đỉnh Sơn, tháng 5/2014.

                                 Trường Hải Lê Văn Đông

No comments: