Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 19, 2015

HỘI AN - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân





Nguyễn Hữu Minh Quân


HỘI AN

         Kính tặng nhà thơ Hoàng Gia Độ.

Xanh buồn rêu xanh phố cổ
Tìm người bạc tóc tri âm
Lai Viễn kiều đêm đổ*
Chợt tình cờ cô đơn

Phố xưa mưa buồn không lữ thứ
Em xưa tay bế tay bồng
Đằng đẳng mười năm quay trở lại
Mấy tiếng chuông chùa rơi mông lung

                              19.9.2000
                              NHMQ


(*Tên gọi xưa của Chùa Cầu –Hội An)   
READ MORE - HỘI AN - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân

TRÊN THÁP PHÁO NHỚ EM - thơ Lưu Thế Quyền


Tác giả Lưu Thế Quyền

Lưu Thế Quyền

Trên Tháp Pháo Nhớ Em

Một mình trên tháp pháo
Mùa xuân đến ngợp trời
Nhớ em anh lại nhớ
Như cái thời thôi nôi.

Em ơi nơi này ấy
Tháp pháo và yêu thương
Vùng trời và em đấy
Là vừng lửa biên cương.

Mùa xuân qua tháp pháo
Chưa hẳn đã bình yên
Nhưng em vần thơ nhỏ
Cho anh vững niềm tin.

Quê hương trời xanh sắc
Trên tháp pháo nhớ em
Như vì sao xa lắc
Vẫn lung linh trước thềm.

                            LTQ




Lưu Thế Quyền
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc
ĐC: Khu doanh nghiệp Thanh Lãng,
Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
luuthequyen@yahoo.com.vn


READ MORE - TRÊN THÁP PHÁO NHỚ EM - thơ Lưu Thế Quyền

VÔ GIÁ - chùm thơ cây bút trẻ Hoàng Lê





VÔ GIÁ

Ngọc trai, vàng, bạc hay kim cương…
Quý nhưng đều có thể định giá
Ánh mắt em quá đỗi bình thường
Anh trót vay và không thể trả


CÒN LẠI

Cuộc sống con người không có gì là vĩnh viễn
Cũng như vũ trụ không phải là bất biến
Chỉ có một điều không dễ mất đi:
Tình Yêu - thứ luôn được tìm kiếm!


ĐÁ NÚI

Nắng cong vênh cả làn da
Mưa xối xả mòn mái tóc
Gió thổi lõm đôi mắt khóc
Vọng phu. Núi đá. Xa xa

Người đàn bà đá. Thiên ca
Ngàn năm sớm tối sương sa
Núi đá hóa thành bất tử
Thời gian. Bão tố. Nhạt nhòa






HÃY BƯỚC ĐI

Có ai nhìn được cuối đường mình đi
Cũng như sau đường chân trời là gì
Dường như đó là những điều vô định
Nếu chưa đi biết dừng ở nơi chi?

Và an toàn hay hiểm nguy, ai biết
Đường thênh thang hay sỏi đá chông gai
Phải đích thân mới có được trải nghiệm
Tự trả lời câu hỏi: Ta là ai?

Sống không đi cánh cửa hẹp khép dần
Luôn bí bách về những điều lăn tăn
Đôi khi tự hỏi mình sai hay đúng
Mình giàu sang hay đang sống cơ hàn?

Tuổi trẻ vàng thế hệ Hồ Chí Minh
Hãy dám nghĩ và dám sống nhiệt tình
Hãy ước mơ bầu trời luôn phía trước
Đừng ngừng đi, cuộc sống dưới chân mình.


HOÀNG LÊ,
(Lê Văn Cường) 
S: 24/9/1984, 
ĐC: số 6, ngõ 29, tổ 28, phường Minh Tân,
thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
ĐT: 0293.890.487 – DĐ : 01216.364.119
Email: lvcuong.c3ca@yenbai.edu.vn 
Nghề nghiệp: GV Lịch sử THPT

                            



READ MORE - VÔ GIÁ - chùm thơ cây bút trẻ Hoàng Lê

NGÀY EM VỀ - thơ Trầm Mặc

Tác giả Trầm Mặc


Ngày Em Về

           Trầm Mặc
         (Nguyễn Thị Bê) 

Rồi một ngày em về
Ngập chìm trong biển mê
Giọt hờn theo năm tháng
Dòng sông Hoài đê mê 

Ta đi giữa trưa buồn
Nghe giọt nhớ giọt thương
Phố cũ chiều lặng lẽ
Lá vàng mãi vấn vương

Ôi! ngày em trở về
Mưa ... mưa ... dài lê thê
Gió u hoài than khóc
Chạnh lòng nỗi sơn khê

Mưa... vẫn rơi não nề
Ai bảo em hẹn về
Lời buồn sao nói hết
Anh phổ khúc hẹn thề 

Em!
Có biết chăng?
Ai đêm trường không ngủ
Cây trút lá vi vu
Trăng treo lưng chừng ngõ
Anh vời vợi khúc ru ... 

Ơ  hờ! Em hẹn về ...
Ngày em về ...

Ôi!
Còn đâu mắt môi?
Tình anh đơn côi
Em còn hờn dỗi
Tình đầu xa xôi
Mộng vàng trôi thôi
Người ơi đâu rồi?
Ơ hờ ... đâu rồi ... đâu rồi ...

                        Vỹ Dạ Huế

                             2015
READ MORE - NGÀY EM VỀ - thơ Trầm Mặc

NGHE TIN THẦY ĐÃ ĐI XA - Thơ Phan Thạch Nhân


      
                     Tác giả Phan Thạch Nhân




NGHE TIN THẦY ĐÃ ĐI XA


Trời bắt đầu vào hạ
Ngậm ngùi nhìn bến lạ
Phương Nam buồn - mưa rơi.
Xưa dẫn lối em đi
Qua núi sông đất nước
Tất cả còn phía trước
Bụi phấn vương tay người.

Nghe tin thầy đi xa
Về nơi miền đất lạ
Học trò fone vội vã
Tiếng chuông chiều ngân nga.
Trang sử xưa còn đó
Thầy giảng nghe hào hùng
Giữa tiếng súng đì đùng
Đất nước thời lâm chung.

Nghe tin thầy đi xa
Chiều về rơi vội vã
Tả đôi dòng tưởng niệm
thương tháng ngày đã xa.

Thầy ơi! thầy đi nhé!
Rủ bỏ hết bụi trần
Về bên kia xa lắm!
Còn chút nào bâng khuâng?

Tiễn biệt thầy LÊ NGỌC DINH.
Học trò 69/72.
Phan Thạch Nhân

READ MORE - NGHE TIN THẦY ĐÃ ĐI XA - Thơ Phan Thạch Nhân

ÁM ẢNH - chùm thơ Trường Hải - Lê Văn Đông



Tác giả Trường Hải - Lê Văn Đông















Thơ Trường Hải - Lê Văn Đông


ÁM  ẢNH
(Cảm xúc sau khi xem phim MÙI CỎ CHÁY)
                                       
Hơn bốn mươi năm cuộc chiến đã đi qua   
Đất Quảng Trị đau một thời máu lửa        
Tám mươi mốt ngày đêm rung đất trời Thành Cổ        
Không gian chưa tan “Mùi Cỏ Cháy” ngày xa.     
Nham nhở đạn bom mưa nắng đã nhạt nhòa      
Vết thương thịt da bao con người liền sẹo 
Sông Thạch Hãn vẫn dòng xanh trong trẻo        
Trầm mặc trôi ám ảnh đến muôn đời
          
          Đỉnh Sơn, 4/2015


TỔ QUỐC 
                  
Tổ quốc vạn dặm rộng dài     
Núi rừng, sông biển, đất đai, con người…    
Bao đời thấm giọt mồ hôi      
Biết bao xương máu con người đi qua.         
Màu xanh trải rộng bao la      
Tim hòa nhịp đập bước xa bước gần.
Cha ông bình dị, tảo tần        
Bền gan dựng Nước vũ vần bão giông.         
Trong từng tấc núi tấc sông   
Âm vang tiếng nói tấm lòng Việt Nam

                               Đỉnh Sơn, 8/4/2015
                               


CÓ MỘT CON ĐƯỜNG NHƯ THẾ
                       ( Nghĩ về đường mòn 559)
           
Có một con đường lịch sử     
Được mở trong thời chiến tranh        
Tên đường năm tháng khai sinh         
Gắn liền với từng trận đánh.  
Năm năm chín -  của niềm tin   ( 559)
Mệnh lệnh phát từ trái tim     
Hướng về Miền Nam ruột thịt           
Đang còn chia cắt chiến tranh!          
Tuổi xuân từ giã quê hương                                                 
Bạt núi, san ngầm, phá đá      
Cho xe thẳng tới chiến trường                                           
Miền Nam cần người, vũ khí                                                 
Hậu phương tiếp sức tiền phương.
Năm tháng điệp trùng ra trận 
Tuổi xuân gửi lại chiến trường           
Tính ngày mở đường năm ấy       (5/1059)                                          Đích đến mười sáu năm sau        ( 4/  1975)                                       
Biết bao mồ hôi xương máu  
Tóc xanh giờ đã phai màu                                                
Tiếng khóc, tiếng cười nấc nghẹn                                                   
Giữa lòng Sài Gòn gặp nhau!             
Con đường có dài lắm đâu       
Chỉ vài giờ bay là đến  
Thế mà lê thê cuộc chiến           
Đời người có lúc chưa cùng!   
Hòa bình con đường rải nhựa   
Mặt đường trải rộng gương soi             
Đi trên con đường lịch sử         
Nhớ thương xen lẫn bùi ngùi.
                                                  
Đỉnh Sơn, 13/4/2015                         
Trường Hải Lê Văn Đông


                 
READ MORE - ÁM ẢNH - chùm thơ Trường Hải - Lê Văn Đông

KỶ NIỆM - Thơ Trúc Thanh Tâm


Tác giả Trúc Thanh Tâm










Thơ Trúc Thanh Tâm

KỶ NIỆM

Từ bên kia phố không đèn
Mưa giăng kín cả nỗi quên lưu đày
Buồn như những chiếc lá bay
Không em, thành phố với ngày lang thang

Nhìn nhau, còn chút muộn màng
Hãy quên, khi lỡ cung đàn trao duyên
Còn anh, thành phố và em
Mai kia mất một chút quen trong đời...

TTT

( Thi tập - Lục Bát Thời Yêu Em - 1972 )
READ MORE - KỶ NIỆM - Thơ Trúc Thanh Tâm

THƠ/ HAY KHÔNG PHẢI THƠ? - Phạm Đức Nhì



Tác giả Phạm Đức Nhì


Phạm Đức Nhì
THƠ/ HAY KHÔNG PHẢI THƠ?

Đã từng đọc khá nhiều thơ và cũng võ vẽ làm đước mấy bài, tôi có lần tự hỏi: 
          Đâu là sự khác biệt giữa văn và thơ?
Tôi thấy nhiều người làm thơ, đọc thơ, mê thơ đã thử làm công việc định nghĩa thơ, nhưng hình như chưa ai đưa ra được định nghĩa nào có thể nhận diện dung mạo của thơ một cách đầy đủ, chính xác. Tuy nhiên, có một nhà phê bình văn học, theo tôi, đã bắt được cái ‘thần sắc” của thơ, đã nắm được cái cốt lõi của thơ với định nghĩa như sau:
          Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm.
Người đó là Nguyễn Hưng Quốc.

Vâng! Yếu tố để phân biệt văn với thơ chính là cảm xúc. Mục đích chính của văn là chuyển tải thông tin. Kiến thức của người viết càng rộng, lượng thông tin càng lớn, lập luận càng khúc chiết thì bài văn càng có giá trị. Đâu đó cũng có những đoạn văn tình cảm, ướt át, nhưng cái chất ướt át đó chỉ đến tình cờ, chỉ là sản phẩm phụ. Với thơ, cảm xúc là chính, là máu thịt. Thông điệp cũng có đấy, nhưng chỉ như con kênh, con mương để dòng cảm xúc lưu chuyển. Thành công của bài thơ được đánh giá ở khối lượng, cường độ của dòng cảm xúc chảy trên con kênh ấy. Trong văn có chút cảm xúc thì cũng tốt; nhưng nếu không có cũng không sao. Ngược lại, trong thơ mà không có cảm xúc thì dù có vần điệu đầy đủ cũng vẫn không thể được gọi là thơ.

Tâm trí trong tâm hồn người thường quyện lẫn với nhau; nếu không để ý sẽ khó nhận biết lúc nào trí lộng hành, lúc nào tâm độc diễn và lúc nào tâm trí hòa hợp. Tôi đã nhiều lần nhìn lại bản thảo nguệch ngoạc của những bài thơ mình viết, qua đó, chiêm nghiệm tương quan giữa những rung cảm trong lòng mình và tiến trình hình thành bài thơ, từ chữ đến câu, thành đoạn và cuối cùng là hoàn tất cả bài. Và đã thực chứng một điều:
     
Nếu làm thơ trong lúc “trí lộng hành” nghĩa là viết trong lúc mình rất tỉnh táo, để lý trí toàn quyền điều khiển tiến trình hình thành bài thơ thì dù vần điệu có khéo, chữ dùng có đắt đến đâu chăng nữa sản phẩm cũng chỉ là vè, kệ, văn vần … là những thứ không phải là thơ.

 Ngược lại, nếu làm thơ trong lúc “tâm độc diễn”, nói như Nguyễn Thị Hoàng Bắc  “….. Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên ngó xuống người ta trông vào’…”, vâng, đúng cái lúc cảm xúc hoàn toàn lấn át lý trí ấy, chị viết tiếp “thì tôi viết được mấy lời kha khá.” (1) Bài thơ viết vào những lúc như thế sẽ nhiều cảm xúc, sẽ dễ làm rung động lòng người, sẽ dễ được xem là thành công.

      Nhưng khi cảm xúc đã được tuôn đổ tràn trề trên trang giấy thì dù muốn dù không lý trí cũng sẽ bước vào. Nó sẽ chỉ bên này, trỏ bên kia, đòi thêm chỗ này, bớt chỗ nọ, nói chung là góp ý, sửa chữa, để hoàn tất bài thơ. Việc tâm và trí thương lượng, phối hợp với nhau như thế nào, không liên quan đến bài này nên xin để vào dịp khác.

Sau đây là vài thí dụ để phân biệt thơ và những thứ không phải thơ.

Hình Vuông

Muốn tìm chu vi hình vuông
Lấy cạnh nhân bốn lệ thường nhớ ghi
Diện tích hình vuông khó gì
Lấy cạnh nhân cạnh sai đi đường nào

Môt ông thầy dạy toán nào đấy đã mượn thể thơ lục bát để diễn tả một công thức toán cho học trò dễ nhớ. Nội dung của 4 câu lục bát hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có một chút cảm xúc nào. Đây không phải là thơ.

Anh Yêu Khoảnh Đất Hình Vuông 

Ôi! Khoảnh đất hình vuông
ở giữa là căn nhà nhỏ bé
vách đất, mái rạ
nơi anh đã gởi cả trái tim
vì trong căn nhà đó có em.
(PĐN chế để minh họa)

Ở đây tác giả đã bước vào, đã xuất hiện trong khung cảnh thơ, tâm đã đối cảnh. Và đã có cảm xúc. Hay dở chưa bàn đến, nhưng Anh Yêu Khoảnh Đất Hình Vuông đã có thể gọi là thơ.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)

Một nhà nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong 4 câu lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, tâm chưa đối cảnh, không có cảm xúc, không thể gọi là thơ.

Thôi xa rồi mẹ ới
lệ nhòa mi mắt
mong con phương trời
có lần chợt tỉnh đêm vơi
nghe giòn tiếng súng nhớ lời phân ly
mẹ ơi con mẹ tìm đi
bao giờ hết giặc con về mẹ vui.
(Nhà Tôi, Yên Thao)

Tác giả đã bước vào khung cảnh thơ, cảm xúc đã dạt dào. Đích thị là thơ.

Phong lai sơ trúc
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
nhạn quá hàn đàm
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
thị cố quân tử
sự đáo nhi tâm thỉ hiện
sự khứ nhi tâm tùy không.

Dịch:
Gió qua lay trúc
gió đi rồi không lưu lại âm thanh
nhạn lướt mặt hồ
nhạn đi mà hồ không giữ lại hình ảnh
người quân tử cũng vậy
việc đến thì tâm khởi
việc qua rồi tâm lại như không.

Đây là bài học căn bản về tu tâm của Nho Sĩ trong tiến trình tu tâm, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Dù âm điệu du dương, hình ảnh đẹp nhưng bài này vẫn là sản phẩm của lý trí, không phải thơ.

Thơ Trên Cát 

Viết bài thơ trên cát
Cơn sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu biết được
Mình viết bài thơ gì
(Viên Minh, từ tác giả)
Cũng tương tự như Phong Lai Sơ Trúc nhưng ở đây tác giả đã có mặt trên bãi biển, đã trực tiếp làm thơ. Tâm đã đối cảnh. Và đã có cảm xúc, cái cảm giác sảng khoái của một thiền sư đạt đạo khi đã thực chứng được sự buông xả của tâm mình.

Những Câu Thơ Chùm Gởi
Có 2 loại:
1. Sản phẩm của lý trí

Chúng ta thử đọc bài thơ sau đây của Mai Quỳnh Nam:
         
Tự Sát, Trường Hợp Hemingway

Tự sát
cơ chế di truyền
căn nguyên từ máu

Viên đạn súng săn sư tử
chính ông phát nổ

Chết
ai cũng vậy thôi
bi kịch đời người
cần giải thoát
(Tạp Chí Thơ HNVVN số 11-2011, tr.6)

Đoạn đầu:
         Tự sát
         cơ chế di truyền
         căn nguyên từ máu
là một phát biểu (statement), có thể là ý của tác giả, cũng có thể là khám phá của nhiều người khác mà tác giả đã tổng hợp được qua quá trình đọc của mình. Nó là sản phẩm của lý trí nên, nếu đứng một mình, không thể gọi nó là thơ. Nhưng đặt nó lên đầu bài coi như một gợi ý, có đóng góp cho bài thơ nên nó được “ăn theo”, trở thành những câu thơ trong bài thơ đó. Bởi vậy tôi gọi nó là những câu thơ ăn theo, hay là những câu thơ chùm gởi.

Tương tự như vậy, đoạn đầu trong bài thơ sau đây:

Lá Cờ Chính Nghĩa 

Tự do như muối
hạnh phúc như đường
khi đang còn
ăn đủ miếng ngọt, miếng ngon
khó thấy được
giá trị của hạt đường hạt muối
……………………………..
(Lá Cờ Chính Nghĩa, Phạm Đức Nhì, t- van.net)

cũng chỉ là một phát biểu của tác giả về hai ý niệm Tự Do  Hạnh Phúc; đó là sản phẩm của lý trí. Đứng một mình thì không phải là thơ. Nhưng đặt vào khung cảnh bài thơ thì nó lại là những câu mở đầu cần thiết, đưa ra chủ đề để tác giả khai triển ở những đoạn sau. Nó đã “ăn theo” để trở thành những câu thơ chùm gửi.

2. Những Câu Mào Đầu, Dọn Cảnh

Tôi gọi tắt là những câu Cảnh.

Cảnh có thể là một người, vật, cảnh vật, sự việc hay ý tưởng xuất hiện trước mắt hay trong đầu của tác giả; tác giả tạo ra những câu thơ Cảnh, xem đó là cái nguyên cớ, cái gợi ý để Tức Cảnh Sinh Tình, nghĩa là dựa vào Cảnh viết thêm những câu thơ khác biểu lộ tâm sự, cảm xúc của mình.

Thí dụ hai câu đầu trong bài Chân Quê của Nguyễn Bính:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Ở đây tác giả đã bước vào khung cảnh của bài thơ, đã đứng ở con đê đầu làng để chờ người yêu về (tâm đối cảnh). Chúng đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để gọi là thơ. Bởi chúng mới chỉ là những câu Cảnh; phải chờ tác giả sinh Tình – nghĩa là dựa vào Cảnh để viết tiếp những câu bày tỏ tâm sự, cảm xúc của mình.
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi.

Đến đây, cảm xúc của tác giả đã xuất hiện. Hai câu cảnh, đứng riêng lẻ thì chưa thể gọi là thơ. Chỉ đến khi tác giả đã hoàn tất hai câu sinh tình thì hai câu cảnh mới tự động trở thành thơ và tất cả đã hợp cùng với những đoạn sau để trở thành một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính.

Hai câu đầu của bài Bạc Tần Hoài (Đỗ Phủ):

               Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
               Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
               Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát
               Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia
Tác giả đã có mặt tại bến Tần Hoài để ngắm cảnh khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát; ở đây tâm đã đối cảnh. Nhưng 2 câu này vẫn chưa thể gọi là thơ vì chưa có bóng dáng của cảm xúc. Phải chờ đến khi 2 câu sau xuất hiện:
               Thương nữ bất tri vong quốc hận
               Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
               Cô gái không hay buồn mất nước
               Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa (2)
               (hoasontrang,us/tangpoems/duongthi.php?loi=42)
                (Trần Trọng San dịch)
thì mới thấy nỗi buồn xé ruột của tác giả, một sĩ phu yêu nước. Hai câu đầu - đóng vai những câu thơ dọn cảnh - cũng được ăn ké theo thành 2 câu thơ cuả một thi phẩm tuyệt tác.

Trường Hợp Bài “Thơ Con Cóc”

Trong bài Nhân Cuộc Tranh Luận Về Thơ Con Cóc, Thụy Khê đã viết:
Khi Nguyễn Hưng Quốc thách Đỗ Minh Tuấn phải chứng minh được rằng Thơ Con Cóc không phải là thơ, Đỗ Minh Tuấn đã vội lo "đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng lại là một vấn đề ngụy tạo". Những lo lắng của Đỗ Minh Tuấn thật sự không cần thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? …
Và bà đưa ra kết luận nước đôi:
 Vậy Thơ con cóc, bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong. (3)

Tôi tự mình chưa nghĩ ra được một định nghĩa cho thơ, nhưng nếu hỏi: 
 “Thơ Con Cóc có phải là thơ hay không?
thì tôi hy vọng mình có thể trả lời được. Ít nhất là sẽ cố thử xem.

Chàng Ngốc thứ nhất xuất khẩu:
        Con cóc trong hang
        Con cóc nhảy ra
Đây là 2 câu mào đầu, dọn cảnh. Trường hợp này tâm đã đối cảnh; chính mắt chàng Ngốc đã thấy con cóc nhảy ra; tác giả đã có mặt trong khung cảnh của bài thơ. Hai câu này đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để được gọi là thơ. Nếu lúc này tác giả đọc thêm vài câu nữa (Sinh Tình) thì sẽ thành bài thơ. Nhưng cái cảm xúc đang óc ách trong lòng chưa kịp biểu lộ thì đã … hết lượt (hết thời gian dành cho mình, đến lượt người khác).
Nếu Chàng Ngốc Thứ Hai dùng 2 câu của Cháng Ngốc Thứ Nhất làm phần mào đầu, gợi ý rồi đọc mấy câu Sinh Tình của mình thì đã không có chuyện. Đàng này thấy con cóc vẫn cứ ngồi đó (chắc hơi lâu) nên chàng đã đọc 2 câu mào đầu của chính mình:
         Con cóc nhảy ra
         Con cóc ngồi đó
Thế là hết giờ, đến lượt người khác. Do đó cái tâm sự không thoát ra được, đành phải để âm ỉ trong lòng. Đến đây chúng ta cũng vẫn chưa có Thơ.
Chàng Ngốc Thứ Ba tiếp tục mắc lỗi lầm của Chàng Ngốc Thứ Hai nên cũng chỉ được thêm 2 câu thì hết giờ:
         Con cóc ngồi đó
         Con cóc nhảy đi.
Cả 6 câu của 3 Chàng Ngốc hợp lại, tuy dài hơn, cũng chỉ tạo thành cái phần mào đầu, dọn cảnh (Cảnh). Chưa có ai Tức Cảnh Sinh Tình nên vẫn chưa có Thơ.
Giá như một trong ba chàng Ngốc (ai cũng được) làm thêm đoạn dưới đây:
         Nhìn con cóc nhảy
         tôi nhớ những ngày xưa
         thơ dại
         tôi cùng cô bé bên nhà
         sau cơn mưa
         cầm giỏ đi bắt cóc nhái
         chơi mở quán bán hàng
       (PĐN chế ra để minh họa)
thì đã có chút cảm xúc, thương nhớ, vấn vương một kỷ niệm thời nhỏ dại. Và chúng ta đã có Thơ (hay dở lại là chuyện khác).

Như vậy, “Thơ Con Cóc”, tuy đã vượt lên trên các loại ca dao, vè, kệ, văn vần … , là “những câu thơ chùm gởi” đã qua được cửa ải “tâm đối cảnh”, nhưng vì không có chỗ bám vào để ăn theo nên cũng chỉ mới có điều kiện cần, chưa đủ để được gọi là Thơ.

Nếu cách giải thích này may mắn được độc giả chấp nhận thì “Thơ Con Cóc” không phải là thơ. Những ai cho “Thơ Con Cóc” là một bài thơ hay, hoặc dở (như tôi) (4) không những chỉ … trật lất mà còn … trật lất đến hai lần.

Tháng Tư/ 2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

Chú thích:

1. Thơ Đến Từ Đâu, Nguyễn Đức Tùng.
2. hoasontrang.us/tangpoems/duongthi.php?loi=42.
3. thuykhe.free.fr/tk97/concoct.html.
4. “Thơ Con Cóc” là trường hợp quá đặc biệt, nằm trong cái ngách hẹp giữa ranh giới của thơ và những thứ không phải thơ, nên có dạo trong bài Thầy Trò Tam Tạng Và Thơ tôi đã lầm lẫn gọi nó là thơ; và là thơ dở vì không có cảm xúc. Tôi viết bài này gọn hơn, chi tiết hơn, đi xa hơn để làm rõ điểm lầm lẫn của mình.





READ MORE - THƠ/ HAY KHÔNG PHẢI THƠ? - Phạm Đức Nhì