Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 19, 2015

THƠ/ HAY KHÔNG PHẢI THƠ? - Phạm Đức Nhì



Tác giả Phạm Đức Nhì


Phạm Đức Nhì
THƠ/ HAY KHÔNG PHẢI THƠ?

Đã từng đọc khá nhiều thơ và cũng võ vẽ làm đước mấy bài, tôi có lần tự hỏi: 
          Đâu là sự khác biệt giữa văn và thơ?
Tôi thấy nhiều người làm thơ, đọc thơ, mê thơ đã thử làm công việc định nghĩa thơ, nhưng hình như chưa ai đưa ra được định nghĩa nào có thể nhận diện dung mạo của thơ một cách đầy đủ, chính xác. Tuy nhiên, có một nhà phê bình văn học, theo tôi, đã bắt được cái ‘thần sắc” của thơ, đã nắm được cái cốt lõi của thơ với định nghĩa như sau:
          Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm.
Người đó là Nguyễn Hưng Quốc.

Vâng! Yếu tố để phân biệt văn với thơ chính là cảm xúc. Mục đích chính của văn là chuyển tải thông tin. Kiến thức của người viết càng rộng, lượng thông tin càng lớn, lập luận càng khúc chiết thì bài văn càng có giá trị. Đâu đó cũng có những đoạn văn tình cảm, ướt át, nhưng cái chất ướt át đó chỉ đến tình cờ, chỉ là sản phẩm phụ. Với thơ, cảm xúc là chính, là máu thịt. Thông điệp cũng có đấy, nhưng chỉ như con kênh, con mương để dòng cảm xúc lưu chuyển. Thành công của bài thơ được đánh giá ở khối lượng, cường độ của dòng cảm xúc chảy trên con kênh ấy. Trong văn có chút cảm xúc thì cũng tốt; nhưng nếu không có cũng không sao. Ngược lại, trong thơ mà không có cảm xúc thì dù có vần điệu đầy đủ cũng vẫn không thể được gọi là thơ.

Tâm trí trong tâm hồn người thường quyện lẫn với nhau; nếu không để ý sẽ khó nhận biết lúc nào trí lộng hành, lúc nào tâm độc diễn và lúc nào tâm trí hòa hợp. Tôi đã nhiều lần nhìn lại bản thảo nguệch ngoạc của những bài thơ mình viết, qua đó, chiêm nghiệm tương quan giữa những rung cảm trong lòng mình và tiến trình hình thành bài thơ, từ chữ đến câu, thành đoạn và cuối cùng là hoàn tất cả bài. Và đã thực chứng một điều:
     
Nếu làm thơ trong lúc “trí lộng hành” nghĩa là viết trong lúc mình rất tỉnh táo, để lý trí toàn quyền điều khiển tiến trình hình thành bài thơ thì dù vần điệu có khéo, chữ dùng có đắt đến đâu chăng nữa sản phẩm cũng chỉ là vè, kệ, văn vần … là những thứ không phải là thơ.

 Ngược lại, nếu làm thơ trong lúc “tâm độc diễn”, nói như Nguyễn Thị Hoàng Bắc  “….. Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên ngó xuống người ta trông vào’…”, vâng, đúng cái lúc cảm xúc hoàn toàn lấn át lý trí ấy, chị viết tiếp “thì tôi viết được mấy lời kha khá.” (1) Bài thơ viết vào những lúc như thế sẽ nhiều cảm xúc, sẽ dễ làm rung động lòng người, sẽ dễ được xem là thành công.

      Nhưng khi cảm xúc đã được tuôn đổ tràn trề trên trang giấy thì dù muốn dù không lý trí cũng sẽ bước vào. Nó sẽ chỉ bên này, trỏ bên kia, đòi thêm chỗ này, bớt chỗ nọ, nói chung là góp ý, sửa chữa, để hoàn tất bài thơ. Việc tâm và trí thương lượng, phối hợp với nhau như thế nào, không liên quan đến bài này nên xin để vào dịp khác.

Sau đây là vài thí dụ để phân biệt thơ và những thứ không phải thơ.

Hình Vuông

Muốn tìm chu vi hình vuông
Lấy cạnh nhân bốn lệ thường nhớ ghi
Diện tích hình vuông khó gì
Lấy cạnh nhân cạnh sai đi đường nào

Môt ông thầy dạy toán nào đấy đã mượn thể thơ lục bát để diễn tả một công thức toán cho học trò dễ nhớ. Nội dung của 4 câu lục bát hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có một chút cảm xúc nào. Đây không phải là thơ.

Anh Yêu Khoảnh Đất Hình Vuông 

Ôi! Khoảnh đất hình vuông
ở giữa là căn nhà nhỏ bé
vách đất, mái rạ
nơi anh đã gởi cả trái tim
vì trong căn nhà đó có em.
(PĐN chế để minh họa)

Ở đây tác giả đã bước vào, đã xuất hiện trong khung cảnh thơ, tâm đã đối cảnh. Và đã có cảm xúc. Hay dở chưa bàn đến, nhưng Anh Yêu Khoảnh Đất Hình Vuông đã có thể gọi là thơ.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)

Một nhà nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong 4 câu lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, tâm chưa đối cảnh, không có cảm xúc, không thể gọi là thơ.

Thôi xa rồi mẹ ới
lệ nhòa mi mắt
mong con phương trời
có lần chợt tỉnh đêm vơi
nghe giòn tiếng súng nhớ lời phân ly
mẹ ơi con mẹ tìm đi
bao giờ hết giặc con về mẹ vui.
(Nhà Tôi, Yên Thao)

Tác giả đã bước vào khung cảnh thơ, cảm xúc đã dạt dào. Đích thị là thơ.

Phong lai sơ trúc
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
nhạn quá hàn đàm
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
thị cố quân tử
sự đáo nhi tâm thỉ hiện
sự khứ nhi tâm tùy không.

Dịch:
Gió qua lay trúc
gió đi rồi không lưu lại âm thanh
nhạn lướt mặt hồ
nhạn đi mà hồ không giữ lại hình ảnh
người quân tử cũng vậy
việc đến thì tâm khởi
việc qua rồi tâm lại như không.

Đây là bài học căn bản về tu tâm của Nho Sĩ trong tiến trình tu tâm, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Dù âm điệu du dương, hình ảnh đẹp nhưng bài này vẫn là sản phẩm của lý trí, không phải thơ.

Thơ Trên Cát 

Viết bài thơ trên cát
Cơn sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu biết được
Mình viết bài thơ gì
(Viên Minh, từ tác giả)
Cũng tương tự như Phong Lai Sơ Trúc nhưng ở đây tác giả đã có mặt trên bãi biển, đã trực tiếp làm thơ. Tâm đã đối cảnh. Và đã có cảm xúc, cái cảm giác sảng khoái của một thiền sư đạt đạo khi đã thực chứng được sự buông xả của tâm mình.

Những Câu Thơ Chùm Gởi
Có 2 loại:
1. Sản phẩm của lý trí

Chúng ta thử đọc bài thơ sau đây của Mai Quỳnh Nam:
         
Tự Sát, Trường Hợp Hemingway

Tự sát
cơ chế di truyền
căn nguyên từ máu

Viên đạn súng săn sư tử
chính ông phát nổ

Chết
ai cũng vậy thôi
bi kịch đời người
cần giải thoát
(Tạp Chí Thơ HNVVN số 11-2011, tr.6)

Đoạn đầu:
         Tự sát
         cơ chế di truyền
         căn nguyên từ máu
là một phát biểu (statement), có thể là ý của tác giả, cũng có thể là khám phá của nhiều người khác mà tác giả đã tổng hợp được qua quá trình đọc của mình. Nó là sản phẩm của lý trí nên, nếu đứng một mình, không thể gọi nó là thơ. Nhưng đặt nó lên đầu bài coi như một gợi ý, có đóng góp cho bài thơ nên nó được “ăn theo”, trở thành những câu thơ trong bài thơ đó. Bởi vậy tôi gọi nó là những câu thơ ăn theo, hay là những câu thơ chùm gởi.

Tương tự như vậy, đoạn đầu trong bài thơ sau đây:

Lá Cờ Chính Nghĩa 

Tự do như muối
hạnh phúc như đường
khi đang còn
ăn đủ miếng ngọt, miếng ngon
khó thấy được
giá trị của hạt đường hạt muối
……………………………..
(Lá Cờ Chính Nghĩa, Phạm Đức Nhì, t- van.net)

cũng chỉ là một phát biểu của tác giả về hai ý niệm Tự Do  Hạnh Phúc; đó là sản phẩm của lý trí. Đứng một mình thì không phải là thơ. Nhưng đặt vào khung cảnh bài thơ thì nó lại là những câu mở đầu cần thiết, đưa ra chủ đề để tác giả khai triển ở những đoạn sau. Nó đã “ăn theo” để trở thành những câu thơ chùm gửi.

2. Những Câu Mào Đầu, Dọn Cảnh

Tôi gọi tắt là những câu Cảnh.

Cảnh có thể là một người, vật, cảnh vật, sự việc hay ý tưởng xuất hiện trước mắt hay trong đầu của tác giả; tác giả tạo ra những câu thơ Cảnh, xem đó là cái nguyên cớ, cái gợi ý để Tức Cảnh Sinh Tình, nghĩa là dựa vào Cảnh viết thêm những câu thơ khác biểu lộ tâm sự, cảm xúc của mình.

Thí dụ hai câu đầu trong bài Chân Quê của Nguyễn Bính:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Ở đây tác giả đã bước vào khung cảnh của bài thơ, đã đứng ở con đê đầu làng để chờ người yêu về (tâm đối cảnh). Chúng đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để gọi là thơ. Bởi chúng mới chỉ là những câu Cảnh; phải chờ tác giả sinh Tình – nghĩa là dựa vào Cảnh để viết tiếp những câu bày tỏ tâm sự, cảm xúc của mình.
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi.

Đến đây, cảm xúc của tác giả đã xuất hiện. Hai câu cảnh, đứng riêng lẻ thì chưa thể gọi là thơ. Chỉ đến khi tác giả đã hoàn tất hai câu sinh tình thì hai câu cảnh mới tự động trở thành thơ và tất cả đã hợp cùng với những đoạn sau để trở thành một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính.

Hai câu đầu của bài Bạc Tần Hoài (Đỗ Phủ):

               Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
               Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
               Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát
               Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia
Tác giả đã có mặt tại bến Tần Hoài để ngắm cảnh khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát; ở đây tâm đã đối cảnh. Nhưng 2 câu này vẫn chưa thể gọi là thơ vì chưa có bóng dáng của cảm xúc. Phải chờ đến khi 2 câu sau xuất hiện:
               Thương nữ bất tri vong quốc hận
               Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
               Cô gái không hay buồn mất nước
               Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa (2)
               (hoasontrang,us/tangpoems/duongthi.php?loi=42)
                (Trần Trọng San dịch)
thì mới thấy nỗi buồn xé ruột của tác giả, một sĩ phu yêu nước. Hai câu đầu - đóng vai những câu thơ dọn cảnh - cũng được ăn ké theo thành 2 câu thơ cuả một thi phẩm tuyệt tác.

Trường Hợp Bài “Thơ Con Cóc”

Trong bài Nhân Cuộc Tranh Luận Về Thơ Con Cóc, Thụy Khê đã viết:
Khi Nguyễn Hưng Quốc thách Đỗ Minh Tuấn phải chứng minh được rằng Thơ Con Cóc không phải là thơ, Đỗ Minh Tuấn đã vội lo "đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng lại là một vấn đề ngụy tạo". Những lo lắng của Đỗ Minh Tuấn thật sự không cần thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? …
Và bà đưa ra kết luận nước đôi:
 Vậy Thơ con cóc, bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong. (3)

Tôi tự mình chưa nghĩ ra được một định nghĩa cho thơ, nhưng nếu hỏi: 
 “Thơ Con Cóc có phải là thơ hay không?
thì tôi hy vọng mình có thể trả lời được. Ít nhất là sẽ cố thử xem.

Chàng Ngốc thứ nhất xuất khẩu:
        Con cóc trong hang
        Con cóc nhảy ra
Đây là 2 câu mào đầu, dọn cảnh. Trường hợp này tâm đã đối cảnh; chính mắt chàng Ngốc đã thấy con cóc nhảy ra; tác giả đã có mặt trong khung cảnh của bài thơ. Hai câu này đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để được gọi là thơ. Nếu lúc này tác giả đọc thêm vài câu nữa (Sinh Tình) thì sẽ thành bài thơ. Nhưng cái cảm xúc đang óc ách trong lòng chưa kịp biểu lộ thì đã … hết lượt (hết thời gian dành cho mình, đến lượt người khác).
Nếu Chàng Ngốc Thứ Hai dùng 2 câu của Cháng Ngốc Thứ Nhất làm phần mào đầu, gợi ý rồi đọc mấy câu Sinh Tình của mình thì đã không có chuyện. Đàng này thấy con cóc vẫn cứ ngồi đó (chắc hơi lâu) nên chàng đã đọc 2 câu mào đầu của chính mình:
         Con cóc nhảy ra
         Con cóc ngồi đó
Thế là hết giờ, đến lượt người khác. Do đó cái tâm sự không thoát ra được, đành phải để âm ỉ trong lòng. Đến đây chúng ta cũng vẫn chưa có Thơ.
Chàng Ngốc Thứ Ba tiếp tục mắc lỗi lầm của Chàng Ngốc Thứ Hai nên cũng chỉ được thêm 2 câu thì hết giờ:
         Con cóc ngồi đó
         Con cóc nhảy đi.
Cả 6 câu của 3 Chàng Ngốc hợp lại, tuy dài hơn, cũng chỉ tạo thành cái phần mào đầu, dọn cảnh (Cảnh). Chưa có ai Tức Cảnh Sinh Tình nên vẫn chưa có Thơ.
Giá như một trong ba chàng Ngốc (ai cũng được) làm thêm đoạn dưới đây:
         Nhìn con cóc nhảy
         tôi nhớ những ngày xưa
         thơ dại
         tôi cùng cô bé bên nhà
         sau cơn mưa
         cầm giỏ đi bắt cóc nhái
         chơi mở quán bán hàng
       (PĐN chế ra để minh họa)
thì đã có chút cảm xúc, thương nhớ, vấn vương một kỷ niệm thời nhỏ dại. Và chúng ta đã có Thơ (hay dở lại là chuyện khác).

Như vậy, “Thơ Con Cóc”, tuy đã vượt lên trên các loại ca dao, vè, kệ, văn vần … , là “những câu thơ chùm gởi” đã qua được cửa ải “tâm đối cảnh”, nhưng vì không có chỗ bám vào để ăn theo nên cũng chỉ mới có điều kiện cần, chưa đủ để được gọi là Thơ.

Nếu cách giải thích này may mắn được độc giả chấp nhận thì “Thơ Con Cóc” không phải là thơ. Những ai cho “Thơ Con Cóc” là một bài thơ hay, hoặc dở (như tôi) (4) không những chỉ … trật lất mà còn … trật lất đến hai lần.

Tháng Tư/ 2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

Chú thích:

1. Thơ Đến Từ Đâu, Nguyễn Đức Tùng.
2. hoasontrang.us/tangpoems/duongthi.php?loi=42.
3. thuykhe.free.fr/tk97/concoct.html.
4. “Thơ Con Cóc” là trường hợp quá đặc biệt, nằm trong cái ngách hẹp giữa ranh giới của thơ và những thứ không phải thơ, nên có dạo trong bài Thầy Trò Tam Tạng Và Thơ tôi đã lầm lẫn gọi nó là thơ; và là thơ dở vì không có cảm xúc. Tôi viết bài này gọn hơn, chi tiết hơn, đi xa hơn để làm rõ điểm lầm lẫn của mình.





No comments: