Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 27, 2014

THAI NGHÉN MÙA XUÂN - Hạnh Phương

Tác giả Hạnh Phương


Nửa khuya thức dậy ngồi  niệm Phật, lắng nghe châu thân mình lành lạnh, biết trời đất đã cuối thu.


                          Trời cuối thu rồi em ở đâu ?!
                          Nằm trong đất lạnh chắc em sầu!? 

Nhớ đến những câu thơ thi nhân Đinh Hùng hoài niệm, chất vấn, kiếm tìm người xưa, bất giác hồ như có thoáng bâng khuâng giao động giữa  tâm thức, thương bao sinh linh giữa cuộc luân hồi  trầm luân sinh tử, lại hay rằng trời đất đã chớm đông.

Mùa đông quê nhà nghiệt ngã, những cơn mưa lúc nhặt lúc khoan tầm tả, kéo dài nhiều ngày mù mịt, không thấy ánh dương hồng; những ngọn gió heo se thắt, buốt cả người, nứt cả môi. Trông ra đường cái quan thấy tội nghiệp các em bé đến trường: áo ấm, áo mưa trùm kín mịt cả người, các em bước đi hệt như những cái bao tờn nho nhỏ di động.

Mỗi sớm mùa đông trông ra bình phong trước nhà, cội mai già rắn rơi hăy còn đứng đó. Chẳng biết cây mai đứng đó tự bao giờ ! Hình như gốc mai nọ đă có từ khi mình chưa có mặt trên đời.  Ngày xưa, nghe nội bảo cây mai ấy: ông cao được một tri âm đồng điệu biếu cho, khi ông cao đào hố đất trồng, mai đã năm, bảy tuổi. 

Lúc cây mai  ngự trước sân kia, trước đình tiền nọ, nội mới lên mười, nội diễm phúc được cùng ông cao trông thấy mai với những mùa hoa thịnh măn. Hoa mai vàng hươm chi chít đầy cành. Rồi đến lượt cả cha nữa, cha bảo hoa mai  có linh thức liên hệ mật thiết máu thịt với chủ nhân.

Ông cao, người trồng cây mai trước bình phong ấy, người thọ cả trăm tuổi. Ông mất vào tiết mạnh xuân, chính xác là ngày 20 tháng Giêng.  Lạ lắm, năm ấy cây mai trước sân nhà nở muộn, đến mùng mười tết mới he hé nở dăm bảy nụ hoa, hoa như hàm ý e ấp đợi chờ một điều gì đó thiêng liêng mầu nhiệm.

Sớm mai, lên hầu trà ông cao, cha nói với ông cao, lạ quá năm nay cây mai nhà mình nở muộn. Ông cao trả lời cha vờ như nửa đùa, nửa thật, ông cao bảo mai nó chờ ông nội đấy cháu ạ!  Cha tiên cảm ngụ ý của ông cao nên không dám hỏi thêm điều gì khác. 

Cha dơi theo cội mai già trước sân, lạ quá, măi đến sáng sớm rằm tháng giêng mai mới thịnh măn, cây hoa mai đóa đóa vàng hươm bung nở,  rạng rỡ trước sân nhà,thì ở trong nhà, đầu buồng ông cao có vẻ im ắng lạ thường, ông cao dậy muộn hơn mọi hôm, nội vào gọi mời ông dùng trà sớm, ông cao vẫn thiêm thiếp , hé mắt nhìn nội hỏi phải chăng cây mai trước sân bung nụ măn khai. Nội thưa vâng ạ, ông cao bảo thế là tốt.

 Hôm sau ông cao trở mình bỏ cơm, ông bà nội hầu bữa, ông cao bảo để ông yên, đừng làm phiền, ông cao bảo chỉ cần lấy nước cúng trên bàn thờ Phật cho ông cao uống là được; đến sáng sớm ngày 19, ông cao bảo bà nội nấu cho ông ít cháo trắng, bà nội bưng lên mời,  ông cao dùng vài ba muổng cháo trắng rồi lại thiêm thiếp đến tận chiều và đêm hôm ấy. 

Nửa khuya, ông cao trở mình gọi ông nội vào đỡ ông cao ngồi dậy, ông cao bỏ chân xuống đất, ông nội vội quơ tay  tìm guốc, ông cao bảo không cần. Ông cao vịn vai nội đứng trên nền đất lạnh chừng một phút rồi lại bảo nội đỡ ông nằm xuống.

 Nội linh cảm việc đang đến, hỏi ông cao cần căn dặn điều gì  với cháu con, ông cao bảo không cần thiết, rằng bây giờ là nửa khuya, đừng làm kinh động trong nhà. Ông cao bảo nội lên thắp hương trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, khi ông nội trở lại bên giường, ông cao bảo ông nội hãy niệm Phật A Di Đà, hãy niệm cho tinh thành. Ông nội niệm lầm thầm khoảng ba chuổi thì ông cao nhẹ nhàng duỗi người khép mắt ra đi.

Sáng sớm hai mươi tháng giêng năm ấy, bao nhiêu nụ, bao nhiêu hoa của cội mai già đua nhau bung nở, hoa vàng hươm trước sân, cánh cánh óng ả ánh vàng, từng cánh hoa cánh hoa chở ánh mặt trời lấp lánh như ngỏ lời chúc tụng chủ nhân phúc quả viên thành.

Lễ tang ông cao kéo dài đến mùng hai tháng hai mới an táng, suốt cả mười hai ngày tang lễ cây mai trước sân từng chụm hoa vàng chi chít vẫn lung linh đua nở và lạ lùng thay, hoa như chưa muốn rụng, chưa muốn tàn. 

Từ trước đó và từ bấy đến giờ cội mai già trước sân chưa bao giờ có mùa hoa thịnh mãn đến thế. Chiêm nghiệm ra thì thấy, ở vào thời điểm ấy, tự thân  mai  mách bảo rằng mai là linh hoa. Mai liên hệ máu thịt mật thiết với chủ nhân ông của mai. Người đã từng giây từng phút chăm chút thương yêu mai, nên khi chủ nhân ông của mai vĩnh biệt cõi trần, mai tận hiến sinh lực của mình bung nở, bung nở tận cùng, cạn kiệt cả sức lực bình sinh để cúng dường đưa tiễn chủ nhân ông.

 Trải bao độ phong sương, trải bao tháng năm hai cuộc truờng chinh dân tộc ta hi sinh  giữ nước, quê hương tôi bom cày đạn xới, bao nhiêu nhà cửa nát tan, ông cao đã mịt mùng thiên cổ, ông bà nội đã ngàn dặm đường xa, cha mẹ cũng đă người người lần lượt về tận đầu non… Thế mà đến tận bây giờ, cội mai già trước sân vẫn sừng sững đứng đó như tượng đài thách thức phong sương tuế nguyệt, thách đố bóng câu cửa sổ, bất chấp thăng trầm thế sự. Cội mai già đứng đó như là biểu hiện bản giác thường tại an nhiên, như như bất động. 

Phải chăng vì hình ảnh thường tại an nhiên ấy của cội mai già trước tiền đình đó đã khiến thi nhân Trụ Vũ thốt lên niềm cảm mộ mai hoa:
                              
                                       “Chút nắng vàng thon thả,
                                         Chút mai vàng óng ả, 
                                         Ơi cái nghĩa đạo giao, 
                                         Biết lấy thơ nào tả"
                                                         (Mai 71)

Hỏi bút thơ nào tả được sức chịu đựng của cội mai già trước sân? Thuở ấu thơ từng trải nghiệm cái lạnh quê nhà, lạnh mùa đông quê tôi buốt da buốt thịt, nửa khuya trẻ con co rúm tay chân ôm chặt lưng mẹ, mẹ dài tay vòng ôm chặt con vào lòng mới mong cho con yên giấc, ông bà nội mới sáng tinh sương thì đã lồng ấp lửa than, hơ ấm hai bàn tay khẳng khiu. Con trẻ ngại bước đến trường giữa cái lạnh nứt kẻ ống chân thành hình lục giác ngũ giác, thế mà cội mai già trước sân vẫn hiên ngang đứng đấy, mai vờ như cười cợt ngọn gió đông, mai tỉ tê với  đông phong rằng dù ngươi có nghiệt ngã dày xéo lá cành tàn bạo nghiệt ngã bao nhiêu, cội mai già nầy vẫn trân mình chịu đựng để thai nghén mùa xuân cho vũ trụ đất trời, thai nghén mùa vàng hạnh phúc rực rỡ cho cả muôn loại sinh linh, cho cả và nhân loại.  Mai nguyện thầm hóa thân đồng hành cùng con dân đất nước, mở ra phương trời hạnh phúc thanh cao như mở nẻo lên trời:


            Mai hiện thân thành người
            Cùng ta dạo bước chơi
            Đường ta đi trên đất
            Hóa đường đi lên trời.
                                 Trụ Vũ (Thơ Mai bài 79)

Nguyện lực âm thầm của mai thâm trầm dến thế, dày dạn dường kia, thế mới hiểu vì sao một thi nhân khí phách hiên ngang cái thế, dám huếch hoác nhuận sắc thơ một nhà vua có quyền sinh sát bất cứ ai, thi nhân họ Cao ấy vẫn phải thốt lên:

             "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” . 


Cả một đời khí khái chẳng quỵ lụy ai, họ Cao gập mình khiêm hạ  chấp  tay cung kính vái lạy hoa mai. Thế mới thấy uy lực mai hoa lẫm liệt dường nào, khí tiết hùng anh ngạo nghễ biết bao. Và nhất là hương của mai ...

Hương mai không nồng nàn như ngọc lan, nguyệt quế. Không đựợm khắt như thọ như cúc. Hương của mai thoang thoảng như làn gió mỏng rất sâu kin, chỉ những ai nhẹ nhàng thanh thản ngồi cạnh bên mai như thì thầm nhỏ to tâm sự mới cảm thụ hết làn hương thoảng của mai.

Chẳng  hay vì sao mai lại có được nguồn hương thầm sâu nhiệm ấy? Có phải do v́ì mai đã trải một quá trình thai nghén dài lâu. Cội mai như một bà mẹ hiền cưu mang thai nhi, mai trân mình chịu đựng giá rét mùa đông, mai trở mình mỗi sớm mai hóng từng giọt sương lành lạnh, long la lóng lánh, trở cành trở lá hấp thụ khí tiên thiên đông hàn giá buốt thai nghén mùa xuân cho nhân loại.

          Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
          Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương

Hai câu thơ nỗi tiếng của thiền sư Hoàng Bá phải chăng nhắc cho chúng ta hay rằng, trước khi cánh cánh mãn khai phô sắc thanh tân, tỏa hương kỳ diệu, thân mai rắn rơi nọ đã dạn dày dũng lực chịu đụng cái lạnh buốt cả da xương suốt mùa đông giá. Cũng thế, bản thân con người muốn thành tựu nhân cách trác việt, tỏa nguồn hương giải thoát thanh cao ắt phải trăi một quá tŕnh cưu mang dạn dày giữa muôn trùng khổ đau sinh tử. Và như mai hoa khi bung cánh vàng tươi hiến dâng sức sống mùa xuân dạt dào, nguồn hương thanh khiết của mai cho đời, hương mai sẽ ngát cả bốn mùa hệt như nguồn hương giới thể nơi người đức hạnh thơm ngát cả sau xưa.

                 Hoa nở thơm năm cánh
                 Hương bay suốt bôn mùa
                 Ơi cành mai tự tánh
                 Thanh tinh tṛn sau xưa.
                                      Trụ Vũ (Thơ Mai , bài 67)

                                                           HẠNH PHƯƠNG
                                                        Suối Cát 1 – Suối Cát
                                                        Xuân Lộc – Đồng Nai                                                                                 0985734265                                                                             



THƠ BAY VÀO ĐỜI

Ư tứ thẳm sâu trong vùng kư ức
Cồn cào bâng khuâng cảm xúc
Réo gọi câu chữ về
Hiện hình trên trang giấy rưng rức.

Trái tim xao động máy siêu âm ghi  đồ hình loạn nhịp
Khi Tú Uyên bất chợt thấy Giáng Kiều
Bút cuồng thơ vẽ hình khôn kịp.
Hóa thành tranh ngày tháng ấp yêu.

Máy nào đo tần số thơ cất cánh
Bay vào đời 
Cung bực ngữ ngôn rằng phàm, rằng thánh
Lời mẹ ru d́u dặt vành nôi.

Nắn nót chữ lấp la trên giấy
Bao trang, bao mănh, bao tờ
Lẽ nào vờ quên ủ đấy.
Ai biết đó là thơ. 

Hoặc là viết, hoặc là nói
Đã là thơ hãy cất cánh vào đời
Thông điệp vàng ngày đêm réo gọi
Hạnh phúc ngọt ngào dậy sóng trùng khơi.

HẠNH PHƯƠNG



Tên thật : Hoàng Kim Bính
Sinh ngày : 20.5.1947
Người làng Gia Độ, xã Triệu Độ, 
huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Hiện sinh sống ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát, 
huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai                                     
0985734265 - 0613871830           


      
READ MORE - THAI NGHÉN MÙA XUÂN - Hạnh Phương

BÀI THƠ CUỐI NĂM - Hoàng Yên Lynh

 
Tác giả Hoàg Yên Lynh


Tôi một tên nát rượu
Quẩn quanh với núi đồi
Đời ba chìm bảy nổi
Ngậm ngùi thế nhân ơi ! 

Tôi cuối đời nhặt lá rụng tóc rơi
Gom thương nhớ cùng đau thương oan nghiệt
Tôi cuối đời hỏi lòng còn tha thiết
Chuyện bể dâu xin trả lại cho người ...

Tôi cuối đời xuôi ngược bước tha hương
Nhớ cố quê cứ cồn cào gan ruột
Một thuở thư sinh - một thời rong ruổi
Giấc ngủ nhọc nhằn ám ảnh thời qua .

Tôi cuối đời mòn mỏi tiếng tri âm
Điếu thuốc soi đêm gọi  tình bạn cũ
Tóc gió ai bay ngậm ngùi  mộng dữ
Đêm trở mình thầm gọi cố nhân ơi !

Tôi cuối đời tâm sự chỉ mình tôi
Chợt hiểu ra mình chỉ thanh gỗ mục
Trôi giữa dòng đời ngã nghiêng trong đục
Thế thái nhân tình - ảo vọng - u mê .

Tôi cuối đời lặng lẽ chỉ mình tôi
Khúc ca dao bến nước khói lam chiều
Da diết yêu thương  thơ tình viết vội
Gởi đến người, người còn nhớ đến tôi.


HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - BÀI THƠ CUỐI NĂM - Hoàng Yên Lynh

TẾT VẾ NHỚ QUANG TRUNG - thơ Lê Ngọc Phái

Hình vua Quang Trung trên một con tem cổ


Tết về nhớ đến Quang Trung
Đức vua tài giỏi lẫy lừng nước ta
Đầu xuân trận mạc xông pha
Mùng năm đại thắng - làm quà khắp nơi.

Quân Thanh hai chín vạn người
Tây Long, Khương Thượng, Ngọc Hồi… thua to
Lão Tôn Sĩ Nghị co giò
Vẫn còn sợ rượt nên lo phá cầu.

Nhị Hà binh lính chen nhau
Dây phao sập xuống sông sâu xác đầy
Tướng Sầm Nghi Đống bị vây
Phải đành tự vẫn bỏ thây chiến trường.

Tử thi chồng chất thảm thương
Đống Đa tràn ngập máu xương giặc thù
Tây Sơn về đến kinh đô
Thăng Long - Đại Việt reo hò mừng vui.

Kể sao cho hết công Người
Anh hùng Nguyễn Huệ muôn đời vẻ vang!

                                 Lê Ngọc Phái
READ MORE - TẾT VẾ NHỚ QUANG TRUNG - thơ Lê Ngọc Phái

CHÙM THƠ KHI ĐI CHỤP ẢNH PHONG CẢNH - Dizikimi




                TAM ĐẢO

Trên này * là cảnh bồng lai
Dưới kia** là cảnh trần ai thật buồn
Mây bay, mây tỏa, mây luồn
Cảnh tiên mà vẫn nối buồn trần ai!


Chú thích: 

  *Nơi nghỉ mát trên đỉnh Tam đảo.
  ** Nơi dân cư sống dưới chân Tam đảo.



              Thủy đình ở Chùa Thầy



               CHÙA THẦY

Chợ Trời * thấp thoáng bóng người
Bàn cờ tiên**với đá ngồi lô nhô
Qua ống kính với hồn thơ
Lên thu cảnh đẹp mây mờ chiều đông
Lên cao sương tỏ mênh mông
Hàng cây đại uốn vây rồng sườn non
Đúng trên đỉnh núi cho von
Chiều buông lạnh lạnh vẫn còn say sưa
Trên tay lấm chấm hạt mưa
Người yêu mến cảnh nên chưa muốn về
Người say mê , cảnh say mê
Cảnh buông lớp lớp bốn bề nông sâu
Ngắm nhìn phong cảnh đẹp giàu
Thu vào ống kính muôn màu nước non
Đá mòn nhưng gót chẳng mòn
Đâu phong cảnh đẹp chân còm muốn đi
                                
Chú thích:

*Một trảng đất rộng bằng phẳng trên đỉnh núi Sài Sơn tương truyền gọi là Chợ Trời.

**.Một phiến đá to bằng phẳng nằm giữa Chợ Trời tương truyền gọi là Bàn cờ tiên.


       THĂM CÔN SƠN

Chẳng ngại đường xa vất vả
Hôm nay đến thăm Côn Sơn
Trong lòng bâng khuâng khó tả
Biết ghi cảnh nào đắt hơn

Nơi đây Ức Trai ở ẩn
Cảnh xưa người cũ đẹp thay
Rừng thông reo vui vi vút
Suối tuôn róc rách đêm ngày*

Giờ đây dòng khô bờ vắng
Đồi thông không một tiếng reo
Thạch Bàn lá khô mấy đống
Trơ vơ bậc đá cheo leo!

Đây rồi vườn vải, vườn vải !
Mà Người ở đâu , ở đâu?
Dẫu nỗi oan xưa đã giải
Cỏ cây sao vẫn thảm sầu!

Lại buồn nhớ chuyện kỷ niệm
Lần sáu trăm năm ngày sinh
Báo “Nhân Dân” in nhầm ảnh!**
Ôi nhầm nhầm thế, thật đáng kinh!

Cho đến bao giờ bao giờ
Đời mới hết điều ngộ nhận
Để khi cầm máy làm thơ
Lòng hết băn khoăn ân hận
                    

Chú thích:

*"Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm"
(lời dịch) - (Côn Sơn ca- Nguyễn Trãi)

**Lần kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi
báo Nhân Dân in nhầm ảnh Nguyễn Trãi bằng ảnh
Dương Khuê !

                                                       DIZIKIMI


READ MORE - CHÙM THƠ KHI ĐI CHỤP ẢNH PHONG CẢNH - Dizikimi

"NHỮNG CÂU THƠ TAN BĂNG MỀM ĐÁ" - Nguyễn Xuân Dương

Thưa các bạn,
Xin được chuyển đến các bạn bài viết mới của nhà văn Nguyễn Xuân Dương. Mời các bạn đọc và viết cảm nhận, trao đổi với tác giả theo hộp thư:
cuchuong7780@gmail.com  
hoặc nguyenngochung204@gmail.com

Chân thành cám ơn và kính chúc các bạn NĂM MỚI AN LÀNH, THỊNH VƯỢNG, HẠNH PHÚC!

Thân kính,
NGUYỄN NGỌC HƯNG






"NHỮNG CÂU THƠ TAN BĂNG MỀM ĐÁ" 
Đọc "Bài ca con dế lửa" thơ Nguyễn Ngọc Hưng, 
Nxb Hội Nhà văn 2012

Có tận mắt nhìn thấy những triền ruộng bậc thang trên núi rừng trùng điệp gần như dốc đứng nơi biên cương phía bắc của Tổ quốc ta mới thấy hết bản năng sinh tồn của dân tộc Mông nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung vĩ đại biết chừng nào ! Có hiểu cuộc đời của Nguyễn Ngọc Hưng khi mới bước vào tuổi 23 vừa tốt nghiệp Thủ khoa trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn thì mắc chứng bệnh co cơ tiến triển, co rút toàn thân mà y học hiện đại vẫn còn phải bó tay, từ đó đến nay Nguyễn Ngọc Hưng phải nằm liệt một chỗ và có được đọc thơ anh ta mới thấy hết bản năng sinh tồn của con người mạnh mẽ biết chừng nào ! Nguyễn Ngọc Hưng đã sinh tồn - không chỉ là sự sinh tồn sinh học đơn thuần mà sinh tồn để sáng tạo. Nói khác đi là sáng tạo để khẳng định sự sinh tồn của anh trong cõi người. Trong bài "Chuyện cổ tích ở Nghĩa Hành" nhà báo Đặng Vương Hưng có viết: "Nguyễn Ngọc Hưng đã biết vịn vào thơ mà đứng dậy". Câu nói đó thật chính xác khi nói về khát vọng sáng tạo thi ca của Nguyễn Ngọc Hưng.

Lý giải như thế nào về con đường sáng tạo và thế giới văn học của Nguyễn Ngọc Hưng là điều không đơn giản. Nó tích hợp nhiều yếu tố: Yếu tố tâm linh, yếu tố ngoại cảm, trí tưởng tượng - sức mạnh vĩ đại nhất của loài người. Bằng trí tưởng tượng người ta có thể sáng tạo ra cả một thế giới. Nỗi cô đơn Nguyễn Ngọc Hưng là người cô đơn nhất trong những người cô đơn. Biết bao tác phẩm đã được sáng tạo bắt nguồn từ nỗi cô đơn. Yếu tố thiên phú, Nguyễn Ngọc Hưng làm thơ từ khi còn rất trẻ, có những lúc vì thơ mà anh đã mắc lỗi lầm với mẹ như đã tự thú:

"Câu con diếc cho mẫu từ giải nhiệt
Cũng dùng dằng thả xuống để nuôi thơ"

Ngọc Hưng sáng tạo để khẳng định sự tồn tại của mình, để "tạ ơn đời mỗi sớm mai", tạ ơn quê hương yêu dấu đượm buồn, tạ ơn người mẹ đã sinh thành, tần tảo dưỡng dục cho anh khôn lớn thành người. Khi anh lâm bệnh trọng mẹ đã đưa anh đi bốn phương trời, mười phương đất, thuốc thang chạy chữa cho anh. Mẹ đã trút hơi thở cuối cùng bên giường bệnh của đứa con trai thân yêu. 

Tất cả những yếu tố ấy đã dồn tụ, kết tinh để Nguyễn Ngọc Hưng đốt lên thành ngọn lửa thi ca, sáng tạo cho mình một thế giới văn học mà không phải ở một nhà thơ lành lặn, vẹn nguyên nào cũng có được. 

Hành trình thơ của Nguyễn Ngọc Hưng là hành trình đi tìm cái thiện, đến với cái thiện và truyền bá cái thiện. Nói khác đi thiện và hướng thiện là bản năng của thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Thơ anh đã vươn ra, sẻ chia và gửi gắm với những đau thương mất mát của cõi người. 

Đọc "Bài ca con dế lửa" tôi tự thấy mình như con chim đi tìm hạt trên cánh đồng thơ mà Nguyễn Ngọc Hưng gieo trồng. Tôi tìm nhặt những hạt thơ chắc mẩy nhất trước hết để gieo vào lòng tôi, cho nó nảy mầm rồi đơm hoa kết trái để nuôi dưỡng, bồi đắp cho tâm hồn tôi những tình cảm tốt đẹp nhất, nuôi dưỡng trong tôi sự thảo thơm ngọt lành và lòng nhân ái mà Nguyễn Ngọc Hưng đã khát vọng gửi gắm qua thơ mình. 

Dưới đây là cảm nhận đồng hành suốt chiều dài "Bài ca con dế lửa".

"TẠ ƠN ĐỜI MỖI SỚM MAI"

Tôi coi đây là bài thơ lớn của Nguyễn Ngọc Hưng. Tôi có quan niệm thơ hay là những bài thơ chứa đựng nỗi niềm, chứa đựng tâm trạng, những bài thơ có sức nặng ám ảnh có thể tồn tại trong lòng người đọc qua thử thách khắc nghiệt của thời gian. Thơ hay là sản phẩm của sự rung cảm tinh tế của con tim, còn thơ lớn là những bài thơ có tâm thế của một vĩ nhân để rọi soi những điều được mất của cuộc đời. Thơ lớn là sản phẩm của trí tuệ. Thơ hay mang đến cho người đọc sự sẻ chia đồng vọng, thơ lớn mang đến cho người đọc sự hiểu biết.

Nguyễn Ngọc Hưng đã lý giải một cách rất chính xác sự vận động của nhân loại chỉ qua 4 câu thơ:

"Tự xây ngục tự mở đường giải thoát
Nhân loại loay hoay trong vòng xoáy chính mình
Bởi tri kiến sai lầm cái tôi trùm vũ trụ
U minh này, u minh nữa u minh".

Lịch sử nhân loại đã chứng minh nhận định đó của Nguyễn Ngọc Hưng là chính xác, nó mang tầm cỡ của một vĩ nhân. Chỉ vì những cái tôi sai lầm đã bao lần nhân loại bị nhấn chìm trong biển máu chiến tranh. 

Dù cho bao đổi thay luân hồi của vũ trụ:

"Ngày đang sáng đêm sắp mù nay cuối hạ mai đầu thu
Hoàng hôn khép những bông sen dịu dàng rủ cánh
Bóng tối phủ màn đêm lên mờ tỏ giấc mơ trăng vừa đủ lạnh"

Nguyễn Ngọc Hưng vẫn cứ thanh thản với niềm tin và hy vọng:

"Để mỗi sớm mai cầm hoa đỏ nắng xanh hoan hỷ tạ ơn đời".

"NGÀY YÊU THƯƠNG NHỚ MẸ"

Là một trong rất nhiều những bài thơ viết về mẹ của Nguyễn Ngọc Hưng. Do hoàn cảnh quá cô đơn không còn khả năng giao tiếp với bạn bè nên có thể nói rằng hầu hết thời gian Nguyễn Ngọc Hưng đều dành cho thơ và dành cho mẹ. Nhưng mẹ không hiện hữu trong đời bên anh mà mẹ chỉ tồn tại, chỉ được lưu giữ trong ký ức. Cảm giác thiếu hụt khi không còn mẹ luôn dày vò tâm trí Nguyễn Ngọc Hưng.

"Hút bóng mẹ con suốt đời nhợt mặt
Suốt đời ẽo uột tả tơi
Như cây xanh thiếu ánh mặt trời".

Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng nói chung và thơ viết về mẹ nói riêng là thứ ngôn ngữ được Nguyễn Ngọc Hưng tạo dựng rất kỳ khu và nghiêm cẩn. Vẫn biết thơ bao giờ cũng là sự vụt hiện, lóe sáng tài năng và thăng hoa cảm xúc. Với Nguyễn Ngọc Hưng tôi nghĩ vẫn còn một yếu tố nữa, đó là sau sự vụt hiện lóe sáng ấy, cốt cách hình hài của bài thơ đã được hình thành. Nguyễn Ngọc Hưng còn rất nhiều thời gian để sàng lọc mài giũa. Thơ viết về mẹ của Nguyễn Ngọc Hưng có nhiều câu thơ đẫm đầy nước mắt, nhiều câu thơ như máu ứa. Cứ mỗi lần đọc những bài thơ viết về mẹ của anh tôi không thể cầm được nước mắt. Trên thế gian này có người mẹ nào phải chịu đựng nhiều gian lao mất mát và thương đau như người mẹ của Nguyễn Ngọc Hưng ? Trong bài "Ngân ngấn mắt cò" anh viết:

"Đời mẹ hát ru toàn những nốt trầm
Bước một nhỡ nhàng bước hai dang dở
Sang bước thứ bao ít duyên nhiều nợ
Đau gì hơn nỗi vượt cạn một mình"

Chính vì thế mà trong "Ngày yêu thương" (ngày của mẹ) Nguyễn Ngọc Hưng đã nhớ mẹ khôn nguôi nhưng hình bóng mẹ chỉ còn là:

"Tăm tăm bóng mẹ cuối trời
Ba thập niên gió 
Lá rơi ngập đường
Con ngồi trông nắng mà thương
Nghe mưa mà nhớ góc vườn quê xưa".

Và:

"Cuối trời bóng mẹ tăm tăm
Khổ thân con một chỗ nằm nhớ suông".

Nhớ suông vì không còn nơi mà gửi gắm và có chăng chỉ là:

"Hiu hiu gió thổi run đồi
Cỏ vàng chân mộ 
Mây trôi sẩm trời
Hoa hồng ai nhận mẹ ơi !
Ngày yêu thương 
Bỗng nghẽn lời yêu thương"

"Ngày yêu thương nhớ mẹ" là một bài thơ lục bát hoàn chỉnh nhưng nhiều đoạn thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã đập vụn nó ra như những mảnh thủy tinh lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Và cũng có những mảnh thủy tinh sắc nhọn lúc nào cũng cứa nát tim ta.

"HƯƠNG CỐ LÝ" 

Có thể đây là người con gái - là mối tình đầu của Nguyễn Ngọc Hưng. Nhưng nó cũng chỉ là những năm tháng còn quá trẻ nơi chôn rau cắt rốn mà Nguyễn Ngọc Hưng gọi là "cố lý". Một vùng quê xa lắm rồi. Xa chưa hẳn là khoảng cách của không gian mà xa còn là khoảng cách thời gian. Hai người chưa kịp trao nhau "Một tẻo tèo teo nào" và giờ đây "Xa biền biệt em hóa gì chẳng rõ" thì làn hương cố lý từ bông bưởi, quả ổi đào, quả thị... vẫn vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của không gian, của thời gian để tồn tại trong tâm hồn Nguyễn Ngọc Hưng và để cho thơ anh có một cõi đi về. Nguyễn Ngọc Hưng thật tài hoa khi sử dụng vào thơ mình hai loại cây khổ qua - tượng trưng cho sự đắng chát, đa đoan và cam thảo - tượng trưng cho sự ngọt ngào, thảo thơm để nói về thân phận:

"Tâm tư khổ qua này lặng lẽ xỏ thành xâu
Nỗi niềm cam thảo đây - anh âm thầm kết chuỗi".

"MẨU TIN TỪ HƠI GIÓ"

Nằm trong bốn bức tường chật hẹp mất hết mọi khả năng tự vệ cho mình nhưng Nguyễn Ngọc Hưng vẫn cảm nhận được thân phận của mình vẫn còn may mắn hơn vạn kiếp người đang gồng mình trước bão giông lũ lụt và từ đó một nỗi niềm cảm thông đến mênh mông muốn chia sẻ, muốn bù đắp mặc dù anh chỉ còn hơi ấm và khát vọng của một con tim và không thể "Góp nghìn góp trăm nuôi một nụ cười". Thơ anh viết về miền Trung thật gan ruột, sự đùm bọc chở che của những con người nơi đây hay nói khác đi là khát vọng đùm bọc chở che của Nguyễn Ngọc Hưng đã là vô tận. 

Ở đâu đó trên thế gian này văn chương biến nhiều người thành tỷ phú. Còn ở đây nhà thơ đã từng đoạt giải quốc gia Nguyễn Ngọc Hưng sống được là nhờ vào bạn bè và tiền trợ cấp xã hội (360.000đ/tháng). Nhưng trước cảnh cửa nát nhà tan, ruộng đồng xơ xác anh lại có những câu thơ từ tâm, những câu thơ chắt ra từ gan ruột để chia sẻ với miền Trung quê hương yêu dấu của anh. Bản chất thiện trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng chính là ở đó. Những câu thơ kêu gọi thiết tha gửi đến cõi người:

"Tay nắm tay vượt bão bùng giông tố
Người yêu thương sưởi ấm trái tim người
Góp ngàn góp trăm nuôi một nụ cười
Ai kiệt sức thì ghé vai gánh đỡ
Ăn cùng miếng ăn thở cùng hơi thở
Năm mươi rừng, năm mươi biển sinh sôi".

Qua thơ Nguyễn Ngọc Hưng ta thấy không bao giờ anh mất đi niềm tin và hy vọng. Dù cho bão giông quăng quật mảnh đất miền Trung đến chừng nào thì mảnh đất ấy vẫn tồn tại và sinh sôi mãnh liệt.

"ƠI ĐẢO NỔI ĐẢO CHÌM"

Lý giải vì sao Nguyễn Ngọc Hưng có thể sáng tạo ra một thế giới văn học mà không phải ở những người vẹn nguyên lành lặn nào cũng có được vì anh muốn "Tạ ơn đời mỗi sớm mai" đã ban tặng cho anh tình yêu cuộc sống. Cuộc sống thật qúa khắc nghiệt với anh, sự cô đơn của Nguyễn Ngọc Hưng đã đi đến tận cùng. Nhưng chính sự khắc nghiệt đó và cả sự cô đơn này lại thổi bùng lên trong anh ngọn lửa sáng tạo của thi ca. Có thể còn phải thêm vào đó một điều rất cốt lõi: Nguyễn Ngọc Hưng yêu cuộc đời này, yêu đất nước này đó trước hết là tình yêu mẹ, tình yêu những người đã cưu mang anh, nuôi sống anh bằng tất cả những nghĩa cử lớn lao mà nhà báo Đặng Vương Hưng đã khẳng định chỉ có thể xảy ra trong chuyện cổ tích. Đó là vợ chồng anh chị Nguyễn Xuân Anh - Lê Thị Thu Hà là những người bạn cùng học cấp III cùng hai đứa con ngoan hiền của họ: Nguyễn Lê Nguyên Hạ và Nguyễn Lê Hoàng Phượng. Nhờ mẹ, nhờ họ mà Nguyễn Ngọc Hưng đã tồn tại và từ đó Nguyễn Ngọc Hưng vươn ra cái rộng dài hơn đó là non sông Tổ quốc. Cũng chính từ bệ phóng là Tổ quốc mà Nguyễn Ngọc Hưng đã có những câu thơ mang tầm cỡ những triết gia, vĩ nhân khi viết về đất nước:

"Trường Sa ơi ! 
Còn một nhịp tim còn một con người
Quyết không cho bất kỳ ai vô cớ xâm loàn dẫu một giây bóng tối
Và cứ thế người theo sóng biển Đông ôm đảo chìm đảo nổi 
Chìm để lắng sâu
Nổi để nâng tầm".

"GỌI HỒN"

Gần 30 năm rồi mẹ đã đi xa vào cõi vĩnh hằng. Và "Mẹ con đã về với đất. Mai dì đi nữa là thôi". Người dì duy nhất ấy chắc cũng không còn nữa. Một mình trong bốn bức tường chật hẹp Nguyễn Ngọc Hưng đã không biết làm gì cho qua ngày. Vẫn biết mỗi ngày qua đi là khoảng thời gian còn lại trên cõi người này sẽ ngắn lại, thời gian sáng tạo cũng bị hao mòn. Nhưng trong cảnh cô đơn thì thời gian một ngày nhiều khi dài ra vô tận và đêm tối mịt mùng. Nguyễn Ngọc Hưng không biết làm gì hơn và đã hơn 20 năm có lẻ anh đã thử làm một cuộc tìm kiếm, thăm dò những tín hiệu phát ra từ cõi mẹ bằng tâm linh, bằng ngoại cảm: "Gọi hồn". Nhưng tất cả:

"Rơi vào hố sâu tuyệt cùng u tịch
Một ngày
Ba tháng
Hai mươi năm
Thăm thẳm thằm thăm 
Không một bóng tăm nào".

Thi ảnh ở đây chất chứa nỗi cô đơn trống vắng, nỗi nhớ thương khát thèm tín hiệu về mẹ. Rồi Nguyễn Ngọc Hưng chỉ biết khóc đến nỗi:

"Mẹ ơi ! 
Nước mắt tuôn trào
Thành suối thành sông
Thành mênh mông biển cả
Thành những câu thơ tan băng mềm đá"

Nhưng anh vẫn không thể nhận được một tín hiệu nào về mẹ:

"Hai mươi năm 
Ba tháng
Một ngày
Rung động cả mười phương ba cõi
Vía hồn người vẫn không một mảy may".

Nguyễn Ngọc Hưng tự hứa với mẹ và tự hứa với chính mình. Anh có những câu thơ làm tôi thực sự khâm phục sức sống mãnh liệt và khát vọng vươn lên:

"Với cõi này con đã trắng tay
Trắng tay - khổ
Trắng tay - buồn
Nhưng trắng tay không hẳn là lửa tắt"
Ngọn lửa thiêng của mẹ đã đốt lên trong trái tim của đứa con trai không thể tắt. Ngọn lửa ấy đã đốt cho thơ anh bùng cháy tỏa sáng mãi trong cõi người.

"XƯƠNG RỒNG"

Dù quê hương có cỗi cằn thì vẫn như cây xương rồng biết chắt chiu từng chút mỡ màu của đất mà sống, mà tồn tại để dâng hoa đẹp - những chùm hoa đỏ bừng như lửa cho đời. Có thể coi đây là chân lý, khát vọng sống của Nguyễn Ngọc Hưng. Trong đời này ai chẳng muốn yên hàn nơi quê hương xứ sở nhưng "Đất không nuôi nổi người. Người không nuôi nổi đất" (Thơ Chế Lan Viên) thì anh hãy cảm thông cho họ, họ phải đành di thực đến những vùng đất mỡ màu để mưu sinh.

Bài "Xương rồng" là để nói lên sự thủy chung và quật khởi của con người miền Trung với quê hương và đất nước:

"Ngậm chút sương đêm ru ngày nắng
Dành hơi mưa hát với gió Lào
Nung nấu nhiệt tâm thành hoa lửa
Chiếu vàng soi đỏ tận trăng sao".

Và:

"Chẳng phải rồng đâu xương rồng đấy
Dẻo dai chung thủy chẳng ai bằng
Ví dù một bước lên mây được
Đâu chắc xứ người không giá băng".

Những câu thơ gọi mời:

"Ai ơi có thật lòng yêu mến
Xin hãy về khúc ruột miền Trung
Lắng nghe tiếng gió ngàn sóng biển
Mới thấu tình quê - nói chẳng cùng".

"THAO THỨC NGHIÊNG ĐÊM"

Thao thức mà nghiêng cả trời đêm thì sự thao thức này mới đúng là sự thao thức của một con người cô đơn đến cùng tận. Trong thao thức Nguyễn Ngọc Hưng đã cảm nhận:

"Nào ai hay một đời khóc muộn
Hạnh phúc thơm lên
Nỗi đau nảy mầm xanh xuống
Mặt tháng ngày cỏ mọc lặng im"

Sao "Hạnh phúc thơm lên". Ở cõi này hạnh phúc là thứ dễ vỡ, là thứ mong manh như một làn hương, chỉ cần một cơn gió nhẹ làn hương hạnh phúc ấy cũng có thể bay đi. Huống gì cuộc đời này còn bao gió mưa giông tố phũ phàng! Còn "Nỗi đau nảy mầm xanh xuống". Nảy mầm và xanh xuống miền đất mỡ màu và nỗi đau cứ sống dai dẳng đi dọc suốt cuộc đời. Những câu thơ như thế đã nói được đủ đầy nhất vì sao nỗi thao thức của thi nhân lại nghiêng lệch cả trời đêm:

"Thao thức buồn nghiêng đêm cuối năm
Chênh  một khoảng trời thương nhớ cũ"

"MAY HÃY CÒN XUÂN"

Mùa xuân trong ký ức cứ ùa ập tràn về trong tâm thức Nguyễn Ngọc Hưng, những kỷ niệm êm đềm dịu ngọt. Thi ảnh của bài thơ đã đi đến tận cùng của cái mỹ. Bài thơ mong manh và hư ảo biết chừng nào. Nó gieo vào lòng ta một nỗi buồn man mác như những sợi heo may se lạnh vấn vít hồn ta:

"Con bướm nhụy chập chờn bông mướp
Mải mê vàng suốt buổi mai sương".

Hình tượng con dơi ăn đêm là hình tượng hoang lạnh, buồn nhưng ở đây Nguyễn Ngọc Hưng không thế:

"Cánh dơi hun hút đêm chìm gió"

Mà vẫn chở mang: "Còn vẩn vơ hương ổi cuối vườn".

Và rồi hình bóng người con gái xưa cũ lại hiện về: 

"Ôi cô bé ngày xưa tóc ngắn
Tóc đuôi gà tóc xõa ngang vai
Hương chanh hương sả còn đâu đó
Hiu hắt mờ sông gió thở dài"

Khổ thơ thật đẹp mà lại xa ngái đến tận cùng. Ta như lạc giữa miền ảo ảnh hư vô. Mái tóc thơm hương chanh, hương sả vẫn thoang thoảng đâu đó bên bờ sông: Chắc là "Sông Vệ nhớ thương". Và gió thở dài hay thi nhân ngậm ngùi tiếc nuối thở dài.

Và rồi Nguyễn Ngọc Hưng đã không thể kìm giữ được lòng mình, anh lại nhớ về mẹ, nghĩ về mẹ:

"Thương mẹ tháng Mười đi quá vội
Bã trầu chưa giập đã qua chiều
Đồi cao một nấm lam nham cỏ
Mộ chí bao mùa lốm đốm rêu".

Khổ thơ gieo vào lòng ta những giọt lệ đầy vơi. Đó cũng chính là cảm giác của tất cả những đứa con khi nghĩ về mẹ đã xa khuất. Thế nhưng rồi Nguyễn Ngọc Hưng cũng nhen lên trong ta một niềm hy vọng:

"May hãy còn xuân còn chim én
Thiết tha gom gởi nhớ thương về".

"DẤU CHÂN TRÊN CỎ"

Trong bài thơ Nguyễn Ngọc Hưng có nhắc đến hình bóng người cha. Mặc dù suốt cả cuộc đời Nguyễn Ngọc Hưng không nhận rõ được mặt cha mình. Dấu chân của người cha ở đây cũng chỉ là dấu chân trong tưởng tượng của tuổi lên 9, 10. Bài thơ cho ta tận hưởng vẻ đẹp kỳ ảo của một vùng quê:

"Xác rơm rạ hỏa thiêu hồn lúa lép
Khói đốt đồng hun ấm cả không gian
Trong cay xót con đi tìm cái đẹp
Mắt nhìn đâu cũng quá đỗi dịu dàng".

Càng đọc thơ Nguyễn Ngọc Hưng ta mới thấy hết được ký ức và kỷ niệm là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế giới văn học của anh.

"Rào râm bụt có còn chong sắc đỏ
Như mắt người mong đợi kẻ xa quê"

"SÔNG VỆ NHỚ THƯƠNG"

Khi gửi tập bản thảo đầu tiên cho tôi, Nguyễn Ngọc Hưng đã lấy tên bài thơ này đặt tên cho tập thơ của anh. Không hiểu sao tôi vẫn thiên hướng về cái tên đó chứ không phải là "Bài ca con dế lửa". Bài thơ chứa đựng nhiều sức nặng tâm trạng, sức nặng ám ảnh, sức nặng đó trải dài, trải mãi theo suốt hành trình của thơ Nguyễn Ngọc Hưng như dòng sông Vệ nhớ thương đã chảy, đang chảy và còn chảy mãi qua tâm hồn thi nhân mang phù sa mỡ màu bồi đắp cho thế giới văn học của Nguyễn Ngọc Hưng. Tôi vẫn nghĩ ngọn nguồn sáng tạo thi ca của Nguyễn Ngọc Hưng đều được bắt nguồn từ dòng sông yêu thương của quê hương này.

Sông Vệ nhớ thương là dòng sông của kỷ niệm, của ký ức, bài thơ đẹp và đọc nó sao tôi thấy chạnh lòng. Sông Vệ ngày nay có còn những gì như thơ anh đã viết. Không hiểu trận bão lụt vừa qua sông Vệ của Nguyễn Ngọc Hưng có tan hoang, có ngập ngụa rác rều khi các công trình thủy điện đã hùa nhau với mưa gió bão bùng mà xả lũ. Tuy vậy ta vẫn tin, tin rằng có một sông Vệ nhớ thương đã nuôi Nguyễn Ngọc Hưng khôn lớn, đã bồi đắp cho cánh đồng thi ca của anh thêm màu mỡ, vẫn tồn tại trong thơ và tồn tại trong đời. 

"Đâu chỉ là đôi chấm nhỏ nhớ thương
Mà tất cả vui buồn tôi ở đó
Một cánh bướm hoa một con chuồn cỏ
Cũng rưng rưng gợi muôn nỗi khóc cười"

Tại sao một cánh bướm, một con chuồn cũng có thể gợi lên trong ta những nỗi buồn vui, những nỗi khóc cười, yêu thương và hờn tủi. Chính những cánh bướm mỏng manh, những con chuồn nhỏ bé nhiều lúc lại nuôi dưỡng tâm hồn và làm dịu mát tâm hồn ta.
Rồi Nguyễn Ngọc Hưng lại khẳng định:

"Đâu chỉ là nơi hạt bụi hóa người
Mà tất cả cuộc đời tôi ở đó
Đèn hạt đỗ chập chờn trang sách nhỏ
Đã vỡ lòng bao nghĩa lý lớn lao".

Chính vì thế mà trên thế gian này không có dòng sông nào như "sông Vệ nhớ thương" của Nguyễn Ngọc Hưng:

"Hỏi có nơi nào gió thơm đến vậy
Hoa nối hoa mùa quả chín nối mùa"

Và cũng thật mông lung huyền ảo:

"Lúc bay lên phiêu phưởng tiếng chuông chùa
Khi vời vợi giọng đò đưa đêm vắng"

Chính khổ thơ này đã giải tỏa nỗi trằn trọc tiếc nuối trong tôi:

"Đâu chỉ là  nơi cất giữ nghĩa tình 
Văn vắt nước trong lọc niềm dâu bể
Xơ xác ngày va bão giông trần thế
Đêm dịu dàng trăng sông Vệ tái sinh".

LẶNG LẼ CHỐN XƯA

Những ký ức, những kỷ niệm về quê hương yêu dấu đượm buồn luôn dội về trong tâm tưởng, rồi Nguyễn Ngọc Hưng tái hiện nó thành thơ. Thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết rất nhiều về quê hương nhưng không trùng lặp tứ, lặp từ bởi trong anh là cả một miền, cả một cánh đồng và bãi bồi ký ức. Không có khả năng giao tiếp với thế giới khách quan thì Nguyễn Ngọc Hưng thực hiện những giao tiếp đó trong tâm linh, trong trí tưởng tượng. 

"Xanh lặng lẽ trong bộn bề ký ức
Là chốn xưa lần lựa mãi chưa về".

Rồi như bàng hoàng Nguyễn Ngọc Hưng viết:

"Mưa nắng tháng ngày học nhớ học quên
Mây vẫn trắng một màu ngơ ngác trắng
Cỏ vẫn xanh một sắc xanh thầm lặng
Người thân sơ lần lượt đất nâu về".

Ở trên cõi đời này anh chẳng còn ai thân thích, khi:

"Ngoại hóa mây rồi mẹ cũng hóa sương
Xa biền biệt em hóa gì chẳng rõ".

Mặc dù vậy Nguyễn Ngọc Hưng vẫn cần mẫn:

"Đã suối đã sông đã biển trong lành 
Bến cũ chưa về chưa nguôi cơn khát
Muốn dập lửa cho dịu dàng sa mạc
Đêm gục đầu trong nỗi nhớ vại chum".

GIỌNG NÓI TỪ CÕI MƠ:

Bài thơ nhiều cảm nhận có chiều hư ảo. Trong cõi mơ vì sự phiêu bạt của âm thanh như từ cõi xa xăm nào đó vọng về và trong cái phiêu bạt đó Nguyễn Ngọc Hưng muốn gửi gắm khát vọng yêu đương đang dâng trào lên trong đêm u tịch. Thế giới ở đây là thế giới của trí tưởng tượng - một thế giới bất định. Nguyễn Ngọc Hưng không nắm bắt, không với tới được, chuỗi âm thanh mà anh đã biết có thể là sóng mà cũng có thể là hạt. Nhưng có lẽ qua bài thơ Nguyễn Ngọc Hưng muốn gửi gắm cái hạnh phúc mong manh mà tạo hóa đã ban tặng, đã kết lên hình hài của em nhưng sao anh vẫn không thể tiếp cận, không thể nắm cầm :

"Mềm mượt như đêm ấm áp như ngày
Em trong trẻo rót một dòng vô ngại"

Dù đã được uống nước cam lồ từ tay em dâng hiến nhưng hình như nó cũng chỉ là sương khói mong manh như âm danh phiêu phưởng mà thôi. Dư âm của giấc mơ cứ bám riết lấy để mơ về một hạnh phúc hư ảo:

"Suốt mấy hôm rồi tôi mơ tưởng quẩn quanh
Chẳng biết nơi em sinh ra là cảnh tiên hay trần tục
Tiên hay tục, tục hay tiên cũng quá đỗi dịu dàng vô biên hạnh phúc
Ướp chữ thành thơ, thả thơ vào lặng im khe khẽ vang khúc nhạc êm đềm"

"CHỐN VỀ"

Trong đời có ai đã từng khát vọng trở lại một chốn về như Nguyễn Ngọc Hưng. Thơ anh viết:

"Không đi được thì lăn lê bò lết
Đâu dễ gì quên nổi một chốn về
Ơi Bến Thóc, ơi bến đò An Chỉ
Không hẹn mà chân cứ rậm rịch về"

Ngay cả cái khả năng lăn lê bò lết hay đôi chân rậm rịch Nguyễn Ngọc Hưng cũng không thể có. Quá khát vọng, quá nhớ nhung nên anh viết vậy thôi. Chính vì thế mà trong ta dâng lên một nỗi niềm thương cảm đến vô biên và giá như có thể ta muốn đưa anh trở lại chốn về dù chỉ một lần. Suy cho cùng người ta cũng như loài chim di trú, quê hương nuôi nấng dạy dỗ ta đủ lông đủ cách thì phải bay đi di trú để mưu sinh. Khác chăng là loài chim còn biết và còn khả năng trở lại chốn về rồi gửi nắm xương tàn nơi nó đã sinh ra. Còn con người thì:

"Bao cánh chim bay biệt xóm làng
Rơi tiếng hót nơi nào không biết nữa".

Và không hiểu vì sao đang nghĩ đến cảnh lưu lạc Nguyễn Ngọc Hưng lại nhắc về em: 

"Trời với cỏ xanh một màu đôi lứa
Em ở đâu để tôi bạc nửa mùa".

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hưng ta thấy dù buồn đau, mất mát nhưng chưa bao giờ anh đánh mất niềm tin.

"Tôi lại thấy những niềm xuân nho nhỏ
Se sẽ về trên mắt lộc miền Trung".

Nguyễn Ngọc Hưng là thế đó. Chính những câu thơ như thế nó lay thức tính hướng thiện, tính nhân văn trong ta với cuộc đời.

"BÊN SÔNG CHIỀU THÁNG CHẠP".

Lại một bài thơ viết về mẹ của Nguyễn Ngọc Hưng. Sau một năm tảo tần lam lũ, hôm nay một chiều tháng chạp cuối năm chắc hẳn mẹ đã trút hết những lo toan phiền muộn để thảnh thơi đón nhận một năm mới an lành, nhưng đó cũng chỉ là ước vọng cả một đời người:

"Đã trôi xa những bèo bọt rác rều
Xanh trong lại mắt xanh chiều tháng chạp
Bàn chân mẹ bốn mùa quê lấm láp
Được phút thảnh thơi cọ gót chua phèn"

Dòng sông ở đây là sông đời hay dòng sông thực tại. Rác rều ở đây là rác rều trên sông hay rác rều cuộc đời ? Ta có thể cảm nhận thôi mà không thể khẳng định. Suy cho cùng thì khẳng định để làm gì ? Khi cuộc đời mẹ vẫn là:

"No đói, phải - không, nợ nần bám riết
Tháng tận năm cùng mẹ hết lo chưa "

Và dù:

"Gốc mai vàng dăm nụ nắng lưa thưa
Đủ khép lại một mùa mưa gió đắng
Cành lộc biếc mở cửa xuân thầm lặng". 

Đơn sơ nhưng đẹp đến vô ngần, sao Nguyễn Ngọc Hưng lại đặt vào đây một câu thơ ứa máu như cứa vào lòng ta:

"Mắt mẹ còn vương trắng lũ hôm nào".

Hình tượng về mẹ như bao trùm lên tất cả:

"Tóc mẹ rưng rưng ngả màu sương lợt
Dịu dàng ngân trong khói sóng sông chiều

Để vun đắp cho thơ anh hướng về cái thiện, hướng về vẻ đẹp của tình yêu cuộc đời:

"Năm tháng trôi lòng lắng đọng bao nhiêu
Qua vật vã sông giữ phù sa lại
Phải xua đi bao giác rều cặn thải
Để có một chiều tháng chạp mắt trong".

"NHẶT LẠI MỘT LÀN HƯƠNG"

Ai có thể nhặt được một làn hương. Mà ở đây làn hương đã rơi vãi, rơi vãi rồi sao có thể nhặt lại. Cuộc đời là vậy dù được sinh ra trên quê hương tươi đẹp: 

"Là con gái của những vườn chuối nương dâu rặng tre làng quê Việt
 Dẫu nhắm mắt sang sông vẫn văng vẳng bên tai tiếng gọi ơi đò"

Thế nhưng có người vì mưu sinh mà lưu lạc, có người thì vì muôn ngàn lý do khác nữa phải ra đi. Đó mới là cuộc đời. Nguyễn Ngọc Hưng muốn đem thơ mình ra sẻ chia với họ, thủ thỉ tâm tình với họ để mong vơi đi mọi muộn phiền đơn bạc nơi quê người.

"Thật hạnh phúc cho người có thể xếp những toan lo bộn bề để lại một bên
Treo nỗi buồn lên cây chẳng cần biết cây có buồn khi nhận

Một lời trách móc khẽ khàng với những người xa xứ. Trách móc làm chi hả Nguyễn Ngọc Hưng bởi trong tim họ cũng nát tan và cũng như anh luôn khát vọng một chốn về:

"Đất đai nơi đâu cũng lặng lẽ thắp lên ánh sáng sinh tồn
Sao phải lắm lời biện minh cho khoảnh khắc nhỏ nhoi của niềm vui vĩnh cửu".

Có lẽ vì Nguyễn Ngọc Hưng quá nuối tiếc mà thôi. Rồi anh buông một câu thơ như lơ lửng giữa trời như một dấu lặng:

"Tháng ba về tương tư thảo chờ ai"

Đọc câu thơ ta như lặng vào cõi xa xăm hư ảo nào đó. Dù trời Úc có đầy hoa và có lẽ đầy tiền thì Ngọc Hưng vẫn nhắn gửi với VNM và bao nhiêu người con lưu lạc khác nữa.

"Đâu cũng cau héo trầu khô cũng sương gió dãi dầu
Sao không dắt nhau về sống tươi lại những tháng ba hoa gạo
Xơ xác cỡ nào quê hương cũng là chiếc nôi thơm thảo
Đủ nồng nàn cho vạn dấu môi hôn".

Những câu thơ mang tâm thế của một vĩ nhân khi nói về quê hương đất nước. Chiếc nôi thơm thảo ấy đã nuôi dưỡng, dạy dỗ anh thành người dù số phận có nghiệt ngã bao nhiêu thì quê hương cũng dang rộng vòng tay che chở ủ ấp, bồi đắp tâm hồn anh để anh trở thành thi sĩ.

"BÁU VẬT"

Tất cả tinh lực cảm xúc còn lại Nguyễn Ngọc Hưng đã dành cho thơ. Với anh "Báu vật" không phải là bạc vàng, là tiền của mà chính là những kỷ niệm và thơ. Anh không sống cho thực tại bởi thực tại với Nguyễn Ngọc Hưng là vô cùng nghèo nàn. Quanh anh chỉ có bốn bức tường. Anh không có khả năng giao tiếp chuyện trò với cõi người. Vì vậy thế giới thơ của Nguyễn Ngọc Hưng là thế giới của ký ức, của kỷ niệm hình ảnh quê hương của thời xa cũ. Bài thơ "Báu vật" là bài thơ đẹp, trong sáng đến kỳ diệu:

"Tuổi thơ tôi xanh mướt rào râm bụt, 
Đỏ dong riềng trắng hoa mận hoa lê
Long lanh sáng hòn bi ve ngũ sắc
Hồn nhiên lăn trên lối cỏ trăng về".

Thi ảnh vùng quê được Nguyễn Ngọc Hưng chắt lọc ra bằng tất cả trí tưởng tượng và ở đây trí tưởng tượng của nhà thơ đã giống như sự vô biên của vũ trụ. Một thế giới của âm thanh, hình ảnh đủ sắc màu:

"Tuổi thơ tôi man mác gió đồng quê
Thoang thoảng mùi rơm dịu dàng hương lúa
Mây trắng giăng tơ nắng vàng phơi lụa
Bãi dâu tằm biêng biếc dệt thảm xanh"

Và vẫn còn rất nhiều nữa. Cuối cùng vẫn là một khổ kết đầy trách nhiệm, đầy tự hào với cuộc đời. Nguyễn Ngọc Hưng luôn biết gieo vào lòng người những tình cảm tốt đẹp, hướng họ đến với vẻ đẹp thuần khiết của cuộc sống:

"Mặc ai cười cái giọng Quảng chát khê
Tôi vẫn cố giữ gìn như báu vật
Bởi trong đó những gì thiêng liêng nhất
Từ tuổi thơ đã máu thịt, tâm hồn"

Ta vẫn phải cùng Nguyễn Ngọc Hưng lưu giữ lại những gì là của chính mình, của quê hương và tạo hóa đã ban tặng cho mình. Nếu cần phải đổi thay thì hãy rũ sạch trong mình mọi hận thù, giữ lại cái thiện từ lúc sơ sinh.

"LẮNG NGHE MÙA GẶT"

Giữa bốn bức tường Nguyễn Ngọc Hưng đã nhìn xoáy vào bức tường đối diện đến nỗi:

"Phía bên kia bức tường
Nhô ra
Một đôi mắt
Chong về
Thăm thẳm cố hương"

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ mà anh vẫn còn lắng nghe. Đó cũng chính là cái lắng nghe của Tố Hữu "Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức". Nguyễn Ngọc Hưng lắng nghe những âm thanh từ cõi mơ, lắng nghe mùa khai trường và giờ đây đang lắng nghe mùa gặt. Anh cảm nhận mùa gặt đến không phải bằng hình ảnh thông qua thị giác mà bằng hình ảnh thông qua thính giác. Chính vì thế mà thi ảnh ở đây thật xốn xang, thật kỳ ảo. Nguyễn Ngọc Hưng không chỉ nghe bằng tai mà anh đã huy động tất cả những giác quan có thể để nghe cho hết mọi âm thanh, cảnh sắc của mùa gặt.

"Nghe mùa gọi con chim về nhặt thóc
Thả tiếng reo trên rộn rã cánh đồng
Ngọn khói hóa thân một đời khó nhọc
Khẽ tan vào cõi thanh thoáng mênh mông".

Và nghe được cả mùi hương:

"Nghe từ em hương tóc cỏ dịu dàng
Từ lưng mẹ biển nồng thơm vị muối
Bãi mật bờ xôi ngọt ngào đếm tuổi
Gióng tre ngà vai xóm nhỏ đu đưa".

Nhưng rồi không hiểu vì sao Nguyễn Ngọc Hưng buông vào đây hai câu như cứa xé lòng ta:

"Con sẻ con ri chẳng buồn tha rác
Người yêu nhau không đủ sức tỏ tình".

Nhưng rồi vẫn cứ như thế, vẫn cháy lên ngọn lửa của yêu thương:

"Nghe cõi lòng chín nẫu trái quê hương
Con chim nhỏ tha gió thơm về tổ
Thương cánh đồng nắng mưa nằm một chỗ
Ru nỗi đau bằng khát vọng nảy mầm".

"Ở QUÊ NHỚ QUÊ"

Nhưng rồi cũng có lúc những biến động bể dâu cũng làm đau nhói trái tim anh. Quê hương bây giờ đã khác xưa. Những vùng quê ven đô, ven thị, ven lộ đã đổi thay ngoài ý muốn. Những giá trị văn hóa của làng quê bị mai một. Những giá trị nhân văn bị bào mòn. Cảnh quê bây giờ sao nhức mắt, nhức lòng đến vậy:

"Đấy thôi vườn sát bên vườn
Chia năm sẻ bảy - ngõ đường bỗng xa
Cách thêm năm bảy nóc nhà
Mồng tơi hết cách lân la dậu người".

Không chỉ mồng tơi thôi đâu mà cả con người nhiều lúc cũng hết cách lân la trò chuyện giãi bày. Còn thi nhân giờ đây cũng chỉ là :

"Tôi như bội cỏ seo cày
Nằm trong xó xỉnh mơ ngày tung tăng
Quê giờ phố xá giăng giăng
Lạc loài gió, lạc loài trăng, lạc loài".

"ĐỨNG MỘT CHỖ"

Nguyễn Ngọc Hưng đã gửi gắm khát vọng sống lớn lao của anh vào bài thơ này. Sự sống quật khởi của đời cây, đời người được Nguyễn Ngọc Hưng chắt ra từ gan ruột. Anh muốn gửi gắm, muốn khẳng định với đất mẹ, với đời rằng anh không ngừng sáng tạo để tồn tại. Nguyễn Ngọc Hưng hay chính như đời cây :

"Khai sinh từ một tế bào phôi
Dần lớn lên theo nắng dầu mưa dãi".

Và cũng đã từng:

"Ngày quang hợp mọi vui buồn diệp lục
Để thầm lặng đêm về tôi luyện nhựa dâng hương".

Sự hy sinh, sự dâng hiến của đời cây, đời người đã được Nguyễn Ngọc Hưng trải nghiệm nó qua hai câu thơ vừa tài hoa, vừa ấm áp.

"Sẵn sàng biến vết thương thành ấm êm hang bộng
Cho những đôi lứa chim xanh về lót ổ hồng

Và đây là khí phách trượng phu của thi nhân:

"Đứng một chỗ thường phanh ngực hứng bão giông - chưa bao giờ chịu cong lưng quỳ gối
Thẳng đến ngày bục vỡ kiếp phù sinh
Có thể trăm năm ngàn năm không ai thấu nỗi mình
Vẫn rời rợi tươi xanh sau mỗi lần thay áo mới
Còn hơi thở còn tin còn mong đợi
Một vòng tay đủ ấm suốt một đời".

Như tôi đã nói kết của thơ Nguyễn Ngọc Hưng bao giờ cũng đốt lên trong anh và cả trong mọi người ngọn lửa của niềm tin và hy vọng.

"NGÂN NGẤN MẮT CÒ"

Bao năm qua những ký ức của mẹ luôn dội về mãnh liệt trong tâm thức Nguyễn Ngọc Hưng rồi đốt lên thành những câu thơ đẫm đầy nước mắt. "Ngân ngấn mắt cò" là một bài thơ như thế. Nó lay thức trái tim của tất cả những đứa con trên thế gian này.

"Thương những cánh cò trắng như những dấu lặng
Âm thầm bay âm thầm đậu âm thầm"

Nghị lực, sự hy sinh cao cả của người mẹ cho đứa con yêu được Nguyễn Ngọc Hưng mô tả bằng những câu thơ nhiều hình tượng:

"Xẻ trăng thề chôn chặt tuổi trúc xinh
Mẹ chẻ đòn tre gánh gồng số phận
Trìu trĩu sức xuân nặng hàng trăm tấn
Một đầu con bé bỏng có cân bằng".

Mẹ đã hy sinh tuổi xuân, hy sinh khát vọng yêu đương cháy bỏng khi đang tuổi xuân thì. Mẹ phải đánh đổi tất cả đế níu giữ lấy đứa con và đứa con ấy giờ đây đã cân bằng được tất cả sự hy sinh lớn lao của mẹ. Đứa con tật nguyền của mẹ đã tồn tại và tự khẳng định:

"Dẫu thương tích nhưng chẳng đành dặt dẹo
Lặng lẽ xanh vươn về phía mặt trời"

Và cũng có quyền tự hào:

"Chưa thật xum xuê đã vững cây đời
Tiếc là mẹ không còn bên con nữa".

Bỗng dưng trong niềm tự hào lớn lao đó hình ảnh mẹ và nỗi lòng con lại đan xen, lại lay thức lòng ta:

"Mỗi buổi gió rưng mỗi chiều sương ứa
Bóng xưa về ngân ngấn mắt cò con"

Ở cõi vĩnh hằng mẹ đã thấu hiểu đứa con biết vượt lên số phận mà sống xứng đáng với hai chữ làm người.

"THON THÓT GIỜ G"

Ta bắt gặp ở đây những câu thơ có sức nặng ám ảnh mà tự thân nó chối bỏ tất cả những lời phẩm bình thô thiển.

"Bấy nhiêu năm chăm chút một gốc tình
Bằng nước mắt khô, giọt cười mi ướt
Đã lá đã hoa sao còn đánh cược
Cây bão bùng có đậu quả yêu thương"

Sao nước mắt lại khô ? Vì nước mắt này chảy mãi vào tim và đã chảy qua thời gian năm tháng. Còn giọt cười thì lại làm ướt làn mi vì đây vẫn chỉ là nụ cười ra nước mắt.

Hai câu thơ này cũng thật tinh tế, vẫn muốn vươn lên với sự bất tử trong tình yêu:

"Sắc đành phai xin giữ lấy mùi hương
Hòa ngọt đắng ướp thơm nghìn kỷ niệm"

Và cuối cùng là một sự khẳng định đích thực: Sự bất tử của tình yêu:

"Dù cả thế gian có thành hoang mạc
Ta vẫn còn một góc nhỏ đào nguyên".

Lại một câu kết nữa thắp lửa trong trái tim người.

"THƠM CHẬM MỘT LÀN HƯƠNG"

Sao lại thơm chậm một làn hương ? Bài thơ nói về bạn, viết về bạn nhưng đó cũng là nói về chính mình, động viên chính mình đứng lên để tồn tại dù số phận có khắc nghiệt với anh nhưng Nguyễn Ngọc Hưng vẫn đặt tất cả niềm tin vào cái đẹp tất thắng, điều thiện tất thắng miễn ta biết chắt chiu tìm kiếm gìn giữ và trên hết thảy là phải có niềm tin. Niềm vui và vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời được kết tinh lại từ những gì nhỏ nhất:

"Bạn phải tin điều ấy 
Bởi lung linh bảy sắc cầu vồng
Là hôn phối diệu kỳ giữa phiêu phưởng bụi mưa và mỏng manh tơ nắng
Những nốt nhạc ngân lên từ mênh mông quãng lặng
Luôn tích hợp nơi mình sức thanh tẩy tự thân".

Và bạn, chúng ta cần phải tin thêm một lần nữa:

"Bạn phải tin điều ấy
Bởi rau răm không chỉ rặt đắng cay
Và cây cải gió đưa không chỉ toàn thơm ngọt
Nỗi đau đớn đẩy tiếng chim trong bụi mận gai lên chót vót
Nhói trời xanh loang hạnh phúc máu hồng"

Suy cho cùng cuộc sống không có cái gì là toàn bích, là hoàn hảo. Sự pha trộn giữa nỗi buồn và hạnh phúc, giữa cái ác và điều thiện. Đó chính là cuộc sống, quy luật của cuộc sống. Nguyễn Ngọc Hưng đã biết quy luật đó:

"Rồi sẽ qua cả buồn lẫn vui cả tốt lẫn tồi
Như sáng - tối 
Như nắng - mưa, không - có vô thường
Vòng sinh - diệt theo tháng ngày tiếp nối 
Nến tắt cuộc người  như gió thổi
Vẫn mơ màng thơm chậm một làn hương".

Sự tồn tại của một đời người là hữu hạn. Biết vậy nên Nguyễn Ngọc Hưng đã khát vọng sau cái hữu hạn đó phải là sự bất tử. Dù đó chỉ là làn hương còn lại khi cây nến cuộc đời đã tắt.

"NGƯỜI CÂU MƠ"

Trong hiu quạnh Nguyễn Ngọc Hưng đã chìm vào cõi mơ và rồi những vần thơ ám ảnh cứ dâng đầy. Nỗi cô đơn hiu quạnh ở đây đã được thơ Nguyễn Ngọc Hưng đẩy đến tận cùng. Nỗi thương nhớ mà có thể "quẫy vàng xao mặt sóng" thì nỗi thương nhớ ấy mới đậm đặc, mới chính là nỗi thương nhớ. Hình ảnh của "em" ở đây cũng không thực mà chỉ là mảnh vụn của dòng trăng. Đọc bài thơ này ta thấy trăng của Nguyễn Ngọc Hưng và trăng của Hàn Mặc Tử có cái gì đó đồng vọng.

"Thương nhớ quẫy vàng xao mặt sóng
Em là mảnh vụn của dòng trăng
Mông lung một tiếng hò xa vọng
Dân dấn sương mù khuya khoắt giăng"

Và nữa:

"Sông lạnh buốt hồn trăng lạnh buốt
Tê lòng đêm vắng tiếng đò xưa
Cỏ lau lùa hết niềm cô quạnh
Lên mái hoang vu trắng lạnh người"

Những câu thơ như thế cứ ghim chặt vào lòng ta một nỗi buồn man mác, đẩy hồn ta như lạc vào giữa cõi mơ buồn hư ảo của Nguyễn Ngọc Hưng để rồi trong ta lại thổn thức. Đến đây tôi mới bắt gặp trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng một cái kết buồn vô vọng.

"Chỉ tơ bền bỉ dù chưa đứt
Mỗi cá trăm năm rỉa sạch rồi
Ta ngồi câu mãi mơ và thực
Đâu bóng yêu kiều ? Năm tháng trôi"

"TÔI ĐI TÌM HẠNH PHÚC"

Hạnh phúc là gì ? Hạnh phúc chỉ là khái niệm, mỗi người có một khái niệm riêng của mình về hạnh phúc. Chính vì thế trong suốt quá trình vật lộn đi tìm hạnh phúc đã nhiều lần Nguyễn Ngọc Hưng thất bại đớn đau:

"Sai đường chăng ? Không ít bận tôi tự đánh tôi đến tim vỡ máu trào
Vẫn thăm thẳm thằm thăm cuộc kiếm tìm mất sóng...
...
Hạnh phúc mơ hồ như cánh bướm mùa đông".

Nhưng rồi Nguyễn Ngọc Hưng đã tự khẳng định lại và hạnh phúc bây giờ là:

"Không phụ thuộc bất kỳ ai khi cần dâng hiến hương đi đón nhận hương về"

Nguyễn Ngọc Hưng đã an bài với số phận và hiểu được hạnh phúc có được từ trong cái nhỏ nhất, giản dị nhất, cái mà anh đã có:

"Hạnh phúc mỉm cười qua mắt em và thơ hiển hiện mỗi ngày".

"SAO CHẲNG ĐẾN VỚI NHAU"

Chưa thể nói đây là bài thơ tình đích thực của Nguyễn Ngọc Hưng. Tôi vẫn chưa nắm bắt được thông tin về mối tình của thi nhân. Nhưng có lẽ khoảng thời gian ngắn ngủi trên giảng đường đại học Nguyễn Ngọc Hưng đã quá chăm lo học hành nên không có thời gian cho việc chắp nối một tình yêu lứa đôi. Sau đó rồi số phận. Thi ảnh trong bài thơ tình của Nguyễn Ngọc Hưng thực sự chưa thật đậm nét. Thi thoảng ta bắt gặp những câu thơ thật xa xôi vời vợi chẳng biết nó sẽ trôi về đâu và dẫn dắt tâm hồn ta về đâu. Để khẳng định một kiếp người Nguyễn Ngọc Hưng viết:

"Phăng-xi-păng cũng chỉ là hạt bụi  
So với càn khôn vô bến vô bờ"

Rồi lại:

"Em thấy đấy mênh mông trời đất rộng
Hạt bụi người bay ngược gió về đâu"

Có những câu thơ gan ruột:

"Trọn kiếp cũng hay nửa  ngày cũng tốt
Đã yêu thương phải thành thật với mình"

"CHÁY MÃI SẮC HOA VÀNG"

Bài thơ thật đẹp, hình ảnh người con gái có cái tên là Kim Cúc đã được Nguyễn Ngọc Hưng dùng hình tượng hoa cúc để khắc họa về vẻ đẹp của nàng: bình dị, kiêu sa và bất tử. Những câu thơ đẹp như thế làm dịu lòng ta trong bao mất mát và trong cả cuộc mưu sinh cam go vất vả, làm dịu đi cái khô khát của tuổi già, làm mềm đi những trái tim sắt đá, làm tan chảy những tâm hồn giá băng:

"Một chút hương trong một chút nắng vàng 
Thu đã cúc sang mùa xuân vẫn cúc
Vẫn bám cành dẫu lá phai diệp lục
Đến quắt queo hoa chẳng rụng bao giờ"

Hoặc:

"Trong sạch thanh cao pha chút hững hờ
Vừa vương giả em cũng vừa dân dã
Tôi đến trăm nơi tôi đi ngàn ngả
Chưa bao giờ thôi ngơ ngác tìm em"

Và:

"Em chiếm tôi bằng vẻ buồn thương nữ"

"Vẻ buồn thương nữ" lần đầu tiên tôi gặp trong thơ và cũng chỉ có Nguyễn Ngọc Hưng mới sáng tạo ra cụm từ hư ảo đó. Rồi một sự mặc cảm lại ùa về. Điều này tôi thường bắt gặp trong những bài thơ tình của Nguyễn Ngọc Hưng:

"Không đủ sức cho hoa thêm nồng thắm
Ngỏ lời chi cho cánh nhạt hương nhòa"

"GÓP ĐÁ DỰNG TRƯỜNG SA"

Nguyễn Ngọc Hưng nằm một chỗ không thể làm gì ngoài những câu thơ rực lửa thổi bùng lên trong ta tình yêu Tổ quốc. Đây là một bài thơ lớn trong những bài thơ viết về biển đảo của Nguyễn Ngọc Hưng. Tôi không muốn đưa vào đây những cảm nhận chưa thật chín muồi, chưa thật sâu sắc. Chỉ biết rằng Tổ quốc là bệ phóng cho những bài thơ viết về tình yêu quê hương đất nước, về sự vẹn toàn của giang sơn gấm vóc. Tôi muốn dành riêng một bài tiểu luận "Thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết về đất nước và biển đảo".

"NHỚ NGƯỜI EM GÁI BIỂN XANH"

Bài thơ theo tôi chưa thật nhuyễn, chưa thật đúng tầm, sự so sánh ví von ở đây vẫn còn có cái gì khiên cưỡng. Tôi nghĩ với tứ thơ này Nguyễn Ngọc Hưng nên viết lại ngắn gọn hơn.

"GIÁP HẠT NGÀY XƯA"

Cái đói, cái rét của ngày giáp hạt ở đây Nguyễn Ngọc Hưng đã đổ cho ngày xưa. Thực ra thời này vẫn tiềm ẩn những miền quê mà cái giáp hạt không thể nào khác được. Hình tượng đứa bé ăn vụng khoai lùi ở trong mơ mà còn sợ thì quá đau lòng:

"Con chạy trốn vào cơn mơ
Ăn vụng củ khoai lùi
Nơm nớp sợ người ta bắt gặp
Mắt trước mắt sau như thằng ăn cắp
Giật mình một tiếng lá rơi"

Một tiếng lá rơi làm bừng tỉnh cơn mơ. Cơn mơ ở đây mới chập chờn làm sao. Sau chiếc lá rơi ấy là cái bụng lại cồn cào. Cũng thật kỳ lạ mùi khoai nướng trong mơ lại có thể thơm tận đến bây giờ.

"Mười mấy năm giấc ngủ chưa tròn
Mùi khoai chín vẫn thơm đầy nỗi nhớ"

Thế mới biết cái đói của giáp hạt năm nào ám ảnh Nguyễn Ngọc Hưng biết chừng nào.

"MỘT MIỀN KÝ ỨC"

Tất cả sẽ bỏ lại: Nỗi buồn và mất mát thương đau, chỉ còn lại những kỷ niệm về người thân đọng mãi trong tâm hồn Nguyễn Ngọc Hưng.

"Vất áo bụi đời 
Bơi ngược thời gian
May còn gặp trái bưởi vàng kỷ niệm
Hư ảo sương chiều nhung nhớ tím
Dáng bà
Dáng mẹ
Dáng quê xưa"

"CỞI ÁO"

Một hành động có phần hơi ngạo mạn. Vâng phải cởi áo ra cho đời nhìn rõ thật chính mình. Áo ở đây chưa hẳn là áo quần che thân mà là cái vỏ bọc để giấu che đi những điều - nhiều lúc tốt đẹp (nếu là khiêm tốn) và cũng nhiều khi là chuyện xấu xa. Nguyễn Ngọc Hưng đã dám cởi áo, đã dám phơi trải, đã dám sống thật với thơ, với đời. Tất cả dồn tụ lại vào khổ thơ cuối, lấy thơ làm cứu cánh để giãi bày rất thực với cõi người. Mọi che đậy bưng bít chỉ là phù phiếm kể cả lụa là gấm vóc. Sống sao cho thật là người điều này không dễ chút nào. 

"Không hoa lá cành che đậy nữa
Khỏa trần ngôn ngữ khỏa trần thơ
Vô ngại hóa thân thành sương khói
Hồn nhiên ôm ấp mọi bến bờ"

Đó mới chính là Nguyễn Ngọc Hưng, nó đi ngược lại với xu thế thơ đương đại của rất nhiều người, tứ thơ phù phiếm rối rắm và khó hiểu.

"CUỘC SỐNG KHÔNG BAO GIỜ CHÁN NẢN"

Chỉ cần một khổ thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã khắc họa đủ đầy hoàn cảnh sống của mình và khát vọng thi ca, bằng tất cả ngọn lửa của con tim để khẳng định vẫn còn rất nhiều điều đáng sống.

"Sự tĩnh lặng của chiếc bàn kia với chiếc tủ này 
Và cả chiếc giường dính vào lưng tôi nữa
Không ra ngoài sự tĩnh lặng của ngôi nhà
Nơi có trái tim bập bùng lửa
Kiên nhẫn chờ một khoảnh khắc thăng hoa
Soi hồng ruột đất 
Chiếu đỏ mặt trời"

"VỀ VỚI QUÊ ANH"

Cái nghĩa tình này sao ở con người Nguyễn Ngọc Hưng lại nặng lòng đến vậy ? Trong tâm hồn của anh chỉ tồn tại duy nhất điều thiện để nuôi cho vẻ đẹp thơ anh trở nên tinh khôi và thánh thiện. Nó làm mềm lòng cõi người này lắm lắm. Cuộc sống quê anh thật thanh bình, yên ả:

"Về nghe em, về với quê anh
San sát vườn cây san sát ngõ
Một quả thị đu đưa đầu ngọn gió
Mùi thảo thơm cũng san sẻ khắp làng"

Còn con người ở đây:

"Ăn lá dâu xanh nhả sợi tơ vàng
Cho đến chết rút ruột tằm ân nghĩa
Trôi nổi một đời lưu linh lạc địa
Vẫn mơ về sông Vệ dịu dàng trăng"

"GIẤC MƠ NHỮNG NGÓN TAY"

Tất cả chỉ tồn tại trong những giấc mơ. Chính đó mới là tình yêu nó chỉ tồn tại trong hai tâm hồn đồng điệu. Còn tất cả chỉ là quan hệ mang tính cộng đồng. Chỉ có một trường điện từ duy nhất có cùng bước sóng giao thoa để hòa nhập, để bồi đắp bổ sung cho nhau và cũng là để cùng tàn phai. Khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Hưng tôi chỉ chăm chú bài thơ đó, câu thơ đó gợi lại cho tôi trường liên tưởng nào. Nói khác đi nó bồi đắp cho tôi điều gì trong cuộc sống. 

"GIẤC MƠ NGƯỜI BẠI LIỆT"

Ý chí để tồn tại - tồn tại để sáng tạo đã được Nguyễn Ngọc Hưng gửi gắm qua bài thơ này. Ở đây anh đã thực sự cởi áo cho cuộc đời nhìn rõ cuộc sống hiện tại của mình:

"Mê sảng gọi tôi về với cơn mơ
Tập đứng bằng đôi chân bại liệt
Tập đi những bước đi đầu tiên
Tập vấp ngã
Tập lăn mình khóc thét
Tập nhoẻn miệng cười khi mẹ vuốt đầu thương"

Tất cả chỉ tồn tại trong giấc mơ mà thôi. Mọi khả năng đó đều không tồn tại với con người mắc bệnh co cơ tiến triển, co rút toàn thân và vì gần 30 năm rồi mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nguyễn Ngọc Hưng vẫn có đủ sức mạnh nội tâm giúp anh vượt lên tất cả. Đến em mà không hiểu thì người đời chúng ta hiểu sao cho thấu bản năng sinh tồn của Nguyễn Ngọc Hưng đến như thế nào.

"Em chẳng biết đâu nguồn sức mạnh phi thường
Vực tôi dậy từ hố đen lầm lũi
Hai vai mẹ một đời đỡ núi
Sống gánh nhọc nhằn 
Chết đội  oan khiên".

Chính sức mạnh sinh tồn của Nguyễn Ngọc Hưng đã được gửi đến từ cõi mẹ.

"CỎ VẪN HOA VÀ EM VẪN ANH"

Vẫn là hình bóng xa xứ hiện về trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng ta chưa hiểu V.N.M là nam hay là nữ. Nhưng hình như đó là một cõi đi về trong tâm linh, trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Tính triết học đã đậm đầy trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng nhất là với bài thơ này. Những lý giải, những đoán định về cuộc đời đều có căn nguyên từ trời đất - một khẳng định có phần chát chua cam phận.

"Cõi chúng ta là cõi sống đổi thay cõi sống vô thường
Đành cam chịu thế thái nhân tình nắng mưa thời tiết"

Bài thơ này và bài thơ "Ví dụ về cuộc đời" đã có cái gì đó của sự cam phận nhiều hơn là vươn tới cái vĩnh hằng. Có lẽ chính vì thế mà trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng thường dùng nhiều danh từ nhà phật, những khái niệm về phật giáo, quy luật sinh diệt. Cũng như Hàn Mặc Tử đã gửi mình vào nước chúa, liệu Nguyễn Ngọc Hưng có dấn thân mình vào một chốn tĩnh tâm nơi cõi phật? Chút an phận của anh lại được tái hiện qua bài thơ này:

"Cuộc đời
Có thể ngắn hơn
Có thể dài hơn
Những gì chúng ta đang có
Xin đừng tiếc cũng xin đừng vội bỏ
Cỏ úa cỏ xanh cỏ nào chẳng cỏ
Hoa tươi hoa tàn hoa vẫn là hoa".

Cuộc đời, Nguyễn Ngọc Hưng đã ví nó là một toa tàu về đâu đi đâu và day dứt giữa hai điều :

"Nối thêm toa 
Hay cắt bớt để nhẹ nhàng"

"BAO GIỜ BIỂN LẶNG"

Có những câu thơ nhiều hình tượng:

"Đâu đó ngoài kia trưa nắng ngọt ngào
Ve đã lặn 
Phượng đã thôi hờn dỗi
Những chiếc lá như mắt người vô tội
Cứ xanh
Xanh
Xanh
Một chút gì như gió mong manh
Len lỏi vào tim anh
Nổi bão"

Lý giải vì sao như gió mong manh mà lại làm tim anh nổi bão ? Có lẽ điều đó nằm ngoài tầm hiểu biết của người ngoài cuộc. Có chăng chỉ có thi nhân mới hiểu. Đó là sự phi lý trong thơ.

"NƠI YÊN NGHỈ CỦA MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG"

Mối đồng cảm của hai thi nhân có số phận khắc nghiệt đã được Nguyễn Ngọc Hưng gửi gắm qua bài thơ này. Thể thơ 5 chữ ngắn gọn thanh thoát nhưng ở đây do cấu trúc ngôn ngữ nên lại có sức lan tỏa vào cõi người. Một vầng trăng sáng của nền thi ca đất Việt không tắt đi mà cứ hiện hữu qua thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Những câu thơ ứa máu như trăng vỡ trăng tan:

"Đâu trăng nổi trăng chìm 
Trăng ngậm ngùi tê tái
Đâu vầng trăng quằn quại
Tẩy gội nỗi đau người
Bao giọt khóc giọt cười
Đã tan vào ngưỡng vọng
Thơ ứa máu trăng rơi
Nằm đây nghe tiếng sóng"

"CHỚM ĐÔNG"

Những ảo ảnh tinh tế qua thơ Nguyễn Ngọc Hưng, sức mạnh ngôn ngữ có thể lay thức mọi con tim của cõi người vì ai cũng có thể cảm nhận được nó. Đừng nghĩ nó là thứ ngôn ngữ dễ dãi mà nó được chắt lọc ra để trở thành tinh khôi sáng rõ phản chiếu vào tâm hồn ta. Dưới lăng kính nào của riêng ai họ vẫn nhìn thấy vẻ kỳ ảo của ngôn ngữ Nguyễn Ngọc Hưng. Sự phi lý trong thi ảnh chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của thi nhân:

"Những sợi nắng non tơ chưa kịp giãn ra thật thẳng
Đã lại sầm sầm mưa giọt ngả giọt nghiêng"

Đường đi của ánh sáng là đường thẳng nhưng với Nguyễn Ngọc Hưng không thế mà ở đây nó đã thành sợi, đã là sợi có lúc cong lúc thẳng. Sợi nắng mùa đông ở đây chưa kịp thẳng để sưởi ấm không gian thì cơn mưa mùa đông đã ập đến. Đó là thời khắc chớm đông và rồi một cái kết theo tôi đây là sự vụt sáng, thăng hoa của tài năng và cảm xúc, nó vượt qua những suy nghĩ tự thân của thi nhân. Nói khác đi nó không thuộc quyền sở hữu hay bày đặt của thi nhân, nó nằm ngoài thi nhân.

"Mưa rồi nắng  nắng lại mưa âu cũng một chữ tình.
Trùng điệp thơ chất chồng thơ tiếp nối qua đi mấy hồi ngoảnh lại
Em như cơn bão cuối mùa thu đã bay về ngút xa bờ bãi
Còn ném ngược lạnh buồn cho kẻ ở chớm đông".

"MƯA NẮNG GIAO MÙA"

Khi đập nát cắt rời, lục bát của Nguyễn Ngọc Hưng có độ rung cảm hơn, đẹp hơn và ở bài thơ này nó diễn đạt khá tinh tế và chính xác cái giao mùa của mưa nắng, của cỏ cây và của cõi lòng thi nhân. Với bài thơ này câu thơ nào cũng đẹp, cũng có thể găm chặt vào lòng người đọc. Nó vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của không gian, thời gian. Cái giao mùa ở đây nhắc ta về sự giao mùa của một kiếp người và của cả cõi người, xin trích một cặp lục bát đã được đập vụn ra:

"Mưa vừa tắt
Nắng vụt bừng
Lá vàng
Rêu thẫm
Rưng rưng gió chiều
Một mình một bóng cô liêu
Phất phơ yếm thắm vắt liều giậu gai"

"BÊN ẤY MÙA ĐÃ XUÂN"

Bao giờ Nguyễn Ngọc Hưng cũng dành một góc khuất của tâm hồn mình cho những người xa xứ. Trong góc khuất ấy họ đã sống, họ đã tồn tại mãi mãi. Anh dù sao vẫn còn những người thân yêu, những người cùng chung tiếng nói, cùng chung văn hóa sống có thể gửi gắm sẻ chia. Còn những người con lưu lạc xứ người thì sự cô đơn của họ là vô tận. Ngoài sự cô đơn lại còn có cả những hiểm họa của cuộc đời luôn rình rập. Nằm một chỗ nhưng anh vẫn dõi theo mọi bước đi, mọi thăng trầm, mưa nắng cuộc đời của những con người xa xứ. Qua những bài thơ như thế ta mới thấy hết tấm lòng nhân ái của Nguyễn Ngọc Hưng đối với đồng loại. Anh nhắc nhở người con gái:

"Bức bối giữa lòng Phơ-nôm-pênh ngột ngạt
Muốn ra ngoài hãy che mạng mà đi
Nhớ nghe em bụi nơi nào chả thế
Hở một ly là xâm nhập tức thì"

Bụi ở đây có thể là bụi bặm thiên nhiên nhưng cũng có thể là bụi bặm của cuộc đời.

"ĐỐI DIỆN VỚI CHIỀU THƠ"

Xin thi nhân đừng mặc cảm, đừng tự ti đến thế. Bởi nước mắt tuôn trào của thi nhân đã biến thành những câu thơ tan băng mềm đá. Nếu chỉ là mình tôi cảm nhận thì đó cũng là một sự sẻ chia và cho dù tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi trong cõi người. Nhưng tôi tin thơ anh đã nhiều hơn như thế, đã nhiều người đồng cảm xẻ chia. Nguyễn Ngọc Hưng nói về nỗi niềm trăn trở của thơ:

"Có phải thơ ta mỏng cánh chuồn chuồn
Không chở nổi muôn nỗi niềm ướt khô trần thế
Người một bước chân mây ta thành cây cuối bể
Trút lại lá xanh không đủ lót hành trình"

"ĐỐI DIỆN VỚI BỨC TƯỜNG"

Hơn 30 năm rồi Nguyễn Ngọc Hưng đã đối diện với bốn bức tường. Day trở thế nào thì cặp mắt của anh cũng đụng phải bức tường. Nó ngăn cản Nguyễn Ngọc Hưng giao tiếp với thế giới khách quan đầy nắng gió trăng sao cỏ cây hoa lá. Không còn cách nào khác Nguyễn Ngọc Hưng đã phải sử dụng đến sức mạnh nội lực và dồn lên đôi mắt. Đôi mắt ấy đã xuyên thủng những bức tường:

"Phía bên kia bức tường
 Nhô ra
Một đôi mắt
Chong về
Thăm thẳm cố hương"

Không chỉ chong về thăm thẳm cố hương mà còn phải nhận diện những chân giả cuộc đời. Vì trong bốn bức tường ấy:

"Bi kịch hay hài kịch"

Và với anh:

"Bi kịch không tiếng khóc
Hài kịch không tiếng cười"

Bởi có ai để mà khóc và cười cùng anh.
Nhưng dẫu vậy anh vẫn:

"Đồng cảm với mênh mông nỗi người
Lặng im mặt trời lặn mọc"

Và anh cảm nhận được:

"Sóng điện nào xoáy mũi khoan qua óc
Xuyên thủng không gian ba chiều nhiễu nhương".

"VỀ VỚI ĐẤT QUÊ"

Đây là bài thơ văn xuôi duy nhất của Nguyễn Ngọc Hưng. Nói là thơ văn xuôi nhưng thơ Nguyễn Ngọc Hưng vẫn giữ được cái mượt mà óng chuốt, cái trầm bổng du ca. Nguyễn Ngọc Hưng đã lắng nghe mọi hơi thở của cuộc đời ngoài kia: "náo nức biết bao nhiêu". Chỉ bằng sự lắng nghe anh cũng nhận biết mọi đổi thay dâu bể của cuộc đời. Anh biết bỏ qua đi những thương đau mất mát để trở về với đất quê thơm thảo dịu hiền. Mỗi khổ thơ là một bức tranh đậm màu về cố hương. Nếu cõi này vẫn tồn tại những gì trong trắng vẹn nguyên như thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã viết thì đẹp biết bao nhiêu. Nhưng trái tim Nguyễn Ngọc Hưng đã từng nhói đau bầm dập khi anh viết "Ở quê nhớ quê". Dù khát khao vô hạn một chốn về nhưng còn đâu nơi chốn để trở về ? Bài thơ đã xẻ chia, đã gửi gắm với cõi người khát vọng sống, khát vọng tồn tại để sáng tạo của một thi nhân. 

Tôi muốn nói một đôi điều về ngôn ngữ thơ của Nguyễn Ngọc Hưng nhưng có lẽ những cụm từ mà Nguyễn Ngọc Hưng đã sáng tạo ra trong thơ mình cũng cần phải nghiền ngẫm một cách chu đáo hơn. Có lẽ một mai tôi sẽ cố gắng ngẫm ngợi một cách sâu sắc về ngữ nghĩa trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Ngọc Hưng để có thể làm một cuốn từ điển nho nhỏ nào đó. 

Tôi đã đi suốt chiều dài của "Bài ca con dế lửa". Ở cuối chặng đường này tôi thấy mình đã chồn chân mỏi cánh trên cánh đồng thơ mênh mông vô tận của Nguyễn Ngọc Hưng đã gieo trồng. Chỉ biết cảm ơn Nguyễn Ngọc Hưng đã cho tôi một mùa gặt bội thu, một mùa hoa trái ngọt lành thơm thảo. Từ đây tôi sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn, dịu mát hơn, tự hào hơn vì ở nơi xa kia tôi đã có một người em biết đứng dậy, biết vươn lên để khẳng địn sự tồn tại của mình trong cõi người - một sự tồn tại đích thực. 

Hành trình thơ của Nguyễn Ngọc Hưng là trình đi tìm cái thiện, đến với cái thiện và truyền bá cái thiện. "Bài ca con dế lửa" của Nguyễn Ngọc Hưng là một dẫn chứng đủ đầy và minh triết nhất cho điều đó. Nói cách khác thiện và hướng thiện đã trở thành bản năng của thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Dù anh có viết về những mất mát oan nghiệt của riêng anh hay của những thân phận trong cõi người bao giờ cái kết trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng cũng bùng cháy lên một niềm khát vọng vươn tới cái thiện. Tôi có thể trích dẫn ra đây rất nhiều những câu kết tài hoa. Những câu kết làm ấm áp con tim, sưởi ấm cuộc đời:

"Xơ xác cỡ nào quê hương cũng là chiếc nôi thơm thảo
Đủ nồng nàn cho vạn dấu môi hôn".

Đó là tiếng gọi thẳm sâu, tiếng gọi tha thiết, lời nhắn gửi ân tình đến những người con lưu lạc mưu sinh ở xứ người. Có những câu kết thật lớn lao và có sức lan tỏa vào tất cả trái tim trong cõi người về tình yêu Tổ quốc: 

"Và cứ thế người theo sóng biển Đông ôm đảo chìm đảo nối
Chìm để lắng sâu
Nổi để nâng tầm".   

Trong bài "Gọi hồn" Nguyễn Ngọc Hưng đã viết:

"Mẹ ơi !
Nước mắt tuôn trào
Thành suối
Thành sông
Thành mênh mông biển cả
Thành những câu thơ tan băng mềm đá"

Những câu thơ của Nguyễn Ngọc Hưng đều có sức nặng tâm trạng, sức nặng ám ảnh, sức nặng lay thức. Những câu thơ có thể thổi bùng lên như lửa, có thể làm tan chảy giá băng của những tâm hồn, làm mềm đi những con tim đã chai sạn hóa đá rồi đốt lên trong trái tim họ ngọn lửa của khát vọng để họ vươn tới vẻ đẹp cao cả và vĩnh hằng, đó là lòng nhân ái.

Trên đây chỉ là những cảm nhận, đã là cảm nhận thì nó thường ở trạng thái bất định. Có thể đó là sự đồng cảm của tôi, của thi nhân, của bạn, cũng có thể là không. Tôi không hy vọng nhiều đến sự đồng cảm tuyệt đối của thi nhân và của bạn về những cảm nhận của mình.

Tôi gửi theo địa chỉ của bạn, bạn có thể đọc, cũng có thể không là tùy ở bạn. Tôi không bao giờ nghĩ rằng đọc những gì thuộc về thơ lại là thứ "đọc cho vui" như rất nhiều người khi tặng thơ cho tôi đã viết như thế. Đọc thơ là để chia sẻ và được chia sẻ, nếu đó là những tập thơ có thể cảm hóa lay thức trái tim ta.

Tuy chưa đến đầu năm mới nhưng hãy coi đây là một món quà nhỏ tôi gửi đến nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, đến bạn nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ.

Riêng với Nguyễn Ngọc Hưng, hạnh phúc lớn lao của anh bây giờ là được sáng tạo và được sẻ chia. Xin được sẻ chia cùng nhà thơ với tất cả những gì tốt đẹp nhất mà tôi có được trên đời.

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Số 7 đường Thành Cổ - Vệ An - Bắc Ninh
Điện thoại: 0167.224.2392
Email: cuchuong7780@gmail.com\

READ MORE - "NHỮNG CÂU THƠ TAN BĂNG MỀM ĐÁ" - Nguyễn Xuân Dương