TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Tuesday, December 28, 2010
Bùi Phước Vĩnh – NỖI LÒNG
VĂN KẾ THẾ - VỀ ĐÂU
Em đã về đâu đó
Rơi rớt lại bơ vơ
Bước chân nào trên phố
In dấu vết hững hờ
Không còn là em nữa
Những thay đổi chông vênh
Mong chờ gì hương lửa
Nửa đời ta buồn tênh
Vôi vàng ôi ngày tháng
Chút giận chút yêu thương
Ngỡ ngàng không ? một thoáng...
Bất chợt ở bên đường
Nửa chừng hoa chưa nở
Cành lá nhạt màu tươi
Những thanh âm tan vỡ
Xé nát một đời người.
VKT
LÊ BÁ LƯ - PHAN VĨNH LONG: MỘT NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI VÀ BIẾT SỐNG VÌ CỘNG ĐỒNG
Hình 1:Anh Phan Vĩnh Long
Đến xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, một địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Thuận, chúng tôi nghe những câu chuyện về anh Phan Vĩnh Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã- một điển hình của phong trào nông dân sản xuất giỏi và có nhiều đóng góp cho xã hội tại địa phương.
Qua sự giới thiệu của anh Trần Kim Lân, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã, tôi tìm gặp Long tại trang trại của anh. Dáng người tầm thước, da ngâm đen, trán cao, nói năng từ tốn, bên cốc chè xanh, Lân đã kể cho tôi nghe cuộc đời của anh, một nông dân đã đi lên từ hai bàn tay trắng tại vùng đất xa xôi hẻo lánh này.
Sau giải phóng, năm 1976, khi đó mới 10 tuổi, học lớp 3, cậu bé Phan Vĩnh Long theo gia đình từ Quảng Trị vào lập nghiệp tại xã Tân Thắng (xã Thắng Hải bây giờ), một vùng kinh tế mới của tỉnh Thuận Hải lúc bấy giờ. Đây là căn cứ kháng chiến cũ, đất đai màu mỡ nhưng chỉ là rừng rú, chưa có dân sinh sống. Anh đã cùng bố mẹ phá rừng làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi và cuộc sống dần ổn định. Nhờ chăm chỉ và biết cách làm ăn, gia đình đình anh đã dành dụm được số vốn nho nhỏ.
Năm 1985, anh lập gia đình và được cha mẹ cho ra ở riêng cùng với số vốn ít ỏi. Vợ chồng Long đã nổ lực lao động, quyết chí vươn lên làm giàu. Đôi vợ chồng trẻ đã làm nhiều việc, từ mở rộng diện tích trồng trọt, tăng thêm quân số của đàn heo, đàn gà, đào ao thả cá, nuôi tôm…Cuộc sống vợ chồng dần khá lên; tổ ấm của anh càng thêm hạnh phúc khi hai đứa con trai ra đời.
Tuy mới học đến lớp 10, nhưng Phan Vĩnh Long có những suy nghĩ rất tiến bộ và ham học hỏi. Anh đã tìm đọc các tài liệu khoa học về chọn giống, phương thức chăm bón… và suy nghĩ cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả nhất, đồng thời tìm hiểu nhu cầu thị trường để vừa kịp thời đáp ứng, cũng như “đón đầu” cơ hội kinh doanh.
Long cho biết, năm 2000, kinh tế địa phương đã bắt đầu khá lên, nhiều hộ dân đã có điều kiện xây dựng nhà của kiên cố, anh bàn với vợ mở lò gạch và cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng. Chồng phụ trách sản xuất gạch với 30 công nhân, vợ kinh doanh cửa hàng vật liệu xây dựng. Năm sau, anh thành lập thêm một đội xây dựng với 12 công nhân, nhận thi công các công trình tại địa phương. Do biết cách làm ăn theo khoa học và nhạy bén thị trường, cơ ngơi của anh ngày càng phát triển.
Khi Nhà nước có chính sách giao đất trồng rừng, Phan Vĩnh Long mạnh dạn xin nhận 25 ha rừng và đổ hết vốn liếng vào đây trồng cao su. Trong thời gian cao su còn nhỏ chưa khai thác được, anh đã trồng xen những loại cây ngắn ngày như bắp, đậu…, lấy ngắn nuôi dài rất hiệu quả. Hiện nay, vườn cao su của anh đã lên 7 tuổi, bắt đầu đi vào khai thác. Long cho biết, trong năm 2010, anh mới khai thác 4 ha trồng đầu tiên đã thu được hơn 200 triệu đồng. Công nhân chăm sóc cao su hiện có 6 người, được anh mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trả lương 3 triệu đồng/tháng và có chế độ tăng lương, thưởng tết như công nhân Nhà nước, nên ai cũng muốn gắn bó lâu dài với anh…
Phan Vĩnh Long cho biết, anh đang tiến hành thành lập trang trại nuôi heo nái tập trung trên diện tích 6 ha, với số lượng hơn 1.200 con, tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên do lãi suất ngân hàng hiện nay cao quá, nên dự án đang gặp khó khăn. Theo anh, nếu lãi suất vay khoảng 15- 16%/năm thì đầu tư chăn nuôi có thể có lãi, còn lãi suất như hiện nay thì quá khó khăn. Anh đang trông chờ thu nhập từ vườn cây cao su, để bằng nguồn vốn tự có của mình tiếp tục thực hiện dự án nuôi heo….
Hình 2: Anh Phan Vĩnh Long và tác giả.
Anh Trần Kim Lân, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Thắng Hải cho biết, là một nhà doanh nghiệp với nhiều dự án đang làm, công việc ngày đêm bận rộn, nhưng Phan Vĩnh Long vẫn thích tham gia công tác xã hội. Với cương vị Phó Chủ tịch Hội nông dân xã, anh thường phối hợp với mặt trận, chính quyền tập hợp bà con nông dân, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về các chương trình khuyến nông. Đồng thời anh luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn bà con cách làm ăn hiệu quả. Phan Vĩnh Long còn là một nhà hảo tâm, mạnh thường quân nổi tiếng tại địa phương. Anh luôn ủng hộ các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt; sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực và tạo cơ hội vươn lên cho những ai có chí hướng làm ăn.
Ông Trần Đăng Tấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thắng Hải đã đánh giá cao tài năng làm kinh tế và cách sống vì cộng đồng của Phan Vĩnh Long và khẳng định, đây là một hạt nhân tích cực, đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.
Lê Bá Lư (TTXVN)