Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, September 8, 2023

ÂM BẢN SẮC HƯƠNG - Thơ Hải Điểu





 ÂM BẢN SẮC HƯƠNG


dòng mực rỏ 

ánh trăng sáng buốt

trời đêm đôi mảnh ưu tư

dạ mộc hương nghĩ gì điểm trắng đêm sâu vợi 

hương đưa hương trầm muộn

bầy đom đóm nghĩ gì đọ sắc sao xa ngái

trong mắt mình lửa cháy 

câu thơ rã theo gió tàn bay

người vẫn vẽ những phận người không mặt

đi dưới mặt trời giấc mơ

lý tưởng ngoằn ngoèo khắc họa 

vệ đường cỏ úa đan nhau rối nhàu vệt xước

đá sỏi một tông màu lạnh

lấy gì nhuộm thắm mắt nhau  

người lại họa những dáng cong lầm lũi

trên sắc mùa bong bỏng  

cánh cò trắng cớ gì đơn côi trên đồng vắng

vệt chao vẽ loạn nền trời

ánh trăng sáng hơn 

thế gian vẫn một tông trầm mặc

hương dạ mộc màu gì đêm thôi lặng

bầy đom đóm tiếc thu, sợ mùa giá buốt

người trốn vào chiêm bao

chiêm bao cô tịch

trăng năm ấy màu gì ai nhớ 

người vẽ trăng này âm bản cả sắc hương.

Hải Điểu

Thôn Agồng, xã Atiêng,

huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

<phanhaidieu@gmail.com>



READ MORE - ÂM BẢN SẮC HƯƠNG - Thơ Hải Điểu

“MẮT NHẠT NHOÀ MƯA QUA ...” - Phạm Cảnh Thượng

Nhà thơ Phạm Văn Bình


 “MẮT NHẠT NHOÀ MƯA QUA ...” 

Phạm Cảnh Thượng

Cảm nhận về "Chuyện tình buồn", 

thơ Phạm Văn Bình, Phạm Duy phổ nhạc

 

Có những con người, chỉ một đôi lần thoáng qua thôi, là làm ta nhớ mãi. Có những thân phận nổi trôi, bọt bèo, lặng lẽ nhưng trần gian khó thể nào quên. Có những khoảnh khắc một lần là mãi mãi. Tôi đang nói về thi sĩ Phạm Văn Bình. Ông là một người con của đất Đông Hà-Quảng Trị, đã từ giả cõi đời ở tuổi 79 tại miền Nam California vào tuần trước (chiều  22 tháng 7, 2018) trong niềm thương tiếc của đông đảo bà con hải ngoại và mọi người yêu mến ông.

 

Cơn mưa chiều tháng 7. Ở cái xứ miền Nam này ít khi mưa dai, hiếm khi dầm dề rả rích. Nhưng chiều nay, một thoáng mưa qua đã đủ làm lòng người se sắt:

 

“Năm năm rồi không gặp.

Từ khi em lấy chồng.

Anh dặm trường mê mải.

Đời chia như nhánh sông”

 

Đó là những câu mở đầu trong bài thơ “Chuyện tình buồn” của Phạm Văn Bình. Bài thơ vốn đã nổi tiếng thời đó, không lâu sau lại được Phạm Duy phổ nhạc. Bài hát quá hay, nên bài thơ càng được chắp cánh.

 

Gần 50 năm trôi qua, ca khúc vượt thời gian này đã làm lay động biết bao con tim của bao thế hệ. Dù ít dù nhiều, không phân biệt chính trị bên này hay bên kia, ai đã từng yêu (mà có ai không yêu?), đều có thể tìm thấy một chút bóng dáng mình trong đó.

 

Phạm Văn Bình tài hoa từ thuở nhỏ. Nhà nghèo, sống nhờ nhuận bút từ những trang báo mà ông cộng tác. Ông từng dạy học ở trường Bán công Đông Hà. Vừa qua tuổi 20 đã là cộng sự Dạ Lan trong chương trình “Mẹ Việt Nam” tại Đông Hà cùng với thi sĩ Nhất Tuấn. Ông đi lính Thuỷ quân lục chiến, nhưng lại có tài văn bút và tâm hồn nghệ sĩ, nên sau đó chuyển sang làm Đại uý phòng tâm lý chiến.

 

Theo lời kể của một người bạn cùng thời chơi thân với ông, hồi đó ở Đông Hà có cô Lê Thị Tuý nổi tiếng xinh đẹp. Ông đem lòng yêu thương. Nhưng do nhiều vấn đề nên sau đó cô Tuý lên xe hoa với một Sĩ quan không quân chế độ cũ, là bạn của ông.

 

Một buổi chiều cuối thu, ông trở lại đất Đông Hà. Cảnh cũ còn đó mà người xưa theo chồng đã 5 năm. Ông bồi hồi theo dòng suy tưởng:

 

“Phong thư tình ngây dại.

Những vai mềm, môi ngoan.

Những hẹn hò cuống quýt.

Trên lối xưa thiên đàng”

 

Chợt lòng quặn thắt và cảm thấy nhói đau nơi trái tim người lính trẻ. Lời ông tự sự:

 

“Ngày nhà em pháo nổ.

Anh cuộn mình trong chăn.

Như con sâu làm tổ.

Trong trái vải cô đơn”

 

Nổi đau chất chứa, dồn nén đến đỉnh điểm, nó tự nhiên buộc người ta phải thốt lên thành lời. Không phải là với người yêu, với mọi người nữa, mà là với chính mình:

 

“Ngày nhà em pháo nổ.

Tâm hồn anh rướm máu.

Ôi nhát chém hư vô.

Ôi nhát chém hư vô.

 

Để ý một chút, chúng ta thấy câu “ngày nhà em pháo nổ” và câu “ôi nhát chém hư vô”  được nhắc đi nhắc lại 2 lần, càng làm ta thấm thía và đồng cảm với hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã và nỗi đau cô đơn của tác giả. Thế mới biết, đâu cần chi phải là những nỗi đau “lớn lao, đại sự”, mà có khi chỉ là một nỗi đau nhỏ nhoi, riêng lẻ, nếu đồng điệu, thấu cảm và được thốt lên bởi vẻ đẹp nghệ thuật của ngôn từ, và đặc biệt là sự chân thành nơi trái tim, thì sẽ có sức lay động và trường tồn với thời gian.

 

Trở lại với mối tình si của tác giả, đọc cả bài thơ gồm 42 câu, chúng ta thấy mặc dù là một bài thơ tình, nhưng tuyệt nhiên thấy tác giả rất ít nhắc về những kỷ niệm. Có chăng chỉ thấp thoáng rất mờ ảo về một “đường xưa, lối về”, một “sân giáo đường”, một “gác chuông” nơi “xóm đạo”, làm nền tảng bối cảnh cho một cuộc tình dang dở, bi thương:

 

“Năm năm rồi ly biệt.

Đường xưa chưa lối về.

Trong đìu hiu gió cuốn.

Nằm chơ vơ gác chuông”

 

Chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe tác giả trãi lòng:

 

“Năm năm rồi cách biệt.

Cỏ hoang sân giáo đường.

Chúa buồn trên thánh giá.

Mắt nhạt nhoà mưa qua”

 

Thiết nghĩ cũng cần nói thêm sự khéo léo, tài hoa của nhạc sĩ Phạm Duy khi phổ nhạc bài thơ này (và tên bài thơ cũng là tên bài hát). “Chuyện tình buồn” có cả thảy 42 câu, được chia thành 8 khổ không đều nhau, có khổ 4 câu, khổ 6 câu và có khổ 8 câu. Nhưng khi phổ nhạc, Phạm Duy sắp xếp thành 40 câu chia đều 5 khổ, mỗi khổ 8 câu bằng nhau. Trong bài hát, phần lớn là nguyên bản bài thơ, còn có một số câu phỏng tác, nhưng đều rất sát và theo đúng tinh thần của bài thơ một cách tài tình làm chúng ta có cảm giác như Phạm Văn Bình và Phạm Duy đang lồng ghép tâm thế mình vào nhau để cùng tạo nên một tuyệt phẩm. Hai đoạn Chorus (điệp khúc) được đặt xen kẽ vào giữa 3 đoạn Verse, đều bắt đầu bằng câu: “5 năm rồi không gặp - 5 năm rồi đi biệ t- 5 năm rồi không gặp” đúng theo nguyên bản bài thơ. Sự lặp đi lặp lại ấy như xoáy sâu thêm nỗi khắc khoải của tác giả và cả mỗi chúng ta khi đọc bài thơ hay nghe bài hát.

 

Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc bên tai tôi tiếng hát Vũ Khanh từ dĩa CD nhấn nhá đầy tâm trạng:

 

 “Ngồi bâng khuâng nhớ biển.

Bên bãi đời quạnh hiu.

Anh mang hồn thủy thủ.

Cùng năm tháng phiêu du”

 

Các hợp âm La thứ- Fa trưởng- Mi 7- Son 7, rồi trở về gam chủ La thứ của đoạn điệp khúc:

 

“Anh một đời rong ruổi.

Em tay bế tay bồng.

Chiều hắt hiu xóm đạo.

Hồi chuông giáo đường vang”

 

Nó không lấn át âm hưởng của hợp âm trưởng chủ đạo, bao trùm toàn bài hát: Đô trưởng- Mi thứ- La thứ-Sol trưởng- trở về Đô trưởng. Nhờ vậy mà cảm giác nghe dù buồn, có thể buồn rất sâu, có thể chỉ buồn man mác, tuỳ theo cảm nhận khác nhau ở mỗi người, nhưng có lẽ đều cảm thấy nhẹ nhàng, trong sáng chứ không thê lương và ủy mị.

 

Với bài “Chuyện tình buồn”, tôi từng nghe qua 5-7 ca sĩ hát. Nhưng hay nhất và lột tả được hết cái hồn của bài hát nhất, có lẽ là giọng hát của ca sĩ hải ngoại Vũ Khanh:

 

“Năm năm rồi không gặp.

Từ khi em lấy chồng.

Bao kỹ niệm chôn kín.

Dường như đã lãng quên”

 

Tác giả đã nuốt nỗi đau vào trong cho riêng mình. Nhường chỗ cho niềm cảm thông và một tình thương sâu sắc dành cho người tình xưa. Bởi vài ba năm sau cái “ngày nhà em pháo nổ”, thì người chồng Sĩ quan không quân của cô Lê Thị Tuý qua đời, để lại người vợ trẻ với 2 đứa con thơ, “em tay bế tay bồng”.

 

Bốn câu cuối bài thơ không còn đơn thuần chỉ là tình yêu đôi lứa, mà trào dâng một tình thương đầy nhân văn, đủ làm bâng khuâng, ray rứt lòng người:

 

“Năm năm rồi trở lại.

Một màu tang ngút trời.

Thương người em năm cũ.

Thương goá phụ bên song”

 

Hình ảnh người em “góa phụ” bên song cửa không chỉ làm nao lòng tác giả, mà còn gợi lên trong mỗi chúng ta nỗi xót xa nhân thế. Đọc lại, thấy hai chữ “5 năm” trong nguyên bản bài thơ được Phạm Văn Bình nhắc đi nhắc lại tới 4 lần. Phạm Duy còn thêm một lần nữa là 5 lần, càng xoáy sâu vào nỗi da diết khôn nguôi.

 

Công tâm mà nói, bài thơ hay. Phải nói là rất hay. Thể thơ 5 chữ rất độc đáo, nhưng hẳn nhiên chưa thể gọi là tuyệt tác. Ấy mà khi được nhạc sĩ sáng tác và phổ nhạc thuộc hàng hay nhất Việt Nam là nhạc sĩ Phạm Duy, thì bài thơ được chắp cánh, được nâng lên một tầm vóc mới. Thơ-Ca đã giao hoà một cách đồng điệu đến mức lạ kỳ, tạo nên một “CHUYỆN TÌNH BUỒN” quá đẹp. Xứng đáng để người đời trong dĩ vãng, hiện tại và có lẽ cả mai sau mãi chiêm ngưỡng, nhớ về.

 

Phạm Văn Bình, ông như kẽ lữ khách lặng lẽ đi qua cõi đời, để lại dăm ba bài thơ đầy thân phận. Có hề chi, đâu cần phải nhiều. Chỉ duy nhất một “Chuyện tình buồn” thôi cũng đủ. Để mọi người ngưỡng mộ, thương mến và chẳng thể nào quên được ông, thổn thức cùng ông.


 Tôi cũng là một người con của đất Quảng Trị, sinh sau ông 26 năm, thuộc hàng con cháu, nhưng tôi xin thưa với ông rằng: Ông ơi, sau bao dâu bể thăng trầm, gian truân của cuộc đời, giờ thì ông đã có thể mĩm cười, yên tâm nhắm mắt ngủ giấc nghìn thu. Nơi quê hương Quảng Trị, rồi đây sẽ có nhiều cơn mưa Ngâu mát mẻ vổ về giấc ngủ của ông. Phạm Duy đã ra đi từ hơn 5 năm trước. Nay ông cũng theo về, để nối tiếp Thơ -Ca giao hoà nên những cung bậc mới đầy mê ly nơi tiên cảnh.

“Năm năm rồi không gặp”, với Phạm Duy và Phạm Văn Bình, giờ là ngàn năm ly biệt ... Tôi viết những dòng này như một nén hương lòng, kính cẩn nghiêng mình tri ân và tiễn đưa ông. Chiều nơi đây với chút mưa tháng 7, sao tôi nghe lòng mình thấm lạnh. Thêm một lần tôi ngồi nghe lại “Chuyện tình buồn”, chợt thấy cay cay nơi sống mũi, và “mắt nhạt nhoà mưa qua” ...

 

Kim Long - BRVT, chiều tối 30/7/2018.

PHẠM CẢNH THƯỢNG 

READ MORE - “MẮT NHẠT NHOÀ MƯA QUA ...” - Phạm Cảnh Thượng