SAO MÀ ỨNG VỚI TÔI ĐẾN THẾ!
Lâm Bích Thủy
Tôi là một cựu học sinh Miền Nam đang giữ
trong mình nhiều ước mơ và khát vọng. Sau tốt nghiệp đại học đang chờ nhận công
tác. Bạn tôi - người rất am hiểu thời cuộc, nói:
- “Mày muốn biết nơi mày sẽ đến nhận việc hãy
xem cái ghế của ba mày. Nếu ông chỉ là cán bộ thường, thì mời mày lên núi hay
vào xứ mù Cang Chải, đừng mơ với mộng gì hơn!
Quả thật 100%; tôi phải
vào xứ mù “Cang Chải” - Nông Trường Quốc doanh bò sữa Ba Vì-Hà Tây; cách Hà Nội
52km (giờ đã thuộc về Hà Nội). Hồi ấy, đường sá bị bom Mỹ xới tung, phương
tiện đi lại rất hạn chế; dẫu chỉ cách nhà hơn 50 cây số nhưng là rất xa với
tôi. Ở đây, gần Q51- nơi máy bay Mỹ từng đổ bộ xuống để giải cứu phi công và là
nơi tôi thật sự bắt đầu cuộc sống của một kỹ sư chăn nuôi; cũng là nơi sẽ chôn
chặt những khát vọng chấp cánh bay cao bay xa mà thời sinh viên tôi hy vọng!
Nơi tôi sống và làm việc là Đội I. Đội có ông
Đội trưởng, chị đội phó và 1 tổ vắt sửa, tổ chăm sóc bê con, tổ chăm bò đẻ; tổ
chăn bò, tổ kỷ thuật, người giữ trẻ, người nấu ăn. Đây chính là nơi anh Hồ Giáo
được phong anh hùng 2 lần. Còn cuộc đời khổ ải của tôi–con một nhà thơ chỉ biết
cầm bút và nặng 35 cân bắt đầu! Hàng tháng có 13 ngày làm việc gián tiếp; 13
ngày lao động trực tiếp với những con bò lai Sin (Ấn Độ) và Hà Lan nặng hàng
trăm ký!
- Công việc gián tiếp
là, cứ 3h30’ sáng, tôi dậy theo công nhân xuống khu chuồng: để kiểm tra việc vắt
sữa, cho bê bú, công nhân có làm đúng qui trình kỹ thuật không. Khi mọi việc
xong, tổ chăn bò vào lùa bò đi lên đồi ăn cỏ thì tôi quay lại chuồng bò sữa ghi
lượng sữa từng con, theo dỏi qúa trình cho sữa của nó để quyết định giữ lại
nuôi lấy sữa hay chuyển nuôi thịt. Rồi chuyển những con bò sắp đến ngày chuyển
dạ sang chuồng bò đẻ. Đến công việc cân, đo từng con bê mới sinh hoặc bê loại
18, 24 tháng tuổi, xem con nào phát triển tốt thì tiếp tục nuôi dưỡng để bổ sung
vào đàn bò sữa, con nào không đạt thì loại để khỏi tốn thức ăn và công chăm
sóc. Mỗi lần xuống chuồng về, người tôi ám đầy mùi phân bò; nhưng lâu dần thành
“nghiện” khó quên!
- Còn 13 ngày lao động
trực tiếp của tôi là thay thế những công nhân nghĩ phép hay ốm đau như vắt sữa,
chăm sóc bê con, chăn bò, giữ trẻ hay nấu cơm.Tất cả những vệc này cuốn hết 8
năm tuổi trẻ của tôi; cứ ngày xuống chuồng lại về ghi vào sổ sữa và số liệu đã
cân, đo. Lúc đó tôi là một công nhân thực thụ trong vai một kỷ sư chăn
nuôi!... Tôi buồn vì số phận hẩm hiu. Song le, cũng có những lúc lòng tôi ấm áp
khi có người hiểu được công việc của mình. Đó là những lời động viên từ người lạ
đến công tác hay tham quan. Gặp tôi - cô kỷ sư chăn nuôi đi chăn bò; lại nghe
nói tôi là con nhà thơ mà làm những việc như thế đã thốt lên - “Trời sao số cô
vất vả thế. Tôi mà là lãnh đạo thì sẽ phong cô ấy 2 lần anh hùng mới phải”.
Những năm sống ở nông trường, tôi rất thất vọng
khi nghĩ về tương lai; song vì là thanh niên và là học sinh Miền Nam được Bác Đảng
giáo dục tinh thần “Ở đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" cộng với
lời khuyên của ba tôi “Được ngựa không mừng, mất ngựa không tiếc” nên tôi răm rắp
chấp hành, không dám kêu ca phàn nàn và hoàn toàn chấp nhận cái số phận “con rệp”
mà trời đã định!
Ra trường cuối năm 1969, sau 8 năm làm việc cực
nhọc ở Nông trường Quốc Doanh Ba Vì đến
1977, theo chồng vào Nam; tôi không lên được bậc lương nào chỉ có lời hứa hảo của
Giám đốc nông trường “Em cứ vào đó rồi anh sẽ gửi giấy nâng lương sau”. Ngày bước
chân ra khỏi Nông trường, tôi vác vai cái mức lương nhẹ tênh 60đ/tháng) Và
trong 33 năm làm việc thì số phận con rệp của tôi đã mất cơ hội 4 lần nâng bậc
lương.
Có người hỏi tôi: chị vào Nam năm nào. Tôi trả
lời–năm 1977. Họ lại hỏi tôi: Chị có bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu ha đất. Là một
kỹ sư với 33 năm công tác, lương về hưu của tôi nay chưa đến 4 triệu lạị phải
trả tiền thuê căn hộ ở chung cư tái định cư.
Ngày chúng tôi là những thiếu nữ 19-20 thường
tâm sự với nhau là, nếu lấy chồng thì phải lấy người hơn trình độ hay bằng
mình; việc gì cũng biết chút chút như đá bóng, đàn, hát v.v… Thành thử, anh
nào cũng muốn chứng minh khoản đa năng của mình với chúng tôi. Con gái thời
chúng tôi hay dựa vào câu này để chọn một nửa của mình “Đẹp trai, con nhà giàu,
học giỏi nhưng không được ăn cắp vặt”. Cho dù anh ta dư tiêu chuẩn mà có tính ăn
cắp vặt là bị loại ngay. Tôi lấy chồng ở tuổi 29. Ở độ tuổi này thời đó, thiếu
nữ Miền Bắc, nếu đến 21 tuổi chưa chồng sẽ bị gọi là gái già Misonca (nhân vật
của tiểu thuyết “Hội chợ phù hoa”); còn cha mẹ thấy con cứ lắc đầu quày quạy
thì hoảng vì sợ nhà có bom nổ chậm. Nhưng, dẫu lúc đó tôi 29 tuổi; cho dù ba má
tôi sốt ruột về thái độ tự tại của tôi; ông bà sợ tôi ế nên nhờ nhiều người mai
mối dùm! Và bấy giờ, nói thật là có nhiều chàng trai nghe nói nhà thơ Yến Lan
có hai con gái rất dễ thương, đã tìm cách tiếp cận; cho nên tôi sợ gì chứ? Các
chàng trai mà bạn ba má mối mai đến nhà thăm dò, tôi vẫn tiếp tục lắc đầu không
chút nao núng, vì lúc đó, ở tôi còn có cái mark vô cùng hoành tráng đó là nữ Học
Sinh Miền Nam (HSMN). Mà cái mark này, thuở ấy, cực kỳ giá trị với các chàng
trai HSMN hay các anh bộ đội, công an, cán bộ miền Nam tập kết lắm nhé.
Tôi là chị của 5 em; 3
trai, 2 gái. Em gái kề nhỏ hơn tôi 2 tuổi; cùng tên nhưng khác đệm. Ngày chủ nhật,
hè, hoặc Tết, nhà tôi có nhiều bạn trai tới thăm chơi. Lúc bạn của Tú Thủy, khi
bạn của tôi. Nếu khách hỏi “Thủy có nhà không bác?” Ba tôi luôn hỏi lại “Thủy
Bích? hay Thủy Tú?”. Bạn trai của chúng tôi đều là đệ tử của thuốc và trà. Lúc
họ đến, hầu như chúng tôi đều rất tích cực, nhất quán lôi các thứ của ba ra
đãi; đâu cần biết những thứ đó khan hiếm mà ba phải mua bằng số tem phiếu ít ỏi;
để đến khi bạn về, bỏ lại sau lưng họ là những tàn thuốc và bã trà; còn ba thì
không thuốc hút, trà uống; đành nhịn. Song không vì thế mà ba phiền. Ông cảm
thương các bạn sống xa quê hương, cha mẹ thiếu thốn tình cảm, vật chất.
Là con gái thời đó , chúng tôi cũng muốn mình
đẹp trong mắt các chàng trai “nhưng cái khó bó cái khôn”. Là nhà thơ nghèo song
ba biết làm nhiều việc để các con mình đỡ tủi với đời . Ông tự đóng bàn ghế cho
con học, tự làm bếp dầu hỏa cho vợ con nấu nướng , v.v... Mỗi lần làm gì ông đều
giải thích và dạy con tinh thần tự lực để khi ra đời không phụ thuộc vào người
khác. Ông dạy chúng tôi: Làm người phải biết tha thứ đừng để hận thù lấn át
cái tâm.
Ngặt một nỗi, nhà chẳng có thứ gì để chị em
tôi làm đẹp. Ra đường áo quần nhàu nhò xấu hổ với chúng bạn. Mượn bàn là nhà
bên hoài kỳ quá! Thương con, ba tôi day dứt mãi. Một hôm chúng tôi vừa đi học về
đã nghe ba khoe: - Có bàn là rồi đấy các con!
Chiếc bàn là mà ba tôi khoe được làm như sau:
Trong nhà sẵn có cái vỏ
đạn bom-bi của anh bộ đội nào cho; ông cưa bỏ phần rắc rối ở đầu, giữ lại chừng
15cm để đựng than. Ông hì hục đục lỗ, dùng thanh sắt mỏng, ghép với thanh gỗ,
quấn giẻ làm tay cầm cho đỡ nóng. Áo quần được là bằng vỏ đạn bom-bi không khác
so với áo quần được là bằng bàn là mua ở nước ngoài tí nào! Suốt mấy chục năm sống
ở Hà Nội, nhà tôi toàn sử dụng chiếc bàn là ba tự chế. Ra phố hay khách đến
chơi nhà, chẳng ai phân biệt được rằng “Áo quần của gia đình nhà thơ Yến Lan chỉ
được là bởi vỏ đạn bom-bi” !
Chất đốt ư! Ngày ấy, việc đun nấu cực kỳ nhiễu
sự. Nhà đun mùn cưa, nhà thì than đá, thậm chí chú Quang Dũng còn đi quét lá ở
công viên về đun nữa kia. Nhà nào có con đi Tây, Tàu mới có bếp dầu. Loại bếp
này về sau bán ở Cửa Hàng Mậu Dịch Tràng Tiền. Nhà tôi sao có tiền để mua! Nhà
đối diện (cùng cầu thang) dùng, trông thật sang. Còn nhà tôi thì vẫn chung thủy
với cái lò mùn cưa! Ba tôi ngồi làm việc, thấy nhà bên dùng bếp dầu Trung Quốc;
ông thấy hay hay, ưu việt; chỉ cần quấn tí bông thấm dầu vào que sắt, châm lửa
là bếp phực cháy liền. Bếp mùn cưa, phải chổng mông thổi phù phù, khói, bụi bay
đầy nhà; mồ hôi nhễ nhại, nước mắt cay xè. Nghĩ thương vợ con, mỗi buổi vào bếp
là một cuộc vật lộn với ông lửa. Thế là ý tưởng làm bếp dầu cho vợ con ló ra.
Vài hôm sau, đi làm về, ba cất túi xách rồi
đổ ra sàn một lô vỏ họp sữa đủ loại: lớn, vừa, nhỏ v.v..., ông lấy vật dụng,
nào đinh, dùi, búa ra bắt đầu sáng chế. Ông đóng, đục, khoan; mồ hôi nhễ nhại,
ướt đẫm cả áo may-ô. Rồi hai vỏ họp sữa giờ đã thành 2 vòng lưới, giống vòng
trong vòng ngoàì của bộ phận bếp nhà bên.
Hôm sau nữa, vừa đến cửa đã nghe ba vui vẻ
khoe “Ba đã làm xong bếp cho mấy mẹ con rồi đó”. Tôi nhìn cái bếp mới làm, nó
nhỏ và xấu hơn bếp hàng xóm, nhưng mừng lắm, reo to như để nịnh cái công trình
ba sáng tạo “Nhà ta bây giờ đã có bếp hiện đại ba nhỉ!”
Ba làm ra hai cái. Cái lớn để nấu nướng, cái
nhỏ ba dành để đun nước sôi, pha trà đãi bạn thơ. Các chú Phạm Hổ, Trinh Đường,
Quang Dũng, bác Khương Hữu Dụng đến, nhìn thấy lại “chạch chạch” khen “Yến Lan
khéo tay thật!”
Từ đó, nhà tôi không bụi,
không khói làm cay xè mắt, không phải chổng mông thổi lửa nữa!
Công việc ở nông trường, mọi thứ đối với tôi thật rõ ràng. Hàng tháng tôi dồn 4 ngày chủ nhật nghỉ bù về với ba má. Ba là nhà thơ nhưng không mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây mà ông rất thực tế, chỉnh chu trong công tác, chu đáo với vợ con và bạn bè (điều này nhiều người đã biết). Sau 4 ngày ở nhà, tôi phải trở về nơi làm việc. Bao giờ cũng vậy, ba tôi dậy trước gói gém và xếp lên xe thứ gì tôi mang đi; ông sợ tôi quên; rồi ông xem lốp xe có xẹp hay không. Một hôm, lốp trước xẹp; ông lấy bơm ra bơm. Vừa bơm ông vừa tư vấn cho tôi cách chọn một nửa của mình trong số những bạn trai đã đến chơi nhà hiểu theo nghĩa nhân văn.
- Nếu con mà lấy thằng
A, thì con phải bơm xe cho nó đi (qua cử chỉ của anh A đã thấy, ông cho rằng
sau này nếu là chồng thì tôi phải hầu anh ta).
- Nếu lấy thằng B thì
con bơm xe con đi, nó bơm xe nó đi (theo ông anh B này sống ích kỷ, chỉ nghĩ
cho bản thân, không biết đến ai).
- Nếu con lấy thằng C, nó sẽ bơm xe cho con đi. (Trong cư xử của anh với tôi khiến ba tôi có cảm tình nên muốn tôi chọn anh làm
con rể ông. Ông khen lấy khen để anh C nào là biết thương vợ con, biết đối nhân
xử thế v.v..). Nhưng tôi thì rằng:
- Anh C
là người tốt, không có chỗ nào để chê. Nhưng con thấy hai vai anh ngang phè
phè, trông chán lắm ba. Nghe tôi nói thế, ông đang cười (bởi tiếng khúc khích của
mấy em từ trong màn) bỗng sửng cồ đỏ mặt tía tai quát:
- À! Mày chê người ta
vai ngang mà sao may áo, ba thấy cái nào mày cũng độn thêm vai? Bộ mày tưởng
mày ái yếu mỹ miều lắm sao ai mày cũng chê: đứa thì mày chê lưng gù, đứa thì
chê có cái tai chuột; thằng C ngoan hiền, bảnh trai là phi công còn thằng nào
hơn nó mà mày chê nó vai ngang. Vai ngang trông càng ra dáng đàn ông chứ sao. Rồi
đây không khéo mày lấy phải cái thằng “hom hem” chẳng ra gì mà coi.
Bữa đó, mấy em tôi còn đang nằm trong màn,
nghe hai cha con tranh luận, không nhịn được phá lên cười “ha ha ha”. Tiếng cười
của chúng phá tan sự im lặng buổi sáng hôm ấy. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng lúc
nào cũng có tiếng cười vì sự dí dỏm của nhà thơ như thế!
Thế rồi, tôi lấy chồng! Anh là học sinh Miền
Nam, gọi chú Mịch Quang bằng dượng. Anh không hom hem như lời nguyền của ba mà
còn được khen “Chồng mày trông ngon cơm thật”. Anh dư tiêu chuẩn mà lũ con gái
đã đề ra như biết đá bóng, có máu văn nghệ, học vấn bằng tôi, đang là đối tượng
đảng, quan hệ rộng có dượng làm to đi đâu có xe con túc trực (trừ đi vệ sinh). Anh học lớp đào tạo D12. C-500 trường Công An ở Thanh Xuân Hà Đông.
Ngày mới quen, nghe anh nói tên, cái tên anh
có nghĩa đen vô cùng ngắn, ba tôi kinh ngạc kêu lên: “Sao ba cháu đặt tên con
như thế? Tên đã ngắn mà chỉ có họ và tên không lót. Cái tên rất quang trọng
trong đời sống cháu ạ, nó ảnh hởng đến tương lai nữa kia. Ví dụ tên cháu là Cụt
nghĩa đã ngắn thì phải thêm lót là Trường, Thanh hay Văn gì cũng được để cho nó
trường ra.” Anh liền phân bua: “Tên cháu là do ông nội đặt, ông phản đối việc
ba cháu thực hiện các chủ trương 'Vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến' của
chính phủ; đã đập phá hết nhà ngói của ông. Tức quá ông đặt tên cháu như thế là
để trả thù con trai ”.
*****
Tôi tuy là con một nhà thơ bị oan trái trong
thời nhân văn giai phẩm, dẫu điều này ít nhiều
khó khăn trong việc chọn ngành nghề và nơi làm việc, song điều đó chẳng ảnh
hưởng đến tương lai hạnh phúc gia đình nhỏ của tôi. Điều tôi muốn nói ở đây nếu
bạn gái khi lấy chồng đừng vì trai đẹp, đa năng hay gì gì nữa, mà hãy xem anh
ta có biết chọn cho mình con đường đi tới tương lai; trong cuộc sống có biết
nghĩ, lo cho gia đình hay không và có nghĩ đến vợ con hay không cũng đừng mong
gì khác ngoài tự bản thân.
Với tôi, tất cả những thứ này thực sự đều vô
nghĩa, xa xỉ, chẳng giúp được tôi tí nào trong thời quá khứ cũng như hiện tại.
Câu chuyện về một cái tên đã hé lộ nhiều điều cần lưu ý hơn. Tôi không ngờ cái tên nghĩa ngắn của ông xã
do ông nội anh đặt để trả thù con trai khiến ba tôi lo lắng lại là thủ phạm
chính ảnh hưởng lớn đến tương lai cuộc sống của gia đình tôi thật sự. Tóm lại
vì tên anh nghĩa ngắn nên suy nghĩ của anh về đường đời, về cuộc sống gia đình
với con cháu, anh bảo: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” Tiền làm ra cho vào
anh ruột là chắc nhất. Tôi và anh vào Sài Gòn năm 1977 làm việc tại công ty
Animex. Hồi đó người ta thường nói: ai làm việc ở Cty có chữ EX=ết ết là hết sảy.
Vậy mà đến nay 2017 tôi không mua nổi căn hộ tái định cư để lại cho con cháu, cả
việc tôi phải bơm xe cho anh đi nữa đấy!
Em trai tôi - nhà thơ Lâm Huy Nhuận có thơ rằng:
Nửa đời ra hắt vào hiu
Nửa đời lận đận – trăng thiu cuối trời
Gia tài còn tiếng “Giời ơi!”
Thốt kêu đã đẫy một đời sông sênh.
Và hơn thế nữa, nay tôi đã già nhưng lại kiêm cả cái việc “bơm xe” cho người chồng đa năng nhưng có cái tên nghĩa ngắn của tôi đi chơi nữa đấy!
Và hơn thế nữa, nay tôi đã già nhưng lại kiêm cả cái việc “bơm xe” cho người chồng đa năng nhưng có cái tên nghĩa ngắn của tôi đi chơi nữa đấy!
Lâm Bích Thủy
yenlan1916@yahoo.com