Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 4, 2020

MỘT THOÁNG XUÂN XƯA - Thơ Nguyễn Trung Giang

Nhà thơ Nguyễn Trung Giang

Nguyễn Trung Giang
Một thoáng xuân xưa


Nhớ tết về làng xóm nở hoa
Mùa xuân nở trên môi bà bỏm bẻm
Trong mắt chị mắt anh mai đào hò hẹn
Trong tiếng cười tiếng pháo rộn bờ tre

Thoáng heo may lành lạnh gió xuân vê
Xuân trải mộng trên bờ đê ngõ vắng
Xuân nhởn nhơ khắp đường làng thắp nắng
Thấm nghĩa tình vào sâu thẳm lòng nhau

Trên cây nêu xuân như vẫy tay chào
Hương vị tết dâng trào nguồn mạch sống
Ngày xưa ơi ! bóng xuân thì lồng lồng
Xanh ngát đời xanh mãi một thời xuân

N.T.G.

READ MORE - MỘT THOÁNG XUÂN XƯA - Thơ Nguyễn Trung Giang

BÀI CA MÙA THU XANH | TRĂNG NON | TỪ CHÚT NẮNG VEN ĐƯỜNG - Thơ Trần Thiên Thị




BÀI CA MÙA THU XANH

Cám ơn
Bờ môi trăng non
Dạy tôi
Bài ca mùa thu mãi xanh
Cảm ơn
Hàng sao lá non
Dạy tôi
Mùa thu đâu cứ phải buồn

Cảm ơn ban mai trinh nguyên
Bay lên xôn xao đôi cánh sen hồng
Sen tàn đầu mùa thu xanh
gởi lại trong em triều hương trong lành



     TRĂNG NON  

   Trăng non ăn không đươc
   gái non ghẹo không đành
   ngồi buồn xin chén rượu
   bài thơ viết không thành


   Thôi thì xin chén nữa
   ta say một mình ta
   trăng còn chưa đến tuổi
   chắc chi ta đã già

Trái đất ba phần nước
          còn ta cơn khát nào
đổi nửa đời chén rượu
em chưa bán cho sao?

Đong đưa đong đưa mãi
chiếc nôi trăng thượng huyền
thơ ta chừng luống tuổi
khóc giữa trời vô duyên 



TỪ CHÚT NẮNG
VEN ĐƯỜNG

Em đến
mang theo cả mùa xuân
đặt vào lòng mùa đông lạnh giá
Nỗi sợ hãi nép vào câu thơ
Gã làm thơ giật mình đánh rơi cả nỗi buồn
Chỉ có những tia nắng là hồn nhiên vẽ vàng lên mặt đất 


Em đến
Vỗ về trái tim hoài nghi
và nói rằng mùa xuân là có thật

Cỏ bao nhiêu ngày vùi mình trong mưa bão
vẫn giữ lại trong lòng
chút nắng vàng mùa hạ
chút hanh buồn mùa thu

Và hôm nay như người tình đúng hẹn
Nở hoa trắng cả ven đường

Tôi đã qua rồi
thời đường mật yêu đương
Chào đón em
bằng trái tim cũ kỹ
Chẳng biết mình nên buồn hay vui
Trong dự cảm
Em sẽ mang đi
chút tĩnh lặng cuối cùng

Trần Thiên Thị















READ MORE - BÀI CA MÙA THU XANH | TRĂNG NON | TỪ CHÚT NẮNG VEN ĐƯỜNG - Thơ Trần Thiên Thị

MỘT CÁI TẾT XƯA - Chế Cẩm Đình



Chế Cẩm Đình
MỘT CÁI TẾT XƯA

Năm ấy lên mười, cái tuổi mà trẻ con bây giờ còn ăn đút, thì thế hệ như tôi đã là những thiếu niên trưởng thành. Tức là phải làm lụng tất thảy những việc trong nhà, hoặc cả ngoài đường để phụ gia đình kiếm sống. Việc trong nhà như chăn nuôi heo ca gà vịt, chặt củi, gánh nước, chợ búa nấu nướng, giặt giũ đều phải cáng đáng. Hoặc đi bán nước ở bãi xe đò bên này cầu Đông Hà, tay xách cái ấm nhôm nước chè, ụp cái ly nhựa lên vòi ấm, mỗi khi xe đò dừng lại là cả đàn con nít áo quần mũ nón phong phanh trong từng cơn gió bấc xách ấm chạy quanh xe rao khản cổ “nước chè nóng đây, nước chè xanh nóng đây, xanh nóng đây”, mỗi ly giá 5 hào.

Tiền kiếm được bỏ ống bin mỗi ngày một ít hay mỗi dịp bán chác thì được kha khá hơn, như cân con heo hay gả đàn gà chẳng hạn. Đập ống cuối năm, nhỏn mấy chục đồng bạc, nhưng cũng là một món tiền to đối với lũ trẻ con hồi đó. Đưa cho mẹ đi sắm được hai anh em mỗi đứa một bộ đồ tây, vừa để đón Tết, lại còn dùng để bận đi học cho cả năm sau, dư ra ít đồng thì mẹ giữ lại mua sách vỡ cho học kỳ 2, chứ không đồ chơi đồ chiếc như bây giờ.

Việc đầu tiên của một kỳ ăn Tết là chở thằng em ra quán chú Quang thọt hớt tóc làm mới cái đầu. Phải đứng sắp hàng vì ai cũng để cận kề ngày Tết mới đi cắt, cũng là một kiểu hà tiện chi tiêu đến từng hào bạc. Đến phiên, hai anh em lần lượt trèo lên cái ghế hớt cao cao, ngồi im thin thít, chứ ngọ nguậy là bị cú ngay vào đầu từng cú rõ đau, lúc trước phó cạo cũng quyền hành với khách trẻ con lắm, nên rất sợ. Cái tông đơ cùn ủi đi ủi lại như dựt từng cọng tóc chứ không đứt ngọt làm chảy cả nước mắt nước mũi cũng phải cắn răng chịu trận, vì chẳng còn biết cắt ở đâu khác. Rồi người thợ miết cái lưỡi dao cạo mòn khoét hình cung vào chiếc dây thắt lưng bằng da móc chặt một đầu vào cọng thép cột lưng chừng vào cái trụ, lật tay xoét xoét xoét vài ba lần cho bén cả hai mặt dao, bôi chút nước lạnh vào rìa chân tóc của cái đầu vừa cắt rồi chấn quanh một vòng là xong, hết đồng rưỡi mỗi cái đầu.

Tối hăm chín đổ bánh thuẫn, thì chiều đó phải đánh trứng gà với bột củ mình tinh nhừ cổ tay bằng bó đũa cột lại, đánh phải thật dậy thì bánh mới tơi khi đổ, chứ không vón cục ăn rất nghẹn. Mẹ còn làm mứt gừng, mứt dừa nữa, cũng mua phẩm về nhuộm đủ màu mà không sợ độc hại như bây giờ. Thêm việc gói bánh chưng với bánh đòn để sáng ba mươi bắt đầu thổi cho đến chiều tối là vớt được, chừng mười hai tiếng đồng hồ. Củi dương cháy nõ, ngồi bếp lâu rát đỏ cả đôi gò má, nhưng vẫn thích vì rất ấm. Lại phải canh cho hai bánh pháo Bình Đà gác trên chạn bếp được khô mà lấy ngay xuống, vì mua ở cửa hàng Chất đốt về đã bị ẩm, nếu gác lâu quá không lấy xuống là tự nổ tanh bành, không còn pháo đốt lúc giao thừa với ngày cúng đưa.

Vần mấy chậu thược dược ngoài mảnh vườn nho nhỏ vô bực tam cấp trước cửa nhà tỉa tót lại, vót vài que tre dài chống những đài hoa lên cho thẳng. Thược dược đủ màu vàng, đỏ với tím, mà hiếm nhất là thược dược xanh biếc, rất khó kiếm giống để trồng vào đầu tháng mười một âm. Còn lay ơn phải xuống củ trước nữa tháng, đúng ngày rằm tháng mười, bón tro đều thì sẽ nở hoa đúng Tết. Dễ trồng nhất là bông thọ, thọ vàng, thọ cam gì cũng rất khỏe sống, chỉ cần xin nhánh ngoài nhà thằng Bé hoặc thằng Khánh ở xóm ngoài về giâm xuống đất tơi là trổ bụi đến Tết có hoa chưng bàn thờ khỏi mua. Mà phải lựa loại mảnh lá để trồng, chứ loại lá dày cọng lớn thì i sì thọ cồi bông rất xấu, không chưng được. Hoặc năm nào hoa nở không đúng dịp thì phải qua cửa hàng bách hóa mua hoa giả làm bằng giấy màu dán vào mấy cọng tre để cắm vào bình thay cho hoa thật, vì không tàn nên cứ để vậy cả năm không lấy xuống, mà đợi năm mới rồi thay luôn. Bàn thờ Tết, ngoài bình hoa thì còn có thêm hộp mứt tết loại một đặt trên chiếc dĩa nhựa, với chai rượu chanh Hà Nội và một gói thuốc lá Điện Biên hoặc Sapa.

Thời buổi xe tàu đi lại khó khăn, cành đào ngoài Bắc cũng chưa có mặt ở miền Trung mỗi dịp Tết như bây giờ, chỉ toàn chơi mai vàng, chứ cũng không ai chơi hồng diệp mai chở ra từ Bình Định như lúc sau này. Mai cành ở quê đem ra bán đây ngoài chợ thị cho người có tiền mua về chơi, đắt rẻ tùy theo cành lớn bé, nụ nhiều hay nụ ít, có nở đúng ngày mồng một hay không. Năm đó ba đi công tác xa không về, thì tôi phải lĩnh nhiệm vụ vào làng cưa mai. Lọc cọc cái xe đạp Phú Xuân mười cây số từ Đông Hà vô Nhan Biều là làng nội để thắp hương thắp khói. Rồi lấy cây rựa chặt lấy một cành mai bằng ngón chân cái của cội mai già trước hiên nhà tổ, phải chặt thật khéo kẻo rụng hết nụ, cột đứng vào bóp bà ga xe đạp, chào mệ chào o rồi chở mai về. Dọc đường, mấy người lớn đi xe Dame với xe 67 cứ chạy theo hỏi “Ê cu, bán mai không, bán không?” thì lắc đầu nguầy nguậy guồng chân đạp chạy như sợ người ta chận lại lấy mất. Về tới nhà dỡ xuống, đem đốt gốc cành rồi cắm vào chiếc bình đồng làm bằng quả pháo đại liên mới đánh sáng loáng hồi sáng, chỉnh thế cho vừa ý, đổ nước vào, thả thêm một viên Aspirin kích nụ nở nhanh rồi chưng vào khoảng giữa tủ thờ với bộ bàn ghế khách, năm nào hoa nở nhiều, với có hoa 6 cánh thì tin rằng năm đó tốt lành, chỉ giản dị vậy thôi. À quên, hai cánh tủ hoặc trên tường còn được trang trí thêm hai câu đối trên phong giấy bồi màu đỏ “Tết đến gia đình vui sum họp – Xuân về con cháu hưởng bình an” cho ra phong vị hoàn hảo của một cái Tết, dù rất nghèo.

Xong tất thảy, thì trẻ con trong xóm tập thể bệnh viện tụm lại ở nhà anh em thằng Liêu thằng Hữu đánh bài tiến lên hoặc đổ bầu cua ăn tiền chờ đón giao thừa. Chừng mười một giờ khuya thì giải tán, đứa nào phải về hẳn nhà đứa nấy. Háo hức chờ tiếng pháo đầu tiên của một năm mới, thì cũng đến lúc, từng loạt tiếng nổ vang lên trước thời khắc giao thừa một chút, rồi rền vang khắp nơi báo hiệu một mùa xuân mới đã sang. Tôi cũng tự treo băng pháo lên góc giàn, châm lửa đốt rồi lùi lại đứng nhìn dây pháo vừa nổ vừa lảy rảy, xác pháo tóe ra sau mỗi phát nổ, dựt lưng khừng trên không rồi xòe ra rơi xuống lả tả, thẫm đỏ cả một góc sân. Cứ sắp đến khúc có quả pháo tống là bịt chặt hai tai vì sợ điếc, nhưng cũng muốn nghe nó nổ to như nào nên có lúc liều mình thả tay ra. Tiếng nổ còn chưa dứt khi vừa tàn dây kíp là hai anh em nhảy vào hôi lại những trái pháo tịt, vì sợ mấy thằng nhà không có pháo như bọn thằng Nhân thằng Ánh chạy tới tranh mất, có khi bị nổ toét tay những vẫn không sợ, để mai đốt lại hoặc lấy thuốc pháo nạp súng diêm, loại bịt đầu van xe đạp bằng chì chứ không phải loại bắn bằng diêm, nhưng cũng điểm hỏa bằng cồi thép bịt gỗ lẫy bằng xăm xe đạp, nổ điêng điếc óc.

Sớm mùng một, dù hồi hôm thức quá nửa đêm nhưng vẫn háo hức dậy sớm, để chờ ai tới chơi mà có tiền lì xì, một mong đợi rất khát khao hồi đó. Bác Sửu, dì Lý hay dì Cúc, dì Hồng là những hàng xóm gần nhất thường đến trước. Bác Liên, bác Đào, cậu Long, cậu Thắng cũng đến tầm trưa, mỗi người cho năm hào hay một đồng, là vui mừng khôn xiết, vòng tay lễ phép cám ơn rối rít. Rồi những bạn bè bên thị xã của ba mẹ cũng qua chơi, chú Cân, chú Châu, dì Cúc, dì Hà đạp xe qua chúc Tết, thường được những năm đồng vì người bên thị xã giàu hơn bên này. Các dì các cậu trên Cồn Tiên cũng về, rồi dưới làng lên nhưng ít có tiền để cho, hoặc chỉ một hai hào kẽm, thì không tiêu mà để dành chơi tán. Cả ngày mùng một chẳng dám đi đâu vì sợ thất lộc lì xì. Lại việc được mời đi đạp đất nhà người ta vì hợp tuổi, như nhà chú Tạo dì Huệ năm nào cũng qua dặn trước, thì được đến mười đồng, vì nhà dì chú ấy thuộc loại khá khẩm trong khu tập thể bệnh viện, chỉ sau nhà dì Tâm có chú Điện đi lao động bên Liên Xô về. Gom góp cả ngày cũng được trên dưới năm chục bạc, bằng công sức bỏ ống cả năm, nếu chịu khó không rời trận địa lì xì bỏ đi chơi.

Mùng hai, nhắm hết khách mới dám xin mẹ rời nhà du xuân. Nhưng vẫn cài thằng em ở nhà hóng những vị khách sót lại còn chưa tới. Cà tòng cà tèng một mình đạp xe qua hội chợ chỗ khách sạn Mekong bây giờ. Mấy chục gian hàng thưng tôn tạm bợ cặp sát bờ tường của khu nhà khách Đông Hà đông nghịt người. Ném lon, bắn súng hơi đạn nhựa, chuột vào hang, thảy vòng, phóng phi tiêu, quay số đủ cả. Ghé vào mấy gian hàng, cũng chỉ để xem người ta chơi, chứ không dám đậu vào trò gì, vì sợ thua hết tiền. Đông nhất là gian hàng lô tô, dựng bục cao chỗ khoảnh sân cuối cùng, đâu lưng với tường xí nghiệp nước bây giờ, như là một sân khấu thu nhỏ nườm nượp người ra vào bởi có nhạc sống rất náo nhiệt. “Lô tô lô tô, quý bà quý cô, hãy nghe cho rõ: con mấy gì đây, con mấy gì đây, cờ ra con mấy, con mấy gì đây, con mấy gì đây …”. Hơn ba chục năm rồi mà tiếng hô lô tô như còn vọng rõ trong tai khi ngồi hồi tưởng lại một cái tết của ngày xanh. Thời gian thật là như cánh nhạn.

Lúc ra về, dắt xe tới cổng định trèo lên thì bị trật xích, mà lại trật ngược ra ngoài nên lúi húi bỏ vào mãi không được. Ngửng đầu lên trông người qua lại để nhờ ai đó giúp thì thời may có thằng anh của thằng Hai Tị với một thằng tên là Tọong bạn của nó tự nhiên tới giúp đỡ rất nhiệt tình. Vì thường ngày hai thằng này, hơn chúng tôi vài tuổi, hay ngồi cổng chợ Đông Hà dán dép với áo mưa, cứ thấy lũ học sinh bên cầu đi ngang qua là trợn mắt bặm môi dọa đánh, kiểu ra oai. Thì hôm nay việc hai chúng nó giúp tôi chẳng khác nào ông Tiên ông Phật rớt xuống cứu độ người hoạn nạn vậy, chỉ loáng cái là xích líp moay ơ quay đều kêu ro ro như chưa bao giờ tuột, tôi rối rít cảm ơn rồi trèo lên xe đạp về, trong lòng vô cùng áy náy vì lâu nay cứ đinh ninh chúng là một lũ người xấu, chứ ngờ đâu hôm nay tốt đến vậy với một đứa trẻ con phía bên kia cầu như tôi.

Về đến nhà, dắt xe vào cất. Việc đầu tiên là kêu thằng em ra hỏi kiếm thêm được bao nhiêu, có ai gửi lại cho anh không? Rồi lôi cục tiền trong bọc áo của mình ra đếm, thì trời ơi, nó đã không cánh mà bay tự lúc nào! Moi hết các túi áo với túi quần còn lại cũng không có, người bắt đầu run bắn lên, hai con mắt đỏ kè chực khóc. Lôi vội xe đạp ra đạp ngược qua cầu, vừa đạp vừa ngó chăm xuống đường mong cục tiền còn nằm lăn lóc đâu đó, ngược xuôi mấy vòng nữa trong hi vọng rồi sau cùng cũng sập tắt hoàn toàn. Nước mắt bắt đầu rơi lã chã, quẹt ướt cả một vạt tấm áo xuân vừa được sắm vào ngày cuối năm.

Mới nghĩ lại, cầm tiền qua hội chợ không chơi hàng nào cả, cũng không mua một món gì, tay lại sờ cục tiền liên tục thì mất chỗ nào cho được, không thể, không thể! À, tại sao tụi thằng Tọong tự nhiên sửa xe nhiệt tình giúp mình, rồi lúc sửa một thằng cứ kêu mình giữ xe cho nó mắc xích lại, còn thằng kia cứ đứng choàng sau lưng mình như sợ mình giữ xe không vững nhỡ ngã ra nó sẽ đỡ hộ. Thì ra chúng đã dàn cảnh móc mất cục tiền lì xì của tôi, ôi trời ơi là trời! Buồn và tiếc mất cả mấy tháng trời sau đó, lúc nào cũng cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ nghĩ đến cục tiền mấy chục đồng bạc, đến độ học hành sa sút gần đội sổ lúc hết năm học, thật là thảm thương.

Bây giờ, dù vẫn còn nghèo, nhưng mấy đứa con lại không thèm tiền như mình lúc trước, cũng không háo hức nhận lì xì. Có lẽ hằng ngày đã đủ ăn đủ mặc, lại được chơi mấy trò chơi trên điện thoại nên chẳng còn ham muốn gì hơn nữa với lứa tuổi này. Viết lại những dòng ký ức này để nhớ về cái Tết nghèo năm cũ, thời của quê hương đất nước còn khốn khó nhiều sau chiến tranh, những cái Tết tuy nghèo nhưng rất dặn dày tình cảm, tự xuyên sâu vào miền ký ức của rất nhiều người trong thế hệ chúng tôi.

CHẾ CẨM ĐÌNH

READ MORE - MỘT CÁI TẾT XƯA - Chế Cẩm Đình