SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (1)
Yến Thọ
(Trích từ tập sách KHẢO VỀ QUẢNG TRỊ XƯA,
tác giả LÊ ĐỨC THỌ)
Sông Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, có chiều dài tới 155km, có lưu lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 130m3/s, có nhiều phụ lưu (37 phụ lưu) với lưu vực rộng lớn tới 2.600km2, chiếm tới hơn 50% diện tích của tỉnh (1).
Xét trên hình thế địa cuộc của tiểu vùng phía nam (thuộc huyện Triệu Phong - xưa là huyện Lợi Điều/Đăng Xương/Võ Xương/Thuận Xương và huyện Hải Lăng - xưa là huyện An Nhân) nói riêng và toàn địa hạt nói chung, sông Thạch Hãn được coi là long mạch chủ đi kèm với Non Mai/Mai Lĩnh sơn/núi Mai Lĩnh để trở thành cặp đôi sông núi biểu trưng văn hoá Quảng Trị: Non Mai - Sông Hãn.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn mô tả: Sông Thạch Hãn “ở hai huyện Ðăng Xương và Hải Lăng, phát nguyên từ trong sách Man, chảy về tây bắc hơn 40 dặm đến bãi Ái Tử, lại chảy chừng 33 dặm, thì có nước nguồn Viên Kiệu chảy vào, rồi chảy sang phía đông nam chừng 10 dặm, qua cửa Ngưu Cước, tục gọi là nguồn Trang, lại 17 dặm qua bến Lương Mai, lại 14 dặm qua bến Trinh Thạch, lại 2 dặm thì có dòng khe phía nam qua phường Trà Trì mà chảy vào, lại chảy 17 dặm qua khe Trái, lại chảy 15 dặm qua phía đông chợ Như Lệ, lại chảy 16 dặm qua xã Thạch Hãn, ở đây có một thân đá nhô lên mặt nước, nằm ngang từ tả sang hữu, cốt đá chập chùng, lại chảy 10 dặm qua bến đường quan ở phía tây thành đạo Quảng Trị, lại ba dặm qua ngã ba Cổ Thành, đến địa phận 2 xã An Tiêm và Xuân An thì chia làm 2 nhánh: một nhánh chảy về phía đông nam vào sông Vĩnh Ðịnh; một nhánh chảy về phía đông bắc 11 dặm qua ngã ba Vĩnh Phúc tục gọi bến Quyết, lại chảy 9 dặm qua ngã ba Ðại Ðộ, tục gọi ngã ba sông Tương, lại 7 dặm qua ngã ba Giáo Liêm, lại 10 dặm mà ra cửa biển Việt Yên” (2).
Sông Thạch Hãn vốn có tên dân gian là Nguồn Hàn. Sách “Phủ biên tạp lục” gọi nguồn này là nguồn Viên Kiều (hay Viên Kiệu), nguồn sông Hiếu là nguồn Cảo Cảo. Sông Thạch Hãn được hợp lưu bởi hai nguồn Viên Kiều và Cảo Cảo: “Huyện Võ Xương có Cửa Việt, sông từ hai nguồn Viên Kiều và Cảo Cảo đổ về” (3). Đầu nguồn Viên Kiều thuộc huyện Hải Lăng, nằm trong các trang, sách của châu Thuận Bình. Đầu nguồn Cảo Cảo thuộc huyện Võ Xương, nằm trong các trang, sách của châu Sa Bôi. Hai châu này ngày nay thuộc huỵện Đakrông, Hướng Hoá (và cả một phần rất rộng lớn thuộc đất Lào, vốn là cửu châu ky mi thời Nguyễn).
Sông Thạch Hãn là sự nối dài của sông Đakrông, hay nói chính xác hơn là bắt nguồn từ sông Đakrông. Dòng dài lưu vực cũng chính là long mạch của Thạch Hãn đi qua về cơ bản là nằm trong địa hạt và cũng là không gian văn hoá của người Việt từ vùng Ba Lòng phía thượng nguồn về đến Cửa Việt phía hạ nguồn để đổ vào biển Đông. Sông Đakrông chảy theo hướng chính là tây bắc; sông Thạch Hãn chảy theo hướng chính là đông nam.
Sông Ðakrông bắt nguồn từ vùng động A Pong, Côcava thuộc vùng thượng La Bút ở phía đông Trường Sơn gần biên giới Việt - Lào, dài 85km. Trên con đường đổ về đồng bằng, sông chảy theo hướng đông nam - tây bắc len lỏi uốn mình giữa các sườn núi cao, nhận thêm nhiều khe suối đổ đến và khi tới gần Khe Sanh thì tiếp nhận một phụ lưu từ phía bắc chảy xuống, đó là sông Rào Quán, phát xuất từ động Sá Mùi. Tới đây, do đụng phải chân đèo Ai Lao (còn gọi là đèo Lao Bảo) nên dòng sông chuyển hướng chảy về phía đông, mở rộng dòng chảy thành con sông lớn, chạy song song với Quốc lộ 9, dài chừng 10km cho đến Ca Lu, sau khi tiếp nhận nguồn Khe Soi ở phía tả ngạn. Nơi hợp lưu là thung lũng phường Mai Lĩnh (cũng chính là phường Mai Hoa). Tại đây, sông đụng phải đèo Sên (col des Sangsues) nên phải đổi hướng đông nam và chính thức mang tên sông Thạch Hãn. Sự phân định này từ trong các tài liệu và bản đồ xưa nay chưa được cụ thể và rõ ràng. Theo bản đồ địa lý hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay thì đoạn sông chảy song song với đường Quốc lộ 9 cũng được gọi là sông Ba Lòng. Tuy nhiên, dân địa phương lại gọi là sông Đakrông.
Trên thực tế từ xưa nay, phía thượng nguồn, trong khu vực cư trú của đồng bào các tộc người Vân Kiều, Pa Cô, Pa Hy thì sông mang tên là Ðakrông; từ vùng thung lũng Ba Lòng xuôi về biển, sông mang tên là Thạch Hãn.
Tên sông Đakrông trong ngôn ngữ Môn - Khơme có nghĩa là dòng nước trong (Đak: sông, dòng nước - Rông: trong xanh). Huyền tích về tên của dòng sông kể rằng: Ngày xưa ở một ngọn núi nọ, dưới chân núi có hai vợ chồng nông dân sinh hạ được mười người con trai và trên chóp núi cao mười cô con gái gọi cặp vợ chồng Diều hâu là bố mẹ. Cũng như sáu người anh em ở đầu bản, sáu cô chị trên núi luôn cậy mình là lớn, chỉ ham vui chơi và bắt bốn em của mình phải làm tất thảy mọi công việc nặng nhọc trong nhà. Thấm thoát, mười người con trai ở dưới bản đã đến tuổi lấy vợ. Họ kéo nhau lên núi xin hỏi mười cô gái. Hay tin, sáu cô chị vội vàng trang điểm nên được sáu người anh kén chọn. Bốn cô theo thứ tự lấy bốn người em trai. Người con trai út lấy cô con gái út có tên là Ðakrông. Sau khi về bản họ vẫn chung sống với nhau trong một nhà. Bốn cô em ngày càng xinh đẹp khiến cho sáu người anh mê mẩn và nảy ra ý muốn chiếm đoạt làm vợ. Không chịu được nổi khổ chia lìa, ba vợ chồng người em bỏ xứ ra đi. Riêng vợ chồng Ðakrông vì quá nặng tình với nương rẫy và bản làng quê hương nên phải ở lại. Từ đây bắt đầu một chuổi ngày khổ nhục, xót thương của đôi vợ chồng trẻ trước tâm địa xấu xa, bạo tàn của ông anh cả, sau khi sáu cô chị bị bố mẹ bắt về núi và năm người em trai đã bị hắn giết hại. Thế nhưng tình thương yêu nồng cháy, thủy chung cộng với lòng nhân hậu của Giàng Phăng tơ rô đã giúp họ vượt qua và chiến thắng tất cả. Bất lực, tức tối tên ác đuổi theo quyết giết chết cho bằng được đôi vợ chồng. Một dòng nước lớn đột nhiên xuất hiện đã kịp thời ngăn bước hắn. Hắn chạy đến đâu dòng nước dài ra đến đấy cho tới lúc hắn mệt nhoài kiệt sức và ngã xuống. Tên ác tắt thở, vợ chồng Ðakrông đưa nhau về bản, sống với nhau trong niềm hạnh phúc chứa chan, yêu nhau bằng một mối tình trong trắng không dứt như dòng nước sau khi họ đã dừng lại vẫn tiếp tục chảy theo chân núi, trong veo, không ngừng, mãi mãi bảo vệ cho cuộc sống của họ được yên lành. Dòng nước, dòng sông chảy qua các bản làng Tà Ôi, Vân Kiều và muôn đời giữ đẹp cuộc sống và tình yêu của con người ấy. Từ đó, nhân dân đã lấy tên hai vợ chồng để đặt tên cho dòng sông là sông Ðakrông.
Có thể nói rằng, với truyền thuyết này, sông Ðakrông không chỉ là một bức tranh sinh động về cuộc sống, một khát vọng nồng cháy về đạo đức và công lý; nó còn là một bài thơ, một tiếng hát về con người, về đất nước quê hương.
Các nhà địa lý xưa coi sông Thạch Hãn là hệ sông riêng tách
khỏi sông Đakrông. Sách “Đồng Khánh địa dư chí” chép về sông
Đakrông như sau: “Một dòng sông nhánh bắt nguồn từ động Cha
Lãng chảy về phía đông, chuyển về phía nam đến địa phận
tổng Viên Kiều, lại chuyển về phía đông chảy qua giang phận tuần
Chân Trâu (Ngưu Cước) ở núi Ðộng Phụ, xuôi xuống đổ vào sông
Thạch Hãn” (4).
1. Sở Khoa học - CN & MT Quảng Trị. Địa chí Quảng Trị. Bản thảo. Quảng Trị, 1996, tr. 50.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. T1. Nxb Thuận Hóa, 1992, tr. 147 - 148.
3. Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 97 - 98.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Sđd, tr. 1397.
(Còn tiếp)
Yến Thọ
<leductho1964@gmail.com>