Phần thứ Hai
THƠ ĐƯỜNG DỊCH
CỦA CÁC TÁC GIA VIỆT NAM
(Gồm 58 bài thơ chữ Hán của 36 nhà thơ xếp theo thời gian)
1. THIỀN SƯ VẠN HẠNH
(?-1018)
Thiền sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh. Thuở nhỏ thông minh khác thường, thông suốt Tam học. Lớn lên xem thường công danh phú quý. Năm 21 tuổi, xuất gia cùng thiền sư Đinh Huệ theo học Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức, nay là Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Sau khi Thiền Ông tịch, thiền sư kế tiếp trụ trì chùa Lục Tổ và chuyên tu tập pháp “Tổng trì tam ma địa”. Sư được vua Lê Đại Hành kính trọng thường mời Sư đến hỏi việc nước. Sư có công đóng góp trong việc lên ngôi vua của Lý Thái Tổ.
Năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), ngày rằm tháng năm, Sư gọi đệ tử đến căn dặn, nói kệ rồi thị tịch.
Dịch giả Phạm Đình Nhân |
51. HỮU HOÀN VÔ
Nguyên tác: 有 還 無
身 如 電 影 有 還 無
萬 木 春 荣 秋 有 枯
任 運\hich 盛 衰 無 怖 畏
盛 衰 如 露 草 頭 鋪
Phiên âm: Hữu hoàn vô
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hữu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Dịch thơ:
Có rồi không
Phạm Đình Nhân
Dịch 2011
Thân như ánh chớp có, không
Cỏ cây xuân thắm mênh mông thu buồn
Mặc cho suy thịnh không cùng
Thịnh suy như hạt sương đông đầu cành.
Có - Không
Ngọc Châu
Dịch 2013
Đời như ánh chớp, có rồi không
Cây lá xuân tươi, thu héo cong
Suy thịnh tùy nghi cùng thế thái
Thịnh suy như sương giọt đầu đông
Dịch giả Ngọc Châu |
2. ĐẠI SƯ MÃN GIÁC
(1052 – 1096)
Đại sư Mãn Giác tên huý là Trường, người họ Lý sau đổi sang Nguyễn, quê làng Lũng Điền, huyện An Cách. Thân phụ là Lý Hoài Tố làm quan đến chức Trung thư viên ngoại lang, đi sứ nhà Tống năm 1073. Đại sư vốn tinh thông Nho học, Phật học, được vua Lý Nhân Tông ban hiệu là Hoài Tín. Sau khi xuất gia được thiền sư Quảng Trí truyền tâm ấn. Sau về trụ trì chùa Cửu Liên Giác Nguyên, xây gần cung vua và được vua Lý phong cho làm Hoài Tín đại sư đứng đầu Giác Nguyên thiền viện. Sau vua lại xuống chiếu phong cho chức Nhập nội đạo tràng Tử y đại sa môn, được dự bàn chính sự. Ông thuộc thế hệ thứ 9 dòng thiền Vô Ngôn Thông.
Ngày 30 tháng 11 năm Hội Phong thứ 5 (năm Bính Tý - 1096) đời vua Lý Nhân Tông, sư lâm bệnh, gọi đệ tử đến đọc kệ rồi ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi đời, 19 tuổi hạ. Bài kệ thị tịch đó chính là bài Cáo tật thị chúng (sau còn gọi là Nhất chi mai)
Cáo tật thị chúng trở thành một tác phẩm thi kệ nổi tiếng của văn học Lý-Trần, một tuyên ngôn triết học Phật giáo ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương.
52. CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Nguyên tác: 告疾示衆\hich (一枝梅)
春 去 百 花 落
春 到 百 花 開
事 逐 眼 前 過
老 從 頭 上 來
莫 謂 春 殘 花 落 盡
庭 前 昨 夜 一 枝 梅
Phiên âm: Cáo Tật Thị Chúng (Nhất chi mai)
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân lai bách hoa khai,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch thơ:
Có bệnh bảo mọi người (Một nhành mai)
Phạm Đình Nhân
Dịch 2011
1. Xuân tàn trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười,
Sự đời qua trước mắt,
Tuổi già trên đầu rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.
2. Xuân đi hoa rụng tơi bời
Xuân về hoa lại mỉm cười với nhau
Dòng đời qua trước mắt mau
Trên đầu tóc đã điểm màu thời gian
Chớ tin xuân hết hoa tàn
Đêm qua một nhánh mai vàng trước sân.
Một cành mai
Ngọc Châu
Dịch 2013
Xuân đi trăm hoa rã
Xuân về ngàn hoa cười
Đời trôi qua mắt người
Tóc đen thành trắng xóa
Chớ tin xuân hết hoa tàn nhá
Đêm qua sân trước nở nhành mai.
3. THIỀN SƯ KHÔNG LỘ
(?- 1141)
Thiền sư Không Lộ họ Dương, quê ở Hải Thanh, trấn Sơn Nam hạ, nay thuộc tỉnh Nam Định. Nhà nhiều đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1050-1065) đời Lý Thánh Tông Sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du, dấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ. Sau Sư về quê hương dựng chùa trụ trì.
53. NGƯ NHÀN
Nguyên tác: 漁 間
萬 里 清 江 萬 里 天
一 村 桑 柘 一 村 煙
漁 翁 睡 著 無 人 喚
過 午 醒 來 雪 滿 船船
Phiên âm: Ngư nhàn
Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.
Ngư ông thuy trước, vô nhân hoán,
Quá ngọ tỉnh lai, tuyết mãn thuyền
Dịch thơ:
Cái nhàn của ngư ông
Phạm Đình Nhân
Dịch 2011
Nước biếc trời xanh vạn dặm sâu
Một thôn sương khói, một thôn dâu
Ngư ông ngủ tít không ai gọi
Quá ngọ tỉnh ra, tuyết ngập đầu.
Ngư nhàn
Ngọc Châu
Dịch 2013
Trời xanh nước biếc thẳm sâu
Một thôn sương khói, thôn dâu liền kề
Mặc cho ngư ông ngủ mê
Trưa mới tỉnh, tuyết tràn trề thuyền câu
54. NGÔN HOÀI
Nguyên tác: 言 懷
迭 得 龍 蛇 地 可 居
野 情 終 日 樂 無 餘
有 時 直 上 孤 峰 頂
長 嘯 一 聲 寒 太 虛
Phiên âm: Ngôn hoài
Tuyển đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Dịch:
Tỏ lòng
Phạm Đình Nhân
Dịch 2011
Chọn nơi linh địa an cư
Ngày ngày vui thú chẳng từ nơi đây
Khi lên đỉnh núi tầng mây
Tiếng kêu lành lạnh vang đầy trời đêm
Nỗi lòng
Ngọc Châu
Dịch 2013
Đất thiêng chọn để sống an vui
Vui thú tháng ngày chẳng muốn rời
Đỉnh núi lên nhìn mây thắm sắc
Đêm nghe lành lạnh tiếng chim trời
4. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ
(1230-1291)
Tuệ Trung thượng sĩ tên húy là Trần Tung, là con đầu của An Sinh Vương Trần Liễu, là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là bác ruột của vua Trần Nhân Tông. Ông có công trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên năm 1285 và 1288.
Từ nhỏ, ông đã tỏ ra có phẩm chất cao sáng, thuần hậu và yêu mến đạo Phật. Tuệ Trung không xuất gia, là một cư sĩ nhưng ông có trình độ thiền học rất cao. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng mà nay còn lưu giữ trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Đó là một tài liệu rất quý giúp việc tìm hiểu tư tưởng Phật giáo thời Trần nói chung và của Tuệ Trung thượng sĩ nói riêng.
Trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, nhiều tác phẩm của ông không những thể hiện một cách xuất sắc tư tưởng thiền học mà ở đây còn thể hiện một tài năng văn học.
55. KHUYẾN THẾ TIẾN ĐẠO
Nguyên tác: 勸 世 進 道
四 序 循 環 春 復 秋
駸 駸 已 老 少 年 頭
榮 華 肯 顧 一 場 夢
歲 月 空 懷 萬 斛 愁
苦 趣 輪 迴 如 轉 轂
愛 河 出 沒 等 浮 漚
逢 場 亦 不 摸 來 鼻
無 限 良 緣 只 麼 休
Phiên âm: Khuyến thế tiến đạo
Tứ tự tuần hoàn xuân phục thâu (thu),
Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu.
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.
Khổ thú luân hồi như chuyển cốc,
Ái hà xuất một đẳng phù âu.
Phùng trường diệc bất mô lai tị,
Vô hạn lương duyên chỉ má hưu
Dịch thơ :
Khuyên đời vào đạo
Phạm Đình Nhân
Dịch 2012
Năm tháng qua dần thu lại xuân
Tuổi son ngoảnh lại tóc phai dần
Vinh hoa phú quý là cơn mộng
Năm tháng long đong cái nợ nần
Nỗi khổ trầm luân lưu chuyển mãi
Ái tình chìm nổi kiếp phù vân
Cuộc đời nếu chẳng nhìn ra gốc
Vạn kiếp duyên lành chẳng đến gần
Khuyên đời học đạo
Ngọc Châu
Dịch 2013
Thu đi xuân đến, năm qua
Tuổi xanh trôi, đã phôi pha mái đầu
Vinh hoa phú quí là đâu
Long đong chỉ thấy nợ sầu quanh năm
Trầm luân khổ ải xoay vần
Yêu thương lận đận phù vân kiếp người
Nguyên do gì hỡi cuộc đời
Duyên lành vạn kiếp xa rời tầm tay.
5. TRẦN NHÂN TÔNG
(1258 – 1308)
Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, con của vua Trần Thánh Tông, lên ngôi vua năm 20 tuổi (1278), Ở ngôi 15 năm, đến năm 1293 (35 tuổi) thì nhường ngôi cho con, sáu năm làm Thái Thượng hoàng, rồi xuất gia năm 41 tuổi (1299) được chín năm thì mất, thọ 51 tuổi. Từ nhỏ, đã có ý không muốn làm vua, lớn lên thông minh, hiếu học, nhiều tài, ham đọc sách Phật và nghiên cứu thiền học. Ông tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy. Khi xuất gia lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau đổi thành Trúc Lâm Đầu Đà, có công xây dựng nên thiền phái Trúc Lâm ở núi Yên Tử. Trúc Lâm Đầu Đà trở thành vị tổ đầu tiên của Phật giáo Trúc Lâm. Trúc Lâm Đầu Đà còn là tác giả của nhiều tác phẩm như : Thiền Lâm Thiết Chỉ Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Đại Hương Hải ấn Thi Tập, Tăng Già Toái Sự và nhiều bài viết bằng chữ nôm. Các tác phẩm trên hiện nay còn để lại một số trích in trong sách Tam Tổ Thực Lục, Việt Âm Thi Tập và Toàn Việt Thi Lục.
56. CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
Nguyên tác: 居 塵 樂 道
居 塵 樂 道 且 隨 缘
饑 則 餐 兮 困 則 眠
家 中 有 寶 休 尋 覓
對 境 無 心 莫 問 禪
Phiên âm: Cư trần lạc đạo
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Dịch :
Sống đời vui đạo
Phạm Đình Nhân
Dịch 2011
Ở đời vui đạo cứ tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà vật quý thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền
Sống đời vui đạo
Ngọc Châu
Dịch 2013
Ở đời vui đạo tùy duyên
Đói thì ăn, mệt ngủ liền vô lo
Vật quí chẳng nên mong chờ
Tĩnh tâm ngắm cảnh, thiền cho đẹp đời.
6. TRƯƠNG HÁN SIÊU
(? – 1314)
Trương Hán Siêu (?-1314), danh sĩ đời Trần, tự Thăng Phủ, quê làng Phúc Thành, huyện Gia Khánh, nay thuộc thành phố Ninh Bình. Ông vốn là môn khách của Hưng Đạo Vương. Năm 1308 được bổ làm Hàn lâm học sĩ, qua nhiều chức rồi thăng đến Gián nghị Đại phu Tham chính sự. Ông mất, được truy tặng Thái bảo. Ông có bài Bạch Đằng giang phú nổi tiếng và nhiều thơ văn khác. Ông cùng Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Quốc triều đại điển. Bài thơ Dục Thúy sơn của ông được khắc trên sườn núi Dục Thúy (núi Non Nước) Ninh Bình.
57. DỤC THÚY SƠN
Nguyên tác: 浴 翠 山
山 色 尙 猗 猗
遊 人 乎 不 歸
中 流 洸 塔 影
上 介 啟 喦 扉
浮 世 如 今 別
嫻 名 誤 是 非
五 虎 天 地 闊
好 放 舊 渔 期
Phiên âm: Dục Thuý Sơn
Sơn sắc thượng y y .
Du nhân hồ bất quy?
Trung lưu quang tháp ảnh,
Thượng giới khải nham phi.
Phù thế như kim biệt
Nhàn danh ngộ tạc phi,(1)
Ngũ hồ thiên địa khoát,
Hảo phóng cựu ngư ky
Dịch thơ:
Núi Dục thúy
Phạm Đình Nhân
Dịch 2005
Sắc núi vẫn xanh trong,
Khách đi không trở lại.
Bóng tháp in giữa dòng,
Cửa trời lên thượng giới.
Cõi đời như cách biệt,
Mới hiểu rõ sự đời.
Ngũ hồ trời đất rộng,
Nơi câu cũ ta ngồi.
Núi Dục Thúy
Ngọc Châu
Dịch 2013
Sắc núi vẫn mãi xanh trong
Khách đi liệu có hẹn mong quay về?
Tháp in bóng suối sơn khê
Lên thượng giới cửa trời kia mở đường
Cõi người tách biệt xa phương
Sự đời như thể tỏ tường thêm ra
Ngũ hồ trời đất bao la
Nơi câu cũ, giờ đây ta lại ngồi
7. MẠC ĐĨNH CHI
(1280 – 1350)
Mạc Đĩnh Chi tự Tiết Phu, quê làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đỗ Trạng nguyên năm 1304, vua thấy tướng mạo xấu có ý chê, ông dâng bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen giếng ngọc) khiến vua khâm phục. Ông làm quan trải ba đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông, làm đến Tả Bộc xạ Đại liêu ban. Từng đi sứ Trung Quốc hai lần, được các danh sĩ nước ngoài khâm phục. Ông mất năm 1350 thọ 70 tuổi. Ông có nhiều tác phẩm còn để lại đăng trong Toàn Việt thi lục.
58. ĐỘNG ĐÌNH HỒ
Nguyên tác: 洞 庭 湖
雲 涛 雪 浪 四 谩 谩
砥 住 中 流 屹 一 山
鶴 跡 不 來 松 歲 老
妃 魂 猶 在 竹 痕 班
乾 坤 卵 破 洪 蒙 後
日 月 平 浮 浩 渺 間
岸 芷 汀 蘭 無 限 興
片 心 空 羨 白 鷗 閒
Phiên âm: Động Đình hồ
Vân đào tuyết lãng tứ man man,
Chỉ trụ trung lưu ngật nhất san.
Hạc tích bất lai tùng tuế lão,
Phi hồn do tại trúc ngân ban.
Càn khôn noãn phá hồng mông hậu,
Nhật nguyệt bình phù hạo diểu gian.
Ngạn chỉ đinh lan vô hạn hứng,
Phiến tâm không tiển bạch âu nhàn.
Dịch thơ :
Hồ Động Đình
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
Sóng mây mưa tuyết bốn bề bay
Một ngọn non nhô mặt nước này
Tùng cũ vẫn nguyên, không vết hạc
Trúc Phi còn đó, lệ vơi đầy
Đất trời tan vỡ thời hoang vắng
Nhật nguyệt bồng bềnh giữa thức mây
Chen chúc nhành lan bên sóng nước
Nhàn như chim trắng rẽ trời mây.
Động Đình hồ
Ngọc Châu
Dịch 2013
Mây, mưa, sóng, tuyết bay bay
Hồ xanh chỉ ngọn núi này nhô lên
Không vết hạc, tùng vẫn nguyên
Hồn xưa phi lệ lưu truyền trúc cây
Đất trời tan buổi chia tay
Bồng bềnh nhật nguyệt vào mây mịt mờ
Cành lan chen chúc ven bờ
Rẽ mây chim trắng nhạt nhòa nhàn du.
59. TRƯỞNG AN THÀNH HOÀI CỔ
Nguyên tác : 長 安 城 懷 古
木 落 禾 刁 帝 業 移
李 家 收 得 版 圖 歸
山 圍 故 國 规 模 小
竹 暗 荒 城 草 木 非
古 寺 僧 鐘 敲 落 日
斷 溪 牛 笛 弄 斜 暉
英 雄 舊 事 無 尋 處
獨 倚 江 亭 看 翠 微
Phiên âm: Trường An thành hoài cổ
Mộc lạc hoà điêu đế nghiệp di,
Lý gia thu đắc bản đồ quy.
Sơn vi cố quốc quy mô tiểu,
Trúc ám hoang thành thảo mộc phi.
Cổ tự tăng chung xâo lạc nhật,
Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.
Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,
Độc ỷ giang đình khán thuý vi.
Dịch thơ :
Nhớ thành Trường An xưa
Phạm Đình Nhân
Dịch 2008
Cây cỏ tiêu điều, vua đổi thay,
Đất đai nhà Lý dựng nên đây.
Núi vây đất cũ quy mô nhỏ,
Tre phủ thành hoang không cỏ cây
Chùa cổ chuông ngân chiều xế bóng,
Khe sâu tiếng sáo vút tầng mây.
Anh hùng việc cũ tìm đâu được,
Tựa chốn đình ta ngắm cảnh này.
Nhớ Trường An xưa
Ngọc Châu
Dịch 2013
Thay vua, cây cỏ tiêu điều
Đất đai nhà Lý vương triều từng xây
Núi vây miền đất nhỏ này
Thành hoang thưa cỏ tre dày bao quanh
Chùa cổ chiều ngân chuông thanh
Khe sâu vút tiếng sáo nhanh lên trời
Hùng anh tích cũ đâu rồi
Sân đình nhìn ngắm một thời vàng son.
(Còn tiếp)