Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 31, 2018

DON DẸP TRÁI TIM - Truyện ngắn - LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân

DON DẸP TRÁI TIM
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

          Nghĩ kĩ lại thì tôi quả thật là một cô gái lười biếng. Lười biếng cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Hai mươi lăm tuổi, một công việc nhàn nhạt, đóng khung ngày theo ngày không có gì bứt phá, một sở thích nhàm chán là đọc sách rồi uống café tự pha ở nhà, cực kì ghét ra quán vì cực kì ghét phải giao tiếp; và đặc biệt, lười yêu. Ở lứa tuổi này nhiều cô gái cùng lớp học đại học khi xưa của tôi đã gửi thiệp cưới, còn tôi, tôi ngày qua ngày chỉ sống cuộc đời của mình theo những lối mòn mà tôi lười tạo mới. Vì lười ra ngoài tôi không có mối quan hệ nào mới, vì lười giao tiếp, tôi không có mối quan hệ nào bền lâu hay đặc biệt.

“Lâm Nhã Nghiên, có nhà không? Nghiênnnnnnnn…!”

À, thực ra tuổi hai lăm, điều tôi có duy nhất là hắn: một người bạn thân mà tôi rất ghét. Nghĩ cũng thật buồn cười, chúng tôi lớn lên bên nhau, trong cái xóm nhỏ giữa phố phường đông đúc, hai mươi mấy năm cuộc đời là từng ấy năm chúng tôi biết nhau. Thậm chí, ngay cả ngày sinh cũng chung một ngày, nên từ nhỏ đến lớp lúc nào chúng tôi cũng chung lớp. Hắn cho đó là điều hãnh diện đem đi khoe khắp nơi, còn tôi, tôi ghét hắn chỉ vì hắn cứ rêu rao làm người ta lầm tưởng mối quan hệ giữa tôi và hắn. Hồi nhỏ thì không sao, thầy cô hay gọi chúng tôi là “đôi bạn cùng tiến” vì nhà sát nhau nên hắn hay chở tôi đi học trên cái xe đạp “bốn bánh” lon ton. Lên cấp ba rồi lên đại học, hắn vẫn cứ “bám dính” lấy tôi khiến người ta đồn ra đồn vào làm tôi…chẳng thể nào yêu ai được. Chung quy tất cả là tại hắn.

“Ở trên này mà gọi chẳng thưa. Thế có qua nhà tớ ăn cơm không?”

“Thế mẹ tớ đâu mà để cậu lên trên phòng tớ luôn thế.  Nhà người ta mà cứ như của mình.”

“Ơ hay, từ bé tới giờ tớ vẫn vào, có sao đâu. Mẹ còn bảo tớ tự lên tìm cậu đi. Mà nói trước, mẹ cậu hôm nay ra ngoài nên có nói mẹ tớ nấu phần cho cậu luôn rồi. Thay đồ rửa cái mặt đi rồi qua ăn, đói lắm rồi đấy.”

Tuy ghét hắn nhưng có một sự thật là tôi và hắn thân nhau. Không chỉ thế gia đình chúng tôi cũng thân nhau, thường đi chơi chung hoặc ăn cơm với nhau, và như một lẽ tự nhiên với một cô gái lười ra ngoài như tôi, hắn là người bạn duy nhất. Và con gái vốn hay yếu lòng, nên… đôi khi tôi cũng tâm sự với hắn. Hắn không phải kẻ ngọt ngào, hắn thường gõ lên đầu tôi mỗi khi tôi buồn bã, hắn bảo “đó là động viên”.    

Thực ra nghĩ lại tôi cũng từng có mối tình đầu. Đó là khi tôi học cấp ba, mối tình đầu của tôi khác xa hắn, đó là một chàng trai dong dỏng cao trong đội tuyển bóng rổ của trường, và đặc biệt cậu ta rất ngọt ngào. Cậu ấy tên là Thái Anh. Ngày đầu chúng tôi gặp nhau là khi tôi đang ra về cùng hắn và chiếc xe đạp của tôi dở chứng, bị trật dây sên, trong khi hắn đang mè nheo trêu chọc bắt tôi năn nỉ chở về thì Thái Anh đã ân cần tới bên tôi:

“Xe cậu hư à? Về được không? Tớ chở cậu về nhé?”

Và tôi về cùng cậu ấy. Đó là lần đầu tiên tôi biết rung động. Sau bận đó, hắn có hờn tôi, nhưng mặc hắn, tôi vẫn chăm chăm vào người mới của mình, hắn chỉ chở tôi đi học và không nói gì suốt cả đoạn đường đi. Nhưng kì thực, tình đầu thường khó thành dù cảm xúc đầu tiên luôn là những gì tuyệt vời nhất. Mà cũng đâu thể gọi là tình đầu khi cả tỏ tình tôi cũng chưa dám nói để người ta thuộc về một người khác. Thái Anh và cô nàng lớp trưởng hẹn hò trong tiếng hò reo của lớp, chỉ có tôi và ít nhất là hắn biết trong lòng một cô gái ngoài miệng chúc phúc đang đổ mưa. Tôi còn nhớ ngày ấy tôi đã khóc rất nhiều, và hắn, chẳng giống hắn thường ngày, vỗ vỗ vào vai rồi kéo nhẹ đầu tôi tựa vào vai hắn:

“Thực thì bình thường có khóc bao giờ đâu, nay khóc nhìn chán không chịu được. Xấu thôi rồi.”

“Đây chẳng bao giờ khóc đâu nhé, chỉ khi thích ai đó, mà nó gọi là  'đổ mưa' trong lòng thôi, không phải khóc.”

“À ra là khi đổ mưa trong lòng nghĩa là thích người đó.”

Tuổi hai lăm của tôi vẫn là ngày có hắn. Sinh nhật tôi, hắn đèo tôi đi khắp phố không cho ở nhà “ Ngày quan trọng của cậu, đừng để nó trôi qua vô vị”, tim tôi hơi lỗi nhịp. Hắn bắt tôi ước, bắt tôi ăn thật nhiều bánh kem, chở tôi đi nhiều nơi trên cái xe đạp cọc cạch mà hai lăm tuổi rồi khối người đã đi xe máy. Bỗng chiếc xe đạp vấp sỏi ngã nhào, cả tôi và hắn đều té, trong khi tôi chực phì cười vì cái sinh nhật nhớ đời thì đã thấy bộ dạng hắn hớt hải thất thểu nắn tay nắn chân tôi:

“Cậu có sao không? Có đau không? Trầy chỗ nào?”

Tôi thấy hơi bất ngờ, rồi hơi rung động nhẹ. “Sao cậu lại hốt hoảng thế?” "Vì tôi lo cho cậu…”  "Tại sao?” "Vì tôi thích cậu.” Có chút bất ngờ. Có hơi lúng túng. Rồi hắn, tìm cách phá vỡ không khí bằng lời bông đùa, “Thế nào rồi, cậu có thấy lòng đổ mưa vì tớ không?”  Tôi im lặng. Thực ra là đang điểu chỉnh vài thứ, tôi không trả lời, chỉ ngúng nguẩy bước đi, trái tim của tôi, hình như nó đang tự dọn dẹp vài thứ trong đó, kí ức về mối tình đầu, kí ức về hắn, những điều hắn làm, và cả suy nghĩ hắn ở bên cạnh như lẽ hiển nhiên đến nỗi không biết có thích hắn hay không…   
  
Và, tự nhiên trong tâm hồn tôi, tôi thấy có vài giọt mưa rơi rất nhẹ.

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định



READ MORE - DON DẸP TRÁI TIM - Truyện ngắn - LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

THỎNG TAY VÀO CHỢ - Thơ Tâm Nhiên

Chân dung du sỹ, do Trịnh Tài vẽ tặng, sau một ngày cùng bạn với Li Uyên, Hồ Ngọc Phước lang thang quanh phố cổ Hội An hôm xưa, chiều bữa nọ...
Trịnh Tài, kẻ tài hoa họa sỹ, chuyên vẽ ký họa chân dung, nổi tiếng khắp vùng sông nước Hội An.
Bản chất nghệ sỹ, vừa thong dong, phóng khoáng, vừa tiếu lâm, hào sảng, bạn vẽ miễn phí, tùy hỷ lòng hảo tâm đáp ứng của khách lữ mà thôi.
Trịnh Tài, một tâm hồn đơn sơ, giản dị nhưng vô cùng đẹp. Cái đẹp của một họa sỹ đích thực, trên con đường Chân Thiện Mỹ dị thường...

 
                 Tâm Nhiên qua nét vẽ của Trịnh Tài


THỎNG TAY VÀO CHỢ
(Tặng họa sỹ Trịnh Tài)

Rỗng rang không chấp thật
Dù bất cứ sự gì
Chỉ âm thầm nhận biết
Muôn vật đến rồi đi

Trùng trùng duyên khởi hiện
Như hoa đốm hư không
Khác chi tuồng ảo hóa
Mặc nhiên yên tịnh lòng

Gặp đọa đày khốn đốn
Chẳng than trời trách người
Nợ nần từ xưa thiếu
Chừ phải trả vậy thôi

Nhịp đời đúng tiết điệu
Theo nhân quả sâu xa
Tạo nghiệp thì trả nghiệp
Không thể tránh được mà

Tự do là thung dung
Giữa ràng buộc rối nhàu
Hạnh phúc là tự tại
Giữa phiền não khổ đau

Gặp tử thần bất chợt
Cũng niềm nở bắt tay
Mỉm cười với sự chết
Vui thay ! Xong kiếp này

                     Tâm Nhiên

READ MORE - THỎNG TAY VÀO CHỢ - Thơ Tâm Nhiên

ĐÔI MẮT - Thơ Châu Thanh Thủy




ĐÔI MẮT

Lãng đãng sương giăng một chiều thu
Lơ phơ vạt cỏ gió thay mùa
Xao động đáy hồ không tí sóng
Nhòa nhạt đường xưa những đám mưa.

Ta bỏ vòm trời sâu đáy mắt
Ta khép lá rơi trong bóng mi
Ta hái bâng khuâng gieo vài hạt
Mọc mầm xao xác những mùa đi.

Ta vẫn nghe ta tiếng thầm thì
Trông vời lối cũ, đợi người chi?
Nếu ta không biết thì ai biết
Bụi cuốn trời xa cay khóe mi...

                Châu Thanh Thủy

READ MORE - ĐÔI MẮT - Thơ Châu Thanh Thủy

Thursday, August 30, 2018

CHỐN XƯA, Thơ: Hồng Thúy, Nhạc: Lâm Kim Cương, Ca sĩ: Ngọc Mỹ , Hòa âm: Đỗ hải

READ MORE - CHỐN XƯA, Thơ: Hồng Thúy, Nhạc: Lâm Kim Cương, Ca sĩ: Ngọc Mỹ , Hòa âm: Đỗ hải

YÊU THƯƠNG TRAO LỜI ... - Phan Nam




Yêu thương trao lời…
Phan Nam đọc thơ Đinh Thị Như Thúy

Sau các tập thơ Cùng đi qua mùa hạ (NXB Văn nghệ 2005), Phía bên kia cây cầu (NXB Phụ nữ 2007) & Ngày linh hương nở sáng (NXB Hội nhà văn 2011) được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín, tác giả Đinh Thị Như Thúy tiếp tục ra mắt tập thơ mới Trong những lời yêu thương (NXB Hội nhà văn 12.2017). Đây là cuốn sách nằm trong kế hoạch sách Nhà nước đặt hàng hằng năm nhằm tôn vinh ghi nhận hơn nữa những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong lao động sáng tạo nghệ thuật, của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình vào sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước.

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy

Với 62 bài trong gần 200 trang in, chủ yếu là thơ tự do và thơ văn xuôi, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đã thổi một mạch ngầm trong trẻo, dịu dàng với những dòng thơ tươi mới, quyết liệt, ngập tràn sự khai phá, táo bạo. Mang sứ mệnh kiến tạo giá trị thi ca xuất phát từ những yêu thương tự trong sâu thẳm, tác giả làm sống dậy linh hồn đất đai, từ thực thể đến tâm thức, với những ám ảnh lạ lùng, sâu sắc và cũng không kém phần thi vị. Những bông hoa trắng ẩn hiện từ xa xôi vang vọng tiếng gọi tự do, từ đại ngàn đến thành thị chỉ như một giấc mộng dài, đánh thức đất đai xứ sở: “Vẻ đẹp đó. Quá chừng tinh khiết và lộng lẫy. Làm con người choáng váng. Thấy mình sao trần tục. Một ước muốn gột rửa bất chợt dâng đầy/ Là vậy. Bạn biết không? Sự cứu rỗi của cà phê không chỉ ở trong trái chín. Trong từng giọt sậm thơm lừng mỗi sáng/ Mà ở đây. Cả trong mùa tưới. Mùa hoa. Trong đất đai nồng nã. Trong ngọn gió hoang. Mang nỗi nhớ bay đi. Vượt trùng trùng xa ngái. Tìm đến một người” (Hoa trắng tháng hai, trang 27). Đọc thơ Đinh Thị Như Thúy, thực khó định vị chính xác chúng ta đang ở đâu, những không gian nối tiếp nhau, mở ra vô tận, trong từng ánh mắt, từng hơi thở, từng cử chỉ, từng cái động chạm. Dường như những biến động trong thơ chị lạ lùng, tràn đầy tinh tế, cứ ẩn hiện chập chùng như sương, như gió, như mây, như nước, chẳng mang hình hài cụ thể nhưng vẫn mang lại cảm giác ấm áp, bao dung và nhân hậu. Nhà thơ Phan Hoàng từng nhận xét: “Từ vùng đất Tây Nguyên, từ khu vườn của mình, Đinh Thị Như Thúy đã cất lên tiếng thơ trong trẻo như suối nguồn, huyền ảo như đại ngàn, nghiêm cẩn như bảng đen phấn trắng, mang đến cho nền thơ Việt đương đại một ánh chớp, một giấc mơ đẹp và quyến rũ”. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thi ca Thừa thiên Huế, chị có khoảng thời gian dạy học ở Tây Nguyên, năm 2012 chị chuyển về công tác tại Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng. Đến với thành phố bên bờ sông Hàn không lâu, chị đã phát lộ miền tâm tưởng cao đẹp với nhiều khát vọng thầm kín: “Thường đi dọc sông Hàn mỗi sớm mai/ Thời khắc vắng/ Đón ngọn gió đến từ bờ Đông/ Ngọn gió ăm ắp ánh mặt trời/ Ban mai/ Sông Hàn trắng/ Vẫn thương làm sao những vòm cây xa xôi/ Khu vườn thiếu hơi thở/ Lặng/ Dịch chuyển không làm nên ngăn cách/ Sông Hàn ban mai kéo một vệt sáng/ Cơn rùng mình bén ngọt/ Cắt vào ngày” (Ban mai đi dọc sông Hàn, trang 99).
Nỗi u hoài thế nhân vận vào đôi mắt nữ sĩ, cứ quấn lấy không rời, không đành tâm dứt bỏ, đành buông xuôi cảm xúc dưới những hơi thở khác, những sự sống khác, khoảnh khắc khác, tưởng như thật gần gụi nhưng lại hóa xa xôi: “tôi thuộc về giọng nói thì thầm trong tôi”. Định hình phong cách theo con đường của một người mê đắm với thi ca, nhưng chị là vô cùng tỉnh táo trong những lời yêu thương gửi trao đến độc giả, đến công chúng, dẫu đôi khi rơi vào cảm tính cá nhân, tuy nhiên điều đó càng minh chứng sự sắc sảo trong thơ chị, những con chữ được viết ra từ gan ruột, từ đáy lòng: “Ta chờ tiếng thì thầm/ Chờ hơi thở gấp/ Chờ một động chạm để tỏ bày cảm xúc/ Sao tất cả luôn quá chừng xa xỉ/ Cô độc níu bàn tay ta lưng chừng/ Không cho phép/ Chẳng điều kỳ diệu nào có thể xảy ra/ Sao chúng ta chạm mặt nhau chỉ để rời xa/ Sao cứ muốn trốn nhanh về nơi trú ẩn/ Vùi mặt vào gối chăn/ Tìm dấu vết chính mình/ Nghe đơn côi chảy rùng rùng trong máu/… / Đau đớn thú nhận đời sống thật quá buồn” (Chưa bao giờ ta đến được giấc mơ của nhau, trang 57). Tầng tầng lớp các câu thơ đa nghĩa dẫn chúng ta đến một miền thơ nhiều gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng cũng tràn đầy hoa thơm trái ngọt, ở đó không gian, xúc cảm tưởng chừng mong manh dễ vỡ, man mác u buồn nhưng cũng lấp lánh sắc màu, sắc màu của cái đẹp, sắc màu của tình yêu. Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật tu từ “phép điệp” tạo nên phong cách thi ca riêng, thú vị và độc đáo. Những bài thơ với trùng trùng điệp điệp thi ảnh, âm thanh gợi lên cõi giới thẩm mỹ đẹp đẽ, trong trẻo lạ lùng đã cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của tác giả nhằm chuyển tải đến bạn đọc những khao khát tìm kiếm, tỏ bày, những lời trao gửi yêu thương: “Những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng/ Sương dâng mịt mờ/ Suốt một ngày dài một đêm dài/ Một ngày dài một đêm dài/ Rồi ngày dài rồi đêm dài tiếp nối/ Những tiếng gọi cứ tan vào khoảng rỗng/ Sương dâng mịt mờ/ Chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Những cây trổ mầm xanh bên cầu/ Những cây trơ trụi lá/ Những cây nứt ngang thân mềm rễ đỏ/ Những cây ngơ ngác đơm hoa/ Nhẫn nại đứng im lìm trong màn sương bủa vây như sữa/ Chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Đầm đìa chảy/ Từ lá từ thân/ Những dòng nước mắt trong suối lạnh/ Chỉ cây/ Và cây/ Buồn bã chịu đựng/ Chỉ cây/ Và cây/ Vẫn những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng/ Vẫn sương dâng mịt mờ/ Suốt những ngày dài những đêm dài/ Vẫn chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Bất lực/ Cháy những đốm lửa rưng rưng trong ký ức (Cây trong sương, trang 145).  Với chỉ hai hình ảnh chỉ “cây” và “sương”, tác giả đưa ta lạc vào chốn mê hoặc trong cõi giới thi ca đầy ngọt ngào và quyến rũ, tác giả luôn tạo ra khoảng trống bất tận để độc giả được hòa mình vào tâm hồn của tác giả, cùng hòa nhịp và cùng đồng điệu. “Đốm lửa” trong thơ Đinh Thị Như Thúy chính là đốm lửa của niềm tin và hy vọng, của sự dâng hiến cháy bỏng, của yêu thương vẫy gọi từ xa xăm diệu vợi. Còn rất nhiều điều đặc biệt trong tập thơ khá dày dặn “trong những lời yêu thương” được xuất bản lần này, đưa chúng ta khám phá mọi ngóc ngách của con chữ từ khi được gieo trồng đến khi “mọc như một kiêu hãnh lặng câm”.
Đà Nẵng, những ngày bên ly café, tháng 8.2018
PHAN NAM.




READ MORE - YÊU THƯƠNG TRAO LỜI ... - Phan Nam

QUÊ MIỀNG - Thơ Chu Vương Miện





Tên thật: Nguyễn Văn Thưởng
Bút hiệu khác: Phương Hoa Sử
Sinh năm1941, tại Phục Lễ, Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An.(Nay thuộc Hải Phòng). Từng sống ở Quảng Trị.
Hiện cư ngụ tại Rancho Cucamongo, Cali., USA.





QUÊ MIỀNG

quê miềng Ba Bến nông hều
bè tre bè nứa ngược chiều nước lên
nhìn về Bồ Bản, Trung An
làng chài làng biển con thuyền con cua

nhìn nhau dư tháng đủ mùa
đủ năm chưa chẵn nên chưa ngỏ lòng
Một vòng xuân hạ thu đông
anh theo lính trận nhiều năm trụ rừng

mới hay em đã có chồng
làm dâu xứ nẫu tháp đồng tháp thau
tháp vàng tháp bạc chộ nhau
mà ta hai ngả sông Cầu sông Ba

quê miềng ngoài nớ bao xa
anh về thăm lại Đông Hà phố xưa
con sông qua những men dừa
đường xuyên Lào Việt còn bưa tiếng gào

tình anh phơi áo bên rào
gió bay lật đật mặt ao bèo nhèo
Hạnh Hoa còn đứng vói theo
hoa xoan nở tím bên hào lũy xưa

tình ta mưa gió cợt đùa

                    Chu Vương Miện


READ MORE - QUÊ MIỀNG - Thơ Chu Vương Miện

HỌC LẠC, BÈO LỤC BÌNH - Thơ Chu Vương Miện






HỌC LẠC

ủa ủa giống gì chẹo
ờ ờ chó mắc lẹo
hai bên hai cái đầu
ở giữa đánh xà nẹo
-
đất mất nhà không còn
mỗi người tránh mỗi nẻo
kẻ theo Tây
kẻ theo Ta
người theo Chà Và
người Trung Hoa
-
cứ tối gà lên chuồng
cứ rạng đông gà gáy sáng
không cần đồng hồ
giờ vẫn đúng
cứ giữa tháng trăng tròn
và cuối đầu tháng
trăng méo
cứ xuân là ấm
cứ đông là rét
chả khác gì ?
sáng mưa chiều tạnh


BÈO LỤC BÌNH

gió chiều nào trôi chiều ấy
đón gió trở cờ
xưa sao nay vậy
cũ cà lơ phất phơ
nay mã tà thầy chú
trên bờ kiến ăn cá
dưới nước cá ăn kiến
rừng nào cọp đó
ăn cây nào rào cây đó
thời giờ sao sống vậy
chim khôn lựa cành mà đậu
người khôn chọn chúa mà thờ
bây giờ thế kỷ 20
đâu còn có kẻ nào khờ ?
-
còn nước còn tát
còn sống 1 ngày
là còn khí tiết
heo gà ăn chờ giờ mang giết
con người khác con vật
miếng ăn là miếng nhục
quốc phá gia vong
sống không ra sống
chết không ra chết ?
-
trăm năm trong cõi con gà
cục ta cục tác gáy qua qua ngày
vui buồn sống thác mặc bay
vừa vỗ cánh gáy chết ngay đứ đừ
trăm năm trong cõi con rùa
trong đền trong miếu đôi bia cho người
cũng không là chỗ hạc ngồi
thân rùa bám đất muôn đời an thân
thương thay phần đã có phần



CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - HỌC LẠC, BÈO LỤC BÌNH - Thơ Chu Vương Miện

ĐÊM LẶNG - Thơ Phạm Tường Đại



         Nhà thơ Phạm Tường Đại
       (1930 - 2008)



ĐÊM LẶNG

Uống cả canh dài trong rượu mạnh
Mà hồn vẫn tỉnh suốt đêm thâu
Chẳng lo lời mẹ dằn đêm lặng
Lo em khắc khoải giữa u sầu

Anh còn biết nói gì hơn nữa
Khi lòng em mang nặng tủi hờn
Đời em ai bảo đời vô vị
Mà búp hương tình cứ héo hon

Có chuyện em chưa nói nửa lời
Mà anh đã hiểu tận sâu khơi
Cầm tay, anh tưởng tim em đó
Bật giữa tim đời đón khổ vui

Nỗi khổ đời em hòa năm tháng
Niềm vui may chỉ phút giây thôi
Cái nợ trần gian còn buộc mãi
Trách móc nhau chi, chết nửa rồi

Hãy xẻ cho nhau chút khổ đau
Dẫu hồn anh tỉnh suốt đêm thâu
Cho mùi năm tháng còn thi vị
Cho mảnh hồn em vợi nỗi sầu

                   Phạm Tường Đại
                            (1978)

READ MORE - ĐÊM LẶNG - Thơ Phạm Tường Đại

HỎI THU, NHỚ... - Thơ Tịnh Đàm



    Nhà thơ Tịnh Đàm



HỎI THU

Mùa này,
               Gió vẫn lao xao
Cơn mưa bất chợt...
Rớt vào mộng du.

Tháng hè qua,
Chớm sang thu ?
Để mưa về,
Khát...
Lời ru cuối chiều !


NHỚ...

Rộn tim,
Bởi nỗi nhớ em.
Ngày xưa ơi...
Vẫn dậy men tình đầu.

Người phương trờ,
Có xa đâu ?
Gần trăm cây số...
Lại sầu mắt trông !

Nhớ thương,
Rồi cũng như không !
Niềm riêng,
Giờ gửi gió lồng chân mây !

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP.H CM)

READ MORE - HỎI THU, NHỚ... - Thơ Tịnh Đàm

VỌNG TƯỞNG BÌNH YÊN - Thơ Đỗ Anh Tuyến





VỌNG TƯỞNG BÌNH YÊN

Cả thế giới đang gào thét tên em
Chỉ riêng anh âm thầm và vẫy gọi
Bình yên về trào dâng trong vọng tưởng
Suốt bốn mùa em vẫn chỉ là em.

Cả thế giới đang khao khát yêu em
Chỉ riêng anh là lao xao nức nở
Nụ thanh xuân ngọt ngào và rực rỡ
Đêm trái mùa chẳng có một giọt sương.

Còn lại em giữa thế giới yêu đương
Anh hát khúc du ca quạnh quẽ
Trên chuyến đò chỉ mình anh lặng lẽ
Làm Trương Chi đưa tiếng khóc vào bờ.

Nàng Mị Nương vẫn vô cảm thờ ơ
Em đi lại giữa muôn trùng khói nhạt
Niềm vọng tưởng bình yên anh khao khát
Chảy vào đời những kí ức loanh quanh.

ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

READ MORE - VỌNG TƯỞNG BÌNH YÊN - Thơ Đỗ Anh Tuyến

Wednesday, August 29, 2018

ĐỪNG QUÊN - Thơ Hải Đăng


       
                        Tác giả Hải Đăng



ĐỪNG QUÊN

Lúc bầu rượu
Lúc trăng lên
Ta ngồi tâm sự
Tình thơ với đời
Em ơi !
Tình người
Trăm nỗi bể dâu
Nông sâu nào biết
Nhớ hoài
Ngàn năm
Cho dù có trải
Tháng năm
Cách ngăn
Trắc trở
Chẳng phai
Tình nồng
Dù mai em
Đã lấy chồng
Đa mang con bế
Con bồng
Thì đừng quên nhé
Tình nồng
Ngày xưa

Hải Đăng

READ MORE - ĐỪNG QUÊN - Thơ Hải Đăng

MƯA SÀI GÒN - Thơ Hiệp Kim Áo Tím






MƯA SÀI GÒN

Sài Gòn một buổi chiều mưa
Con đường ngập nước phố xưa ơi buồn
Trắng trời từng hạt rơi tuôn
Hàng cây lặng lẽ lơi buông giọt sầu

Tháng bảy ai bắt nhịp cầu
Ngưu Lang - Chức Nữ hai đầu gặp nhau
Lắng lòng những hạt mưa ngâu
Nhớ ơi… một mối tình đầu chưa phai

Ta buồn... nước mắt khóc ai
Một thời áo trắng mắt nai hoen mờ
Nỗi lòng gửi trọn vần thơ
Trách người sao quá hững hờ. người ơi…

Đường xưa lối cũ một thời
Lá vàng thu ấy nhẹ rơi bên hè
Yêu sao những chiếc lá me
Tung tăng trong gió mà khe khẽ cười

Ta nhớ thương cả một đời
Khung trời đại học một thời ta mơ
Yêu sao cái thuở dại khờ
Dáng hiền e ấp... ngây thơ học trò...

                    Hiệp Kim Áo Tím
                   Sài Gòn, 25/8/2015

READ MORE - MƯA SÀI GÒN - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

VIẾT CHO "MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG" MÀ TÔI QUÝ MẾN - Võ Văn Cẩm



             Tác giả Võ Văn Cẩm



       VIẾT CHO "MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG" 
       MÀ TÔI QUÝ MẾN.
                                                           Võ Văn Cẩm

Chiều rằm tháng bảy, tôi cùng Thái Tăng Hạnh viếng lễ Vu Lan ở chùa Vạn Đức. Võ thị Văn Thơ gọi điện thoại báo Võ Thị kim Thanh qua đời.
Tôi thấy tim mình đau nhói, thương cho thân phận của cô em gái dòng tộc mà từ lâu tôi thương mến và quý trọng.
Thanh cùng tuổi với tôi (1943, Quý Mùi, người ta nói con gái mà tuổi Quý Mùi thì quá tuyệt), quê làng Đâu Kênh xã Triệu long, huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị. Nhưng Thanh ở với ông bà nội tại làng Bích la Thượng. Gia đình thuộc loại khá giả trong vùng.
Mẹ Thanh sinh được hai chị em thì ba tham gia kháng chiến bị mất tích, một thời gian thì mẹ tái giá.
Chị em Thanh lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà nội và các cô, chú. Thanh là anh em cô cậu ruột với NBCương.
Hai chị em Thanh là những cô gái xinh đẹp, thùy mị, được nhiều người trong vùng yêu mến. Thanh được học hành đàng hoàng.
Bà nội Thanh là người mến mộ đạo Phật. Ông Đoàn Lỗ Bửu và bà nội Thanh là nhân sĩ, được thầy Chánh Đại Diện tỉnh Hội Phật giáo tỉnh ủng hộ, đứng ra vận động xây dựng chùa Phật giáo làng Đâu Kênh. Thanh sinh hoạt gia đình Phật tử một cách tích cực. Thanh từng học trường Bồ Đề và Nguyễn Hoàng. Thư, chị Thanh bỏ học sớm theo chồng lên thị xã Quảng Trị. Đang theo học Đệ nhị cấp, Thanh bỏ học vào chùa tu.
Bà con và người trong vùng rất ngạc nhiên trước sự bỏ đời thường mà đi tu của một tiểu thư, con nhà giàu có và có học.
Tôi chỉ hiểu lù mù vài điều và cho rằng Thanh dứt áo ra đi không phải buồn tình, chán đời hay nhận thức được chân lý cao siêu giải thoát của Phật, mà việc vào chùa tu mang một mục đích riêng. Gia đình bà Tổng có 6 người con, 3 gái 3 trai, 3 gái đã nên bề gia thất, nhưng tôi biết O Quế người chị đầu lấy chồng Cách Mạng đã hy sinh, O Hường lấy chồng một nhà giàu có cùng làng và O út Nguyệt lấy chồng lính đang ở xa.
O Quế cùng 2 con trai, gia đình O Nguyệt, chị em Thanh, Thư ở chung với bà.
Cả 3 người con trai đều tham gia kháng chiến. Ba Thanh đã hy sinh, chú Thanh làm cán bộ cao cấp hoạt động ở miền Nam, chú Út tập kết ra Bắc. Việc vào chùa là do ý nguyện của bà nội Thanh.
Thanh vào chùa nào tôi không rõ, nhưng tôi biết Thanh kết nghĩa chị em với chị Đào (ni cô Linh Điều) và làm con nuôi gia đình chị.
Sau năm 1965, khi học xong tú tài tôi vào Sài Gòn, kiếm tiền ăn học, tôi tìm đến nơi Thanh ở trong một con hẻm nhỏ ở khu Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn.
Tôi thường gặp Thanh, ni cô Linh Điều và NBC.
Khu Bàn Cờ và khu Nguyễn Thiện Thuật có mật độ dân cư cao nhất Sài Gòn. Đời sống rất phức tạp. Chính vùng này có nhiều cán bộ hoạt động, cất dấu vũ khí và tài liệu, chính Chú của Thanh đang hoạt động ở đây và chính Thanh là người vâng lệnh bà nội thực hiện việc thăm nuôi, chăm sóc chú mình.
Khi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức cuối năm 1966. Sau lễ gắn Alpha tôi được về phép. Ghé thăm Thanh. Có lần chú Thanh đang ở trên gác, tôi xem như không có gì xảy ra.
Chính quyền thời bấy giờ không làm sao giải tỏa để xây dựng chung cư. Cuối cùng phải cho người đốt mới xây dựng Chung cư Nguyễn Thiện Thuật như bây giờ.
Thanh ở với ba mẹ nuôi và Cô Linh Điều số 102 lô B chung cư Nguyễn Thiện Thuật, một địa chỉ rất thân quen với tất cả những người bà con quen biết Thanh, trong đó có tôi và NBC. Chính nơi đó là điểm đầu tiên của cuộc hôn nhân chúng tôi phát khởi.
Nhờ mối quan hệ thế mà tình dòng tộc càng thêm sâu đậm.
Theo lời kể của chú Võ Hoàn (tức Hoàng Hà) cho tôi nghe, thập niên 60, Chú hoạt động bí mật ở Bàn Cờ, chú ở trong chùa Long Phước quận Phú Nhuận cách nhà tôi hiện nay khoảng 300 mét. Chú bị bắt tại đó, khi chú Đại diện mặt Trận Giải phóng Miền Nam ký đơn gởi cho Tổng thống Nixon và Đại sứ Bunker phản đối chiến tranh khi chữ ký chưa ráo mực.
Viên Thiếu tá hỏi chú: Ai là người ký tờ đơn này? Chú bảo: Chính tôi.
Vớ được một cán bộ tầm cỡ. Thiếu tá thông báo cho Tổng Nha Cảnh sát. Sau khi trao đổi với tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Nhận lệnh cấp trên, Thiếu tá trân trọng mời chú về tổng nha ở một phòng khách VIP. Đây là một phòng đặc biệt rộng hơn 50m2. Phòng đầy đủ tiện nghi. Chú ở đó vài ngày thì có một buổi trao đổi với một nhân vật cao cấp, yêu cầu chú cho gặp ba nhân vật lảnh đạo của Mặt trận GPMN. Sau buổi gặp gỡ theo đúng yêu cầu, chú được thông báo trao trả vào mật khu.
Chú yêu cầu cho chú về mật khu ở Củ Chi. Khi xe đưa về gần điểm thì trận chiến xảy ra ác liệt. Xe chở chú quay về Tổng Nha. Ngày hôm sau chú được máy bay trực thăng đưa chú vào rừng ở Bình Dương
Rồi Chú được đưa ra Hà Nội.
Sau lần nói chuyện với Bác Hồ, chú được đi nghỉ mát ở Liên Xô. Từ đó chú không còn nhận một chức vụ nào quan trọng.
Lúc chú được đưa ra Bắc, Thanh không còn vướng bận. Cuối thập niên 1960 Thanh và chị Đào xin vào ngành CSQG làm việc tại Tổng Nha Cảnh sát cho đến ngày thống nhất. Đời Thanh đã hai lần bất đắc dĩ nhận lấy công việc: đi tu và đi Cảnh sát.
Sau ngày VN giải phóng cuộc đời của Thanh vất vả hơn nhiều. Công lao giúp chú tham gia Cách Mạng đã đổ sông đổ biển. Ngay chú chẳng có có chức danh nào khả dĩ giúp cháu.
Trước ngả ba đời, Thanh phải tìm cho mình một lối thoát, một định hướng cho tương lai.
Không còn cách lựa chọn, Thanh quyết định lấy chồng, người chồng của Thanh mang quốc tịch Pháp. Thanh kỳ vọng được ra nước ngoài.
Âu là số phận, Thanh sinh được hai cậu con trai. Thời gian chờ đợi quá lâu, chồng Thanh sa ngã bỏ bê gia đình vợ con cho đến ngày Thanh lìa đời. Thanh gian khổ một mình tần tảo nuôi con. Do đói nghèo, người chú mà Thanh hy sinh đời mình cũng chẳng giúp được gì. Con cái không được học hành nên không có việc làm tốt, chỉ làm công việc phổ thông. Nhìn cuộc sống khó khăn của Thanh, những ngày cuối đời vất vả mà lòng mình quặn thắt. Tôi thường lui tới nơi Thanh buôn bán bên vệ đường để chia sẻ, an ủi, "nhưng lực bất tòng tâm", tôi không có điều kiện giúp gì cho Thanh nhiều. Thanh thường tâm sự. "Đời thật bạc bẽo" cái đau lớn nhất là người thân mình thường lánh xa khi mình cơ hàn, chính những người mà Thanh cưu mang đùm bọc lại xem đồng tiền lớn hơn tình thương yêu. Nhiều lần nước mắt Thanh tuôn trào khi tôi đến. Cứ nghĩ về định mệnh mà lòng nguôi ngoai an phận.
Khi được tin Thanh bị tai biến, tôi vào ngay, nhưng chưa có giờ vào thăm Thanh được. Trước đó nửa giờ, Thư - chị Thanh từ Mỹ về. Cái đau xót nhất của đời người là không có chốn để quay về. 76 tuổi đời 60 năm lăn lóc mưu tìm cuộc sống mà chưa có một nơi che nắng che mưa. Thanh nói nếu Thanh chỉ nghĩ đến thân mình không quan tâm đến người khác thì chắc chắn giờ này chẳng phải suy nghĩ.
Tôi ngồi với Thư từ 13 giờ cho đến gần 17giờ đợi thủ tục đưa Thanh về nhà đứa con trai ở Quận 9. Tôi vẫy tay tiễn đứa em mà hơn 50 năm anh em lúc nào cũng có nhau.
Tôi mừng cho đứa em dòng tộc vẫn còn nhiều người mến mộ đến đưa tiễn. Một niềm an ủi mà không phải ai cũng có được. Xin cầu chúc em được thanh thản, sớm được siêu .
Vĩnh biệt Võ thị Kim Thanh.

                                                       Sài Gòn, 27/8/2018
                                                             Võ văn Cẩm

READ MORE - VIẾT CHO "MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG" MÀ TÔI QUÝ MẾN - Võ Văn Cẩm