Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 28, 2013

MÙA XUÂN TINH KHÔI - Ca khúc Trầm Thiên Thu



READ MORE - MÙA XUÂN TINH KHÔI - Ca khúc Trầm Thiên Thu

GIAO THỪA VIỄN XỨ - thơ Hoàng Anh 79




Sương khuya lành lạnh bờ vai
Thềm nhà ai mấy nụ mai chưa vàng
Thấy xuân vồi vội đã sang
Ta còn lững thững miên man xứ người.

Bon chen hơn nửa cuộc đời
Bến sông đò nhỏ trông vời vợi xa
Trước gương sợi tóc phôi pha
Thót lòng nhớ mẹ, chắc già hơn xưa.

Đêm nay đứng đón giao thừa
Mưa bay lất phất gió lùa từng cơn
Bao năm tay gối hao mòn
Môi nào em hãy còn thơm cuộc tình.

Lắng nghe trời đất chuyển mình
Nghe thời gian khẽ gọi tinh khôi về
Đồng vàng lúa chín hương quê
Hẹn mùa xuân tới con về mẹ ơi.

Ngày 29/11/2013 
Hoàng Anh 79
READ MORE - GIAO THỪA VIỄN XỨ - thơ Hoàng Anh 79

HỘI-AN MÙA THU ĐÃ ĐI - thơ Huy Uyên


            
Em đứng cuối sông Hoài thật buồn
giọt mưa bỏ quên hương hoa-móng-cọp
xót xa hoài cúc nở muộn thu sang
chiều đi qua,  người nhìn mưa chiều rớt .

Mãi trong ai tháng ngày vương-vấn
lửa đã tàn theo khói thuốc vàng phai
đêm cỏ bên đường dấu mình cô-quạnh
ngày xưa ơi
ngày xưa còn đón bóng thu về.

Sông dài hắt hiu quán cà-phê
ai sầu chi theo từng giọng hát
thu ơi về đây mà có lắng nghe
tình phôi pha xưa -người còn hay mất .

Thu cũng đi bỏ lại chiều thương nhớ
tang-chế màu phủ rừng, mây và cây
chầm chậm bước đi-ngỡ bước ta về
ơi thu sao chất đầy gió bão
sót lại trong người từng đoạn heo may .

Bâng quơ xót đau mấy cuộc tình
lối về cho cỏ thu thêm hiu hắt
lao xao đời - em bên ấy đã lấy chồng
có thay áo cho mây trời bay lạc .

Dịu ngọt hôn môi mùa thu chết
hanh hao theo những giọt nắng vàng
tôi mở toang tim mình mà nào vui được
màu áo lụa về còn dịp chở thu sang .

Tình tôi chao theo mấy dăm sương mù
em bỗng đổ ào cơn mưa vỡ
tôi bây giờ giòng sông em gió lộng ngang qua
dại lòng chi mà mất nhau từ đó .

Hương thu nào ngờ đậu hoài trên tóc
em còn cười hai mắt lúng liêng
đợi Tết về em diện đôi guốc mộc
thả hồn tôi về say đám cỏ tháng giêng 
em đi mà có hết ưu-phiền.

Tôi bước dài theo thu-hội-an
lững lờ sông trôi cùng giòng nước
bờ xa sót hơi thở thu muộn màng
cơn mưa, tiếng đàn, tiếng gió
lặng yên mà nào ngờ đâu phai nhạt.

Chiều đi cớ chi em vội-vã
mắt chờ người phố-cổ trăm năm
ta trong tay nhau mà xa lạ quá
hay thu về, đi mà cũng lại nhầm.

Phố nỡ bên chùa Cầu sắc hoa màu tím
em còn thương còn nhớ người xưa
biết đến bao giờ
đám tang người cho tình sầu đã chín
em một mình đứng lặng dưới trời mưa .

Lá thu goi hoài sương khói
thương ai bên đướng đứng đợi vàng rơi
thôi dặm lòng hai ta từ đây lạc lối
tình trong nhau bay tận cuối chân trời.

Tội cho một người cầm thu đi hoang
qua bên kia cầu Cẩm-nam mà không nói
cho dù chiều xa vời vợi
thu rơi ai níu lại lá thu vàng.

Huy Uyên

(14-12-2013)
READ MORE - HỘI-AN MÙA THU ĐÃ ĐI - thơ Huy Uyên

SAY RƯỢU - thơ Bình Địa Mộc



năm sinh thì đếch nhớ rồi
còn nơi sinh chắc là ngôi làng nghèo
chiều chiều con nít chạy theo
chiếc xe hơi chở người trên phố về


vợ ư, chắc ở dưới quê
say rồi chẳng nhớ có thề thốt không
ngày đi tiễn tận bến sông
buông bàn tay sóng dợn gồng gánh trưa


à quên, còn một lời thưa
rằng lâu lắm bước chân chưa về nhà
không nói cũng biết mẹ già
rằng thời gian vó ngựa qua cầu vồng


hình như ở giữa cánh đồng
con cào cào trốn dưới vồng đất nhô
cộng rơm nắng đốt cháy khô
tự thành tro để mùa cô đọng mùa


bây giờ đến lượt qua tua
cơ may còn tỉnh se sua với đời
ơi cô bán rượu đầy vơi
vì sao chiếc lá lại rơi âm thầm


cho thi sĩ bước thăng trầm
cầm câu thơ ngỡ đang dầm tay em
để rồi chợt nhớ chợt quên
chợt ngồi xuống khắc tên lên mộ mình ...


Bình Địa Mộc
READ MORE - SAY RƯỢU - thơ Bình Địa Mộc

XUÂN BẤT DIỆT (Bài thơ & Chứng nghiệm tâm linh…) - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)





Ngắm mây trắng hành hương về huyễn mộng
Nghe cây xanh… xanh tận đáy lương tâm
Xuân bất diệt bởi lòng ta trải rộng
Ta thương nhau nên yêu cả đất trời.

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

------------

CHỨNG NGHIỆM TÂM LINH
CỦA NGÀI J. KRISHNAMURTI
(Trích trong Bút Hoa (nhật kí); dịch giả: Ẩn Hạc.

 Jiddu Krishnamurti là một danh nhân giác ngộ (không theo tôn giáo nào cả); Ngài được Liên Hợp Quốc tôn vinh; được rất nhiều người với đủ mọi thành phần  xã hội - trong đó có Ngài Đạt Lai Lạt Ma & Nhà khoa học danh tiếng-giáo sư tiến sĩ vật lí David Bohm -  ngưỡng mộ).

* Sống thì vượt ngoài thời gian, sống là hiện tiền sinh động, nhưng hiện tiền này không lệ thuộc vào thời gian. Sống là chú tâm, không nằm trong biên cương của tư tưởng, trong giới hạn của cảm thức. Từ ngữ dùng để thông tin và, cũng như hình tượng, ngay chính chúng không có một ý nghĩa nào. Cuộc đời luôn luôn là hiện tiền sinh động, thời gian luôn luôn thuộc vào quá khứ, và vì thế vào tương lai. Để cho thời gian (tâm lí) chết đi tức là sống trong hiện tiền. Chính lối sống này là bất tử, chứ không phải cách sống trong ý thức. Thời gian là tư tưởng trong tâm thức, tâm thức thì bị đóng khung. Mạng lưới của tư tưởng, của cảm thức, luôn luôn hằn dấu sợ hãi, đau khổ. Đau khổ sẽ chấm dứt khi thời gian chấm dứt.

* Ngày hôm qua thật lạ lùng. “Bờ bên kia” thường xuyên hiện diện suốt buổi đi dạo ngắn ngủi và vào lúc nghỉ, lại càng mãnh liệt hơn trong khi nói chuyện, duy trì, kéo dài gần hết đêm và vẫn còn đó lúc thức dậy sáng nay, sau một giấc ngủ ngắn. Thân thể mệt nhừ, cần được nghỉ ngơi, lại trở nên yên tĩnh một cách lạ lùng, nhưng phần nhỏ nhất của thân vẫn tỉnh táo và bén nhạy. (…) Tâm là một cái gì kì lạ; tâm tàng chứa trí óc, tư tưởng, tình cảm và cả đến mỗi cảm xúc tinh tế nhất, ảo tưởng, tưởng tượng… Tâm không phải là cộng chung hết cả những yếu tố trên, tuy nhiên không có chúng thì tâm không có; tâm còn hơn hẳn cái nó tàng chứa. Không có tâm thì những yếu tố nó tàng chứa cũng không có nốt; chính qua tâm mà chúng có mặt. (…).

(…) Hoạt động của kí ức, kiến thức đang vận dụng, xung đột của dục vọng đối chọi nhau, tìm cầu tự do đều luôn luôn bị rào kín trong giới hạn của trí óc; trí óc có thể thanh lọc, mở rộng, tích lũy những ham muốn của nó, nhưng đau khổ sẽ tồn tại. Khi mà tư tưởng chỉ là sự đáp trả của kí ức, của kinh nghiệm, thì sẽ không chấm dứt được đau khổ. Trí óc là một “suy tư” phát xuất từ cái rỗng rang toàn vẹn của tâm; cái rỗng rang này không có trung tâm do đó có khả năng hoạt động vô hạn. Từ cái rỗng rang này sáng tạo sinh ra, nhưng đó không phải là tài khéo của con người. Sáng tạo phát sinh từ cái Không, và đó chính là tình yêu và sự chết.

* Lại thêm một ngày lạ lùng. Vào mọi lúc đều có mặt “bờ bên kia”, dù đi đến đâu, làm việc gì. Trí óc, rất yên tĩnh, không mê ngủ, nhưng tỉnh táo và bén nhạy, hình như tự chuyển động trong chính nó. Có cảm tưởng là quan sát từ một chiều sâu vô hạn. Tuy nhọc mệt, thân vẫn thức tỉnh một cách lạ lùng. Một ngọn lửa cháy sáng không dứt.

* Một buổi sáng tuyệt vời; nhìn về hướng tây, phía bầu trời một màu xanh thẫm, và mọi tư tưởng, mọi xúc cảm đều tan biến; cái nhìn này xuất phát từ cái rỗng không. Trước bình minh, thiền định là cửa ngõ bao la vô tận vào cái bất tri (tâm rỗng rang vô lượng). Không một thứ gì có thể mở cửa, ngoại trừ hủy diệt toàn bộ cái hữu tri. Thiền định là sự bùng nổ trong cái hiểu biết. Không phải là hiểu biết nếu không tự tri; học hiểu để tự tri không phải là tích lũy kiến thức; tích lũy sẽ ngăn ngại tự tri, vì học hiểu không phải là tiến trình gia tăng. Học hiểu cũng như hiểu biết, được tiến hành từ sát-na này đến sát-na kia. Tiến trình toàn thể này là sự bùng nổ trong thiền định.

* Thiền định không phải là nghiên cứu; không phải là kiếm tìm, thăm dò, khai phá. Thiền định là bùng nổ và khám phá. Không phải là trí óc bị ngự trị bằng giới luật, cũng không phải tự phân tích chính mình; thiền định chắc chắn không phải là đào luyện để tập trung tư tưởng, tư tưởng len vào trong sẽ chọn lựa và bác bỏ. Thiền định đến một cách tự nhiên khi tất cả sự khẳng định và thành đạt, hữu vi hoặc vô vi, đều được thấu triệt và tự rơi rụng một cách dễ dàng. Thiền định là trí óc rỗng rang hoàn toàn. Chính sự rỗng rang đó mới là cốt yếu chứ không phải cái tàng chứa trong trí óc. Chỉ từ sự rỗng rang đó mới có thể có tuệ quán được. Đức hạnh phát xuất từ đó, nhưng không phải là luân lí hoặc tư cách đáng kính trong xã hội. Chính từ sự rỗng rang đó phát sinh tình yêu, nếu không thì không phải là tình yêu. Nền tảng của đức hạnh nằm trong sự rỗng rang đó. Đây là chỗ bắt đầu và là nơi chấm dứt mọi sự. 

* Sự hủy diệt tâm lí của mọi thứ đã có – và không chỉ là thay đổi bên ngoài – là cốt tủy của trí thông minh. Mọi hành động vô minh đều dẫn đến đau khổ, rối loạn. Đau khổ là vô minh. Ngu si không phải là thiếu kiến thức, mà là thiếu hiểu biết về chính mình; không hiểu biết về chính mình thì không một chút gì có trí tuệ. (…) Không có trí tuệ nếu không có tự tri. Tự tri là một thực tại sống động, không phải là phán đoán. Mọi tự phê đều hàm ý tích lũy, lượng giá từ trung tâm của kinh nghiệm và của kiến thức; chính quá khứ này làm ngăn trở sự hiểu biết thực tại sống động. Theo đuổi sự tự tri là một hành động thông minh.

* Sáng nay thức dậy, vượt trên tất cả thiền định, tất cả tư tưởng và ảo tưởng phát sinh từ cảm thức, ngay trung tâm của trí óc và xa hơn, ngay tâm điểm của tâm thức, ngay chính bản thể của con người, rực chiếu một luồng sáng cực mạnh không mang một chút hình bóng, không bắt nguồn từ một kích cỡ nào. Phép lành ở đó, bất động. Và cùng với phép lành là thần lực vô cùng tận, và một vẻ đẹp vượt trên tư tưởng, cảm thức.

* Tâm thức nhân loại không thể dung chứa cái bao la của sự an nhiên; tâm thức có thể tiếp nhận nhưng không thể tìm kiếm, cũng như đào luyện cái bao la an nhiên đó. Hết cả tâm thức đều phải vô tác, không khởi dục vọng, không tìm cầu cũng như đuổi bắt; chỉ lúc đó mới sinh khởi một cái gì không chung không thủy. Thiền định chính là tâm thức rỗng rang, không phải để tiếp nhận, mà để buông bỏ. (…) Chỉ có thể có sáng tạo trong cái rỗng rang.

* Chiều hôm ấy nó đã ở đó, bỗng chốc tràn ngập khắp phòng… Cảm giác mãnh liệt về chơn mĩ, sức mạnh, vẻ dịu dàng. Những người khác đều nhận ra.

* Hoạt động của trí óc được ấn định trước; suy nghĩ, lí luận, nhưng trí óc hoạt động trong giới hạn, giới hạn không gian và thời gian (tâm lí). Vì vậy trí óc không thể trình bày, cũng không thể hiểu biết cái chung, cái toàn thể. Cái toàn thể đó là tâm; tâm thì rỗng rang, hoàn toàn rỗng rang, và vì rỗng rang nên trí óc nằm trong không-thời gian. Khi được thanh lọc ra khỏi sự ước định về lòng khao khát, ham muốn, tham vọng, trí óc mới có thể hội nhập cái toàn thể. Tình yêu chính là sự toàn vẹn đó.

* Mỗi một mưu đồ của tư tưởng đều phải được hiểu rõ. Mọi tư tưởng đều là phản ứng, mọi ứng xử bắt nguồn từ đó chỉ có nhấn mạnh thêm sự rối loạn và xung đột.

* Chắc chắn bản thể hiện diện suốt cả đêm; sáng nay khi thức giấc, bản thể đã ở đó và hình như tràn ngập toàn bộ đầu và thân. Và tiến trình tiếp tục một cách êm dịu. Muốn được như thế, phải một mình và tĩnh lặng.

* Có một hướng không bắt đầu từ đâu và đi về cái rỗng rang vô cùng, trụ xứ của bản thể vạn vật.

* Trí óc trở nên ti tiện khi nó sử dụng để học hỏi cái bất tri, cái vô lượng. Chức năng hoạt động của nó nằm trong cái hữu tri, nó không thể hoạt động trong cái bất tri (tâm rỗng rang vô lượng). Những sáng chế của nó ở trong phạm vi hữu tri; nó sẽ không bao giờ nắm bắt được sự sáng tạo của cái bất tri, dù cho dùng đến ngôn ngữ hay nghệ thuật. Trí óc không thể biết đến chơn mĩ. Chỉ trong im lặng tuyệt đối, vô ngôn, một sự vô hành không tạo tác, không chuyển động, thì cái bao la vô hạn mới xuất hiện.

* Khá đau đớn trưa hôm qua, và hình như có tăng thêm. Đến gần tối cái linh thiêng hiện hành, thấm nhập cả phòng. Người khác cũng cảm nhận. Suốt đêm tác động cơn đau có phần hòa hoãn, nhưng áp lực và căng thẳng vẫn còn đó, giống như mặt trời phía sau đám mây. Sáng nay rất sớm, mọi sự lại bắt đầu. (…) Mọi cảm thức, mọi xúc động đều liên kết với trí óc, nhưng đó không phải là tình yêu, nhưng cái xuất thần này chính là tình yêu. Trí óc chỉ có thể nhớ lại rất là khó khăn.
(…) Sáng nay thật sớm, phép lành gần như bao phủ hết quả đất, đang tràn ngập khắp phòng. Và theo đó xuất hiện sự tịch tĩnh làm im bặt hết mọi sự vật, một sự bất động chứa đựng tất cả chuyển động.

* Sống với một cái gì là thương yêu cái đó chứ không phải ràng buộc vào cái đó.

* Chấm dứt phiền não nằm trong sự quán chiếu sự kiện thực tế.

* Cái rỗng rang này không phải là một trạng thái ngoan không, trống trải; đó là năng lượng không có trung tâm, không có biên giới.

* Sáng nay dậy sớm để sống trong phép lành. Cơ thể bị bó buộc ngồi yên trước vẻ sáng sủa đó, vẻ đẹp đẽ đó. Sau đó suốt buổi sáng, ngồi trên ghế dài bên lề đường dưới bóng cây, phép lành được cảm nhận trong cái vô lượng vô biên. Phép lành cũng ban cho ta nơi trú ẩn, chỗ bảo bọc, giống hệt cội cây kia với tàng lá, tuy để ánh sáng soi qua vẫn che mát được dưới ánh nắng gay gắt miền núi. Mọi tương giao chính là che mát thấm đượm tự do, và chính tự do bảo đảm cho ta nơi trú ẩn.

* Nếu bạn có tiền, bạn cũng khổ; nếu bạn không có tiền, bạn cũng khổ. (…) Tiền bạc và quyền uy ngự trị không dứt; càng có càng muốn thêm, và cứ như thế vô cùng tận. Nhưng phía sau tất cả tiền bạc và quyền uy ẩn dấu nỗi khổ không tránh được; ta có thể lãng tránh, tìm quên, nhưng khổ đau luôn luôn hiện diện; với nó không thể bàn cãi được và nó ở đó, vết đau hằn sâu mà không gì có thể chữa trị được.

* Bằng vận hành của thời gian (tâm lí) không thể có chuyển hóa được. Phủ nhận thời gian chính là chuyển hóa; có chuyển hóa khi đã loại bỏ những thuộc tính phát sinh từ thời gian tức là thói quen, truyền thống, cải cách, các lí tưởng. Phủ nhận thời gian thì có chuyển hóa, chuyển hóa toàn diện và không phải là thay đổi hình tướng bên ngoài, cũng không phải thay thế một hình tướng này bằng một hình tướng khác. Nhưng thu đạt kiến thức, kĩ thuật, đòi hỏi phải có thời gian, ta không thể cũng chẳng nên chối bỏ; những năng lực này thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Thời gian cần thiết để đi từ chỗ này đến chỗ khác không phải là ảo tưởng, nhưng mọi hình thức khác của thời gian đều là ảo vọng. Chuyển hóa gồm có chú tâm mà từ đó sinh khởi một hình thức hành động khác. (…).

* Thiền định là ở chỗ làm tâm trống rỗng hết mọi tư tưởng, mọi cảm thức, vì những thứ này làm tan biến năng lực; chúng có tính lặp đi lặp lại, đưa đến những hành động máy móc; hành động này là thành phần cần thiết cho sự sống, nhưng chúng chỉ là một thành phần. Tư tưởng và cảm thức không thể biết thâm nhập vào cái bao la vô tận của sự sống.

* Khi trí óc không còn nuôi dưỡng bằng kí ức, bằng tư tưởng, khi trí óc để cho kinh nghiệm chết đi, thì hoạt động sẽ không còn quy ngã nữa. Lúc đó trí óc sẽ nuôi dưỡng các nơi khác. Và chính nguồn lương thực đó sẽ làm cho tâm thức thành tôn giáo.

* Ra khỏi tư tưởng là đức hạnh, và đức hạnh là tính mẫn cảm mở rộng, là tình yêu. Hãy thương yêu và sẽ không có tội lỗi; hãy thương yêu và cứ làm điều gì bạn muốn, lúc đó sẽ không có đau khổ.

* Trí óc vận hành trong cái manh mún, từng phần, chia chẻ. Nó tự chuyên môn hóa. Nó không bao giờ là cái toàn thể, cái mà nó muốn nắm giữ, muốn hiểu biết nhưng vô hiệu. Vì chính bản chất của nó, nên tư tưởng luôn luôn không toàn vẹn, cảm thức cũng thế; tư tưởng, phản ứng của kí ức chỉ có thể vận hành trong cái đã biết, hoặc lí giải từ kiến thức. Trí óc là sản phẩm của sự chuyên môn hóa. Nó không thể vượt lên trên chính nó. Nó chia chẻ và tự chuyên môn hóa thành nhà khoa học, nghệ sĩ, giáo sĩ, luật gia, kĩ thuật gia, nông gia… Nó hoạt động bằng cách phóng chiếu lên giai cấp xã hội, đặc quyền, quyền hành, uy thế của nó. Sự vận hành não bộ và giai cấp xã hội liên kết với nhau chặt chẽ, vì trí óc là một cơ quan tự bảo vệ. Chính từ nhu cầu này mà những yếu tố đối nghịch và chống trái của xã hội phát sinh. Nhà chuyên môn thì không có khả năng nhìn được toàn diện.

(…) Năng khiếu và thiên tư hiển nhiên là nguy hại, vì củng cố tính vị ngã; vì mang tính chia chẻ vụn vặt nên nuôi dưỡng xung đột. Năng khiếu chỉ có giá trị trong sự nhìn thấu toàn diện đời sống, sự nhìn thấu này nằm trong lĩnh vực của tâm chứ không phải của trí óc. Năng khiếu với sự vận hành của nó nằm trong giới hạn của trí óc, do đó năng khiếu trở nên nhẫn tâm, lãnh đạm đối với tiến trình toàn thể của đời sống. Năng khiếu gây ra lòng kiêu hãnh, ham muốn, và sự thành tựu của nó trở thành ưu tiên hàng đầu, nó đưa đến thù ghét, vô trật tự, đau khổ; nó chỉ có giá trị nếu nhận thức được toàn thể sự sống. (…).

(…) Trí óc vận hành bằng cách tự chuyên môn hóa với sự chia chẻ manh mún, với những hoạt động cô lập lại nó trong địa hạt giới hạn của thời gian. Trí óc không có khả năng nhìn thấy toàn thể sự sống; dù có được giáo hóa đến đâu, trí óc cũng chỉ là một phần chứ không phải là toàn thể. Chỉ có tâm mới thấy được cái toàn thể, và phạm vi của tâm bao trùm luôn trí óc; trí óc dù có làm gì đi nữa cũng không thể chứa đựng được tâm.
Để nhìn thấy toàn thể, trí óc phải ở trong trạng thái buông xả. Buông xả hoặc phủ nhận không phải là đối nghịch của khẳng định; những cái đối nghịch đều liên kết với nhau. Sự phủ nhận không có cái đối nghịch. Để có được cái nhìn toàn thể, trí óc phải ở trong trạng thái phủ nhận tuyệt đối; nó không được can thiệp vào bằng cách lượng giá, biện bạch, kết án và tự vệ. Trí óc phải im lặng mà không bị ép buộc; ép buộc sẽ làm cho trí óc chết cứng, chỉ có khả năng mô phỏng và tùy hợp. Chính trong trạng thái phủ nhận mà trí óc tĩnh lặng không lựa chọn. Chỉ chính lúc đó cái nhìn toàn thể mới phát sinh. Lúc đó tâm hoàn toàn tỉnh thức, và trạng thái này không gồm có người quan sát cũng như vật bị quan sát, mà chỉ có ánh sáng, chỉ có sáng suốt. Sự đối kháng và xung đột giữa người tư duy và tư tưởng kết thúc.

* Thức dậy sáng nay; mặt trời còn nằm dưới đường chân trời; bình minh đã bắt đầu và thiền định tự dâng cho “bờ bên kia” mà phép lành là sức mạnh và sáng suốt. “Bờ bên kia” đã ở đó chiều hôm qua, ngay lúc mặt trời lặn, rất sáng, bất ngờ. Nhiều ngày nay nó đã không xuất hiện. Thân tự điều hòa theo nhịp độ cuộc sống phố thị và, khi “bờ bên kia” đến, nó biểu lộ một vẻ đẹp, một cường lực đến đỗi mọi sự đều im lìm bất động; nó tràn ngập căn phòng và còn vượt qua đó nữa.

* Có bản thể của thâm cùng ở đó. Bản thể của tư tưởng chính là tâm thái vô niệm. Tư tưởng, dù có tiếp nối với nhau thật thâm sâu, thật rộng lớn, vẫn luôn luôn chóng tàn, phiến diện. Chấm dứt tư tưởng chính là khởi đầu của bản thể. Chấm dứt tư tưởng là phủ định và phủ định thì không có mục tiêu nào xác định. Không có phương pháp, hệ thống để dừng bặt tư tưởng. Phương pháp, hệ thống chỉ là xác định tiệm cận với phủ định, và như thế tư tưởng sẽ không bao giờ có thể tự tìm nơi có bản thể của chính nó. Tư tưởng phải dừng bặt để cho bản thể hiển lộ. Bản thể của hữu là phi hữu, và để “thấy” cái thâm cùng của phi hữu, ta phải tự do thoát khỏi cái trở thành. Không thể nào tự do trong sự tương tục, và mọi điều bao hàm sự tương tục đều dính mắc vào thời gian. (…).

* Cô đơn một mình, nhưng không một chút gì cô lập, giống như một giọt nước mưa chứa đựng hết cả nước trên mặt đất.

* Tư tưởng là vật chất và có thể biến thành bất cứ thứ gì, xấu hay đẹp. Nhưng có một cái linh thiêng không phát xuất từ tư tưởng hoặc tình cảm, từ đó tư tưởng đã sống lại. Tư tưởng không thể biết và cũng không thể sử dụng được. Tư tưởng cũng không thể bộc lộ. Nhưng cái linh thiêng đó hiện hữu, không bao giờ biểu tượng hoặc lời lẽ có thể chạm đến được. Cái linh thiêng đó không thể truyền thông được. Đó là một sự kiện thực tế.
Một sự kiện thì phải được nhìn thấy, nhưng cái thấy này độc lập với ngôn từ. Khi sự kiện được diễn giải thì thôi không còn là sự kiện nữa, mà biến thành một cái gì hoàn toàn khác hẳn. Thấy là một điều gì hết sức quan trọng. Cái thấy này vượt ra ngoài không-thời gian, nó ngay đó và trong khoảnh khắc.
(…) Sự hiện diện của nó đang ở đây, tràn ngập khắp phòng, chan rải trên các ngọn đồi, trên những dòng nước, bao phủ hết cả hành tinh.
Đêm vừa qua, như đã xảy ra một hai lần trước đây, thân thể chỉ còn là một cơ quan và không là gì khác, đang vận hành, trống rỗng và bất động.

* Thành công (với tâm lí quy ngã) thật là tàn bạo dưới mọi khía cạnh, dù là chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, kinh tài… Thành công đưa đến cứng rắn.

* Chứng nghiệm về bản thể là đỉnh cao của cường lực, của nhạy cảm. Đây là vẻ đẹp vượt trên ngôn ngữ và cảm thức.

* Bận rộn, tuy vậy áp lực và căng thẳng vẫn còn đến trưa.
Dù những hành động cần thiết trong cuộc sống hằng ngày có ra sao đi nữa, thì va chạm và biến động mà cuộc sống đã gieo rắc không nên để lại dấu vết phía sau chúng ta. Chính những dấu vết này tạo ra bản ngã, cá tính, củng cố dần theo dòng đời, và lập thành bức tường hầu như không vượt qua nổi.

* Tỉnh giấc nửa đêm với cảm thức về một sức lực bao la, vô cùng tận. Không phải là sức lực tập trung chung quanh dục vọng hoặc ý muốn, mà là sức lực hiện diện khắp sông núi cây cỏ.
Hành động của con người là thực hành sự chọn lựa, thực hành theo ý muốn; hành động này bao gồm xung đột và đối kháng, từ đó sinh đau khổ. Hành động đó phát xuất từ một nguyên nhân (tâm lí), một động lực, do đó là phản ứng. Nhưng hành động hiện khởi từ sức lực vô ngã thì tự do, thoát khỏi mọi nguyên nhân, động lực; do đó sức lực này vô cùng tận, là bản thể.

* Chân lí không thể nào chính xác, vì cái gì có thể đo lường được thì không phải là chân lí. Chỉ có cái gì không sống động mới có thể đo lường được, chiều cao của nó mới có thể tìm bắt được.

* Sống không phải là trút bỏ hết kinh nghiệm, nhưng không có sự sống khi đất não dày đặc dây mơ rễ má. Khiêm cung không phải là loại bỏ có ý thức cái đã biết, sự loại bỏ này là lòng kiêu ngạo của sự thành tựu; khiêm cung là cái bất tri tuyệt đối, tức là chết đi. Sợ chết chỉ có trong cái đã biết, chứ không phải trong cái ta không biết. Không có sợ hãi đối với cái bất tri; sợ hãi chỉ có khi cái đã biết thay đổi, chấm dứt.

* Mọi hệ thống đều không tránh khỏi khuôn đúc tư tưởng theo một mẫu mực, và chủ nghĩa xu thời sẽ hủy diệt sự bừng nở của thiền định. (…) Không có tự do sẽ không có tự tri và không tự tri tức là không phải thiền định.

*  Tâm thái một mình là rỗng rang; trong ngọn lửa Không này, tâm trở về tươi trẻ và an nhiên. Và chỉ có tính an nhiên này mới có thể nhận được cái phi thời gian, cái mới mẻ không ngừng tự chết đi. Sự chết đi chính là sinh tạo. Không có tình yêu thì không có sự chết đi.

* Đời sống toàn thể bao hàm cái chia chẻ vụn vặt, nhưng cái chia chẻ này sẽ không bao giờ hiểu được cái toàn thể.

* Kiến thức ngăn ngại khám phá. Kiến thức luôn luôn bắt nguồn từ thời gian (tâm lí), từ quá khứ, không bao giờ mang lại tự do. Nhưng kiến thức cần thiết cho hành động, cho tư tưởng; không hành động thì không thể có hiện hữu. Nhưng dù hiền triết, chân chính và cao thượng đến đâu, hành động sẽ không đưa đến chân lí. Không có con đường dẫn đến chân lí.

* Chính sự quan sát tiến trình của tư tưởng, của thời gian (tâm lí) và nỗi sợ hãi, rõ biết toàn diện tiến trình này, chứ không phải chỉ một ý tưởng hoặc một định thức tri thức, sẽ chấm dứt được sợ hãi, trên mặt ý thức lẫn tiềm thức. Tự tri là tỉnh thức và là chấm dứt sợ hãi (tâm lí).

* Sợ hãi nội tâm sẽ biến nhu cầu về an toàn ngoại giới thành một bài toán về giai cấp, về uy tín, về quyền lực, và hậu quả là có đấu tranh tàn bạo.

* Từ bỏ là nhìn thấy sự thật như thị, sai lầm như thị và cái chân thật trong cái sai lầm. Đó là một hành vi chứ không phải một ý tưởng.

* Từ bỏ thời gian (tâm lí) chính là bản chất của cái phi thời gian.

* Thức dậy, tuy còn ngái ngủ, nhận thức được tiến trình kéo dài về đêm, và hơn thế nữa phép lành khai mở. Có cảm thức tác động lên con người. Thần lực đó, sức mạnh đó, ra khỏi và tuôn trào ra ngoài, như một thác nước từ đất phun vọt lên qua những mõm đá. Trong mọi sự này, hạnh phúc lạ thường khôn tả, một sự xuất thần không liên quan gì đến tư tưởng, đến cảm thức.

* Trong ánh chớp tuệ quán này sẽ phát sinh một tri giác mới mẻ.

* Tâm trí tịch lặng và rất tỉnh sáng. Tràn đầy cả đêm cái vô lượng vô biên đó, và kèm theo là thánh phúc.

* Im lặng này là cái Không, từ đó tuôn chảy và cũng từ đó phát xuất sự hiện hữu của vạn vật. Lặng im này là cái bất tri. (…).
Buổi sáng tươi trẻ đến đỗi các ngôi sao vẫn luôn sinh động và lấp lánh. Bình minh hãy còn lâu; tất cả đều yên tĩnh một cách lạ lùng, ngay cả thác nước ầm ĩ cũng câm nín, và những ngọn đồi cũng lặng lẽ.

* Nó theo chúng tôi chí đến giờ đi ngủ và duy trì thành tiếng rì rào suốt đêm. Điều này không thuộc phạm vi kinh nghiệm, nó chỉ ở đó một cách giản dị, bằng một sức mạnh dữ dội, một phép lành.

* Tâm trong tính toàn thể bao trùm cả trí óc, tư tưởng của nó, cảm thức của nó, đang rỗng rang; và từ cái rỗng rang đó, năng lực càng lúc càng thâm sâu, lan rộng, vô lượng. Bởi vì mọi so sánh, mọi lượng giá đều xuất xứ từ tư tưởng tức là thời gian. “Bờ bên kia” là tâm phi thời gian, là hơi thở của chân chất an nhiên và của cái bao la vô tận. Ngôn từ không phải là thực tại; chúng chỉ là một phương tiện truyền thông chứ không phải là cái chân chất an nhiên, cái vô lượng vô biên. Cái trống rỗng là cái một mình.

* Chỉ có một chuyển động duy nhất trong đời sống, bên ngoài lẫn bên trong, không thể chia chẻ được, dù cho có phân biệt. Phân biệt làm cho số đông người chạy theo chuyển động bên ngoài của kiến thức, của ý tưởng, của tín ngưỡng, của quyền hành, an toàn, thịnh vượng, và cứ tiếp nối như thế. Ngược lại, có người lại bám chặt vào một đời sống mạo xưng là nội tâm, thành lập từ ảo ảnh, hi vọng, khát vọng, tĩnh lặng, xung đột và thất vọng. Chuyển động, vì là phản ứng, nên xung chướng với đời sống bên ngoài. Như vậy có đối kháng, tiếp theo là đau khổ, sợ hãi và trốn chạy.

Chỉ có một chuyển động duy nhất bên ngoài lẫn bên trong. Hiểu biết về bên ngoài, không xung đối cũng không kháng nghịch thì chuyển động thật sự của bên trong bắt đầu. Xung đột đã loại trừ, và tuy bén nhạy nhưng ngay đỉnh cao của nhạy cảm, trí óc vẫn đạt được tịch lặng. Chỉ ngay lúc đó, chuyển động nội tâm mới trở nên thật sự và có ý nghĩa.

Từ chuyển động này phát sinh lòng quảng đại, lòng từ bi không bắt nguồn từ lí trí (suy luận), cũng không phải từ sự từ bỏ có suy nghĩ cân nhắc.


READ MORE - XUÂN BẤT DIỆT (Bài thơ & Chứng nghiệm tâm linh…) - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

CHUYỆN THỜI SỰ - thơ Trúc Thanh Tâm



Một thời chinh chiến tàn khốc đó
Dòng sông dậy sóng, máu thây trôi
Nghe quen tiếng súng như rang bắp
Pháo dập từng nơi dội đất trời !

Chất độc tràn lan trên đất mẹ
Những vành tang trắng, lệ nhớ thương
Từng lớp người đi, không về nữa
Từng lớp đấu tranh cũng xuống đường !

Hỏa châu thay pháo hoa rực sáng
Vậy mà, đâu đã hết chiến tranh
Trong yên bình đó nghe đau điếng
Giặc của thời cơ cứ hoành hành !

Ta lọc được gì qua nhân nghĩa
Đời chưa bình đẳng, lắm điêu ngoa
Vết thương từ phía quân thù tặng
Chưa đau bằng phản bội phía quân ta !

Trường đâu phải nơi nào cũng xanh sạch đẹp
Thầy dạy rập khuôn, trò chẳng sáng kiến gì
Thời đại thông tin còn xài bùa, phép
Nói dối an toàn, sự thật giấu giếm đi !

Ông bà ta, sợ tình người bạc bẽo
Bằng mặt nhau nhưng chẳng bằng lòng
Tưởng ôm cây đứng cho mình thẳng
Đâu biết rằng mình đã bị cong !

Em thấy không, bầu trời đầy khói bụi
Trái đất nóng lên, bão lũ tung hoành
Ta đang hạnh phúc hay những người cùng khổ
Rừng núi, đồng bằng càng lúc mất cây xanh !

Đất nước ta ơi, mấy ngàn năm đó
Còn nhân dân, còn gặp những nụ cười
Điều sợ nhất khi mất đi văn hóa
Khi đồng tiền làm chủ những cuộc chơi !

Đừng khóc nghe em, hãy dành nước mắt
Để một lần khóc những người thân
Để được khóc khi đầu thai kiếp khác
Những ẩn tình chưa chắc được giải oan !

Cuối năm Quý Tỵ - 2013

TRÚC THANH TÂM

 ( Châu Đốc )
READ MORE - CHUYỆN THỜI SỰ - thơ Trúc Thanh Tâm

VẪN CÒN ĐÓ NHỮNG LOÀI SÂU - Thơ Phan Minh Châu




Qua trang báo mạng
Qua clip không tên
Tôi bắt gặp những con thú hoang nơi xe bia mới đổ
Thấy ghê tởm cho bọn người hôi của
Người tài xế văng ra
Cả xe bia đổ xuống
Nằm ngã nghiêng vương vãi khắp mặt đường
Một số đứng nhìn
Một số kiễng chân
Còn một số lại chen vào hôi của
Kẻ  vác vài thùng
Người lượm vài lon
Vác tới lúc xe bia không còn nữa
Chỉ còn lại người lái xe với cơn đau quằn quại
Máu nhỏ ngoài thân không bằng nhỏ trong lòng
Biết lấy gì trả món nợ không vay
Biết lấy gì lo những ngày giáp tết
Không biết làm gì
Anh chỉ còn biết khoc
Chỉ biết van xin trươc bọn thú tật nguyền
Một xã hội công bằng một xã hội văn minh
Còn sót lại những con người dị tật
Dị tật bẩm sinh sống không còn đạo lý
Không nghĩa nhân không vóc dáng con người
Tắt trang báo vừa xem tôi bổng bật cười
Thấy hổ thẹn cho người dân nước Việt
Một dân tộc bốn nghìn năm văn hiến
Lại hành xử không ra gì trước tai nạn thương tâm
Vẫn còn đó những tấm lòng trước trận bão Haiyan
Họ chung sức chung lòng đi cứu đói
(Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ)
Thì sá chi chút lợi để mưu sinh
Cả thế giới này một thuở vẫn đinh ninh
Dân tộc Việt Nam nghĩa nhân và hồn hậu
Qua hai cuộc chiến tranh
Đã sinh ra những con người Phù Đổng
Biết tiếp sưc cho nhau để ấm áp nụ cười
Biết dâng hiến cho đời những lứa tuổi hai mươi
Biết tránh xa những giáo điều tội lỗi
Nếu họ biết
Vẫn còn đây những bọn người cơ hội
Thì Tổ Quốc muôn đời vãn đó … những loài sâu.

   PHAN MINH CHÂU


3b Âu Cơ Nha Trang Khánh Hòa
READ MORE - VẪN CÒN ĐÓ NHỮNG LOÀI SÂU - Thơ Phan Minh Châu

TÂY-NINH TRONG BÀI THƠ “XUÂN VÀ NỖI NHỚ” CỦA LÊ VĂN THẬT - Châu Thạch


Nhà thơ Lê Văn Thật


XUÂN VÀ NỖI NHỚ

Ở phương em chắc giờ còn lạnh lắm
Rừng núi chập chùng, em lại mong manh
Chiếc áo gió làm sao mà đủ ấm
Xuân theo về bên nồi bánh chưng xanh

Anh say đất trời em, say lời kế
Cao su bạt ngàn xanh cả nắng gay
Yêu con suối cứ ngàn năm thủ thỉ
Mơ núi đồi vàng rực cánh rừng mai

Ở phương anh nôn nao bao nỗi nhớ
Tây Ninh xuân về hương sắc đẹp sao!
Những con đường đèn hoa giăng rực rỡ
Những dãy lầu khoe dáng với trời cao

Giá lúc này mình bên nhau em nhỉ !
Dạo phố đêm ẻo lả những xe tình
Công viên ảo huyền, cầu Quan khe khẻ
Thị xã sắc màu ta cũng thấy lung linh

Lên núi lạy Bà cầu duyên em nhé
Trên cáp treo ta giỡn với mây chiều
Kia Lòng Hồ mênh mang làn sương phủ
Đây cánh đồng xanh cả mắt em yêu

Ta chếnh choáng với tím màu Vàm Cỏ
Gánh đôi bờ xanh cả đất Tây Ninh
Chiều lững lơ những con thuyền lãng tử
Bác nông phu nhìn cánh lúa cười tình

Dân mình yêu quê hương và tiếng hát
Nên hóa đất trời thành những bài ca
Cho xuân đến, cứ rộn ràng đất nước
Cứ rộn ràng anh, nỗi nhớ em xa…

                                             Lê Văn Thật


Lời bình:      Châu Thạch

Ở vế đầu của bài thơ tác giả tỏ ra bồn chồn, lo lắng bởi phương em núi rừng đang lạnh mà em thì chiếc áo mong manh. Ở đó mùa xuân chỉ được thể hiện quanh nồi bánh chưng ấm áp.

           Ở phương em chắc giờ còn lạnh lắm
           Rừng núi chập chùng, em lại mong manh
           Chiếc áo gió làm sao mà đủ ấm
           Xuân theo về bên nồi bánh chưng xanh

Đọc vế thơ ta thấy tác giả cô đọng, biến nồi bánh chưng thành trung tâm điểm của mùa xuân nơi một miền rừng núi. Tác giả dùng chữ “nồi bánh chưng xanh” nghĩa là đem cả đại ngàn vào nơi đó. Chỉ bằng những nét ước lệ tác giả bày tỏ được tình cảm, phác họa được phong cảnh, diễn tả được sinh hoạt ở một miền rừng núi vào buổi đầu xuân.

Qua vế hai của bài thơ, tác giả nhân mạnh tình yêu của mình đối với vùng đất xa lạ chỉ được nghe qua lời kể:

           Anh say đất trời em, say lời kế
           Cao su bạt ngàn xanh cả nắng gay
           Yêu con suối cứ ngàn năm thủ thỉ
           Mơ núi đồi vàng rực cánh rừng mai

Vế thứ hai cũng bằng những nét ước lệ đó tác giả tôn vinh được nét hung vĩ của quê hương xa lạ với mình. Qua cái đầu đề “Xuân và nỗi nhớ” và qua hai vế thơ đầu ta cứ tưởng tượng bài thơ của tác giả sẽ đầy ray rức, sầu thảm, nhớ thương. Nhưng không, người đọc sẽ thấy tác giả mở toang một cánh cửa mùa xuân vui tươi và nồng ấm. Cái thủ pháp ấy khiến cho người thưởng thức có cảm tưởng như mình ngồi trong phòng lạnh, nhìn ra bầu trời ngoài kia lung linh đầy ánh sáng. Xin mời hăy đọc qua vế thứ ba:

          Ở phương anh nôn nao bao nỗi nhớ
          Tây Ninh xuân về hương sắc đẹp sao!
          Những con đường đèn hoa giăng rực rỡ
          Những dãy lầu khoe dáng với trời cao

“Phương em” là ở đâu, là địa danh nào tác giả không nói, nhưng “phương anh” là Tây Ninh tác giả nói rõ ràng. Như thế có thể hiểu rằng phương em nếu không là hư cấu thì tác giả cũng chỉ lấy làm tiền đề để chủ ý giới thiệu một Tây Ninh, một bức tranh sắc màu rực rỡ nổi bật trên cái nền mà tác giả lấy từ màu xanh núi rừng hùng vĩ của phương em. Trong vế thơ nầy tác giả giới thiệu sơ qua những nét chung trong vẽ đẹp của mùa xuân Tây Ninh, để rồi khôn khéo hơn, tác giả đă đem một sự ao ước bên nhau để tiếp nối giới thiệu một Tây Ninh với rất nhiều chi tiết có cảnh, có tình, có mộng, có mơ đan xen vào nhau làm cho cây bút viết thơ trở thành cây cọ vẽ , khiến nổi bật những phong cảnh hửu tình, tươi đẹp, nên thơ là quê hương mà tác giả vô cùng yêu mến:

             Giá lúc này mình bên nhau em nhỉ !
             Dạo phố đêm ẻo lả những xe tình
             Công viên ảo huyền, cầu Quan khe khẻ
             Thị xã sắc màu ta cũng thấy lung linh

             Lên núi lạy Bà cầu duyên em nhé
             Trên cáp treo ta giỡn với mây chiều
             Kia Lòng Hồ mênh mang làn sương phủ
              Đây cánh đồng xanh cả mắt em yêu

              Ta chếnh choáng với tím màu Vàm Cỏ
              Gánh đôi bờ xanh cả đất Tây Ninh
              Chiều lững lơ những con thuyền lãng tử
              Bác nông phu nhìn cánh lúa cười tình

Sở dĩ người viết bài nầy chép nguyên ba vế thơ không xen lời bình luận vì nó là một mạch thơ liên tục như mặt gương phản chiếu lấp lánh muôn màu muôn vẻ của cảnh vật thiên nhiên, của tình người thắm thiết mang đầy thứ âm thanh êm ái của quê hương, tiếng rung động của tình người.

Người đọc ba vế thơ nầy, không chỉ thấy cụ thể một miền đất Tây Ninh với những phố phường, với những sông núi mà qua đó liên tưởng đến quê hương thân yêu của chính mình cũng có một linh hồn Việt Nam như Tây Ninh vậy. Tình yêu Tây Ninh trong dòng máu của tác giả được truyền cảm qua dòng thơ, cho nên lời kể trong thơ có âm hưởng như một lời tâm tình, một lời thổ lộ yêu thương, một lá thư tràn ngập tình yêu của một con người chất chứa trong lòng biết bao tình cảm keo sơn, gắn bó và dễ dàng để bật ra tiếng lòng rung động lan tỏa đến tâm hồn người khác.

 Vế cuối của bài thơ tác giả hòa điệu sự rộn ràng đón xuân của quê hương Tây Ninh trong cái nỗi nhớ của riêng ḿnh:
             
               Dân mình yêu quê hương và tiếng hát
               Nên hóa đất trời thành những bài ca
               Cho xuân đến, cứ rộn ràng đất nước
               Cứ rộn ràng anh, nỗi nhớ em xa…

Nỗi nhơ trong ḷng tác giả không làm cho buồn, không làm cho đau mà điểm xuyết cho niềm vui của mùa xuân Tây Ninh đậm đà thêm nữa. Mùa xuân trong bài thơ không trở thành vô nghĩa v́ì thiếu em như trăm ngàn bài thơ khác mà mùa xuân ở đây làm dư vị thêm cho nỗi nhớ, làm dư vị thêm cho ước mơ, làm tôn cao cái giá lạnh ở phương em và cái tươi sáng ở phương anh, nuôi hy vọng  tràn ngập niềm vui ngày đoàn tụ.

Trong bốn câu thơ ở vế cuối, tác giả còn đem “nỗi nhớ em xa” lồng trong “đất trời thành những bài ca”, trong “quê hương và tiếng hát”, trong cái “rộn ràng đất nước” khiến cho cái tình yêu nhỏ bé, cái nỗi nhớ riêng tư được bọc trong tình yêu quê hương cao thượng tự nhiên và hài hòa.

  Bài thơ “Xuân và nỗi Nhớ” của  Lê văn Thật nếu được đem vào làm giảng văn trong học đường thì theo tôi nó là một bài thơ mẫu. Bái thơ diễn tả mùa xuân tràn đầy sức sống trên quê hương. Bài thơ diễn tả nỗi nhớ làm thanh cao tâm hồn và đặc biệt hơn hết, đem tâm tình riêng của mình đặt vào hồn quê hương, đất nước mà lời thơ không gượng ép bởi nó phát xuất tận đáy ḷòng của thi nhân, không vướng víu điều ǵì ngoài tâm hồn thơ chân thành rung động ./.

                                                                     Châu Thạch   




READ MORE - TÂY-NINH TRONG BÀI THƠ “XUÂN VÀ NỖI NHỚ” CỦA LÊ VĂN THẬT - Châu Thạch