Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 19, 2019

THỜI GIAN - Nguyễn Thị Vĩnh Phước

                  Nguyễn Thị Vĩnh Phước


THỜI GIAN                                                               

“Thời gian không đo lường bằng năm tháng mà bằng những gì chúng ta làm được”  (H.Cason)                                                                                                                                                                                                            
Trời cuối hạ với những cơn mưa chiều bất chợt đôi khi làm tôi xốn xang nhớ về những cơn mưa của tháng ngày xa xưa. Ngày ấy, đối với tôi có khi như vừa mới hôm qua, cũng có khi như đã quá xa xôi trong miền dĩ vãng… Giã từ quê nhà Lam Thủy tôi theo gia đình chồng vào miền Nam tìm kiếm cuộc mưu sinh. Bước thẳng vào cuộc sống mới toanh - ở cái nơi chốn mà chưa hề hình dung ra được trong trí tưởng tượng của tôi. Đó là một vùng đất bỏ hoang lâu ngày nên cỏ tranh và lau sậy ngút ngàn. 
Vào thời đó các phương tiện đi lại còn rất hạn chế nên phải sau mấy ngày vất vưởng với giỏ xách, hành lý cồng kềnh lê la ở các bến xe, bến tàu,… rồi cuối cùng chiếc xe đò ngừng lại. Đặt chân xuống ngã ba Mỹ Xuân trên Quốc lộ 51 - đường Saigon đi Vũng Tàu, chúng tôi chia nhau mang vác hành lý. Rời con đường nhựa để đặt chân lên vùng đất xa lạ mới ngán ngẩm làm sao! Ôi! Cái trảng cát mênh mông thuở ấy sao mà chẳng thua gì cát trắng ở vùng rú hoang vu của quê tôi. Bước đi đã nặng vai hành lý mà dưới chân thì cát níu giật lùi. Qua mấy ngày lây lất mất ngủ, bây giờ lại phải di chuyển trong tình trạng như thế tôi chỉ muốn ngã quỵ nên con đường hầu như càng dài thêm. Tôi còn nhớ đó là ngày rằm tháng giêng năm Canh Thân (1980). Chiều ấy trong bóng hoàng hôn, đi bên cạnh người chồng mới cưới, tôi hỏi mãi về ngôi nhà mới mà chúng tôi đang hướng tới qua bãi cát mênh mông còn phả hơi nóng rát sau một ngày dài: Nhà mình từ đầu xóm vào là thứ mấy hở anh? Nhà thế nào? Xung quanh có cây cối chi nhiều không? Nhà mình ở gần nhà ai, có quen không? Những câu hỏi của tôi cứ rơi vào quãng lặng, tôi cũng không dám hỏi lại vì ngại những người chung đường đang nghiêng ngó. Lát sau anh thở dài và bảo tôi cố gắng đi nhanh để đến nơi kẻo trời tối, đường khó đi. Sau nầy tôi mới hiểu chồng tôi làm thinh, anh không thể trả lời những câu hỏi ấy vì nơi đây là chốn rừng thiêng nước độc, chung quanh hoang vắng, nhà cửa thì heo hút nên chưa được gọi là xóm như ở quê nhà.
Sau khi băng qua một con suối nước lạnh căm, chúng tôi lội cát thêm một chặng dài nữa mới thở phào tạm biệt con đường cát trắng. Rời trảng cát, chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ bên phía tay phải. Thấp thoáng hai bên lối đi ngoằn ngoèo là những bụi cây cằn cỗi, thỉnh thoảng vài bụi mua dại khoe từng chùm hoa mang sắc tím lạnh buồn cạnh mấy gò mối cao cao…Và tôi ngỡ ngàng quá đỗi khi bước chân vào căn nhà mới - nhà tranh vách đất đúng nghĩa. Ngôi nhà gồm ba gian nhỏ xíu với các cửa ra vào thông thương thành một lối đi. Đây là căn nhà mà những người đàn ông của gia đình đã tự dựng lên khi cùng nhau đi tìm vùng đất mới, sau đó họ trở về quê và thu vén trong âm thầm, rồi một ngày khi trời còn mờ sương, họ lặng lẽ đưa bầu đoàn thê tử rời quê như chạy trốn. Họ sẵn sàng bỏ lại ngôi nhà rộng rãi, dòng sông trong mát, mảnh vườn rau cải mùa xuân đang xanh mướt và cả ruộng đồng lúa đang thì con gái rì rào sức sống, hứa hẹn một mùa bội thu để ra đi. Vì sao thế? Phải chăng vì sống ở quê nhà khổ quá? Nếu chỉ khổ về vật chất thì con người vẫn có thể vượt qua, vì nơi đó bao đời ông cha ta đã sống thì con cháu vẫn sống được dù thiên nhiên có hà khắc mấy chăng nữa. Nhưng cái khổ về tinh thần thì quả là khó mà chịu đựng, chính điều ấy đã khiến bao người dân quê tôi rủ nhau đi tìm vùng đất mới. Khi đi họ chỉ xin phép chính quyền địa phương là đi thăm người thân, nhưng rồi một ngày họ trở về và chỉ sau một thời gian ngắn họ cùng gia đình biến mất - như các chiến sĩ cách mạng ngày xưa hoạt động bí mật vậy. Ngày đó tôi còn trong lứa tuổi mơ mộng nên sau ngày đám hỏi, nghe chồng tương lai bảo cha con nhà anh sẽ vào Nam tìm đất sống. Khi nào tìm xong anh sẽ về cưới tôi rồi cùng nhau đi lập nghiệp nơi quê hương mới. Dù có buồn vì phải xa mạ, xa bạn bè nơi quê nhà nhưng tôi cũng rất thích. Tôi mơ màng về một vùng đất miền Nam trái ngọt cây lành như trong sách vở, hơn nữa ba người chị gái của tôi cũng đã rời quê vào miền Nam sinh sống từ mấy năm trước nên tôi rất hào hứng. Có ngờ đâu…
Đêm đầu tiên nằm trong ngôi nhà chưa quen tôi nhớ mạ, nhớ ngôi nhà có vườn cây thân yêu ở quê nhà da diết. Trời càng về khuya tôi càng buồn, còn đâu mùi hương thơm của các loài hoa trong vườn nhà cũ? Còn đâu ngọn gió nhẹ đưa kẽo kẹt hàng tre già bên bờ ao? Thay vào đó là tiếng con tắc kè kêu từng chặp suốt đêm đầu hè làm tôi giật mình thảng thốt, chập chờn trong giấc ngủ mệt mỏi, vật vờ…
Thế rồi những ngày mới bắt đầu. Tôi cùng gia đình chồng bắt tay vào việc khai hoang vỡ đất. Ngày ngày vô rừng Sáu Cang hoặc Phước Thái đốn cây phát rẩy. Khi hoàng hôn buông, mọi người ra sức vác những cây gỗ to đã chặt đem về để chuẩn bị cho một căn nhà mới. Khổ nhất là những lúc phải đi dọn rẩy luộc (rẩy có cây mới chặt chưa kịp khô mà đã bị ai đó đốt cháy lan sang), chúng tôi phải vác mớ cây cành cháy lem nhem xếp thành từng đống, sau đó dốt tiếp cho cháy hết mới làm đất để tỉa lúa được. Những lúc đó thôi thì người nào người nấy mặt mũi dính bụi than lem luốc chẳng nhận ra ai nữa. Hồi đó đi làm rừng không như bây giờ đâu, không khẩu trang che mặt, không bao tay và cũng không mang giày dép gì cả, cứ việc giao lưng cho trời, thí mặt cho đất. Tội nhất là hai bàn chân trần, nó phồng rộp lên đau đớn vì dẫm phải rễ cây hoặc than còn nóng. Cứ tưởng rời bỏ quê nhà để thoát cảnh khốn khổ, nay lại càng vất vả hơn nên tối nào đi làm về tôi cũng lén ra sau vườn, hướng về phía quê nhà mặc cho nước mắt tuôn trào mà kêu mãi hai tiếng “Mạ ơi!”.
Từng ngày, từng ngày; công việc cứ tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Việc làm nặng nhọc đã lấy hết thì giờ nên tôi cũng không còn rảnh rỗi chút nào mà buồn rầu nữa, tuổi thanh xuân của tôi coi như giao phó cho các đám đất mới vỡ. Ngày đi làm rẩy xa, đêm về cuốc đất quanh nhà cho kịp mùa vụ. Trăng treo đầu ngọn cây mới được vào nhà, sự mệt mỏi đã kéo sụp hai mí mắt xuống, còn thì giờ đâu mà suy tư, nghĩ ngợi? Cuộc sống cứ tiếp tục như thế, không chỉ vất vả vì công việc nặng nhọc mà còn đầy gian nan, thử thách với bao bệnh tật, lo sợ… Đêm đêm những con chim lạ lại đến đậu trên cành cây trước sân nhà kêu lên từng hồi cứ như là ma tru, quỷ khóc làm sởn cả người…
Tháng ngày gian nan vất vả trên vùng đất mới không làm sao nói cho hết. Những bữa ăn chủ yếu là khoai sắn cõng cơm không làm no lòng kẻ tha hương. Sau mỗi ngày dài phát rẩy, buổi tối cả nhà tôi cùng nhau ngồi chẻ củi bán để lấy tiền mua gạo và thức ăn. Chúng tôi cưa những khúc cây dài rồi chẻ mỏng từng thanh, sau đó bó cứ 5 thanh củi áp vào nhau thành một bó - một thanh ở chính giữa làm chuẩn cho bốn thanh khác áp vào bốn phía. Việc bó củi cần có sự tính toán thật khéo để khi cầm lên không bị lỏng lẻo và trông bó củi có vẻ to. Cứ vài ngày, ba chúng tôi (tôi, ông xã và cô em chồng) lại gánh củi ra chợ bến ghe Mỹ Xuân bán một lần. Ba gánh củi chất cao hết mức mà chỉ bán được khoảng chừng 75 ngàn đồng. Với số tiền ít ỏi đó, tôi chia ra để mua gạo còn bao nhiêu thì mua mắm muối… và một bữa ăn sang cho cả nhà là một nồi miến nấu với vài lạng mỡ heo.
Tôi còn nhớ trong những bữa ăn, có cậu em bà con bên chồng của tôi thường than thở: Gỗ đâu mà toàn bìa? Đó là vì nồi cơm nấu với khoai khô mà củ khoai nhỏ quá nên khi cắt phơi chỉ chẻ đôi, thành ra thấy toàn là bìa (vỏ) mà không có ruột. Có lần mấy người phát rẩy bắt được một con nhím đem làm thịt. Nhà tôi cũng được chia một phần, tôi sợ quá không dám ăn, chồng tôi cũng vậy, chỉ lấy một ít lông nhím coi cho vui thôi. Ai cũng bảo dại, ăn thịt vào cho có chất đạm chứ! Ngồi nghe mọi người nhai thịt nhím lạo xạo mà rùng mình, tôi như còn nghe âm thanh ấy đến tận bây giờ vậy. Có lần vào lúc trời chạng vạng tối cả nhà đang ngồi ăn cơm, tôi nhìn ra sân bỗng thấy từ trong đống cây chuẩn bị cho ngôi nhà mới để bên góc sân có một khúc gỗ to chợt dựng đứng lên và lùi lũi tiến ra giữa sân. Tôi bật người kêu lên: “Ba ơi! Cái cột biết đi kìa!” Cả nhà bỏ đũa chạy ra coi. Chồng tôi la lên: “Rắn! Rắn!”. Mấy người đàn ông vơ vội rựa và cuốc chạy theo cái cột di động, định chặt nó nhưng tôi can, sợ mình chặt không đứt mà còn bị nó quay lại quật cho thì càng nguy hiểm. Thế là cả nhà đứng nhìn cây gỗ mun ấy chậm chạp bò qua sân và biến mất sau đám cỏ tranh. Thật kinh khủng! Cũng trong đám cỏ tranh ấy, mỗi lần tôi và cô em chồng đi cắt tranh về đánh lại thành tấm để lợp nhà thì bắt gặp vô số là rắn. Con thì dài thượt, có con ngắn cỡ gang tay và hình như có hai đầu thì phải. Người ta gọi tên loại rắn nầy là rắn Cát Nhĩ Lan, nghe nói nó rất độc. Tôi là đứa sợ rắn cực kỳ mà cứ cầm phải nó cùng với nắm cỏ tranh trong tay để cắt. Những lần đầu tôi còn vứt cả liềm mà bỏ chạy, nhưng ngày nào cũng bị vậy đâm nhờn, tôi chai hẳn đi và cố gắng bớt sợ để làm cho xong công việc.
Nhưng trong cảnh đời gian khổ cũng có những niềm vui nho nhỏ. Tuổi thanh niên sức dài vai rộng luôn yêu đời tha thiết. Những ngày đông lành lạnh trời nắng ráo, trên đường vào nương rẩy chúng tôi co ro bên nhau mà an ủi rằng miền Nam lạnh nhưng không mưa dầm, đến trưa trời lại nắng ấm, sướng hơn ngoài mình nhiều. Làm đất khô cũng lắm vất vả nhưng lại bảo thế là thoát cảnh sợ đĩa. Tối về cần thì làm thêm việc trong vườn nhà mà mệt thì có thể ngủ, không phải dự những buổi họp hành đến khi gà gáy như thời ở quê. Rồi thì mùa nào thức ấy: mùa đậu phụng tôi nấu cả thúng đậu tươi, mùa bắp tôi luộc bắp trái cả thùng lớn, ông xã tôi là tay đàn guitar khá ngọt và các em chồng tôi ai cũng thích ca hát, thế là đám thanh niên quanh nhà tìm đến. Trong những đêm trăng sáng, chúng tôi quây quần bên nhau vừa ăn vừa trò chuyện hát ca. Thôi thì tha hồ hát bất cứ bài nào mình thích mà không sợ bị bắt đi nhổ cỏ. (Hồi ở quê, có lần tôi hát Mưa hồng của Trịnh Công Sơn bị thiên hạ nghe được, thế là Xã Đoàn mời vô xã làm kiểm điểm và bắt nhổ cỏ sân uỷ ban xã hết mấy ngày). Hết hát lại kể chuyện tiếu lâm có thật - nhất là những chuyện mới tinh vừa xảy ra trên vùng đất mới. Ví dụ có nhà bảo nhau vào đất miền Nam phải nói tiếng Saigon chứ cứ giọng Quảng Trị người ta không hiểu, phải tập nói ngay từ bây giờ. Thế là có chuyện rằng cô nọ đi làm về kể lại: Tôi đứng cuốc đất lâu quá cái chân bị kia (tê)  nên phải đến ngồi trên cái đâu (mô) đất… (Ha ha ha). Rồi khi thu hoạch, bán sản phẩm có tiền tôi làm một bữa cơm thật hoành tráng đãi mấy anh em để bù những ngày ăn bìa thiếu gỗ. Có bữa mấy đứa con trai choai choai thách nhau ăn cơm, một tên xơi luôn 23 chén đầy. Ăn xong no căng thiếu đường rách da bụng, thấy nó nằm thở giốc chúng tôi sợ quá chừng chừng, may mà chưa đến nổi bể bụng (!)
Thời gian cứ thế dần trôi. Lâu lâu lại có người đến thăm, chê vùng đất nầy thiếu mầu mỡ, thế là lắm người lại bồng bế nhau bỏ nơi nầy, đi tìm nơi khác đất đai tốt hơn. Vợ chồng tôi không đi vì quả thật tôi không đủ sức, hai đứa lại thuộc loại người “chiêu chang” nên không đủ can đảm đi tìm đất hứa lần nữa. Có lần về thăm em, chị An Lành thấy chồng tôi đi củi về dáng điệu quá thảm hại. Hỏi, chồng tôi nói mùa nông nhàn, hết việc không biết làm gì nên đi kiếm gánh củi, sáng mai ra chợ bán cũng đong được vài loong gạo. Chị bảo người thư sinh thế mà toàn làm việc nặng nhọc chịu sao xiết, thôi em lên Biên Hoà vài tháng, anh truyền cho cái nghề, khi nào rảnh rỗi nhận may vài bộ áo quần cũng có thêm thu nhập mà đỡ vất vả. Và kể từ mùa xuân đó, chồng tôi có thêm nghề may áo quần cho bà con quanh vùng.
Người cũ bỏ đi nhưng người mới lại đến. Nơi đây trở thành điểm tụ tập cho những người đến muộn, nhất là người dân bên kia vĩ tuyến 17. Người đi tìm đất sống càng lúc càng kéo đến đông hơn. Cái quạnh quẽ của vùng đất ban đầu đã dần thay đổi, nương rẩy đã đi vào ổn định, vợ chồng tôi có con nên được ra ở riêng, tôi cũng đã thích nghi với cuộc sống nơi đây. Rồi cuộc sống liên tiếp thay đổi đến chóng mặt, lúc này hai đứa con trai của tôi đang học tiểu học tại ngôi trường gần nhà còn bé út mới hai tuổi thì gởi nhà ngoại tại Biên Hoà, (năm 1982, chị tôi chuyển công tác vào Nam dạy học luôn nên mạ tôi đành phải theo con - vì chẳng còn đứa con nào ở quê với bà nữa). Vợ chồng tôi ngoài thời gian lo việc nương rẩy còn mở thêm quán may nhỏ ven đường - chồng cắt may, vợ làm khuy nút. Tay nghề của chồng tôi dù chỉ qua sự truyền dạy của ông anh rể có mấy tháng nhưng nhờ chịu khó, chăm chỉ nên những bộ âu phục hình thành từ tay anh ấy được khách hàng ưa chuộng. Tôi chấp nhận số phận, chấp nhận cuộc sống hiện tại, ngày ngày cặm cụi làm việc và nuôi dạy con cái. Hai con trai của tôi đều học giỏi và rất ngoan, sau giờ học các cháu không chỉ chơi đùa mà còn tự nguyện giúp ba mẹ những việc nhà lặt vặt phù hợp với sức lực trong độ tuổi của chúng nữa. Và cứ thế, tôi sống an phận trong cái hạnh phúc đơn sơ, nhỏ bé của một gia đình nghèo mà tiếng cười luôn đầy ắp nơi vùng quê mới.
Ngày đó tôi cứ tưởng giấc mơ làm cô giáo từ bé của mình sẽ không bao giờ thực hiện được. Không ngờ vào một buổi chiều, chú Tiến - người bà con ở cùng xóm và là hiệu phó trường con tôi đang theo học - đến nhà tôi thăm. Qua một hồi chuyện vãn, khen ngợi việc học hành của hai con trai tôi, chú ấy đi vào vấn đề là mời tôi vào dạy ở trường tiểu học mà chú đang làm Phó hiệu trưởng. Tôi vừa ngạc nhiên lại vừa lo lắng nói với chú: “Không được mô, chị đã bỏ cây bút lâu lắm rồi, chừ cầm lại chắc sẽ khó lắm. Rứa cơ sở mô mà chú nói chị đi dạy? Chú không sợ chị dạy không được làm ảnh hưởng tới chú à?”. Tiến vừa cười vừa trả lời: “Thầy hiệu trưởng trong trường nhờ em mời chị vô dạy đó chơ.”. Tôi thắc mắc: “Ông hiệu trưởng? Chị và ông ấy có biết gì về nhau đâu mà…”. Tiến vui vẻ: “Chị không nhớ là hai thằng con của chị đều được chọn vào đội tuyển của trường đi thi học sinh giỏi cấp Tỉnh kỳ rồi sao?” Tôi ngơ ngác: “Nhớ chứ! Nhưng… liên quan gì đến chuyện nầy?” Tiến kể: “Thấy cả 2 anh em đều mang niềm vinh dự về cho trường, thầy hiệu trưởng liền gọi đến hỏi: Ngoài học ở trường, các con còn đi học thêm ở đâu không? Cả hai đứa đều nói: Thưa thầy, chúng con không học thêm đâu cả mà học ở nhà, mẹ con dạy cho hai anh em con ạ!”. Rồi Tiến nhìn tôi kết luận: “Nhà trường vùng kinh tế mới nên đang thiếu giáo viên, ban giám hiệu chúng tôi quyết định đến mời chị cùng tham gia việc truyền kiến thức cho các em học sinh nhỏ. Đó, chị yên tâm chưa?”. Tôi im lặng mà mắt ngân ngấn nước, tôi thương các con tôi quá. Chúng biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đâu dám xin tiền đi học thêm như các trẻ khác. Khi ôn bài ở nhà, bí đến đâu chúng hỏi mẹ đến đó. Còn tôi, khi giúp các con học tôi rất vui với ý nghĩ những ngày tháng miệt mài sách vở trước kia của mình đã không hoài phí.

Trước đề nghị bất ngờ của Tiến, tôi cứ tưởng mình nằm mơ. Ngày ấy ở quê nhà, bạn cùng lớp với tôi một số không tiếp tục học thì nộp đơn vào sư phạm và được nhận một cách dễ dàng. Vì sau ngày 30/4, số giáo viên bên kia giới tuyến về nhận nhiệm sở tại các trường vùng thôn quê Quảng Trị trình độ rất chi là… trời ơi đất hỡi. Hồi ấy người ta thường gọi là giáo viên bảy cộng không hai; năm cộng không ba - nghĩa là có trình độ lớp 7 hay lớp 5 thì chỉ cần học thêm 2 hoặc 3 tháng sư phạm là trở thành giáo viên dạy cấp 1 (tiểu học). Hoặc chín cộng không sáu - lớp 9 học thêm 6 tháng sư phạm - thì ra dạy cấp 2 (từ lớp 6 đến lớp 9), v.v… Ba chị em nhà tôi cũng mon men làm đơn, chị Nho làm sớm được chính quyền xã ký, nhờ có cái bằng Tú Tài 2 nên chị được gọi vào Huế học Cao Đẳng Sư Phạm. Có lẽ đó là một chữ ký nhầm nên đến phiên tôi và chị Liên Hưng vác đơn vô thì họ không ký. Lý do là thanh niên mà chị em tôi chưa đóng góp gì để xây dựng quê hương, vậy phải ở nhà làm nghĩa vụ lao động. Và tôi đã phải trải qua những ngày tháng ngậm ngùi, gian khổ mà chị tôi thường mượn tên một tác phẩm nước ngoài để đùa là “Lưu đày nơi quê nhà”. Còn chị Liên Hưng của tôi - không dễ dàng chấp nhận số phận “lưu đày” như tôi nên một buổi sáng mù sương chị đã xuống thuyền, bỏ nhà vào Nam tìm con đường sống khác khi vừa rời ghế nhà trường.
Trở lại việc được mời đi dạy, thật sự tôi chưa yên tâm chút nào dù rất cảm ơn chú Tiến - người đã dẫn đường cho tôi đến gần bến bờ mơ ước từ thuở còn thơ ấu của tôi. Ngày vào trường trình diện để nhận việc, sau khi phân công chuyên môn cho tôi phụ trách lớp Bốn A2 của trường, thầy hiệu trưởng khích lệ: “Cô đừng lo, cứ coi các em học sinh như con của mình, cô dạy các con thế nào thì dạy các em thế ấy, tôi tin cô sẽ làm được”. Lời nói ấy như truyền thêm niềm tin và nghị lực cho tôi, tôi thầm nghĩ: “Mình nhất định sẽ làm được!”
Và tôi đã làm được. Tôi còn nhớ một kỷ niệm vui của những ngày còn chân ướt chân ráo lúc mới vào nghề Kỹ sư tâm hồn. Một buổi sáng vừa bước chân vào lớp, nghe tiếng ồn ào phía cổng trường tôi nhìn ra thấy một đoàn xe honda chừng hơn mười chiếc nối đuôi nhau tiến thẳng vô trường. Thì ra đó là đoàn thanh tra của Phòng giáo dục về kiểm tra trường đột xuất. Thấy các thầy cô khác vội vã lo lắng, thầy Thiện chạy qua lớp tôi hỏi mượn bảng nhỏ cho học sinh rồi hỏi có ai dự giờ lớp tôi không, tôi nói với thầy chắc tôi mới vô dạy mấy ngày người ta không dự đâu. Đến giờ học sinh vào lớp, tôi thản nhiên giảng bài cho học sinh như thường lệ. Bỗng có một người trong đoàn thanh tra đến trước cửa lớp hỏi tôi: “Đã có ai dự giờ lớp cô chưa?” Tôi thiệt tình đáp: “Dạ chưa”. Ai dè ông ta nói: “Vậy cô cho tôi dự giờ Toán…”. Chưa dứt câu ông đã bước vào ngồi cuối lớp, kế bên em Lụa là một học sinh to con và học yếu nhất lớp. Tôi thảng thốt, tim đập liên hồi như trống trận. Trời ơi! Thế mà tôi ngây thơ cứ nghĩ… Diễn biến ấy chưa tới một phút nhưng tôi tưởng như cả thế kỷ không bằng. Cố giữ bình tĩnh, tôi nói với “ngài thanh tra” rằng thầy cho tôi ba phút chuẩn bị. Sau khi phát đủ bảng nhỏ cho cả lớp, tôi bắt đầu bớt run, lòng thầm nghĩ: “Đây là một nghề mình yêu thích nhất, mình cứ giảng bài như thường lệ, cứ xem ông ấy như là một “học trò già” trong lớp. Nếu được nhận xét “đạt” thì tốt; ngược lại bị chê và người ta không cho mình dạy nữa thì thôi vì mình đã qua đào tạo chuyên môn gì đâu mà mắc cở”. Nghĩ vậy tôi thấy tự tin hơn và tiến hành tiết dạy một cách tự nhiên. Cuối buổi dự giờ, đoàn thanh tra họp nhận xét chuyên môn và tác phong của giáo viên trong tiết dạy. Xong, Tiến tươi cười đi nhanh về phía tôi nói: “Chúc mừng chị nghe, thầy Lụa nhận xét chị dạy rất bản lĩnh đồng thời có sự quan tâm động viên học sinh yếu của lớp rất tốt”. Trời ạ, mới nghe tới đó tôi muốn xỉu luôn. Không phải vì thầy khen tôi đâu mà vì tên của thầy là Lụa. Lụa cũng là tên của em học sinh yếu nhất lớp nên giờ học nào tôi cũng thường gọi em để... rèn. Hèn chi mỗi lần tôi gọi “Lụa!” là thầy dòm tôi… Tôi đến bên em Lụa để hướng dẫn thêm về cách giải toán thì thầy ngồi sát em Lụa cũng chăm chăm dòm theo… Ối giời ôi! Khi nghe tôi kể lại giờ dạy toán đó Tiến ôm bụng cười như nắc nẻ. Thật là!

 Lần dự giờ đó như một thử thách cho tôi vững lòng tin hơn vào khả năng của mình để bước tiếp trong nghề dạy học. Rồi ông xã tôi cũng được nhà trường mời vào dạy. Mùa hè năm đó nghe Sở giáo dục tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mở lớp tại chức cho những thầy cô giáo chưa có bằng sư phạm, vậy là tôi làm đơn lên phòng tổ chức để xin cho ông xã tôi đi học. Vào một buổi sáng sớm, sau khi đạp xe vượt qua quãng đường dài chừng 20km, tôi đến nhà thầy Dương – cán bộ có thẩm quyền phê duyệt đơn đi học. Khi tôi đến, cả nhà thầy đang dùng bữa sáng, thấy tôi vào thì chị Phương (vợ thầy Dương đang làm Phó hiệu trưởng trường cấp 3 Phước Hòa) chạy ra dẫn tôi vào rồi kêu tôi cùng ăn sáng, tôi nhẹ nhàng cám ơn chị rồi xin phép gặp thầy để trình bày nguyện vọng. Sau khi nghe tôi nói, cả thầy Dương lẫn chị Phương đều la tôi: “Sao em không đi học mà chỉ xin cho ông xã? Em có biết mai này không có bằng cấp sẽ bị sa thải không? Em nói con còn nhỏ à? Con út em ba tuổi rồi có phải lo bú mớm gì đâu chứ? Điều kiện kinh tế à? Mọi người đi học được thì em cũng đi học được. Em hy sinh bản thân nhiều quá rối đấy! Về làm đơn nói ông hiệu trưởng ký vô, lên đây thầy duyệt để hai vợ chồng đi học luôn”. Cũng nhờ thầy Dương và chị Phương la mà sau nầy tôi mới có được bằng cấp đàng hoàng để tiếp tục dạy học. Thật không biết nói thế nào để cám ơn. Đó là những người tốt bụng, chỉ một lần gặp đầu tiên đã thương mến và giúp đỡ tôi tận tình. Tình cảm nầy tôi luôn ghi nhớ trong lòng không bao giờ phai nhạt.
Thế là từ đó, liên tục mấy mùa hè vợ chồng tôi không có ngày hè. Hai đứa cơm đùm gạo bới đến trường Trung học Sư Phạm tại Bà Rịa - cách nhà trên 30 cây số để làm “giáo sinh”, mỗi tuần mới về nhà một lần. Trong căn nhà nhỏ lợp lá, hai con trai nhỏ của tôi tự lo cuộc sống hàng ngày và chăm sóc nhà cửa. Riêng bé út, chị LH đã về bồng lên Biên Hoà để chăm sóc trong suốt những ngày tháng đó. Bé ở nhà ngoại đến nổi quên luôn ba mẹ, có lần tôi đến thăm con, nó chào thưa dì rồi bảo dì ở nhà chờ mẹ cháu đi làm về sẽ có bánh… làm tôi tủi thân bật khóc.
Bên cạnh cuộc sống của gia đình nhỏ của tôi luôn có sự bảo bọc, che chở đầy tình thương của những người thân. Những lúc khốn khó hoặc lâm vào cảnh đau ốm tôi thường được mạ và các chị nắm chặt tay, kéo tôi ra khỏi cơn nguy khốn. Tình thương của những người thân tôi yêu quý luôn là nấc thang dẫn lối cho tôi vững bước trên đường đời vốn chẳng hề bằng phẳng. Riêng đối với môi trường sư phạm mà tôi đã gắn bó lại càng gắn bó hơn. Qua thời gian công tác, tôi rất vui vì được các bậc phụ huynh và học sinh tin yêu. Được bạn bè đồng nghiệp quý mến và nhất là phía ban lãnh đạo cũng rất tin tưởng khi giao việc cho tôi. Bây giờ ngồi viết lại những dòng chữ nầy tôi không hiểu hồi đó sức mạnh nào đã giúp tôi làm được nhiều việc như vậy nữa. Tôi dặn hai con trai ngoài giờ học ở trường, các con cố gắng giúp mẹ việc nhà để mẹ có thì giờ làm thêm hầu có  tiền để lo cho các con. May sao hai con trai tôi rất ngoan. Hoàng Nguyên học buổi sáng thì làm việc nhà buổi chiều; còn Hoàng Quân học buổi chiều thì buổi sáng làm việc nhà. Tuy nói nghe nhẹ nhàng thế chứ những việc không tên ở nhà tôi hồi đó không ít đâu. Buổi sáng thì nấu bữa sáng, rửa ly pha trà, phơi áo quần, chặt củi, nấu cơm trưa. Buổi chiều phải rửa chén, gánh nước, tắm heo, nấu cơm tối, lùa gà vô chuồng, …Ông xã tôi thì sáng làm thầy, chiều làm thợ. Có nghĩa là buổi sáng đi dạy học, chiều về làm thợ may đó mà. Riêng tôi, ít có bữa trưa được ăn cơm cùng gia đình. Buổi sáng đi dạy, tôi dẫn theo Út Quỳnh, tôi gởi bé ngồi chầu rìa (học dự thính) ở lớp cô Quyết dạy lớp Một - vì bé chưa đủ tuổi vào lớp mà thời đó vùng tôi ở chưa có trường mẫu giáo. Riêng tôi vừa dạy học vừa làm thêm các việc khác của nhà trường. Mỗi ngày tôi dạy hai lớp: sáng một lớp, chiều một lớp. Dạy xong buổi sáng, tôi vào phòng thư viện nhà trường ăn trưa với chiếc bánh mì mua từ sáng mang theo nguội ngắt rồi làm sổ sách, thống kê các số liệu của thư viện. Sau đó tiếp tục dạy lớp buổi chiều. Đêm nào cũng thế, bên ngọn đèn dầu tôi thức đến hai giờ sáng là chuyện thường tình. Tôi thức để soạn giáo án, lên kế hoạch, báo cáo, dự toán, quyết toán Công đoàn, kế toán nhà trường, hồ sơ của tổ chuyên môn,…  Trong không gian yên ắng, mọi người đã an giấc, gà gáy đi gáy lại nhưng xong việc tôi mới ngủ yên được. Tôi cũng biết vì ban giám hiệu tin cậy nên mới giao việc cho tôi, đồng thời họ cũng tạo điều kiện để tôi kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình. Vì vậy, tôi cũng quyết tâm làm tốt mọi việc để khỏi phụ lòng của những người đã quan tâm đến gia đình mình.
Dạo mới đến, nhà tôi tìm đất gần suối để tiện canh tác nên sau nầy trở nên bất tiện. Trong khi phía ngoài, đường sá mở mang rộng rãi thì xóm nhà tôi ở vẫn những con đường đất ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Mỗi lần đi học về út Quỳnh té lên té xuống, tôi xót con vô cùng. Vậy là gom góp số tiền dành dụm bằng sức lao động bấy lâu nay, vợ chồng tôi mua miếng đất gần đường cái để dời nhà ra đó. Rồi đất nước vào thời kỳ mở cửa, người khắp nơi kéo về đông hơn. Những nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu dòm ngó vùng đất còn nhiều khoảng trống hoang hoá lâu ngày. Khu đất cát ở cái trảng cát mà thời chúng tôi đến không ai thèm dòm ngó, giờ lên giá vùn vụt. Vì những người đến trước luôn tìm đất tốt gần khe suối để canh tác, chứ ai dại gì mà cắm dùi trên đất cát? Những người đến sau hết đất tốt nên đành phải làm nhà dọc theo cái trảng cát ấy, thế mà bây giờ nó trở thành “mặt tiền”. Chẳng mấy chốc bộ mặt nơi đây thay đổi hẳn: nhà cửa khang trang; nhà nào cũng có vài chiếc xe máy làm phương tiện đi lại; những cái bếp ga sáng loáng sạch sẽ được thay cho bếp củi ngày nào. Điện về, nhà nào cũng có ti vi, máy hát, điện thoại. Chưa có nước máy thì dùng nước giếng khoan, chỉ cần bật cầu dao là nước phun lên đầy thùng chứa - không cần phải trầy tay kèo gàu như dạo trước. Những ngôi trường kiểu mẫu thi nhau mọc lên. Chỗ lội suối trên lối đi ngày nào giờ đã có cầu bê tông bắc ngang, con đường cát trắng níu chân người được tô một màu đỏ mới, sau đó được tráng nhựa và bây giờ nó trở thành một trong những con đường đẹp của miền Nam.  Cuộc sống thay da đổi thịt khiến nhà nhà không còn phải vất vả như dạo trước. Phải chăng đó là phần thưởng cho những con người chịu thương chịu khó cố bám lấy mảnh đất nầy.
Người xưa nói thời gian như bóng câu cửa sổ. Còn tôi, tôi thấy thời gian như một giấc mộng dài. Đôi lúc bất chợt trong giấc mơ tôi lại thấy mình là cô bé 4, 5 tuổi mặc áo đầm oanh vũ nữ lên hát bài Reo vang bình minh trên sân khấu chùa làng trong đêm mừng Phật đản được khán giả vỗ tay vang rền - trong đó có lẽ tiếng vỗ tay của mạ tôi vang to nhất. Rồi khi tôi lại mơ thấy mạ cõng tôi chạy giữa hai lằn đạn ì ầm trong cái đêm kinh hoàng cuối thu năm 1966. Khi lội qua con mương bị nước ngập ướt hết quần áo, vào nhà bác Xạ lấy tạm áo quần cô cháu mới 13 tuổi của bác để thay, nhìn mạ mặc áo quần củn cỡn tôi cứ cười như nắc nẻ, quên cả đói, cả sợ. Nhiều nhất là tôi nằm mơ thời đi học, hết làm học trò trường Tiểu học Nữ Quảng Trị đến trường Trung học Nguyễn Hoàng. Xen lẫn vào những giấc mộng ấy còn có cả những gian khổ của giai đoạn lưu đày nơi quê nhà. Ôi! Lắm lúc tỉnh dậy tôi vẫn bàng hoàng chưa định được không gian và thời gian mình đang sống.
Mạ tôi lại thường bảo đời là một tấn tuồng, mỗi lần chiếc màn sân khấu kéo lên lại thấy một lớp tuồng mới. Chiếc màn ấy nhiều lần kéo lên, thả xuống và chỉ chấm dứt khi đôi mắt ta vĩnh viễn khép lại. Tôi thấy đúng quá. Mới ngày nào tôi còn theo gia đình chồng bỡ ngỡ đến vùng đất mới này; mới ngày nào tôi còn mong đứa con trai đầu biết đi biết nói; mới ngày nào tôi thấy hình bóng tuổi thơ của mình trong đứa con gái út mà bây giờ chúng đều đã lớn khôn. Còn tôi, tôi đã bước vào cái tuổi tri thiên mệnh. Bất chợt soi gương thấy sợi tóc thay màu bên thái dương mình hay đôi lúc nhìn những vết hằn phá ngang nét thanh tú trên khuôn mặt của chồng - tôi bất giác thở dài. Nhưng rồi nhìn con cháu tôi lại thấy vui, hai con trai lớn của tôi đã nên gia thất, có công ăn việc làm ổn định. Các cháu nội của tôi rất dễ thương và “mê” ông bà nội hơn cả ba mẹ chúng. Gái út Khánh Quỳnh cũng vừa trả xong nợ đèn sách, hôm sinh nhật cháu cũng là ngày cháu nhận được điểm thi tốt nghiệp đại học khá cao và chỉ hai tuần sau là có người mang trầu rượu đến “bỏ nhánh nè”. Cha mẹ đôi bên cùng đợi chúng nhận công tác một thời gian sẽ tổ chức lễ cưới để chúng chăm lo cho nhau. Thế là vợ chồng tôi đã xong phần nào nhiệm vụ làm cha làm mẹ, xong phần nào trách nhiệm bình thường của một đời người.
Với tôi, giấc mộng đời đi qua chưa dài nhưng cũng không ngắn. Phải chăng vì tôi đã trải qua không ít đắng cay, gian khổ? Tuy nhiên khi vượt qua chặng đường gai góc thì ta cũng cầm được trên tay nhánh hoa hồng. Tôi đã có những đứa con hiếu thảo cùng những đứa cháu thật đáng yêu.  Và bây giờ, ước mơ còn lại với tôi thật đơn giản, đó là một cuộc sống bình an bên gia đình; một mảnh vườn nho nhỏ để tôi lại vun trồng những hoa lá, cây trái yêu thích như khu vườn cũ của ba mạ tôi ngày nào nơi quê nhà yêu dấu.

Và thời gian ơi! Tôi không mong thời gian ngừng lại, thời gian cứ đi về phía trước theo định luật. Song, tôi mong rằng con đường của thời gian ngày càng rộng rãi, càng sáng sủa hơn để đời con cháu chúng tôi không còn phải vất vả, gian nan vì những ngày tháng ngậm ngùi.

                                              Nguyễn Thị Vĩnh Phước
                                                          (2011)

READ MORE - THỜI GIAN - Nguyễn Thị Vĩnh Phước

CHỊ TÔI... - Quang Tuyết



                              Chị Thủy An


CHỊ TÔI...

Viết về chị cả đời không hết chuyện... Khen suốt ngày cũng không cạn ý, và có cố gắng học mãi đức tính tốt của chị cũng khó thành công vì đó là bẩm sinh.
Chỉ mỗi phong thái ngồi, đi... của chị thôi mà tôi học hoài sao cứ lóng cóng vụng về, đừng nói chi đến lời ăn tiếng nói điềm đạm, ôn nhu cùng lối xử thế luôn một mực nhẹ nhàng với tất cả mọi người chung quanh...
Tôi không nhớ là đọc ở đâu bài viết về những người mẹ, người chị Việt Nam..., những hình ảnh và nội dung bài viết làm tôi liên tưởng đến chị: Nhu mì, hiền thục, chu đáo và hy sinh... Chưa hết, còn tiềm ẩn trong lòng một chữ TÂM đậm nét.
Chị lấy chồng rất sớm. Chắc hẳn anh phải lòng từ nét dễ thương đoan trang sớm lộ của chị, nên tìm cách chinh phục và rước về nhà mình. Chưa hạnh phúc bao ngày, lịch sử biến động và sang trang... từ một cô gái trâm anh thế phiệt, chị phải tần tảo nuôi con, chăm sóc cha mẹ già thay anh. Cuộc sống muôn vàn khó khăn, tình đời luôn chao đảo... không làm tàn úa đi một nhan sắc dịu hiền, khô khan nét đẹp tâm hồn vốn có... Chị đã ung dung đến lớp trong tà áo dài đen cùng đàn học sinh nhỏ. Rồi từ gánh chè khuya hiu hắt sương đêm... từ đôi tay vén khéo đảm đang, nuôi dạy các con trưởng thành chờ đến ngày gia đình sum họp...

     
                                          Tác giả bài viết Quang Tuyết

Giờ đây, chị đã sống trong hạnh phúc, con cháu đều trưởng thành... đôi lúc chị em ngồi nói chuyện với nhau... chị nhắc nhở chuyện ngày xưa với giọng nói thản nhiên hiền hòa, không hề than thở mà chỉ là ôn cố tri tân...từ những gì từng trải... chị thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn của người khác, nên thường chia sẻ với tha nhân... với anh chị em bạn bè bằng tất cả tấm lòng nhân ái của chị.
Năm nào cũng thế, ngày mùng 4 Tết chúng tôi hẹn nhau đến chúc Tết nhà chị. Biết chị không còn khỏe, lại phải lo chăm sóc O Tỷ và anh, anh em chúng tôi yêu cầu uống trà thay rượu, ăn mứt bánh nhẹ nhàng. Nhưng chưa bao giờ chị để mọi người ra về khi chưa mời được bữa cơm. Còn lì xì mừng tuổi nữa. Cầm phong bì đỏ tưởng như mình bé lại. Vui và xúc động vô cùng.
Chỉ từ chữ TÂM thôi anh chị ạ. Dù chỉ là bữa ăn bất ngờ ghé đến vẫn chu đáo từ dĩa rau, chén mắm cho đến tô canh mát rượi, ngọt ngào không phân biệt đó là cô em nhỏ đơn giản hay là người khách quý. Anh em Nguyễn Hoàng thì khỏi phải nói. Tổ chức ở đâu, nhóm nhỏ vài chục hay 4, 5 bàn. Nghe em út xầm xì lo lắng là chị lên tiếng: Để chị giúp các em...Vậy là chúng tôi yên tâm. Chị vắt óc suy nghĩ sáng tạo menu... Một mình đi chợ mua dần các thứ cần thiết... rồi ngồi tĩa tỉ mỉ từng củ khoai... cuộn từng lọn mì, ướp từng miếng thịt v.v… Đến giờ G chúng tôi chỉ có việc tới nhận đưa về địa điểm... Trước khi chuyển giao, chị còn dặn dò bày biện ra sao, dùng dĩa tô hình gì cỡ gì, rưới nước xốt khi nào... Chưa xong đâu nhé, sau vài chục phút độ chừng chúng tôi đang ra dĩa, chị còn gọi điện thoại hỏi và nhắc nhở lại mới yên tâm đó. Chao ôi! Những món ăn chị nấu bao giờ cũng ngon, vị vừa miệng và ít nhất sẽ có một món lạ được biến tấu theo cung bậc riêng vừa lạ mắt... vừa tuyệt vời. Xúc động hơn là chị nhớ khẩu vị kiêng khem mỗi người, hôm ấy tôi lặng nguời khi nghe ML nói thực đơn có những hai món gỏi, và không chế biến thịt gà vì tôi với chị Mai (vợ anh Hạt) không ăn được thịt bò, gà. TÂM nguời chị đối với em út ở đó... Vô cùng ý nghĩa dù chỉ đơn giản một suy nghĩ. Chữ TÂM cần thiết cho tất cả mọi vấn đề, nguời chế biến món ăn cũng không ngoại lệ. Ngon hay không ngoài quen tay vẫn phải cần tâm người nấu, trình bày đẹp hay luộm thuộm ngoài năng khiếu ra không thể thiếu cái tâm cống hiến. Cứ đến đó, ngắm từ dĩa rau sống, Salad được sắp từng thứ ngăn nắp trên dĩa, những miếng sườn non hon óng ánh hay nhìn chị chăm chú gọt tỉa, quan sát cách ngắt gọt từng miếng củ, ngọn rau sẽ nhận ra bữa cơm chúng tôi sắp thưởng thức, được hoàn thành từ tình yêu thương trân quý thế nào của người chị đặc biệt nầy... Vì vậy, mỗi món chị nấu không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là những tác phẩm của một người nghệ sĩ...
Nếu nói con người không ai có thể hoàn hảo, theo nhận định của tôi : khuyết điểm của chị lại chính từ sự hoàn hảo khó ai theo kịp ấy, sự chỉnh chu của chị đã làm khó mọi người vì khi tiếp xúc gần gũi ai cũng cảm thấy mình thiếu sót cần học hỏi, tìm tòi để được là người phụ nữ đẹp đúng nghĩa... sau lưng một người đàn ông thành đạt...cần có một người PN như chị. Nhưng khó quá mọi người ơi! Tôi luôn vụng về tay chân, nói năng sai lầm...  dại dột... nên chịu thôi. Không sao cả vì nếu dễ dàng thì có đâu hình ảnh chị đặc biệt như vậy giữa đời nầy.
Nguyễn Văn Trị bạn tôi nhận xét: Không hậu đậu thì không còn là Quang Tuyết, không nóng tính thì không phải là Mỹ Liên. Không khéo léo thì không là chị Thuỷ An, hahaha... Chết thiệt!
Tôi không ghi hình hết tất cả những món ăn từ trước đến nay tôi đã hân hạnh ngắm và ăn... Chỉ khoe một vài món đơn giản gần đây nhất thôi... Và không phải chị trình bày đâu nhé, bàn tay vụng về cứng cáp của Mỹ Liên và Quang Tuyết đó... nên chắc chắn không nghệ thuật biến tấu như chính tay chị làm... hehe
Mong ước sao anh chị của tôi mãi sức khỏe, luôn vui vẻ bên chúng tôi
(cho tui nhìn lạm của Nghĩa và ca ngợi người chị yêu quý tí nghe bà con...)

                                                                 Quang Tuyết

READ MORE - CHỊ TÔI... - Quang Tuyết

CON ĐI TÌM LẠI MÌNH - Thơ Nguyễn Thành Tâm



                  Nhà thơ Nguyễn Thành Tâm



CON ĐI TÌM LẠI MÌNH

Quá nửa đời con chợt biết thương mình
Bỏ hành trình hư danh con về bên mẹ
Chút nắng đầu mùa chưa đốt khô cây cỏ
Đã thấy lòng cháy khúc hạ sang

Con thả mình vào chốn mênh mang
Nghe tiếng gà, trưa bình yên đến lạ
Con về đun lại bữa cơm bằng lửa rạ
Gội tóc bằng hoa lá làng quê

Con về bỏ giày cao gót chạy dọc triền đê
Thèm thả cánh diều mải mê dĩ vãng
Con về ôm mẹ xin một ngày quên mình đã lớn
Quên bộn bề phía thành phố xôn xao

Tìm bình lặng
trong mùi mồ hôi áo mẹ tự thuở nào
Ứa nước mắt khói lam chiều vờn quanh xóm
Vui thắt lòng tiếng làng quê chộn rộn
Quá nửa đời con lại đi tìm con

Ở thành phố
con lạc mình mẹ ạ
Thành phố ồn ào vội vã
Con trầm mình trong câu thơ rơi

Chẳng biết tại sao con làm thơ mẹ ơi
Câu thơ rơi ngay trang Toán con đang viết
Đi qua bão giông con nào đâu biết
Sẽ có lúc ngồi mải miết làm thơ

Những câu thơ chưa biết luật bao giờ
Cứ xối xả như mưa mùa nước lũ
Như khát vọng ngàn đời chưa đủ
Mà cũng chỉ là ảo vọng rồi thôi

Con về nhìn mẹ tảo tần để lau giọt lệ rơi
Lại đức hạnh như lời mẹ dạy
Nhặt khói lam chiều, gom tiếng quê vời vợi
Con mang đi để không lạc giữa thị thành

                                Nguyễn Thành Tâm
                                (Viết đầu năm 2016)

READ MORE - CON ĐI TÌM LẠI MÌNH - Thơ Nguyễn Thành Tâm

QUÊ HƯƠNG - Thơ Hiệp Kim Áo Tím



                       Nhà Thơ Hiệp Kim Áo Tím


QUÊ HƯƠNG

Trong lòng ai cũng có quê hương
Người mẹ già một nắng hai sương
Bát gạo thơm tay người vất vả
Đường con về với cả yêu thương

Dòng sông tuổi thơ ngày trốn học
Hoa phượng đầu bờ hái rước dâu
Tắm sông bạn bè cười trêu chọc
Ngày tháng qua rồi nay còn đâu

Ta yêu những con đò đơn độc
Đưa bao thế hệ trẻ qua sông
Về chốn xưa ai buồn muốn khóc
Cảnh vật đổi thay xót xa lòng

Quê hương của con là lòng mẹ
Nhớ tiếng à ơ suốt đêm hè
Ngủ đi con mai này sẽ lớn
Khoảnh khắc này nhớ mãi con nghe

Mẹ yêu ơi... đi xa con nhớ
Từng câu Kiều và những giấc mơ
Tiếng ai hát ru đời ta mãi
Quê hương muôn đời là bài thơ...

                     Hiệp Kim Áo Tím
                     Đà Lạt, 16/3/2018


READ MORE - QUÊ HƯƠNG - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

XA XĂM THÁP CỔ - Thơ Châu Thanh Thủy





XA XĂM THÁP CỔ

Sáng nay trên tháp cổ Chăm
Nắng reo với gió, rêu nằm rong phơi
Ta làm vũ nữ trông vời
Năm mong, tháng nhớ, ai người xa xăm?

Thời gian mòn mỏi dấu chân
Phai sương mái tóc, người gần hóa xa!

                               Châu Thanh Thủy
                                   17 - 3 - 2019

READ MORE - XA XĂM THÁP CỔ - Thơ Châu Thanh Thủy

THÁNG BA LỖI HẸN - Thơ Trần Mai Ngân


                                            Nhà thơ Trần Mai Ngân



THÁNG BA LỖI HẸN

Hít hà... tháng Ba đánh rơi hò hẹn
Em quay lưng cúi mặt nói... đừng anh...
Hôm ấy trời chẳng xanh đâu... mưa giông
Từ chối anh, em bão tố trong lòng...

Hít hà tháng Ba nắng hanh vàng cháy
Đốt rụi tình nhen nhúm đã từng lâu
Từ chối anh em giấu biệt nỗi sầu
Cay mi mắt lòng đau ai thấu tỏ

Hít hà tháng Ba cung đường bỏ ngỏ
Em giận hờn không duy chỉ mình em
Chất ngất này em sẽ mãi lặng im
Đâu cần nói nghĩa là yêu đã hết

Hít hà tháng Ba ngọt ngào mỏi mệt
Em không cần vì đã hoá hư vô
Chuyện xưa nay em chôn lấp vào mồ
Hương và khói bay lên lời ly biệt !

                             Trần Mai Ngân
                                 18-3-2019

READ MORE - THÁNG BA LỖI HẸN - Thơ Trần Mai Ngân

CHÙM THƠ TÌNH NGUYÊN LẠC





1. HỜN DỖI

KHÚC TÌNH 1

Có chút sầu bi trong mắt em ?
Chiều rơi bên đồi vắng êm đềm
Môi ngoan không tiếng dù than trách
Chết điếng hồn tôi yêu lắm thêm !

Có nỗi niềm chi trong mắt ai ?
Lặng im ngồi dõi áng mây trời
Dáng gầy tóc xỏa bờ vai mỏng
Buồn hỡi người ơi nhói tim này !

Có giận hờn không trong mắt nâu ?
Buồn giăng sợi nắng phai ngang đầu
Ve ơi thôi nhé đừng vang tiếng
Kẻo phượng hồng rơi mắt lệ nào!

Hè nơi xứ lạ không phượng thắm
Chỉ tiếng ve thôi đủ sầu đời!

Nhớ ơi mắt lệ chiều xưa ấy!
Có cách nào quên mối tình đầu?!


KHÚC TÌNH 2

Nói đi em kẻo nắng phai
Chiều nghiêng bóng xế thở dài với tôi
Khẽ nhe em chuyện buồn vui
Để tôi vẫn thấy nụ cười hồn nhiên
Dỗi chi em để mưa nghiêng
Thấu tôi nỗi lạnh hồn phiền muộn thôi!

Chiều nay cô lữ bên trời
Dương lam màu nhớ một thời đã xa
Nhớ làm sao mắt lệ nhòa
Thương gì đâu những xót xa tình đầu!

Dại khờ rồi cũng qua mau
Thời gian để lại nỗi sầu tóc ai
Tình đầu như sợi tóc dài
Dẫu màu có bạc vẫn hoài vấn vương

Sợi thương sao vẫn âm thầm
Ve sầu phượng thẫm siết lòng tôi chi?!


2. HAI CHIẾC LÁ THU

Hợp tan có phải là định mệnh?
Mỗi đời riêng cùng nỗi oan khiên
Người mất mát, còn ta luân lạc
Ta người đều có nỗi buồn riêng

"Đến với nhau đem nỗi buồn kết lại" [*]
Lẽ tự nhiên buồn với buồn ... buồn thêm
Và dĩ nhiên sẽ là mãi mãi
Chuyện đôi ta ... hai chiếc lá thu tàn

Chuyển mùa thu đến người có hay?
Hắt hiu gió lạnh bóng cây gầy
Đôi ta chiếc lá sầu cô lẻ
Lưu luyến làm chi bay cứ bay!
...............
[*] Câu thơ Hồ Chí Bửu


3. CHIỀU TIỄN ĐƯA

Đất trời gầy cuộc ly tan
Tôi mang áo trắng khăn tang tiễn người
Nắng chiều nhuộm tím bờ vai
Lay hồn nỗi tiếc thương hoài ngàn năm!

                                           Nguyên Lạc

READ MORE - CHÙM THƠ TÌNH NGUYÊN LẠC