Tác giả Ugno.Vn
ĐÁNH CỜ OAI
Cờ oai là thú chơi dân gian của các cụ
già vùng Trị Thiên. Cờ oai đọc theo tiếng địa phương Huế, Thừa Thiên, không phải đánh cờ cho oai, đánh cờ để lấy oai. Từ
“oai” ở đây không phải nghĩa như trong từ oai phong, oai hùng. Oai chỉ là tên
một dụng cụ chứa cá của những người bắt
cá vặt vãnh ở nông thôn. Đúng ra phải nói là “oi”. Nhưng ở vùng quê tôi, những
từ có vần “oi” đều được phát âm thành “oai”, như “củ tỏi” thành “củ toải”, “ăn
nói” thành “ăn noái”… Sở dĩ có tên là cờ oai vì các con cờ được chứa trong cái
oi. Khi không có người chơi, cả oi cờ
nằm trong chạn tủ, cất giữ bộ cờ. Khi vào chiếu cờ, cái oi là nơi để các cụ vất vào con cờ vừa ra trình làng
xong, trước khi chuyển qua nước cờ khác. Cái oi nho nhỏ hình trái bầu eo, loe
miệng, bện bằng cật tre, hay cật mây song đủ lớn để, khi chứa hết bộ cờ, con cờ
vừa ngang dưới miệng loe, không lộ, không tràn con cờ ra ngoài. Cái oi cờ dùng
lâu ngày đen bóng, nhẵn thín để giữa chiếu trông như chiếc bình hồ lô của Phật
Quan Âm hay cái hủ rượu của các tiên tửu, chung quanh có bốn tiên ông ngồi đánh
cờ nhấp nhỏm, thập thò.
Cờ oai dùng 32 con cờ của bộ cờ tướng,
chia làm hai nhóm trắng và đỏ. Mỗi nhóm 16 con gồm một quân tướng, năm quân
tốt, các quân kia mỗi quân hai con. Nhóm trắng gọi tướng là tướng lát, gọi sỹ
là sỹ ô, các con còn lại gọi là quân trắng. Nhóm đỏ gọi tướng là tướng điều,
gọi sỹ là sỹ điều, các con còn lại gọi là quân đỏ. Trong luật chơi cờ tướng,
khi vào thế bị chiếu, thì các quân cờ thắng thế, có thể ăn cả các quân trên,
lớn hơn. “Tốt nhập cung thì tướng khốn
cùng”. Luật chơi cờ oai có khác. Chỉ quân cờ trên được ăn quân cờ dưới. Hai
quân cờ cùng cấp ngang nhau thì quân cờ đỏ ăn quân cờ trắng. Hai quân cờ cùng
cấp, cùng màu thì tay cờ ngồi trên vòng ăn cờ tay ngồi dưới vòng.
Bộ cờ dùng trong thú chơi cờ oai được
làm bằng loại gỗ bền, dai, không có vân để khi các cụ ra cờ mạnh tay không bị
nứt, vỡ; khi úp xuống chiếu không có dấu để lộ quân cờ. Các bộ cờ quí thường
được tiện bằng trắc, một loại gỗ quí hiếm, sử dụng lâu ngày lên nước đen bóng
nhẫy. Con cờ hình khối viên trụ dẹp, đường kính khoảng ba phân rưởi, dày non
một phân, cạnh đứng con cờ tròn đều trên dưới, trông như chiếc nút áo lớn bằng
gỗ. Mặt trên con cờ khắc tên quân cờ bằng chữ nho rất bay bướm, cân đối ở giữa,
có một vòng tròn kẻ viền quanh. Đi kèm bộ cờ oai phải có con vụ bằng gỗ hình
khối lăng trụ, cạnh hơn một phân, chiều cao hai phân, bốn mặt chung quanh được
tiện lõm sâu các chấm ghi thứ tự nhất (một chấm), nhị (hai chấm), tam (ba
chấm), tứ (bốn chấm). Hai chân con vụ cao chừng một phân, được tiện cân đối từ phần gỗ dư ra ở hai đáy khối lăng trụ, dùng để
điều khiển con vụ khi sử dụng. Công dụng của con vụ là để phân thứ tự người bắt
cờ cho mỗi ván.
Người chơi cờ oai là các bậc có tuổi.
Các cụ thường xây sòng trên bức ngựa gỗ căn giữa nhà. Khi đã đủ bốn tay chơi,
chiếc chiếu hoa được trải ra, bốn cụ ngồi
xếp bằng ở bốn góc chiếu. Vị cao tuổi hoặc chủ nhà lấy oai cờ đổ ra
chiếu, lật sấp các con cờ, xoa đều rồi xếp vòng tròn quanh chiếu, trước mặt các
cụ. Người chủ cái nắm một chân con vụ bằng ngón cái và ngón trỏ. Với một tác
động của hai ngón tay, con vụ quay tròn giữa chiếu. Khi con vụ đang quay, người
chủ cái bốc một con cờ bất kỳ nào đó, chồng úp lên con kế tiếp, chỉ định vị trí
của con cờ phải được người chơi bốc đầu tiên của vòng cờ. Khi con vụ ngã ra, mặt
trên của con vụ hiện rõ số nào thì người có thứ tự đó, kể từ bên phải chủ cái
tính ra, được bắt con cờ cái đầu tiên. Tuần tự, các cụ tiếp tục bắt các con cờ
tiếp theo vòng quanh, đến con cờ cuối cùng.
Trong một ván cờ, một tay chơi được bốc
tám con cờ. Sau khi kiểm cờ, các cụ tính toán, sắp xếp các con cờ theo từng bộ với các quân cờ có được trên
tay. Nếu có đủ ba con tướng, sỹ, tượng hoặc xe, pháo, mã cùng màu thì được một
bộ ba: Bộ ba thượng (tướng, sỹ, tượng đỏ), bộ ba lát (tướng, sỹ, tượng trắng),
bộ ba đỏ (xe, pháo, mã đỏ), bộ ba trắng (xe, pháo, mã trắng). Nếu có hai con
cùng tên, cùng màu thì được một đôi: Đôi sỹ ô, đôi pháo trắng… Nếu có 4 hoặc 5
con tốt cùng màu thì được bộ tứ (bốn con), bộ ngũ (năm con). Những con không
xếp được vào một bộ nào thì gọi là con rác, chỉ dùng đánh lẻ một con.
Bắt đầu ván cờ, người có thứ tự được
con vụ chỉ định bắt con cờ cái đầu tiên, hô lệnh ra nước cờ: Một con (đánh lẻ
từng con một), cặp (đánh một đôi), ba con (đánh bộ ba), bốn con hoặc năm con
(đánh bốn hoặc năm con tốt). Khi đã đủ các tay chơi có cờ đặt xuống chiếu, nếu
kêu ra lệnh “một con”, người hô có quyền trình con cờ giữa làng, hoặc vất vào
oai chịu thua, không trình; nếu kêu ra lệnh “cặp”, “bộ ba”, “bốn con”, “năm
con” thì buộc người hô phải trình giữa làng nước cờ mình đã kêu có đúng không.
Những người khác, nếu có nước cờ bắt cao hơn, thì thắng, nếu thấp hơn hay không
có thì phải vất vào oai đủ số con cờ đã kêu. Luật này buộc số con cờ còn lại
trên tay mỗi người chơi luôn luôn bằng nhau. Khi người kêu lệnh ra cờ đã lật ngửa nước cờ trình làng, những tay sau
không được đổi những con cờ đã cho tay đưa xuống chiếu.
Nói đến đánh cờ oai ở làng tôi thì
không thể không nói đến ông Xạ Thường. Khi tôi mới lớn, trong làng tôi có đến
mấy ông Xạ. Tôi không biết Xạ là chức gì nhưng biết chắc rằng đã gọi là ông Xạ
trước tên tục của một người trang trọng như thế thì, ít ra, cũng phải là cái
chức cao hơn đám dân đen bình thường vài bậc. Ông Xạ S. Ông Xạ Đ. Ông Xạ K. Ông
Xạ T. Khi không có mặt mấy ông ấy hay nói với tính cách liệt kê, chỉ đếm… mới
gọi đủ cả chức và tên. Khi nói riêng hay thưa gởi với từng ông thì chỉ xưng danh ông Xạ. Lệ này ở cái làng trọng
chức quyền như làng tôi thì không thể bỏ qua được. Sơ sẩy quên đi khi thưa gởi
với mấy ông là có chuyện ngay. Không những ông Xạ mà làng tôi còn có những ông
Hương, những ông Hường, những ông Thông, những ông Khóa, những ông Bộ, những
ông Trùm, những ông Lý, những ông Xâu… bên cạnh những ông Cửu, ông Bát, ông
Thất… trong hàng cửu phẩm văn giai, hay ông Cai, ông Đội, ông Quyền, ông Quảng,
ông Lãnh… trong hàng võ biền. Một lô lốc những ông có chức ấy không những miễn
sưu dịch, miễn phục vụ việc làng mà còn được quyền ăn trên, ngồi trước mỗi khi
lễ lạt. Đám dân đen phục vụ cơm rượu mấy ông tối mặt còn bị quát mắng, thậm chí cả đòn phạt. Mấy ông cơm
rượu no nê trước đình rồi kháy móc nhau, kèn cựa nhau, ồn ào cả khu tiền đường
trong khi đám dân đen chỉ được phép ngồi vào mâm phía ngoài rạp khi các ông đã
buông đũa chuyển sang dùng trà.
Trở lại việc đánh cờ oai của ông Xạ Thường
(Gọi tắt là ông Xạ), ông là một tay cao cờ thuộc tốp nhất nhì làng tôi. Vì cao
cờ nên khó chọn khách chơi. Không ai dám chơi với ông và ông cũng không mặn mà
lắm khi ngồi chơi với mấy ông cờ còn non tay. Suốt ngày tôi chẳng thấy ông làm
gì cả. Mỗi sáng, bà Xạ nấu cho ông một om nước chè xanh quánh miệng, người không
nghiện thì chỉ vài hớp là say sùi bọt mép. Thế mà ông hết cốc này đến cốc khác.
Nhà ông trở hướng chánh đông, khi ông uống chè, ánh nắng ban mai còn chiếu vào
tấm phản giữa nhà, nơi ông ngồi. Khi mặt trời kéo bóng râm ra hàng hiên là lúc
ông lủi thủi, tay cầm cái càng cọng mo cau khô cắt gọt thành cái thuổng kỳ
lưng, xuống bến sông ngâm mình trong nước mát, kỳ cọ tấm thân da bọc xương. Trở
lên nhà, ông lật vài trang sách chữ nho ngồi lẩm nhẩm hay ra trước nhà nhìn
con cu cườm trong chiếc lồng tre, treo cuối
đầu hồi, nhả từng tràng cúc cù cu. Sau bữa trưa, ông nằm lăn ra tấm phản gỗ, kê
đầu lên cái gối gỗ mứt, đánh một giấc. Cái lịch sinh hoạt ấy dễ bị phá vỡ khi
có mấy cụ già rủ ông vào hội cờ hay mời đi ăn giỗ. Những khi ấy, cái khăn đóng,
cái áo dài vải the đen, đôi guốc mứt, và gọng dù đen le te theo ông cùng mấy
người bạn đến chỗ hẹn.
Hôm ấy là ngày giỗ mãn tang của một ông
trong nhóm bạn cờ của ông, chết đã ba năm rồi. Người con trưởng trịnh trọng mời
các cụ trong nhóm cờ của cha mình ngày trước đến sớm, xây sòng cờ khơi dậy khí
thế, vừa để nhớ lại không khí những ngày ông cụ sinh tiền. Ngồi vào chiếu cờ là
những kỳ thủ lão luyện trong làng. Bốn người chơi và còn vài người ngoài đứng
xem. Cờ đánh cứ huề mãi, ít có ăn thua. Luật cờ oai là thế. Nếu thấy cờ trên
tay khó đánh ăn được thì tính nước đánh huề. Một trong hai con tướng thắng được
nước cờ “một con lẻ” cuối cùng thì nhà cầm tướng không được ăn tiền. Ván cờ xem
như huề. Tôi đứng sau ông Xạ xem vài ván cờ cho biết. Ván cờ này đã đánh đến
nước thứ tư. Người kêu ra lệnh “một con”
rồi dằng ra chiếu con tượng đỏ. Ba tay
cờ sau tuần tự vất con cờ của mình vào oai. Được thắng nước thứ tư, tay cờ
này kêu lệnh “ba con”. Hai tay cờ trên ông Xạ trầm ngâm suy nghĩ rồi tuần tự bắt
cờ xuống chiếu. Là tay cuối, ông nghĩ rằng tay kia kêu bộ ba, còn một con lẻ
cuối cùng là có ý chơi huề. Con cờ còn trên tay ông ta chỉ là quân cờ rác. Nếu
một trong ba tay còn lại trình ra con tướng, thắng ở nước cuối thì theo đúng ý
đồ của hắn. Nhưng hai tay cờ trên ông
đều bắt cờ, không tay nào muốn huề cả. Lần nhớ lại những nước cờ lẻ từ đầu đến
nước thứ tư, ông Xạ nhẫm tính, ngoài bộ ba thượng và con sỹ ô trên tay ông,
trên hai tay kia còn bộ ba lát, con sỹ điều. Trong hai tay bắt cờ, ông đoán con
sỹ điều nằm trên tay cờ có bộ ba lát. Tay còn lại không có gì, chỉ chờ vất vào oai. Ông tự nhủ:
“nó muốn ăn ván này”. Nhưng nếu ông ra bộ ba thượng để nổi thì con sỹ ô của ông
còn lại không thắng được con sỹ điều của tay kia. Nếu ông xé bộ ba thượng, vất
vào oai cùng với con sỹ ô, chừa lại con sỹ điều thì cũng thua vì là tay dưới của bộ ba lát. Ông tiếc ngẩn ngơ bộ
ba thượng và con sỹ ô. Cờ to mà không sạch được nước cờ!...Thôi!... Ông rút con
tướng đỏ chìa ra. Ông thắng nước cờ cuối cùng. Ván cờ huề. Chơi ván khác!... Cờ
lại được xoa xuống chiếu, xếp vòng tròn rồi bốc từng con tuần tự. Những tiếng
“một”, “đôi”…lại nhè nhẹ vang lên .
Thế hệ những ông Xạ, những ông Bộ,
những ông Cửu, những ông Lãnh… không ai còn lại đến ngày nay. Có người đã chết
yên ổn tuổi già bên con cháu ớ các vùng quê mới nơi xa xứ. Có người chết vì
mảnh bom, tầm đạn nơi quê nhà. Cũng có người chết tức tưởi trong hầm tối căm
thù mông muội. Một buổi tối, ông Xạ ngủ với
đứa cháu nội trên tấm phản căn
giữa nhà. Bố nó đi đánh cá đêm ngoài sông, gởi nó cho ông nội, phòng khi có đại
bác, ông đưa cháu xuống hầm tránh đạn.
Vừa chợp mắt thì có tiếng gọi ông. Ông choàng dậy. Mấy người kia không cho ông
đốt đèn và dẫn ông đi. Đứa cháu nội đứng nép bên tấm cửa, thút thít, không dám
khóc to. Mấy ngày sau, dân làng tìm thấy ông trong căn hầm cạn, giữa hai rãnh
vồng sắn ở cánh đồng làng bên, cách nhà ông hơn năm cây số. Chiếc guốc mứt đã
mòn lẹm một bên đế gót, chỏng chơ trên vồng sắn là dấu hiệu để dân làng tìm
thấy ông.
Ông Xạ chết. Đám tang ông được tổ chức
âm thầm, không ai nghe có tiếng khóc. Tấm phản ông nằm ngủ mỗi đêm, nay được bà
con đóng lại thành chiếc quan tài. Thế là ông cũng còn may mắn hơn nhiều người
khác, được mồ yên mả đẹp bên xóm giềng, con cháu.
Cờ oai vẫn còn tồn tại đến hôm nay ở
quê tôi và những vùng quê mới, nơi có nhiều ông già người Huế định cư. Bây giờ
không kiếm đâu ra được những bộ cờ gỗ trắc bóng nhẫy, đen láng. Những thứ gia
bảo quí báu ấy đã đi theo các ông Xạ, ông Hường… qua bên kia thế giới. Các cụ
già ngày nay không còn guốc mứt, quạt mo cau. Bộ cờ chỉ là bằng gỗ thông
thường, đôi khi chỉ là bằng một loại nhựa giả gỗ. Thế mà trên chiếc sập đi văng
sang trọng, vét ni láng bóng trong nhà con cháu, các cụ già mới cũng trải ra chiếc chiếu hoa, phủ thêm
tấm chăn dày, xây sòng cờ oai. Khi có cụ cao hứng ra cờ mạnh tay, đánh rầm
xuống chiếu, người khác lại nhắc: “Nhẹ
tay kẻo bể”. “Bể” là sợ nứt cờ
và cả nứt mặt sập đi văng. Cách chơi cờ nay cũng khác xưa. Trước kia, các ông
Xạ, ông Hường… chơi cờ là để mua vui, cao thấp thư giãn tuổi già. Lệ chơi cờ
oai ăn theo từng ván khiến mấy cụ cứ gườm nhau cao thấp, có khi cả chục ván huề
mới có được một ván ăn. Cuối buổi, kẻ thua, người thắng không bao nhiêu tiền.
Ngày nay chơi cờ từng ván nhưng ăn theo quân cờ được nổi. Trong một nước cờ,
bốn người chơi thì chỉ có một người nổi (thắng). Cuối ván cờ, người không thắng
nước nào, hay thiếu nước thắng, phải chung tiền cho người thắng nhiều nước. Lệ
chơi cờ oai ăn quân không còn ván huề và cũng vì thế người chơi cờ chỉ tính
sao để mình thắng được nhiều quân bằng cách cho mấy quân cờ to ra trước, không
tính cao thấp cả ván cờ. Cuối buổi, kẻ thắng đậm, người thua nhiều đôi khi sinh ra mâu thuẫn giữa các cụ
ngay trong chiếu cờ. Cái thú cờ oai của các cụ ngày xưa đã mất đi một nửa. Nhưng
cũng nhờ thế, tính chất thú chơi mang tính “sát phạt” làm cho chiếu cờ hấp dẫn,
động não hơn.
Mỗi dịp đầu xuân hay những khi tang tế,
giỗ chạp, người làng tôi vẫn còn say mê những ván cờ oai. Một lần về quê vào
dịp tết, gặp chiếu cờ, tôi xin các cụ
cho tham gia vài ván chào các cụ. Nể nang, các cụ chừa cho tôi một chỗ. Tôi say
mê học từng nước cờ cao của các cụ và cảm thấy hình như mình cũng đã già. Trở
lại nơi tôi định cư, ở đó cũng có nhiều người cùng quê lớn tuổi, tôi rủ các cụ
làm vài ván cờ oai. Không khí quê hương như sống lại với tôi theo các con cờ
bắt lên, đặt xuống chiếc chiếu hoa còn mới ở nơi xa xứ này.
Tạp chí HUẾ XƯA & NAY
Số
121 Mừng Xuân Giáp Ngọ tháng 1-2/2014