(Phóng tác theo một chuyện cổ không rõ tác giả)
Nhà vua đang ngồi trên ngai, đột nhiên bước
xuống, đưa mắt đảo quanh chính điện rồi dừng lại ở hai long trụ hai bên ngai
vàng. Quần thần liếc nhìn
nhau mà trong lòng hồi hộp lo sợ không biết họa hay phúc sẽ xãy ra đây. Quan Tể
Tướng vội quì xuống, hô to:
- Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!
Quần thần như cởi được gánh nặng, đồng loạt
quì mọp xuống, hô theo:
- Hoàng
thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!
Lần nầy nhà vua mới quay mặt lại, chầm chậm
nhìn những bề tôi trung thành, nhưng vẫn lặng thinh; thong thả trở lại ngai
vàng:
- Chư khanh bình thân.
Quần thần đứng lên, lại kín đáo nhìn nhau,
nhưng không ai dám hé nửa lời. Quan Tể Tướng vừa vòng tay, định tâu điều gì đó,
nhưng nhà vua khoát tay nói:
- Trong
bao năm trẫm trị vì thiên hạ, nhờ hồng phúc tổ tiên mà bốn cõi thanh bình. Nay
trẫm muốn có cặp phi long
treo tại sân ngai (vừa nói nhà vua chỉ hai long trụ), để tán dương công đức tiền
nhân, và cũng để các man di thấy đó mà sợ uy thiên tử. Các khanh liệu lẽ nào?
Quần thần thở phào! Sau phút giây căng thẳng
thì lại có người cố nén cười vì ý nghĩ lạ lùng của nhà vua : “Uy thiên tử
chỉ dựa vào hai con rồng thôi sao! Đã có hai long trụ rồi, còn vẽ rồng, vẽ rắn
chi nữa?”.
Không khí yên lặng đến ngột ngạt. Bỗng một
người quì xuông tâu:
- Tâu
bệ hạ! Nếu cặp phi long mà bệ hạ muốn thêu thì hạ thần không dám lạm bàn; nhưng
nếu bệ hạ muốn vẽ, thì ngoài lão Hạ, thiên hạ nầy khó kiếm kẻ thứ hai.
Kẻ vừa tâu là quan ngự y. Nhà vua hơi thất
vọng, vốn không ưa “lão già
lùn” nầy, nên ít nhiều mai mỉa:
- Lão Hạ là ai? Đường Bá Hổ có dám sánh với
hắn không?
- Tâu bệ hạ, hắn họ Hạ, không có tên, cư trú
trong một cái hang ở chân Nhạn Sơn. Lúc hạ thần còn là một thầy thuốc vô danh chưa được thánh ân;
trong những lần hái thuốc, hạ thần thường ghé lão uống trà…
Nhà vua bực mình:
- Trẫm hỏi Đường Bá Hổ sánh với hắn thế nào?
Quần thần đều lo sợ cho ngự y, nhưng ông ta
vẫn bình tĩnh :
- Tâu bệ
hạ, hạ thần dốt nát nên không biết Đường Bá Hổ là ai và có tài gì; nhưng với
lão Hạ thì tài vẽ của hắn thần biết rất rõ: Hắn vẽ hoa thì muôn ong, ngàn bướm
cứ ngỡ là hoa thật nên tranh nhau tìm mật; vẽ cây trái thì chim cứ ngỡ là cây
trái thật nên cùng đáp xuống tranh giành; vẽ cọp báo thì thú rừng cứ ngỡ là cọp
báo thật nên đạp nhau mà chạy…
Nhà vua đổi thái độ, nôn nóng:
- Khanh có thấy hắn vẽ rồng bao giờ chưa?
- Tâu bệ hạ, hạ thần chưa từng thấy.
Nhà vua vuốt râu, gật nhẹ đầu ra chiều suy
nghĩ…
Đúng ba ngày sau, như lệnh của nhà vua, quan
ngự y đưa lão Hạ về triều. Đó là một người tuổi chỉ ngoài độ năm mươi, tóc đen
mươn mướt, mắt sáng như sao, mày rậm môi dày, râu hàm giáp tóc, tiếng nói như
chuông, trông giống như một hảo hán hơn là người cầm bút! Nhà vua chỉ tay về
hai long trụ trước kim ngai:
- Ta nghe quan ngự y nói nhà ngươi có tài vẽ
cỏ hoa muôn thú, vậy ngươi có thể vẽ cho ta hai con rồng trên hai dải lụa để
treo hai bên long trụ nầy được chăng?
Lão Hạ suy nghĩ một lát rồi tâu:
- Tâu bệ hạ, thảo dân tuy tài mọn, nhưng cũng
hết sức làm vừa lòng bệ hạ. Có điều…
- Nhà ngươi cứ nói!
- Có điều rồng vốn là vật thiêng, biến hóa
khôn lường: Muốn lớn thì
bầu trời cũng chật, muốn nhỏ thì chui vô hạt cải cũng vừa. Lại còn vô song uy
vũ: Gọi gió thì núi rừng lá đổ cây nghiêng; làm mưa thì đồng bằng hóa thành
biển nước. Khi tắm thì biển nổi ba đào, còn chê biển cạn; khi vẫy vùng, trời
cuộn cuồng phong, còn giận trời chẳng đặng cao. Bởi vậy, rồng là biểu tượng của
đấng chí tôn, không thể dùng những loại lụa tầm thường mà vẽ được.
Nhà vua nghe mấy lời như mở cả tấm lòng, sau
tràng cười thích chí, nhà vua hỏi:
- Ý khanh thế nào?
- Tâu bệ hạ, trên ba ngàn thước cao, núi Thiên
Sơn có một vùng có cây băng tang mà chưa ai biết đến. Đã ngàn năm nay chúng đã
thọ khí thiêng sông núi. Đêm gội sương trời, ngày tắm dương quang, nên thân to
như tùng bách, lá lớn tợ sen, băng tàm to cỡ ngón tay, khi “chín” thì màu đỏ
như son, nhộng to bằng cái đấu. Được tơ của chúng thì lụa dệt tha thướt như
mây, tỏa ngời ngũ sắc, ban đêm lung linh trông tợ ánh bảo châu. Rõ là trên đời
có một!
Dù nóng lòng muốn có sớm hai bức họa rồng,
nhưng lời lão Hạ không phải là không có lí, nên nhà vua đành ưng thuận, hẹn
với lão Hạ vào Đông Chí năm sau.
Đúng hẹn, lão Hạ đến, dáng dấp hơi gầy, thần
sắc hơi xanh hơn trước, mái tóc Hạ lấm tấm những sợi bạc. Nhà vua truyền cho
ngồi trước một bàn dài được cẩn ngọc chạm ngà đặt sẵn tự bao giờ, Lão Hạ bày ra
bút nghiên đủ loại, son mực đủ màu. Một vị quan mang ra hai dải lụa, được để
trên chiếc mâm vàng, trịnh trọng đặt trước lão Hạ.
Mọi người hồi hộp chờ đợi.
Lão Hạ cẩn thận cầm một dải lụa lên quan sát
một hồi rồi để nhẹ xuống bàn; đoạn cầm dải lụa thứ hai, cũng đưa lên tận mắt,
quan sát càng kĩ hơn, rồi hốt nhiên quì xuống dưới chân nhà vua, trước bao cái
miệng há hốc kinh ngạc tận cùng. Lão Hạ:
- Bệ hạ thứ tội! Thảo dân không thể chấm bút
của mình trên hai dải lụa nầy!
Nhiều tiếng xì xào trong đám quần thần, thâm
tâm họ lo giùm đầu của lão Hạ không còn dính cổ. Nhà vua quát:
- Nhà ngươi nói thế là sao?
- Tâu bệ hạ, đây đúng là loại tơ tằm cưc quí
của Thiên Sơn, nhưng tiếc thay có lẽ là do thời gian cấp bách, nên các người chuyên trách lại làm lẫn
lộn vài sợi thao càn (sợi tơ lớn), khiến cho lụa mất đi
tính óng ả, mềm mại của những sợi thao
lột (sợi tơ nhỏ)! Và điều thần không hiểu là tại sao, từ kén của băng tàm,
những sợi tơ có thể kéo dài hàng mấy dặm, mà trên hai dải lụa nầy lại có nhiều
mối nối, điều nầy làm cho nó khó tránh khỏi nét thô tục, vụng về! Nếu thảo dân
cứ đặt bút vẽ bừa, chẳng phải là mang tội với bệ hạ hay sao? Cúi xin thánh ân
lượng xét!
Lão Hạ nói xong, trình cho nhà vua xem. Xem
xong, vua lại đưa cho quần thần. Mọi người hết lời thán phục sự tinh tường của
lão Hạ.
Theo thỉnh cầu của lão Hạ, nhà vua đành chấp
nhận thêm hai mùa đông tới!
Rồi ngày ấy cũng đến! Quì trước sân rồng là
một người tóc trắng như bông, khí thần hốc hác, chiếc gậy trúc được để kề bên.
Nhà vua động lòng:
- Sao chỉ mới hai năm mà trông khanh tiều tụy
như vậy?
Sau vài tiếng ho, Hạ đáp:
- Tâu bệ hạ! Người nghệ sĩ luôn đổ tâm huyết
vào tác phẩm của mình, dù tác phẩm ấy chỉ để thưởng thức bên chun trà chén
rượu; huống chi là một tác phẩm để đời! Người nghệ sĩ có lòng tự trọng, cũng
không thể vì quyền lực hay chén cơm manh áo mà chấm bút phóng bừa; xem tác phẩm
là phương tiện đạt tới vinh hoa, mà bất chấp búa rìu dư luận! Thảo dân một đời
cầm bút, kinh tởm sự đê hèn của những kẻ tự xưng là thi sĩ, văn nhân, mà lại quì mọp mình để uốn cong ngòi bút
hầu cầu hưởng lợi lộc nhất thời mà lưu tiếng xấu trăm năm! Bấy lâu thảo dân
nghĩ về hai con rồng của bệ hạ, mà tổn hao nguyên khí, hình vóc gầy mòn, tóc
trắng như sương, âu cũng xứng đáng thôi.
Hơn cả lần trước, nhà vua cho trên án thắp
trầm hương, dưới thềm rải hoa lan trắng. Truyền cho chính Tể Tướng nâng chiếc
mâm vàng (trên đó có hai dải lụa). Hạ đón nhận, rồi cũng quan sát kĩ càng như
hai năm trước, đoạn reo lên:
- Phi thường xảo diệu! Rõ là trên đời có một
không hai!
Nhà vua mãn ý, lệnh cho bốn cung nhân mặt ngời
như ngọc, căng bốn góc dải lụa cho lão Hạ trổ tài thần thủ. Lão Hạ bày biện họa
cụ; nhưng không như lần trước, lần nầy chỉ có một cây bút lớn và một lọ mực
đen! Mọi người nhìn nhau trong lúc Lão Hạ vén áo, chấm mực, múa tay một vòng
rồi chấm bút từ phía trên dải lụa, đoạn kéo thẳng xuống một đường! Nhà vua còn
trố mắt, quần thần vẫn há hốc mồm, có kẻ toát mồ hôi, thì lão Hạ sang dải lụa
bên kia, cũng xổ xuống đường y như thế; Đoạn quăng bút, vòng tay trước nhà vua:
- Tâu bệ hạ! Thảo dân đã xong nhiệm vụ!
Nhà vua nghiến răng ken két:
- Nhiệm vụ của ngươi xong, đồng thời mạng
ngươi cũng hết!
Nói xong thét quân lôi lão Hạ ra ngọ môn chém
đầu. Lão Hạ nhìn lên trời than:
- Than ôi! Quyền lực và chân nghệ thật khó thể
đi cùng! Ta chết không xứng đáng chút nào!
Thương thay, quan ngự y cũng bị chung số phận!
*
Từ ấy đến năm năm sau, nhà vua vẫn vào ra
phiền muộn. Quần thần bèn khuyên nhà vua nên đi săn cho khuây khỏa.
Cảnh vật thiên nhiên có sức quyến rũ lạ kì,
không mấy chốc làm lòng vua thanh thản, mặt rồng lại rạng niềm vui. Bỗng đến
một vùng có đầy hoa dại, hương thơm làm sảng khoái lòng người, bướm đủ màu bay
lượn chập chờn, trên cành chim hót líu lo, dương quang ấm áp, gió mát trong
lành. Nhà vua hỏi:
- Đây là nơi nào mà chẳng khác Bồng Lai?
Một tùy tướng đáp:
- Tâu bệ hạ! Đây là chân núi Nhạn Sơn. Còn
trước mặt là.. là… sơn cốc của lão
Hạ.
Tưởng rằng sau khi nghe hai tiếng “lão Hạ”,
nhà vua sẽ nổi lôi đình, nào ngờ vua vẫn thản nhiên, giục ngựa bước tới. Gần
đến sơn cốc, bỗng tùy tướng ghìm mạnh dây cương, hô to:
- Có mãnh hổ! Hộ giá!
Trước sơn cốc, hai con cọp lớn đang ẩn mình
sau hai khối đá với tư thế rình mồi. Vị võ tướng lắp tên. Vèo một phát, tên
ghim ngay yết hầu thú dữ, cùng lúc đó là hàng trăm mũi tên khác vút tới, con
còn lại cũng chung số phận. Lạ một điều là chúng không hề gầm thét, giãi giụa
như bao con thú bị thương! Đoàn người tiến tới, thấy hai con hổ dù bị tên ghim
như lông nhím, nhưng thần khí uy phong vẫn toát ra làm họ cũng phải chùn chân!
Vị võ tướng xuống ngựa, tuốt gươm cẩn trọng từng bước tiến tới, nhưng khi đến
gần xác hổ, lại đứng nhìn một hồi rồi …tra gươm vào vỏ! Thì ra hai mãnh hổ nầy
chỉ là con đẻ của ngòi
bút lão Hạ! Nhà vua ngẫm
nghĩ, giọng buồn buồn:
- Lão ta mượn đôi mãnh hổ nầy để đánh lừa
hoang thú! Quả thật tài tình!
Nhà vua nhìn vào trong, thạch động bụi giăng
nhện bám. Bước thêm vài bước, qua một khúc quanh, viên võ tướng cùng nhà vua
đồng thoái bộ, tuốt vội gươm ra, vua tôi cùng hoảng hốt la to:
- Rồng!
Hai bên vách đá, hai con rồng nhe nanh phóng
vuốt như muốn ăn tươi nuốt sống mọi người. Sau khi định thần, thì ra chỉ là hai
con rồng được vẽ trên hai dải lụa tầm thường! Đã biết là rồng vẽ, nhưng răng
hai hàm trông nhọn như lưỡi kiếm, vuốt bốn chân xem sắc như đao, mình rồng ẩn
hiên trong mây. Như có phép thần thông thổi vào người chúng, nên trông sống
động lạ thường: Lửa từ miệng rồng như nóng rực, mây che thân rồng như cuộn cuộn
tung bay, đầu rồng như lắc lư, chân rồng như phóng tới, thân rồng như lượn qua
lượn lại, khi giáng, khi thăng. Mọi người đứng im lìm nào khác cây khô! Bỗng từ
đâu một cơn gió nhẹ làm lung lay hai dải lụa, thì hai con rồng như chực phóng
ra ngoài! Vua tôi lại lùi một bước thủ thế! Viên võ tướng nói như để chữa thẹn:
- Tài hoa nầy trên đời không thể có hai!
Nhà vua than thở:
- Phải chi năm xưa lão ta chỉ cần vẽ cho ta
hai con rồng với nghệ thuật được một nửa nầy thôi, thì hắn đâu bị họa sát thân;
mà đất nước nầy cũng không mất một nhân tài!
Nói đoạn, cùng tiến vào trong. Lại có hai con
rồng được treo trên vách đá! Đã chuẩn bị tinh thần từ trước nên vua tôi không
còn khiếp sợ. Nhà vua quan sát, thấy hai con rồng nầy thiếu vài chi tiết so với
hai con rồng trước, nhưng nét uy phong vẫn đủ mười mươi. Qua lối rẽ kế tiếp,
rồi kế tiếp, liên tục đến tám cửa như vậy, mỗi cửa đều có hai con rồng, và lúc
nào hai con sau cũng thiếu nhiều chi tiết so với hai con trước (nhưng thần hồn
của chúng không khác)
Vừa bước qua cửa thứ chín, nhà vua thấy trên
thạch bàn la liệt nào bút, nào nghiên, nào mực; lớn nhỏ, đủ màu buồn bã ủ bụi
thời gian. Kế đó là một giường tre được phủ lên một lớp cỏ khô, Góc kia, trên
một giá gỗ, lèo tèo hai ba chén đũa, nội niêu; dưới đó, ba cục gạch với ba hình
thù, lớn nhỏ không đều được kê làm bếp. Vài con gián đang ngự trên đó, thấy
động vội vã bỏ đi...
Nhà vua lắc nhẹ đầu, cảm thương cho đời người
hàn sĩ tài hoa. Bỗng ngài phát hiện một hộp gỗ ở đầu gường ẩn mình dưới lớp cỏ.
Đây có lẽ là vật quí giá nhất của một người sau bao nhiêu năm cầm bút. Nhà vua
bèn mở ra, run tay khi thấy hai dải lụa được cuộn tròn để cẩn thận trong ấy,
vua bèn nhanh tay giũ xuống một cuộn, rồi giũ luôn cuộn thứ hai: Hai đường mực
đen nằm dài trên hai thân lụa, y như hai đường mực đen nằm trên hai giải lụa
tại sân rồng gần mười năm về trước!
Nhà vua rơi phịch xuống giường, ôm đầu rên rĩ:
“ Hạ hiền khanh ơi! Ý của khanh là thế nào đây?” . Đám võ tướng đều ngẩn người
nhìn nhau; một vị bạo gan nói:
- Tâu bệ hạ! Có phải chăng Hạ hiền sĩ muốn nói
rằng: “ Cái cao diệu nhất của nghệ thuật là đơn giản” chăng?
Nhà vua nhìn vị võ tướng ấy cười tha thứ, lắc
đầu.
Bỗng một tên quân đến quì mọp dưới chân nhà
vua:
- Tâu bệ hạ! Nếu bệ hạ không bắt tội, phận hèn
mọn nầy xin có đôi lời…
- Cứ nói!
- Nhưng kẻ hèn mọn nầy chỉ muốn thưa riêng
cùng bệ hạ!
Không biết nhà vua rộng lượng từ lúc nào! Ngài
liền khoác tay cho mọi người đi ra.
Tên quân vừa nói xong, long nhan rạng rỡ, chỉ
khen một tiếng to: “Hay!” rồi truyền hồi kinh!
Nhà vua cho cải táng hài cốt lão Hạ theo lễ
đại phu, ban ân cho con cháu ngự y đời đời hưởng lộc. Đổi tên Nhạn Sơn là Hạ
Sơn để nhớ ơn người đã vẽ hai con rồng với… hai nét mực dài!
Từ đó nhà vua trở nên là vị minh quân. Nhưng
đến nay, người ta vẫn thắc mắc tên quân ấy đã nói những lời gì với nhà vua tại
thạch động Nhạn Sơn? Mỗi người đều bàn theo suy nghĩ của mình, không ai chịu
thua ai. Dần dần theo thời gian, mọi chuyện cũng chìm vào quên lãng./.
KHA TIỆM LY
khatiemly@gmail.com