Di tích và thời gian, sơn mài tổng hợp của Võ Xuân Huy
"Ba biến thể" trong sơn mài Võ Xuân Huy
Từ trực cảm đến ý thức sáng tạo
Trần Hạ Tháp
Với gần 40 bức tranh trong cuộc triển lãm ở số 4 Hoàng Hoa
Thám - Huế khai mạc vào 11 tháng 10 năm 2008 Võ Xuân Huy đã đặt người thưởng
ngoạn trước một công trình tổng hợp từ 3 phạm trù sơn mài độc đáo. Sự nối kết
truyền thống vào hiện đại nầy mang tầm
vóc đặt để một nguyên lý, xứng đáng để giới bình luận lưu tâm và ghi nhận
lâu dài.
Ở đây,
mặt phẳng trong nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam đã không còn cố hữu.Vâng, mặt
phẳng ấy còn có thể chủ động cho mòn khuyết đi, nức nẻ hoặc được vun cao lên
một cách đa dạng bất thường. Hơn thế, vật liệu bên ngoài - đôi lúc - được gắn
dính vào, tạo liên kết với không gian thực tế đang vận hành chung quanh một cách
tự nhiên, sống động.
Nguyên thuỷ, sơn mài trải qua các công đoạn chính : Vẽ nét,
phủ sơn và mài tranh để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật. Qua đó, các hiện tượng thô
ráp xuất hiện. Mặc nhiên, chúng được coi như những hệ quả thường tình, đặc trưng
của bộ môn nghệ thuật nầy. Đấy là các tình trạng nức nẻ, nhẵn mòn và nhăn nhúm.
Thực
ra đây là các thuộc tính chuyên biệt của kỷ thuật xử lý sơn mài. Sự dị biệt không
mong đợi, ít nhiều gây chuyển biến vật lý lên bức tranh một cách ngẫu nhiên, thực
tế.Và vì thế, ngoài quan tâm về phương diện kỷ thuật ra thì nhà sáng tạo không
lấy đó làm các phạm trù nghiêm túc đưa vào trong sáng tác nghệ thuật. Chưa nói tới
việc đi xa hơn, lạ hơn để tổng hợp chúng nhằm khai sinh một ngôn ngữ mới chuyển
tải ý đồ, tư tưởng như Võ Xuân Huy.
Thành
công của anh không ngẫu nhiên. Là thách đố thực sự, trải qua cuộc động biến lâu
dài trong tâm thúc dằng co. Cuối cùng, những nút chặn kiên cố được hoá giải. Vốn
từ trong giới hạn của góc độ kỷ thuật mà tồn tại, các hiện tượng thô ráp thường
tình được Võ Xuân Huy giải phóng, xử lý
tổng hợp nâng lên, đưa vào trong phạm trù nghệ thuật.
Qua trực
cảm của Võ Xuân Huy từ lâu các hiện tượng thô ráp nói trên đã trở nên ám ảnh trường
kỳ. Những hiện tượng ấy mở đường, khai thị để góp phần xác lập các trường liên tưởng mới trong ý thức sáng
tạo của anh. Hoạ sĩ sinh 1970 quê Vĩnh
Linh, Quảng Trị tốt nghiệp 1995 nghành sơn mài tại đại học Nghệ thuật Huế - đang
sinh sống và công tác giảng dạy tại nơi nầy.
Liên tưởng hay đường
dẫn nào ? Đưa Võ Xuân Huy từ trực cảm tiếp
cận ba hiện tượng thô ráp đầy ám ảnh kia tới ý thức sáng tạo nghệ thuật đã thành
hình.Từ nức nẻ, nhẵn mòn và nhăn nhúm để đi tới kết hợp"Ba biếnthể".Từ
hỗn tạp, vô cảm để hiện thân thành thông điệp có chiều sâu, hằn rõ những lát cắt mang ý đồ tư
tưởng ?
1* Nức nẻ : Từ trực cảm để liên tưởng tới mặt thoáng hằng trăm, hànghàng ngàn năm khô cằn dưới
mặt trời nhiệt đới. Quê nhà và ruộng đồng mùahạ. Những vết nức chân chim bên
gốc rạ thân tình. Của di tích rêu phong qua bao lần phế hưng, mưa nắng. Là nét
phát gợi nhớ về ảnh tượng mênh mông, bước chân đi của tổ tiên người Việt. Là sự hiện
hữu bằng chứng vượt lên đầy bi tráng giữa lịch sử, thời gian và bạt ngàn cam
khổ.
Ẩn hiện
chiều sâu ở nức nẻ như một thứ thông điệp lõm khuyết đang cất tiếng vọng
trầm, luôn nhắc nhở. Rằng, nức nẻ hiển
thị về độ căng từ thiếu hụt dưỡng sinh kết dính trong mệnh vận và môi trường đầy khắc
nghiệt. Một cách khác, là hậu quả chênh
lệch của hai phạm trù thuỷ, hoả. Ảnh hưởng vốn khốc liệt của cường lực nhiệt độ tạo
khô cằn lên chất lỏng bốc hơi. Bức "Tự
sự cố đô" rực lên một màu đỏ chói.
Lớp lớp
liên tưởng...Cuối cùng cũng trở về trong đòi hỏi một hoà điệu thiêng liêng không
thể tách rời Đất Nước. Đấy cũng là hai
trong nhiều chất liệu chính thức hoá thân vào nghệ thuật sơn mài. Sự hoà điệu nhuần
nhuyễn ấy như một loại thước đo cơ bản, ấn chứng lâu dài cho lịch sử suốt bốn
ngàn năm văn hiến. Nức nẻ, phạm trù mãnh
liệt nói lên khát vọng lấp đầy và xoá đi khoảng trống cách ngăn.
Khát
vọng ấy không còn riêng Võ Xuân Huy. Anh đã bắt gặp và hoà đồng trong cội nguồn đại
thể. Xa hơn, còn là khát vọng chung của tự mỗi nhân thân trong cộng đồng nhân loại. Đánh
động sự sa-mạc-hoá vật thể lẫn tinh thần.
2* Nhăn nhúm : Từ
trực cảm để liên tưởng tới vết nhăn khuôn mặt mẹ già, của tổ tiên khuất bóng. Những
luống cày vồng lên trong ký ức Việt nam. Là những nếp gấp dựng dậy từ núi non,
sơn hà và lục địa. Sóng biển. Của lớp lớp thời gian đang dồn xô, đập vỗ. Là biểu
trưng uất súc những năng lượng vô bờ còn trong cõi đi hoang. Của gom tụ, dư thừa
nhưng chưa bao giờ được khai phóng, thăng hoa.
Ẩn hiện độ dày, gồ cộm trong nhăn nhúm ở đây như một thông
điệp lý giải về sự co cụm, nghẹn tắt trong âm thanh đông cứng, cô đơn. Rằng,
phạm trù nhăn nhúm hiển thị cho quánh đặc, dư thừa song thiếu hụt dung môi
để có thể lan chảy hài hoà. Một cách khác, nói lên khát vọng hoà nhập để hiến dâng và cung ứng. Khát vọng về
xử lý đường dẫn tinh hoa và năng lượng.
Ngay ở đây, tính biện chứng giữa nức nẻ và nhăn nhúm phơi
bày. Sự tương tác giữa hai phạm trù dư thừa và thiếu hụt tự nó đã nói lên liệu
pháp dung hoà. "Bổ bất túc, tổn hữu dư" , Võ Xuân Huy gặp lại minh
triết phương Đông. Vâng, bớt chỗ dư thừa, lấy
đó thêm vào nơi thiếu hụt.
Ta
nhận thấy có cả rác thải công nghệ - vỏ bia lon - được đính cứng, gồ cộm lên trong bức tranh sơn
mài hết sức đặc biệt "Hoá thạch đương
đại".
3* Nhẵn mòn :
Từ trực cảm để liên tưởng tới cuốc, cày bóng nhẫy chất mồ hôi. Những tấm áo sờn
vai, mong manh bạc mầu vì sương nắng. Của mọi lối
trâu đi bên vệ cỏ đường làng. Là âm bản
phim để phóng ảnh những cật lực tận tuỵ nuôi sống con người. Sự hy sinh nhân
thân để hậu duệ tựu thành ước vọng văn minh. Là bậc cấp nhẵn mòn, chỗ đặt chân thấp nhất, đầu tiên trên từng chiếc thang
danh vọng.
Ẩn hiện độ lép, sự chà mài trong nhẵn mòn ở đây như một thứ thông
điệp trực tiếp cắt nghĩa tại sao ? Do đâu ? Toàn cục được ngời lên vẻ bóng lộn
tinh khôi. Rằng, phạm trù nhẵn mòn hiển
thị cho cạn kiệt về năng lượng sống. Sự
trả giá - hy sinh nhiều thế hệ - cho thành tựu và phúc lợi văn minh hôm nay mà không
hẳn ai đều thụ hưởng như nhau.
Một
cách khác, bức "Những mẫu tự
chết" đã tự kỷ ám thị với nền
văn minh mà chính nó là biểu tượng. Xơ hoá chữ nghĩa.Ta nhìn thấy hình tượng
các mẫu tự bị lộn ngược, nhạt mờ và tơi tả. Bắt
gặp ở đây, sự cảnh báo trên phạm vi toàn
thế giới về độ mòn nhẵn, trơ lỳ các hệ thống ẩn sau vinh danh tư tưởng tiến bộ
của con người.
Mặc dù đã qua nhiều cuộc triển lãm quốc nội, nước ngoài. Song,
với "Ba biến thể" mới là
lần thứ nhất. Chưa đáp ứng thời gian để Võ
Xuân Huy khai triển đủ và đầy những trường liên tưởng phong phú như bản tâm ấp ủ,hướng về...
Vẫn
có thể nhận ra rằng, cấp độ ngôn ngữ trừu tượng được sử dụng nơi đây chừng mực,
không tìm cầu sắc sảo. Nhưng bên cạnh - một cách công bình và quan trọng hơn - cần
thấy rằng, đấy chưa phải là sinh điểm của "Ba
biến thể". Hơn thế, chính nó còn mở ra khả năng kết hợp một số ngôn ngữ
khác, kể cả ngôn ngữ trừu tượng vào trong nó...Chắc rằng sự đột phá để khai
quang một con đường như Võ Xuân Huy, hẳn là điều mang ý nghĩa nhiều hơn.
Rất
bất ngờ, nhưng không thể phủ nhận anh đã chứng tỏ chúng - "Ba biến thể" -
như cặp cánh tân kỳ, có thể chuyển tải thứ nghệ thuật
sơn mài đầy kinh viện vào một cõi xa hơn, mới hơn nhưng - ít nhất qua các trường liên
tưởng Võ Xuân Huy chủ động thiết lập - tranh của anh vẫn chưa hề rời xa truyền thống.Tất nhiên, dù "biến thể" đến đâu, hoá thân ba phạm trù nức nẻ, nhẵn mòn và nhăn nhúm vẫn tồn tại căn cơ, là thoát thai đích thực từ bản sắc
nguyên thuỷ.
Vâng,
"Ba biến thể" trong tranh sơn
mài của Võ Xuân Huy đủ để nói lên giá trị
độc sáng một con đường. Sự lập ngôn đầy táo bạo, và là dự báo thực tiễn có cơ
sở về tín hiệu lạc quan mở rộng thêm giá trị nghệ thuật cho vùng sơn mài phủ sóng...
HUẾ-2008
THT
***
Bài do họa sĩ Võ Xuân Huy gởi tặng
huyartvn@gmail.com