|
Tác giả Kha Tiệm Ly |
1. Tại thôn Sài, huyện Nghi Xương, Lạc Dương, Trần võ sư có một con gái yêu là tiểu thư Tần Mai dung nhan cực kì xinh đẹp, lại giỏi thi họa cầm kì. Trong hàng cao đồ của Trần võ sư có Cao Đại Nghĩa và Tiêu Triều Phong đều đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Cao và Tiêu, một bên vũ dũng nửa cân, bên kia lược thao tám lượng, chính Trần võ sư cũng phải phân vân khi đánh giá hai người để kén rể đông sàng. Người gọi tiểu thư Tần Mai đến, hỏi:
- Con đã lớn khôn mà ta thì chẳng biết còn được bao lâu. Ta muốn con yên bề gia thất để ta còn được yên lòng nhắm mắt.
Nhấp một ngụm trà, Trần võ sư nói tiếp:
- Ta muốn tổ chức tỉ võ chiêu phu, con nghĩ sao?
Tần Mai đáp:
- Thưa phụ thân, lương duyên do trời định, không thể cưỡng cầu mà được. Tỉ võ chiêu phu chẳng qua là tìm được người tài giỏi; nhưng đức độ thì sao? Được một tấm chồng cử đỉnh bạt sơn, nhưng tâm địa đê hèn thì phỏng có ích gì! Đó là chưa nói chỉ vì một đóa hoa vô hương vô sắc nầy mà đao kiếm vô tình, hài nhi cũng chẳng cam tâm.
Trần Võ sư hỏi :
- Ta thấy Cao, Tiêu đều một dạ thương con. Con nghĩ thế nào?
Tần Mai ngập ngừng:
- Cả hai huynh ấy đều vũ dũng kiện toàn nhưng theo con thì Cao huynh có khí phách của đấng trượng phu, còn Tiêu huynh là người trí trá.
Trần Võ sư trầm ngâm không nói. Người thật là khó xử vì trong thâm tâm vốn yêu mến Cao hơn nhưng ngặt nỗi Tiêu lại là con của Tiêu áp ty - cũng là lão bằng hữu. Bất giác Trần võ sư nhìn con gái rồi quyết định: Người sẽ gả Tần Mai cho ai đoạt giải trong kì thi chọn võ quan của triều đình sắp tới.
Trước khi hai cao đồ lên đường, Trần võ sư căn dặn:
- Chắc chắn rồi hai con cũng phải đối mặt nhau trên võ đài, kẻ thắng người thua không thể tránh khỏi; nhưng hãy nghĩ tình huynh đệ mà không xuống đao vô tình. Lời ta, các con hãy ghi nhớ !
Tần Mai bạo dạn thưa:
- Nếu trong hai sư huynh lại phải vong mạng vì nhau thì tiểu muội thà chết chứ không chấp nhận hôn ước nầy.
Cao và Tiêu bái tạ sư phụ, hăm hở lên đường.
2. Tiêu đoạt Á Nguyên, được hoàng đế ban cho chức bộ đầu tại huyện nhà; còn Cao tự dưng bỏ cuộc, cuốn gói ra về ngay trước vòng thi sơ kết.Từ đó biệt vô âm tín.
Tiêu trở về, ra mắt thầy và xin cưới Tần Mai. Không thể bội ước, Trần võ sư đành ưng thuận.
Lễ xuất giá của Trần tiểu thư mười phần long trọng. Có đầy đủ chức sắc và hào phú địa phương tham dự. Kèn trống ngày đêm rộn rịp, quan khách lui tới tưng bừng. Người trong thôn trầm trồ luôn miệng. Thế mà Trần võ sư có vẻ đăm chiêu, nói cười chiếu lệ! Còn Trần tiểu thư thì lại càng ủ dột sắc hoa, dung nhan héo úa!
Qua ngày, Trần võ sư biếng nói ít cười, không bao lâu tâm bệnh phát sinh, hình vóc hao gầy, kéo dài năm tháng. Trước phút lâm chung, người gọi Tần Mai đến bên mà rằng:
- Mưu viêc ở người, thành sự ở trời…
Thương cho Cao đồ đệ còn nhiều gian nan…
Bèn ra hiệu cho Tần Mai đến gần, thều thào mấy tiếng rồi nhắm mắt!
Hai năm sau, Tiêu bộ đầu được thăng chức huyện lệnh Nghi Xương, bèn xa mã cùng toàn gia lên đường trấn nhậm. Gần đến
Phong Sơn - thuộc lãnh địa huyện Nghi Xương, Tiêu hiệu lệnh cho binh sĩ dừng lại, rồi truyền:
- Phong Sơn núi cao rừng sâu, là nơi đắc địa của phường cường đạo. Đầu lĩnh Trường Hận nơi đây đã khiến quan binh mất ăn
mất ngủ. Các ngươi hãy cẩn trọng đề phòng!
Tiếng quân “dạ” chưa dứt thì trên sườn núi hàng trăm lâu la ùa xuống hò hét vang trời, Tiêu cả kinh vì thấy lực lượng không cân sức. Đang bối rối thì nghe giọng thét như sấm vang:
- Không được lạm sát!
Tiêu quay lại, tiếng binh khí lặng dần. Một hảo hán tay cầm trường đao gò cương trước mặt. Tiêu không tin vào mắt mình, bởi người đó chính là Cao! Cao cười nhếch:
- Nay ta đến để đòi nợ ngươi đây!
Tiêu như không nghe, hỏi lại:
- Trường Hận là huynh đó sao? (mai mỉa) Những
tưởng bao năm nay huynh đem sở học của mình mà phát huy quang đại, kiếm chút công danh, phò vua giúp nước, nào ngờ…
- Câm mồm! Ăn cướp như bọn ta là cướp của cường hào, cướp của tham quan, đem chia sớt với hàng vạn bá tánh lầm than. Có chi không tốt? Chẳng bằng bọn mi, mồm thì huênh hoang giúp nước an dân, mà tâm địa hiểm sâu tàn độc. Trên thì dối vua mà bòn rút của công, dưới thì hà hiếp dân lành mà ăn gan móc ruột. Mặc người đói lã dọc đường, mặc tiếng khóc gào thê thiết! Chức bộ đầu tép riu của ngươi một năm được mấy mươi quan mà hôm nay lại có ruộng đất nghìn vuông, vàng ròng thiên dật?
- Huynh khá giữ lời!...
- Ta chẳng có huynh đệ nào với một thằng bất nghĩa như ngươi: Chẳng phải vì muốn chiếm được Tần Mai mà ngươi bỏ ngoài tai lời dạy của ân sư. Cùng vì chút công danh mà ngươi đã lén cho ta uống “bại cân tán” trước ngày thi đấu? Những trò hèn hạ ấy ngươi còn muốn giấu mãi hay sao?
Tiêu hơi sượng sùng, nhưng trước mặt thuộc hạ, và nhất là sợ trong kiệu Tần Mai nghe được thì ấn tượng tốt đẹp về một đấng phu quân sẽ không còn nữa, nên nói át lời :
- Không cần nói nhiều! Ta với ngươi giờ là hai giới tuyến. Một bên là mệnh quan triều đình, một bên là kẻ cướp, thì chỉ gươm đao mới định phải trái mà thôi!
Cao cười lớn:
- Ta không ngờ rượu thịt dơ bẩn chốn quan trường mà ngươi vẫn còn giữ được chút khí phách của ân sư truyền lại! (quay qua thuộc hạ) Đây là ân oán của cá nhân ta, các ngươi nên điềm nhiên tọa thị, và chớ lạm sát những binh lính vô tội kia. (quay qua Tiêu). Đừng trách đao pháp vô tình. Hãy đỡ!
Nói rồi vung đao. Tần Mai trong kiệu đã nghe rõ mọi sự từ đầu nhưng yên lặng để xem câu chuyện thế nào. Đến khi hai người quyết đấu, nàng kinh hoàng xuống kiệu, thét to:
- Cao huynh! Hãy nương tình!
Lời Tần Mai vừa dứt thì Tiêu cũng vừa té ngựa, và bị mũi đao của Cao dí sát yết hầu. Tiêu kinh hãi thét lên:
- “Cuồng phong đao!”. Đao pháp trấn môn của sư phụ, sao ngươi biết được?
Cao cười lớn:
- Trên đời nầy chỉ có sự gian trá, lòng hiểm độc là không cần có người dạy mà thôi! Ha ha!...
Tiêu lớn tiếng:
- Sư phụ mật truyền cho ngươi?
- Ha ha! Người hỏi Tần Mai thì rõ!
Tần Mai ấp úng chưa biết phải bắt đầu như thế nào, thì Cao chợt khoác tay bảo đừng, rồi nói:
- Ngươi nghe đây: Về võ công thì ta và ngươi ngang nhau, nhưng vì sư phụ đã sớm nhận thấy ngươi là kẻ tâm địa đê hèn, trí trá…
Tiêu cả giận:
- Vì thế mà lão già ấy mật truyền “cuồng phong đao pháp” cho ngươi?(cười man dại) Ha ha! Lão già ơi, lão già! Rốt cuộc “cuồng phong đao pháp” của ông cũng bại dưới “bại cân tán” của ta! Ha ha!
Cao nạt lớn:
- Câm mồm! Mi quả là đứa vô nghì! Dám buông lời hỗn xược với ân sư!
Nhưng lại thu đao về:
- Nhớ lời ân sư dặn, ta tha ngươi một lần. Giờ ta đòi lại ngươi những gì ngươi nợ ta mà thôi!
Tiêu cười khẩy:
- Ngươi muốn nói đến Tần Mai ư ? Hãy xem đã! Ha ha!...Này hiền thê , hãy cho hắn biết là chúng ta đã sắp có con...
Tần Mai khảng khái nói:
- Từ khi phụ thân đã có ý muốn gả muội cho Cao huynh thì muội cũng đã tự coi mình là người của Họ Cao rồi! Chuyện hôn phối
với huynh chẳng qua là vì lời hứa của phụ thân thôi! Nay lại biết lòng dạ thấp hèn của huynh thì muội chẳng còn lý do gì để sống với huynh nữa !
Tiêu lắp bắp:
- Nàng !...còn… còn…
Cao nhếch môi:
- Người chớ bận lòng: Con của Tần Mai cũng là con của ta! Ta sẽ dạy dỗ nó đáng mặt một kẻ trượng phu, anh hùng cái thế…
- Sao… Sao ngươi lại biết?
Tần Mai giải thích:
- Phụ thân và muội đã biết thủ lãnh Trường Hận chính là Cao huynh, thì chuyện gì mà Cao huynh không biết!
Tiêu thét lên:
- Thế là lũ các người đã lừa ta! Các ngươi
đi đi!
3. Mười năm sau, khi quân của Lý Tự Thành vừa đến Lạc Dương, thì Tiêu vội mở cửa thành quy phục, rồi mượn thế lực của Lý
mà vây hãm Phong Sơn. Lương thiếu binh hao, thế cùng lực tận. Hảo hán Phong Sơn quyết tử đến người cuối cùng. Cao tử trận giữa đám loạn quân.
Tiêu truyền binh sĩ đón Tần Mai lên kiệu; Tần Mai chua xót nói:
- Chồng ta chết máu chưa khô mà ngươi dám có ý nghĩ đón ta về sao? Ngươi nghĩ ta là người thế nào? Nếu ngươi còn chút khí
phách thì hãy cho ta an táng Cao huynh, cho Bảo Nhi đội mảnh khăn tang…
Tiêu nhìn một thiếu niên khôi ngô đứng bên, mặt lộ vui mừng:
- Bảo Nhi? Con của ta? Lại đây với ta! …
Bảo Nhi nhìn mẹ, rồi vòng tay thưa với Tiêu:
- Thưa ngài! Từ khi chào đời, Bảo Nhi chỉ biết có một người cha là Cao anh hùng mà thôi! Người thương yêu Bảo Nhi rất mực, và dạy bao điều lễ dũng, nghĩa nhân. Dù Bảo Nhi thực sự là máu huyết của
ngài, nhưng so công trời biển của phụ thân nuôi dưỡng lớn tợ Thái Sơn e rằng không gì sánh nổi!
Tiêu cả giận, đập bàn quát:
- Nghiệt súc! Các ngươi bất nghĩa thì chớ trách ta vô tình! Bây đâu! Hãy quăng xác sơn tặc xuống núi để làm mồi cho lang sói! (chỉ mẹ con Tần Mai) Bắt hai kẻ nầy về huyện đường trị tội !
Tần Mai lấy chủy thủ từ tay áo, chỉ vào Tiêu và đám binh sĩ; hét lớn:
- Đứng im! Cũng vì quan trường còn bọn vô lại như ngươi nên mới có những người như chồng ta lên non tụ nghĩa. Chồng ta dám chết vì lý tưởng của mình; ta há lại không vì đó mà kiêu hãnh hay sao? Ta sống ở Phong Sơn, thì chết cũng ở Phong Sơn, đâu dám phiền tới ngươi! Ha ha!
Nói xong, bèn xé vạt áo trắng quàng lên đầu, đoạn đâm chủy thủ vào tim!
Bảo Nhi ôm xác mẹ khóc rống một hồi rồi lao đầu vào đá! Lúc đó vào năm 1642.
4. Năm 1698, hoàng đế Khang Hy đi tuần du, ngang qua Phong Sơn thấy một cái miếu nhỏ hoang tàn, bèn hỏi các kì lão trong vùng; họ thuật lại câu chuyện kể trên, rồi bảo tâu rằng:
- Hoàng thượng tha tội! Vì dân quanh vùng cảm kích khí khái của Cao đại hiệp và tiết liệt của Trần tiểu thư nên âm thầm lập miếu thờ mà không được lệnh của quan nha.
Hoàng đế ngậm ngùi, liền truyền lệnh đại tu rồi tự tay ban cho bốn chữ “Anh Hùng Liệt Nữ Miếu”. Một tùy tướng theo bảo giá tâu rằng:
- Tâu bệ hạ! Kẻ ấy là sơn tặc… mà bệ hạ
phong là “anh hùng” có quá đáng lắm chăng?
- Luận anh hùng không thể nói sang hay hèn, thù hay bạn; mà nên xét khí phách và việc làm của người ấy: Một kẻ cướp, nhưng cướp của cường hào phân phát cho dân; và một kẻ làm quan bóc lột bá tánh, tham lạm của công để nén vào túi mình, thì ai mới thực sự là kẻ cướp? Kẻ thù của ta, nhưng không run sợ trước ta, không vì danh lợi ta ban mà phản lại chủ họ. Bạn của ta, nhưng trước mặt ta thì múa lời xu nịnh, sau lưng ta lại có những mưu mô mờ ám; gặp cơn nguy biến thì khiếp nhược cầu an. Vậy ai là bạn, ai
là thù? Ai là anh hùng, ai là vô lại?
Vị tùy tướng khấu đầu:
- Hoàng thượng anh minh! Vạn tuế, vạn vạn tuế!
Kha Tiệm Ly