Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 6, 2021

NHỚ NGUỒN – Thơ Lê Kim Thượng

 
            Nhà thơ Lê Kim Thượng


NHỚ NGUỒN
 
Ngủ đi... giấc mộng tình quê
Đong đưa tiếng võng... vỗ về chiêm bao
Lời ru Lục Bát... Ca Dao...
Đưa ta về cõi trăng sao quê nhà
Đơn sơ cây ớt, cây cà
Chim cu, chim quạ... bay qua nỗi chờ...

***                  
Làng xưa, xóm cũ trong mơ
Đình xưa rêu ngói, bây giờ còn không
Se se gió Bấc cuối Đông
Tiếng đàn Vọng Cổ bềnh bồng... tình tang
Nắng rơi ngập cánh đồng làng
Mênh mông biển lúa óng vàng đong đưa
Bờ ao, bến nước, gốc dừa
Hương quê, hương đất thoảng đưa dịu dàng
Chiều trôi theo bóng mây ngàn
Bóng em trong nắng... nắng vàng hiu hanh
Chiều thơm khói bếp mái tranh
Vườn cau hoa trắng... trầu xanh mướt vườn
Hoa quê Dủ Dẻ nhả hương
“Gừng cay... muối mặn...” ngọt đường lời ru
Sông dài chảy mãi thiên thu
Ngàn năm soi bóng Vọng Phu trông chồng
Mùa xanh hương lúa đòng đòng
Tình quê lòng vẫn giữ lòng đinh ninh
Sóng đùa trăng... ánh lung linh
Nước trôi... trôi cánh Lục Bình tha hương
Ôm trăng ngủ giấc miên trường
Bốn bề tịch lặng... Vô Thường thành hoa...

***  
Ngóng trông quê cũ nhạt nhòa
Chiều hoang, loang tím vỡ òa... Buồn ơi...
Trăng nghiêng sao đổ trên trời
Nghe đêm huyền hoặc... nghe đời lãng du
Non cao gió thổi lời ru
Đau lòng Chinh Phụ... Chinh Phu võ vàng
Lẻ loi con Cuốc khóc than
Thương người xa xứ... phụ phàng tình quê
Làm sao bỏ được bộn bề
Cùng quê đối ẩm... rượu thề trăng suông
Quê người khúc hát buồn buồn
Câu ca “Uống nước nhớ nguồn...” buồn thiu
Gió Nam muộn thổi hiu hiu
Cửa Sài gió gọi hắt hiu thầm thì
Mười năm ghi dấu phân ly
Mười năm tình cũ... sầu bi bóng tà...
Tóc râu cằn cỗi tuổi già
Tình quê lòng vẫn thiết tha thắm đằm
Trời còn trăng khuyết, trăng rằm
Núi mòn, sông cạn... trăm năm một lòng...
 
Nha Trang, tháng  6. 2021
LÊ KIM THƯỢNG
 
 
READ MORE - NHỚ NGUỒN – Thơ Lê Kim Thượng

ÁO HOA - Truyện ngắn Lê Yên

 

Nhà văn Lê Yên

ÁO HOA

Truyện ngắn 

Lê Yên


Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu ấn cho xứ sở quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Cái lạnh ùa về trong từng ngóc ngách con phố, thích thú, lãng mạn, và cũng thật co ro cho những ai ngoài kia lang thang… Tôi đảo mắt tìm Áo Hoa. Đã mấy ngày không nhìn thấy dáng gầy ôm khư khư trước ngực bọc đồ như sợ ai đó cướp mất, đứng bên đường chờ trong những sáng tôi đưa con đi học với nụ cười dại đi một nửa.

Lần đầu nhìn thấy cô ấy khi vừa ra khỏi ngõ vội vàng, tôi chợt khựng lại với hình ảnh trước mắt. Cô gái trong bộ đồ lem luốc, mái tóc lâu ngày chưa chải rối tung tự do đùa cùng gió. Đôi mắt biết lỗi và nụ cười cầu tài mặc định van xin trong vô thức, khiến tôi bối rối trong phút chốc. Phóng xe đưa con đi học cho kịp giờ, nhìn con bước vào cổng trường, vội vàng quay xe lại, cô gái đó đã biến mất như chưa từng xuất hiện. Đảo mắt tìm quanh không một dấu vết, trong tôi mơ hồ một nỗi buồn, xót xa. Sự bất hạnh không chừa một ai, ai đó đã lạc mất cái tôi để rồi không biết đi đâu, về đâu và nơi nào là bình minh cuộc đời mình.

Lòng trắc ẩn rồi cũng nguôi ngoai. Vừa lúc tôi kịp quên, cô ấy đứng đó, vai gầy, tóc rối, ôm khư khư bọc đồ trước ngực trong một góc khuất trước hiên nhà người lạ, tìm chỗ qua đêm. Tôi lại gần, nhìn cô ấy với nụ cười làm quen. Nụ cười, ánh mắt chớp chớp thấp xuống như biết lỗi, sợ bị đuổi đi, sợ ai đó không chấp nhận mình, cô ấy trông thật tội nghiệp.

Phía trước hiên nhà khá rộng, khuất gió, có thể ngủ tạm qua đêm. Tôi chỉ vào góc khuất hỏi nhỏ: “Cô tính ngủ đây ha?” Cô gật đầu, cười thật tươi. Cô ấy trải tấm ny lon, vuốt mấy lần cho thật phẳng rồi ngồi xuống, vẫn ôm khư khư gói đồ trước ngực. Tôi ngồi xuống hỏi chuyện: “Ở đâu đến đây?” “Xa lắm!” Sau câu trả lời, lại cười. Hai bàn tay xoắn lấy nhau luôn cử động, vẻ bối rối. Tôi chỉ vào túi đồ và hỏi tiếp: “Cái gì đây?” Những câu hỏi trống không, bắt chuyện làm quen chưa tạo được sự tin tưởng. Cô ấy hoảng hốt lùi lại, giữ chặt túi đồ giữa dáng người gập lại lom khom, ngập ngừng trả lời: “Áo… hoa…” Đưa tay vuốt nhẹ phiến lưng gầy trong chiếc áo cáu bẩn tôi khẽ nói: “Uh. Áo hoa. Không ai lấy của cô đâu. Đừng lo.” Đứng lên, cho tay vào túi áo rút tờ tiền đưa trước mặt cô gái, tôi lên tiếng: “Mua đồ ăn.” Đôi mắt thất thần sáng hẳn lên, đưa tay rút vội tờ tiền trên tay tôi, thay vì cám ơn, lại cười, nụ cười vô hồn còn lại sẳn sàng tặng bất cứ ai trước mặt.

Gió từ ba phía gặp nhau ở ngã ba đường xoắn lấy, thổi thốc mát lạnh. Con đường đêm vơi bớt tiếng ồn và sự nhộn nhịp, thật dễ chịu. Tôi tản bộ dưới hàng cây lao xao theo gió, mang theo hình ảnh cô gái điên với hai từ Áo Hoa như một dấu ấn về người phụ nữ chợt nhớ, chợt quên đời mình. Có hôm tôi đi bộ sớm hơn để kịp nhìn ngắm hoàng hôn, mặt trời mỗi ngày mang sắc thái khác nhau, những tia sáng thần bí từ nơi xa xôi níu lấy ngày thương tiếc, vẫn thật đẹp và gần gũi! Tôi muốn giữ lại hình ảnh đó, tia nắng cuối ngày vội vã…
Không biết từ lúc nào Áo Hoa đã trở nên quen thuộc với khu phố. Đó là cái tên tôi đặt cho. Chủ nhà cũng không nỡ đuổi đi khỏi góc khuất một con người không bình thường cơ nhỡ. Tôi thường bắt gặp cô ấy dậy từ rất sớm, gấp dọn chỗ ngủ thật gọn gàng, sạch sẽ, gia tài nằm gọn trong túi đồ ôm trước ngực, ở đó như có một quảng đời mà trí nhớ giữ lại cho người đàn bà mơ trong cõi thực. Cô ấy đứng bên đường nhìn bình minh một cách chăm chú giữa dòng chảy của ngày, với nụ cười còn lại mặc định sự tồn tại với chiếc bóng bên đời, hòa vào dòng người mất biệt cho đến chiều tối mới trở về.

Sài Gòn đã qua mùa mưa, sáng tối trời se lạnh với tiết lập Đông. Thời gian trôi qua chóng vánh không dừng… Lại sắp tết…! Trong đầu tôi nhói lên ý nghĩ: Tết với những kẻ không nhà. Áo Hoa đi về đâu?

Chiều sau giờ tan tầm, trên đường đón con, tôi ghé vô cửa hàng mua vội bó rau, đồ ăn trong tủ lạnh vẫn còn. Một bữa cơm nóng vừa đủ với người thân trong tỉnh táo yêu thương, đó là may mắn hạnh phúc.

Từ xa nhìn thấy Áo Hoa đang chuẩn bị góc ngủ cho mình một cách chăm chút, tôi khẽ cười chợt nghĩ: Trong tâm trí cô ấy đó là nhà… Lại gần, tôi ngồi xuống bên cạnh, gọi: “Áo Hoa!” Quay lại cười, vì đã quen với cái tên được đặt cho một cách thích thú. Đưa mấy cũ khoai luộc còn ấm đặt trên bàn tay rụt rè: “Cho em!” Vẻ sợ sệt, đề phòng ban đầu không còn, cô ấy thoải mái hơn. Một hai câu nói không ăn nhập vào nhau trong mớ ký ức lộn xộn được thốt ra với sự tin tưởng. Tôi ngồi đó chờ đợi, lắng nghe… Tôi chờ đợi, lắng nghe gì từ người phụ nữ không còn tỉnh táo? Mọi chuyện xuất phát từ sự thương cảm, tôi muốn được chia sẻ, muốn mở một cánh cửa trong nội tâm ngột ngạt đến điên loạn. Đôi mắt đó có khi ngập trong bóng đêm, có khi xa xôi đến không tồn tại. Đêm nay cô ấy ngồi lặng yên, cảm giác bối rối không còn. Trong phút chốc, đặt túi đồ ôm trước ngực xuống, mở ra… Tôi nín thở, sợ chỉ một va chạm nhỏ trong làn ranh giữa điên và tỉnh sẽ vỡ, con người lại rơi vào trạng thái không lường được… Từ bên trong túi, cô ấy cầm lên một chiếc áo hoa, đó là áo khoác bé gái chừng ba tuổi, với hoa văn tươi màu sáng đẹp. Đôi tay gầy guộc vuốt những nếp gấp phẳng phiu như âu yếu, dỗ dành đứa trẻ. Giọng nói thấp hẳn xuống, lần tìm trong ký ức một lối mòn tối tăm, trở nên tỉnh táo lạ thường. Cô ấy bắt đầu với giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt lặng lẽ.

“Cô là chị cả trong một gia đình có hai chị em. Cha làm thủy thủ trên một tàu đánh cá xa bờ, mỗi chuyến đi về vô chừng… Mẹ mua bán cá trên bờ từ những tàu cập bến. Cuộc sống gia đình có ăn, mặc… Chị em cô được đi học. Tai họa giáng xuống đã cướp đi người cha thân yêu sau lần ra biển gặp bão lớn. Mẹ suy sụp hoàn toàn, bệnh liệt gường. Sau một thời gian, mẹ khỏe lại nhưng không còn được như trước đây. Không thể một mình mua bán! Thế cô đành nghỉ học cùng mẹ lo cho gia đình.

Biển sớm mai trong veo, phía chân mây hửng sáng, gió thong dong lướt sóng vỗ bờ. Cô hít căng lồng ngực luồng sinh khí đất trời, có vị mặn đọng lại trên bờ môi lưu luyến. Cô yêu biển! Cô nhớ bao lần đón cha sau mỗi hành trình xa khơi, quà mang về từ biển là những con Ốc, con Sò lấp lánh.

Dậy từ rất sớm, đón tàu cá cập bến. Chỉ một thời gian ngắn cô đã học được cách mua, bán từ mẹ. Việc kiếm tiền trông cậy vào cô. Thương lái mua với số lượng lớn, cô chỉ mua phần còn lại để bán lẻ cho người trong vùng. Thời gian cứ thế trôi qua. Bình minh và hoàng hôn thay màu trên biển mênh mông, cô đã trưởng thành và xinh đẹp. Sự thông minh, lanh lẹ của cô đã lọt vào tầm mắt bà Tư chủ vựa cá trên thị trấn. Giọng nói bà khàn đục nhưng rõ to, tướng người thấp đậm, vững chải. Đôi mắt ti hí thường xuyên đảo quanh, thỉnh thoảng lóe lên giận dữ như một tia chớp khi ai đó làm bà phật ý. Từ xa có thể nghe bà quát tháo người làm của mình. Bà thu mua cá và vận chuyển bằng xe đông lạnh, đi các tỉnh.

Đến một ngày. Bà Tư đến gặp mẹ cô đặt thẳng vấn đề: Cưới cô về làm vợ cho con trai bà. Nghe đâu cậu con trai độc nhất đó đã gần ba mươi nhưng chỉ biết lêu lổng, ham chơi. Bà muốn con trai tiếp quản công việc làm ăn, khi có gia đình. Điều kiện của bà: Cô nghỉ bán, hàng tháng cho cô số tiền đủ để cô lo cho mẹ và em đi học. Bà sẽ sửa lại căn nhà cũ kỹ từ ngày cha mất nay đã xuống cấp.

Đêm đó cô lang thang trên bờ cát với những con sóng vỗ về đôi chân trần không phương hướng. Cô tìm cha giữa bao la trời biển, muôn tinh tú lấp lánh đang dõi theo bước cô. Tuổi đôi mươi với nhiều mơ ước không thuộc về mình… “Con phải làm sao mới đúng đây cha?” Cô khóc trong mơ hồ sợ hãi… Gió vẫn vô tình lướt qua khiến cô rùng mình. Sóng khe khẽ với khúc hát hợp tan dưới màn đêm thăm thẳm. Cô quay đầu chạy về nhà với những bước khó khăn lún sâu trong cát.

Mẹ ngồi đợi cửa. Từ xa cô nhìn thấy bóng gầy mẹ mòn mỏi, khiến lòng nhói đau. Căn nhà cô chỉ một mùa bão nữa thôi sẽ không trụ nỗi. Bước vào khép nhẹ cánh cửa với tiếng kêu của cái bản lề rỉ sét, khô dầu. “Con về rồi!” Mẹ lên tiếng. “Dạ mẹ, mẹ chưa ngủ?” “Mẹ không ngủ được.” “Mẹ không nỡ để con về nhà đó. Mẹ sẽ từ chối người ta. Con đừng lo! Để mẹ thu xếp, nghe con.” Đôi tay mẹ run run giữ chặt tay cô như sợ ai đó ngoài bóng đêm kia sẽ cướp mất con gái mẹ. Cô ôm lấy mẹ, cảm nhận một thực tế rõ ràng, mẹ như cánh hạc gầy thiếu sức sống. Cô thầm nói với mẹ: “Mẹ không còn lo được nữa rồi, hãy để con thay mẹ làm việc này mẹ nhé!”

Đám cưới diễn ra linh đình, cô rời xóm chài về phố thị xa lạ. Cuộc hôn nhân không tình yêu khiến cô lo sợ. Người chồng thích đàn đúm, ăn chơi không hề thay đổi, chứng nào tật nấy làm mẹ chồng cô thất vọng. Có lúc bà hét lên trước mặt cô: “Làm vợ mà không khuyên nhủ được chồng tu chí làm ăn, thật vô dụng.” Trái tim cô không có điểm tựa nên rơi vào khoảng trống chơi vơi, lạc lõng… Cô không còn định dạng được chính mình và mọi thứ xung quanh.

Cô lao vào công việc, chia sẻ bớt với mẹ chồng những lo toan. Làm mệt rồi, tối ngủ ngon không còn suy nghĩ, buồn phiền. Nỗi nhớ biển, nhớ mẹ luôn theo cô vào giấc mơ như một khao khát thôi thúc nơi cô thuộc về. Thời gian cứ thế qua đi với nhiều thay đổi. Em trai cô đã có gia đình. Phụng dưỡng mẹ. Đó là điều làm cô lo lắng nhất, nhưng bây giờ đã yên lòng. Riêng cô, thôi thì đi bước nào hay bước nấy… Mẹ chồng cứ nhìn lom lom vào bụng cô nói xa nói gần… Như sợ ánh mắt sắc lẻm của bà, đã đến lúc cô mang thai. Đây là điều khiến bà vui nhất từ ngày cô bước chân vào ngôi nhà lớn này. Cô cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn. Thái độ của bà đối với cô cũng thôi ra điều ban phát… Bằng lòng với hiện tại, vui với tương lai khi nghĩ đến đứa con sắp chào đời nay mai. Với cô làm tốt những điều nhỏ nhặt bình thường đã phi thường lắm rồi, vì những điều bình thường đó là nền tảng cuộc sống. Mấy ai biết tiết chế bản thân để không làm tổn thương người khác.

Nhưng mọi chuyện cứ như từng cơn bảo với cấp số nhân. Mẹ cô qua đời sau một lần trở bệnh. Cô không còn mẹ để về thăm. Sự mất mát này làm cô hụt hẫng, đau xót. Em trai vì công việc làm ăn phải dời đi, ngôi nhà nhỏ ở xóm chài đóng cửa lặng lẽ với bài vị cha mẹ.

Thả bộ ra sau hè tìm chút gió mát, trời oi bức thật khó chịu, sắp tới ngày sinh, hai chân cô sưng húp. Nhà vườn rộng, có những nơi cô chưa từng đặt chân đến. Một lối đi lát gạch giữa hai hàng cây cảnh bị bỏ hoang, lâu ngày không ai chăm, xơ xác. Cuối con đường, ngôi nhà nhỏ tĩnh mịch nằm khuất giữa những cây ăn trái lâu năm trông thật huyền bí. Nhìn từ xa, ngôi nhà rất đẹp, giàn hoa giấy màu tím tràn qua mái hiên rũ xuống lưng chừng, đong đưa theo gió gọi mời. Ráng chiều lẫn khuất dưới tầng mây xám, không khí loãng ra mát mẻ. Âm thanh va vào nhau của đám lá xạc xào khấy động sự tĩnh lặng chung quanh. Cô không cầm được tò mò… chỉ còn vài bước là đến ngôi nhà, chân cô khựng lại, tiếng ru con khe khẻ phát ra từ ngôi nhà làm cô lạnh người. Tiếng ầu…ơ… nức nở, làm cô nhớ đến tin đồn ma quái trong khu vườn từ những người làm. Quay người bước vội, không để ý, cô va vào ai đó. Hai chân cô đứng muốn ko vững, định thần nhìn kỹ, ra đó là bà vú già đã ở cùng gia đình mấy chục năm. Cô lắp bắp không thành lời: “Vú… con… nghe…” “Con nghe tiếng ru con phải không?” Cô gật đầu, tay níu chặt Vú run rẩy. “Sao con ra đây, bà chủ biết được sẽ giận cho xem.” Thường ngày cô kính vú như mẹ, ngược lại vú dành cho cô nhiều tình thương. Nắm tay cô đi nhanh ra khỏi khu vườn, vú lên tiếng: “Cũng may hôm nay bà chủ không ở nhà.” Rồi bà kể cho cô nghe về người đàn bà và tiếng ru phát ra từ ngôi nhà đẹp. Câu chuyện mãi ám ảnh cô, cô thấy sợ mẹ chồng, cô hiểu hơn về chồng mình. Ý nghĩ muốn rời đi cứ thôi thúc, cô sợ mình rơi vào cảnh ngộ người đàn bà trong câu chuyện.

Cô đã mẹ tròn con vuông với tiếng khóc trẻ thơ đánh tan mọi lo sợ. Cô thấy như được tiếp sức để có thể đối mặt với tất cả… Mẹ chồng không vui khi biết cô sanh con gái, buông tiếng thở dài rồi bỏ về. Chồng cô ngồi bên cạnh vuốt ve đứa bé trong sự tỉnh táo. Lần đầu tiên cô thấy gương mặt đó sáng lên, phảng phất nụ cười với đôi mắt rưng rưng. Giọt nước mắt đó mừng đứa con mới chào đời hay là thương tiếc đứa con đã mất với người vợ trước - Anh chưa một lần nhắc đến. Cô chỉ biết qua câu chuyện bà Vú.

Thời gian thấm thoát qua mau. Con cô ngoan ăn chóng lớn. Bé đã được ba tuổi. Đó là đốm lửa ấm áp cho ngôi nhà vốn lạnh lẽo. Mẹ chồng hối cô sanh cho được con trai, đừng để bà mất công kiếm con dâu mới. Công việc ngày càng nhiều, bé Hoa chạy theo chân mẹ, vì cô không an tâm khi không nhìn thấy con trong tầm mắt.

Chồng cô đã ra đi, nói là đi làm ăn. Không đợi sự cho phép của mẹ.

Mấy hôm nay không thấy bà Vú, cô đi loanh quanh tìm xem bà có khỏe không? Chợt thấy từ nhà dưới bà đi ra vườn, cô lật đật theo sau gọi: “Vú!” Bà giật mình quay lại, vừa lúc cô tới kịp. “Vú đi đâu vậy?” Bà ko nói, vội kéo tay cô đi nhanh, vừa đi vừa nấc trong ngẹn ngào: “Chết rồi!” “Ai chết?” “Cô ấy!” “Người đàn bà trong ngôi nhà đẹp sao?” Cô lặng người run rẫy… Nỗi sợ hãi chạy dọc sống lưng khiến cô bàng hoàng, thẫn thờ nhìn bà Vú rũ xuống như tàu lá, đó là con gái Vú, lý do Vú ở lại ngôi nhà này. Bây giờ cô đã hiểu tại sao chồng cô đi xa? Không gian cuối chiều tràn ngập đớn đau...
Cuối vườn là ngôi mộ vừa mới đắp, những nắm đất còn mới trôi tuột tự do, là sự giải thoát cho người nằm bên dưới, cũng là xiềng xích trói Vú ở lại đến cuối đời với những chiều nhang khói cho con.

Sự sống và cái chết cứ cuốn vào nhau, đâu là tội ác? Một cơn đau thoáng qua làm tim cô nhói buốt. Con! Cô chạy vội vô nhà, không thấy bé Hoa đâu! Hai chân cô cuống quýt. Con! Con đâu rồi? Mẹ chồng cô đang ngồi xem tivi ở phòng khách, cô ào tới như một cơn lốc. “Mẹ, bé Hoa đâu?” bà liếc ngang: “Tôi giữ con cho cô à!” Bé Hoa chơi với bà nội, cô yên tâm nên đi kiếm Vú. Cô chạy ra cổng, khoảng sân như dài ra. Mọi ngày giờ này cô thường dẫn con đi dạo… Từ xa cô thấy bé Hoa đi ra ngỏ, vừa lúc âm thanh thắng lết bánh kéo trên mặt đường khô khốc. Hình ảnh bé Hoa như một xác pháo trong chiếc áo đầm đỏ tung lên, rơi xuống nằm bất động. Trong thoáng sững sờ, cô chạy đến ôm con vào lòng, chỉ kịp nghe con gọi “mẹ ơi” rồi tắt lịm. Mọi người vây quanh, tiếng mẹ chồng cô khàn đục, lùng bùng. Cô không biết khoảnh khắc đó dừng lại bao lâu, chỉ biết đứa con bé bỏng với đôi cánh thiên thần đã bỏ lại cô một mình. Tiếng ầu… ơ… ru con phát ra từ ngôi nhà đẹp vang lên trong đầu cô rõ mồm một. Cái đầu lãng đãng trong phút chốc cảm nhận sâu sắc: “Với một người mẹ, con cái là tất cả!” Trái tim cô tan nát, mọi việc chung quanh trở nên mơ hồ…

Cô tỉnh lại. Người đầu tiên cô thấy là bà Vú. Trong phút chốc cô nhớ lại tất cả, cô gào khóc tìm con. Bà Vú đưa tay bụm miệng cô lại, thì thầm: “Nếu cô còn la hét, bà chủ sẽ nhốt ra sau ngôi nhà đẹp ấy.” Sợ hãi cô ngồi dúm vào góc phòng tối, không buồn ăn uống. Bà Vú đem đến chiếc áo choàng bé Hoa cho cô đỡ nhớ con. Từ đó cô không ra ngoài, cô sợ mẹ chồng, sợ ngôi nhà đẹp cuối vườn.

Đến một ngày. Cô nghe tiếng con cười, con gọi mẹ ở đâu đó, cô phải đi tìm bé Hoa…
 

…Tôi ôm lấy đôi vai gầy rưng rức, vỗ vỗ vào lưng an ủi “Uh. Bé Hoa đang chơi đâu đó, từ từ sẽ tìm thấy! Em nín đi, đừng khóc nữa nhé!” “Ngủ đi nào!”

Không biết tôi đã ngồi bao lâu bên cạnh cô ấy. Từng cơn gió the thắt đẫm sương đêm khiến tôi thấm lạnh. Thỉnh thoảng vài chiếc xe chạy vụt qua vội vàng. Cô ấy nằm co trong góc khuất với tấm chăn mỏng trùm kín đầu. Hơi thở đều như đang ngủ say, không biết sáng mai thức dậy có thấy khá hơn?

Tôi chợt suy nghĩ về cuộc đời và sự tình cờ, cuộc đời đã bỏ cô ấy lại phía sau, cũng như cô ấy lãng quên chính mình. Biết được mấy người còn tỉnh táo sau nghịch cảnh? Cuộc đời vẫn tiến về phía trước một cách vô tình. Cô ấy vẫn hiện hữu bên trong cái không bình thường thật tình cờ. Nhưng con người không bình thường đó vẫn khao khát yêu thương và cảm nhận được tình yêu giữa đời thường.

Nắng, gió! Lang thang nơi đâu, xin đưa đường Áo Hoa về với biển, về làng chài có bài vị cha mẹ đang chờ trong ngôi nhà nhỏ thân thương.

Sài Gòn 20/12/20
LÊ YÊN
READ MORE - ÁO HOA - Truyện ngắn Lê Yên

THẦY ƠI! SÁNG GIÁ CHÙA LÀNG - Lê Quang Thái

 


Cửa Chùa, ở trang 73, quyển 11 của tuyển tập 11 Thơ Mặc Giang (hiện đã lên tới tập 14), gồm hơn 1400 bài thơ. Chúng con thích nhất, ưng ý nhất là bài Cửa Chùa.

Mở đầu thầy viết đơn giản thôi:

Cửa chùa, chào khách ngược xuôi

Bước qua, biến mất, hỡi người thế nhân

Thầy không trách ai cả, thầy nói theo lối thường tình mà sâu lắng vô kể. Thầy chọn thể lục bát, thơ thuần túy Việt Nam như thẩm định của Giáo sư Bửu Cầm (92 tuổi, vừa mới trở về với cát bụi hơn một tháng). Ở bài thơ “Quốc ngữ Việt Nam” trang 65, thầy viết dễ chịu mà lại dễ cảm quá đi:

Quốc ngữ Việt Nam của nước ta

Đa phong, đa phú, lại đa tình

Chùa Việt Nam (chùa nước, chùa quê, chùa làng) đều có cổng chùa xưa – nay, có biểu hiện rõ ràng. Không có gì phận biệt chùa làng hay chùa nước, vì đã là chùa thì đương nhiên thờ Phật. Thế hệ trẻ vụng dại thích chùa lớn mà quên chùa nhỏ. Phải chăng vì “ngợp” trước cái lớn mang sắc màu thời đại ở chốn đô thành, đô thị. Sai lầm ấy đã được chư tôn đức chỉ bảo. May mắn thay.

Chùa làng quê thật là quê, vì đơn giản chùa thôn, chùa làng nhưng mà chùa quê thật có nhiều gắng kết với dân quê, dân làng, với tuổi thơ, và lớn lao hơn là với làng, với nước nữa. Ước gì mỗi làng quê, chùa làng, chùa thôn được tôn tạo đúng với quy cách xưa và lại được đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa. Thầy đã viết bài “nhớ chùa nhớ quê”:

Nhớ chùa lại nhớ đến tình quê

Dù có đi đâu cũng nhớ về

Như nước nhớ nguồn cây nhớ cội

Vì chùa chan chứa trọn tình quê

Chữ “tình quê” rất hay, gợi nhớ, gợi thương quê hương, làng nước.

Một trong những chủ đề thơ Mặc Giang là Tình Quê. Bài nào cũng bình dị, dễ thương, mà đôn hậu và thuần hương:

Quê hương xóm nhỏ bên làng

Nắng thì đổ lửa chói chang

Mưa thì dầm dề thác lũ

Mà sao tình tự mênh mang

Bài “nhớ chùa nhớ quê” ở trang 41, 42, Tập 13, thơ Mặc Giang còn là bức tranh quê đậm hồn dân tộc:

Chùa quê nho nhỏ giữa thôn trang

Quyện khói trầm hương thoảng nhẹ nhàng

Thân thiện tin yêu thềm cửa Phật

Dân làng hoan hỷ sống hòa vang

Nay mai làng có lên đô thị thì chùa làng có gốc vẫn là chùa quê, rất giàu tình tự quê hương dân tộc.

Hiện nay, làng quê đang khởi sắc, khởi sắc nhiều hơn khi chùa quê có bóng Thầy về thường trú chỉ dạy đường tu tập. Thanh thiếu nhi sinh hoạt tại chùa làng thật dễ thương, dễ cảm. Gia đình phật tử có đoàn quán, có tủ sách gia đình.

Chúng con kính báo tin thầy mừng, nay mai sách thầy chọn và duyệt in xong, thầy in số lượng nhiều hơn để gửi tặng các tủ sách làng quê. Thưa thầy, thầy làm nhiều bài mới để bổ sung thêm cho một bài về làng quê, tình quê đã in trong các tập thơ các năm qua.

Chúng con nghĩ còn một số công việc phải trợ duyên cho các chùa quê.

Huế, ngày 14 tháng 07 năm 2010

Kính mến,

Lê Quang Thái

daophatngaynay.com

READ MORE - THẦY ƠI! SÁNG GIÁ CHÙA LÀNG - Lê Quang Thái

PHƯỢNG BUỒN - Thơ Nhật Quang

 


Phượng Buồn


Sân trường hoa phượng thắm

Sớm mai hồng lung linh

Nắng vương bờ vai lụa

Thóang nụ cười em xinh


Lối về bằng lăng tím

Hương nồng nàn mơ say

Phất phơ tà áo trắng

Còn vương theo tháng ngày


Ve thở than trong lá

Chạm tiếng lòng miên man

Vòng tay còn lưu luyến

Lưu bút buồn mênh mang


Nhạt phai thời áo trắng

Em theo chồng xứ xa

Nửa hồn tôi chết lặng

Bao mộng ước vỡ òa…


           Nhật Quang



READ MORE - PHƯỢNG BUỒN - Thơ Nhật Quang

KÝ ỨC NGÀY HÈ | THIÊN THU CÒN LẠI | PHIÊU LÃNG - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình

Ký ức ngày hè

         Nguyễn Văn Trình

         (Bd: Trinh Huyền)

 

Anh nhặt vội, cánh phượng hồng cuối hạ
nghe tim mình xao xác lá mong manh
mùa thu đến, lòng mình bâng khuâng lạ
ngày tựu trường, hối hả trong sân


Anh vẫn thấy tràn đầy bao kỷ niệm
chuyện buồn vui, còn lại của ngày hè
anh không trách mùa thu đến sớm
lá vàng rơi, nơm nớp một nỗi niềm…


Sao giấu nổi, tình yêu nén chặt
trái tim anh, thắp lửa phượng hè ơi ...!


                              NVT

 

Thiên thu còn lại

           Nguyễn Văn Trình

           (Bd: Văn Nguyễn)

 

Hoàng hôn nhuộm tím chân trời mộng

ánh vàng khắc khoải phía xa xôi

 

Ngập ngừng dạo bước về lối cũ

lòng buồn rười rượi trái tim đau

 

Chiều không em, thời gian ngưng đọng

Bốn bề trống vắng giọt sầu thương

 

Đêm trường lẽ bóng tiếc duyên trôi

Vẵng sầu ly biệt dâng lên mắt

 

Sợi buồn đan kín ngõ uyên ương

Sóng tình mê mãi hóa cơn say

 

Mộng tưởng ái tình đành dang dở

thiên thu còn lại sợi tơ lòng…!

 

                              NVT                        

 

    Phiêu lãng

             Nguyễn Văn Trình

             (Bd: Văn Nguyễn)

 

Phiêu lãng người, phiêu lãng ta

rong chơi một thuở ta bà nhân gian

bây giờ đã tàn cuộc chơi

ta về lẽ bóng đơn côi ngậm ngùi …!

 

                           NVT

 


READ MORE - KÝ ỨC NGÀY HÈ | THIÊN THU CÒN LẠI | PHIÊU LÃNG - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

VÔ CÙNG DỊU DÀNG HOÀN TOÀN NGUY HIỂM - Nguyễn Đức Tùng

 

VÔ CÙNG DỊU DÀNG HOÀN TOÀN NGUY HIỂM 

NGUYỄN ĐỨC TÙNG


Có người nhìn thấy cô ta leo qua thành cầu, bước theo tay vịn đi lần ra xa. Đây là cây cầu bắc qua khe núi, rất xa mặt nước, có sáu tuyến đường, hai bên có đường dành cho người đi bộ, xe đạp, thành cầu khá cao, ở giữa những nhịp cầu chỗ dây cáp treo có thêm những ô nhỏ nhô ra ngoài, có lẽ để cho nhân viên tu sửa làm việc. Bốn giờ chiều ngày thứ sáu, giờ tấp nập nhất của thành phố. Người đàn bà mặc áo len màu xanh dương, quần jean xám trắng, đi giày thể thao, tóc quấn cao. Cô ta đang chập chờn leo tới sát mép cái ô nhỏ, chồm người ra cúi xuống, hai tay đeo chặt dây cáp, một chân gác lên chuẩn bị leo qua tay vịn cuối cùng. Đoạn này sông vừa ra khỏi núi, chảy như thác trút nước xuống réo ầm ầm, rồi khi qua khỏi cầu gặp vực sâu đột ngột trở nên im lặng. Xe cộ chớp đèn ra hiệu cho nhau, những người đi bộ dừng lại mỗi lúc một đông nhưng không ai dám đi thêm bước nữa. Cô ta xua tay ra dấu cho mọi người không được bước qua thành cầu, những người lái xe chạy chậm lại, tò mò, kinh ngạc. Một người đàn ông tìm cách trò chuyện với cô trong khi chờ cảnh sát tới. Một người nào khác đã kịp gọi cảnh sát. Họ đang trên đường chạy tới, nhưng di chuyển chậm chạp vì chiều thứ sáu xe cộ quá đông. Trong những phút ngắn ngủi này, trước cái chết, đây là cuộc đối thoại giữa người đàn ông và người phụ nữ đứng trên cầu.

- Xin lỗi, nhưng bạn có thể quay lại đây được không?

Người đàn ông mở đầu, la to trong gió, ông ta mặc quần khaki đen, mũ lưỡi trai cũ, vạt áo khoác màu tro gió giật từng hồi phồng lên như cái dù. Cô ta không trả lời câu hỏi, tiếp tục cúi xuống dòng nước. Người đàn ông nhích từng bước rất nhanh nhưng cô lập tức quay lại. 

- Đứng lại. Cô ta hét lên, giận dữ, giọng lạc đi. 

Ông dừng lại, ngượng ngùng như kẻ cắp bị bắt gặp.

-Xin lỗi, tên cô là gì?

Rõ ràng cô ta không nghe được. Gió ở đây lớn quá, thổi rần rật qua những thành cầu. Người đàn ông đưa tay giữ chặt cái mũ suýt bay. Ông lặp lại câu hỏi. Không trả lời. Người đàn ông nhô người qua thành cầu, dợm bước tới. 

- Đứng lại. Người phụ nữ lại lên tiếng. Giọng nói lần này nhỏ hơn, hơi khàn, nhưng dứt khoát, rõ ràng.

Người đàn ông đứng im, thỏng tay xuống như một cậu học trò có lỗi. Họ im lặng một lúc.

- Tên cô là gì?

Im lặng.

- Tôi xin lỗi, nhưng tên cô là gì?

Những câu đối đáp trên cao không nghe rõ có vẻ làm cho người phụ nữ mất kiên nhẫn, trở nên bực bội.

- Anna. Cô ta đáp, cuối cùng.

Anna Karenina, người đàn ông thầm nghĩ, không ngăn được sự liên tưởng của mình đến cuốn tiểu thuyết, nhưng không nói gì.

- Cô làm gì ở đây? 

- Đó không phải là việc của ông. Người đàn bà trả lời.

- Cô đừng nhảy xuống. Người đàn ông nói giọng nửa ra lệnh nửa năn nỉ.

Im lặng. 

- Cô đừng nhảy xuống nhé. Đừng tự vẫn.

Im lặng.

- Xin đừng làm thế. Người đàn ông loay hoay đổi cách nói, có vẻ không phải là người biết gợi chuyện, đâm ngượng với vốn từ ngữ ít ỏi lặp đi lặp lại của mình.

- Nếu ông không tiến lên gần tôi.

- Tôi hứa. Người đàn ông vui mừng, tự tin trở lại. Ông ta tự nhủ, phải tìm cách kéo dài câu chuyện trước khi cảnh sát can thiệp.

Im lặng một lúc nữa. Gió hỗn hào thổi qua thành cầu kêu như xé lụa. Người đàn ông nhìn xuống, sau lưng cô mặt nước xa xanh biếc, mây bay mịt mờ, vô cùng  dịu dàng nhưng hoàn toàn nguy hiểm. Ông biết chỗ đó: bên dưới bề mặt im lìm thực ra nước chảy rất xiết, rất sâu. Lòng ông quặn đau. Như một kinh nghiệm riêng tư.

- Ông nghĩ đời sống có đáng sống không? Người đàn bà đột nhiên hỏi người lạ như cách mà cô hỏi một người bạn gái, qua tách cà phê fructachino buổi sáng bốc khói.

- Chắc chắn vậy. Người đàn ông mừng rỡ trả lời. Đời sống rất đáng sống. Ông ta nói giọng chắc nịch, mặc dù trong lòng không chắc lắm. 

- Chắc chắn ông là người may mắn.

- Không phải thế. Ngược lại, tôi không phải là người may mắn.

Ông muốn nói: tôi là người không may mắn. Bây giờ người đàn bà tỏ vẻ chú ý lắng nghe, quay một nửa người lại nhưng mắt vẫn nhìn lướt về phía mặt nước, nơi mặt trời chiều hắt xuống cái bóng cuối cùng của nó, buồn rầu, đỏ óng, giận dữ. Ông biết chỗ ấy, bất cứ vật gì rơi xuống sẽ biến mất ngay như chưa từng tồn tại. Có tiếng còi xe cảnh sát hú đằng xa, từ nhiều hướng, réo từng hồi buộc các tài xế tới tấp nhường đường.

Cô gái đột ngột nói: nếu cảnh sát tới đây, tôi sẽ nhảy xuống ngay.

- Cô sẽ làm như vậy?

- Chắc chắn.

- Tôi sẽ nói cho họ biết, nhưng tôi không có quyền hạn gì cả. Tôi cũng không phải là cảnh sát.

- Tôi biết. Tôi sắp nhảy xuống. Ông lui ra.

Trong đời, ông đã nghe qua giọng nói ấy một lần: người ta không nên có một chút hy vọng gì ở giọng nói ấy. 

Sự chán nản cùng cực. Hư vô. Sự quyết tâm.

Bỗng nhiên người đàn ông cảm thấy chóng mặt, rã rời, ông nắm chặt tay vịn thành  cầu, nhắm mắt một thoáng, ông biết ông sắp ngã xuống, chính ông sẽ rơi, chứ không phải người phụ nữ kia, đời sống quá nặng nề mệt mỏi, nó đã kéo dài quá lâu cho ông và giờ đây như một dòng sông từ trên thác cao nó phải đổ xuống.

Ông muốn buông tay ra. Trong lòng dâng lên một nỗi căm hận ngấm ngầm đối với cuộc đời.

- Ông làm sao thế?

- Không sao. Ông mở mắt ra, thầm nghĩ: tại sao người đứng ở kia không phải chính là ta.

- Ông ổn chưa?

- Tôi không sao. Nhưng cô đừng nhảy xuống.

- Tôi đã quyết định. Người đàn bà gắt.

Cô im lặng một lát rồi nói chậm, cân nhắc từng chữ như nói với chính mình, không phải tự nhủ mà như thể đang sắp xếp các ý tưởng và kế hoạch trong đầu theo thứ tự, tôi mệt mỏi với đời sống này, nhưng giờ đây đang khỏe lại, tôi biết những lúc khỏe lại như thế này sẽ không kéo dài lâu, vì vậy tôi phải hành động, khi mệt nhọc người ta không thể hành động được, ngay cả đi tìm lối thoát cho mình.

- Cô nghĩ đây là lối thoát?

 Vừa buột miệng, ông biết mình sai lầm.

- Đúng vậy, lối thoát. Cô lặp lại, thích thú tìm được một chữ chính xác mô tả tâm trạng.

Im lặng.

- Nếu ông muốn làm điều gì cho tôi, xin hãy báo cho cảnh sát biết điều tôi vừa nói, nếu họ tới gần tôi sẽ nhảy xuống ngay.  

Người đàn ông quay lại nói với người bên cạnh, sau lưng mình, nói to át tiếng gió, những người khác lập tức truyền đi. 

Cuối cùng cảnh sát cũng biết đến thông điệp ấy, họ đến ba bốn xe từ cả hai phía, bật đèn dừng lại giữa cầu, khóa các làn xe phía người đàn bà. Trên mỗi xe cảnh sát có một người nam và một người nữ, họ ra khỏi xe, tiến gần, nhưng từ một khoảng cách khá xa, năm hay sáu mét, họ tạm dừng, lượng giá tình hình. Đèn hiệu nhấp nháy, chớp lòe. Người đàn ông cảm thấy khó xử. Rõ ràng ông ta không muốn nhận hết trách nhiệm về mình, nhưng cũng không muốn khuyến khích cảnh sát can thiệp vào lúc này. Ông hạ giọng xuống và tiếp tục nói, nhớ lại cái gợi ý mà cô ta ném ra.

- Bảo họ tắt đèn chớp đi. Tôi nhức đầu kinh khủng khi gặp đèn chớp.

Người đàn ông quay lại, nói lớn với người phía sau. Đèn tắt.

- Tôi không phải là người may mắn.

- Ông nói tiếp đi. Ông kể xong thì tôi sẽ nhảy xuống. Tôi đã quyết định xong rồi. Nhưng nếu ông không kể, cũng không sao. 

Một người nữ cảnh sát từ xa khéo léo đưa tay ra hiệu cho người đàn ông bằng tay, bảo ông ta hãy tìm cách kéo dài thời gian. 

- Cách đây sáu năm, một lần tôi bị ngất xỉu khi đang lái xe, tông vào xe của người khác. Bác sĩ ở bệnh viện sau đó chẩn đoán tôi bị ung thư máu. 

- Ung thư máu?

- Phải. Cô có nghe nói bao giờ không? 

Im lặng. 

Người đàn ông thầm nghĩ: khởi đầu, cũng là kết thúc, khi nó tới, bạn không bao giờ biết trước, khi bạn biết rồi, nó vẫn xa lạ. Khởi đầu: những chấm máu li ti ngoài da, bạn tưởng là do muỗi cắn sau một lần cắm trại, vài ngày mệt mỏi rồi bạn khỏe trở lại, da tái xanh, mắt thâm quầng như người bị mất ngủ, chảy máu các lợi răng, chảy máu mũi, một lần bạn đi lên dốc và ngạc nhiên thấy mình thở hào hển. Bạn vốn là người khỏe mạnh. Thế rồi cái tai nạn xe hơi quỷ quái kia. 

- Loại CLL. Ông buột miệng như tự nói với mình. Ung thư máu có bốn loại. 

Người đàn ông nhận ra thói quen kể lể giải thích, liền dừng lại. 

- Từ ngày đó cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi trải qua những ngày khủng khiếp, hóa trị liệu, nôn mửa, tiêu chảy, nước mắt chảy ràn rụa, ra vào bệnh viện, gặp bác sĩ, đến tiệm thuốc, đồ đạc bán dần, rụng hết tóc, mất ngủ, buồn chán, xa lánh bạn bè. Tôi không được ai nâng đỡ. 

- Rồi sao nữa?

Sụp đổ. Vợ chồng chúng tôi không hạnh phúc đã lâu trước đó, mặc dù đã có hai con, trong thời kỳ khủng hoảng này, mối quan hệ ấy không chịu đựng được, tan vỡ.

- Bà bỏ ông mà đi?

- Đúng thế. Nhưng bây giờ tôi đã tha thứ cho nàng. Tôi đã tìm lại được niềm tin. Tôi từng đến trên chiếc cầu này, dừng lại nhiều lần, ngắm dòng nước.

Người đàn ông dựa lưng vào thành cầu, nửa mệt mỏi nửa hạnh phúc , cân nhắc, nghĩ về những điều sắp nói, nhưng trong khi kể chuyện mình, những điều ông sắp kể lại như một cuốn phim quay ngược làm ông chóa mắt, đau ngực, lảo đảo. Ông đứng thẳng người dậy nhìn người đàn bà, bóng của cô trên nền trời càng lúc càng mờ đi, trên cao sương xuống nhanh, bắt đầu ướt vạt áo, sự tập trung làm ông mất sức, nhưng chính ký ức ra đòn cuối cùng, ông nhắm mắt lại lần nữa, cảm thấy xấu hổ về hành động của mình, nhưng không cưỡng lại được, người đàn bà nhận ra. Cô ta hỏi. 

- Trên cầu này?

- Đúng vậy, vì vậy tôi nhận ra cô ngay. Nhận ra ý định của cô. 

- Ông có sợ không?

- Rất sợ.

- Nghĩa là ông vẫn chưa rơi tới đáy tận cùng như tôi.

Người đàn ông lúng túng, biết mình thất thế. Ông im lặng.

- Nhưng khi biết rằng tôi không sống được bao lâu nữa, mọi gánh nặng đều nhẹ hẫng đi. Tôi bán nhà, dọn về đây, ở gần rừng. Vợ cũ của tôi cũng có trở lại thăm tôi trong bệnh viện, một lần bệnh nguy kịch, mất máu, mấy tháng trước. Cô biết không, khi bạn không còn gì nữa, bạn sẵn sàng trao tặng hết cho người khác một lúc nào đó.

- Trao tặng hết là trao tặng cái gì?

- Ngày mai.

- Nhưng ngày mai quá xa.

Họ im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình.

Bỗng nhiên người đàn bà lộ vẻ buồn rầu, lơ đãng. Tuyệt đối buồn rầu, trắng, khép kín. Ông nhận ra cô đã leo hẳn ra ngoài. Giờ đây cô đứng bên ngoài thành tay vịn, níu hai tay vào dây cáp reo trong gió lạnh, môi cô run lên, tím lại, gót chân cô chạm vào thinh không, chỉ cần buông là rơi. Dưới xa kia, dòng sông hung hãn như số phận một người bị nhân loại bỏ rơi.

Ông biết khi chán nản, người ta sẵn sàng buông bỏ những gì làm họ đau khổ. Trần gian làm họ đau khổ. Người đàn ông thầm nghĩ, hay ta đã trễ mất rồi. Ông run lên với ý nghĩ ấy.

- Thì hôm nay.

- Ông muốn tặng tôi?

- Đúng vậy, tặng cô.

- Ông muốn nói gì?

- Nếu cô nhảy xuống, tôi sẽ nhảy xuống theo.

Ông nghĩ thầm: sự quyến rũ của cái chết. Người đàn bà ngoảnh nhìn chăm chú kẻ đối diện, nửa tò mò, nửa khinh miệt. Cô lắc đầu, nhìn ra xa.

- Tôi không tin. Cô nói thêm, tất cả đàn ông đều thế.

- Tôi không biết về họ. Nước sâu, chảy xiết lắm, nếu nhảy xuống chúng ta sẽ không có chút hy vọng nào. Tôi đã quan sát khúc sông này, để dùng vào lúc cần tới, xoáy nước ngầm rất nhiều. Không ai cứu được.

- Ông có biết bơi không?

- Không.

Trên khuôn mặt người phụ nữ lần đầu tiên thoảng qua nụ cười. Khuôn mặt cô giãn ra như một người được an ủi. Có lẽ cô bơi giỏi, là ông đoán thế.

- Ông sẽ chết khi nhảy xuống.

- Nước mùa này lạnh lắm, tôi sẽ chết ngay, không cần chạm vào đá.

- Sao ông biết?

- Cô là người từ nơi khác đến, phải không?

- Đúng rồi, tôi từ nơi khác đến. Xa lắm. Cô ta nói, giọng mơ màng. 

- Đêm nay tôi sẽ mời cô về nhà tôi nghỉ lại, nếu cô không lấy làm phiền. 

Để người đàn bà yên tâm, ông nói thêm. Nếu cô đồng ý, tôi sẽ báo cho cảnh sát và xin phép họ bảo lãnh cô về nhà. Tôi tin họ sẽ phỏng vấn cô và giữ cô lại một lúc, cho người theo dõi, nhưng tôi sẽ thuyết phục họ, nếu cần sẽ viết giấy cam đoan. Nếu cô cho phép tôi, họ cũng sẽ lắng nghe, đồng ý với tôi, với chúng ta. 

Im lặng.

- Tôi sẽ ngủ trong lều cắm trại ở một nơi gần bìa rừng, gần nhà tôi, bên kia đường xe lửa, nơi tôi thường cắm trại một mình, nhóm lửa. 

Ông nghĩ đến bìa rừng, tuổi thanh niên, sau mùa đông lá lên xanh trở lại, buổi chiều nắng chiếu rực rỡ trên cỏ, đàn bò ra về, bầy dê tung tăng đâu đó, ông nghĩ đến cái lều vải, túi ngủ hơi chật nhưng ấm, ngọn đèn nến thơm mùi lavender có lần ngủ quên bắt lửa vào cái chăn, ông nghĩ đến đường xe lửa. Tiếng sắt thép va rầm rập. Sự quyến rũ của cái kết thúc. Ông nghĩ đến Anna Karenina.

Ông gọi tên cô. Anna. Người phụ nữ giật mình, bất ngờ, khó chịu, có lẽ vì nhận ra sự thân mật của họ. Cô hơi dợm bước lùi lại, nhưng một chân đã chạm vào khoảng không, không lùi được nữa.

- Tại sao ông biết tôi sẽ nhận lời?

- Tôi không biết. Nhưng tôi tin cô sẽ nhận lời. Không, không phải tôi muốn nói thế, tôi không dám tin, tôi chỉ hy vọng thế. Một người đã mất hết mọi thứ như tôi, chỉ còn biết hy vọng. 

Im lặng. Người đàn ông nín thở, tim đập rộn lồng ngực, ông sờ tay lên ngực, nó đau nhói, ông nói lắp bắp.

- Tôi quen ngủ trong rừng, tôi không biết bơi nhưng thích lội bộ trong rừng khi mùa xuân tới, cô có thể ngủ trong nhà tôi, đây là chùm chìa khoá nhà. Ông lúng túng rút từ trong túi áo khoác, nhưng xâu chìa khoá kia mắc vào sợi chỉ khỉ gió, càng kéo nó càng dính chặt, khổ sở.

Người đàn bà từ từ quay lại. Bóng tối bắt đầu hạ xuống vây quanh họ. 

Đèn xoay chớp tắt trên xe cảnh sát hai phía đã dừng từ lâu, nhưng đèn pha bật lên, quét mặt đất chiếu rực một vùng trên cầu, bạn có thể nhìn thấy rõ từng hạt bụi li ti bay qua. Trên khuôn mặt người đàn bà, sáng, lăn đi một giọt nước mắt.

nguyễn đức tùng


 


READ MORE - VÔ CÙNG DỊU DÀNG HOÀN TOÀN NGUY HIỂM - Nguyễn Đức Tùng