Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 17, 2015

HOA TRẮNG CÀI LÊN ÁO - thơ Trầm Mặc

Hoa Mộc Lan. Ảnh Võ Thạnh Văn


Hoa Trắng Cài Lên Áo                           
(Cho ngày báo hiếu Vu Lan)                                                          
                 Trầm Mặc   
                     (NTB)  
                                                 
Vu Lan về...
Con nhớ lắm mẹ ơi
Có phải đời người sinh ra để buồn để tủi
Mẹ không còn
Trên áo con người ta cài hoa trắng
Nước mắt lưng tròng
con mất mẹ thật ư?
Con thơ dại
để tháng ngày lặng lẽ
mẹ đường xa phiên chợ cuối mùa đông
Năm tháng qua đi
đời người ngắn ngủi
Mẹ đi rồi
nghe lạnh buốt chiều sương
Con bơ vơ lạc lõng
xuôi ngược chốn quê người
Xa cố hương, một thời bên mẹ
Tháng ngày qua thiếu lắm một tình thương
Nghe chim kêu con giật mình sợ sệt
Tiếng côn trùng than khóc ... não nuột ghê
Đêm về khuya
nghe trống vắng vô cùng
Nơi phương xa mắt dõi về cố quận
Mẹ tảo tần, một nắng hai sương
Ngày ra đi, mắt mẹ buồn ngấn lệ
Tiếng còi tàu tiễn biệt mẹ xa con…
Nay Vu Lan lại về
trên áo con cài bông hoa trắng
Mới ngày nào con được đóa hông nhung

                                   Vỹ Dạ, Huế


Phúc Âm Mưa                                                              
                                    
Nghe mưa phối âm buồn                                    
Biết ai còn nhớ thương                                    
Đời người muôn vạn biến                                    
Sao lòng cứ vấn vương
                                     
Ai rồi cũng sẽ khác                                    
Chỉ mình ta man mác                                    
Khắc khoải khúc "mưa chiều"                                    
Nhìn vàng rơi tan tác
                                     
Anh có nghe mưa về?                                    
Cách trở miền sơn khê                                    
Dẫu đường xa vạn dặm                                    
Bão táp chẳng sá nề?
                                    
Giang tay hứng giọt rơi                                      
Mỏi mắt đếm dòng trôi                                      
Sông hoài nhân chứng sống                                    
Khắc mãi tình em thôi..                                    
                                     
Tháng tám mưa về rồi                                    
Có nhớ ngày chung đôi?                                    
Kỷ niệm vàng năm tháng                                    
Em nhớ người xa xôi...
                                                                          
Vỹ Dạ, Huế 
11/8/ 2015
Trầm Mặc                                                                
(NTB)  



READ MORE - HOA TRẮNG CÀI LÊN ÁO - thơ Trầm Mặc

ƯỚC VỌNG HỪNG ĐÔNG - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thúy Ngân


                   
                         Tác giả Thuý Ngân



            ƯỚC VỌNG HỪNG ĐÔNG

                                    Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thúy Ngân

            Trong thời gian chờ chảo sò luộc sôi lên, anh ngồi tựa lưng vào tường nghĩ mông lung. Tự nhiên cơn buồn ngủ ập đến níu sập hai mắt. Cơn buồn ngủ lôi tuột anh vào miền mộng ảo chập chờn.  Anh loáng thoáng nghe tiếng chị nhắc: “ Kìa anh, cháy hết rồi…” Anh mở mắt mơ màng chỉ kịp nói: “ Em coi giúp anh, mệt quá” rồi anh rơi vào giấc ngủ sâu.

          Anh mơ về một thời hoa bướm. Cái thời mà anh và thằng Phong bạn đồng môn trong trường Pháp Lý lần đầu tiên tán gái. Lần ấy hai thằng đang ngồi uống café thì thằng bạn “thiên lôi đánh trật búa” tự nhiên cấm khẩu. Nó như bị thôi miên vào một điểm mà anh không đoán ra được. Bản mặt nó  đực ra, miệng nó há to chìa ra cái bàn nạo dừa vàng kè. Lúc ấy mà có mấy con ruồi đáp vào nó cũng không buồn đuổi. Anh mắc cười quá quát vào mặt nó: “ Ê Phong, mày bị trúng gió hả?” Thằng Phong giật mình quay qua: “ Đâu…đâu có…” Nó nhe răng cười hì..hì.. thấy mà ghét. Thế rồi, nó đố anh làm sao làm quen được cô gái kia, mà tay phải đặt được lên đôi mông tròn lẳn đó thì nó sẽ bao tiền xe về hè sắp đến. Theo tay chỉ, anh thấy mục tiêu là một cô gái mặc chiếc áo bà ba tím ôm sát cơ thể hằn lên những đường cong mền mại. Chiếc nón trắng nghiêng nghiêng, tiếng guốc gõ nhẹ nhàng theo nhịp bước. Ôi , sao mà nữ tính thế không biết…thảo nào thằng Phong bị  á khẩu. Nhìn tổng thể mục tiêu khá bắt mắt.
-         Mày muốn người ta chửi tao giữa chợ hả” - Anh từ chối.-

-         Thế mới đố chứ dễ thì nói làm gì, mày thông minh lắm mà... Thằng Phong khích, anh nổi máu anh hùng nhận lời. Anh đến bên cô gái đang xăm xoi miếng thịt trên tay ở bàn bà bán thịt  gần đó.  Anh đặt nhẹ tay lên mông cô. Cô gái quay phắt lại: “ Cái anh này…” Anh làm bộ vô tình đụng chạm, ghé tai  nói nhỏ  lấy thái độ, lời nói  và bản mặt hết sức chân tình.
-         Em, miếng thịt này là thịt trâu đó, nó đỏ hơn, sớ thịt to dai lắm. Em mua về lỡ má ở nhà răng yếu nhai không nổi đâu. Em mua miếng này nè…Anh đưa cho cô lát thịt màu hồng tươi, thớ thịt nhỏ mịn. Cô cầm lên xem: “ Thiệt há anh…” và  quên luôn bàn tay thần chết. Anh nói vài câu xã giao  rồi cáo từ vì bận. Cô chào xong quay bước không quên ngoái đầu lại cười tươi như hoa. Chỉ chờ có vậy anh phóng mấy bước đến bên thằng bạn đang trố mắt  ngạc nhiên: “ Ê mày tài quá ta” - Nó thán phục. Anh bịa thêm để chọc tức: “ Cô ấy nói là con một, mẹ đang bệnh nên mới phải đi chợ. Cổ còn mời tao cuối tuần tới nhà chơi nữa…”

-         Cho tao đi theo với – thằng Phong tưởng thiệt năn nỉ…

         Tiếng gà gáy chuyển canh đâu đó  vọng lại. Tiếng gáy lạc lõng rơi tõm vào không gian tĩnh mịch. Đêm đang ngủ mê mệt, thế mà vợ chồng anh vẫn căm cụi  bên bếp lửa làm nốt công việc cuối ngày. Đây là  việc làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nói là kinh tế phụ nhưng thực chất nó là nguồn thu  nhập đáng kể của vợ chồng anh. Chứ với đồng lương nhân viên của hai người không thể trang trải đủ mọi thứ quá đắt đỏ trong buổi kinh tế đang thời kỳ khủng hoảng.  Anh khơi ngọn lửa cho cháy to thêm để mau kết thúc công việc. Anh bất giác nhìn qua chị cũng đang cắm cúi vớt mẻ dè sò chảo bên cạnh. Mồ hôi hay nước mắt chảy dài trên gò má xanh xao. Anh nhìn chị một đỗi lâu… Tự nhiên muốn được ôm chị thật chặt, muốn hôn lên lên đôi môi đầy đặn ấy thật nồng nàn…Nhưng anh chợt nhận ra, vợ chồng anh ai cũng đang  dở tay, mặt mũi thì dính đầy tro bụi. Anh thở dài đến bên cầm lấy đôi  tay gầy guộc của chị nắm chặt. Chị hơi bất ngờ ngước lên:
-         Chuyện gì vậy anh…

-         Thôi em rửa ráy vào với con đi để anh ráng thêm lúc nữa là xong – Anh dịu dàng.


-         Ừ, vậy em vào tắm trước nha – Chị trả lời quay đi. Ngay lúc đó tiếng bà Tư hàng xóm hỏi vọng sang.

-         Giờ này mà tui bây chưa nghỉ sao? Đói thì cũng đã đói rồi. Làm vừa vừa thôi con, lỡ bệnh xuống thì còn khổ hơn. Tụi bây phải nghĩ đến sắp nhỏ chứ.


-         Dạ, cũng sắp xong rồi bà ạ - Anh trả lời và hỏi thăm luôn: “ Bà Tư lại đau trong người nên ngủ không được giấc hả?

-         Ừa, già sinh nhiều bệnh làm khổ con cái, bà cũng muốn  về với tổ tiên càng sớm càng tốt – Bà Tư nói như than thở


-         Sao bà lại nói vậy. Sinh, lão, bệnh, tử thì có ai tránh được đâu. Nhưng dù sao cha mẹ còn hiện hữu thì chúng con không cảm thấy mình là đứa mồ côi. Bà Tư ráng uống thuốc sẽ đỡ thôi mà. Bà vô ngủ tiếp đi trời cũng sắp sáng đó – Anh an ủi

-         - Ừa, bà dzô nhen con-  Bà chào rồi khập khiễng khuất vào bóng tối.

           Anh nhìn chăm chăm vào đám lửa đang cháy bừng bừng, những tia lửa bung ra nổ lách tách tựa vạn ngàn ánh sao rực rỡ. Còn đời người lắm lúc lại giống như ngôi sao băng lẻ loi lóe lên rồi tắt lịm cuối trời. Anh ngồi thẫn thờ nhìn vào màn đêm đầy trắc ẩn. Hình ảnh ban nãy của vợ  làm anh không khỏi xót xa trong dạ. “ Anh xin lỗi đã không lo nổi cho em và con như đã hứa” – anh nói thầm với mình. Chỉ có mấy năm em về với anh mà anh không nhận ra em nữa. Cô gái hây hẩy xuân thì dạo trước, giờ là một thiếu phụ gầy gò, đôi mắt trĩu nặng ưu phiền, hai bàn tay nổi những đường gân chằng chịt, xanh xao.  Em bận tíu tít. Hết giờ ở cơ quan lại chợ búa, giặt giũ cơm nước,  chăm bẵm hai đứa trẻ mới biết tập đi, tập nói. Tất cả tại anh nghèo…Thế mà khi yêu anh tưởng rằng mình sức dài vai rộng đủ khả năng bao bọc, yêu thương cho cả cuộc đời em.  Anh đã bốc đồng nói sẽ làm chỗ dựa vững chắc cho em, có khó khăn anh sẽ dắt em đi hết đoạn đường đời. Giờ đây - chính em lại là chỗ dựa cho anh…”.  Anh miên man nghĩ chợt thấy mắt mình cay cay và quên luôn công việc đang dang dở…
-         “ Anh, anh mệt hả…” – Chị hỏi.

      Cho hai đứa con nhỏ ăn tối xong. Chị dỗ thằng bé ngủ sớm, hôn lên trán con một cái dắt cửa màn cẩn thận. Chị vội dắt xe đạp ra cổng. Ghé  ngồi lên yên, nhướn người lấy đà cho xe chạy thì anh đi ra níu lại: “ Tối nay để anh đi cho em ở nhà với con một bữa. Thằng bé hình như sốt em à” – Anh giữ ghi đông xe.
-         Em sợ anh ngại xuống mấy chỗ đó - Chị lo lắng

-         Ngại gì, em đi được thì anh đi được, biết đâu người ta thương tình lại cho nhiều hơn..hì..hì.. Anh cười dành lấy xe  hối hả đạp đi. Chị nhìn theo: “ ảnh làm sao vậy, lạ ghê…”

            Anh đạp xe xuống bãi biển, gửi xe ở nhà một người quen như chị dặn rồi anh xách cái thùng thiếc lủng lỗ chỗ đi xuỗng bãi gành. Bãi gành là một dải đá nhô ra biển  đen sì không cao lắm, nó chắn ngang con sóng đập thẳng vào bờ. Sóng vỡ òa tung bọt trắng xóa. 

              Bãi gành với vài ngàn nhân khẩu có tên là xóm chài với những ngôi nhà bằng  gỗ tạp mong manh. Nhà được cắm trên những cọc bằng cây dọc theo hai bờ sông hay gần sát mép biển.  Nhà cái thụt cái thò như răng bà lão rơi rụng gần hết. Mùa mưa bão người dân xóm chaì sống trong lo âu thấp thỏm. Không biết cơn lũ thình lình đổ về lúc nào hay  cơn lốc xoáy đâu đó tạt qua bất chợt  cuốn phăng mọi thứ.  Trên bãi cát mênh mông, biển  đêm mát rượi vẫn không xua nổi đám muỗi kêu re re.  Lát lát lại nghe đập một tiếng “Bốp” rõ to. Một đám người ngồi chồm hổm, đầu đội mũ hay nón lá nên không thấy mặt già, trẻ. Bởi ánh sáng mờ mờ chỉ được hắt ra  từ mấy ngọn đèn măng song treo cao ở bốn góc. Nhìn từ xa giống như bầy chim cánh cụt đang ngủ. Anh xách thùng đi xuống  len vào đám đông hốt mớ nội tạng cá, sò người ta thải ra bỏ vào thùng thì một bàn tay mập ú giữ lại hỏi - làm anh bất ngờ, ngượng ngùng.
-          Cậu là ai, ai cho cậu mà tự ý xuống lấy...

-         Tôi, tôi cứ tưởng mấy thứ này bỏ nên … - Anh ấp úng.

-         Đúng là bỏ, nhưng tôi đã hứa cho người khác rồi, cậu đi chỗ khác xin đi… Anh dợm quay đi thì nghe được câu nói như hỏi trỏng “ Sao giờ này không thấy cô ấy xuống ha”. Anh quay lại: “ Có phải chị nói đến cô Nga hằng đêm không?

-         Đúng rồi, sao cậu biết? À ra cậu là chồng cô ấy đúng không? Vậy cậu xuống hốt đi. Cô ấy đâu, ốm à. Tội nghiệp người cứ như tàu lá nếu gặp cơn gió lùa chắc rách tả tơi – Anh nghe mà chột dạ, bà ấy nói có ý gì nhỉ? Nhưng giọng nói rõ ràng có phần thương cảm. Anh cám ơn rồi ém hai thùng đầy xách lên bờ vừa đi vừa thở: “ Chà nặng thiệt nha…” Anh nhìn hai cái thùng bầy nhầy và lời nói của bà chủ vựa hải sản ban nãy mà thấy thương vợ đứt ruột. “ Xin lỗi em…” Anh thì thầm.

            Anh rơi vào vào trạng thái lơ lửng, đầu anh như có vạn ngàn con ve đua nhau đàn hát, gõ chát chúa. Chúng mở tiệc ăn mừng mùa phượng  bắt đầu cháy đỏ. Ồ không, bây giờ đâu phải mùa hè? Mùa gì mà nhiều người mặc áo quần toàn màu xanh thế nhỉ, trên lưng còn rung rinh tán lá có cả những chùm  hoa sim tim tím đượm buồn.      
            Anh nhớ mảng rừng thưa toàn cây xăng đá, những ụ mối, những tổ ong đầy mật ngọt lịm. Lùi sâu vào rừng là bàu nước trong vắt,ngọt lành. Bàu là nơi cung cấp nước cho cư dân vùng giáp ranh. Những đêm trăng tỏ bàu đẹp tựa trong tranh cổ tích. Nó chỉ thiếu tiếng sáo của chàng trai nào đó thổi trong đêm và tà áo thiếu nữ thướt tha thì hoàn toàn là bồng lai tiên cảnh.  Đó còn là  nơi anh được cha dắt đi theo mỗi khi có dịp vào rừng công tác. Không biết từ bao giờ anh trở thành chân chạy việc cho cha. Có lần anh hỏi cha vào rừng làm gì? Cha nói vào dạy cho mấy cô mấy chú cái chữ và dặn anh không được hé lộ với ai. Anh mang máng hiểu ra cha vừa dạy học vừa làm cơ sở cho cách mạng. Dần dà anh cũng được cha nhờ việc này việc kia. Năm 12 tuổi anh được kết nạp vào thiếu sinh quân với cái tên mới “ Y30 ” địa bàn hoạt động trong giới học sinh sinh viên nội thành cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Anh quay lại trường tiếp tục học.  

         Anh còn nhớ… Anh nhớ chị Vân lúc ấy làm bí thư huyện đoàn huyện bên. Chị không đẹp, mặt lại toàn mụn trứng cá nữa chứ - chị thật hiền. Chị có mái tóc dài, đen bóng thơm mùi con gái. Anh hay hỏi chị: “ Sao chị không lấy chồng đi” Chị cười cười trả lời: “ Chị chờ…”. Mắt hướng về mảnh rừng xanh ngắt  trước mặt. Chị chờ ai? Chờ đất nước im tiếng súng hay chờ niềm hy vọng mong manh người yêu có còn về nữa không? Tội nghiệp chị. Tội nghiệp cho bao nhiêu cô gái, người chị, người mẹ đã đợi đến mỏi mòn.
          Dòng hồi tưởng đưa anh về nhà. Căn nhà nhỏ vách đất bạc tơi. Mặt trời hay cả những đêm trăng tỏ rọi xuống những vòng tròn vàng vọt, rung rinh. Đôi khi ánh sáng thiên nhiên ấy thay luôn cho ngọn đèn dầu tù mù chỉ đủ cho thằng em kế ngồi học bên của sổ. Thằng  út má sanh nó trên rừng, có phải do nhiễm chất độc không mà nó cười ngây ngô tội nghiệp. Nó chẳng học hành được gì, nó lớn lên như cây rừng chân chất. Nó là đứa em khổ nhất nhà. Các anh chị lớn một chút đều tìm cách thoát ly. Mọi việc trong gia đình má  và em làm  tất tật. Em lớn bằng nắm tay đã biết chăn bò, nấu cơm, xách nước. Rồi chuyện đồng áng em làm luôn tay, trên môi  vẫn nụ cười ngờ ngệch.  Ừ, còn người chị gái thoát ly ở xa và nhất là cái chết của anh Tư và anh  Năm trong một trận đọ súng với địch tại quê nhà. Hai anh hy sinh má bệnh mất cả tháng trời mới dậy nổi… Chiến tranh máu nhuốm đỏ làng quê  anh, của bao người ngã xuống bên cánh rừng xăng đá.

           Anh chợt mỉm cười, nụ cười tình tứ. Anh với nắm lấy tay cô gái mà anh thương quá đỗi - Là em đấy. Em nhớ không, lần anh dẫn em về ra mắt cha má đầu tiên. Tháng bảy mưa ngâu. Đường làng trơn như đổ mỡ. Mấy cây cầu khỉ vắt qua con mương nước chảy đục ngầu, với anh chẳng đáng lo. Em thì long ngóng bước thấp bước cao, bởi em đâu phải người thôn dã. Má đã làm em buồn từ ngày đầu tiên bước chân vào gia đình anh: “ Gái quê vừa giỏi vừa hiền không lấy,  lại đi rước con gái thị thành về làm gì. Ngữ ấy chỉ biết cày đường nhựa là giỏi chứ biết làm gì ăn…”. Em nước mắt rung rưng quay bước, ngoài trời mưa giăng ngập lối. “ Bà, bà nói cái gì vậy…” Cha quát má, rồi hối anh anh chạy theo giữ em lại. Không lẽ đây cũng là một điềm báo không lành cho cuộc tình của chúng ta.  Yêu anh, em đã tập làm mọi thứ. Nào tập gánh nước đến bầm tím đôi vai. Lưỡi hái cứa vào tay em những vết theọ dài vào mùa gặt. Em âm thầm làm tất cả để chứng minh mình có phải người vô tích sự. Anh xót xa lắm chứ, anh cũng biết em cố gắng lắm chứ…

           Ngày về làm vợ anh, em vẫn còn quá ngây thơ với những ước mơ  đẹp trong những trang tiểu thuyết diễm tình. Em mê đọc sách đến độ để con gái anh mới hơn 2 tháng tuổi  rớt từ võng xuống giường – từ giường xuống đất. Bữa ấy con bé khóc điếng hồn.  Anh giận lắm muốn giáng cho em một cái bạt tai thật đau cho chừa. Tay giơ lên rồi buông xuôi vì đôi mắt em sao trong vắt đến thế, ngơ ngác đến thế. Anh  trút giận bằng cách quơ hết sách em mua  đốt ráo trọi. Hôm đó và mãi về sau  anh không sao quên được khuôn mặt em đầm đìa nước mắt nhìn anh như xa lạ, như hụt hẫng giữ tay anh năn nỉ: “ Em xin lỗi, đừng đốt sách của em…” cũng từ dạo ấy em không còn đọc nữa – Anh rất ân hận đã đối xử không công bằng với em.  Anh  trôi đi, trôi đi miết cùng bao kỷ niệm của chúng mình.

         Chị ngồi bên anh bao lâu anh không biết, chỉ khi anh choàng tỉnh thì thấy trên trán mình cái khăn đắp muốn gần khô một mặt. Chị ngủ quên trên cánh tay anh đầy mỏi mệt. Lọn tóc bết lại nơi gò má xanh xao. Cánh tay  còn lại xuôi xụi, anh cố lắm mới nhấc nó lên được.  Anh đặt nhẹ xuống mái tóc chị chua chua chưa kịp gội. Anh hít một hơi dài cái mùi thân quen từ tóc, từ người chị tỏa ra. Mùi của nghèo khó, chịu đựng. Mùi của yêu thương an phận.  Cứ như thế anh nửa tỉnh nửa mê.

            Anh ngồi ở bàn nước xem lại một số giấy tờ liên quan đến vụ án tranh chấp tài sản của gia đình người bạn thân. Cả nguyên đơn, bị đơn đến người liên quan đều là anh, em kết nghĩa. Họ đã từng sống với nhau như ruột thịt. Họ đã từng nhường nhau manh áo, ổ bánh mì bẻ đôi khi đói lòng.  Nhưng – Cái chứ nhưng oan nghiệt chết tiệt ấy đã chen vào làm ranh giới phân chia tất dạ, mà không thể đo đếm được lòng người thay đổi. Một trong số họ đã muốn chiếm đoạt tài sản của bạn gửi mình trong thời gian lưu lạc  xứ người.

          Trước khi đi xa, người bạn đã yên tâm gửi gắm toàn bộ căn nhà và mọi vật dụng sinh hoạt kèm theo. Với thiện chí vừa tạo điều kiện cho bạn có nơi chốn ăn ở, ổn định làm ăn trong thời kỳ khó khăn nhất, vừa trông coi giúp tài sản của mình với cam kết: “ Sẽ được toàn quyền sử dụng căn nhà tới khi nào họ về sẽ trả lại…”. Hai bên cùng ký kết và có chứng thực … .Người bạn ở lại đã có cuộc sống ổn định và làm ăn khá giả cũng  từ ngôi nhà ấy. Thời gian khiến họ quên đi lời hứa, bản cam kết bị bỏ quên đâu đó không tìm thấy. Có lẽ nó bị đè bẹp bởi khối tài sản kếch sù ngày một sinh sôi. Tình thân giờ trở thành vật cản đáng sợ. Anh chứng kiến toàn cảnh hai bên đấu lý bằng tất cả lý lẽ, những từ ngữ sắc như dao cứa vào tim nhau rớm máu. Họ nói bằng tay, bằng ánh mắt đầy hận thù chiếu vào nhau tóe lửa. Có lúc thì chan chát như búa bổ vào đá.  Bên thì đầy ai oán. Bên  đầy thách thức. Lời nói họ dành cho nhau rin rít nơi cổ họng nghe lành lạnh mùi chết chóc: “ Tao thách mày, mày cứ thử đụng vào một viên gạch nhà tao xem… Tao chém… chém”. Mắt đối phương hằn những tia máu của con thú thấy rõ nguy cơ bị dành mất miếng ăn. Ôi, lòng tin ,lương tâm có đáng là gì?  Tài sản bất minh, đồng tiền bất nghĩa đã khiến bao nhiêu mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội đến cảnh tương tàn.  Họ trở thành kẻ thù của nhau trong gang tấc. Anh sợ chỉ một sơ sảy nhỏ có thể dẫn đến đổ máu. Oan nghiệt chất chồng. Anh chưa có hướng giải quyết hay hòa giải như thế nào  cho hợp lý, hợp tình và đúng luật  mà vẫn giữ được tình thân. Anh biết lý do. Song  anh không ngờ sự việc lại trở lên rối rắm đến mức này. Tại sao cứ phải tranh giành những thứ không phải của mình? Như anh đây chỉ muốn mang theo thứ quý giá nhất mà có được đâu.  Đời người vốn vô thường.  Anh biết quỹ thời gian của anh không còn nhiều. Anh muốn làm tất cả mọi chuyện tốt đẹp cho vợ con, cho những người anh yêu quý. Anh dừng tay viết bỏ luôn cặp kiếng xuống bàn quay sang nhìn chị và hai đứa nhỏ chơi trên giường. Chị xếp mấy chú hạc xinh xinh đang  bay,  một con thuyền bằng giấy thật to thả xuống  đùa với con:
-         Ba chèo đằng lái, mẹ chèo đằng đuôi, bé Hai và cu Ba ngồi giữa chịu hôn.

-         Con ngồi gần Ba, mẹ ôm em cho chắc nha – Tiếng con gái bi bô…

           Gia đình bé nhỏ của anh giống như bao gia đình nghèo khác. Hình ảnh quây quần bên ngọn đèn dầu bé xíu hắt những quầng sang yếu ớt  ấm cúng biết bao. Con bé bám lấy anh mọi lúc. Lúc thì: “ Ba ơi… ba à, lúc thì con nói ba nghe nè…” Nó thỏ thẻ đủ thứ sao mà dễ thương làm sao. Thằng nhỏ mới chập chững biết đi, mỗi lần nó té cái bụng nó nghe cái “ bịch”, đầu và chân nó chổng lên tựa như con vịt con đang bơi. Nhìn ngồ ngộ, đáng yêu quá đi thôi. Nó dễ như cục bột hay tại nó biết cha mẹ nghèo nên cho gì ăn nấy, nhưng nào có mấy khi được bữa cháo thịt ngon lành. Thế mà nó cứ tròn như hạt mít.  Có lẽ do sữa mẹ  mát hay tại vợ anh  vẫn cho nó bú đến giờ. Anh muốn đến bên ôm hết vợ con vào lòng siết chặt. Anh cố thu hết tất cả hình ảnh thân thương ấy vào tầm mắt, như thể muốn cất giữ nơi trái tim bé nhỏ của mình. Để một mai anh về bên kia thế giới sẽ luôn có họ bên cạnh để nhìn ngắm, an ủi. Sao ông trời lại bất công với anh như vậy. Sao lại bắt anh đi xa mãi mãi. Anh không muốn xa những người anh yêu thương…anh còn bao hoài bão, ước mơ, cả một tương lai đang rộng mở phía trước. Biết làm thế nào đây khi thời gian lưu lại trên cõi đời này chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ. Tại sao? Tại sao lại bắt anh đi khi anh chưa chuẩn bị tinh thần hay anh chưa kịp làm nốt những việc cần làm.

         Anh dấu chị mọi chuyện sợ chị lo lắng. Anh âm thầm chịu đựng khối u trong não ngày một bành trướng. Nó hành hạ thân xác anh đau đớn tột cùng. Nó dày vò tâm trí anh nửa tỉnh nửa mê. Vợ chồng anh nghèo cơm còn chưa đủ no lấy đâu tiền thang thuốc. Anh cắn răng chịu đựng được ngày nào hay ngày ấy. Lòng anh bao trăn trở. Ngày mai vợ và các con anh sẽ sống sao đây, mọi cực khổ dồn hết lên đôi vai bé nhỏ của em… các con sẽ thành trẻ mồ côi. Ôi, sao mà đau đớn tột cùng thế này. Anh nghe cơn đau bắt đầu rân rân…dữ dội, anh đổ gục xuống bàn. Anh loáng thoáng rất xa tiếng chị thất thanh gọi: “ Anh… Anh tỉnh lại đi, đừng đi…đừng đi…”

          Anh ngất mất một lúc, rồi tiếng tiếng còi cứu thương ngoài cửa. Tiếng chị dặn ai đó, tiếng con bé khóc thút thít  với theo: “ Ba đi nhớ về với con nha ba…”. Anh được chuyển viện đến tuyến trên. Bao ước mơ của vợ chồng anh đều gãy đổ: “ Giá mà đừng có chiến tranh thì Anh Tư, anh Năm không chết, em út anh không ngây ngây dại dại. Cha anh không bị tù đày mất hoàn toàn sức lao động. Mẹ anh không phải lam lũ với mấy công ruộng …. Cả cái gia bé nhỏ  của anh cũng đang đứng trên bờ vực … Anh lần tìm tay chị nắm chặt đặt nơi trái tim mình. Anh thều thào: “ Ước vọng…”.  Anh tin ngày mai tương lai sẽ sáng lạn hơn. Anh lịm dần, hòa mình với ánh sao mai về miền đất mới, cùng lúc mặt trời ửng hồng phía trời đông.

                                                                                 Thúy Ngân

39/46 Từ Văn Tư, phường Phú Trinh -TP Phan Thiết - Bình Thuận
Email: nganthuybt@yahoo.com.vn           
ĐT: 0917 137 333

READ MORE - ƯỚC VỌNG HỪNG ĐÔNG - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thúy Ngân

KHI CÔ HÀNG XÓM TRỞ VỀ - Thế Lộc, Thy Lệ Trang, Như Thu, Sông Thu




KHI CÔ HÀNG XÓM TRỞ VỀ

Ngày cô hàng xóm theo chồng
Tôi buồn úp mặt trên dòng sông quê* 
Vườn xưa mất dấu trăng thề
Đàn xưa lỗi nhịp ủ ê tiếng đàn
Thương trầu xanh đã úa vàng
Để hoa cau rụng ngỡ ngàng lối đi
Nhủ lòng quên mối tình si
Hơi đâu tiếc nuối xuân thì người dưng
Mà sao... chân bước ngập ngừng...
Mà sao... mưa vẫn... rưng rưng... giọt sầu...
Gắng quên nào có bao lâu
Lại tìm thư cũ nát nhầu… xót xa!
Rồi mơ sống dưới mái nhà
Lệ đâu giọt vắn giọt sa não nề!
Chiều nay nghe tiếng em về
Tim yêu đánh thức bến mê rộn ràng
Bồi hồi niềm nhớ chứa chan
Tình si vẫn mãi dâng tràn trong tôi... 
Nhịp tim rộn rã bồi hồi
Như mê như tỉnh đứng ngồi không yên
Bền đò tìm đến nhiều phen
Ngập ngừng chân bước xuống... lên... mấy lần
Rộn ràng... rồi lại phân vân
Tình xưa em có dành phần cho tôi?
Tóc thề nay đã búi rồi?
Hương nồng đã gửi cho người trăm năm?
Nghẹn ngào tôi đứng chôn chân
Lục bình tím ngắt dòng sông đợi chờ...

Thế Lộc, Thy Lệ Trang, Như Thu, Sông Thu

*"Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê."
(Khúc Hát Sông Quê, nhạc và lời Nguyễn Trọng Tạo.)
READ MORE - KHI CÔ HÀNG XÓM TRỞ VỀ - Thế Lộc, Thy Lệ Trang, Như Thu, Sông Thu

BÂY GIỜ PHỐ ĐÃ THAY LÀNG - Nguyễn Đình Nguộc





         BÂY GIỜ PHỐ ĐÃ THAY LÀNG

(Cảm nhận bài thơ “Cảm lời giếng nước” của nhà thơ Nguyễn Khôi)
       
Đọc bài thơ “Cảm lời giếng nước” của Nhà thơ Nguyễn Khôi ta cảm thấy một nỗi buồn man mác nhung nhớ cảnh yên bình của làng quê xưa với cây đa, giếng nước, sân đình... cùng với những tập quán quen thuộc đã in đậm vào tâm trí của những người con xa quê lâu lâu mới trở về làng. Cùng với sự phát triển của đất nước, mỗi vùng quê cũng đang từng ngày đổi mới theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt những vùng ngoại thành phố, thị xã quá trình đô thi hóa đến chóng mặt. Những thôn, xã xưa giờ đây đã lên phố, lên phường... nên:

“Còn đâu giếng nước trong veo
Đêm trăng soi bóng người yêu thuở nào
Giếng đá Ong, nước ngọt ngào
Trưa hè mát họng, thì thào lời thương
Cây đa xòa bóng bên đường
Dừng chân về chợ, tan trường ríu ran...”

Những đổi thay nơi quê nhà làm cho ta không thể nhận ra làng xóm thân yêu thuở xưa của mình nữa. Bao kỷ niệm ngọt ngào, thân thương mỗi khi về quê ta mong được gặp lại đâu còn? Người con của quê hương lâu ngày mới về quê không thể hình dung được sự đổi thay đến ngỡ ngàng của xóm làng, thảng thốt kêu lên đầy luyến tiếc:“Còn đâu giếng nước trong veo/ Đêm trăng soi bóng người yêu thuở nào”. Cái giếng đá Ong nước trong veo hãm chè xanh ngon mắt, ngon môi, uống vào vừa ngọt, vừa thơm ... đâu còn nữa. Cả cây đa cổ thụ xòa bóng bên đường che mát những trưa hè mỗi khi bà con đi chợ về dừng chân ngồi nghỉ đón làn gió trời bay hết những giọt mồ hôi cũng không còn. Nơi gốc đa già vẫn còn lưu mãi trong ký ức của bao thế hệ học trò mỗi khi tan trường về “ríu ran” nô đùa một thuở nay đã trở thành kỷ niệm...

“Bây giờ phố đã thay làng
Rào rào nước máy giếng khoan xả vòi
Nồng hơi hóa chất tanh tươi
Chè pha nước máy sặc mùi nồng hăng!”

Khi đô thị hóa “bây giờ phố đã thay làng”, xã đã lên phường, nhà tầng đang thay thế những ngôi nhà mái ngói, mái tranh năm xưa. Đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp hiện đại đã đi vào cuộc sống của người nông dân như điện đường thay ánh trăng vàng, quạt máy, ti vi, tủ lạnh, điện thoại, nước máy... không ít gia đình đã lắp điều hòa không khí. Dân số ngày càng tăng do phát triển tự nhiên và tăng cơ học- những người ở nơi khác chuyển đến sinh sống nên nước“giếng đá Ong” năm xưa không còn đủ dùng nữa, phải dùng “nước máy giếng khoan” mặc dù có “nồng hơi hóa chất tanh tươi”. Những người đã từng nghiện nước chè xanh nấu từ nước giếng đá Ong năm xưa nay đành chấp nhận “chè pha nước máy sặc mùi nồng hăng!” bởi vì:
 “Bây giờ đã lấp giếng làng“Gốc đa”? –đã có “Nhà hàng” mọc lên”. Khi đô thị hóa, những cơn sốt đất liên tiếp làm cho giá đất cứ tăng lên vùn vụt. Câu thành ngữ: “tấc đất- tấc vàng” ngày xưa nay trở thành tấc đất- nhiều tấc vàng. Giếng làng đã bị lấp để mở rộng đường, để làm nhà. Cây đa bên đường cũng không còn nữa mà “đã có “Nhà hàng” mọc lên”. Cơ chế thị trường như một làn gió mới thổi về miền thôn quê êm ả bao đời nay làm thay đổi đến chóng mặt có nhiều  cái được, tích cực nhưng cũng có không ít tiêu cực, mất mát không dễ gì lấy lại được.
“Mấy cô váy ngắn “tiếp viên”/ Mắt xanh, mỏ đỏ hoắng lên kéo mời...” Những chuẩn mực của nếp sống văn hóa trước đây cũng không thể giữ được trước trào lưu hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng; trước cơ chế thị trường cạnh tranh khắc nghiệt với nhưng qui luật của nó.

“Tôi về... chẳng phải “làng tôi”?
Người xưa đã tít phương trời biệt ly
Trưa hè bật nắp “La Vie”
Thôi thì “ừng ực”... mấy khi về làng?!”

Chia sẻ với người thơ bởi bây giờ đâu còn lũy tre, cây đa, giếng nước, ao làng... nên không còn nhận ra làng mình ngày xưa nữa. “Tôi về... chẳng phải “làng tôi”?”. Câu tự hỏi mình sao mà chua chát và đắng lòng đến vậy! Người con của quê hương đã luống tuổi trước khi về quê háo hức mong gặp lại những kỷ niệm một thời tuổi trẻ, những bạn bè thân thiết ngày xưa... Nhưng khi về thì thật buồn: không còn nhận ra làng mình nữa. Còn người xưa thì  đã tít phương trời biệt ly”,đi làm ăn tứ tán khắp nơiTrưa hè oi bức ngày xưa uống bát nước chè xanh nấu từ nước giếng đá Ong đầu làng thật đã, mát lòng, mát ruột... còn nay được sử dụng sản phẩm công nghiệp nước uống “La Vie” hiện đại ở đâu cũng có thể mua được. “Thôi thì “ừng ực”... mấy khi về làng?!”. Đọc câu thơ ta thấy nao lòng. Thôi thì đành lòng vậy, cầm lòng vậy... biết làm sao được?
Hai câu kết của bài thơ đẹp nhưng đầy luyến tiếc:

“Giếng xưa thả ánh trăng vàng
Chỉ còn trong lúc mơ màng nhớ quê”.

Giếng xưa đã bị lấp rồi sao còn thấy được ánh trăng vàng thơ mộng, một thời mải mê ngắm trăng rơi đáy giếng nữa? Nó chỉ còn trong ký ức của những người nặng lòng với quê hương. Hình ảnh giếng nước đầu làng với bao kỷ niệm thân thương giờ đây “chỉ còn trong lúc mơ màng nhớ quê” bởi “bây giờ phố đã thay làng”.

                                                     Hà Nội. Ngày 16-8-2015
                                                      Ts.Nguyễn Đình Nguộc

READ MORE - BÂY GIỜ PHỐ ĐÃ THAY LÀNG - Nguyễn Đình Nguộc

ĐÊM HUYỀN HOẶC - thơ Huy Cận Đông Hà




Đêm Huyền Hoặc

Đêm mưa lạnh ta một mình trăn trở
Hạt giống tình vừa chớm nở tim côi
Hồn chơi vơi bao khắc khoải bồi hồi
Tình man mác dịu dàng khe khẻ đến

Gió ru nhẹ, tim gầy bừng xao xuyến
Trăng nghiêng hồn, nhung nhớ dáng hình xưa
Làn hương người thấp thoáng dậy trong mưa
Ta ngơ ngẩn nhìn ngàn sao lấp lánh

Ta rạo rực đong men tình sóng sánh
Lời tự tình vương vấn khúc du dương
Đời thênh thang óng ả nhịp yêu thương
Đợi người đến, tình mênh mông đêm trắng

Người đến nhé mang ngọt ngào sâu lắng
Ru cuộc tình cho ân ái đong đưa
Tình nhân ơi đêm huyền hoặc trong mưa
Ta nhớ mãi dẫu tình trong giấc mộng...


Huy Cận Đông Hà
READ MORE - ĐÊM HUYỀN HOẶC - thơ Huy Cận Đông Hà

RAO BÁN NỖI ĐAU - Thơ Thúy Ngân



      Tác giả Thuý Ngân




RAO BÁN NỖI ĐAU

Ai mua tôi bán, nỗi đau tôi
Chỉ một đồng thôi chẳng lấy lời
Tôi biết mua về người cũng bỏ ?
Nhưng hãy mua dùm làm phước chơi

Nỗi đau đem bán thật dở hơi
Ai mua có lẽ cũng điên rồi!
Gánh đời oằn nặng hai vai nhỏ
Mua chi thứ đó nhọc tâm thôi!

Nỗi đau tôi bán, người mua chơi
Như thế với tôi quá tuyệt vời
Với đời, dù nhỏ đầy thánh thiện
Hạnh phúc đến người chẳng xa xôi

Tha nhân còn khổ, lắm người ơi
Xin hãy sẻ chia, với nhân đôi
Một đồng  bé nhỏ  mà  nghĩa lớn
San bằng ngăn cách - thế giới Tôi!

                                  Thuý Ngân

39/46 Từ Văn Tư - Phú Trinh - Phan Thiết - Bình Thuận
ĐT: 0917 137 333 
Email: nganthuybt@yahoo.com.vn

READ MORE - RAO BÁN NỖI ĐAU - Thơ Thúy Ngân

CÒN NHỚ QUÊ - thơ Hoa Nguyên

Tác giả Hoa Nguyên


CÒN NHỚ QUÊ

Người ơi…
còn nhớ quê không?
trăng chênh soi bóng hoàng hôn tím chiều
khúc sông xao xác cuốc kêu
bắt con cá nhảy nướng tiêu
buổi nào…

Xóm dừa, bông giấy, vườn cau
xanh ngàn mây
chí cốt câu hẹn thề!
trưa say gọi nắng đê mê
xa xăm sáo trúc vẳng về ướt tim

Cánh đồng vàng rực lúa chiêm
đàn bươm bướm lượn
lim dim giấc đời
mong chờ phượng thắm đỏ trời
mưa rào tưới giậu mồng tơi mướt tràn

Nơi xa ấy
có nghe chăng?
chuông chùa ngân vọng ngã đàng từ bi
mặn mà đất Mẹ khắc ghi
lòng se thắt nhớ khó đi
tình nhà!

Cảm ơn quê chấp nhận ta
về nguồn cội gốc Ông bà Tổ tông

                                                                             

HOA NGUYÊN
hoanguyenmt404@gmail.com
Phan Rang, Ninh Thuận
READ MORE - CÒN NHỚ QUÊ - thơ Hoa Nguyên