BÂY GIỜ PHỐ ĐÃ THAY LÀNG
(Cảm nhận bài thơ “Cảm lời giếng nước” của nhà thơ Nguyễn Khôi)
Đọc bài thơ “Cảm lời giếng nước” của Nhà
thơ Nguyễn Khôi ta cảm thấy một nỗi buồn man mác nhung nhớ
cảnh yên bình của làng quê xưa với cây đa, giếng nước, sân đình... cùng với
những tập quán quen thuộc đã in đậm vào tâm trí của những người con xa quê lâu
lâu mới trở về làng. Cùng với sự phát triển của đất nước, mỗi vùng quê cũng
đang từng ngày đổi mới theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc
biệt những vùng ngoại thành phố, thị xã quá trình đô thi hóa đến chóng mặt.
Những thôn, xã xưa giờ đây đã lên phố, lên phường... nên:
“Còn đâu giếng nước trong veo
Đêm trăng soi bóng người yêu thuở nào
Giếng đá Ong, nước ngọt ngào
Trưa hè mát họng, thì thào lời thương
Cây đa xòa bóng bên đường
Dừng chân về chợ, tan trường ríu ran...”
Những đổi thay nơi quê nhà làm cho ta không thể nhận ra làng xóm
thân yêu thuở xưa của mình nữa. Bao kỷ niệm ngọt ngào, thân thương mỗi khi về
quê ta mong được gặp lại đâu còn? Người con của quê hương lâu ngày mới về quê
không thể hình dung được sự đổi thay đến ngỡ ngàng của xóm làng, thảng thốt kêu
lên đầy luyến tiếc:“Còn đâu giếng nước trong veo/ Đêm trăng soi bóng người
yêu thuở nào”. Cái giếng đá Ong nước trong veo hãm chè xanh ngon mắt,
ngon môi, uống vào vừa ngọt, vừa thơm ... đâu còn nữa. Cả cây đa cổ thụ xòa
bóng bên đường che mát những trưa hè mỗi khi bà con đi chợ về dừng chân ngồi
nghỉ đón làn gió trời bay hết những giọt mồ hôi cũng không còn. Nơi gốc đa già
vẫn còn lưu mãi trong ký ức của bao thế hệ học trò mỗi khi tan trường về “ríu
ran” nô đùa một thuở nay đã trở thành kỷ niệm...
“Bây giờ phố đã thay làng
Rào rào nước máy giếng khoan xả vòi
Nồng hơi hóa chất tanh tươi
Chè pha nước máy sặc mùi nồng hăng!”
Khi đô thị hóa “bây giờ phố đã thay làng”, xã đã
lên phường, nhà tầng đang thay thế những ngôi nhà mái ngói, mái tranh năm xưa.
Đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp hiện đại đã đi vào cuộc sống của người
nông dân như điện đường thay ánh trăng vàng, quạt máy, ti vi, tủ lạnh, điện
thoại, nước máy... không ít gia đình đã lắp điều hòa không khí. Dân số ngày
càng tăng do phát triển tự nhiên và tăng cơ học- những người ở nơi khác chuyển
đến sinh sống nên nước“giếng đá Ong” năm xưa không còn đủ dùng nữa,
phải dùng “nước máy giếng khoan” mặc dù có “nồng hơi hóa
chất tanh tươi”. Những người đã từng nghiện nước chè xanh nấu từ nước giếng
đá Ong năm xưa nay đành chấp nhận “chè pha nước máy sặc mùi nồng hăng!” bởi
vì:
“Bây giờ đã lấp giếng làng/ “Gốc đa”? –đã có
“Nhà hàng” mọc lên”. Khi đô thị hóa, những cơn sốt đất liên tiếp làm
cho giá đất cứ tăng lên vùn vụt. Câu thành ngữ: “tấc đất- tấc vàng” ngày xưa
nay trở thành tấc đất- nhiều tấc vàng. Giếng làng đã bị lấp để mở rộng đường,
để làm nhà. Cây đa bên đường cũng không còn nữa mà “đã có “Nhà hàng” mọc
lên”. Cơ chế thị trường như một làn gió mới thổi về miền thôn quê êm ả
bao đời nay làm thay đổi đến chóng mặt có nhiều cái được, tích cực nhưng
cũng có không ít tiêu cực, mất mát không dễ gì lấy lại được.
“Mấy cô váy ngắn “tiếp viên”/ Mắt xanh, mỏ đỏ hoắng lên kéo
mời...” Những chuẩn mực của nếp sống văn hóa trước đây cũng không
thể giữ được trước trào lưu hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng; trước cơ chế
thị trường cạnh tranh khắc nghiệt với nhưng qui luật của nó.
“Tôi về... chẳng phải “làng tôi”?
Người xưa đã tít phương trời biệt ly
Trưa hè bật nắp “La Vie”
Thôi thì “ừng ực”... mấy khi về làng?!”
Chia sẻ với người thơ bởi bây giờ đâu còn lũy tre, cây đa, giếng
nước, ao làng... nên không còn nhận ra làng mình ngày xưa nữa. “Tôi
về... chẳng phải “làng tôi”?”. Câu tự hỏi mình sao mà chua chát và
đắng lòng đến vậy! Người con của quê hương đã luống tuổi trước khi về quê háo
hức mong gặp lại những kỷ niệm một thời tuổi trẻ, những bạn bè thân thiết ngày
xưa... Nhưng khi về thì thật buồn: không còn nhận ra làng mình nữa. Còn người
xưa thì “ đã tít phương trời biệt ly”,đi làm ăn tứ tán
khắp nơi. Trưa hè oi bức ngày xưa uống bát nước chè xanh nấu từ
nước giếng đá Ong đầu làng thật đã, mát lòng, mát ruột... còn nay được sử dụng
sản phẩm công nghiệp nước uống “La Vie” hiện đại ở đâu cũng có
thể mua được. “Thôi thì “ừng ực”... mấy khi về làng?!”. Đọc câu thơ
ta thấy nao lòng. Thôi thì đành lòng vậy, cầm lòng vậy... biết làm sao được?
Hai câu kết của bài thơ đẹp nhưng đầy luyến tiếc:
“Giếng xưa thả ánh trăng vàng
Chỉ còn trong lúc mơ màng nhớ quê”.
Giếng xưa đã bị lấp rồi sao còn
thấy được ánh trăng vàng thơ mộng, một thời mải mê ngắm trăng rơi đáy giếng
nữa? Nó chỉ còn trong ký ức của những người nặng lòng với quê hương. Hình ảnh
giếng nước đầu làng với bao kỷ niệm thân thương giờ đây “chỉ còn trong
lúc mơ màng nhớ quê” bởi “bây giờ phố đã thay làng”.
Hà Nội. Ngày 16-8-2015
Ts.Nguyễn Đình Nguộc
No comments:
Post a Comment