Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 1, 2022

THƠ LỤC BÁT PHAN CHÍNH – Tâm Nhiên


Hai nhà thơ Phan Chính và Tâm Nhiên

Trong Đi vào cõi thơ, thi sỹ Bùi Giáng viết:“Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu, chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng, lục bát Việt Nam là cõi thơ hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu, bốn biển, ba bảy sông hồ…”
 
Thật vậy, kể từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Huy Tưởng, Nguyễn Tôn Nhan... thì suối nguồn lục bát Việt Nam vẫn hoài trôi chảy miên man một dòng thơ riêng biệt, bát ngát...
 
Phan Chính, một thi nhân đất Bình Thuận cũng thế, cũng để hồn thơ mình ngân rung trên cung bậc ngút ngàn lục bát một cách An nhiên lấp lánh:
 
Cũng chừng đời mãi loanh quanh
Đếm sương rớt hạt lên xanh nỗi buồn
 
Bài thơ chỉ hai câu thôi đủ nói lên nỗi niềm của một kiếp nhân sinh, ngậm ngùi Thân phận vu vơ:
 
Xuống đây nương buổi thương chờ
Thịt xương đã mặn giọt mồ hôi ta
 
Từng giọt mồ hôi mặn chát đã hòa trộn lẫn với từng giọt lệ để cho thi nhân bước Đi giữa truông đời:
 
Gõ tay đếm nhịp tuổi tôi
Thương dòng sông những truông đời nắng mưa
 
Mưa nắng phong trần vần vũ trên những chặng đường khúc khuỷu, nhiêu khê. Về tận chốn Tịch liêu thì cũng còn nghe đồng vọng khúc vô thường vang dội:
 
Nỗi buồn nhen gió cháy lên
Ta nghe đồng vọng gọi tên vô thường
 
Vô thường ca là bài hát nói lên sự thay đổi thường xuyên, liên tục của vạn hữu muôn loài, cho nên Dường như luôn luôn mới lạ và mới lạ mãi hoài:
 
Chào ta giáp mặt gương soi
Thấy thân thiết quá nụ cười bao dung
 
Thấy được nụ cười bao dung là thi nhân đã cảm được hương vị của Mùa xuân nhân thế:
 
Cảm ơn trời đất điên mê
Thức lên giọt nắng bốn bề nhân gian
 
Và Ngộ... ra một điều chi vi diệu, uyên thâm:
 
Lời kinh ru gió thì thầm
Phải chăng nỗi nhớ tháng năm lăn tròn
 
Lăn tròn nỗi nhớ, niềm thương như thương nhớ đêm nào nơi Ga rừng Sông Phan sương khói phủ chập chùng:
 
Rùng mình lá núi bên sông
Rót khuya đầy cõi hư không kiếp người
Vỗ bờ con nước mồ côi
Nghe bìm bịp gọi thêm bồi hồi đêm
 
Đêm khuya khoắc bồi hồi chuyện chi không biết nữa, chỉ hay rằng nhà thơ đang Chờ hoa quỳnh nở trong bóng sương rơi:
 
Rưng rưng như giọt sương trời
Em về nhè nhẹ bước đời lang thang
 
Lang thang em đi về cõi mộng tồn sinh ly kỳ, gay cấn để anh Hóa thân thành cánh chim trời thơ dại:
 
Mai kia nhớ tiếc cũng đành
Tháng năm xa vắng để anh luân hồi
 
Luân hồi qua vô lượng kiếp rồi bây giờ lại tái sinh làm một thi sỹ, ngày đêm sáng tạo mãi bài thơ Tôi:
 
Trong vô hạn của kiếp người
Có tôi lầm lũi vòng đời loanh quanh
 
Loanh quanh, lầm lũi bước đi hoang đàng trên mặt đất trần gian đến năm cùng tháng tận, thi nhân vẫn nghe hoài điệp khúc yêu thương vang lên bên bờ Biển tháng chạp tuyệt vời:
 
Năm cùng tháng tận biển ơi
Mà sao vẫn mặn mòi lời ru thương
 
Thương yêu cuộc đời rồi yêu thương chính mình, nhâp dịp Chào tuổi đầu năm, xuân mới thong dong:
 
Rượu đầu năm rót xoay vòng
Chào ta trong cõi vô cũng nhân gian
 
Giữa vô cùng thiên địa mang mang, chàng thi sỹ nơi vùng thị xã La Gi ấy đã bươn bã ra đi, từng nhập cuộc chịu chơi với toàn thể thế sự thăng trầm...
 
Trầm tư, nghe và thấy ra tất cả chỉ là huyễn hóa nên quay về nhẹ Buông... xuống hết trong niềm sâu lắng với nụ cười an nhiên im lặng:
 
Đằng kia bóng nắng là bờ
Mà sao con nước hững hờ đợi ai?
Mây trời rắc bụi tàn phai
Về thôi cũng tiếng thở dài an nhiên
 
An nhiên hạt bụi là thi phẩm thứ năm của Phan Chính, sau những tập Giọt sương, Giữa truông đời, Biển trắng như lòng ta thức đợi, Bảng lảng gió giêng. Đặc biệt, tập thơ này gồm 56 bài lục bát ngắn, một bài chỉ 2 câu hay 4 câu thôi.
 
Điều đó chứng tỏ tiếng thơ, nhất là thơ lục bát Phan Chính đã đến độ vô cùng súc tích trong cõi miền thi ca uyên mặc đến lặng lẽ vô ngôn...
                                                               
Thị xã La Gi 24. 2. 2022                                                                
Tâm Nhiên

READ MORE - THƠ LỤC BÁT PHAN CHÍNH – Tâm Nhiên

VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ “Ở LẠI” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Vũ Thị Hương Mai




VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ “Ở LẠI” 

CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

*

Bài thơ "Ở lại" là một trong số các bài thơ tình hay của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến! Ngôn từ và hình ảnh trong bài thơ thật bạo liệt và táo bạo, đậm chất phồn thực nhưng không hề mảy may khiêu dâm, tục tĩu.


Ở LẠI

 

Thì cứ lại đây. Ngồi xuống đây

Nhấp chén rượu thơm ủ lâu ngày

Ngoài kia mưa gió nhiều như thế

Ở lại đi em. Mai hãy về.

 

Ta biết sự đời cũng nhiêu khê

Mười hai bến nước lắm ê chề

Em về hay ở đều như thế

Ngang dọc miệng đời chẳng bớt chê.

 

Thôi ở lại đây. Nghỉ lại đây

Ngực ta làm gối thật êm dầy

Tay ta làm nệm nhung rất ấm

Em quấn thân ta tựa chăn mềm.

 

Ta muốn đêm này em với ta

Quyện từng hơi thở trộn thịt da

Ưu phiền cứ mặc trôi theo gió

Nào hãy cùng ta dạo bến mơ.

*.

Hà Nội, chiều 04.09.2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

(In trong tập CƯỠNG XUÂN ; Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2017)

Thơ tình của Đặng Xuân Xuyến hay đề cập đến những khía cạnh rất nhạy cảm trong tình yêu, không mơn trớn mon men với trăng sao mây gió, nhớ nhung, thề non hẹn biển như đa số thơ tình của các nhà thơ khác. Thơ tình của Đặng Xuân Xuyến là những ngôn từ, những thi ảnh trần trụi với những biểu hiện cụ thể của: cắn, cấu, ghì, xiết, rên, la... trong chuỗi hành động ân ái yêu đương, nhưng cho dù ngôn ngữ có táo bạo, nóng bỏng, gợi dục tính thế nào thì câu chữ Đặng Xuân Xuyến dùng vẫn tinh tế, đẹp và nhân văn, không hề gợn chút khiêu dâm ân ái thân xác tầm thường. Đó là đặc trưng rất riêng của thơ tình Đặng Xuân Xuyến.

Lấy ví dụ ở bài thơ khác, đó là bài thơ "Tình Nở". Cũng với những ngôn từ bỏng cháy khát yêu, tưởng nhà thơ chỉ mô tả những ham muốn trần trụi về thể xác để diễn tả thoả cơn khát yêu của Thị Nở - Chí Phèo nhưng ngẫm kỹ chút thôi thì những ngôn từ ấy không hề dung tục, không hề khiêu dâm mà rất giàu tính nhân văn. Câu "Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu" là câu thơ rất sáng với 2 từ "giả ngây" giàu tính nhân văn. Nhờ 2 từ "giả ngây" mà Thị Nở không ngốc nghếch thô kệch và dở hơi như trong nguyên tác của nhà văn Nam Cao. Thị Nở trong "Tình Nở" khôn hơn, e lệ phụ nữ hơn, biết giấu đi sự khao khát ái tình khi được "Chí đè cưỡng yêu". Với 2 chữ "giả ngây" này Thị Nở được thoát xác thành một người phụ nữ tinh ranh và rất là đời.

Khi bình về bài thơ “Tình Nở”, nhà Phê bình Văn học Châu Thạch có những nhận xét rất tinh tế, công tâm:

Tình Nở là một bài thơ cho ta hai cảm xúc. Cảm xúc ở tâm hồn đem đến cho ta cảm nhận hương vị của một mối tình bình dân, chân chất và mộc mạc. Cái hương vị đó ta không tìm thấy khi đọc chính truyện của nhà văn Nam Cao. Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã đặt vào trong sáu câu thơ ngắn của mình những từ ngữ thích đáng như “ơn trời”, “giả ngây”, “cưỡng yêu”, “hương tình”, “vẫn tươi” để thi vị hóa cái đêm hôm đó, làm cho Tình Nở gây hình ảnh đẹp trong thơ và tạo ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc. Cái cảm xúc trong tâm hồn mà tác giả tạo ra trong thơ làm cho sự cảm xúc trong xác thịt bớt đi tính dục. Từ đó hơi nóng tình dục chảy trong người khi nhớ lại cảnh ái ân đầy bản năng dưới trăng không còn lõa lồ khó nhìn nữa, mà nó trở nên một bức tranh nghệ thuật tả chân.

Có thể nói, Tình Nở của Đặng Xuân Xuyến đã cô đọng thi đề, thi tứ, thi ý trong những câu thơ súc tích. Thơ ngắn nên sức khái quát thật cao. Sự lựa chọn để miêu tả những khoảng khắc dồn nén thật đúng lúc và tuyệt vời. Bài thơ cũng tạo một cái nhìn mới vào truyện ngắn Chí Phèo mà từ lâu, đã được giảng dạy ở học đường theo một định hướng không hoàn toàn của nó.”

Khi đọc tập thơ tình "Cưỡng Xuân" của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến, nhà thơ, nhà nghiên cứu Kinh dịch Nguyễn Thanh Lâm cũng đã có những cảm nhận thú vị: "Thơ của Đặng Xuân Xuyến chưa đến bực tài hoa, mà là thơ của nỗi lòng, tình yêu và sự đớn đau trong tình yêu nâng hồn anh thành cánh chim bay đến phía sau của chân trời tình yêu và trở về với hồn quê - Đất nhãn Hưng Yên:

Về đi em! Về ngắm trăng buông

Câu mái đẩy lèn sâu ký ức

Dựa vai anh ngắm đời rất thực

Cổ tích trầu cau đã hết nhựa rồi..

Nếu có tài họa sĩ, tôi sẽ vẽ bức tranh đồng quê, có đôi trai gái ngồi ngắm trăng buông. Cô gái tựa vào vai chàng trai, ngắm trăng trời và nghe trăng ở lòng thổn thức. Nhưng vẽ “Cổ tích trầu cau đã hết nhựa rồi” thì thật khó. Chỉ có thơ, hồn thơ quê của Đặng Xuân Xuyến mới vẽ được. Tôi nhắm câu thơ này cho rượu thơm hương".

Sáng nay, 28 tháng 2 năm 2022, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến post bài thơ "Ở lại" lên album "Thơ đã xuất bản" trên trang facebook cá nhân, có khá nhiều lời bình luận khen ngợi bài thơ này. Bình luận của nhà thơ Thái Chung khái quát rất chính xác về bài thơ "Ở lại" và dòng thơ tình của Đặng Xuân Xuyến:

"Thơ tình của Đặng Xuân Xuyến trần trụi nhưng tinh tế, mạnh bạo nhưng đời thường, nhạy cảm nhưng không tục.

Tóm lại (bài thơ Ở Lại), tuyệt, đậm chất Đặng Xuân Xuyến.".

Hay cảm nhận nhanh của nhà thơ Trịnh Thị Nhâm:




"Tôi mê thơ tình của Đặng Xuân Xuyến. Đẹp! Không phải cái đẹp ngôn từ mỹ miều, những lời có cánh, mà cái đẹp rất thật, rất đời. Yêu với niềm đam mê hừng hực, cháy bỏng, quyết liệt. Ngay cả những câu từ tả chân về sự đụng chạm hoà quyện về thể xác vẫn đẹp đẽ, toả sáng, ta không hề thấy bợn chút dung tục. Bài thơ rất tuyệt!"

Viết về những ham muốn ân ái xác thịt với ngồn ngộn những ham muốn dục tính, những khát khao nóng bỏng của tình dục:

- "Thôi ở lại đây. Nghỉ lại đây

Ngực ta làm gối thật êm dầy

Tay ta làm nệm nhung rất ấm

Em quấn thân ta tựa chăn mềm."

- "Ta muốn đêm này em với ta

Quyện từng hơi thở trộn thịt da"

nhưng câu chữ Đặng Xuân Xuyến dùng lại hết sức thanh tao không gợi những ham muốn nhục dục thấp hèn nên đọc thơ anh người đọc thấy tâm trạng sảng khoái thanh bai.

Có lẽ "Ở lại" là một trong số ít bài thơ tình của Đặng Xuân Xuyến không cùng lúc rơi vào 2 tâm trạng đối nghịch của nhân vật trữ tình trong thơ: yêu hay không yêu? nóng bỏng khát khao yêu và tái tê băng giá vì yêu như thường thấy trong thơ tình của anh.

*.

VŨ THỊ HƯƠNG MAI


Long Biên - Hà Nội.

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

READ MORE - VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ “Ở LẠI” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Vũ Thị Hương Mai

CHIỀU QUA BÃI THẠCH LONG - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng


Chiều qua bãi Thạch Long


Chiều mắc cạn bên đường lên Dốc Đá

Hàng dừa chen nắng trãi bãi Thạch Long

Em chờ ai? Mà mong chiều đứng lại

Khói bếp nhà bên, bối rối cay nồng

                        *

Chiều êm, mượt mà rơi trong tiếng hát

Con sóng vỗ bờ, đổ nhịp võng đưa

Biển đang gượng sóng, xô chiều đi lạc

Em dệt lòng mình, mắt lưới nhặt thưa

                        *

Thuyền và biển, ngàn đời như cổ tích

Sóng bãi ngang, nghiêng ngữa biết bao đời

Cả bãi cát, hàng dừa và em nữa

Cũng cháy lòng, nghiêng phía biển chơi vơi

                        *

Hết con nước ròng rồi con nước lớn

Mà thuyền ai thấp thoáng phía Cù lao

Ngang lưng trời, đàn Sảnh kêu báo gió

Cho rối lòng em, bãi trước, bãi sau

                        *

Chiều Mũi Né như vô tình bất chợt

Cơn gió nồm căng ngực trẻ phập phồng

Anh khách lạ, nên nhìn đâu cũng lạ

Biết thuyền nào mang nỗi nhớ em mong

                                                          6/86



Đánh lưới đêm


Khi chiều xuống, sóng như giãn rộng

Con nước ròng, mời gọi đẩy đưa

Thuyền ta đi, băng ngang triền sóng

Đường chân trời, mang hình răng cưa 


Mặc cho sóng đá gà, sóng búa

Thuyền ta đi theo cánh hải âu

Mặc cho gió, gió mùa, gió chướng

Nào anh em, thả lưới buông câu


Tiếng hò dô, tròn căng ngực trẻ

Nghe âm âm mặt biển mông mênh

Tay kéo lưới, kéo nghiêng cả biển

Cơn giông chiều, dựng đứng thuyền lên


Vẩy cá dính bạt trời sao sáng

Đổ cả vào mẻ lưới ta giăng

Nào bắt buông, quay tời, kéo ngáng

Nhanh lên nào, nước lớn, nồm săn


Tiếng tài công ồm ồm, lệnh vỡ

Những lưng trần, căng đến rát da

Người và biển kéo co đánh vật

Đường chân trời, lúc gần lúc xa


Sóng giật, dìm thuyền ba đỉnh sóng

Cá tung mình lên thuyền, trêu ngươi

Đêm mất ngủ, gồng lưng chèo chống

Mới thấy trăng tan trong tiếng cười


Cá trong lưới, cá trong thuyền, cá …

Nước chảy, neo căng như dây đàn

Đôi mắt xoe tròn, vậy mới đã

Chuyến biển này, xôn xao cả làng 

                                                 3/86



Chìm trong nỗi nhớ vu vơ


Bài hát buồn 

Ru 

Nửa đời còn lại

Đứng bên song 

Em 

Khẽ hát trong chiều

Gió se sắt 

Lay 

Tấm màn trống trãi

Bài hát buồn 

Và nỗi nhớ quạnh hiu …

                                                 9/91



Ngồi một mình, đối diện với chiều phai


Chập chờn nắng và bóng mờ dĩ vãng

Rơi đâu mất những tháng năm kiêu mạn


Lặng lẽ nghiêng chao chiếc bóng đổ dài

Nắng tắt

Nỗi đợi chờ, dù có một mai…



Rồi ngày mai sẽ là ngày mới

Sao em còn vương víu chuyện đã qua

Con sông cạn oằn mình nằm ngóng đợi


Cơn lũ tràn bờ, bồi đắp phù sa

Trong sâu thẳm, có những điều ngoài tầm với

Lợn cợn ngày đi, chiều khê đọng dư ba…


Lê Thanh Hùng

     Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - CHIỀU QUA BÃI THẠCH LONG - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

MÃNH HỔ LÀNG ĐÔNG TRẠCH - Truyện ngắn Vũ Hùng

Nhà văn Vũ Hùng


MÃNH HỔ LÀNG ĐÔNG TRẠCH 

Truyện ngắn

Vũ Hùng  


Không sớm thì muộn có lẽ tui phải chết. Không phải chết vì đau bịnh mà chết vì vỡ tim do sợ hãi từ cái mồm như con cá ngão được chạm nổi trên vì kèo làng Đông Trạch của lão Nhộng Cầu Đỏ?

Cứ mỗi lần dự lễ Tế hiệp cụ Tổ của dòng họ nhà tui là lão Nhộng sau khi uống dăm ba chén Bàu Đá cứ oang oang như lập trình sẵn trong đầu:

-  Thưa các ông, các bà! Tui nghĩ cái anh Trưởng nam của họ Vũ nhà này bị lai giống rồi.

Vì từ đời ông cao, ông cố, ông nội...ai cũng năm sáu bà vợ trở lên. Ngay cha của hắn hiền như cục đất cũng có ba bà vợ. Đấy hắn là con của bà vợ thứ ba chứ giỡn chơi à?

Các ông bà thử xem tui nói có đúng không nào? Vậy mà đến giờ hắn vẫn chỉ một vợ là sao? Có đáng tin không? Hay là...

Lão cười hô hố mà tim tui cứ đập thình thịch, thình thịch như muốn nhảy bắn ra ngoài. Mắt lấm la lấm lét xem vợ đứng ở chỗ nào?

Vợ tui vốn cũng hiền lành như bao cô gái khác thôi nhưng kỵ nhất cái khoản đàn ông gặp gái như mèo thấy mỡ!

Nói thiệt từ khi bị Thầy Dài cuỗm mất người yêu, mãi đến bốn năm sau tui mới gặp Sen, cô gái có đôi mắt xếch và làn da nâu rắn chắc, con ông Đội Súng ở xã bên. Sen là Biên tập viên chuyên mảng Nông nghiệp của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh. Thỉnh thoảng về xã tui lấy tin. Và đôi lần tui cũng nhờ cô chuyển dùm bài viết của mình đến Đài để kiếm tiền trả nợ cà phê ghi sổ.

Yêu nhau hơn một năm tui mới phát hiện ra Sen gọi người yêu cũ của tui bằng Dì thúc bá.Hiện là vợ thứ 2 của Thầy Dài. Tui định rút êm. Nhưng bỏ thì thương mà vương thì tội!

Rồi Sen cũng về làm vợ tui, âu cũng là cái duyên, cái nợ!

Về làm dâu Làng Đông Trạch vốn to bằng cái lỗ mũi trâu nhưng lắm tệ nạn: trộm cắp, tù tội, giang hồ..... Chỉ nghe tên thôi cũng rùng mình!

Sau đám cưới chưa đầy hai ngày, bỗng con chó Nhựt Bổn SaKe đứt xích chui qua rào cắn chết con gà đá của lão Ba Mập.Lão vốn là võ sĩ quyền Anh nổi tiếng một thời. Lão hùng hổ xách gà sang chửi bới và đòi bồi thường hai chỉ vàng tương đương bốn tấn lúa. Tui phân bua và xin lỗi rối rít. Lão nghiến răng đ.mẹ rồi vung tay đấm thẳng vào mặt tui, tui nghiêng mình tránh được nhưng vấp phải khúc củi và té ngửa. Vợ tui chạy ra can ngăn cũng bị lão đấm vào mặt nhưng cô ấy chỉ hạ thấp bộ xuống một chút và đập chỏ trái mấy phát vào màng tang rồi kéo gối phải thật mạnh vào háng Lão. Lão đổ vật xuống rống lên như bò bị chọc tiết. Máu trên mặt lão tràn đỏ cả mặt đất và cái điều mà vợ lão kể ra ngoài chợ Đá sau này đến khó tin là cái bọc dái của lão đổi sang màu tím than và sưng to như quả banh vậy.

Lão Ba Mập phải nằm viện đúng một tuần và về nhà với dáng đi chàng hảng.

Vợ tui bị Ban hoà giải xã nhắc nhở vì phòng vệ quá mức cần thiết!

Chuyện lão Ba Mập chửa kịp nguôi thì thằng con trai út lão võ sư Tư Phì cuối xóm ngang nhiên hái trộm mấy buồng dừa trước nhà, lại còn thách thức tui nữa chứ?

Sáng đó tui bận lên lớp ở trường, khi trưa về thì thấy người làng đông đen đông đỏ ở sân nhà. Tui hoảng hốt vứt cặp chạy vào. Mắt trái vợ tui bầm tím, môi nhợt nhạt, đứng thở dốc. Còn lão võ sư Tư Phì nằm bất động. Đôi môi dập nát, sưng vều to như cái bóng điện tròn. Máu từ lỗ tai và cổ họng của lão chảy ra đọng từng vũng trên mặt đất...

Lão Tư Phì phải nằm viện hơn một tháng. Đám đệ tử của lão rỉ tai nhau:

- Không biết bà Sen đánh cái đòn độc gì mà mà dái của sư phụ vọt lên nghẹt cổ nên bị thua thê thảm?

Từ đó vợ tui được phong là MÃNH HỔ LÀNG ĐÔNG TRẠCH.

Tui vừa tự hào, vừa lo lắng. Nhiều đêm giật mình thức giấc, một nỗi sợ hãi mơ hồ...

Vậy mà cái lão Nhộng chẳng ý tứ chút nào. Cứ rượu vào là lời ra.

Có lẽ Tế hiệp cụ Tổ năm sau và những năm sau nữa tui quyết không mời lão Nhộng đâu!

Ừ, mích lòng thì mích lòng!


Bình Định, 09.02.2022

Vũ Hùng

 

Attachments area


READ MORE - MÃNH HỔ LÀNG ĐÔNG TRẠCH - Truyện ngắn Vũ Hùng