Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 6, 2021

NẮNG THÁNG BA, XUÂN ĐA CẢM, NỒNG NÀN MÙA GIÊNG – Thơ Tịnh Bình


               Nhà thơ Tịnh Bình


NẮNG THÁNG BA
 
Lấp lánh bản hòa ca sớm
Dịu dàng trong vắt âm chim
Cành xuân thắm chưa hoa gạo?
Tháng Ba thắp nắng đi tìm
 
Bao la khoảng lặng bình yên
Con đường làn hương chớm nở
Ta về gặp mình thơ bé
Đuổi theo cánh bướm vu vơ
 
Lất phất mưa xuân trước mặt
Sau lưng nắng đã ùa về
Ai tắt lời Giêng tơ nõn
Trộm thương thầm nhớ đê mê
 
Bến cũ sông xưa bồi lở
Cành xuân nụ đã thành hoa
Câu thơ vùi trong khói bếp
Nồng nàn lan nắng Tháng Ba...
 
 
XUÂN ĐA CẢM
 
Trong thinh lặng
Bước chân mùa khẽ đến
Cánh đồng xuân
Thức giấc những mầm xanh
Soi kẽ lá
Hiện lên màu tơ nõn
Chấm nâu trầm
Én liệng phía thiên thanh...
 
Ngày biêng biếc
Cõi tình ta thắm đượm
Chẳng men say
Sao má đỏ bồ quân
Xuân đa cảm
Hay lòng ta đa cảm
Đóa lộc vừng
Buông rũ sợi tình xuân...
 
 
NỒNG NÀN MÙA GIÊNG
 
Tháng Giêng hò hẹn vần thơ
Dòng sông ươm nắng giấc mơ cải vàng
Bến chiều bịn rịn đò ngang
Khói sương phiêu lãng xuân sang bao giờ
 
Dõi theo cánh bướm vu vơ
Triền đê hoa cỏ vô bờ sắc xuân
Gửi vào ngày tháng gian truân
Xòe tay nhận lấy thanh tân ban đầu
 
Thầm thì xuân hát đôi câu
Tình tang ong bướm cau trầu mối mai
Mưa Giêng thèn thẹn qua vai
Tóc mây lược gió thơ ngây dịu hiền
 
Nồng nàn vạt nắng mùa Giêng
Cành tơ hẹn với huyên thuyên chim mừng
Khói xuân đưa lối ngập ngừng
Tình thơ bỏ ngỏ... đỏ bừng mắt môi...
 
                                    TỊNH BÌNH
                                     (Tây Ninh)

READ MORE - NẮNG THÁNG BA, XUÂN ĐA CẢM, NỒNG NÀN MÙA GIÊNG – Thơ Tịnh Bình

NỖI XÓT XA KHẮC KHOẢI TRONG BÀI THƠ “CHO MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÃ ĐI XA” CỦA NHƯ KHÔNG – Châu Thạch


                                 Nhà thơ Như Không

 
CHO MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÃ ĐI XA
 
Mấy mươi năm trôi qua
Chưa kịp gặp lại nhau lần nào
Em đã ra đi
Một lần mãi mãi
 
Bến sông cũ đã bao dòng nước chảy
Đời như mây trôi giạt bốn phương trời
Em ở phương xa lòng còn ngoảnh lại
Xót ta còn lận đận giữa trần ai
 
Hương ngày cũ đã nhòe đôi mắt ướt
Lòng vọng nhau mà chẳng gặp bao giờ
Ta phiêu bạt giữa cõi người trôi nổi
Em chẳng về lạnh lẽo gió trăng xưa
 
Năm tháng đã bạc màu trên vai áo
Hắt hiu ngày thăm lại bến sông quê
Ta lầm lũi giữa đời bao lối rẽ
Chẳng còn ai để một chỗ quay về
 
Nén nhang muộn gửi cho người quá vãng
Vọng bốn trời ta thắp giữa thinh không
Giữa đêm mù sương em về lãng đãng
Còn trong nhau nỗi nhớ đến không cùng
 
... Em bỏ ta đi
Một lần vĩnh viễn
Ngày tan theo từng tiếng gọi âm thầm
Nợ nhau
Nợ một chỗ nằm
Trong anh em vẫn nụ hàm tiếu xưa...
 
                                    Như Không
                                        9/2019

 
NỖI XÓT XA KHẮC KHOẢI TRONG BÀI THƠ “CHO MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÃ ĐI XA” CỦA NHƯ KHÔNG
                               Cảm nhận của Châu Thạch
 
Bài thơ “Cho Một Người Đàn Bà Đã Đi Xa” của nhà thơ Như Không viết cho một người tình nằm xuống. Bài thơ không có nhiều lệ, không nhắc lại nhiều kỷ niệm, đọc hiểu ngay như hàng ngàn bài thơ hư cấu có, sự thật có, của biết bao người làm thơ khác. Thế nhưng đọc bài thơ nầy, chắc chắn cảm xúc đến với lòng người nhiều hơn những bài thơ khác, bởi như lời bình luận của nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt: Bài thơ nầy có “Lời buồn riêng mà nhức nhối chung, có những nỗi đau suốt đời không nói hết”, hoặc như lời bình luận của bạn đọc Tuy Hoa Huynh: “Bài thơ hay đầy nỗi nhớ và hư hao!”
 
Vào khổ thơ đầu, nỗi buồn đã tự nhiên đến ngay với ta từ những câu thơ rất bình dị, chưa nói là bình thường:                  
 
Mấy mươi năm trôi qua                  
Chưa kịp gặp lại nhau lần nào                 
Em đã ra đi                  
Một lần mãi mãi
 
Nỗi buồn đến ngay với ta vì đọc thơ, ta biết ngay người tình của nhà thơ đã chết, chết sau mấy mươi năm chia tay chưa một lần gặp lại. Trong câu chuyện tình, người nam thường chết vì chiến trận hay chết vì một lý do gì dó, cũng không làm ta động lòng bằng một người nữ phải ra đi, vi người nữ mà ra đi thì như một cành hoa dập vào lòng đất.
 
 Nhà thơ Như Không đã thành công khi đưa toát yêu của bài thơ vào ngay khổ đầu, tạo cho bao người đọc sự rung động tất nhiên mà ai cũng chứa chấp sẳn trong lòng. Thế rồi qua khổ thơ thứ hai, Như Không từ từ thổ lộ nỗi niềm với lời thơ tỉnh táo, tỉnh táo như nỗi đau đã làm đông cứng cảm xúc của mình:           
 
Bến sông cũ đã bao dòng nước chảy           
Đời như mây trôi giạt bốn phương trời           
Em ở phương xa lòng còn ngoảnh lại           
Xót ta còn lận đận giữa trần ai
 
Câu thứ nhất “Bến sông cũ đã bao dòng nước chảy” không để tả bến sông mà để diễn đạt sự chờ đợi của mình, mà để diễn đạt thời gian trôi qua trong mong đợi như dòng nước luân lưu qua bến sông thuở ấy.  Đọc thơ, tự nhiên tâm hồn ta như thấy bến cuộc tình, như thấy bến đợi u buòn hiện ra trước mắt, tự nhiên tâm hồn ta như thấy tiếng thời gian chảy róc rách dài trong năm tháng chờ mong. 
 
Câu thơ thứ hai “Đời như mây trôi dạt bốn phương trời” để nói về đời em hay tưởng tượng về đời em trong tháng ngày xa cách. Bến sông và mây trôi chẳng bao giờ gặp nhau nhưng vẫn có thể thấy nhau. Hai câu thơ trên đối diện nhau, song song nhau, để diễn tả tinh thần hay giác quan thứ sáu của đôi tình nhân luôn nghĩ về nhau bằng sự mô tả khung trời tuyệt đẹp, nó tạo sự song song trong tâm tưởng và tạo sự gặp nhau ở miền vô cực. Rất hay!
 
Câu thơ thứ ba và câu thơ thứ tư “Em ở phương xa lòng còn nghoảnh lại/Xót ta còn lận đận giữa trần ai” như một nguồn an ủi, tạo một niềm hy vọng cho người ở lại chờ mong. 
 
Thế rồi qua khổ thơ thứ ba và thứ tư, nhà thơ kể một một chút về thân phận của hai người trong tháng ngày xa cách. Kể lể để làm chi? Để như trồng trong không gian mình ở, trong không gian em ở, trong thời gian ly biệt mấy mươi năm những đóa hoa lạnh trong sương tuyết, làm cho bài thơ có tiếng thở dài, như tiếng gió bay qua đại dương, về với nhau, sưởi cho nhau bằng làn hơi giá buốt:                
 
Hương ngày cũ đã nhòe đôi mắt ướt                
Lòng vọng nhau mà chẳng gặp bao giờ                
Ta phiêu bạt giữa cõi người trôi nổi
Em chẳng về lạnh lẽo gió trăng xưa                 
 
Năm tháng đã bạc màu trên vai áo                 
Hắt hiu ngày thăm lại bến sông quê                
Ta lầm lũi giữa đời bao lối rẽ               
Chẳng còn ai để một chỗ quay về
 
Có lẽ đến đây, trong thời gian nầy, nhà thơ đã biết người yêu qua đời, chàng kể lể như người ngồi bên nấm mộ, để rồi nhà thơ đốt nén hương lòng ngay mà gởi cho người quá vãng:                  
 
Nén nhang muộn gửi cho người quá vãng                
Vọng bốn trời ta thắp giữa thinh không                
Giữa đêm mù sương em về lãng đãng                
Còn trong nhau nỗi nhớ đến không cùng
 
 Thơ trở nên liêu trai, khung cảnh có hồn người lãng đãng, nhà thơ đã tuyệt vọng trong nỗi chờ mong. Thắp hương và van vái bốn phương trời biểu hiện cho sự thật trong lòng thi nhân biết người mình yêu đã ra đi vĩnh viễn. Thấy người về trong sương mù lãng đãng biểu hiện cho sự hôn mê của tâm thần vì niềm thương nỗi nhớ vô biên. Tác giả không cần phải nói “Còn trong nhau nỗi nhớ đến không cùng” thì ai cũng biết nỗi nhớ trong tâm hồn nhà thơ đã đên khôn cùng trong những câu thơ trên.
 
Đến khổ thơ chót, từng câu thơ bị ngắt ra như nỗi uất nghẹn, như riếng khóc không thành, như nuốt vào những hệ lụy của tình yêu:              
 
... Em bỏ ta đi              
Một lần vĩnh viễn              
Ngày tan theo từng tiếng gọi âm thầm               
Nợ nhau              
Nợ một chỗ nằm              
Trong anh em vẫn nụ hàm tiếu xưa...
 
Nhà thơ cho tình yêu mình như một đóa hoa chưa nở trọn vẹn, nó còn hàm tiếu, và đóa hoa hàm tiếu đó còn mãi trong linh hồn tác giả. Sự thật thì mối tình trong thơ như hoa đã nở trọn vẹn, ngào ngạt hương. Bởi vì tình không thành đôi lứa nhưng tình đã nở trọn vẹn thì nó mới nhớ thương như thế, nó mới thành thơ như thế, và thơ mới tỏa ngát hương cho đời, khiến hồn tôi rung động và chổi dậy viết ngay viết mau và viết ngắn trong một buổi trưa mùa xuân nầy.
 
                                                              Châu Thạch 
                              
READ MORE - NỖI XÓT XA KHẮC KHOẢI TRONG BÀI THƠ “CHO MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÃ ĐI XA” CỦA NHƯ KHÔNG – Châu Thạch

TÌM NHAU - Lê Văn Trạch

 

Tác giả Lê Văn Trạch

TÌM NHAU 

Lê Văn Trạch

             

Tôi thường chia sẻ với bạn bè: Những lần hội ngộ là những buổi trưng bày đồ cổ, ở đó không hạn chế không gian hoặc tính chất sự vật… Mọi người có quyền đem ra tất cả những gì đã có của một thời dưới mái trường Nguyễn Hoàng - các thứ được mang ra khỏi tủ kiếng, cẩn thận phủi bụi, trang trọng đặt lên những kệ, những giá hoặc mượt mà sân cỏ để mình và… người khác (nếu muốn) cùng chiêm ngắm mà không phải nhìn trước ngó sau. Tôi thực sự tâm đắc với ý nghĩ này của mình, bởi qua nhiều lần như thế ở góc rất khuất, tôi phát hiện được nhiều điều thú vị, mới lạ khác nhau. Điều độc đáo nữa là hầu hết mọi người rất trân quý đồ cổ nên sau thời gian ấn định đã nghiêm túc đặt lại vị trí cũ, mặc dầu rất tiếc nuối. Trong khoảnh khắc ấy, họ như muốn mang hết quá khứ trở về, trọn vẹn với nét hồn nhiên trẻ trung muôn thuở, tạm thời quên đi vị trí hiện tại … mặc Ông, mặc Bà, tôi bận chăm sóc đồ cổ của tôi....

***

Đã nhiều lần tôi chớp được ánh mắt diệu vợi của một chàng - người đã từng đi qua những lần họp mặt và hôm nay - chàng tìm một chỗ thuận lợi để quan sát, để ngắm Hoàng Thị ngày xưa của mình. Chàng không nói năng tiếp xúc với một ai, trong cái tĩnh lặng của tâm hồn chàng như sống lại ngày tháng cũ, trên sân trường hay trên đoạn đường Quang Trung ngắn ngủi, ngắm nàng!... Thế thôi, chưa một lần tiếp xúc, có lẽ với chàng thì nàng là cánh hoa mỏng manh, là tách pha lê trong suốt dễ vỡ...

Ngày xưa ấy… có chàng tuổi trẻ bắt được tín hiệu không như thiên hạ thường tình: dưới tán cây phượng, bậc cầu thang hay trên lối đi về mà lúc nàng cắn bút làm bài thi, bất chợt ngước lên. Ôi! “Đôi mắt biết cười ánh lên sự tinh nghịch, nửa như mời gọi, nửa như thách đố” trong tích tắc ấy đã đánh động trái tim, thôi thúc chàng cất bước. Để rồi những cuộc hẹn hò, những lần sánh vai trên khu phố cổ, những tưởng sẽ nắm tay nhau cùng đi trên vạn nẽo, nhưng Tóc mai sợi vắn, sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm lại là chuyện thường tình có từ ngày xửa ngày xưa… Chàng vẫn quẩn quanh, vào ra ở nơi oằn vai của đất nước, nàng như bóng chim tăm cá, lúc tìm được dấu ở rừng thì lại nghe về biển. Cứ thế, thời gian với quay cuồng thế sự, cũng đã gần 50 năm rồi còn gì nhưng trong tâm tưởng chàng  thì “chút phấn mỏng manh trên đôi cánh sắc màu rực rỡ chấp chới ấy cứ vương lại” để rồi “vẫn nuôi niềm hy vọng ... mãi dõi mắt về phía trời xa, để mong một phút tình cờ gặp gỡ....”. Phải chăng niềm hy vọng ấy là một trong những yếu tố quyết định để lần này chàng mạnh dạn vượt đại dương, với niềm tin… một phút tình cờ gặp gỡ.

Khi lòng người có được sự thành khẩn, tâm nguyện cao nhất họ sẽ đạt đến bến bờ mong đợi... Có điều là họ không muốn nhìn nhau để nao lòng với nhân dáng theo quy luật của thời gian, mà chỉ là vang vọng âm thanh quen thuộc, ngọt ngào của ngày nào để cùng “nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ…”  Phút giây ngắn ngủi ấy là hương hoa của tâm hồn, là son phấn để trang điểm cuộc đời… và con tim đã vui trở lại…

Có loại đồ cổ chỉ như nét chấm phá, những phác thảo trong bức tranh lập thể, ai muốn hiểu gì cũng được... Đó là ánh mắt thoáng dừng lại trên hành lang; ở văn phòng nhà trường hay vào giờ ra chơi. Ánh mắt ấy nếu được con tim đối diện nhận ra điều gì đó, gợn lên cái gì đó thì… có thể là tín hiệu để sau này nhận diện, như hạt giống được ném vào lòng đất.

Ai đó bình thản rảo bước trên lối nhỏ của mình như bao thành viên khác của nhân loại, không bận tâm về quá khứ, chẳng băn khoăn về tương lai... cứ nghĩ như thế cho đến cuối đời. Tuy nhiên cuộc sống không tròn trịa như ta tưởng, số phận đã run rủi, cùng một thời điểm, ở phương trời khác nhau, cả hai đều lẻ bóng, nỗi buồn, niềm cô đơn ập đến, như bóng đêm bao phủ làm héo úa những ngày cuối đời. Thời gian qua đi, nghiệm ra được lẽ vô thường của Trời Đất cùng sự bủa vây của những tâm hồn trẻ như mang lại sinh khí... nhất là những buổi “tương phùng”. Chả thế mà vào một dịp hội ngộ, trong niềm xúc động dâng tràn khi gặp lại học trò cũ, nàng đã bất chợt phán rằng “…chưa thể chết nếu chưa gặp lại những người thương mến ngày xưa”. Lời phán này như một ... sấm ký mà trong tận cùng sâu thẳm, muốn bày tỏ với ai đó!? Thế là trong lần vỗ cánh vượt trùng dương này lời sấm kia đã ứng nghiệm. Choáng ngợp với cảnh quan hoành tráng của một xứ sở văn minh xa lạ, cùng ngập tràn hạnh phúc với tình cảm dạt dào của Thầy Trò năm cũ, trong vô vàn cảm xúc ập đến nàng bắt gặp tín hiệu ngày xưa, hạt giống năm nào rơi xuống, lăn lóc nổi trôi, bây giờ đủ duyên để nẩy mầm (!?)

 Trái tim không già. Trái tim vẫn rạo rực kiếm tìm như chưa bao giờ được như thế! Mong cả hai cùng nhau hoàn tất tác phẩm của mình...

Trong vô số những gian hàng chưng bày đồ cổ lại có một Hoàng Thị của ngày nay:

"Xoay nửa vòng trái đất

Đi tìm Anh để yêu..."

Nàng vẫn còn nét trẻ trung của một thời sân trường tràn đầy sức sống, hừng hực niềm đam mê tìm kiếm như chưa bao giờ đủ. Nàng - mỗi bước đi là một khám phá. Nàng muốn ghép từng mảnh nhỏ để hình thành một thứ... đồ cổ. Với dáng vẻ điệu đàng trong phong thái kiêu sa, đài các, nàng đão mắt... giữa bao tia nhìn, nàng nhập vào tần số của chàng trai trẻ - một thời hiên ngang như chú gà hùng dũng, vỗ cánh cất vang tiếng gáy giữa sân trường... Vốn là một nữ sinh tài giỏi, có trí nhớ tuyệt vời, nàng đã từng thuộc 3254 câu Kiều nhưng trong giây phút ấy nàng chỉ nhớ được một câu: “Người đâu gặp gỡ làm chi?”  Những động thái tình cảm tự nhiên bày tỏ, họ có những phút giây riêng tư ngắn ngủi thật đẹp, pha đủ sắc màu như đang trở lại cái thuở ban đầu của lứa đôi hò hẹn...  Nhưng chàng ý tứ biểu lộ trong một chừng mực nào đó, luôn giữ một khoảng cách an toàn, tôn trọng điều lệ về cách thức và thời gian... và dừng lại ở đó. Dấu đi sự tiếc nuối, trang trọng đặt những mảnh nhỏ vừa ghép vào tủ kiếng, nàng chỉ còn cách đắm đuối ngắm nhìn… Ừ! Nàng đành phải nhớ thêm câu Kiều tiếp thôi: “Trăm năm biết có duyên gì…”

Cách không xa vị trí ấy, trong lúc mọi người tưng bừng bận rộn với muôn vàn kỷ niệm, có một lãng tử xoay xoay ly cafe với đôi mắt mông lung... Chàng không đến bởi nửa vầng trăng đang in gối chiếc trong căn nhà xinh xắn ở lưng chừng đồi bên kia bán cầu... Gót chân gió bụi chiến chinh một lần ghé thăm trường cũ... đã tan tác, đang gom lại, nép mình dưới Ngũ Hành Sơn, chẳng phải tình cờ để một cô giáo trẻ tự nhiên tiếp đón, tại sao không là ai mà là nàng?! Để rồi, mặc dầu ai cũng có ngõ lối đi khác nhau, nhưng trong sự rung động bất chợt theo lý lẽ của con tim... Cả hai đều có ngăn tủ riêng cất dấu chuyện của mình, để thỉnh thoảng như lúc này, hé mở liếc nhìn - cũng một cách tìm đến với nhau....

 Và sau cùng - bọn tôi bây giờ đã là Cụ Độ, cụ Phiệt, lão Tony hay ông già An Lạc, vẫn còn thừa trẻ trung để choàng vai, ôm lưng nhau, say sưa nói cười như chưa bao giờ vui sướng như thế. Bọn tôi - mỗi đứa một phương, cùng tìm đến để tâm đắc từng lời, ý thơ hay con chữ trong “cái duyên văn nghệ”. 

***

Cũng có người ví von những lần gặp gỡ như thế này là... giờ ra chơi! Điều đặc biệt ở đây là Thầy Cô và Học Trò đều ào ra sân, tạm quên đi thứ bậc, tuổi tác, danh xưng, chỉ còn lại trọn vẹn trái tim yêu thương với đầy đủ chức năng của nó. Chúng ta không “ăn mày dĩ vãng”, chúng ta mang dĩ vãng về sống sâu sắc trong khoảnh khắc hiện tại - như là một cách chế tác năng lượng hạnh phúc để yêu cuộc sống hơn, bởi “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.

                                                                              Lê Văn Trạch

(Viết theo gợi ý của Một Tiểu Muội những mẫu chuyện                       bên lề Hội ngộ Nguyễn Hoàng tại Nam - Cali ngày 3/9/2011)

 

READ MORE - TÌM NHAU - Lê Văn Trạch