Những ngày rong ruổi ở miền Trung, đi đến đâu cũng thấy sự hiện diện của ớt, lúc nào cũng cảm nhận được hương vị nồng nã của ớt.
Lại nhớ một thời ấu thơ bần hàn gắn chặt với cái thứ cay nồng da diết ấy. Nào là ớt kho, ớt bột; rồi nào là ớt ướp, ớt hấp dầm nước mắm… Chao ôi, cả một thế giới ớt trong bữa ăn người túng khó.
Cây ớt ở quê tôi thường được trồng vào những tháng cận Tết, khi mưa phùn lất phất bay và cơn gió se se lạnh ùa về. Đấy là một loại ớt rất đặc trưng miền Trung: trái thon dài, không quá cay mà lại thơm nồng mãi trong ký ức. Ớt được trồng khắp mọi nơi, ngoài đồng, trồng trên bờ đê, trong vườn và cả bên thềm nhà…
Một bữa ớt chưa kịp ra trái, mẹ đưa tôi 5 hào sang nhà mụ Viên mua về cả nắm. Thế rồi, bữa cơm bỗng trở nên nồng ấm khác thường: rau sống, rau luộc cắn kèm với miếng ớt mà ngon đến lạ lùng. Những ngày đói kém, không có món ăn nào khác trên mâm cơm, ớt trở thành thứ gia vị duy nhất đánh lừa được đầu lưỡi, kích thích người ta đưa cơm vào miệng. Trong hoàn cảnh ấy, nếu không có ớt, miếng cơm trở nên nhạt nhẽo và vô duyên tệ.
Và rồi, ăn ớt đến mức nghiện. Thiếu ớt lại thấy trống vắng, quay quắt. Thậm chí, ăn mãi mà tăng đô đến độ như cô giáo tôi, chỉ ăn toàn hạt ! Cũng chính vì thế mà sau này, khi đã bị căn bệnh dạ dày hành hạ hàng ngày, cô vẫn nhất quyết không từ bỏ ớt (Nếu có Lam Điền, hắn sẽ ứng khẩu ngay rằng: Ăn ớt thì ăn cho mau/Nếu mà ăn chậm thì đau…dạ dạy ! Hehe).
Ớt đã trở thành hương hồn hương tuý và lưu trú vào tâm thức người làng tôi một góc vững bền, thâm căn cố đế.
Nhưng trong vô số những thực đơn về ớt, nổi tiếng nhất ở làng tôi vẫn là món ớt ướp. Khi ớt chín đến, người ta sẽ hái về đem bỏ vào cối đâm dập, rồi phơi sương cho heo héo trước khi bỏ vào hũ ngâm muối. Đặc biệt ngoài nguyên liệu chính là ớt, người làng còn cho thêm vào đó một ít tỏi và măng nhánh. Khoảng 3-4 ngày sau là có thể đem ra ăn được, khi ấy chỉ mới mở nắp hũ thôi là đã nghe thơm lừng, nồng cay ngào ngạt.
Ớt ướp quê tôi nổi danh đến độ, có cả một dự án sản xuất ớt ướp để xuất khẩu sang tận Đài Loan ! Chỉ tiếc số người Việt viễn xứ không nhiều và cũng không mấy người ăn được ớt nên dự án này không thể mở rộng, phát triển mạnh mẽ như mọi người kỳ vọng.
Bây giờ, dù đã 27 năm đằng đẵng xa quê, nhưng hồi ức về ớt vẫn nguyên vẹn và nóng bỏng trong tôi. Thi thoảng, chị Kim Em hay Đăng Nam (Văn phòng Đà Nẵng) vẫn gửi biếu vài kg để dành ăn dần cho đỡ thèm nhớ, đành rằng ớt ở hai vùng ít nhiều khác biệt.
Một buổi chiều cùng mấy thằng bạn xa xứ lai rai trên tầng thượng chốn thị thành nhà cao cửa rộng, dõi mắt về miền Trung-nơi nghèo khó và lũ lụt triền miên mà chợt thấy cay cay nơi sống mũi, dù không ăn một miếng ớt nào.
Quê ơi !
Tháng 4-2007