Tác giả Hoàng Đằng
TẮM SUỐI
Tùy bút của Hoàng Đằng
Hiện nay, đời sống vật chất của nhân dân tương
đối đã khá lên. Cứ hè đến, người có điều kiện rủ nhau đi du lịch; đặc biệt là
các cơ quan Nhà Nước và các đơn vị kinh tế tổ chức tua (tour) cho cán bộ, công
nhân, viên chức đi đây đi đó, xem như phần thưởng cho công lao mà họ đã cống
hiến. Tùy điều kiện, người thì đi ra nước ngoài, người thì đi các tỉnh, thành
trong nước. Tôi, dù tuổi già sức yếu, đứng ngồi không yên, cũng tháy máy muốn
đi.
Con tôi biết ý, thuê xe cùng đi với tôi một
nơi nào đó trong tỉnh, để gọi là có đi du lịch như người ta.
Ngày 28/7/2016 (25/6/Bính Thân), lúc 7 giờ, xe
đến đón tôi tại nhà. Tôi muốn đi Ba Lòng, thế là xe lên đường theo hướng Ba
Lòng.
Ba Lòng là chiến khu của Việt Minh trong chiến
tranh chống Pháp (1947 – 1954). Vì sao vùng đất ấy có tên Ba Lòng thì tôi chưa
biết rõ lắm. Phải chăng là tên vùng đất bằng tiếng dân tộc bản địa (Vân Kiều)
rồi người kinh phiên âm ra chăng? Tôi có hỏi một người thân làm cán bộ ở huyện
Dakrong, người ấy cho biết Ba Lòng là tên thuần Việt vì vùng đất ấy có 3 dòng
khe chảy qua.
Đó là một vùng đất tương đối rộng có con sông
xẻ ngang ở giữa; ven sông là những biền bãi, đất phù sa màu mỡ, thích hợp với
cả loại cây lương thực (bắp) và loại cây thực phẩm (đậu, mè, dưa quả); ngoài
ra, còn những đồi đất thấp rộng để trồng sắn, khoai, môn … Chung quanh vùng đất
này là những dãy núi cao cây cối um tùm chằng chịt.
Ngày xưa, vùng này thông thương với bên ngoài,
đường bộ thì chỉ là những lối mòn, đường thủy thì từ thị xã Quảng Trị lên bằng
thuyền ngược dòng sông Thạch Hãn hoặc từ vùng núi phía Tây Bắc Quảng Trị về
bằng xuôi thuyền theo dòng sông Ba Lòng – đoạn sông thượng nguồn của sông Thạch
Hãn. Với địa thế khó vào, khó ra như thế, sau khi bị quân xâm lược Pháp đánh
bật ra khỏi vùng thành thị khi chúng trở lại chiếm nước ta lần II (1945), Việt
Minh đã chọn Ba Lòng làm căn cứ địa rút về, bảo tồn, củng cố lực lượng, chờ cơ
hội phản công. Sau khi hiệp định Genève ký kết (1954), theo quy định, Việt Minh
tập kết ra Bắc; "quốc gia" tiếp quản Ba Lòng,lực lượng Đại Việt ở địa
phương lên trấn giữ, gây ra xung đột giữa chính quyền ở Sài Gòn và nhóm Đại
Việt này.
Trong chiến tranh Việt Pháp, nhiều bậc cha chú
của tôi theo tiếng gọi kháng chiến lên đây, người thì tăng gia sản xuất, người
thì cầm súng chiến đấu. Tôi chọn đi Ba Lòng là để - dù chỉ trong tâm tưởng -
ngửi lại mùi mồ hôi nước mắt mà cha chú mình đã chảy, đổ ra.
Xe ngược đường Quốc Lộ 9 lên hướng Lào, tới
thị trấn Krong Klang – huyện lỵ của huyện Dakrong.
Thị trấn này mới lập, còn nhỏ; dân kinh doanh
buôn bán từ vùng xuôi lên đây lập nghiệp khá đông. Cả thị trấn, ngoài các con
đường nhỏ xẻ dọc ngang, chỉ có một con đường tương đối lớn - có dãy phân cách
nằm giữa - chạy xuôi về Ba Lòng, chia thị trấn ra 2 phần tương đối gần bằng
nhau; đối diện với con đường này, bên mé Bắc Quốc Lộ 9 là tượng đài chiến thắng
của quân dân huyện Dakrong khá hùng vĩ, khánh thành cách đây chưa lâu.
Xe xuôi về Ba Lòng, con đường mở men theo chân
các dãy núi, đường song song với dòng sông Ba Lòng, nước cạn, trong veo, nhìn
thấy đáy; tôi tiếc: ước gì có mang theo đồ lót, xuống đây mà tắm thì đã đời
biết mấy!
Nhiều cồn cát ven sông rất thích hợp với loại
dưa quả, còn bỏ hoang. Có lẽ hoặc vì dân còn ít chưa đủ sức canh tác, hoặc vì
dân chưa nghĩ ra cát ấy có thể trồng dưa quả tốt, hoặc vì việc vận chuyển sản
vật xa xôi khó khăn khiến giá thành cao không đem đến lợi nhuận. Xe “ben” thỉnh
thoảng tới bốc cát đem đi bán cho các công trình xây dựng; từng đàn trâu nằm
dầm mình trong nước, có con bước lên bờ thủng thẳng tìm cỏ ăn. Cảnh trông rất
yên bình!
Xe vào vùng Ba Lòng, đầu tiên là địa phận xã
Triệu Nguyên, qua địa phận xã Ba Lòng, cuối cùng là địa phận xã Hải Phúc. Nhà
cửa vườn tược không khác chi dưới vùng đồng bằng. Nhà xây, nhà đúc, mái ngói,
sân bê-tông; vườn trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây che bóng mát, bao
quanh vườn là lũy tre.
Do không có điểm đến định trước, xe chúng tôi
cứ chạy loanh quanh trên những con đường bê-tông, rợp bóng im; xe thỉnh thoảng
đâm vào đường cụt, trước mặt là khe, ruộng hay núi rừng.
Trời đã trưa, nắng và nóng; hôm nay, khi khởi
hành, trời im mát, vậy mà giờ thì thế này, đúng là việc của Trời! Xe đến địa
điểm một cái đập chận và điều tiết nước tưới ruộng lúa và nước cho dân sinh
hoạt (giặt rửa), gọi là đập Khe Lau.
Xe tìm đậu dưới bóng im của một cây ở chân
núi; chúng tôi chọn một khoảnh đất nhỏ bằng phẳng có bóng cây che; nơi đây, dấu
giẫy cỏ còn mới, 3 bếp lửa do ai trước đó nhúm chưa lâu, bên cạnh có một cái
bàn cột bằng những thanh tre đơn sơ, tôi đoán người ta vừa dâng cúng lễ gì.
Chúng tôi trải chiếu ngồi ăn trưa, đồ ăn và nước uống bới theo từ nhà và treo
võng nằm nghỉ.
Dòng khe cạnh chỗ chúng tôi có bờ rất cao;
nước khe trông màu hơi vàng, không biết ô nhiễm bởi cái gì; có lẽ lá cây trên
núi cao rụng xuống, khô, lâu ngày mục, rồi bị nước cuốn xuống khi trời mưa.
Chúng tôi ngồi ở trên, có nghe tiếng cười nói dưới khe; chắc là dân ở gần đây
đến tắm khe buổi trưa.
14 giờ, xe trở ra Quốc Lộ 9. Trên đường, để
hai cháu nội tôi hết buồn ngủ, tôi ra vế thơ để con cháu làm tiếp: “Trời
trưa thăm cảnh Ba Lòng.” Mọi người trên xe suy nghĩ, Con trai
tôi ứng khẩu tiếp trước tiên: “Men theo chân núi, đường vòng quanh co.”
Lời khen rộ lên trong xe, xé tan sự yên lặng. Đúng là: “Cha nói thì con khen
hay; con nói thì cháu vỗ tay rầm rầm”!
Ra Quốc Lộ 9, xe rẽ lên hướng Tây, xem cầu
treo Dakrong; trước tiên, chúng tôi đến đứng giữa cầu ở mạn Nam đường Quốc Lộ
9, nhìn tứ phương bát hướng, lấy vài tấm hình.
Dòng sông chảy dưới cầu, hôm nay, trời nắng
nóng, dòng nước cạn, mà sao nước lại bạc như nước lũ có chứa phù sa, tôi tự
hỏi: Có khi nào sông bị ô nhiễm do một nhà máy nào đó xả thải ở đầu nguồn
không?
Về hướng Đông của cầu treo vài trăm mét, nằm
mé Bắc Quốc Lộ 9, mấy cái nhà sàn to; nghe nói đây là văn phòng khu du lịch
sinh thái Dakrong gồm cả một vùng rừng, núi, hang, động rộng khoảng 40.000 ha;
vậy mà hôm nay, các ngôi nhà này hoang vắng, không biết du lịch ở đây đã hoạt
động chưa và, nếu đã, thì hoạt động như thế nào. Bên cạnh khu “văn phòng”, một
con suối từ trên núi đổ về, sau lưng, mấy nhà sàn đồng bào dân tộc đang ở, một
lối đi bê-tông dọc suối; chúng tôi xuống suối, ngồi nghỉ trên ghềnh đá; một
thác nhỏ nước sủi bọt trắng bắn tung tóe tạo âm thanh rì rào, dưới
thác là một vực sâu, nhìn không thấy đáy, trên thác là một vũng nước cạn; nước
trong, dù trên mặt nước có xác rong rêu trôi bồng bềnh; 05 trẻ con dân tộc tuổi
dưới 10 nhảy xuống tắm, một bà lão ra đứng trên bờ trông, tôi làm quen hỏi:
- Bà mấy tuổi?
- Không biết. Bà lão lắc đầu, cười, trả lời.
Các cháu nhảy tủm từ trên bờ đá xuống suối và
bơi lội rất rành. Tôi cũng xuống tắm theo, nước cạn ngang ngực tôi thôi. Tôi
bơi, lặn thỏa thích để sống lại thuở thiếu thời thường tắm ở đoạn sông Hiếu
chảy ngang qua làng tôi; mát mẻ và thích thú quá! “Nhất tắm sông, nhì ỉa đồng”
mà!
Tôi lên khỏi suối; chú tài xế nói với tôi:
- Cháu thấy ven suối phân người nhiều lắm; hình như dân
từ khu nhà dân tộc này hàng ngày ra đây đại tiện.
Nghe nói, tôi cảm thấy gớm, muốn nôn. Tôi đưa
bàn tay lên mũi ngửi, có mùi thôi thối. Chao ôi! Những cái xác bồng bềnh trên
nước mà tôi tưởng rong rêu, không chừng là xác phân người! Mà có thể lắm! Người
sống trong không gian hoang dã đâu có xây nhà vệ sinh!
Xe xuôi đường 9 về lại Đông Hà. Đến thị trấn
Krong Klang – huyện lỵ Dakrong, trời bỗng đổ cơn mưa lớn – hình như do ảnh
hưởng cơn bão số 1 đang vào vịnh Bắc bộ.
Xe về lại nhà ở Đông Hà khoảng 17:30 giờ. Tối
28/7/2016 ấy, tôi ngủ thật ngon, có lẽ là nhờ được tắm suối.
Tôi viết bài này muốn chia xẻ cảm nghĩ với bạn
đọc sau chuyến đi.
Trên đất nước chúng ta, núi, rừng, biển cả,
sông, suối, đồng ruộng … cái gì cũng đẹp. Tận mắt thấy sông suối đầu nguồn mà
cũng bị nhiễm bẩn, tôi sợ rằng vẻ đẹp ấy đã, đang, sẽ mất dần và một ngày nào
đó mất hết.
Nguyên do quá dễ hiểu và khắc phục cũng không
tốn kém - mọi người chỉ cần có một chút ý thức.
Người Việt chúng ta đa số sống không ngăn nắp,
không biết giữ vệ sinh chung. Ngày xưa, mật độ dân số thưa (trước năm 1975, dân
số Việt Nam 31 triệu người – miền Bắc 17 triệu, miền Nam 14 triệu), môi trường
chưa đến nổi nham nhở lắm; bây giờ, mật độ dân số cao (dân số cả nước 93 triệu
người), nếu người ta không thay đổi lối sống, cộng thêm nhiều nhà máy công
nghiệp xả thải, môi trường đến ngày sẽ bị hủy diệt.
Nghĩ mà buồn nhưng chẳng biết làm sao, chẳng
biết nói với ai! Trời thì quá cao, người chung quanh, trên, dưới thì quá hững
hờ!
Hoàng Đằng
30/7/2016
(27/6/Bính Thân)