Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 22, 2018

GỌI XUÂN - Thơ Trần Mai Ngân




                    Nhà thơ Trần Mai Ngân

GỌI XUÂN

Ngực trầm hương em đợi 
Anh về gọi mùa Xuân
Thắp lên trái tim lạnh
Buộc sợi tình mong manh...

Ngực căng đầy thanh tân
Thổn thức đêm ba mươi
Bàn tay ai in dấu
Nhành mai chiết năm xưa

Ngực trầm hương thở vội
Yêu dấu ơi sao vừa...
Xuân non cành lộc biếc
Ta có mùa Xuân chưa

Bao lần đã đón đưa
Chiều Xuân không trở lại
Em thinh không tình trần
Đợi anh về gọi Xuân...

22-1-2018
Trần Mai Ngân KTD

READ MORE - GỌI XUÂN - Thơ Trần Mai Ngân

CẢM NHẬN VỀ VÀI ĐỊA DANH Ở VÙNG ĐẤT LA GI (BÌNH THUẬN) KHI ĐỌC TẬP SƯU KHẢO "LA GI ĐẤT XƯA..." CỦA PHAN CHÍNH - La Thụy


        

CẢM NHẬN VỀ VÀI ĐỊA DANH Ở VÙNG ĐẤT LA GI (BÌNH THUẬN) KHI ĐỌC TẬP SƯU KHẢO "LA GI ĐẤT XƯA..." CỦA PHAN CHÍNH 

Nhận tập sách “Lagi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” do anh Phan Chính tặng, tôi thật vui khi có món quà quý giá này. Nếu nơi chôn nhau cắt rốn chính là quê hương, thì La Gi là quê hương yêu dấu của vợ và các con của tôi. Riêng với tôi, La Gi là quê hương thứ hai, hơn nửa đời tôi đã dạy học, sinh sống và nghỉ hưu tại đây.  Đọc tập sưu khảo địa danh “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, chúng tôi biết rõ thêm và yêu hơn mảnh đất quê hương La Gi thân thương này.
Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” gồm 28 bài viết mà anh Phan Chính đã tập hợp từ các bài viết đã đăng rải rác trên các tạp chí Xưa – Nay (của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), báo Bình Thuận, Tạp chí Văn Nghệ tỉnh Bình Thuận. Tập sưu khảo này là tư liệu quý giá góp phần vào yêu cầu nghiên cứu địa phương.

Cuốn sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” đã cho ta biết lai lịch của một vùng đất tụ nghĩa, địa hình thiên nhiên, khí hậu, thủy văn, tài nguyên thiên nhiên và địa bàn hành chính từ lúc sơ khai đến nay. Đọc tập sưu khảo chúng ta tìm về cội nguồn: dấu xưa trên ngảnh Tam Tân, lý lộ và dịch trạm ngày xưa. Đọc tập sưu khảo này chúng ta hiểu thêm về đặc trưng tính cách con người La Gi, chúng ta càng thích thú khi thưởng ngoạn các di tích thắng cảnh như Đập Đá Dựng, Hòn Bà, hải đăng Kê Gà, núi Tà Cú, di tích Dốc Ông Bằng, các hoạt động văn hóa giáo dục như trường lớp ngày xưa, báo chí tỉnh lẻ trước năm 975, chuyện xưa mùa lễ hội…
Tập sưu khảo mang tựa đề “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, – Diện Hải Bối Lâm là cụm từ được anh Phan Chính trích từ câu đối của các cựu quan thời Nguyễn để lại, qua lời truyền khẩu của các bậc cao niên địa phương :
“La Di bình nguyên chi địa, diện hải bối lâm, sa bà thế giới, nông trang khả đạt
Hàm Tân lập xã chi sơ, tiền Đinh hậu Nguyễn, thảo muội kinh doanh, công nghiệp dĩ thành”.

Dịch ý:
La Di đất đồng bằng, mặt giáp biển, lưng tựa rừng, thế giới sa bà, nghề nông có thể được
Làng Hàm Tân buổi ban sơ, trước họ Đinh sau họ Nguyễn, khai khẩn lúc còn hoang vu, sự nghiệp thành công.

Để ấn hành tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, chắc hẳn anh Phan Chính đã dày công sưu tầm tài liệu, tham khảo qua nhiều nguồn, như tìm đọc các văn bản xưa nay, xem các câu đối, nghe văn chương truyền khẩu, truyền thuyết, và đi thực tế tìm gặp các bậc cao niên thức giả gốc người địa phương để trò chuyện, để tích lũy kiến văn. Đọc, chọn lọc và dành nhiều tâm huyết để viết, anh Phan Chính đã cho ra mắt tập sưu khảo. Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” thật cần thiết, không những cho riêng người dân La Gi, mà còn góp phần cho kho tư liệu địa phương tỉnh Bình Thuận và cho giới học thuật nước ta khi biên khảo, tìm hiểu về La Gi.
(Chẳng hạn: Ông Nguyễn Khôi, 79 tuổi, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ Trưởng Văn phòng Quốc hội Việt Nam (1990-2000), ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (khóa 2), sau khi ông Nguyễn Khôi đọc bài “Âm và ngữ nghĩa về địa danh La Gi” (bài thứ hai trong tập sưu khảo) do tôi gõ phím post lên facebook chia sẻ với bạn bè, ông Nguyễn Khôi đã gởi email nhờ tôi liên hệ với anh Phan Chính để hỏi xem có một quyển để đọc và tham khảo, dù chỉ là quyển sáchphotocopy).
Đọc tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi thật tâm đắc với kiến giải của anh Phan Chính:
La Gi là một địa danh khá lạ từ cách viết, cách đọc. Trong Đại Nam Nhất Thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1882, và trước đó trong châu bản  “Doanh điền biểu văn” của Nguyễn Thông năm 1877, đã từng đề cập đến địa danh La Di, ghi theo biểu tra chữ Hán thì chữ La nghĩa là lưới, Di là nước nhỏ. Chữ Di  trong chữ Hán này viết theo chữ quốc ngữ hiện hành là Di (Dê I di)… Từ La Di cũng không thể là từ Hán Việt hoá, nếu liên hệ các địa danh trong tỉnh như La Gàn, La Dạ, La Giang, La Ngâu, La Ngà… và ở tỉnh Ninh Thuận, ngày xưa cũng có con sông La Gi tức Sông Pha (Krông Pha) thì nghĩ đến những địa danh này có nguồn gốc của dân tộc miền núi hoặc… Với nhiều căn cứ có thể xác định các địa danh trên đất Bình Thuận hầu như chịu ảnh hưởng từ địa danh Chăm (Địa bạ-Nguyễn Đình Đầu)
Trong bản đồ hành chính thời Pháp thuộc, tỉnh Bình Thuận trích trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản hành chánh của Tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn tại đến bây giờ ”. Trong quá trình cộng hưởng ngôn ngữ với người dân bản địa đã được Việt hóa trở thành ngữ âm địa phương, rồi ghi chép lên bản đồ hoặc có phần do người dịch để phục vụ cho yêu cầu hành chánh đã làm sai lệch nguyên ngữ… Đây là trường hợp thuộc qui luật biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm, từ một tên gọi địa phương rồi được chuyển hoá thành địa danh hành chánh.. Có thể coi địa danh La Di với La (ngữ âm người Chăm) với thành tố của Di (chữ Hán), về mặt ngữ âm La kết hợp với ngữ nghĩa Di tưởng chừng vô lý nhưng thực tế có nhiều địa danh đã hình thành từ trường hợp đó. Do đó rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ căn cứ hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để diễn giải, suy luận. Trong đó, địa danh La Gi không nằm trong nguyên tắc phân loại thông thường, cũng không theo tiêu chí tự nhiên.(tr. 16 – 22).
Từ chữ viết “La Gi” đã dẫn đến cách phát âm có khác nhau. Với dân bản xứ hoặc đã sống lâu năm ở đây đã quen đọc La Gi là "la di" hoặc /la zi/. Nhưng, với người ở xa đến, kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương đọc địa danh La Gi là “la-ghi”…
“La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, là tập sưu khảo, địa danh, vì vậy tôi xin mạn phép được bàn qua địa danh La Gi. Theo thiển ý của riêng tôi, Tiếng Việt hiện hành đang sử dụng mẫu tự La tinh để ghi. Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, Ă, Â, O, Ô, Ơ, U, Ư đọc là “gờ”, các cô giáo lớp 1 khi dạy cho học sinh thì hướng dẫn là “Gờ đơn” để phân biệt với “Gờ kép” được viết bằng 2 con chữ GH (GHI đọc là "ghi"). Nếu chữ G trước nguyên âm I thì đọc là /Zi/ như gió, giếng, giun, giẻ, già… Như vậy, La Gi đọc là /la zi/. Nếu thêm dấu huyền vào hai tiếng LA GI thành LÀ GÌ  (la huyền là, gì huyền gì) LÀ GÌ đọc "là gì" có ai đọc "là ghì" đâu !
"Về chữ viết từ La Di thành Lagi có từ khi Pháp đô hộ cầm quyền, căn cứ vào ngữ âm, chữ Hán Nôm ghi trên bản đồ triều Nguyễn và được phiên âm để dùng làm địa danh hành chánh." (Phan Chính)

Người Pháp đọc chữ D thành Đ (đê), nếu ghi thành LA DI theo mẫu tự La Tinh, thì người Pháp sẽ đọc là "la đi" 
Vì vậy, người Pháp đã căn cứ theo âm Hán Việt LA DI để viết thành Lagi  đọc theo tiếng Pháp, cho gần sát với âm bản ngữ địa phương /la zi/ hoặc /laji/. Trong tiếng Việt, Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm E, Ê, I  mà đọc là “gờ” thì phải được viết bằng 2 con chữ GH mà các giáo viên dạy hs lớp 1 gọi là “Gờ kép”. Tiếng Pháp cũng được ghi bằng mẫu tự La Tinh. Tương tự như cách ghi âm tiếng Việt, chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, O, U đọc là “gờ”, nhưng chữ G đứng trước các nguyên âm E, I thì  GE đọc là /je/ /jơ/,  GI đọc là /ji/ nghe gần giống /ze/, /zơ/, /zi/, chẳng hạn: áo gilet đọc là /ji lê/; gène /jen/, nhưng khi đọc là “gờ” thì trong tiếng Pháp, chữ G ghép với chữ U, tương tự như trong Việt chữ G ghép với chữ H chẳng hạn: Guillaume Apollinaire đọc là "ghi zôm", la guerre (chiến tranh)  "la ghe"
Xin nói thêm, về việc người Pháp ghi trên bản đồ hành chính thời Pháp thuộc cho gần sát với âm bản ngữ địa phương. Địa danh Kê Gà họ ghi là Kéga. Chữ é người Pháp đọc là ê, nhưng nhiều người kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương không rành tiếng Pháp đọc là ké ga. Kéga đọc theo tiếng Pháp với âm ngang ngang là "kê ga", nếu đọc lên bổng xuống trầm, nhấn giọng ở ké, hạ giọng ở tiếng “ga” thì Kéga đọc gần như Kê Gà trong tiếng Việt.
 Đọc những bài “Hòn Bà dấu chấm than huyền thoại”, “Chuyện xưa mùa lễ hội”, “Từ núi Cẩm Kê đến mũi Kê Gà” trong tập sưu khảo “LaGi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi bỗng thích thú nghĩ đến những cụm từ ngồ ngộ “La Gi là gì” “La Gi, ly gia” và nảy sinh một tứ thơ vui, mượn lời du khách phương xa đến La Gi thắc mắc về những địa danh  thật lạ lùng với họ:

     LA GI

    Chưa đi chưa biết La Gi
    Đi rồi cứ hỏi là gì hở em?

    Rùa kia mu cứng hay mềm
    Hòn Bà sao lại là tên đảo rùa?
    Núi Ông chẳng lẽ chào thua
    Ly gia chẳng được phân bua một lời
    Kê Gà đèn biển chọc trời
    Đề huề Hán Việt cùng ngồi cạnh nhau
    Tiếng KÊ tên gọi của Tàu
    Còn GÀ tên Việt... chụm đầu giao duyên!!!
    Tới đây lạ nước lạ miền
    Nghe danh Thầy Thím hiển linh cứu đời
    Xin cho được hỏi ít lời
    THẦY nam THÍM nữ ? Ngát trời khói hương

Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” của tác giả Phan Chính là một tập sách hay, với những tư liệu quý giá góp phần vào yêu cầu nghiên cứu địa phương. Người La Gi nếu ai cũng có quyển sách trong tay thì hữu ích vô cùng.

                                                      LA THỤY
                                                  La gi, 8/12/2017

READ MORE - CẢM NHẬN VỀ VÀI ĐỊA DANH Ở VÙNG ĐẤT LA GI (BÌNH THUẬN) KHI ĐỌC TẬP SƯU KHẢO "LA GI ĐẤT XƯA..." CỦA PHAN CHÍNH - La Thụy

CHÙM THƠ VŨ QUANG TẦN

 
                                 Tác giả Vũ Quang Tần


TIẾNG CƯỜI

năm qua đi tháng qua đi
con người để lại những gì cho nhau

xua đi oán hận buồn đau
nâng niu gom nhặt tặng nhau Tiếng Cười


QUA CẦU NHẬT TÂN
vắt qua sông Hồng
gối lên đất trồng hoa
qua cánh đồng đỏ ngô xanh lúa
cầu Nhật Tân dải lụa

những sợi dây văng
như hợp cánh bay lên
như chiếc cung tên hướng về phương Bắc
như cây đàn Tam Thập Lục
gió vi vu hòa nhạc
mây bồng bềnh ngang qua

cửa ngõ Thủ Đô mở ra
nới rộng vòng tay
bốn phương bầu bạn thêm gần

mỗi lần qua cầu Nhật Tân 
lại nhớ
hoa đào rực nở những ngày Xuân


NHỮNG NGƯỜI CHƯA BIẾT TÊN

nắng gió đồi cao
cây đã xanh cỏ đã xanh hoa vẫn tươi...
phần nửa Nghĩa trang trên bia ghi chữ:
liệt sỹ "chưa biết tên"

lẩm bẩm đi như ai dẫn
tha thẩn cuối hàng xa
bỗng díu chân trượt ngã
mộ ai tôi nhào qua

hay người thân hay cùng làng cùng xã
hay một lần đã ở đâu gặp nhau?

âm dương biền biệt quá
các anh mừng xin đừng làm tôi sợ

khi sinh ra 
đã có mẹ có cha có tên có nhà 
có một tình yêu tuổi trẻ
các anh lại hy sinh lần nữa
để bây giơ Không Ai Biết Tên

(Nghĩa trang Liệt Sỹ Khe Sanh, 1.6. 2013)

                         VŨ QUANG TẦN

READ MORE - CHÙM THƠ VŨ QUANG TẦN

CÔ NGUYỄN THỊ NHÃ, GIÁO SƯ DẠY VIỆT VĂN TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG - Đoàn Đức


    


CÔ NGUYỄN THỊ NHà
(Dạy Việt Văn lớp Đệ Lục 2 (Lớp 7) và Đệ Tứ 2 (Lớp 9) NK 1961-1964 - Chủ nhiệm lớp Đệ Tứ 2)

Cô giáo thời Đệ Nhất Cấp tôi quý mến nhất là cô Nguyễn Thị Nhã, là người chú tâm huấn luyện học sinh giỏi luật thơ và trở thành người biết phê bình văn học. Năm Đệ Lục, khi dạy thơ Bà Huyện Thanh Quan cô giảng luật thơ Đường Thất ngôn bát cú rất kỹ, cô nói thể thơ gồm bảy chữ tám câu, luật trắc vần bằng và luật bằng vần bằng. Thứ tự câu gồm : Phá đề, thừa đề, thực, luận và kết. Về niêm thì chữ thứ hai câu một niêm với chữ thứ hai câu tám, câu hai niêm với câu ba, câu bốn niêm với năm và câu sáu niêm với bảy, và cùng thanh bằng hay trắc. Về đối thì chỉ đối ở hai câu thực và hai câu luận. Khi đối thì danh từ đối với danh từ, động từ với động từ, trạng từ đối với trạng từ; từ Việt đối vời từ Việt, từ Hán đối với từ Hán; và còn phải đối ý nữa :

 Gác mái ngư ông về viễn phố.
 Gõ sừng mục tử lại cô thôn
      (Chiều Hôm Nhớ Nhà) 

Về luật bằng trắc trong câu thơ thì: “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Chú ý luật “quân bình tam phân”, nếu ở giữa chữ thứ tư là bằng thì ở hai đầu chữ thứ hai và sáu là trắc; và ngược lại. Từ đó ta ráp các chữ trắc hay bằng vào là đúng luật thơ của một bài Đường thi. Vần bằng gồm không dấu và dấu huyền. Vần trắc gồm các chữ dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. Về vần thì các câu một hai bốn sáu tám vần với nhau. Nhưng thường là vần thanh bằng. Để học sinh khi đi thi chắc chắn làm trúng bài, cách dễ nhất là thuộc lòng hai bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Luật trắc vần bằng thì thuộc bài Qua Đèo Ngang Tức Cảnh Luật bằng vần bằng thì thuộc bài Chiều Hôm Nhớ Nhà.

Đến bây giờ học sinh có học với cô đều nắm vững luật thơ. Về cách đối cô cũng có đề cập: Không chỉ trên dưới đối nhau mà còn đối liên châu nữa, nghĩa là câu trên đối với câu dưới như thường lệ mà còn đối ngang ngay trong một câu và đối chéo với nhau nữa. Loại đối nầy chỉ ứng dụng trong các câu đối hay là các bài phú :


Chi chi ngũ bách niên tiền, bích thủy thanh sơn hà xứ tại.
Tại tại tam thiên giới ngoại, đào hoa lưu thủy cánh hà chi.


Đi đi đâu năm trăm năm trước, nước biếc non xanh ở chỗ nào, 
Ở ở ngoài cõi ba ngàn thế giới, hoa đào nước chảy lại đi đâu.

Lên lớp Đệ Tứ cô dạy Truyện Kiều, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương; tôi chỉ nhớ cô giảng Kiều có khác với sách Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim:

Bản Bùi Kỷ :
  Cảo thơm lần giở trước đèn, 
 “Phong tình cổ lục” còn truyền sử xanh.

Và chú giải “Phong tình cổ lục” là bộ sách xưa nói về chuyện phong tình. Theo cô Nhã, có bản khác viết:

  Cảo thơm lần giở trước đèn, 
  Phong tình có lúc còn truyền sử xanh

Nghĩa là phong tình chỉ là một chuyện tầm thường, nhưng có lúc vẫn được truyền theo sử xanh.
Câu khác của bản Bùi Kỷ:

  Thâm nghiêm kín cổng cao tường
  Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Theo Cô, bản của Tản Đà đúng hơn :

  Thâm nghiêm kín cống cao tường, 
  Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Như thế mới cân xứng và hợp ý vì:
Kín cống hợp ý với cạn dòng lá thắm, theo điển tích thả lá đề thơ của Vu Hựu. Cao tường hợp ý với vế dưới dứt đường chim xanh.

Và một câu khác là :

 Một hai nghiêng nước nghiêng thành
 Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Tất cả các bản Kiều, từ Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Diễn… cho đến bây giờ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Thả Một Bè Lau đều giảng: Về sắc đẹp chỉ có một mình Kiều, về tài năng thì có thể có một người thứ hai. Cô Nhã giảng trái lại: Sắc “đành đòi một” thì có thể có một người theo kịp, còn tài “đành họa hai” thì họa đâu mà có người thứ hai, nghĩa là chỉ có một mình Thúy Kiều. Về người đẹp bên Tàu có Tây Thi, Bao Tự, Ly Cơ, Điêu Thuyền. Còn tài như Kiều chưa thấy có người xuất hiện trong lịch sử. Hãy nghe:

  Thông minh vốn sẵn tư trời

  Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
  Cung thương làu bậc ngũ âm, 
  Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
  Khúc nhà tay lựa nên chương, 
  Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Tài của Kiều đến quan phủ cũng phải thốt lên :

  Khen rằng: “Giá đáng Thịnh Đường, 
  Tài nầy sắc ấy nghìn vàng chưa cân.”


Ngay cả Hoạn Thư cũng phải khen :


  Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài


Và Đạm Tiên cũng phải công nhận :


 Ví đem vào tập đoạn trường, 
 Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.


Như vậy Thúy Kiều đi đến đâu cũng được đề cập đến tài, và người ta phục tài của nàng hơn là sắc. Tôi hoàn toàn ủng hộ lý luận của cô Nhã, nhà phê bình không thể cứ đi trên lối mòn, mà phải đứng trên vai ông khổng lồ để thấy xa hơn.

Về hình thức, cô nói lục bát là thể thơ Việt Nam, được sử dụng nhiều trong ca dao. Có lục bát chính thể và biến thể. Lục bát chính thể dùng trong văn chương bác học như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai. Còn lục bát biến thể chỉ xuất hiện trong ca dao hay thơ mới :

  Thân em như cái sập vàng, 
  Anh như manh chiếu rách giữa đàng bỏ quên.
  Lạy trời cho gió cả lên, 
  Cho manh chiếu rách trải lên trên sập vàng.

Còn tiết tấu của lục bát luôn là nhịp hai, tuy nhiên trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã biến đổi tiết tấu một số câu lục thành nhịp ba tạo nên diễn tiến nhịp điệu để diễn tả nỗi lòng, cảm xúc, hình ảnh độc đáo hay tình huống đặc biệt cho một câu hay một đoạn, nhờ vậy mà nó tôn vinh không những cho tiết tấu mà còn cho ý nghĩa của câu bát nữa:

Tả vẻ đẹp chị em Kiều: 

 Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
 Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười


Tả hình ảnh bóng ma Đạm Tiên: 


 Sương in mặt, tuyết pha thân
 Sen vàng lãng đãng như gần như xa


Nhấn mạnh lời thuyết phục của Hoạn Thư :

 Thiếp dù vụng, chẳng hay suy
 Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười


Kiều ai oán trả lời Hồ Tôn Hiến:

 Còn chi nữa, cánh hoa tàn
 Tơ lòng đã dứt dây đàn tiểu lân

Nếu đọc theo nhịp hai thì những câu thơ nầy trở nên vô nghĩa, hoặc phải đổi dấu chính tả.

Cô Nhã rất có cảm tình với ba đứa: Đức, Thắng và Nghĩa, vì chúng tôi không những chăm chỉ học những gì cô giảng mà còn phát huy những gì cô dạy trong luận văn hay bài phân tích phê bình. Tình cảm của cô chia đều cho ba đứa bằng nhau; vì thế đến mùa hè lớp Đệ Tứ cô đổi về Huế dạy, trước khi đi cô tặng ba đứa ba bức hình chân dung của cô mới chụp, phía sau đề một câu như nhau, chỉ đổi thứ tự tên mà thôi :“Cô thân tặng Đức Thắng Nghĩa, tam anh Vườn Đào xứ Quảng”. Có lẽ cô muốn chứng tỏ là không thiên vị người nào cả trong ba đứa, nhưng tình cảm làm sao cân đo đong đếm được, xin cám ơn cô!

Viết về cô Nhã, tôi xin nhường cho nhiều người khác nữa cùng khối lớp. Ngay trong lớp Đệ Tứ hai cũng thế, như Nguyễn Văn Phụ hay nhà báo Văn Chương là những người giỏi văn và viết hay, mà ngày xưa cô mua áo sơ mi rồi nhờ Đỗ Tư Nghĩa chuyển tặng để khen thưởng.

Về mặt tập làm văn thì Đỗ Tư Nghĩa là người số một, bất kỳ bài luận nào cũng được cô cho điểm mười sáu trên hai mươi là điểm tuyệt đối của môn văn thời bấy giờ. (Nếu đi thi Tú Tài thì điểm số nầy phải đưa ra Hội đồng Giám khảo mới được công nhận, vì môn văn không phải là môn toán hay lý hóa).

Về mặt học giỏi toàn diện, Nguyễn Thắng là người số một, ngay cả môn vẽ mà cũng 18 điểm, đứng nhất hàng tháng với điểm số trung bình 16 trên 20, luôn hơn người đứng nhì hai điểm số. Thắng giao tình với cô từ lúc học Đệ Nhất Cấp cho đến bây giờ. Thắng yêu kính, chăm sóc cô như là God Mother. Tôi tự xếp mình thứ ba, trong ba đứa mà thôi.

Cô ơi! Để viết về phẩm hạnh và tài năng của cô đầy đủ, em phải nhường cho Thắng và Nghĩa là hai người có thẩm quyền hơn, hay ít nhất là vợ em Thanh Nhàn, học trò cưng của cô đoạt giải thưởng Trưng Trắc về văn của nữ học sinh toàn tỉnh mà cô là một trong ba giám khảo chấm năm 1960-1961, hoặc chị Nguyễn Thị Điều là người cô thương rất nhiều, vì gia đình chị di cư từ Bắc vào Quảng Trị từ năm 1954. Lúc chấm bài của chị viết, làm đề luận tả quê hương nơi mình sinh ra, cô phê là “Tứ văn dồi dào, tràn đầy cảm xúc, và toát lên một nỗi buồn viễn xứ” vì chị đã:

Đất níu chân đi, gió cản áo bay về, 
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Dăng dối lại mỗi lùm cây hốc đá
Mỗi căn vườn gốc vả cây sung.

Ôi đất Bắc quên làm sao được, 
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi.

Trần Dần – Nhất Định Thắng

Vậy xin cô đừng trách em viết ngắn về cô, dù còn nhớ nhiều mà không kể hết. Cũng như Lý Bạch lên Lầu Hoàng Hạc muốn đề thơ mà thấy bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu trước mặt nên không đề được, phải tìm đến Phượng Hoàng Đài ở Kim Lăng mới làm được bài thơ Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài, nhưng không nổi tiếng bằng bài thơ của Thôi Hiệu. Em cũng thế, có thể viết nhiều bất tận về cô, nhưng vì trước mắt có hai cái bóng to lớn là Đỗ Tư Nghĩa và Nguyễn Thắng nên run sợ mà quên hết rồi.
Cô nay tuy già yếu nhưng luôn hạnh phúc nhờ sự chăm sóc tận tình của thầy và các con (tất cả đều là bác sĩ, kỹ sư giỏi). Những người con của cô dù ở xa, nhưng những khi cô trở trời se gió, lập tức trở về bên cạnh cô để an ủi, chăm sóc. Vợ chồng tôi có may mắn gặp được cô hằng năm mỗi khi về thăm quê Quảng Trị. Những khi cô ốm đau, chúng tôi luôn được biết tin nhờ có bạn Nguyễn Thắng. Nhiều lần ngồi bên cạnh cô, nắm bàn tay, rồi nhìn cô, tôi cảm thấy trong mắt cô, chúng tôi vẫn chỉ là những đứa học trò nhỏ hồi học lớp Tứ 2 (lớp 9) thuở nào.

                                                Đoàn Đức
                                  Viết xong ngày 17/01/2017

***
Viết xong bài này, tôi đọc qua điện thoại để xin ý kiến cô. Cô yêu cầu tôi in bài ra giấy rồi gởi cho cô. Vừa nhận được thư của tôi thì cô bị xuất huyết bao tử, phải cấp cứu tại bệnh viện Trung Ương Huế; nhưng không cầm máu được phải chuyển qua bệnh viện trường Đại học Y Dược là nơi có máy đặc trị mới giúp Cô qua cơn nguy kịch. Hồi đó tưởng cô qua đời vì cơn bạo bệnh này. May thay sau 15 ngày, cô tỉnh lại và khỏe hơn. Khi chuyển qua phòng hồi sức, cô hỏi người con gái đầu: “Bài viết của Đức đâu, đưa cho mẹ đọc.” Thấy cô còn yếu, nhưng không dám cãi lời, con cô bèn ngồi bên cạnh đọc cho cô nghe. Cô rất vui sau khi nghe xong. Đúng dịp này tôi cũng về Quảng Trị, được tin cô đã khỏe lại và xuất viện nên khi vào Huế tôi cùng Nguyễn Thắng đến thăm cô. Trông cô xanh xao vì mất máu nhiều. Tôi tặng cô tập bài viết đã chỉnh sửa và hộp sâm Cao ly. Cô cầm tay tôi, yếu ớt nói: “Bài của em cô nghe đọc rồi và lúc khỏe cô có đọc vài bận. Cô cảm ơn em luôn nhớ cô trong ký ức, đó chính là sâm mà em đã tặng cho cô rồi.” Cùng Nguyễn Thắng nhìn cô, tôi xúc động trả lời: “Em cảm ơn cô đã dạy dỗ và thương ba đứa chúng em. Dù cô đau nặng, em có niềm tin là cô sẽ khỏe lại để đọc bài viết của em, và may mắn thay em được như nguyện. Nhưng từ nay chấm bài cô nhớ cho em nhiều điểm hơn Thắng và Nghĩa.” Cô mỉm cười khi nghe tôi vòi vĩnh như thuở còn là cậu học trò ngày xưa…
Tôi vào Sài gòn được hai tuần, thì con gái của cô cũng vừa trở lại Đà Lạt và báo cho vợ tôi biết là cô đã khỏe rồi. Nhưng hôm sau, ngày 24/04/2017 anh Võ Cẩm (vợ anh gọi cô là dì ruột) cho tôi hay là anh phải bay ra Huế để chuẩn bị hậu sự, vì cô quá yếu. Chiều ngày 26/04/2017, Nguyễn Thắng đến thăm cô, ra về lúc 17 giờ; thì đến 18 giờ 15 phút, anh Cẩm báo tin Cô đã qua đời một cách nhẹ nhàng. Thắng rất bất ngờ khi nhận điện thoại tôi báo tin cô mất! Đỗ Tư Nghĩa òa khóc lớn khi Thắng báo hung tín. Lê Mậu Minh thì lặng người đi vì vô cùng xúc động!
Đám tang của cô được tổ chức rất lớn. Các thầy cô cũ và cựu học sinh Nguyễn Hoàng báo tin cô từ trần trên các trang mạng. Mọi người trong ngoài nước đều gởi lời phân ưu đến gia đình.
Cô dù hưởng thọ 82 tuổi, nhưng ra đi trong niềm thương tiếc của gia đình, bà con, thân hữu, đồng nghiệp và học trò. Tôi tin rằng ở chốn vĩnh hằng, hương hồn cô rất mãn nguyện với tấm lòng hiếu thảo của con cháu và tình thương chân thật của những học trò đã thụ giáo với cô dưới mái trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

   
                                                          Đoàn Đức

READ MORE - CÔ NGUYỄN THỊ NHÃ, GIÁO SƯ DẠY VIỆT VĂN TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG - Đoàn Đức

NGƯỜI TÌNH MỘT ĐÊM - Thơ Đỗ Anh Tuyến




NGƯỜI TÌNH MỘT ĐÊM
(Với những người thích tình một đêm)

Nào, yêu ạ, thôi về đi em ạ
Nào, môi hôn, nào tay nắm, nhịp tim rung
Đã qua rồi, một đêm đẹp vô cùng
Dù thủy chung chỉ vài giây ngắn ngủi

Em cứ về với cuộc đời gần gũi
Riêng anh ngồi thui thủi đón bình minh
Sớm mai này anh lại chỉ một mình
Hồi tưởng lại những người tình vội vã

Bao gương mặt qua đời anh xa lạ
Sao nhớ nhiều khói thuốc quyện hồn cay
Mình lả lơi trong vũ điệu tình say
Một đêm nồng, mênh mang bao khúc nhạc

Mùi xác thịt nghiến đời nhau tan nát
Mọi ngất ngây hoang lạc thảy tuôn trào
Lời thì thầm ngọt lịm sắc như dao
Sau đêm nay còn chút nào tha thiết

Người tình ơi, thôi ngàn năm cách biệt
Chỉ một đêm, chăn gối cũng mặn mòi
Anh tự hỏi trong năm tháng xa xôi
Còn những ai tới đời em vui vẻ!


Sau đêm nay, tình bằng ta xé lẻ
Cảm ơn em từng chia sẽ niềm thương
Dẫu tương lai, mình rồi chẳng chung đường
Cho đêm nữa lòng tơ vương trăm mối


ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
READ MORE - NGƯỜI TÌNH MỘT ĐÊM - Thơ Đỗ Anh Tuyến

THI PHẨM KINH VÔ THƯỜNG CỦA VÕ THẠNH VĂN

  



Tiểu tự của tác giả nhân ngày hoàn thành CÁT BỤI #10 của toàn bộ thi phẩm KINH VÔ THƯỜNG.


KINH VÔ THƯỜNG là lời kêu thương bi thống của một kiếp nhân sinh bi lụy trong cõi trần bi ai. Đó là lời ca cùng tột bi tráng chứa đựng ngậm ngùi chất ngất đau thương của những tâm hồn vươn lên từ nỗi bi thiết thường hằng.
Từng chữ trong KINH VÔ THƯỜNG là từng bước chân rời rạc rã riêng của hành trình đi vào tâm thức, một tâm thức tuyệt đối cô đơn khép kín riêng tư. Từng chữ, từng lời là những bước chân hành giả trên đường hành hương, ngơ ngác dọ dẫm đi vào tự thức để tìm lại chính mình.
Nhìn lại cho rõ chính mình, cái bản lai diện mục, là nhận diện nỗi bi thương to lớn của kiếp nhân sinh. Nỗi bi thương to lớn ấy chính là con người đã đánh mất bản thể từ lúc chưa sinh. Từ đó, con người hoang mang và miệt mài tìm kiếm chính mình trong huyễn vọng.
Trong suốt cuộc hành trinh đơn độc đi vào tiểu ngã để tìm kiếm đại ngã, con người vừa hân hoan bắt gặp, vừa ngậm ngùi chua chát cho thân phận. Đó là hình ảnh ngậm ngải tìm trầm giữa rừng thiêng nước độc của non ngàn bát ngát.
Giữa đoạn đường tìm kiếm đó, con người chợt mê chợt ngộ, chợt tỉnh chợt say, chợt ngủ chợt thức, chợt mừng chợt tủi, chợt mù chợt sáng. Càng mê càng băn khoăn, trăn trở, thao thức. Càng (tiểu) ngộ càng chập chờn, khắc khoải, mất ngủ, nghi hoặc.
Đông Thiên, Tây Trúc và miền Đất Hứa… càng đi càng lạc, càng đến gần càng giạt xa. Đứng sát bên Linh Thứu vẫn thấy mình trôi giạt, lạc lõng, quạnh hiu. Quỳ dưới chân núi Sinai chợt biết mình mất hướng, bồng bềnh, vong lạc.
Đó chính là nỗi bi tráng, nhục nhằn, thống hận, lạc hướng, hoang mang, khắc khoải, bất lực, ngờ vực… của kiếp người, của từng kiếp người, của muôn thuở, của muôn nơi, của bất cứ không gian hoặc thời gian nào.
Có lẽ, thái độ khôn ngoan duy nhất mà con người có thể là nên khiêm nhượng lựa chọn cho chính mình, qua khuôn thước mà cha ông đã vạch sẵn, đó là: Gần với trời, hòa với đất, vui với đạo, yên với đức, bằng lòng với mệnh, chấp nhận an bài.
Như thế cũng có nghĩa là: Không xa đời, không lánh người. Đối với đời cũng như đối với người: không oán, không ghét, không giận, không hờn… mà, chỉ thương, chỉ nhớ, nên vui, nên mừng… để tích hợp diệu nghĩa, để biểu đạt lương duyên.
Từ đó, từ trong nỗi quạnh hiu tuyệt đối, con người nhận chân Đấng Tạo Hóa để điềm nhiên cười cợt với cô đơn hiện hữu, ve vuốt khổ đau thường hằng, mơn trớn những bất hạnh chung quanh, chiêm nghiệm lẽ sắc không vô thường từng niệm, kết thân với sự chết đang rình rập phút giây.
Từ đó, cùng với đức khiêm hạ chân cần thiết, lấy thiên nhiên làm thầy, lấy sương khói làm bạn, lấy trăng nước làm vui, lấy lá hoa cây cỏ làm sản nghiệp, lấy bốn mùa làm của riêng tư, lấy sắc không vô thường làm thi nghiệp, lấy niềm tin tôn giáo làm thần hứng đầy mãnh lực sáng tạo.
Từ đó, con người biết thực là thực, biết hư là hư, biết hư là thực, biết thực là hư; biết có là có, biết không là không, biết có là không, biết không là có; biết còn là còn, biết mất là mất, biết còn là mất, biết mất là còn; biết tụ là tụ, biết tán là tán, biết tụ là tán, biết tán là tụ, biết hợp là hợp, biết tan là tan, biết hợp là tan, biết tan là hợp…
Bởi vì cuộc sống biến động vô thường, từng giây, từng phút. Do đức hiếu sinh của Tạo Hóa mà cuộc sống sinh hoại dị diệt xảy ra từng sát na, từng niệm… Cho nên, cây lá phải rã mục cho hạt nẩy mầm. Con người muốn trổ hoa cũng phải tự vác thập giá đi lên đỉnh Golgotha, phải bước qua sa mạc để đến Đất Hứa, phải chết đi để được phục sinh.
Từ đó, từ hiểu biết và thái độ lựa chọn trên đưa con người đến sự thức tỉnh. Với tinh thần thức tỉnh, con người sẽ vừa rong chơi, vừa ca hát nghêu ngao… để an nhiên thư thái đi hết chặng đường thánh giá nghiêu khê như một cái nghiệp phải trả trong kiếp nhân sinh hữu hạn để bước vào thế giới vô hạn mai sau.
                                 Viết tại Phù Hư Am
                   Vùng Bắc Vịnh, Mùa Đông năm 2000
                                VÕ THẠNH VĂN

     
   
              Nhà thơ Võ Thạnh Văn



     KINH VÔ THƯỜNG
         Quyển Thượng

            CÁT BỤI
     I
     [001]
     phận ta hạt bụi mê lầm
     trong cơn say tỉnh gọi thầm giai nhân
     lạc nhau cát bụi bần thần
     gác khuya trở giấc gieo vần ngả nghiêng

     [002]
     vốn ta hạt bụi ưu phiền
     trong cơn ngái ngủ triền miên gọi người
     luân hồi gợn thoáng tâm hư
     sắc không dậy chút tâm từ hỗn mang

     [003]
     trong mơ cát bụi bàng hoàng
     trong ta còn trắng vành tang tình dài
     trong em mờ cuộc tình phai
     trong tình còn đẹp dấu hài nghìn sau

     [004]
     sương chia khói lạc chờ nhau
     cát xa bụi khổ nỗi đau phận nầy
     tương tư giọt bụi rạc gầy
     thủy chung cát lịm ngất ngây cõi ngoài

     [005]
     chờ nhau cát bụi mệt nhoài
     gặp nhau dã dượi vòng xoay nghê thường
     thương nhau tình rộn ràng vương
     tìm nhau cát bụi đêm trường mộng đưa

     [006]
     kể từ hạt bụi thấm mưa
     rơi tài tình tứ - rớt bừa bãi duyên
     đam mê bụi lụy thuyền quyên
     lưu vong phận cát ngủ miền giang khê

     [007]
     cát gầy bụi ốm hôn mê
     chiều đông bỏng sốt - đêm hè lạnh căm
     với tay sờ cõi nghìn năm
     mây che đỉnh tuyết biệt tăm dấu hài

    [008]
    bụi từ hóa kiếp đầu thai
    hóa thân vô lượng tóc dài cõi âm
    sóng chìm cát nổi tự thân
    vỗ bao nhiêu bến vẫn nần nợ quanh

    [009]
    truy tầm hạt bụi tiền căn
    thấy trong kinh điển mộ phần hoang sâu
    bụi đành gặm nhấm nỗi đau
    vết loang tiền kiếp nghìn sau còn hằn

    [010]
    tình về treo võng băn khoăn
    cát ngờ ngợ dậy – bụi vằng vặc lên
    mây nghiêng - mưa trộn - trăng chênh
    giang đầu thác đổ - cuối ghềnh đẫm sương

                                    VÕ THẠNH VĂN

READ MORE - THI PHẨM KINH VÔ THƯỜNG CỦA VÕ THẠNH VĂN