Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 2, 2012

CHÍ PHÈO DIỄN CA 1- Nguyễn Tường

Tác giả Nguyễn Tường

Diễn ca hay thi hóa một tác phẩm là chuyển hình thức của tác phẩm đó từ văn xuôi sang văn vần, có thể dễ dàng truyền miệng vì dễ nhớ nhờ có vần và nhạc điệu. Nói cách khác, diễn ca là đại chúng hóa một tác phẩm bằng cách chuyển từ văn viết sang văn truyền khẩu để gần gũi với hình thức phổ biến của văn chương bình dân: tục ngữ, ca dao, hò, vè,...

Với mục đích đó, cha ông ta đã chuyển lịch sử Việt Nam sang văn vần.

Nghìn thu gặp hội thăng bình,
Sao Khuê sáng vẻ văn minh giữa trời.
Lan đài dừng bút thảnh thơi,
Vâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh.
...
là đoạn mở đầu Chương 1: Nhà Hồng Bàng của Đại Nam Quốc Sữ Diễn Ca.

Những câu sau trong đoạn Hai Bà Trưng dựng nền độc lập được nhiều người thuộc:

Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
...

Để dễ học, người ta còn vần hóa những bài chữ Hán (Tam tự kinh), Pháp Văn, toán...

Gần đây, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã thi hóa nhiều bộ kinh, "làm cho giáo lí của đức Phật gần gũi và dễ nhớ đối với mọi người".

Chuyển văn xuôi sang văn vần  là đam mê từ lâu của Nguyễn Tường - một người Quảng Trị hiện đang sống với con cháu ở New York. Anh đã chuyển thể những truyện ngụ ngôn của Aesop - một nhà văn Hy Lạp sống vào khoảng 620-564 trước CN, ngụ ngôn của Jean de La Fontaine  (1621-1695) - một nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp. Anh còn chuyển thể Thánh Kinh và nhiều truyện khác.

VNQT vừa nhận được công trình gồm 1.732 câu văn vần do anh chuyển thể truyện ngắn CHÍ PHÈO, một truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao được đưa vào dạy ở chương trình phổ thông. Xin giới thiệu  CHÍ PHÈO DIỄN CA cùng bạn đọc.

1.

Hắn chân vừa đi, miệng vừa chửi.
Bao giờ cũng thế, hễ rượu vào.
Bắt đầu chửi trời, thì đã sao?
Trời có của riêng nhà nào nhỉ?
Rồi hắn chửi đời. Thì cũng thế:
Đời là tất cả, chẳng là ai.
Tức mình, hắn chửi cả làng này.
Nhưng làng Vũ Đại ai cũng nhủ:
“Chắc nó trừ mình ra thôi chứ!”
Không ai lên tiếng cả. Tức nhề!
Ồ, thế nầy tức thật. Tức ghê!
Đã thế, hắn chửi cha những đứa
không chịu chửi nhau với hắn nữa.
Nhưng cũng không một ai ra điều.
Mẹ kiếp! Thế phí rượu quá nhiều!
Thế thì hỏi sao hắn không khổ?
Không biết đứa chết mẹ nào đó
đã đẻ hắn khổ đến nỗi này!
A ha! Phải đấy, hắn chửi hoài,
hắn chửi ai đẻ ra thân hắn,
cái tên Chí Phèo mà chắc chắn
chỉ có trời may ra biết chăng?
Hắn không biết, và ngay dân làng,
cả Vũ Đại cũng không ai rõ.

***
   Có anh đi thả ống lươn nọ,
sáng kia thấy hắn nằm trần truồng,
xám ngắt bên lò gạch bỏ không
trong chiếc váy đụp, anh rước lấy
đem cho một bà mù gần đấy.
Bà lại gặp phó cối không con
bán lại nó; khi bác không còn
thì hắn bơ vơ, đi ở đợ
hết nhà nầy lại đi nhà nọ.
Hai mươi tuổi, hắn làm canh điền
cho ông lý Kiến, để kiếm tiền
cụ bá Kiến hiện ăn tiên chỉ.
Hình như, mấy lần nhà ông lý
bà ba trẻ hay ốm lửng luôn,
bắt xoa bụng, đấm lưng, bóp chân.
Người ta bảo ông lý hóng hách
cả làng sợ, ra đình rất oách,
mà về nhà phải sợ bà này.
Người bà phốp pháp, má hây hây,
mà ông lý hay đau lưng nữa;
người đau lưng thì hay sợ vợ
mà chúa đời là cái khỏe ghen.
Người bảo ông ghen anh canh điền
mà sợ bà ba không dám nói.
Người thì bảo anh canh điền giỏi
được bà ba quyền bổ quyền thu
tin tưởng nên anh trở thành hư
lấy trộm tiền trộm thóc nhiều lắm.
Mỗi người nói thêm muối, thêm mắm.
Chẳng biết đâu mà lần đúng sai
Chỉ biết rằng đã có một ngày
Chí bị bắt giải lên quan huyện
rồi nghe đâu đi tù vụ kiện.
Không biết hắn bị tù mấy năm,
chỉ biết bảy, tám năm biệt tăm,
bỗng một hôm lù lù xuất hiện.
Mới đầu, không ai để ý đến,
hắn trông rất khác hẳn lần này
không một ai biết hắn là ai.
Trông hắn đặc như thằng sắng cá!
Cái đầu trọc lốc, răng trắng xóa,
Cái mặt đen mà rất cơng cơng,
trông gớm chết, hai mắt gườm gườm!
Hắn mặc quần áo nái đen nữa,
với cái áo tây vàng, ngực hở.
Ngực phanh đầy nét chạm phượng rồng,
bên cạnh cầm chùy đứng một ông,
cả hai tay nữa. Trông gớm chết!
Về hôm trước, hôm sau uống miết
ngồi chợ, rượu, thịt chó tới say.
Rồi hắn xách một cái vỏ chai
đến ngay cổng nhà lão bá Kiến,
gọi tên tục ra chửi đủ chuyện.
Cụ bá Kiến lúc nầy vắng nhà.
Bà cả đùn bà hai, bà ba,
ra nói chuyện lỗi phải với hắn
nhưng thấy hung hăng chẳng ai dám.
Mắc phải thằng liều lĩnh lại say,
tay nó lăm lăm cái vỏ chai
mà nhà lúc này đàn bà cả...
Thôi cứ đóng cổng cho chặt đã,
rồi mặc thây cha nó bên ngoài,
nó chửi nó lại nghe còn ai!
Thành thử chỉ còn ba con chó
với một thằng say rượu là nó...
Thật ầm ĩ! Hàng xóm hôm nay
bỗng dưng có một bữa điếc tai,
nhưng có lẽ trong lòng họ xả:
xưa nay họ chỉ nghe bà cả,
bà tư, bà hai hoặc bà ba
nhà cụ bá chửi bới người ta,
bây giờ họ mới thấy chuyện lạ
người ta chửi cả nhà cụ bá.
Mà chửi mới sướng miệng làm sao!
Mà ngoa ngoắt thiệt! Họ bảo nhau:
Phen nầy cha con thằng bá Kiến
hết dám vác bộ mặt xuất hiện!
Mồ mả tổ tiên nó lộn lên.
Cũng có người bảo, giọng còn hiền:
“Phúc đời nhà nó, ông lý vắng...”
Ông lý đây lý Cường chắc chắn,
con cụ Bá hách dịch, khinh người.
Phải lý Cường ở nhà, thử chơi!
Quả nhiên họ nói không sai thật!
Đấy, có tiếng người sang sảng quát:
Mầy muốn lôi thôi chuyện gì đây?..
Cái thằng không cha, không mẹ nầy!
Mầy muốn lôi thôi gì? Đợi đấy!..”
Đã bảo mà! Tiếng lý Cường ấy!
Lý Cường về! Lý Cường đã về!
Phải biết...A ha! Nghe chưa kìa?!
Một cái tát rất kêu thấy rõ!
Ôi! Mà cái gì thế nầy hở?
Tiếng đấm đá bình bịch ngoài đường.
Thôi thì cứ gọi là tan xương!
Bỗng, một tiếng “choang” nghe rất lớn,
phải rồi, hắn đập chai vào cổng...
ồ! Hắn vừa chửi vừa la làng
làm như ai cắt họng không bằng.
- Ôi làng nước ơi! Cứu tôi với...
Ôi làng nước ơi! Làng nước hỡi!
Bố con thằng bá Kiến giết tôi!
Thằng lý Cường đâm chết tôi rồi!...
Và họ thấy Chí Phèo lăn lộn
vừa kêu vừa lấy mảnh chai nhọn
cào vào mặt mình, máu chảy loang.
Mấy con chó xông vào sủa oang.
Lý Cường hơi có chút tái mặt
đứng nhìn khinh bỉ, miệng cười nhạt.
Hừ! Ngỡ gì hóa ra thế nầy!
Thì ra hắn định nằm vạ đây!
   Người ta tuôn đến xem cho rõ.
Bao người đùn ra từ các ngõ!
Thật như là cái chợ ồn ào.
Bà cả tới bà tư, bà nào
thấy có anh lý cũng vững dạ
bèn xưng xỉa, chửi góp cho hả.
Thật ra, các bà kéo hết nhau
muốn ra xem Chí Phèo làm sao?
Không khéo nó cố ý gieo vạ
cho cụ ông phen nầy sao hả?..

(Còn tiếp)
READ MORE - CHÍ PHÈO DIỄN CA 1- Nguyễn Tường

CỌNG RƠM VÀNG - Võ Văn Hoa


"Em mãi là ngọn gió"
Cảm ơn em thổi về
Cọng rơm vàng đón mở
Nồng nàn đến si mê !"



CỌNG RƠM VÀNG

Anh về thăm nhà
Quê mình đang vào mùa lúa chín
Thơm cọng rơm vàng !

Anh qua xóm Làng
Đất ngấu bùn cuống rạ
Gánh thóc về muôn ngã
Em nói gì em ơi !

Anh đến Hộ Phiên, Ruộng Đìa, Thượng Đạc
Biển lúa vàng mênh mông
Chiền chiện, dế mèn ngân lên khúc hát
Vỡ oà trong anh tuổi ấu thơ  hồng.

Anh thương từng cọng rơm
Ủ anh mùa động biển
Anh thương từng bát cơm
Mẹ độn nhiều khoai sắn

Con chúng ta hiểu mơ hồ về xe đạp nước
Chưa hiểu thế nào về đất gan gà
Chưa biết móng chân của mẹ, của bà
Chua phèn đóng váng.

Anh về thăm nhà
Muốn em và con ôn từng kỷ niệm
Thời mẹ đẻ cha sinh, thời hàn vi lận đận
Ta lớn lên từ cọng rơm vàng.
                                                                             22/04/2003
                                                                          VÕ VĂN HOA

* Rút từ tập thơ CÒN TA VỚI MÌNH - NXB THANH NIÊN -2004 của tác giả
READ MORE - CỌNG RƠM VÀNG - Võ Văn Hoa

VŨ ĐIỆU BIKINI - Truyện ngắn của Phan Trang Hy

Tác giả Phan Trang Hy

                 

      Sân khấu nhấp nháy những chiếc bikini nhảy múa theo điệu nhạc. Đủ loại, đủ kích cỡ. Này là chiếc màu xanh có viền đăngten đỏ ôm sát vòng 1 và vòng 3; này là chiếc màu vàng như dán vào đầu nhủ hoa và vòng mông; này là chiếc màu đen tím làm nổi bật làn da và vòng 2… Bao nhiêu bikini là bấy nhiêu gương mặt. Chỉ có những gương mặt tươi cười, những dáng điệu uốn éo phù hợp với tính cách của màu sắc, kích cỡ bikini.

      Giọng điệu MC vang lên, từng tiếng vỗ tay cuồng nhiệt khi những dáng vẻ cao cao đúng chuẩn xuất hiện. Và giờ đây, trên sân khấu chỉ là những bộ bikini di động, chào mời, đang chờ những con mắt thưởng ngoạn của khán giả và chờ con mắt soi mói chấm chọn của ban giám khảo.
      Người ta khen thưởng từng bộ bikini và chủ nhân của nó xuất hiện: cô ấy là sinh viên luật; cô ấy là nữ sinh trường huyện; cô ấy là nhà báo; là tiếp thị; là gái miệt vườn; là sơn nữ; là những ai ai nữa… Nếu là con gái chưa chồng thì tốt.

 
***

      Trường của Hoàng Chi tổ chức đêm lửa trại. Ánh đêm bập bùng theo điệu nhạc từ chiếc ghita thùng. Con gái, con trai - cả bọn đều vui. Từng điệu nhảy, từng lời ca của tuổi học trò vang lên. Đầy nhiệt huyết, đầy sức sống của tuổi thanh xuân. Bọn con trai hóa trang thành con gái biểu diễn thời trang. Những chiếc bikini bằng giấy được mang bởi thân hình của bọn con trai. Cũng đủ màu sắc sặc sỡ. Xanh, vàng, đỏ, tím… Tất cả cũng làm bộ làm tịch uốn éo, cũng làm điệu làm duyên trước bọn con gái. Cả người biểu diễn lẫn người xem đều cười lăn, cười bò. Khi thì những chiếc bikini giấy nhảy điệu tự do; khi thì run rẩy, lắc lư theo điệu bài hát “Ô mê li”. Những điệu nhảy của bọn con trai theo từng điệu nhạc làm nổ tung lồng ngực con gái. Hoàng Chi đưa tay ôm ngực. Cô như chạm vào một mảnh bikini trên ngực của mình. Và rồi Hoàng Chi cùng bọn con gái vui hát theo điệu nhạc từ cây ghita được tay trưởng ban văn nghệ lớp chơi ngẫu hứng.

***
      Hoàng Chi ngồi trước laptop. Cô đang kích chuột tìm những trang mạng bán y phục thời trang. Những bộ bikini đúng mốt được chào bán trên mạng. Chỉ cần gọi điện hoặc kích chuột vào giỏ hàng là cô sẽ có ngay bộ bikini mình thích. Thế nhưng, cô chỉ đưa mắt nhìn. Cô đã từng lên facebook trao đổi với bạn bè về những bộ bikini cực xinh, cực đắt.
      Rồi cô kích chuột trở về trang tin tức. Những bản tin không được sáng sủa; những bản tin đầy nước mắt bên cạnh những cái tít quảng cáo chữa bệnh vô sinh, chữa bệnh yếu sinh lí, chữa bệnh gút… Rồi những trang quảng cáo thời trang. Có cả bikini. Những chiếc bikini nhảy múa trên trang tin. Cô chăm chú nhìn từng bộ bikini. Trước mắt cô, vũ điệu bikini từ trong quá khứ ẩn hiện. Cô nhớ lại khi còn bé, lần đầu khi ngực cô chớm đau, nhu nhú, cô chợt nhận ra mình khác thường khi tắm. Cô biết mình đang thành thiếu nữ. Từ đó, mỗi lần cùng mẹ đi chợ, cô thích mua sắm áo quần, thích chọn những bộ quần áo đẹp, thích những chiếc xu-chiêng, xi-lip viền đăng ten. Cô thích làm đẹp bản thân. Cô thường ghé tiệm bán áo quần, cô chọn những bộ đồ lót thật xinh, thật đẹp. Cô đều ướm thử nội y, nhưng chúng đều quá cỡ với cô. Cầm trên tay những thứ ấy, cô chỉ mong mình mau lớn, mong mình có thân hình đúng chuẩn.
      Cô quên sao được lời ba cô khen, con gái của ba xinh quá, con gái của ba đáng yêu quá. Và rồi, cô lớn lên từng ngày. Chiếc quần lót ngày bé xùng xình không còn. Cô được mặc những bộ đồ lót đúng cỡ. Rất chuẩn. Và cô biết thêm những bộ bikini. Cô quên sao được những bộ bikini trên biển. Cô đứng hàng giờ trước gương ngắm nghía, làm dáng khi mặc chiếc bikini xinh xinh đầy sức sống của thời con gái trong những lần chuẩn bị đi tắm biển.
      Làn nước làm dịu mát bộ bikini trên người Hoàng Chi. Bộ bikini ấy như hút những ánh mắt của những người tắm trên biển chiều hôm đó. Hoàng Chi sung sướng và hãnh diện vì cô biết mình có thân hình duyên dáng. Cô tự tin về mình. Có con gái nào không vui, thậm chí có chút tự kiêu, có chút chảnh chọe khi mình có dáng chuẩn, lại có gương mặt đáng yêu? Cô thấy biển chiều hôm đó sao mà đẹp đến vậy? Sao mà đáng yêu đến vậy? Mỗi khi nghĩ về buổi chiều hôm đó, cô vẫn mãi có cảm giác ấy, cái cảm giác khắc ghi trong lòng cô những gì lâng lâng, dịu ngọt và có chút kiêu hãnh. Và ở cô cái cảm giác ấy như đi suốt cuộc đời thì phải!

***
      Hoàng Chi đang tập đi điệu catwalk. Cô mang đôi giày thật cao cho phù hợp với đôi chân thon dài, với vòng eo đúng kích cỡ. Cô cố gắng tập đi. Có lúc bị ngã. Tưởng chừng đôi chân không chiều ý cô. Cô tức muốn khóc. Không đi đúng kiểu thì làm sao cô có thể biểu diễn những vũ điệu bikini trên sàn diễn thời trang. Không đi được điệu catwalk, cô làm sao trở thành người mẫu bikini nổi tiếng. Nỗi ám ảnh về thần tượng bikini in sâu trong tâm trí cô. Hiện lên là những người mẫu bikini làm khuynh đảo công chúng gần đây như Kate Upton, Nina Agdal, Crissy Teigen, Alyssa Miller, Bar Refaeli… Chưa hết, trong cô cũng hiện lên hình ảnh của những ca sĩ mặc bikini trình diễn những điệu nhạc rock mạnh mẽ, cuồng nhiệt. Và rồi, khi hứng chí, nữ ca sĩ vứt cả mảnh trên của bộ bikini như sự trình diễn một phần của thiên nhiên đầy sức sống. Trước mắt cô, công chúng cũng cuồng nhiệt giành giật mảnh vải đã từng che bầu ngực căng tròn như thể người ta giành được sự thỏa mãn nỗi khát khao cuồng tín. Một phần vũ điệu bikini đang mê hoặc công chúng. Sau đó, cả vũ điệu bikini sẽ mê hoặc công chúng như nàng Eva từng mê hoặc Adam trong vườn địa đàng. Và sự mê hoặc ấy vẫn mãi còn trên thế gian này như thể sự vô thường, như thể sự luân hồi, sinh tử vẫn cứ cuồng quay trong những điệu nhạc vô minh, trong nỗi khát khao của bao trái tim cuồng dại.
      Nhiều đêm nằm mơ, Hoàng Chi thấy mình rực rỡ trên sàn diễn. Cô không còn như thuở còn trẻ con. Cô thành người nổi tiếng. Cô cảm thấy bộ bikini trên người nhẹ tênh. Từng cm trên người ở vòng 1, vòng 3 được các nhà thiết kế, các nhân viên trang điểm chăm sóc kĩ lưỡng. Lần đầu, khi tay người khác chạm vào vòng 1, vòng 3 là cô giật nẩy mình. Như có luồng điện chạy, cô run lên khó chịu. Cô thu mình lại, đưa mắt nhìn mọi người trong tư thế giữ mình. Nhưng rồi cô bị khuất phục bởi hào quang của bikini. Cô dần dần quen với sự va chạm vào những vòng trên cơ thể. Cô quen đến độ như đói cần phải ăn, khát cần phải uống. Trong lòng cô chỉ có nỗi khát khao những bộ bikini phải mang dấu ấn kì tích khi cô biểu diễn.
      Nhưng đó chỉ là những ước ao. Chợt có tiếng điện thoại reo. Hoàng Chi trở về thực tại. Cô mở máy. Cô nghe và nói:
      - A lô! Hôm nay, tôi hơi mệt. Bà chở tôi cùng bà đi… 10 phút nữa nghe! 
      Hoàng Chi tắt cuộc gọi. Bạn cô sẽ đến chở cô đi mua sắm. Biết cô sành điệu trong lĩnh vực thời trang bikini, nên cô bạn nhờ cô chọn. Tiện thể, cô cũng sắm thêm cho mình bộ nữa cho mùa hè.
      Rời khỏi shop, bên tai Hoàng Chi vẫn còn vang lời dịu ngọt pha lẫn chút hờn mát của cô bạn, bà có thân hình thật tuyệt, chả bù với tôi vừa mập vừa thô, chúc mừng bà có thân hình trời phú, tôi có chút ghen tị với bà đó, mà thôi… Hoàng Chi hỏi cô bạn sao ấp úng không nói hết những suy nghĩ của mình. Cô bạn chỉ cười, rồi nói là cô ấy chỉ nghĩ thoáng thế thôi, chứ không có ý gì hết.
      Một hôm, rảnh việc, cô lên mạng tìm xem có mẫu bikini nào mới không. Cô xem đi xem lại những mẫu đã từng xem. Cô kích chuột vào Gmail, đánh tên và mật mã để mở mail. Chẳng có mail nào trong hộp thư đến. Cô kích chuột vào spam. Một mail lạ. Tò mò, cô mở xem. Một thông báo tuyển người mẫu bikini. Cô đọc đi, đọc lại nhiều lần. Và sau nhiều ngày suy nghĩ, cô quyết định đăng kí dự tuyển.
      Như một định mệnh gắn đời Hoàng Chi với những vũ điệu bikini. Cô được trúng tuyển và trở thành người mẫu. Từ đó, tiếng tăm cô gắn liền với những bộ bikini trên sàn diễn, trên tạp chí fashion. Mẫu bikini nào được cô diễn là mẫu đó được doanh thu lớn. Cô choáng ngợp lời khen của các nhà thiết kế, của các nhà sản xuất bikini và cả người hâm mộ.
      Mỗi khi trình diễn mẫu mới là Hoàng Chi giữ lại bộ bikini ấy làm kỉ niệm. Cô ghi trên bộ bikini thời gian, địa điểm trình diễn và kí tên của mình. Cô sắm các tủ để lưu giữ các bộ bikini mà cô đã từng diễn. Những khi rảnh rỗi, cô nằm trên sôpha nghe nhạc. Những bản nhạc làm nền mỗi khi cô diễn, giờ cô nghe lại. Biết bao cảm xúc dâng trào trong lòng cô. Cô nằm, nhắm mắt mường tượng lại những bước chân cô đi theo điệu nhạc. Những ánh đèn từ những chiếc máy ảnh nhấp nháy lia lịa, cô thấy cả những ánh mắt trầm trồ khen ngợi, những cái gật đầu ưng ý của khán giả.
      Nhiều đêm, cô nhận được nhiều tin nhắn qua di động. Toàn là những số lạ. Đủ cả lời khen, lời chê. Có cả lời thóa mạ, hăm dọa của ai đó. Nào là cô chỉ là con rối trên sàn diễn, nào là cô phải dâng cái ngàn vàng cho ông bầu, nào là cô chỉ là con điếm không hơn không kém, cô là đồ dối trá, bẩn thỉu…; nào là cô sẽ bị rạch mặt, bị cắt vú, bị tạt axit vào mông… Ban đầu, đọc những tin ấy cô rất sốc. Nhưng, cuộc sống bắt cô phải chai lì với những lời nhắn gửi của những kẻ dấu mặt, dù họ như đang rập rình bủa vây cô, như tìm cách hạ gục cô trên sàn diễn. Vì sự tồn tại, cô phải diễn như những bộ bikini phải tồn tại để làm đẹp vóc dáng phụ nữ trên thế giới này.
      Gần đây, Hoàng Chi cảm thấy khó chịu. Nhưng cô vẫn gắng chịu đựng. Cô lo sợ sức khỏe không như ý muốn thì cô không tiếp tục diễn những bộ bikini. Nỗi lo của cô trở thành sự thật. Cô không hiểu tại sao vú của cô nổi những hạt mà lại nhăn nheo. Một lần diễn, có lẽ đó là lần diễn cuối cùng, cô chóng mặt, nửa đầu trên bị đau, cô gắng gượng diễn nhưng bất thành. Từ đó, cô chỉ biết nằm nhà, gọi điện đến bạn bè tâm sự. Đêm, cô nằm mơ thấy bikini, chỉ những bikini làm cô dịu bớt cơn đau.
      Hoàng Chi không còn đủ sức dù cô đã đem hết những gì còn lại để được diễn một lần cuối. Nhưng đó chỉ là ước muốn không thành. Cô bị ung thư giai đoạn cuối. Cô không còn được diễn. Chỉ có những cơn đau hành hạ cô. Chỉ còn nỗi thất vọng ở cô.
      Cô được một số người hâm mộ gọi điện an ủi. Một số người khuyên cô nên ăn chay, niệm Phật, nên làm việc từ thiện để tìm niềm vui cuối đời. Cô nghe lời khuyên chân thành của họ. Chỉ những lần đi thăm các trẻ em nghèo, thăm trại mồ côi, thăm người già bất hạnh là cô thanh thãn đôi chút. Còn lại thời gian ban đêm, cô thường sống trong ác mộng. Cô quên sao được những cơn mơ khủng khiếp, những cơn mơ như đưa cô đến địa ngục. Cô thấy trước mắt mình những bộ bikini nhảy múa, những bộ bikini như lật tung lên bởi những con mắt của những tên đàn ông xứ h-à-n, xứ t-r-u-n-g, xứ đ-à-i mua vợ. Các cô gái ôm mặt, cúi đầu. Tất cả bikini như trút bỏ xuống nền nhà. Chỉ có những ánh mắt soi mói, săm se, ngã giá cái trinh tiết của những mảnh bikini. Chưa hết, có lúc cô mơ những mảnh bikini như giằng xé nỗi đau đời, nỗi đau nhân thế của những người mẹ, người chị, người em. Họ vứt tất cả bikini, vứt để phơi bày sự thật, để giành sự sống, để giành quyền sống, để giữ căn nhà, mảnh vườn của cha ông để lại. Cô cũng thấy những bộ bikini đang nhảy múa trên đường phố ở Brazil trong những vũ điệu samba. Cô cũng thấy bikini phơi trần trong những lần xuống đường, chống lại chiến tranh, chống bạo lực, đói nghèo, chống các chủ thuyết phi nhân, chủ thuyết khát máu, nhằm biểu lộ tình yêu nhân loại, biểu lộ khát vọng hòa bình.

***
      Cơn đau lại hành hạ Hoàng Chi. Cô như muốn quỵ giữa cuộc đời này. Một hôm, khi cơn đau lắng xuống, cô mở tủ nhìn những bộ bikini lưu giữ một thời vàng son của mình. Những bộ bikini như đang nhảy múa trước mắt cô. Này là bộ ghi lại thời gian cô được vinh danh là người mẫu bikini duyên dáng nhất. Này là bộ ghi lại thời gian cô được mọi người ngưỡng mộ là người mẫu bikini khả ái. Này là bộ ghi lại ngày cô tròn 3 năm làm người mẫu bikini… Hầu như tất cả các bộ bikini đều ghi ngày tháng lưu giữ những gì đẹp nhất cuộc đời biểu diễn của cô.
      Đột nhiên, cô khóc nấc lên khi cầm trên tay một bộ bikini – bộ bikini biến đổi màu – bộ bikini đặc biệt nhất trong các bộ bikini. Tất cả các bộ bikini khác như đang nhảy múa cùng bộ bikini đặc biệt ấy. Cô thấy mắt mình hoa lên. Cô gục trong cơn đau quằn quại.
      Trước mắt Hoàng Chi là những bộ bikini nhảy múa vũ điệu thần chết. Cô không còn rên la. Cô nằm thanh thản trên nền nhà. Trong tay cô là bộ bikini biến đổi màu.
      Vũ điệu bikini không còn. Chỉ còn bộ bikini biến đổi màu bất động có ghi dòng chữ: Đâu Là Sự Thật?

                                        Tháng 9 -2012
                                        Phan Trang Hy
READ MORE - VŨ ĐIỆU BIKINI - Truyện ngắn của Phan Trang Hy

ĐÔI DÉP: BÀI THƠ TÌNH KHÁC LẠ - Lời bình: Châu Thạch


ĐÔI DÉP                 
Tác giả: Nguyễn Trung Kiên

Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẽo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc nầy chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bênh cạnh đã có người thay thê
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắn khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung

Hai mãnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.


LỜI BÌNH:  Châu Thạch

Đôi dép là một vật rất tầm thường dùng đễ mang dưới chân, nhưng với tâm hồn thi sĩ, đôi dép trở thành đối tượng đễ viết thành thơ, và qua lời thơ xúc tích, đôi dép lại trở thành tình yêu chung thủy gắn bó keo sơn. Nhà thơ Nguyễn Trung Kiên không nhân cách hóa đôi dép. Đôi dép vô tri vẫn được tác giả giữ nguyên như chính nó, nhưng tác giả lại biến cái vật vô tri kia thành vật đầy ý nghĩa cao đẹp, lại biến cái tầm thường kia mang đầy đủ nhân cách của con người, của những cặp tình nhân sắc cầm hòa hợp. Qua đôi dép tác giả đã gởi tiếng lòng của mình, bày tỏ với người yêu những ước ao, những kỳ vọng, những hứa hẹn một tình yêu cao thượng ở đời. Như tác giả đã viết, đây là “bài thơ đầu tiên anh viết cho em’’ và bài thơ tình đầu tiên ấy không dùng trăng, sao, mây , nước để ru hồn người đẹp mà lại đề cập đến một vật rất tầm thường: Đôi dép. Bởi vì:

                      Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
                      Những vật tầm thường cũng viết thành thơ.

Hai chiếc dép đã được nhà thơ giới thiệu rằng “chẳng rời nửa bước"“cùng gánh vác những đường xuôi ngược’’, không  những thế, khi “lên thảm nhung’’ khi “xuống cát bụi’’, khi bị “người đời chà đạp’’ thì hai chiếc dép vẫn:

                        Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
                        Số phận chiếc nầy phụ thuộc chiếc kia.

Người ta thường nói đôi dép cũng có số, và trong bài thơ, Nguyễn trung Kiên cũng dự trù cho đôi dép một số phận nghiệt ngã như con người, số phận một ngày kia kẻ mất người còn. Lúc đó thì dép có thể được người đi thay chiếc khác, nhưng đôi dép bây giờ không còn là đôi dép nữa mà chỉ là hai chiếc dép giống nhau. Hai chiếc dép giống nhau chưa từng “nẽo đường xuôi ngược’’ chưa từng “bước cùng mòn không kẻ thấp người cao’’ mà bây giờ song song bên nhau thì đương nhiên là bước đi khập khiễng và người đi sẽ nói rằng“ Hai chiếc nầy không phải một đôi đâu’’.

  Bài thơ đến đây được chuyển ý một cách thú vị. Nhà thơ Nguyễn trung Kiên đã tạo một bất ngờ thật là ngoạn mục. Bốn khổ thơ trên được nói quanh co về đôi dép, nâng đôi dép lên ở đỉnh cao của sự chú ý, để rồi đột nhiên tác giả đem ví đôi dép với tình yêu chúng ta:

                          Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
                          Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
                          Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
                          Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh.

Đôi dép vô tri nhưng con người có hồn. Đôi dép giống con người ở chổ khi vắng nhau thì “Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía’’ nhưng khác con người ở chỗ  “Dẫu bênh cạnh đã có người thay thế. Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh’’.

Từ khổ thơ nầy, lời thơ trở nên dồn dập, ấm áp, đầy ắp yêu thương, khắn khít nồng nàn như chính hơi thở của tác giả được gởi vào đây, dầu tác giả viết về mình hay về đôi dép:

                      Đôi dép vô tri khắn khít song hành
                      Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
                      Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
                      Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.

Đây là lời thề son sắc của tác giả, là ước vọng của tác giả gởi đến người yêu, lấy đôi dép để tá khách lòng mình, dùng cái vô tri đễ gởi vào đó những đạo lý của tình yêu chân chính, nó như cái đinh đóng vào cột, chắc hơn lời thề, bền hơn lời hứa hẹn và mơ ước cho sự trọn vẹn trong tình trường mà con người phải làm dược, làm bằng và hơn đôi dép vô tri kia. Bốn câu thơ nầy chẳng khác chi bốn lời tuyên thệ trước bàn thờ tình yêu, trước bàn thơ ông tơ bà nguyệt vậy. Qua khổ thơ kế tiếp tác giả bày tỏ một tình yêu đích thực mà mọi sự khác biệt không làm giảm đi khối tình gắn bó:

                Chẳng thể thiếu nhau trên bước đường đời
                Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
                Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
                Gắn bó nhau vì một lối đi chung.

Ở vế cuối, bài thơ được kết thúc như một lời thề đồng tử, một tuyên ngôn của những kẻ yêu nhau bằng một thứ tình yêu lớn mà những thiên tình sữ còn lưu lại trong đời. Hai đôi dép, hai khoảng đời, hai linh hồn cùng thể hiện một cái hai khắn khít, đi song song nhưng lòng thì hiệp một, đồng sống đồng diệt vì không thể thiếu nhau:

                  Hai mãnh đời thầm lặng bước song song
                  Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
                  Chỉ còn một là không còn gì hết
                  Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.

Tác giả Nguyễn trung Kiên thật là tài tình khi viết bài thơ tặng em. Bài thơ tặng em là bài thơ tình. Thơ tình mà lại dùng đôi dép tầm thường để thể hiện cho tình thì thật là khó, nhưng ngược lại cái đôi dép tầm thường đó lại làm cho bài thơ trở nên tuyệt tác, phản chiếu được cái thâm thúy trong cuộc tình sâu đậm gắn bó cùng nhau. Bài thơ chỉ tả đôi dép mà không khô khan, nói về tình mà không rên rỉ, ý nghĩa xúc tích, âm điệu hài hòa, giọng văn nhỏ nhẹ đúng là lời tình tự trang nghiêm mà âu yếm. Quả “Đôi Dép’’ là một bài thơ tình khác lạ.


                                                                 Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com

READ MORE - ĐÔI DÉP: BÀI THƠ TÌNH KHÁC LẠ - Lời bình: Châu Thạch

MẮT LỆ CHO NGƯỜI - Huy Uyên


Khi quay về tìm lại một mối tình
đâu đó đã dạt phiêu mãi mãi
nỗi đau dấu vội vào tim
hết rồi bàn tay đưa vẩy.

Mênh mang chìm sầu một giấc mơ buồn
nơi xa tiếng ai vọng lại
cầm trong tay phút tương tư lặng lẽ
mắt lệ cho tôi và cả cho người.

Phải chi  xưa người là dòng sông
tôi chia hai lối về cùng con nước
người để lại trong tôi nụ hôn đã chết
để tôi đi theo ngày tháng quá buồn.

Đâu rồi người một lần nói yêu thương
vội chi đâu mà bỏ tình ở lại
cách chia nhau cho màu mây tím tái
để khi đi người có xé lòng không.


Buồn có mang theo rồi ở lại cùng chiều
có thương đau khóc mối tình bội bạc
có trải đời ra từng cung thang bậc
để hỏa thiêu cho rồi đám tro bụi tình yêu.

Để trông ai mà đợi chờ ai
để treo tim người hắt héo đắng cay
tôi mãi đi bên cạnh đời đau đớn
ơi người xưa đâu giờ đã quên lối quay về.

Huy Uyên
READ MORE - MẮT LỆ CHO NGƯỜI - Huy Uyên