|
Nhà thơ Quang Huy |
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Quang Huy là một nhà thơ và cũng là một cán bộ rất trẻ của ngành văn hóa tỉnh Nghệ An; cũng vào thời kỳ ấy, địa phương đang có phong trào khai hoang trồng cây lương thực. Quang Huy yêu một nữ sinh cấp 3, hoa khôi của trường - rồi sau đó, trở thành người bạn đời của ông. Tình yêu đẹp đưa họ vào cõi mộng mơ. Khá thường xuyên, trong mùa sim chín, vào những chiều chủ nhật, nhà thơ cùng cô nữ sinh cấp 3 dắt tay nhau lên đồi hái sim, ngồi bên nhau, cùng ăn sim và tâm tình như bao cặp tình nhân khác. Sẵn tâm hồn thi sĩ, Quang Huy có ý định làm một bài thơ tặng người yêu. Tứ thơ về sim thì có rồi, nhưng chưa có tứ thơ về phong trào của địa phương (văn chương thời ấy là thế mà!), bỗng nhà thơ nhớ lại tinh thần một cuộc họp của cơ quan về chủ trương khai hoang trồng sắn, Quang Huy như người bắt được vàng: “Đúng rồi! Khai hoang trồng sắn!”. Thế là, sau ba ngày, bài thơ tặng người yêu của Quang Huy được hoàn thành:
ĐỒI SIM
Nhớ ngày lên chín, lên mười
Chiều chiều, hai đứa lên đồi hái sim
Anh ngồi trao nón cho em
Hàm răng tím ngắt màu sim mỉm cười
Xa nhau hơn chín năm rồi
Anh về, sim đã thành đồi sắn xanh
Em ngồi nướng sắn cho anh
Hàm răng trắng, nét mi thanh mỉm cười
Anh ăn củ sắn em lùi
Còn ngon gấp mấy cái hồi ăn sim!
Bài thơ không chỉ được cô học sinh cấp ba ấy xúc động, hân hoan đón nhận, mà còn được lan truyền trong thanh niên nông thôn cả nước và được đánh giá là “bài thơ tình có tính tư tưởng cao” lúc bấy giờ.
Về sau này, khi Quang Huy chuyển công tác ra Hà Nội, làm Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin. Gặp nhà thơ, tôi hỏi: “Vẫn không quên kỷ niệm về bài thơ “Đồi sim” đấy chứ?”. Quang Huy trả lời tôi như một câu hỏi trở lại: “Bài thơ tình tuyên truyền khai hoang trồng sắn ấy à?”.
Cả hai chúng tôi cùng cười rất vui.
MAI THANH
maithanh40@gmail.com