Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, November 9, 2013

ANH SẼ QUÊN - Sĩ Chương



   Anh sẽ quên và anh sẽ quên
   Từng ngày qua như đang ngừng chảy
   Mùa thu đâu anh không tìm thấy
   Ngày yêu em mật ngọt tuổi hồng

   Anh sẽ quên và anh sẽ quên
   Mây vẫn bay qua bên triền núi
   Trăng vẫn rơi về cuối chân trời
   Anh sẻ quên và anh sẻ quên

   Ngày mùa thu em đang tìm tới
   Xòe bàn tay hứng lá thu rơi
   Mang tình yêu thơm nghe vời vợi
   Hương đợi chờ môi ấm bờ môi

   Anh sẽ quên và anh sẽ quên
   Lá vẫn rơi - rơi bên triền núi
   Em bây giờ còn giữa tim tôi
   Em bây giờ còn giữa tim tôi

             Sĩ Chương


READ MORE - ANH SẼ QUÊN - Sĩ Chương

Phạm Ngọc Thái với mấy nét tình sử về bài thơ "Người đàn bà trắng" - Anh Nguyễn

                                                                                       
Tác giả Anh Nguyễn



         Vào một buổi sáng cuối thu vừa đây, chúng tôi trong tổ chức văn chương HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU MẶT TRỜI THI CA có cuộc hội ngộ cùng nhà thơ Phạm Ngọc Thái, nhân dịp ông cho xuất bản tập "Phê bình & tiểu luận thi ca". Có thể nói đó là một tác phẩm bình luận văn học tuyệt vời, hấp dẫn và quí giá... sẽ chính thức ra mắt văn đàn chỉ trong ít ngày tới. Nhưng thôi, với tác phẩm phê bình và tiểu luận thi ca đó, khi nhà thơ công bố phát hành sẽ đề cập đến sau. Trong bài viết này chúng tôi lại muốn chuyện trò với bạn đọc về một vấn đề khác.

    Như tên đề ở trên: "Phạm Ngọc Thái với mấy nét tình sử về bài thơ "Người đàn bà trắng" - Đó là một bài thơ hoàn bích nhất của nhà thơ Phạm Ngọc Thái. Cũng trong buổi hội ngộ, chúng tôi có hỏi tác giả về tình sử của bài thơ tình đặc biệt này - Sau đây xin lược trình lại câu chuyện cùng bạn đọc, để mọi người có thể cảm nhận tình thi phong phú hơn.
            
Hỏi:

-    Theo chúng tôi được biết, Người Đàn Bà Trắng chính là một thần tượng về "tình yêu & đàn bà" của nhà thơ. Vậy mong ông nói đôi nét về người đàn bà... mà  ông đã viết nên bản tình ca bất hủ đó? Ngoài đời người ấy chiếm một vị trí như thế nào trong trái tim và cuộc sống thi nhân? Ông có thể hé mở một chút về cõi riêng tư đó... cho bạn đọc biết được không?

            
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái:   
             
-   Nói về thần tượng tình yêu với người đàn bà, nhà thơ Nga Ler-môn-tôp từng viết:
                Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
                Miếu thơ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
     Người-đàn-bà-trắng với tôi là một mối tình lãng mạn, nhưng không phải là một cuộc tình trăng gió. Chỉ bởi, tôi và nàng yêu nhau mà không thể đến với nhau được mà thôi.
- Tại sao vậy, thưa ông?
- Người không vượt qua được là tôi chứ không phải là nàng. Nhà thơ tiếp tục nói, khi đó tôi đã có gia đình riêng, nhưng lại không thể bỏ vợ, dù rằng rất yêu nàng. Nàng không có vướng mắc gì cả, thời gian ấy em vẫn còn là một thiếu nữ. Vấn đề này mình cũng chỉ trao đổi với nhau một chút, đơn giản như thế thôi nhé!
-    Vâng, không sao cả.

                       
Hỏi:

-   Xin ông cho biết số lượng những bài thơ ông đã đã sáng tác về người-đàn-bà-trắng có nhiều không? Đó là những bài thơ nào trong cả tuyển với hàng trăm bài thơ tình của ông, nhất là những tình thơ có thể gọi là hay?
                     
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái:

-   Nàng là người đàn bà mà mình đã viết nhiều thơ yêu nhất, cũng nhiều thơ tình hay nhất. Có lẽ Người Đàn Bà Trắng nổi trội và hay hơn cả đó thôi. Phần lớn những bài thơ tình mình sáng tác khi xúc cảm lên đến tột điểm, đều là những bài thơ viết về nàng.
     Như: Khóc bên Hồ Núi Cốc, Sáng thu vàng, Sáng xuân nay, Trong mưa, Tiếng rúc chim đêm, vớt trăng, Đêm thiếu nữ... còn rải rác hàng chục bài khác, không thể kể hết.

    Sau đó nhà thơ đã trao đổi với chúng tôi những lời tri kỷ qua một số bài thơ tình của ông, xung quanh chân dung Người-đàn-bà-trắng.

Nhà thơ Phạm Ngọc Thái:

-  Thí dụ, Trăng Dạt Trong Mây: Tôi đã sáng tác bài thơ này vào ngay sau cái ngày nàng đi... lấy chồng. Tại sao cái cảm giác khi nàng lên xe hoa lấy chồng lại giống như "bóng trăng dạt vào mây"? Nghĩa là, từ đây mối tình tôi và nàng sẽ bị lấp đi, tối đi, cũng như cái thời mơ mộng, cháy bỏng tình yêu... cùng bao khát vọng trái tim đời thiếu nữ của em, thế là không còn nữa? Nên mở đầu bài thơ viết:
                       Trăng dạt trong mây
                       Em trôi vào cuộc sống...
                       Bỏ lại những bến bờ khát vọng lùi xa
                       Và những đêm thiếu nữ bên hồ.
     Trong những ngày yêu nhau, em từng thổ lộ với tôi về những nỗi niềm riêng tư của cả cuộc đời. Yêu tha thiết đấy mặc dù vẫn biết là không thành. Em từng nói với tôi rằng em không muốn lấy chồng? Có lần tôi đã khuyên:
-   Thôi, em lấy chồng đi!
-   Sao anh lại nói vậy? nàng hỏi lại.
-   Như thế thì coi như cuộc đời đã an bài, dùng dằng mãi chỉ khổ nhau thêm?
     Bởi vậy trong bài mới có những câu thơ:
                      Anh không hỏi gió có buồn
                      Lá có buồn
                      Một chiều nào đó có hư không?
                      Nỗi buồn sâu xa cuộc sống...
     Cái tâm trạng chơi vơi, nửa vời - Thì mình đã muốn em đi lấy chồng mà? Nhưng khi em đi lấy chồng thật, lại thấy trong lòng trống vắng và mất mát:
                     Em bỏ lại trong lòng anh khoảng trống
                     Như thi ca! Tan vỡ mặt trời!
                     Trông theo em bờ-bãi-con-người
                     Ai sẽ nhặt lá rơi như những chiều thu ấy?
     Giây phút tôi lại nghĩ đến hình ảnh Hòn Trống Mái giữa biển khơi - Đó là núi-chồng, núi-vợ... mặc gió to sóng cả, bão táp dập vùi mà vẫn thuỷ chung:
                     Biển vẫn nuối ngàn năm quanh Trống  Mái
                     Sắc ti-gôn ai từng hát thay ta...
     Cả câu chuyện tình với sắc hoa ti-gôn trong bài thơ của TTKH như cũng đang hát vọng lên, nhập hoà vào trái tim yêu da diết của tôi đối với nàng. Người nữ sĩ đã từng than:
                    Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
                    Trời ơi! Người ấy có buồn không?
                    Có thầm nghĩ đến loài tim... vỡ,
                    Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
                                        (Hai sắc hoa ti-gôn)
     Còn ở trong bài Trăng Dạt Trong Mây thì:
                   Em đi biết bào giờ trở lại?
                   Gió hồn anh thổi mãi bến bờ xa...



      Ông nói sang một bài thơ khác cũng viết về Người-đàn-bà-trắng, bài "Sáng thu vàng": Vào một buổi sáng mùa thu sau thời gian xa cách - ông tiếp, bỗng nhiên tôi gặp lại nàng. Cái cảm giác gặp lại người yêu lâu ngày xa cách, cứ bàng hoàng đứng chôn chân giữa trời. Một sự tiếc nuối tràn đến, bên hồ làn tóc em bay trong gió, đôi mắt nhìn thăm thẳm. Lại thấy mình tiếc nuối vì đã giục em đi... lấy chồng? Nhưng tất cả đã rồi, chỉ biết thổ lộ vào thơ:
                    Sáng thu vàng mông mênh mênh mông
                    Anh đứng trông em bên bờ sóng vỗ
                    Hồn đã mất trong rừng hoang thiếu nữ
                    Và trái tim cũng không còn.
     Em vẫn rất đẹp và đầy cám dỗ, nhưng đã toát lên cái đẹp mang chất của một người đàn bà chứ không còn phải của một thiếu nữ khi xưa. Một chút gì đó đã phôi pha trên khuôn mặt, tâm hồn em có phần sâu lắng hơn:
                   Người con gái đã thành chính quả!
                   Phảng phất trên đầu đôi nét phôi pha
                   Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
                   Đường phúc hậu vầng trăng đầy nở...
                   Nghe không gian đổ vỡ cả mùa thu!
    Nhưng dù nàng có đẹp hay cám dỗ thế chăng nữa, thì với tôi tất cả cũng không còn. Nàng phá cả mùa thu trong xanh kia hay đã mang cả mùa thu êm đềm của tình yêu đi rồi?
-   Nghĩa là người đàn bà ấy đến với thi nhân, tất cả chính là để giành cho thi ca! Có phải vậy không, thưa ông?
-   Ý bạn muốn hỏi: với tôi, nàng chỉ là của thơ ca hay đã chiểm cả trái tim trong cuộc đời? Có lẽ là cả hai đấy! Người đàn bà ấy... tôi yêu mãi mãi. Bên em tôi lại thấy bồi hồi, một sự khao khát lại được sống với em như ngày xưa. Sự khao khát ấy là vô tận, không có hạn định của thời gian và cũng không có ngăn cách bởi không gian.

     Mình nói thêm một bài thơ nữa nhé, bài "sáng xuân nay" - Cũng vào một buổi sáng mùa xuân gặp lại, sau cái ngày em đi lấy chồng ấy. Hai đứa cùng nhau vào một quán nhỏ bên phố. Một cảm giác bâng khuâng, bổi hổi bên em lại tràn về. Hương trên mái tóc em, làn da, tấm thân nồng nàn người đàn bà... tất cả trộn hoà trong nhau. Thương nhớ và đắm đuối mà tạo thành những câu thơ:
                  Sáng xuân nay không chít khăn tang, không mang áo cưới...
                  Gió đi đâu không thấy thổi trên đường
                  Thơ nằm khóc trên nấm mồ êm ái
                  Anh chỉ ngồi thầm lặng bên em.
     Em vẫn đấy nhưng đâu còn em nữa? Em của tôi đã xa lắc, xa lơ mất rồi. Xa mãi không về...
                  Hương phảng phất bay lên từ mái tóc
                  Tình trắng tinh như ngửa đôi bàn tay
                  Đôi mắt em hoá thành mây trôi đi mất
                  Hồn anh chao dưới những lá cây rơi.

     Đúng là tình yêu và cuộc đời? xoè đôi bàn tay ra... chỉ còn là đôi bàn tay trắng. Trời đất cũng hoá vô vi. Ngồi bên em giây lát, bỗng nhiên mình lại liên tưởng đến bóng dáng của cái lão Giăng Van Giăng tội nghiệp trong tiểu thuyết "Những người cùng khổ" của V.Huy Gô. Suốt cuộc đời lão dành tình yêu thương cho nàng Cô Dét. Lão sống hết cho nàng. Ấy vậy mà... tới khi lão chết vẫn chỉ một nấm mồ thui thủi, cô đơn. Chỉ có những chiếc lá vàng, hết tháng năm này sang tháng năm khác là đều đặn rơi trên mồ lão - Hình ảnh ấy đã vào thơ:
                  Cứ yên lặng,
                  Ông lão Giăng Van Giăng yên lặng...
                  Tôi cũng như ông chỉ thấy lá vàng thôi,
                  Người đàn bà ấy đẹp giống cô Cô Dét
                  Nàng yêu tôi, nhưng nàng đã đi rồi!   
       Nghĩa là, mỗi bài thơ khi tôi viết về nàng đều từ một cảnh tình nào đó gợi ra, hoặc từ nỗi nhớ nhung tạo thành cảm xúc để trái tim nhà thơ gửi nỗi niềm của mình vào đó.
     Trong bài thơ Người Đàn Bà Trắng cũng vậy. Tình thi này anh Trần Tứ Đức đã bình khúc triết rồi, tôi chỉ dẫn giải thêm một chút - Nhà thơ nói tiếp, mình và nàng yêu nhau, chỉ bởi cảnh tình không lấy được nhau... chứ không phải bị chia rẽ hay bởi sự phá vỡ nào. Mình đã có vợ, còn nàng thì rồi cũng phải... lấy chồng. Dù thế, vẫn thương nhớ nhau cả đời. Nên mới có đoạn triết lý rằng:
                  Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
                  Anh cũng không làm chàng Trương Chi
                                                      suốt đời chèo sông vắng
                  Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
                  Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.

     Cám ơn sự chia sẻ của nhà thơ! Chỉ xin hỏi ông thêm một câu nữa:
-   Quan hệ giữa nhà thơ và người-đàn-bà-trắng đã bao giờ đi đến tận cùng của tình yêu chưa, thưa ông? Xin nhà thơ bỏ quá khi chúng tôi hỏi câu này, nếu như nhà thơ có thể hé mở sâu chút nữa, cho thiên tình sử thêm phần sống động?

-   Các bạn muốn hỏi mình và nàng đã đi đến tận cùng của tình yêu chưa à?


Nhà thơ Phạm Ngọc Thái:
                
     Cái quí nhất của người đàn bà chính là... "cái ấy"! Hầu như các thi nhân khi viết về tình yêu và đàn bà, ai cũng đều muốn có những bài thơ sáng tác về của quí đó. Đàn bà là xứ sở của đam mê, nơi bắt nguồn ngọn lửa Prômêtê sự sống, khát vọng trái tim cả loài người.
     Cũng xin nói ngay vào bài thơ Người đàn Bà Trắng, có một đoạn thơ đã viết:
                    Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai!
                    Người đàn bà ai mà định nghĩa?
    Chính là cái chỗ thiên thai mà tạo hoá đã sinh ra trên thân thể của người đàn bà. Hai chữ "chùm trinh", tức là chùm trái cấm - Ta có cảm giác như đó là cả một chùm trái thơm ngon lành của nàng đang trĩu trịt, ăn vào là nhớ mãi. Ca dao đã có câu:
                    Dao đâm vào thịt thì đau
                    Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời
     Liên tưởng tới truyện Kiều - Khi Kiều đang khoả thân trong buồng tắm, Nguyễn Du mô tả:
                    Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên

     Nếu ở đây ta bàn luận về hai chữ "dầy dầy" mà cụ đã tả ấy, đó là cái gì? Nghĩa của nó không thể để chỉ về thân thể của nàng Kiều được - Bởi vì, tấm thân Kiều mà lại "dầy dầy" thì khó coi quá. Một người đàn bà sắc đẹp đến nghiêng nước, nghiêng thành:
                    Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
     Mô-típ một người con gái đẹp thời xưa thường có một tấm thân mảnh mai như liễu, như mai... chứ không béo tốt, đẫy đà, đầy cảm hứng hưởng thụ như người hiện đại chúng ta bây giờ.
                    Làn thu thuỷ nét xuân sơn
                    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
     Kiều là như thế. Còn nếu tả về đôi má Kiều mà lại là "đôi má dầy dầy" thì... nói vô phép, quá là nói về má của... heo. Tôi thấy là chỉ có một chỗ duy nhất trên tấm thân Kiều là có thể dùng hai chữ "dầy dầy", đó là hai bên... mép bướm của nàng. Các bạn cứ tưởng tượng mà xem - Nhà thơ tiếp tục diễn tả: Nói về trái cấm của Kiều "dầy dầy"... thì đúng quá đi rồi! Ta liên tưởng tới câu thơ bà Hồ Xuân Hương cũng tả về chỗ ấy:
                    Cỏ gà lún phún leo quanh mép
                    Cá diếc le te lách giữa dòng
     Cho nên, tôi cho rằng hình ảnh câu thơ "dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên" mà đại thi hào Nguyễn du muốn nói đến, chính là cái... "bướm" của Kiều. Cả một toà thiên nhiên mà tạo hoá đã sẵn đúc trên thân thể nàng. Thi nhân nào chả muốn chơi thơ. Các bậc tổ tiên ta cũng rất khoái nói về của ấy, nhưng Người khéo dùng chữ nghĩa cho lẩn đi mà thôi.

     Xin trở lại với bài thơ Người Đàn Bà Trắng: "chùm trinh" của nàng reo ca... "chùm trinh" của nàng đã hát... Thân thể hoà với tâm hồn nàng đã trở thành một tượng đài bất hủ - Hàm ý ấy được tích đọng vào trong câu thơ mang đầy tính triết lý:
                     Người đàn bà ai mà định nghĩa?
     Vậy theo các bạn, viết được một bài thơ ý tình như thế thì mình đã đi đến tận cùng trong tình yêu đối với nàng chưa? Ông cười ha hả, sau đó chuyển sang nói về một bài thơ khác.

      Bài "Khóc bên Hồ Núi Cốc" - Bài này cũng viết về Người-đàn-bà-trắng đấy, ông nhấn mạnh lại như vậy.
     Vào một đêm mưa to gió lớn, đứng giữa bàu trời Hồ Núi Cốc mịt mùng... hoà trong câu chuyện tình huyền thoại đau thương, lãng mạn trong truyền thuyết về nàng Công - chàng Cốc. Lòng tôi bỗng bồn chồn, lại da diết nhớ đến người đàn bà của mình. Ôi, những phút giây đã sống và ân ái với nàng? Nàng hiện lên trên bàu trời với cả một tấm thân kiều diễm và mơ mộng, như câu thơ đã tả:
                     Em khỏa thân nằm trên bóng bến xưa bay...
     Bài thơ Khóc Bên Hồ Núi Cốc này đã được một nữ nhà giáo Diễm Loan bình, cũng có in trong tập "Phê bình & tiểu luận thi ca" này, ông bảo vậy. Khi các bạn hỏi mình và nàng đã đi đến tận cùng của tình yêu chưa? Các bạn hãy nghe những câu thơ:
                    Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
                    Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!
     Đó là cảm xúc bởi nỗi khát khao yêu đến tột cùng. Đôi vú của người yêu cũng như cái ấy... là vô giá nhất của người đàn bà. Người-đàn-bà-trắng có một tấm thân hút đến mê hồn, nên những bài thơ tình tôi viết về nàng thường mang màu hoang dã. Tình thơ bao giờ cũng dâng lên một cảm xúc cồn cào, muốn ôm ấp thân thể nàng, cùng người yêu hưởng niềm lạc thú. Nói như thế không phải là tình yêu với nàng không thanh tao? Đâu phải vậy. Có những người đàn bà không chỉ vẻ đẹp của tâm hồn mà cả thể xác cũng quyến rũ, làm ta say đắm đến tột cùng. Nàng thuộc vào loại người đàn bà ấy. Bởi vậy, trong bài thơ Người Đàn Bà Trắng mình mới kết rằng:
                     Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
                     Những đêm sao buồn, những đêm gió khát,
                     Khúc thơ tình anh lại viết về em
                     Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...

       Cám ơn nhà thơ!

       Để kết thúc bài viết với mấy nét về thiên tình sử này, chúng tôi xin đăng lại toàn bộ tình thi trác tuyệt ấy của thi nhân, để bạn đọc thêm một lần cùng thưởng lãm:
                   
                    NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG
                                Người đàn bà đi trong mưa rơi
                                Chứa một trời thầm như hoa vậy...

          Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
          Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
          Đôi mắt em đong những áng mây
          Người đàn bà trắng!

          Em đi, về... chao những hàng cây
          Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
          Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
          Xõa ngang vai mái hất tơi bời.

          Nỗi niềm thao thức
          Những đêm trăng nước...
          Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai!
          Người đàn bà ai mà định nghĩa?

          Đường xưa đó về đây em ơi!
          Những con đường đã đầy xác lá rơi
          Xác ve, xác gió và xác của mưa.

          Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
          Anh cũng không làm chàng Trương Chi
                                               suốt đời chèo sông vắng
          Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
          Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.

          Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
          Những đêm sao buồn, những đêm gió khát,
          Khúc thơ tình anh lại viết về em!
          Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...



       Hà Nội -  6.11.2013
       Th.sĩ Anh Nguyễn
       Giảng viên Trường ĐH Quốc Gia VN

Nguyên văn từ : nguyen.vienvanhoc@gmail.com


READ MORE - Phạm Ngọc Thái với mấy nét tình sử về bài thơ "Người đàn bà trắng" - Anh Nguyễn

TRÚC THANH TÂM: TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG TRONG NHỮNG BÀI THƠ THỜI CHIẾN - Nguyễn An Bình

                      

    
Phải gần 38 năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trúc Thanh Tâm, mặc dù có thời gian khá dài chúng tôi ở cùng chung một thành phố sau năm 1975 trước khi anh có quyết định về Châu Đốc định cư hẳn, nhà của Trúc Thanh Tâm cũng không xa nhà tôi mấy. Được gặp lại anh, trong một ngày xuân ấm áp ở quê nhà, bên mấy ly bia và một dĩa khô nhỏ bên con rạch Cái Khế  nhìn ra ngoài sông gió thổi lồng lộng với dãy đèn đêm vàng hực in hình trên bóng nước lấp loáng mới cảm nhận hết được thời gian trôi qua nhanh như một giấc mộng. Người xưa thường nói “Bóng câu cửa sổ”, ngày trước đi học được thầy giảng dạy cho hiểu nhưng cũng không thật để tâm lắm đến ý nghĩa sâu xa của nó, bây giờ mới thật thấm thía “đời có bao lâu mà hững hờ”. Hai anh em ôn lại thời còn làm văn nghệ trước 1975, hỏi thăm nhau bạn bè văn nghệ xưa ai còn ai mất  mà cảm xúc khôn nguôi. Gặp lại Trúc Thanh Tâm, có dịp đọc lại thơ anh trên các trang mạng cảm giác đầu tiên của tôi là anh vẫn giữ được những tình cảm chân thật, sâu lắng và có thể nói là vẫn thủy chung, tha thiết với tình yêu quê hương, với những kỷ niệm một thời đi học và những mối tình đâu đó chợt đi qua trong tâm hồn nhà thơ, có điều nó đã được nâng lên ở một cấp độ cao hơn, tinh tế hơn và cũng thật hơn. Thơ anh viết gần như tự nhiên, gần gủi với cuộc sống, những câu thơ viết cho bạn bè, người thân, và cho những người tình không quen biết đều thấm đượm sự chân tình, giàu cảm xúc hình ảnh, xen lẩn những lời thơ hóm hỉnh đáng yêu, đời thường không cường điệu, chính vì thế làm cho người đọc thơ anh cảm thấy thích thú như thấy trong bài thơ anh đâu đó có mình trong đó. Tôi có đọc một số comment của một số độc giả trẻ trên blog Trăng Nguyên Thủy của anh bày tỏ sự ái mộ và có bạn lại hỏi khéo nhà thơ chừng nào in thơ để được đăng ký là một trong những người ủng hộ đầu tiên thì cũng đủ thấy thơ Trúc Thanh Tâm đã thật sự có chổ đứng vững vàng trong lòng người yêu thơ.

Chẳng hạn như trong bài Ví Dụ có những câu thơ làm người đọc bật cười trước lời tỏ tình như một ví dụ ướm thử để khỏi đau lòng, bất ngờ khi bị người đẹp từ chối và sự trả lời rất ngây thơ nhưng cũng rất chân thật dễ thương trước một thực tế khá phũ phàng của cuộc sống:

Cứ là ví dụ, vợ chồng
Đừng nghe thiên hạ dối lòng, bán mua
Nhỏ cười chúm chím, mây mưa
Sống cùng thi sĩ vẽ bùa, ăn thơ.

Một bài thơ khác “Chuyện cổ tích”  mà anh ký tặng tôi khi anh về Cần Thơ mới đây cuối tháng 9 vừa rồi, khi ngồi cùng nhau bên tiệc rượu nhỏ anh, tôi, Trần Duy Cang đã cùng ôn lại những kỷ niệm làm văn nghệ thời đó, cũng có những đoạn thơ đáng yêu như thế:

Trệt đất xuống cho mát trời ông địa
Nước mắt quê hương uống thét phát ghiền
Mấy thằng nam đừng chơi gian lận
Lót long đền, phái nữ họ ghen!

Món dân dã, lai rai tới bến
Đâu ở đâu, lại giống xứ mình
Trước khi chết còn xuống câu vọng cổ
Bạn ta cười, vỗ vế, y kinh!

Và rồi anh cũng nhận ra cuộc đời vốn dĩ cũng chỉ là phù du, ngắn ngủi thì chúng ta hãy xem như là một “Chuyện cổ tích”, có lẽ Trúc Thanh Tâm muốn thế và anh cũng mong bạn bè anh nghĩ thế.

Mấy chục năm, biết trên biết dưới
Có chìm xuồng cũng hú hí cho vui
Hương một thuở nghe còn thơm phức
Nhằm nhò gì, chuyện cổ tích, trời ơi!

Nhưng ở đây tôi muốn nhắc đến thơ anh ở một bình diện khác: Một Trúc Thanh Tâm với nỗi khắc khoải khôn nguôi về tình yêu quê hương trong những bài thơ thời chiến trước 1975.

Thời ấy chúng tôi yêu văn nghệ, thích làm thơ viết văn và tự tìm đến nhau một cách vô tư, trong veo không vướng bận những ganh đua vẩn tục thường tình. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi, khi tôi bước vào giảng đường đại học thì anh đã là người lính trong thời chiến nhưng không vì thế giữa chúng tôi có sự ngăn cách. Tôi không nhớ quen anh từ lúc nào nhưng có lẽ từ lúc gặp nhau trong buổi ra mắt tập thơ Như Lá Me Sầu của Mặc Uyên Thi(tên thật Trương Chí Tiến, sau nầy là giảng viên Đại Học Cần Thơ) ở một quán cà phê ở đường Mạc Tử Sanh khoảng năm 69-70 gì đó. Lúc ấy anh cùng với Mặc Uyên Thi lập nhóm Hoa Thời Gian và hoạt động khá đều trên báo chí, sau đó không lâu anh hợp nhất với Trần Duy Cang( còn có bút danh Nguyên Thy Hồng), Trần Hòa Nhã thành lập nhóm Trăng Nguyên Thủy. Đây có lẽ đây là thời kỳ nhóm Trăng Nguyên Thủy hoạt động sôi nổi nhất, lúc ấy anh có gởi tặng tập thơ của nhóm lúc đó qui tụ thêm được một số bạn thơ sinh viên như Lê Vũ Hùng, Nguyễn Thanh Hùng, Hồ Ngọc Ẩn, Bùi Thị Sại. Rất tiếc sau năm 1975 những tập thơ ấy tôi không còn giữ được.  Tuy không hoạt động văn nghệ chung nhóm với anh nhưng chúng tôi vẫn chơi với nhau thật thân tình, gần gủi. Còn nhớ thời kỳ ấy văn nghệ miền Tây phát triển một cách tự phát nhưng không gì thế mà không có sự gắn kết với nhau. Ở Vĩnh Long có thi văn đoàn Áng Thơ Đêm của Trần Mộng Hoàng, Mỹ Tho có Văn nghệ Mây Đỉnh Cao của Thanh Uyên Vũ…, chúng tôi đều có liên hệ, trao đổi. Làm sao quên được những kỷ niệm một thời làm văn nghệ thuở ấy, lúc Trần Mộng Hoàng ra mắt tạp chí Tham Dự số 1 khoảng năm 70, tôi cùng Trúc Thanh Tâm, Trần Duy Cang, Lê Vũ Hùng, sau nầy là thứ trưởng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo (đã mất) đã qua dự, chúng tôi có dịp quen thêm các nhà văn nhà thơ như Việt Chung Tử, Mai Trúc Linh….Còn nhớ giữa trưa nắng chói chang, chúng tôi với hai chiếc honda cà tàng đến Tam Bình thăm Mai Trúc Linh, lúc bấy giờ đang là phó quận. Con đường vào quận vắng vẻ, ruộng đồng xác xơ mà ai cũng biết là không nên  qua lại sau 5,6 giờ chiều vì có thể một viên đạn lạc nào đó găm vào mình và mãi mãi ta không biết viên đạn đó xuất phát từ đâu, bên nầy hay bên kia. Chiến tranh thời ấy khốc liệt như vậy. Nói như thế để thấy được niềm say mê gặp gỡ, giao lưu văn nghệ của chúng tôi lúc ấy mạnh mẽ như thế nào.

Chúng tôi cũng thường đọc thơ nhau khi bài được đăng trên báo. Ở Trúc Thanh Tâm tôi nhớ nhất là những bài thơ của anh đăng trên nhật báo Tin Sáng lúc bấy giờ. Phải nói rõ thêm nhật báo Tin Sáng thời ấy là một tờ báo đối lập với chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ do dân biểu Ngô Công Đức đứng tên, tôi và anh đều có bài cộng tác ở trang Thơ Thời Chiến do dân biểu Kiều Mộng Thu phụ trách. Thơ anh xuất hiện khá đều đặn. Điều đó cũng dễ hiểu, bấy giờ anh là nhà thơ mặc áo lính nên không khí, hơi thở chiến tranh, tình yêu quê hương và những nỗi xót xa trước cuộc chiến  được anh tiếp cận, thể hiện khá rõ nét.

Mặc dù lúc ấy tôi đã vào đại học ,  thường làm thơ tình học trò nhiều hơn là những loại thơ khác, nên thơ chưa cảm nhận gì nhiều về sự khốc liệt của chiến tranh nhưng tôi lại thích đọc thơ của những nhà thơ mặc áo lính lúc bấy giờ như Du Tử Lê, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Trần Dzạ Lữ, Hồ Chí Bửu, Phù Hư, Kim Tuấn… nên sau nầy tôi có dịp so sánh thơ anh gần gũi với thơ Kim Tuấn hơn cả. Sự khốc liệt, trần trụi, tàn nhẫn đôi khi tuyệt vọng trước một cuộc chiến  mà hai tiếng hòa bình hình như còn quá xa vời thể hiện rõ nét ở thơ của Hồ Chí Bửu, Trần Dzạ Lữ, Du Tử Lê; nhuốm màu quan tái như các bài Ngậm thẻ qua sông, Đồn sơn yểm, Quân bộ khúc của Phù Hư; cao ngạo ngang tàng coi đó như trò đùa của con tạo, rong chơi cùng vũ khí như trong thơ của Luân Hoán. Ở thơ Kim Tuấn nhất là những bài thơ khi ông còn là lính đồn trú  ở Pleiku, nỗi xót xa về cuộc chiến như một vết sẹo đau buồn không tránh được nó phảng phất ăn sâu vào tâm hồn nhà thơ:

Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
Trong thời chiến tranh mấy lần xuôi ngược
Lửa đỏ đồng hoang người chết bên đường
Máu thẩm bên bờ ruộng đất quê hương
Tháng giá mùa đông không còn áo mặc
                       ...
Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
Câu chuyện mười năm buồn như cắt ruột
Lửa ngày xưa cháy quê hương.
                      (Kim Tuấn-Lửa đỏ mười năm)

Thì ở trong thơ Trúc Thanh Tâm cuộc chiến cũng đồng nghĩa với chết chóc, với đau thương, mất mát không có gì có thể bù đắp, thay thế được:

Như Việt Nam nầy ngày tháng đau thương
Như ta một lần rồi cũng bỏ trường
Như thầy của ta bỏ màu áo đạo
Như bạn bè ta chết giữa thê lương !

Nên ta bây giờ ghét kẻ cuồng ngông
Nhìn máu Việt Nam chảy đỏ theo sông
Nhìn từng lớp xương, nhìn từng xác thịt
Nhìn từng mái đầu chít vội khăn tang !

Hăm ba tuổi đời, ta vẫn là ta
Việt Nam vẫn thêm hận tủi chan hòa
Ta thấy cổ truyền Á Đông như mất
Lỡ nhận kiếp người đành nhận xót xa !
               (Một trái tim-1970)

Hay trong một bài thơ khác, Trúc Thanh Tâm cho ta thấy một hình ảnh quê hương với những  cảnh đời bất hạnh, mà người ta cố tình phung phí máu xương như một món hàng rẻ mạt:

                Buổi sáng qua đường gặp người ăn xin
                Việt Nam đau thương, Việt Nam tội tình
                Thế kỷ hai mươi, con người tranh sống
                Thành phố Sài Gòn mọc nhiều building  !
                Chiến cuộc kéo dài, người bỏ nhau đi
                Đứa trẻ không cha lúc mới chào đời
                Nước mắt mẹ rơi, nồi da xáo thịt
                Những dòng sông buồn có những thây trôi  !

                Ta khóc cho người, ta khóc cho ta
                Khóc cho Việt Nam hận tủi chan hòa
                Em hãy lớn khôn để mà hiểu rõ
                Cuộc đời không ngoài hình thức đám ma  !

                Đói rách vẫn còn triền miên đó em
                Hãy nhớ nghe em đừng có sai lầm
                Dù cho người đời bon chen đến mấy
                Xin nhớ một điều, linh hồn Việt Nam  !

                Xa xí phẩm nào rẻ như máu xương
                Em hãy về đốt một nén hương
                Cho người đã chết và đang chết
                Giọt máu Việt Nam định nghĩa chiến trường !
                                         (Giọt máu Việt Nam-1970)

Để thấy được phút giây đợi chờ ngày  đất nước ngưng tiếng súng, quê hương ruộng đồng thôi máu chảy, xác xơ nó thiêng liêng mầu nhiệm đến mức nào, nó như òa vỡ ra như ngọn lửa hòa bình bùng cháy trong tim mỗi người:

                   Ta cũng một lần nói tiếng thủy chung
                   Yêu em nghe sao đau khổ tột cùng
                   Rách nát quê hương, một dòng máu chảy
                   Ta ở bên nầy, em bên kia sông  !
                   ………
                   Đời còn được gì sau những bình minh
                   Bao người đấu tranh, nào phải tội tình
                   Tham vọng điên cuồng mà em thấy đó
                   Đất nước mình nghèo nhưng giàu những lương tâm  !

                   Em hãy bây giờ gần lại anh hơn
                   Để thấy trong nhau giọt nước mắt buồn
                   Để thương người sống không về nữa
                   Đất trổ hoa màu dù lắm mưa bom  !

                   Ta cũng một lần nói tiếng yêu em
                   Ta cũng một lần nghe những khát thèm
                   Ta cũng một lần nghe người tự thú
                   Ngọn lửa hòa bình cháy mãi trong tim  !
                                         (Phút Đợi Chờ-1970)

Anh mơ ước được tay nắm lấy bàn tay, hình dung một đất nước hòa bình như thế nào và tình yêu như ngọn lửa hồng được nhóm lên trong đêm đông giá rét làm ấm lòng đôi trai gái bền bĩ chờ nhau qua những năm tháng chiến tranh đẹp biết bao:
                     Hành trang anh còn nặng tình xứ sở
                    Những tủi hờn, những kỷ niệm chưa vơi
                    Nên tình em, anh vẫn chưa ngỏ ý
                    Sợ mai kia, em lỡ mất cuộc đời  !

                    Em có nghe trong nỗi sầu con gái
                    Trời mùa đông, ai nhóm bếp lửa hồng
                    Đất mẹ ơi, còn hai miền Nam, Bắc
                    Một chiếc cầu thương nhớ một bến sông !

                    Anh còn gì, những tháng ngày cơm áo
                    Em được gì, những kiến thức bán mua
                    Trong can qua, người giành nhau sự sống
                    Thương nhau hơn giữa xã hội lọc lừa  !

                    Anh hình dung một hòa bình mai mốt
                    Khi chiến tranh thật sự đã an bày
                    Anh trở về với tình anh buổi trước
                    Em thẹn thùng, tay nắm lấy bàn tay  !
                                           (Tay Nắm Bàn Tay-1971)

Tôi biết ở nước ngoài có một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng lúc còn ở Việt Nam tập hợp những bài thơ tình miền Nam thời chiến in thành tuyển tập, trong nước không biết có nhà nghiên cứu, biên khảo văn học  nào chú ý đến mảng đề tài nầy không, nếu có một ngày đẹp trời nào đó tuyển thơ “THƠ MIỀN NAM THỜI CHIẾN” ra mắt thì Trúc Thanh Tâm xứng đáng có mặt trong tác phẩm đó và tôi hy vọng ngày đó không còn xa nữa.

Bên bờ sông Hậu, tháng 11/2013
NGUYỄN AN BÌNH
        


         
READ MORE - TRÚC THANH TÂM: TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG TRONG NHỮNG BÀI THƠ THỜI CHIẾN - Nguyễn An Bình

ĐÊM NẰM VIỆN NGHE KỂ VỀ TÂY NINH - Phan Minh Châu



Nhập viện cách nhau vài ngày
Anh nằm sát bên tôi
Chỉ một sãi chân đủ quàng tay với tới.
Tôi mỗ tai còn anh mổ bướu
Cục bướu lớn dần nơi cuống họng của anh
Anh hỏi tôi quê đâu ?
- Tôi là dân gốc rạ .
Nơi bốn mùa chất ngất lúa đồng sâu
Nơi miền trung nắng sớm,mưa chiều
Nơi hun hút những phố phường đô thị
Nơi tre xanh đã làm nên thành lũy
Nơi máu thịt đồng bào nhuộm sáng quê hương
- Còn ông quê đâu?
Anh gượng cơn đau ngày đêm đang hành hạ
Đất quê mình vùng đất sáng Tây Ninh
Nơi những người dân thấm đẫm nghĩa tình
Nơi sống lại bởi vòng tay cách mạng
Nơi chúng tôi đi lên kể từ ngày có Đảng
Nơi đồng chí ,đồng bào một dạ sống kiên trung
Anh kể tôi nghe về tòa thánh Tây Ninh
Về hồ Dầu Tiếng.
Về núi Bà Đen nơi trữ nguồn nước lớn
Nuôi cánh đồng sốt hạn bốn nghìn năm
Về hội yến Diêu Trì tòa thánh Tây Ninh
Về bản Cà Na khu vui chơi còn dây nhiều chiến tích
Về vườn quốc gia Lò Giò-Xa Mát
Về mảnh đất bốn mùa lồng lộng gió phương nam……
Sau đêm chuyện trò
Tôi biết anh bị khối u ác tính
Nhà thì nghèo không đủ để lo toan
Tiền nằm viện vợ anh vay đem tới
Anh cứ dững dưng khe khẽ lắc đầu
Bằng một giọng trầm buồn…
Chết đi rồi hết nợ… có sao đâu ?…
Chia tay anh một ngày cuối chạp
Tôi về lại miền Trung
Anh nằm lại vùng quê trong suốt
Nơi những tâm hồn đau đáu gọi: Tây Ninh.


Phan Minh Châu
READ MORE - ĐÊM NẰM VIỆN NGHE KỂ VỀ TÂY NINH - Phan Minh Châu

Huy Uyên - ĐÀ LẠT, HOA CŨNG BUỒN - TÌNH PHỤ TRÀ-VINH



Đà-lạt, hoa cũng buồn

Tôi bơ vơ tìm em
bên hồ, đồi đầy hoa nở
khi xưa áo người màu dã-quì vàng
trải luống vườn ai đầy bông cải nhỏ .

Lang-Biang mãi buồn chuyện tình ngày cũ
mùi hương theo lên ngát chân đèo
bồng bềnh mây trôi cùng gió
em chậm bước thôi
có đợi tôi theo .

Tóc bay rừng lạnh
cùng chiều bỏ đi
hoa nhà ai ngủ ngoài thung-lũng
sương cũng bay ngập mù
áo em khuya về ướt đẫm
thoáng đâu hơi thở đời hoa .

Em tặng tôi cánh mimosa tiếc nhớ
để về làm đám tang trái tim buồn
mai-anh-đào rưng lạnh mấy mùa sương
giai-nhân có còn má hồng sắc đỏ .

Cả đêm tím-phượng gọi đêm hè
hoa-bất-tử níu tình người ở lại
bên núi cao thác hát tôi đợi em về
rồi ngày rất xa
ai vội đưa tay hái
máu tim đời, màu hoa má ai

Bỏ lại em chùm hoa cúc-dại
chết lòng một đời đi theo một người con gái .

Không đâu
Đà-lạt lạnh buồn nữa đời hoa nỡ
quạnh hiu xưa trôi quanh cánh lan-rừng
quanh em mắt môi
thoáng giọng cười đẹp dáng quỳnh-hương
bên tiểu-nhật-quỳnh dỗ lòng pha lệ nhỏ .

Hái trao người cỏ thắm đổ-quyên
về tô lại môi son thời mới lớn
xác pháo năm xưa xao xuyến chuyện buồn
nhớ thương một mối tình không trọn .

Chết lòng mồ-côi lan-hồ-điệp
suốt đời hơi thở cánh-sen
đứng một mình bên hồ nuối tiếc
tôi dõi theo em trời Đà-lạt ngũ buồn .

Những chiều cuối năm bồng bềnh
sắt se hoàng hôn tối tím
ly-cà-phê hơi thở rừng
Đà-lạt cháy lòng tình ai dấu kín
trôi đi chiều,đêm với những khói sương .

Huy Uyên

           

Tình-phụ Trà-vinh

Lần gặp em con gái miền Tây
quanh năm chèo thuyền lưới cá
hát lời sông rạch theo buồn xa bay
mặn chát quê nghèo
đợi chờ người từ thuở .

Sáng mai thả tóc cùng sông đầy gió
em có cho tôi về chở nắng lên chiều
thương ai mà lời chưa ngõ
ấp e lòng ơi người tôi yêu .

em sắc xanh ruộng đồng
mấy mùa sông Hậu
tôi thương em ngơ ngẫn đứng bên đường
nhìn em của tôi
mà thương hoài con chim sáo
bay đi rồi,phương Nam nhớ nhung .

Dài chi mấy tình Trà-cú
em ra giặt áo bến sông
bàn tay dịu dàng
chiều đi và chiều no gió
thổi sang chi làm tôi đau lòng .

Thương em đồng sâu ruộng cạn
lũ tràn nước mắt chạy quanh
thương em trời cao đất rộng
dấu ai nổi nhớ đầy lòng .

Nghe nói em cùng chiều rưng rưng
nghiêng trời Cần-thơ bông điên-điển nỡ
đêm trôi những đám lục-bình
chưa lần thuyền trôi về bến đổ .

Phai nhạt chi để lòng thấy nhớ
ngọt cay theo từng dặm sông Tiền
qua cầu Càn-thơ
mà chín vàng theo mùa lúa
Trà vinh ơi nhớ cháy lòng
cháy mấy đời em luân-lạc

Sông Cữu-long trôi sóng vỗ
em duyên nợ mùa cưới xin
ngày trước
tôi nắm tay em hỏi nhỏ
bao giờ làm đám cưới hai mình .

Hoa tím ngày xưa em dấu kín trong tim
dưới rặng dừa xanh dãi dầu mưa nắng
bao lần hò hẹn
dấu chân ai đi mãi
để tôi một mình .

Hạ về chim đồng trắng
em ra gặt lúa bỏ lại tình
mưa chiều bên sông vắng
nhớ miền Tây
và người con gái Trà-vinh


Huy-Uyên
READ MORE - Huy Uyên - ĐÀ LẠT, HOA CŨNG BUỒN - TÌNH PHỤ TRÀ-VINH