Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, December 24, 2014

Đôi dòng về “Những dấu ấn lịch sử” của anh Lê Ngọc Phái - NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI

Đôi dòng về “Những dấu ấn lịch sử”
         của anh Lê Ngọc Phái   
                                                                       
                                      NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI
                                      (Cựu Giảng viên ĐHKH Huế)   
                                                           
                  Sau gần ba năm miệt mài cặm cụi và đam mê, một hôm, anh nói với tôi: Anh đã hoàn thành tập thơ “Những dấu ấn lịch sử” rồi, em viết lời giới thiệu nhé.  Ba năm, vẫn còn trong tôi hình ảnh anh bên máy computer từng đêm, từng sáng, từng chiều… đọc, đọc rồi viết... Lâu lâu, cảm xúc vì một sự kiện nào đó, anh say sưa kể tôi nghe.

           Từ lâu, với tôi lịch sử là môn khô khan, những con số, niên hiệu, chiến công ... không dễ kéo ai vào cuộc cùng mình. Nhưng anh thực sự đã làm tôi thích vì anh kể chuyện lịch sử bằng những bài thơ Đường luật. Những bài thơ 8 câu 7 chữ đang kể về những vị anh hùng dân tộc của nước Việt thân yêu thật ngọt ngào và tuyệt đẹp. Họ sinh ra ở đâu, làm gì, đã lập nên những chiến công hiển hách vào thời đại nào? Đánh đuổi ngoại xâm bằng những chiến thuật gì? Chuyện không có gì mới lạ nhưng liệu ai đã học, đã nghe, đã đọc còn nhớ hết…?
                 Hàng ngày chúng ta đi qua bao con đường, ngõ phố mang tên các vị anh hùng dân tộc. Nào Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Cao Thắng vân vân và vân vân... Có bao giờ chúng ta tự hỏi họ là ai? Đã đánh thắng quân Tần, quân Hán, quân Nguyên hay quân Pháp...? Hay chúng ta vô tình đi rồi lại đi. Tôi nghĩ, để giải đáp nhanh, ngắn gọn nhất thì hãy mở tập thơ “Những dấu ấn lịch sử" của tác giả Lê Ngọc Phái ra tìm hiểu.
Hãy nghe anh kể về người anh hùng đất Hoa Lư:
                    Đánh trận cờ lau buổi thiếu thời
                    Điều hành binh tướng, tưởng rằng chơi
                    Mổ trâu khao bạn say sưa chén
                    Rước kiệu nghinh “vua" rộn rã cười
                                       (Đánh trận cờ lau - LNP)

Với những dòng thơ vui tươi lạ lùng như thế, đố ai không muốn biết tại sao thuở bé Đinh Tiên Hoàng đã từng mổ trâu khao tiệc bạn cùng tham gia những trận đánh bằng cờ lau tưng bừng thế nào.
                  Bạch Đằng Giang, con sông mãi còn ghi dấu tích của bao nhiêu trận đánh oai hùng của quân dân ta, thủy triều con sông cứ vô tư lên rồi xuống nhưng với những nhà chiến lược tài ba thì đây là thời cơ chiến thắng. Ngô Quyền, Lê Đại Hành rồi Trần Hưng Đạo, tất cả đều lập công trên con sông Bạch Đằng bằng con nước trời cho:
                    Đốn cây, vạc gỗ dìm sông rộng
                    Nhử giặc, đưa thuyền đến bãi sâu
                    Bạch Đằng diệu kế xua tan địch
                    Chấm dứt đêm dài chịu khổ đau
                                              (Ngô Quyền - LNP)
Hoặc.           Ba lần lãnh đạo chống Mông Nguyên
                    Quốc Tuấn xua tan lũ bá quyền
                    Hàm Tử, Lạng Sơn nghe khiếp vía
                    Bạch Đằng, Tây Kết thấy kinh thiên
                                          (Trần Quốc Tuấn - LNP)

                   Ai đã ba lần lãnh đạo quân dân đánh thắng giặc Nguyên Mông, ai là vị Tổng tư lệnh quân đội được thế giới tôn vinh là một trong mười tướng lãnh giỏi nhất trái đất? Đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Và tên ông luôn được đặt cho con đường lớn trong thành phố: đường Trần Hưng Đạo. Nhà thơ Lê Ngọc Phái giả vờ đố chúng ta xem có biết Trần Quốc Tuấn là ai nên đã cảm kích đặt tên bài thơ là tên khai sinh của ông, Đức Thánh Trần nổi tiếng mà nhân gian đã xưng tụng.

    Tôi không điểm lại hết tất cả các chiến công của cả trăm vị anh hùng mà tác giả đã viết, nhưng tôi muốn chúng ta cùng nhau tưởng niệm  tấm lòng yêu nước của các chí sĩ thời chống Pháp, hầu hết họ là những người sẵn sàng hiến dâng thân mình cho tổ quốc: Đại thần Nguyễn Tri Phương sẵn sàng nhịn ăn chịu chết, Tổng đốc Hoàng Diệu dùng khăn bịt đầu tự vẫn sau khi vào hành cung thảo tờ di biểu, Lâm Hoành và Trần Thúc Nhẫn nhảy xuống sông khi thành Trấn Hải (Thuận An Huế) thất thủ, Trương Định rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công), Phạm Hồng Thái gieo mình xuống sông Châu Giang (Trung Quốc) khi thất bại trong việc ám sát Toàn quyền Đông Dương Pháp, Cô Giang dùng súng bắn vào mình ở gốc cây đề làng Thổ Tang (Vĩnh Phúc):
                     Nguyễn Tri Phương bậc đại công thần
                    Chống lũ tham tàn chẳng tiếc thân
                    Đã bị thương, lòng cam chịu chết
                    Quyết hy sinh, địch chữa đâu cần
                                   (Nguyễn Tri Phương - LNP)
Hoặc            Triều đình bão táp dậy kinh đô
                    
Hạm đội Lang Sa chiếm cõi bờ
                    Lâm Hoành tuẫn tiết gương luôn sáng

                    Thúc Nhẫn hy sinh chí chẳng mờ
                              (Bão táp kinh thành Huế-LNP)
Hoặc            Trương Định dốc lòng đuổi giặc Tây
                    Lo toan việc nước suốt đêm ngày
                    Mượn gươm thiêng thoát bàn tay quỷ
                    Bản lĩnh anh hùng đáng kính thay!
                                            (Trương Định – LNP)
Hoặc:           Châu Giang cuộn nước khơi lòng nhớ
                    Hồng Thái gieo mình dậy sóng thương
                    Tiếng bom Sa Diện rền muôn thuở
                    Trước mộ anh hùng ngấn lệ vương!
                         (Viếng mộ Phạm Hồng Thái - LNP)

               Và biết bao nhiêu vị anh hùng hy sinh trên mặt trận như Lãnh Binh Thăng, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Cao Thắng…đều đã tử thương anh dũng trong các trận quyết chiến:
                    Danh lừng Ông Lãnh huyện Tân An
                    Đánh đuổi quân Tây, diệt bạo tàn
                    Cùng nghĩa binh tầm vông vạc nhọn
                    Quyết tâm kháng chiến chẳng quy hàng.
                                   (Lãnh Binh Thăng – LNP)
Hoặc:           Địch vây tứ phía không run sợ
                    Súng bắn liên hồi chẳng hãi kinh
                    Công Tráng tô hồng trang sử Việt
                    Đời đời rạng rỡ bậc anh linh.
                                (Đinh Công Tráng – LNP)
Hoặc:           Địch đào mồ mã, không lay chuyển
                    Tây bắt thân nhân, chẳng chịu về
                    Lâm phải trọng thương ngoài chiến tuyến
                    Dở dang sự nghiệp, xót câu thề!
                                  (Phan Đình Phùng – LNP)

             Thủ Khoa Huân bị hành quyết tại Mỹ Tịnh An (Tiền Giang), Nguyễn Trung Trực bị hành hình tại Rạch Giá, Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chém tại An Hòa (Huế), Trần Quý Cáp bị chặt ngang lưng bên cầu Phước Thạnh - sông Cạn (Khánh Hòa), Nguyễn Thái Học, Ký Con và hàng trăm người khác trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái đã bị chém hoặc bị bắn bởi giặc Pháp:
                   Ngọt lời dụ dỗ đâu nao núng
                   Khổ chốn lao lung chẳng ngại ngần
                   Thà chết không theo loài ác quỷ
                   Nghìn đời ngưỡng mộ Thủ Khoa Huân.

                                     (Thủ Khoa Huân – LNP)

Hoặc:          Đốt tàu Hy Vọng rền sông núi
                   Đánh bốt Kiên Giang dậy đất trời
                   Cửa Cạn, Hòn Chông nêu dũng khí
                   Ngọn cờ chống Pháp rạng trùng khơi.
                                   (Nguyễn Trung Trực – LNP)
Hoặc:          Tòa Khâm độc ác đầy mưu hiểm
                   Quan lại gian tham lắm ý tà
                   Sông Cạn ngập tràn dòng lệ đỏ
                   Than ôi! Đau đớn nước non nhà!
                                    (Trần Quý Cáp – LNP)
Hoặc:          Mối thù giặc Pháp lớn tày non
                  Yên Bái hưng binh quyết sống còn
                  Lệ thảm tuôn rơi hòa máu hận
                  Đau lòng Đất Mẹ xót đàn con.
                         (Khởi nghĩa Yên Bái – LNP)

                   Yêu lịch sử cũng là yêu đất nước. Vì không giỏi lịch sử nên tôi đã từng vô tình khi đi qua kênh Vĩnh Tế, thăm lăng Thoại Ngọc Hầu trong lần du lịch Miền Tây với bạn bè. Giờ đọc thơ anh, tôi mới tự chê mình vô tâm. Một danh tướng của triều vua Minh Mạng suốt đời chỉ lo bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi, đào kênh lập ấp ...và bây giờ mỗi lần đi qua vùng Châu Đốc - Hà Tiên ta đều vui sướng khi thấy con kênh Vĩnh Tế thật dài chạy dọc theo biên giới Campuchia - Việt Nam mang tên vợ của ông vì bà đã giúp ông rất nhiều trong việc xây dựng và được vua đặt tên bà cho con kênh lịch sử. Đây là niềm tự hào của gia đình ông và nhân dân miền sông Hậu:
                    Trấn thủ riêng phương tướng Ngọc Hầu
                    Xây làng mở cõi đẹp nghìn sau
                    Đào kênh Vĩnh Tế thông vùng mới
                    Khai rạch Thoại Hà nối huyện sâu
                                     (Thoại Ngọc Hầu - LNP)

                 Trong lịch sử Việt Nam, các đấng nữ nhi đã để lại trong lòng mọi người sự cảm phục khôn cùng. Đầu tiên là cuộc khởi nghĩa của hai chị em đất Mê Linh Trưng Trắc -Trưng Nhị vào năm 40 với sự tham gia của nữ tướng văn võ song toàn Lê Chân người Quảng Ninh rồi đến cuộc tấn công quân Đông Ngô của người con gái xinh đẹp đất Thanh Hoá Triệu Thị Trinh vào năm 248 .Tất cả họ đều từ bỏ giàu sang hạnh phúc, tham gia chiến đấu chống quân thù. Khi thất bại, các bà đều chọn cách tự kết liễu đời mình để giữ tròn trinh tiết. Ngòi bút của nhà thơ làm ta khâm phục tính cương quyết oai hùng của các bà vô biên :

                   Hai Bà Trưng hội kiến Lê Chân
                   Chiến thắng Mê Linh đã tới gần
                   Giặc Hán lâm nguy đành tháo chạy
                   Rạng ngời nữ tướng của toàn dân!

                               (Nữ tướng Lê Chân –LNP)

Hoặc:        “Đạp cơn sóng dữ chém tràng kình”
                   Nữ tướng danh lừng Triệu Thị Trinh
                   Dũng mãnh giương cờ xua chiến tượng
                   Oai hùng tuốt kiếm giục tinh binh
                              
(Nữ tướng Triệu Thị Trinh - LNP)

Đau buồn và cảm động hơn cả là cái chết của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Bà là một nữ tướng văn võ kiệt xuất.  Bà và chồng, tướng quân Trần Quang Diệu, là những tướng lĩnh trụ cột của nhà Tây Sơn. Sự khẳng khái của bà khi bà và con gái bị hành hình bằng cách cho voi giày dã man làm mọi người phải cúi đầu khâm phục. Liệu ai không rơi nước mắt, lúc đứa con gái 15 tuổi sợ quá kêu gào mẹ. Thế mà nữ tướng nén đau thương và nghiêm mặt hét lên với con: “Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta". Qua những dòng thơ của tác giả, ta thấy dũng khí của nữ tướng đã vượt lên tất cả:              
                    Địch trảm chồng, tang thương đất nước
                    Voi giày con, nhức nhối tim gan
                   “Phân thây” - nào sợ uy hoàng đế
                   “Xẻo thịt” - đâu sờn chí nữ quan
                           (Nữ tướng Bùi Thị Xuân - LNP)

               Nhà Nguyễn với mười ba đời vua nối tiếp, là triều đại vua cuối cùng trong lịch sử nước nhà. Trong đó có ba vị vua yêu nước, bỏ ngai vàng chống Pháp, vẫn mãi còn trong lòng dân bao nỗi yêu thương kính mến:
                   Hàm Nghi, Thành Thái với Duy Tân
                   Cung điện nguy nga cũng chẳng cần
                   Ba vị anh quân ôm hận nước
                   Bị cầm biệt xứ lúc còn xuân.
                               (Vua chống Pháp – LNP)

      Thơ anh còn làm ta ngậm ngùi tiếc nuối khi phải nghe những chuyện tình đầy nước mắt và đau thương của Mỵ Châu -Trọng Thủy, Chế Mân - Huyền Trân Công chúa, vua Quang Trung - Hoàng hậu Ngọc Hân và thấm đẫm xót xa nhất là số phận của công chúa An Tư, con vua Trần Thái Tông, một người con gái xinh đẹp phải chịu dâng thân xác cho tướng Tàu Thoát Hoan để giúp cho các vua Trần thoát nạn và quân ta chiến thắng giặc Nguyên, An Tư sau đó sống hay chết trong đám loạn quân, cho đến giờ vẫn chưa ai biết. Ôi! Lịch sử không bao giờ quên sự hiến thân cứu nước của các mỹ nhân đất Việt:
                   Tiền đồ xán lạn thành mây khói
                   Sự nghiệp tan hoang đẫm bụi đường
                   Máu đổ vì yêu nào có tiếc?
                   Thân về với nghĩa há kêu thương?
                          (Mỵ Châu -Trọng Thủy - LNP)
Hoặc:           Cuộc đời ái nữ đức Nhân Tông
                   Vì nước đành cam phận má hồng
                   Chiêm, Việt đôi đường xa xứ sở
                   Chế, Trần hai họ cách non sông
                          (Huyền Trân Công chúa – LNP)
Hoặc            Nát lòng Hoàng hậu tuổi còn xuân
                    Đột ngột vua băng lúc tứ tuần
                    Bài “ Vãn Ai Tư” lời thống thiết
                    Thơ tình bất hủ khóc phu quân .
                        (Hoàng hậu Lê Ngọc Hân – LNP)
Hoặc:           Tấm lòng trung liệt rạng nghìn thu
                    Công chúa Trần gia hiến giặc thù
                    Nạn nước cam đeo vòng áo não
                    Nợ nhà đành gạt mối sầu tư
                        (  Công chúa An Tư – LNP)

                 Mải say theo lịch sử mà tôi quên mất tác giả và tôi đều là người Quảng Trị và đều là cựu học sinh trường Trung học Nguyễn Hoàng, ngôi trường mang tên vị chúa Nguyễn đầu tiên, sáng lập vương triều các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có công khai phá mở mang bờ cõi phương Nam. Hôm nay chúng ta sống trên mãnh đất miền Nam màu mở rộng lớn đến tận Mũi Cà Mâu là đang hưởng phúc lợi từ sự nghiệp Nam tiến của các chúa, trong đó chúng ta không quên nhắc đến Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu, là người đầu tiên đã vượt hàng trăm cây số vào Đồng Nai - Gia Định – Sài Gòn để chiêu dân lập ấp, lãnh đạo dân quân khai phá và mở mang vùng đất này. Lịch sử ghi công và nhân dân luôn nhớ ơn các chúa, đặc biệt là con dân Quảng Trị chúng tôi, rất hãnh diện là nơi được chúa Nguyễn Hoàng dựng cơ nghiệp trong những năm tháng đầu tiên ngài xa miền Bắc:
                    Trí, chí, nhân, kiên, dũng vẹn toàn
                    Nguyễn Hoàng phụng chỉ vượt đèo Ngang
                    Theo dòng Thạch Hãn tìm phương đỗ
                    Lên bãi Cồn Cờ hưởng phúc ban
                                      (Công ơn chúa Nguyễn - LNP)Hoặc:                            Thấu hiểu di ngôn thật rõ ràng
                   Theo đường tiên đế mở quan san
                   Trung phần lập ấp khai rừng núi
                   Nam bộ gom dân dựng xóm làng
                                   (Công ơn chúa Nguyễn – LNP)
Hoặc:         Hữu Cảnh quê hương ở Quảng Bình
                  Đã từng trận mạc bậc tài danh
                  Phước Long, Đông phố xây thôn xã
                  Gia Định, Biên Hòa mở trấn dinh
                                         (Nguyễn Hữu Cảnh – LNP)

                  Lịch sử Việt Nam dài lắm, kể mãi không hết, nếu cứ mải mê theo những gì anh viết và những cảm xúc dâng trào theo từng tên tuổi của các bậc vĩ nhân thì có lẽ trang giấy dành cho tôi sẽ nhiều hơn. Cho tôi xin lỗi các bậc anh hùng tôi còn đam mê theo từng chân bước,  như một Trần Quốc Toản mới 15 tuổi đã xin vua vào dự hội nghị Bình Than bàn việc nước, một Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà tâm trí mải nghĩ đến non sông, một Lê Lai liều thân cứu chúa, một Nguyễn Trãi nhà  chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc nhưng lại bị án oan tru di tam tộc, một Cao Thắng nhìn súng địch tạo được súng cho ta, một Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời giặc: "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, một Trần Thủ Độ hiên ngang tâu với vua "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, một Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh  còn sống mãi trong lòng sinh viên học sinh thời đó và bây giờ... Ôi! Những danh nhân của tổ quốc Việt Nam
                  Tôi không biết viết gì thêm mà chỉ biết cám ơn anh - nhà thơ Lê Ngọc Phái - đã yêu nước thầm lặng bằng cách ngày đêm sưu tầm tư liệu để viết thành tập thơ tri ân những nhân danh lịch sử của đất nước. Nếu không có anh, tôi và có lẽ nhiều người có chút lãng mạn ướt át, không hiểu được rằng thơ lịch sử còn làm say đắm lòng người hơn cả thơ tình nữa. Vì thơ tình của ai đó tặng, ta chỉ đọc một lần rồi có thể quên bẵng mất, còn tập thơ "Những dấu ấn lịch sử" của anh Lê Ngọc Phái, ta phải đọc nhiều lần và không khéo, sự thích thú khiến ta đi tìm tư liệu tra cứu để biết rõ hơn. Đó là thành công to lớn nhất mà nhà thơ Đường luật của tôi đã làm được. Chúc mừng anh và xin mời tất cả độc giả cùng đọc để cảm nhận.
                                                                        T.M.
                                                              Tháng 9. 2014






READ MORE - Đôi dòng về “Những dấu ấn lịch sử” của anh Lê Ngọc Phái - NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba - VĂN TẾ THÁC GOUGAH VÀ THÁC LIÊN KHÀNG

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
                         
Văn tế thác Gougah và thác Liên Khàng

               
(Nhân đọc tin Sở VH-TT tỉnh Lâm Đồng “khai tử” và xin rút 2 danh thắng trên ra khỏi danh sách xếp hạng di tích quốc gia)


Ôi thôi!
Nghe đã não lòng! Ngẫm càng xót ruột!
Hỡi Liên Khàng, Gougah! Ơi Lâm Đồng, Đà Lạt!
Mới ngày nào còn tên tuổi nức vang. Nay phút chốc sao xác hồn phiêu dạt?

Cho hay,
Hễ có sinh ra; Ắt rồi diệt mất.
Dẫu lẽ thông thường; Mà lòng quay quắt.
Cấp cấp giấy má chưng bày,
Vội vội hương đèn sắp đặt.

Thác Liên Khàng (Liên Khương) trước khi có đập thủy điện.
Ảnh từ dulichgo.blogspot.com.


Nhớ xưa ấy,
Bọn Tây qua xâm lược, gót viễn chinh mù tít một góc trời,
Dân Nam phải gông cùm, thân vong quốc giận cay đôi con mắt
Rừng vàng biển bạc, khác chi đâu mỡ trước miệng mèo,
Suối ngọc thác ngà, y như thể thịt trong móng cắt.
Yersin1 giỏi thật, non cao lùng sục, mở lối thông thương,
Doumer2 ghê thay, đồi dốc chiếm dần, làm nơi nghỉ mát.
Đó Tánh Linh, đây Bảo lộc, lũ thực dân đua dựng tháp xây lầu,
Này Daklak, nọ Liangbiang, dân thiểu số căm tổn rừng mất đất.
Nơi dưỡng sức khí trong cảnh đẹp, một phần đâu tới bọn bạch đinh,
Chỗ vui chơi thông tốt hoa tươi, trăm thứ để cho người ngoại quốc.
Gơ-ne3 xứ Việt, cõi Bồng Lai riêng độc giới thượng lưu,
Sa-pa miền Nam, chốn Nhược Thuỷ dành toàn dân quí tộc.
Quần soóc trắng, mụ đầm chơi ten-nít, phởn phơ chân khoe vế trắng tinh
Áo vét đen, thằng xếp lái ô-tô, vênh váo mặt vểnh râu đen đặc.
Giận đã cành hông,
Tức thêm bể ngực.
Sơn hà thì chung hưởng, thật có đâu tới phận thấp hèn,
Cương thổ há riêng ai, sao dành chỉ cho phường trên trước?

May thay!
Ác mấy mà bền; Bạo thì phải mạt!
Xứng mặt dân ta; Đáng đời thằng giặc!
Nước nhà một sớm giành độc lập, diệt Mỹ bình Tây,
Sông núi muôn nơi vững kết đoàn, hợp Nam liên Bắc.
Nhà nhà cùng hưởng, mấy ngàn năm cơ nghiệp sắt son,
Chốn chốn chung vui, liền một dãi sơn hà gấm vóc.
Vườn bảo tồn, khu du lịch,  đua nhau mà xây dựng lút ga,
Dân bản địa, khách ngoại kiều, nối gót đến tham quan mặc sức.
Cam Ly, Gougah bao thác, người ngất ngây giữa rừng núi mờ sương,
Xuân Hương, Than Thở mấy hồ, dân xúm xít bên nước mây trong vắt.

Những tưởng là,
Thung lũng bạc tình nhân say viễn mộng, đàn đá gỏ long lanh,
Thành phố hoa lữ khách bước lãng du, nhạc thông reo dìu dặt.
Tưng bừng lễ hội, dân an cư ca ngợi thuở thái bình,
Rộn rã chiêng cồng, bản lạc nghiệp sum vầy thời phát đạt.
Hăng hái tăng độ giàu đất nước, xí nghiệp cạnh công ty,
Thiết tha nâng mức sống dân tình, liên minh kề hợp tác.

Thiệt chẳng ngờ,
Lắm chú nôn nao làm kinh tế, ham liên doanh lối ăn xổi ở thì,
Nhiều o nóng nảy kiếm kim tiền, chuộng khai thác kiểu mau bùng sớm tắt.
Lập qui hoạch trước suôn sau rối, chồng chéo lên nhau,
Xây công trường nay nhỏ mai to, dẫm đè với chắc.
Hồ Đại Ninh tích thuỷ, anh Gougah đầu ngập lũ dâng,
Đường Hai Mươi quảng khai, chị Liên Khàng miệng khô nước rặt.
Ngao ngán bấy xô bồ người nhốn nháo, um sùm tiệm nước, nhà hàng,
Nực cười thay chen chúc khách nhi nhô, toá loạ hồ bơi, quán nhạc.
Cây đau chặt, cành chơ vơ đâu khóm lá hoa,
Đá xót tan, mảnh lẫn lộn giữa rừng giấy rác.
Thiên nhiên phong cảnh, xin vẫy chào với đấng khai canh,
Di tích quốc gia, đành trả lại cho người ban phát.
Bùi ngùi một phút chia tay,
Đau đáu không ngày gặp mặt.

Thác Liên Khàng (Liên Khương) ngày nay.
Ảnh từ dulichgo.blogspot.com


Than ơi!
Thế là hết, mong lai sinh sẽ đến chốn trường tồn,
Xem như xong, cầu hậu kiếp về được nơi an tức.
Thác còn chảy, bà con ơi, xin cố sức giữ gìn,
Suối chưa khô, giới chức hỡi, hãy tận tình đùm bọc!

Thần đá, ma cây
Vong rừng, quỉ nước
Tốc tốc hiển linh
Thừa thừa phúng dược!


 Vĩnh Ba 
Tháng 4/2008



Trích từ tập
TÂM THÀNH LỄ BẠC
Cáo Phú Hịch Văn Tế Văn Bia;
Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba;
Tác giả gởi tặng.

READ MORE - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba - VĂN TẾ THÁC GOUGAH VÀ THÁC LIÊN KHÀNG

THĂM XUÂN NÓI CHUYỆN ... THƠ - Mang Viên Long




Thăm xuân nói chuyện… thơ!
Mang Viên Long


Xuân về - Tết đến, tôi được thư thả mấy hôm. Nhưng trong "mấy hôm ở không" ấy, lại phải "nằm nhà" hết ba hôm, bởi - theo tục lệ - tôi không dám suồng sả đến "xông đất" nhà ai sớm, bởi biết “cái số” mình không bao giờ được giàu sang vinh hiển - ngại sẽ làm phiền cho gia chủ cả năm chăng?

Ba ngày đầu năm mới – ngưởi ta thường chờ đón người có tuổi hạp với gia chủ - chờ đón người quyền quý, hay mong đón người có cái tên đẹp! (như: Hưng / Thịnh / Vượng / Sang / Quý / Mỹ / Phú…). Tên tôi không đẹp-cũng không đến nỗi xấu - nhưng lại vướng số “tam tai / sao hạn xấu”- nên nghĩ phải từ từ sẽ lần luợt đi thăm bằng hữu vì …mùa Xuân ít ra cũng phải qua Nguyên Tiêu!

Tôi cẩn thận ghi tên những vị nên đến thăm để tránh "thiếu sót" như những năm trước. Ưu tiên là tên những ông bạn mà tôi đã “hứa hẹn trong năm” (rằng Tết dù thế nào cũng sẽ đến thăm để được cụng ly!) – người đứng đầu danh sách là ông bạn vong niên, năm nay đã 80 tuổi! Đúng ra, ông là bạn của người anh cả  tôi – nhưng khi có dịp xuống phố, ông thường ghé thăm - nên tôi trở thành "bạn nhỏ" của ông!

Nhà ông ở cách thị xã khoảng 15 cây số- vùng ngoại ô yên tĩnh, xanh mát! Khi vừa trông thấy tôi quành xe vào ngõ - ông đã bước ra sân - tươi cười: "Năm nay chắc vợ chồng tôi làm ăn khá lắm đây!  Rồng đến nhà tôm sớm vậy?".  Sau thủ tục thăm viếng, chúc Tết vợ chồng ông và các con cháu (ông có 7 con - 5 trai/ 2 gái – cháu chắt nội ngoại tổng cộng là 20).

Vừa rót đầy ly rượu “Lão Tửu Bàu Đá" - Ông cười hớn hở: “Mấy cái Tết hứa suông rồi năm nay chú mới đến nhà thăm tôi – vợ chồng tôi rất cảm ơn – để làm quà Xuân cho chú - hôm nay, tôi đọc cho chú nghe một bài thơ…”.

Nghe sẽ được thưởng thức thơ - tôi cầm ly ruợu lên nhấm nháp một chút để có "khí thế" mà nghe: “Anh vẫn thường làm thơ sao?".
Ông giải thích: “Thỉnh thoảng thôi, chú à! Ở quê, buồn – con cháu ở xa, còn lại hai vợ chồng già - tôi cũng ''đối cảnh sanh tình'' - làm thơ cho vui vậy thôi!". Ông uống cạn ly rượu – tiếp: “ Người xưa có câu: “Thơ dĩ ngôn chí – ca dĩ đàm tình" mà, chú?".

Tôi cảm thấy thú vị - bởi không ngờ, thăm Xuân lại được nghe thơ (và có đủ trà ngon- rượu quý , bánh mứt đầy đủ) - Tôi nhìn ông - cuời: “Vậy anh đọc cho nghe một bài thơ nào đi!".

Ông không đọc vội, mà tâm sự: “Tôi làm thơ thường chỉ để cho mình đọc giải khuây – đôi lúc vui, lại gọi vợ đến nghe. Bà ấy nghe xong, không khen - cũng chẳng chê, mà chỉ tủm tỉm cười thôi, chú à!".

Cười vậy là khen rồi! Hiếm có người vợ nào "chịu khó" lắng nghe thơ của chồng mà anh! - Tôi tiếp lời ông.

"Đúng đấy! Tôi nhìn thấy trên nụ cười của bà một niềm vui mới, nhiều lúc rất duyên dáng như thuở mới yêu thương nhau nữa!.
Anh thật diễm phúc…"

Ông lại chiêm thêm ruợu vào hai ly – ngẩng lên nhìn tôi:
"Lát nữa, tôi sẽ đưa cho chú xem cả tập thơ tôi đã ghi lại trong mấy chục năm. Có một số bài tôi đã gởi cho con cháu đọc. Một số bạn già đến đọc chơi  rồi chép lại để làm kỷ niệm. Nhưng bây giờ, tôi chỉ đọc cho chú nghe bài tứ tuyệt lục bát này nhé?"   

“Làm Thơ làm thở làm Thơ…
Làm Thơ là thở thì làm cho vui!
Làm Thơ làm thợ, xin lui…
Làm Thơ làm thợ lui cui – nghĩ buồn!"

Tôi nhìn thấy nụ cười của người vợ ông vừa bước lên phòng khách để pha thêm trà. Tôi nghĩ đến ba chữ “Thơ / thở / thợ" được ông lập lại mà cảm thấy được cái “chí", cái “quan điểm" khi đặt bút làm thơ của ông. Tôi đang suy nghĩ về "phong cách thơ" - thì ông đã bước lại bàn viết, lấy tập vở dày trao cho tôi: "Đây, chú lướt qua xem tôi làm thơ có đọc đuợc không?".

Tôi trân trọng đón tập thơ - giở từng trang vở viết tay – chữ nắn nót, chân phương -  đẹp. Tôi đã đọc: “Nhớ bạn hiền phương xa / Thơ tặng vợ / Quà cho cháu nội /  Sinh nhật, nghĩ lại đời mình /  Chiều quê một mình / Đón trăng Nguyên Tiêu ở hiên nhà / Thương Nhớ Người Xưa v v v”- Chỉ lướt qua mấy bài thơ ấy – tôi đã có cảm nhận: Thơ ông quả là hơi thở, là nhịp đập của trái tim, là xúc cảm chân thành sâu lắng của đời ông! Nó tự nhiên, trong sáng, giản dị mà đầy trải nghiệm sâu sắc! Đọc thơ, tôi hiểu thêm nỗi ưu tư, niềm an ủi, và sự kỳ vọng của ông dành cho  vợ con , bằng hữu và quê nhà. Trong thơ ông không có "triết lý  ba xu" , càng không có "lý luận ba hoa" để tự khoe . Tôi rất ngạc nhiên - một con người sống lặng lẽ ở miền quê xa đã "gần đất xa trời" mà vẫn còn yêu quý Thơ, đến với từng trang thơ một cách trân trọng và nhiệt tình! Thơ quả là mầu nhiệm biết bao! Tôi chợt liên tưởng đến mấy bài thơ đã đọc được đâu đó chỉ là sự gia công nặn chữ, ráp vần – sáo rổng, cứng đơ, vô nghĩa, lại không có mảy may xúc cảm chân thật nào!  Ấy vậy mà nghe nói họ không hề "chịu" thơ ai – ngoài thơ của mình! Ai đó có nói đùa: "Mỗi ông nhà thơ là một ông trời con mà!"

Liếc nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ rồi mà "chương trình"  thăm Xuân buổi sáng của tôi còn đến 5 người bạn nữa – tôi châm một điếu thuốc, uống một tách trà – cười thân tình: “Tôi rất vui được đọc qua tập thơ của anh. Hôm nào có dịp – tôi xin mượn tập thơ, đọc tiếp nhé? Anh đã cho tôi một buổi sáng Xuân thật đầm ấm!”.

Ông đưa tay, có ý ngăn chưa cho tôi rút lui. Giọng vui vẻ: "Chú cũng phải đọc cho tôi nghe một bài đi chứ?".

Tôi cũng muốn lắm, nhưng ngặt nỗi tôi "không biết làm thơ" anh à! – Tôi cười. Chẳng thà mình nói thật lòng với nhau, anh thông cảm!

Mấy ông bạn già của tôi thường nói chơi – dạo này, ra khỏi ngỏ - đã gặp… nhà thơ rồi! Sao chú không …làm thơ cho vui?


Chỉ còn có một con đường để có thể chào từ giả êm thắm là phải đọc “cái gì" đó  cho ông để  "đáp lại" tấm chân tình của ông đã dành cho mình - tôi nói : “Thơ vui thì được! Anh nghe qua, rồi bỏ nhé?".

"Được rồi! Chú đọc đi…"

Tôi chậm rải nhớ lại "bài thơ" không hề viết lên giấy- chỉ ngẩu hứng đọc cho một người bạn văn phương xa nghe chơi khi  anh ta ghé thăm cách nay đã hơn hai chục năm rồi:

"Chữ Thơ, chữ thợ một vần…
Làm Thơ, làm thợ - ta mần cả hai!
Làm thợ thì để sinh nhai,
Làm Thơ thì để …lai rai, đỡ buồn!"

Ông đứng dậy vỗ vào vai tôi: "Chú rất giống tôi!"
Hà hà hà…


Mồng 8 Tết Tân Mão

Mang Viên Long


Trích từ tập Tiểu luận & Tạp bút 
NHƯ NHỮNG GIỌT SƯƠNG***
tác giả Mang Viên Long, 
tác giả gởi tặng.
READ MORE - THĂM XUÂN NÓI CHUYỆN ... THƠ - Mang Viên Long

LẠC ĐẠO -Thơ Trần Kiêm Đoàn




LẠC ĐẠO
(Chiều Noël)

Chiều Noel uống rượu bồ đào
Nghe thăm thẳm hơi men nồng cháy đất
Tuổi gần tối nhá nhem buồn đối mặt
Nên hẹn về trong giấc ngủ hồng ân

Đi về ngủ thiếp trong sương tuyết
Xa tắp mùi hương ngự dáng trầm
Giáo đường chuông đổ sương khuya lạnh
Đêm mấy nghìn năm Chúa xuống trần

Tin chốn trần gian còn có Chúa
Như tin tánh Phật ngự trong tâm
Bác ái quên mình trên thánh giá
Từ bi buông xả hết châu thân

Chúa Phật không già theo phế tích
Vì Người hiện hữu bởi thương yêu
Đêm nay quỳ dưới chân Thiên Chúa
Nhưng sớm ngày mai lạc cũng nhiều

Lạc nẻo đường xưa huyền diệu quá
Ba Ngôi - Tam Bảo cõi Ta Bà
Thiên đường địa ngục con đường lạ
Lạy Chúa về đâu mây trắng qua

          Sacramento, Giáng sinh 2014
                         Trần Kiêm Đoàn

READ MORE - LẠC ĐẠO -Thơ Trần Kiêm Đoàn