Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, August 3, 2013

PHONG TRẦN MỘNG LẠC VÀO THU - thơ Ngưng Thu



Đêm trở giấc gió lay rèm cửa
Bước phong trần
mộng
lạc vào thu
Trăng nghiêng ngó
chạm vành hơi thở
Đêm ... hồn nhiên
chạm ... một diêm phù
Chuyến xe chở mùa đi
ngút ngắt
Bên lề đường làn gió bơ vơ
Nghe hơi thở dập dồn
tiếng nấc
Có phải anh?
từ ấy?
bây giờ?
Có phải anh?
tội đồ lớ ngớ
Trót gieo mùa xanh ướt niềm đau
chuyến xe chở mùa đi
để lại... một làn thu
hiu hắt
nhạt nhàu.


NGƯNG THU

READ MORE - PHONG TRẦN MỘNG LẠC VÀO THU - thơ Ngưng Thu

CÒN ... KHÔNG? - thơ Đan Thuỵ




Ngay giữa dòng đời
Mình lạc mất nhau
Cuộc tình mong manh
Làm sao em níu
Cơn đau chảy ngược
Lắng vào thinh không
Nửa khuya trở giấc
Nghe đêm thở dài


Ngồi đong niềm  nhớ
Đến mấy cho đầy ?
Tháng ngày vụt mất
Nỗi buồn còn đây
Gió cuốn mây bay
Xa mờ ký ức
Con tim khờ khạo
Buồn rơi... thì thầm...


Có nhũng vết thương
Xoá dần ảo ảnh 
Chỉ nỗi riêng này
Chẳng chịu lành đâu !
Cát bụi mưa sa
Dáng chiều ... gãy khúc
Xin chút thật thà
Giữ lại mai sau ...

ĐAN THỤY 

Họ Tên Đàm Thị Hải
Địa chỉ : Công Ty Tây Ninh Cosinco
QL 22B Hoà Thành Tây Ninh

Email: damhaitn@gmail.com

Vĩnh Thuyên gởi đăng
READ MORE - CÒN ... KHÔNG? - thơ Đan Thuỵ

CHÙM THƠ 3 TÁC GIẢ NỮ - Võ Thanh Mai, Trạng Nguyên, Trần Thị Thùy Linh



VÕ THANH MAI
(Châu Đốc - An Giang)

XIN THỜI GIAN DỪNG LẠI

Mùa nước nổi dâng cao
Tháng tám mùa vui lại về trên phố
Ánh mắt nhỏ, tuổi thơ tôi trong đó
Đã qua rồi cái thuở mười lăm!
Thủ Khoa Nghĩa, một thời bâng khuâng
Bông phượng nở, rồi phượng xanh thêm lá
Tuổi học trò nên thơ rất lạ
Cái hồn nhiên như sông nước bềnh bồng !
Góc sân trường, tụm bảy, tụm năm
Chuyện đâu đâu cũng trở thành nóng hổi
Con gái làm duyên là điều không đáng nói
Chỉ có con trai chưng diện mới thật kỳ !
Chắc bắt đầu gieo hạt giống cây si
Trên mảnh đất gặp mùa nước nổi
Những hạt giống chết trôi, thật tội
Vậy mà còn chọc ghẹo người ta !
Hết nói gần rồi lại nói xa
Học chưa chi mà tính làm người lớn
Sự hồn nhiên xin đừng  đem đùa giỡn
Để mai nầy hối tiếc một thời xuân !



TRẠNG NGUYÊN
(Tân Thạnh - Long An)

MÙA THÁNG TÁM

Kìa trông, nắng rọi ban mai
Dịu dàng, cơn gió khẽ lay tóc mềm
Ngẩn ngơ, khúc hát bên thềm
Vàng bay theo lá…êm đềm mùa sang
Thu về, chở giấc mơ hoang
Em thơ thẫn bước, mơ màng lối xưa
Xạc xào tiếng lá đong đưa
Qua bao nhiêu nẻo, cho vừa nhớ mong
Hỡi mùa tháng tám đợi trông
Buông câu thơ giữa....đôi dòng nhớ quên .




TRẦN THỊ THÙY LINH
(Cù Lao Dung - Sóc Trăng)

MIỀN QUÊ NHỎ

Chỉ là miền quê nhỏ
Bình dị và đơn sơ
Nhưng ta luôn mãi nhớ
Khi mỗi độ rới xa

Dẫu chỉ một tiếng gà
Cất lên trong nắng ấm
Hay những tiếng ê a
Trẻ học bài buổi sớm

Những con đường trước ngõ
Những chiếc cầu xinh xinh
Bắc ngang bờ kinh nhỏ
Dáng ai nhẹ bước qua

Miền quê nhỏ của ta
Nơi mẹ cha sớm tối
Bao mồ hôi cần mẫn
Vun đắp mãi tình thương.


Trúc Thanh Tâm gởi đăng


READ MORE - CHÙM THƠ 3 TÁC GIẢ NỮ - Võ Thanh Mai, Trạng Nguyên, Trần Thị Thùy Linh

ĐẠO PHẬT VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI - Trương Nguyễn

Một khoa tu ở chùa Hoằng Pháp


               Ngày nay con người chúng ta luôn quan tâm đến ngoại giới mà Phật giáo thì ngược lại, ngoài những điều kiện vật chất cho đời sống, họ luôn quay về với đời sống nội tâm như “thiền học” để duy trì và gia tăng rất nhiều về sự “bình an tâm thức”.

              Không một ai trên đời này có thể đem bình an cho mọi người ngoài sự “hồi quang phản chiếu” bằng công án thiền gọi là “định tâm” tâm bình an chỉ lưu hiện trong bản thân của mình, mọi người điều muốn an lạc, hạnh phúc, nhưng nếu chúng ta so sánh sự an lành của bạn thân và sự đau khổ của bản thân. Niềm an lạc của tâm và nỗi đau tinh thần, chúng ta có thể thấy cảnh giới của Tâm ấn tượng hơn, hiệu quả hơn và siêu việt hơn. Mà hiện nay các vị Bồ Tát sống, Thanh Tịnh Tăng, Thánh Tăng đang là những người gìn giữ cái giá trị thực tại về cái “bình an tâm thức” ấy.
              Khi chúng ta nói đến dự bảo dưỡng môi trường thì nó liên quan nhiều về vấn đề khác, rốt ráo, sự quyết định ấy ngay từ bổn tâm, từ tấm lòng con người.
              Điểm quan trọng là ý thức chân chính về trách nhiệm đối với toàn cầu mà nền tảng ấy chính là lòng từ bi, và trí tuệ trong sáng.
              - Dịch bệnh và các tệ nạn:
             Hiện nay trên thế giới vấn đề quân sự cũng tạm lắng dịu, không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn, mà cái thời đại chạy đua vũ trang có phần ít lại. Điều phát triển nhất hiện nay là ngành không gian. Và tìm ra những phát minh mới về khoa học để giúp cho nhân loại thoát ra khỏi sự đau đớn của thể xác trong cuộc chiến tranh vi trùng.
              Trước đây tôi có đọc được một cuốn sách của một nhà bác học Hồ Hữu Tường nói về “Hội Long Hoa” vào thập niên bảy mươi có lẽ như vậy, vì tôi không nhớ rõ, nhưng nguyên văn là “Thế kỷ XXI. Là một thế kỷ mở đầu cho một cuộc chiến tranh vi trùng”.
              Nếu đem so với thời đại bây giờ thì có phần đúng.
Mối hiểm họa lớn nhất hiện nay là HIV – AISD mà con người phải hứng chịu, các nhà khoa học đang bó tay nhìn những cái chết bi thảm đang dần dần cấu xé mỗi một con người mang căn bệnh quái ác ấy. Nếu có chăng thì cũng quá đắt cho một con người bình thường, ngoài những căn bệnh di chứng của chất độc, còi xương, viêm não nhật bản, siêu vi gan thì hiện nay thế giới cũng đang đối diện với căn bệnh lạnh lùng và tàn nhẫn như SARP,cúm A,H1-N1. Con người là tâm điểm hứng chịu, hằng tỷ vi trùng đang rìn rập tấn công vào một cơ thể, trước nguy cơ ấy con người chúng ta phải tìm hiểu rõ nguyên nhân xuất hiện những dịch bệnh ấy.
             1- Điều đầu tiên xin đề cập đến “cái tôi” là bản ngã, bản ngã sẽ bị điều khiển bởi lòng tham của con người và tự nó hình thành từ những nhu cầu lợi lộc của bản thân về sắc tướng, thọ, tưởng, hành, thức, là “ngũ uẩn”. Muốn bảo vệ thân mình thì thiết lập một vòng đai an toàn cho chính mình, như ngôi nhà và hàng rào vậy.
              Khi cái tôi đó biến thành cái tôi tập thể hay chủng tộc hoặc là một quốc gia … từ lòng tham nẩy sinh  ranh giới. Từ tranh chấp ranh giới biến thành chiến tranh.
Nếu ai xâm phạm vào quyền lợi của người khác, thì lòng đố kỵ ganh ghét, vị kỹ sinh ra.
             Từ những cuộc chiến tranh thế giới đã đi qua, cái thảm họa của lòng hận thù mỗi ngày mỗi nhiều nỗi thảm khốc, sinh linh đồ thán ấy cứ kéo dài mãi qua nhiều thế hệ. người ta không ngừng phát minh khoa học ra nhiều loại khác nhau như: Hạt nhân nguyên tử hoặc là vụ khí sinh hóa, thải ra trên trái đất này biết bao nhiêu vi trùng và hình thành hệ vi trùng cao hơn, ngay trong y dược một loại kháng sinh, sau kháng sinh là kháng thể. Gần đây là những hóa chất thải xuống đồng ruộng cỏ cây để diệt những loài côn trùng độc hại. Các nhà nghiên cứu cho biết đó là những mầm họa. Vì sau khi diệt được vi khuẩn này thì các loại vi khuẩn miễn dịch cao hơn sẽ được sinh ra và tồn tại, để rồi chúng ta không ngừng sáng chế. Mà hậu quả mà con người chúng ta phải hứng chịu.
             2- Điều thứ hai là chúng ta sinh ra trên đời này vì những hiểu biết thấp kém, nhận thức sơ đẳng về sự hiện diện của mình “không biết sinh ra để làm gì ? và chết sẽ đi về đâu?” vì vậy nên không ngừng lao vào cuộc sống như nhữngcon thiêu thân. Sống sa đọa truỵ lạc vào những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng, đàn đúm, ca hát, nhảy múa, hút sách, mãi dâm, xì ke, ma túy, mặc cho cuộc sống đi đến chiều hướng như thế nào?, rồi một ngày nào đó họ sẽ nhận lãnh sự tiêu diệt mà không hiểu về cuộc sống, một cái chết đau thương đem đến cho bản thân và gia đình họ.
             Trước các sự kiện giữa các vấn đề xã hội Phật giáo nên làm gì ?
Tôi hiểu rất ít không dám nói sự cao siêu và mầu nhiệm của Phật pháp xin đề cập ở đây một số giáo lý thực tế để ngỏ hầu xoa dịu những hiệu quả mà cuộc sống vốn có.
              a-Bình đẳng: Chúng ta hiện nay tất nhiên có sự khác biệt về nói giống, sắc dân, địa vị, giàu nghèo, trí thức hoặc ngu dốt. Nhưng sự sống và quyền sống ngang nhau bởi vậy chúng ta nên quan hệ với những người không may khi họ bị những căn bệnh, cùng nâng đỡ chia sẻ, như hiện nay một số tổ chức Phật giáo Việt Nam và thế giới đang vận dụng pháp (lợi hành) để cưu mang những con người xấu số ấy.
             b-Lòng từ bi: Như tôi đề cao ở trên lòng từ bi, không bị trói buộc bởi những bệnh nhân đang rên la đau đớn, mà hình ảnh đức Phật đã thân hành ra cửa thành để thấy cảnh sinh, lão, bệnh, tử ấy mà giáo hóa trong suốt 26 thế kỷ qua, chúng ta nên tạo điều kiện, hoặc giúp đỡ trực tiếp trong muôn một, từ vật chất lẫn tinh thần bằng “ái ngữ “ hoặc vận dụng tương thích bạn bè, đồng nghiệp thực hiện “đồng sự nhiếp, bố thí nhiếp” để gánh vác phần nào đau khổ của nhân loại. Chính khi chúng ta tham gia vào những khổ đau, bất hạnh của con người, thì lúc ấy đã xây dựng cho mọi người một niềm tin sâu sắc vào chánh pháp, từ đó họ sẽ học hỏi, chiêm nghiệm, và thân chứng sự hiện hữu của mình vào đời sống, sẽ làm những việc có ích hơn cho bản thân và xã hội.
Để giải quyết những vướng mắc đang đối lập nhau giữa các vấn đề xã hội và đạo Phật. Vì có người cho rằng đạo Phật là xuất thế, còn các vấn đề xã hội nóng bỏng như trộm cắp, mãi dâm, xì ke, ma túy thì như thế nào ? Tôi xin được nêu ra ở đây
              3 - Người Phật tử hiện nay:
             Sau khi người Phật tử tại gia ( nói chung ) đã thọ tam quy và trì ngũ giới tức là đã chọn cho mình một lối đi tốt đẹp để tiến bước, nhưng vẫn thường thắc mắc và băn khoăn:
             - Làm sao tu được.
             - Và tu như thế nào để đạt đến kết quả.
             Người Phật tử tại gia phải đối diện biết bao nhiêu vấn đề, từ việc ứng xử , ngoại giao, quan hệ, vợ, con.Thân bằng quyến thuộc … chung dụng biết bao nhiêu nghich cảnh, thuận lợi, khó khăn, và hằng trăm hằng ngàn điều phải chung dụng. Nhưng trước mắt là ngũ giới, người phật tử hành ngũ giới như thế nào?
             Cho dù sống trong hoàn cảnh nào giới vẫn là thầy dạy: Không uống rượu vì rượu là một chất kích thích đồng dạng với mỗi loại kích thích hiện nay. Khi con người dùng chất kích thích tì sự phấn khích sẽ đi đến tận cùng mà ý trí không kìm hãm được, khi ý trí không kìm hãm được thì tâm sẽ hoãng loạn. Sự hoãng loạn kéo theo một chuổi vi phạm, giết hại, tà dâm, nói dối, trộm cắp…
              Nói tới chữ tu người ta thường thấy to tác và quan trọng quá, nhưng ở đây đối với bậc xuất gia tu hành thì giới luật vốn cao thâm không lường. Nhưng đối với người tại gia thì hướng đến một nhân cách tương đối. Người Phật tử có được nhân cách tương đối là góp phần xây dựng đời sống xã hội theo phong cách Phật giáo rồi, vì từ trước đến nay chưa có loại tội phạm nào, bệnh nhân quái ác nào là Phật giáo cả.
             Vậy tu là sửa đổi, sủa đổi cái xấu thành cái tốt, cái sai thành cái đúng, sửa những cái gì mà sai với đạo lý.
             Kinh Duy Ma Cật là một bộ kinh nổi tiếng về đại thừa đã ca ngợi phương pháp và phong cách tuyệt vời của ngài Duy Ma Cật. Một tục gia, cư sĩ cũng có vợ, con, thê, thiếp sống một cuộc sống chung dụng với thế nhân nhưng nhân cách, phẩm chất và đạo đức quả là siêu xuất khiến chữ Phật 10 phương ca tụng (Duy Ma Cật Luận).

Trương Nguyễn


READ MORE - ĐẠO PHẬT VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI - Trương Nguyễn

LỤC BÁT TÌNH - thơ Hoàng Đình Chiến

  

Lỡ thua một ván ô - quan
Mà em ngúng nguẩy lan sang cả chiều.


Triền đê chung sợi dây diều
Tay cầm tay gửi bao điều khát khao.


Lưng trần trắng nõn cầu ao
Đôi bờ vai nhỏ xạc xào lũy tre.


Trái sim tím ngả chiều hè
Làn môi chum chím nón che nụ cười.


Lục bát à! Lục bát ơi !
Nhờ thơ nói giúp một lời yêu thương.


Tháng-2005

HOÀNG ĐÌNH CHIẾN
READ MORE - LỤC BÁT TÌNH - thơ Hoàng Đình Chiến

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Nguyễn Thanh Bá, Nguyễn Linh Thy



THƠ MỜI HỌA

CHIA TAY
Nguyễn Thanh Bá

Nắng bỗng hanh và mây trắng bay
Hắt hiu chiều thoảng gió heo may
Đưa mùa thu tới vàng chân lá
Tiễn bước người đi lạnh bóng ngày
Kỷ niệm khắc ghi hình thuở trước
Tâm tình phong kín mộng từ nay
Thuyền xuôi khuất nẻo – dòng sông vắng
Lệ đắng âm thầm thấm giọt cay

                  NTB
                  thanhbaxb@yahoo.com.vn



VẠN DẶM TRƯỜNG SƠN
Nguyễn Linh Thy 

Trường Sơn nắng nóng đất không hoa
Sương sáng, hanh trưa, nắng xế tà... 
Hạ rát từ Lào khô cháy bỏng
Đông tràn phía biển rét không tha
Thương sao mảnh đất miền Trung ấy! 
Nhớ mãi câu hò xứ Quảng xa.... 
Xao xuyến lòng ai hoài cố quán
Lưng trời, biển rộng … bóng nhìn ta! 
                  

                  Nguyễn Huy Vụ gởi đăng.


READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Nguyễn Thanh Bá, Nguyễn Linh Thy

Bài thơ “SẮC LÁ” của Mai Thanh và LỜI BÌNH của Hà Khoa



                                     
Lá xưa triệu năm hóa thạch
Lá thơm trang sách học trò
Lá vàng thu rơi xào xạc
Lá mầm nhú bút non tơ
Lá thông hình kim mũi nhọn
Lá bàng xòe rộng bàn tay
Lá xương rồng dày và cứng
Lá quế vừa ngọt, vừa cay
Lá khoai đỡ lòng khi đói
Lá cọ che ấm lưng đồi
Lá muồng ngủ khi chờ tối
Lá thơm anh trải em ngồi

Dù muôn vẻ, lá đều là lá
Vẫn đã một lần mang sắc xanh tươi
Dẫu đến độ xám đen màu đá
Nhớ mãi một lần sắc thắm, Người ơi!

                                                Mai Thanh


Bài thơ "Sắc lá" thuộc dòng thơ triết lý xã hội-nhân văn, gồm 4 khổ với 16 câu. Ở 3 khổ với 12 câu trên, nói về tính chất, đặc điểm của nhiều loại lá - ngầm ý là con người với cuộc sống muôn vẻ, từng có một thời kỳ rực rỡ như màu xanh của lá! Khổ cuối cùng với 4 câu nói về cuối đời của lá: Lá vốn là màu xanh, nay chuyển thành màu xám đen của đá, vẫn nhớ mãi một thời lá thắm xanh - ngầm ý về niềm tự hào của con người, khi đã ngả về phía bên kia của cuộc đời, vẫn không quên thời kỳ rực rỡ, đậm đà ý nghĩa truyền thống của mình! Bài thơ với 4 câu thơ cuối cùng còn đưa ra một thông điệp rằng, ở thời kỳ thanh xuân hãy sống cuộc đời rực rỡ xanh như màu xanh của lá, để đến cuối đời, nhìn lại đoạn đời đã đi qua mà tự hào, mà kiêu hãnh! Mở rộng một chút: Bài thơ gợi nhớ câu nói nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết xô-viết "Thép đã tôi thế đấy: "Con người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống, để khi nhắm mắt, xuôi tay không ân hận với những ngày đã sống phí, sống thừa...".
READ MORE - Bài thơ “SẮC LÁ” của Mai Thanh và LỜI BÌNH của Hà Khoa

TÂM TÌNH MẠNG ẢO - Ngọc Ẩn Nhi Huyền họa thơ Thy Lệ Trang



TÂM TÌNH MẠNG ẢO

Nguyệt khuất trời tây -chẳng thấy sao
Tìm đôi mắt biếc ở nơi nào
Xuân về Én đợi, xuân qua lẹ
Hạ đến Oanh chờ, hạ lướt mau
Mượn vận "Đường thi" trao nỗi nhớ
Vay vần "Lý Bạch" gửi cơn sầu
Giang Hà cách trở mờ nhân ảnh
Mạng ảo tâm tình -bút chẳng thâu.

Mạng ảo tâm tình -bút chẳng thâu
Người nơi cuối biển kẻ sơn đầu
Thuyền về "Biển hẹn" gieo tình đậm
Bến đợi "Tương phùng" gửi nghĩa sâu
Gió nhẹ sóng vờn vui  sóng lượn                    
Trăng nghiêng rọi bóng lộng trăng ngào
Ngập tràn mộng thực nơi quê mẹ
"Hồn Bướm mơ Tiên" - đẹp biết bao!                        
                              
Ngọc Ẩn Nhi Huyền




Bài xướng:
CHIÊM BAO

Hỏi anh đếm được mấy vì sao
Có thấy mắt em ở chốn nào?
Một phút xôn xao mây phủ nhẹ
Muôn đời luyến tiếc má phai mau
Chập chùng sương trắng đầu non lạnh
Thăm thẳm rêu xanh đáy biển sầu
Dỗ giấc tình yêu đầy mộng mị                
Âm thầm giọt nhớ suốt canh thâu

Âm thầm giọt nhớ suốt canh thâu
Cũng đủ vì ai bạc mái đầu
Anh thấy sao trời trong mắt biếc
Em tìm biển ái giữa đêm sâu
Nụ hôn tỏa ngát mùi trinh bạch
Suối lệ nồng hương vị ngọt ngào
Xiết chặt vòng ôm hơn chút nữa     
Giật mình, sực tỉnh...giấc chiêm bao!!!
       

THY LỆ TRANG
thyletrangntc@yahoo.com
READ MORE - TÂM TÌNH MẠNG ẢO - Ngọc Ẩn Nhi Huyền họa thơ Thy Lệ Trang

Vũ Từ Sơn - NGƯỠNG THANG VĂN CHƯƠNG CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG QUA TẬP THƠ “CHÂN TRỜI SAU CHÂN TRỜI”

Gần đây, trong một buổi tiếp kiến nhà thơ Vũ Quần Phương, tôi nói: Anh bình thơ của nhiều người, nhưng ít người bình thơ anh. Nay tôi xin bình tập thơ: "Chân trời sau chân trời" của anh. Anh vui vẻ trả lời: Hay lắm, xin hoan nghênh! Và tôi thực hiện với một tinh thần nghiêm cẩn.

Tập thơ "Chân trời sau chân trời" xuất bản năm 2011 tại NXB Văn học, gồm 50 bài thơ đa phần anh viết những năm gần đây, có một bài viết 1966 - bài Chiếc vòng.

Vũ Quần Phương là người  đạt kỷ lục về các lần nói chuyện về thơ  Việt Nam với các đối tượng yêu thơ  trong cả nước: trên 2000 buổi. Song rất ít người bình thơ của anh, lác đác có bài viết của Phạm Khải, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Vũ Tiềm và một vài trường hợp khác 

Sau khi đọc, suy ngẫm kỹ về tập thơ "Chân trời sau chân trời" , tôi phân tích theo tinh thần thẳng thắn, có gì không đạt, chưa đúng , chưa tới ... mong anh thông cảm bởi nhận thức và trình độ của lớp đàn em. Về tuổi đời tôi kém anh 6 tuổi, có một điểm giống anh là cũng từ một nghề mà đến với văn chương: anh nghề Y, tôi nghề Điện .

1- KHÁI QUÁT VỀ TẬP THƠ

Về kết cấu tập thơ gồm 8 thể loại thơ. Đó là: Thơ tự do 32 bài, thơ truyền thống 6 bài, lục bát 3 bài, thơ hai câu 2 bài, tứ tuyệt 2 bài, tứ ngôn một bài, ngũ ngôn một bài. Qua bố cục tỷ lệ về thể loại thơ chứng tỏ anh rất chú ý đến đổi mới thơ. Đúng như Nguyễn Vũ Tiềm đã viết: "Lớp nhà thơ có thành tựu từ thế kỷ trước như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Thanh Thảo, Thi Hoàng, Hoàng Hưng ... có những bứt phá ngoạn mục trong việc tự đổi mới thơ mình, vẫn đang đồng hành cùng lớp trẻ ở thế hệ mới."

Ngay cả tên tập thơ đã  cho thấy một sự trừu tượng, khó hiểu, cần phải khai phá tường tận, công phu và tinh tường mới thấy được những gì ở sau hai lần chân trời ấy. Về không gian thơ là ở Việt Nam và Hoa Kỳ.

Về thời gian đề cập trong thơ chủ yếu từ 1997 - 2011, có một bài cá biệt vào 1966 .

Có thể nói: Đi qua khu rừng bí ẩn và gai góc 50 bài thơ của Vũ  Quần Phương là vất vả, mệt nhọc, phải có một năng lực trí tuệ nhất định, trải nghiệm nhất định, tới hạn nhất định mới hiểu được thơ anh, chưa nói là hiểu thấu đáo và khúc triết. Mặc dù vậy tập thơ vẫn có những khiếm khuyết đáng tiếc nhất định, chúng ta sẽ khảo sát sau.

2 - PHÂN TÍCH TỔNG THỂ TẬP THƠ  

Với con mắt tinh đời, với nhậy bén văn chương, kiến thức, tri thức sâu rộng, trình độ uyên bác cộng với tính nghề nghiệp ,cá tính cẩn trọng và ý đồ tuyển chọn theo chủ đề sâu sắc (vì có bài từ 1966 còn được đưa vào là bài  Chiếc vòng đã lọt qua 9 tập thơ trước).

Song, bóc ra chi tiết ta có thể chia nhỏ phân tích, qui 50 bài thơ về 6 ý xếp loại như sau:

a - Tám bài thơ nặng tính triết luận, triết lý sâu sắc, thâm thúy, đó  là : Trà đạo, Phản trà đạo, Con sâu đo, Bài thơ không thành, Chữ, Thăm Hang Bà Côn Đảo, Trong đêm, Ghi nhanh ở New York.

b - Hai bài tuyệt hay, toàn diện, toàn bích: Mực lạnh, Phải chăng

c - Hai bài thơ tình hay, trữ tình: Làng, Làng Canh quê mẹ.

d - Hai bài mang tính cách mạng cao: Chiếc vòng, Âm vang.

e - Những bài thơ nhân sinh, đời thường,hồn nhiên vui vẻ, dí dỏm: Cháu đón sinh nhật ông, Đêm thức, Cầu qua đại dương, Đón giao thừa, Đêm nghe tiếng chó, Thơ tặng cháu.

f - Những bài nhẹ nhàng, bâng khuâng, mang tính tự sự: Thơ lúc đi đường, Gửi sen, Trường tôi trăm tuổi, Ngắm anh đào Nhật ở Mỹ, Sân bay, Hoa một loài cây, Giọng mùa thu, Hương mưa, Hơi mát đêm qua, Tuyết lặng im, Bỗng dưng sắc trắng hoa lau, Thời tiết, Nó đấy - trái tim tôi, Khát trùng khơi, Tiếng hót, Bài thơ trăng sáng, Đàn chim di trú.

*


Phân tích một số bài thơ điển hình để thấy chất tinh túy, bác học của thơ Vũ Quần Phương.

Bài thơ "Trà đạo" là bài thơ sâu sắc, hàm ý triết luận, đạt đến đỉnh cao của sự thanh khiết, am tường: Nghe cơn khát của mình /Mà đo hương trời đất. Bài "Con sâu đo" hay, có tứ thơ lạ, một sự chiêm nghiệm sâu sắc: Lịch sử cân vĩ nhân / có ông tưởng nghìn cân / mà rồi bay như bụi / có ông chìm tận mấy trùng sâu / mà rồi sáng chói. Thiên chức của nhà thơ được anh gói gọn trong những câu thơ bao hàm rộng lớn mà chi tiế: Ông nhà thơ là con sâu đo / lấy thân mình mà đo / lịch sử / đo kích thước vĩ nhân / châu chấu, cào cào, gió trăng, vui khổ / muốn đo vào tất cả / những rộng dài nặng nhẹ sâu nông / thân trải ra với đất / trái tim làm quả cân.

Chỉ bằng 8 câu thơ ngũ ngôn ngắn gọn , anh vạch trần những âm mưu quyền lực phong kiến và cũng là bài học cho đương đại ngày nay : Vợ thì nhốt vào hang / Con thì quăng xuống bể / Tất cả cho ngai vàng / Làm vua thì phải thế / Ông Gia Long hoàng đế / Chết tám mươi đời triều / Thăm Hang Bà , tiếng thét / Còn rợn rừng nếp rêu. (Thăm Hang Bà Côn Đảo) . Những ý tứ sâu xa, ẩn dụ mông lung về nhận biết vũ trụ, về con người rất tinh tế: Sau chân trời , lại chân trời nữa / Nghĩ chân trời / lại nghĩ chân ta. (Ghi nhanh ở New York).

Trở về thơ lục bát dân dã, anh có những vần thơ thật chuẩn mực, tế nhị, khéo léo mà đầy triết lý:

Nước trôi thì đá phải mòn

Ở đâu cũng trái đất tròn dưới chân

Nhớ xa mới biết thương gần

Đục trong ai chọn cho thân phận người

Cong cong là cái đường đời

Chân lem cát bụi, lệ người long lanh

(Đêm nghe tiếng cháu)

Bài thơ "Mực lạnh" viết về nỗi niềm khi nhớ đến Hàn Mặc Tử là một bài tuyệt hay. Nó đạt trình độ  nghệ thuật tuyệt tác như Kiều vậy :

Bấy nhiêu trút lại cho đời

Giấy hoang mực lạnh thét lời âm u

Đôi chân đã ngập sa mù

Thì đem nguyệt bạch đền bù  tấm thân

Trăng làm gối , gió làm chăn

Dại tê sần sượng thoắt ngân thành lời

mà sâu sắc, ẩn dụ, tinh tế, chắt lọc đến cạn cùng của nghệ thuật thơ lục bát:

Cõi mê vi vút mặt người

Nghe trong hút lạnh tiếng cười thủy tinh

Lấy thơ vẽ mặt người tình

Rụng bông hoa máu hồn thành bơ vơ

Lấy mình vẽ mặt cho thơ

Trái tim rát bỏng trên tờ lạnh băng.

Có người khen bài thơ Gia Dũng viết về Hàn là bài hay nhất , theo tôi bài đó chưa thể so sánh với bài này của Vũ Quần Phương , vì bài ấy còn ngồ ngộ và trực ngôn bỗ bã , kém tính trâm anh .


3 - KẾT LUẬN


Tập thơ "Chân trời sau chân trời" của nhà thơ Vũ Quần Phương, theo tôi là một thành công lớn của Anh trong chặng đường thơ có thể gọi là chặng cuối (vì Anh cũng ở tuổi 70 rồi). Tất nhiên chúng ta còn trông chờ những tác phẩm sau này nữa.

Trong một trường liên tưởng rộng lớn, 50 bài thơ trong tập thơ là 50 bông hoa cho đời, mang tầm vóc Vũ Quần Phương mà ít người có được. Tập thơ có nhiều bài đĩnh đạc đạt tầm vóc Quốc gia và Quốc tế. Tập thơ này chắc chắn sẽ cùng với các tác phẩm khác của Anh sẽ mang đến vinh hạnh lớn hơn những vinh hạnh trước đó Anh đã đạt được trong lĩnh vực văn chương.

Cuối bài, dù sao tôi cũng phải nêu ra một vài gợn, sạn mà đáng tiếc Anh đã đề cập đến trong tập thơ. Đó là những câu: Chuột và ta / thằng nào gặm sách, và: hại dạ dày là cái chắc (Thơ tặng bạn thơ), hay là: Luật nước trang nghiêm và bố láo (Con sâu đo).

Bút chẳng hết lời!

Tháng 5 - 2013

VŨ TỪ SƠN
ĐC : Số 29, ngõ 137 Hùng Vương
TP Bắc Giang, tỉnh BG.
vutuson01@gmail.com
READ MORE - Vũ Từ Sơn - NGƯỠNG THANG VĂN CHƯƠNG CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG QUA TẬP THƠ “CHÂN TRỜI SAU CHÂN TRỜI”