Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 23, 2016

TÂM NHIÊN- NHÀ THƠ VÔ AM TRÚ LANG THANG DẶM DÀI - Châu Thạch


Nhà thơ Tâm Nhiên


TÂM NHIÊN
- NHÀ THƠ VÔ AM TRÚ LANG THANG DẶM DÀI
Châu Thạch

Chuông điện thoại reo vang. Tôi cầm máy. Đầu dây bên kia một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên:
A lô, có phải anh Châu Thạch không ạ.
-Vâng, tôi đây. Xin lỗi ai đầu dây?
-Tâm Nhiên đây. Anh cho tôi địa chỉ nhà để tôi đến thăm anh.
Thật tình cái tên nầy lạ hoắc với tôi, nhưng tôi đoán có lẽ một bạn thơ nào đó biết mình nên muốn đên thăm.
-Ấy, nhà tôi trong hẻm khó tìm lắm. Vậy anh ở đâu chỉ tôi. Tôi sẽ tới ngay
-Thế thì anh hãy đến quá cà phê Cố Quận ở đường Nguyễn Công Trứ.
-Vâng, tôi đi ngay. Nhưng làm sao để nhận ra anh?
-Anh thấy người nào đội mũ bê-rê là tôi.

Mười phút sau tôi đến nơi hẹn. Tâm Nhiên chưa đến nên tôi phải ngồi chờ. Chờ khoảng mời phút nữa, tôi thấy xuất hiện một người không phải đội mũ bê-rê mà là một người đội chiếc mũ rộng như cái nồi tròn may bằng vải màu xám tro. Người nầy mặc một bộ đồ rộng lụng thụng cũng màu xám và đeo trên vai một túi vãi to tướng. Anh ta vừa bước vào thì chủ quán và ước chừng khoảng mười người đương ngồi quanh chiếc bàn phía sau tôi tươi cười chào hỏi. Nghe họ gọi tên người nầy, tôi biết đó là Tâm Nhiên. Hoá ra hôm đó nhà văn Phan Trang Hy mời bạn bè đến quán nầy để ra mắt tập truyện “Người hay là những cơn mơ mạo danh” của anh và chúng tôi cũng tình cờ hẹn nhau ở đấy. Nhìn Tâm Nhiên tôi biết ngay là tôi sẽ mến anh ta như mến nhưng người thật thà nhất thế gian, sẽ yêu anh ta như yêu thơ tỉnh táo của Bùi Giáng và sẽ khâm phục anh ta như khâm phục các lão tiên đằng vân đươi trăng. Tâm Nhiên chào hỏi các bạn xong ra ngồi với tôi và Thế Lộc, Nguyễn Khắc Phước. Nguyễn Thanh Bá mà tôi vừa điện thoại gọi đến. Ngồi với nhau được vài giờ để rồi sau đó tôi chỉ theo dõi được trên Facebook bước chân dặm dài cuộc lữ của anh và những vần thơ của một người vô am trú phiêu bồng như mây, trôi như nước trên khắp mọi miền đất nước. Anh trú ngụ tại một hồn đảo xa xôi, lang thang qua từng miền quê có bạn văn, ghé thăm những ngôi chùa có sư yêu mến, đi suốt từ miền Nam đến miền Trung, ra miền Bắc rồi quay lại, rồi đi lại. Anh lang thang dặm dài cuộc lữ như không mệt mõi bao giờ. Anh đến đâu thì ghi những vần thơ để kỷ niệm ở đó. Thơ anh như sương như khói, như gió như mây, phản phất mùi thiền của đạo và sâu nhiệm tình đời tình người. Tiếng thơ trầm như tiếng gió qua rừng, thì thầm như tiếng biển dưới trăng khuya và trong sáng như ngàn sao lấp lánh trên bầu trời xanh thật rất xanh.

Sự đi của Tân Nhiên là định mệnh của trời. Anh đi từ tiền kiếp và tâm nguyện của mình lang thang trong cõi dặm dài. Anh đi như một đám phù vân trôi lãng đãng. Đôi dép mòn sông núi nhưng bụi phù vân rơi sạch dưới gót chân:

GIỮA MUÔN TRÙNG CUỘC LỮ

Kể từ buổi khai thiên lập địa
Đến bây giờ thành một gã lang thang
Ba nghìn thế giới đâu là chỗ
Để dừng chân thôi kiếp hoang đàng ?

Đi nhào lộn trộn cùng bão lốc
Dốc toàn tâm tự nguyện chẳng phiền chi
Dẫu tan hoang vỡ ngàn mộng đỏ
Nát tình xanh cũng chẳng sá gì

Đi giáp mặt tận cùng sinh tử
Nhẹ phù vân lãng đãng phong trần
Mòn đôi dép cũ mòn sông núi
Bụi vui buồn rơi sạch dưới gót chân

Đi và đi và đi như thế
Giữa miên trường chẳng nghỉ náu nương
Trần gian quán trọ không dừng trú
Nên đời ta là lữ khách trên đường ./.

                              Tâm Nhiên

Mỗi bước đi của Tâm Nhiên là mỗi bước thơ. Thơ của anh khắn khít với yêu thương. Tâm hồn anh như một con đò chở thơ trôi giữa dòng hoan lạc hay sầu ca, đi giữa cõi Sáng Tạo, hoà hợp hơi thở của nhân sinh và vũ trụ:

BƯỚC ĐI CỦA THI SĨ

Đường của thơ là đầm đìa cát bụi
Vùi nắng mưa sấm chớp bão bùng
Và khơi mở dòng đời từ vô thủy
Cho người về trong mạch sống vô chung

Ngoài ưa ghét là hồn thơ cảm hứng
Nhưng chẳng rời với cái Yêu Thương
Thương tất cả mà xa lìa tất cả
Chỉ tùy duyên tùy cảm giữa đời thường

Như chuyến đò thơ qua bờ không bến
Trôi giữa dòng hoan lạc lẫn sầu ca
Là hơi thở của nhân sinh vũ trụ
Thấm nhuần sâu đến cỏ rác chan hòa

Cõi Sáng Tạo mở con đường thi sĩ
Bước đi từ muôn thuở tới muôn nơi
Nên mộng thực có thơ về nối kết
Gắn liền nhau cái toàn thể cuộc đời ./.

                              Tâm Nhiên

Tâm nhiên đi giữa muôn trùng cuộc lữ, anh quan niệm muôn trùng cuộc lữ đó chỉ là sự lêu lỏng rong chơi. Với túi thơ bầu rượu vô sở trú, anh ném xuống giang hồ vô sở đắc, đi như ngàn nẻo phiêu bay, như cuộc rỡn chơi đùa vô sở chấp. Đó là tâm hồn phiêu diêu của Phật, của tiên nên Thiên Đàng trên bước đi và Niết Bàn ở chính trong hồn anh :

CHIỀU PHIÊU DIÊU

Không đến đâu, chẳng từ đâu đến

Nên về đây nhảy muá giữa đời

Túi thơ bầu rượu vô sở trú

Chốn bụi hồng lêu lổng rong chơi

Không đâu đến, chẳng đi về đâu

Cầu mong chi buông bỏ nọ này

Ném xuống giang hồ vô sở đắc

Lòng rổng rang ngàn nẻo phiêu bay

Đúng hay sai cũng đều trật hết

Thảy phù vân lãng đãng sương nhòa

Cuộc rỡn chơi đùa vô sở chấp

Vui thôi mà như nước mây trôi

                             Tâm Nhiên


Và khi không đi thì nhà thơ là một ẩn sĩ nơi Vô Trú Am của mình. Nhà thơ cho mình là

một dũng sĩ “Gát kiếm trầm nhiên miền vô sự” để “Ẩn sĩ nghiêng bầu càn khôn uống”.

Tại nơi mà thiên nhiên cũng nhập định, nhà thơ đã ngồi cùng cây lá để thiền, “uống

nguồn thanh khí”, “ăn trăng sương” và đã đạt đạo nên “cạn tử sinh cạn hết luân hồi”

nghĩa là thoát vòng cương toả của trần gian:

ẨN SĨ

Ở nơi đó. Có hồn thơ mây núi
Lặng đi về tuế nguyệt thiết tha say
Gát kiếm trầm nhiên miền vô sự
Ngược hay xuôi phủi sạch xuống vai gầy

Ở nơi đó. Rừng mưa hòa suối nắng
Hòa thong dong điệu thở mới tinh khôi
Ẩn Sĩ nghiêng bầu càn khôn uống
Cạn tử sinh cạn hết luân hồi

Trôi và chảy ngày đêm không tiếng vọng
Mà nghe vang cung bậc ngát tâm hồn
Còn mất có không chỉ là hư huyễn
Nghĩa gì đâu giữa Tịnh Thổ vô ngôn

Bước thượng thừa không đi không đến
Quên chính mình quên cả chuyện sầu vui
Tùy duyên tùy cảm ừ như thị
Cứ phiêu nhiên nhẹ nhỏm mây trời.
Tâm Nhiên

ẨN SĨ

Hoang sơ giữa tịch mịch này
Thiên nhiên nhập định cùng cây lá ngồi
Sớm trưa hồng ngắm mây trôi
Là bay đi hết muôn đời nghiệp duyên
Thực ra đâu có ưu phiền
Nên rừng xanh ngát quanh hiên hoa vàng
Núi cười biển cũng reo vang
Ngàn hương trầm lắng trăng ngàn thong dong
Trăng sương cũng đủ no lòng
Uống nguồn thanh khí từ trong lẫn ngoài
Mưa chiều rồi nắng ban mai
Ra vào tĩnh lặng chẳng hoài vọng chi
Tâm Nhiên
Đạt đạo hay không thì chưa biết nhưng cái văn phong đó đưa người đọc đến cõi tiên bồng, phiêu diêu trong bầu trời thơ “ngàn hương trầm lắng trăng”, thong dong ra vào trong tỉnh lặng. Từ đó ta sẽ yêu mến vô cùng và ước ao vô lượng để sống đời nơi Vô Trú Am của Tâm Nhiên:


VÔ TRÚ AM
Sớm mai lên núi chiều xuống biển
Ta như mây trắng lặng bay về
Vi vút muôn phương miền tận thấu
Đâu chẳng là không phải chốn quê ?
Thế nên mây trắng đời ta đó
Bay lướt sơn hà khắp bao la
Vốn không ràng buộc không vướng mắc
Chẳng dính vào đâu giữa đang là
Sóng trùng dương vỗ trên đồi gió
Bốn bề lồng lộng hỡi mênh mông
Bát ngát ngàn khơi ta đã thấy
Cả thiên thu hiện ở trong lòng
Lòng như biển hát hòa âm với
Cung đàn nhật nguyệt ngút hồn thơ
Thở nhẹ nhàng theo bầu vũ trụ
Mà nghe mới lạ mãi bây giờ
                           Tâm Nhiên
Và rồi cái tâm hồn tu sĩ đó, với ngàn cuộc lữ, với một mình cô đơn nơi Vô Trú Am có hoá ra đạo mạo lắm không? Không, với bài thơ có cái đầu đề Xuân Huyên ta thấy ở đây là một tâm hồn thơ lai láng, vô biên “đẹp quá! đẹp kinh hồn và sửng sốt”:

XUÂN HUYỀN

Mây và gió đưa anh về chốn cũ
Phập phồng đi hồi hộp giữa mong chờ
Ngờ ngợ ngó nhìn ai quen lạ
Rộn niềm mơ ý mộng cõi thơ thơ
Bờ với bến xanh xanh màu bổi hổi
Ngồi lại đây bên hiên quán chiều tà
Đợi tri âm đến kìa em đến
Rợp đường xuân bừng rộ trổ hoa ra
Tỏa loang đầy lâng lâng trời ngào ngạt
Lạ lùng sao ảo diệu thấm tim mềm
Đẹp quá ! Đẹp kinh hồn sững sốt
Ơi mị kỳ duyên dáng ngát hương em
Mình cùng nắm tay nhau mừng tao ngộ
Lời say say trong lai láng bồi hồi
Mời em cạn chén hồng xuân tửu
Mà bàng hoàng như một giấc mơ thôi
                           Tâm Nhiên
Mây và gió đưa Tâm Nhiên về chốn cũ để đón em hay chỉ là đón mùa xuân của thi nhân không biết được. Tuy nhiên với tôi bài thơ hay như “chén hồng xuân tửu”, như “toả loang đầy lâng lâng trời ngào ngạt” để tôi tưởng tượng được một cuộc hội ngộ giữa mùa xuân chin, tại một miền trong trẻo vô biên.
Và rồi dầu có rong chơi bao nhiêu, cuộc lữ đời nầy cũng ngừng để đi qua cuộc lữ đời sau. Tâm Nhiên đã đi như hạt bụi lang thang từ vô thuỷ nhưng vẫn còn mong lang thang cho đến vô chung. Nhà thơ đang đi hôm nay mà còn mơ ước đến “Qua chơi cõi khác” để ở một miền thiên tiên nào đó anh sẽ tiếp tục làm “mây trắng/Phiêu diêu vạn dặm khắp muôn bờ” :

QUA CHƠI CÕI KHÁC

Tiễn biệt thi sĩ Trần Đới

Hạt bụi lang thang* từ vô thủy
Bay về sương khói cõi vô chung
Là xong một kiếp phong trần khách
Còn lại bài thơ thở tuyệt cùng
Bài thơ viết mãi dòng bèo bọt
Vốn là duyên hợp với duyên tan
Tùy duyên* chuyển hóa hòa nhập cuộc
Nên vẫn thênh thang ngát trăng ngàn
Gió nghiệp thổi vờn cơn mê vọng
Vọng tưởng thương yêu lẫn hận thù
Trăm năm rồi cũng chừng ấy chuyện
Bùng vỡ nghìn thu thấy Như Như
Dấu chân trên biển* đâu lưu vết
Bên trời xanh mộng bỗng thành thơ
Từ đây hạt bụi về mây trắng
Phiêu diêu vạn dặm khắp muôn bờ
                              Tâm Nhiên

Tôi nghĩ mình chẳng cần học đạo, mình chẳng cần ngồi thiền, mình cứ đọc thơ Tâm Nhiên thì “giáo ngoại biệt truyền” sẽ “trực chỉ nhân tâm” để mình thành đạo trong thơ, bởi vì chữ Tâm Nhiên hiểu theo cách của tôi là truyền tâm pháp một cách tự nhiên. Đó chỉ là cách nói vui nhưng cũng là cách diễn đạt sự tác động của thơ Tâm Nhiên vào tâm hồn người đọc. Đọc thơ anh, ta tưởng mình cũng có gót chân lữ thứ, đi khắp nơi và gặp nhưng con người đáng mến, chiêm ngưỡng những phong cảnh nên thơ và suy nghiệm chân lý cao siêu của đạo,đời.
Đọc thơ anh ta cảm thấy tâm hồn ta nhẹ như siêu thoát, vứt bỏ mọi phiền toái trần gian, dạo chơi trong vùng bao la, nghêu ngao trong vùng mây nước. Nhìn dáng dấp Tâm Nhiên đứng trong những bức ảnh mà anh đã chụp ở khắp nơi, ta có những phút giây thư giản như đọc những bài thơ hay, như ngắm những bức tranh mỹ thuật có hồn, như nhìn những vị tiên bình dị xuống trần ngồi đâu thì nơi đó có trăm dây quyến luyến./ .
Châu Thạch




READ MORE - TÂM NHIÊN- NHÀ THƠ VÔ AM TRÚ LANG THANG DẶM DÀI - Châu Thạch

Ở MỸ KHI VỀ GIÀ Ở VỚI AI - Lê Hoàng




Ở MỸ KHI VỀ GIÀ Ở VỚI AI

Trước khi đọc hết bài dưới đây, tôi xin viết thêm một đoạn đặc biệt mà ở đoạn dưới, chưa nói tới:
" Tôi thấy có một vài trường hợp cũng khá hi hữu, nhưng rất thực tế nữa như sau:
1/ Có một số người già từ Việt Nam sang Hoa Kỳ theo diện con bảo lảnh. Khi một ai đó có con lấy chồng, vợ qua Hoa Kỳ. Sau 3 năm con cái thi lấy quốc tịch và bảo lảnh cha mẹ sang. Với trường hợp này cha mẹ chỉ trong vòng từ 12 cho đến 20 tháng tối đa là sẽ sang định cư ở Hoa Kỳ. Những người này có thể là:
- Người dân bình thường (từ 50 -70 tuổi)
- Người giàu có nhưng không tham gia chính quyền (50-70)
- Cán bộ (có hoặc không có đảng viên CS ) tuổi 55-70 .
Những người này có tiền hoặc không có tiền chuyển sang Mỹ , tùy theo từng cá nhân.
Tôi biết môt số khi qua Hoa Kỳ rồi đều ở vị thế NGHÈO, tiền bạc đều tìm cách hợp pháp chuyển cho con cái và họ hưởng tiền già (SSI) và mọi quyền lợi đều được hưởng như những người Mỹ. "Ngày xưa chống Mỹ cứu nước .
" Bây giờ đến Mỹ cứu đời già nua."
Chính phủ Mỹ "No care" lý lịch anh trước kia làm gì, ở đâu. Miễn là anh không phạm những tội hình sự quá đáng mà trong lý lịch có ghi, hoặc mang tội buôn bán ma túy. Còn ra chính trị, đảng phái trong quá khứ, khi thi quốc tịch có bị hỏi .... anh cứ say: "NO" là O.K mặc dù anh có là đảng viên thứ thiệt. Nếu mà "YES" coi chừng bị "Faid- Pheo" và đôi khi bị khó khăn khi về già không hưởng được quyền lợi .
Thậm chí có những kẻ được hưởng cả tiền về hưu ở VN (chế độ XHCN và hưởng luôn tiền trợ cấp An sinh Xã Hội (SSI) và có cả nhà housing ở không tốn tiền. Nhưng đó chỉ là tổng quát, còn đi vào chi tiết thì lắm chuyện nhiêu khê và khóc, cười đều ra nước mắt.
Kỳ sau, tôi xin kể tiếp cho qúy bạn nào chưa rỏ những gì xẩy ra vui buồn trên đất Mỹ với những người già đang sống. Cho dù họ từ nước nào đến Hoa Kỳ thì đều có những ảnh hưởng chung như nhau trừ những trường hợp và tục lệ đặc biệt riêng của từng quốc gia . Tuy nhiên vào Hoa Kỳ đều ĐƯỢC và PHẢI tuân thủ PHÁP LUẬT như nhau không có trưòng hợp ngoại lệ .
                                                                                 Lê Hoàng
Cụ nào may mắn sang đến xứ sở nầy không bao giờ làm việc, về già không có tiền hưu trí, mỗi tháng chỉ lảnh ngân phiếu của Obama gởi cho (gọi là tiền già!) và được ở nhà miễn phí (thuộc chương trình gọi là housing). Về y tế, quý cụ nầy được hưởng trọn 100% phúc lợi của chính phủ Mỹ tài trợ. Tình trạng nầy các cụ được gọi là Medi - Medi (Medical và Medicare). Có nghĩa là Liên Bang và Tiểu Bang tài trợ cho quý Cụ suốt đời, đi bác sĩ, nằm nhà thương, vào Viện Dưỡng Lão được chính phủ tài trợ 100%! Cứ cho là chính phủ Mỹ mắc nợ các cụ từ muôn kiếp trước, kiếp nầy các cụ mò sang đây để đòi nợ chúng nó! Các cụ hưởng medi - medi được vào nhà dưỡng lão FREE cho tới chết!
Còn những người suốt đời hay ít nhứt hết cày đến bừa trong suốt 40 năm thì sao?
Xin thưa, những người đã đi làm từ ngày bước chân sang xứ Mỹ nầy, đóng thuế lợi tức trước khi nhận được ngân phiếu lương hàng tháng. Khi về hưu, có nhận được tiền pension (hưu bổng) ngoài tiền già do mình đi làm đã đóng cho chính phủ trước kia!
Khi vào nhà dưởng lão, tiền hàng tháng phải đóng cho viện tối thiểu là  $6,000 USD! chưa kể tiền nhà thương, mỗ xẽ v.v. nếu chẳng may cụ nào bị bịnh tim, bịnh não, bịnh gan phải cần giải phẩu và viện phí rất cao! Chính phủ sẽ thu tóm tất cả tiền của quý cụ để dành trong quỹ IRA - 401K rồi còn nợ nhà thương bao nhiêu thì người thừa kế sẽ phải tiếp tục trả tiền bill thay cho quý cụ.
Còn trường hợp ngoại lệ là quý Cụ có để dành tiền do bán nhà ở các tiểu bang khác rồi dọn về Cali. Các cụ qua mặt chính phủ để tiền lại cho các con đứng tên trong ngân hàng hoặc mua nhà, mua xe toàn là do các con của cụ đứng tên dùm. Trường hợp nầy chính phủ "bó tay" đành thua các cụ.  Nghĩa là chính phủ phải trả mọi chi phí y tế cho quý cụ, chính phủ trả tiền "housing" mỗi tháng cho quý cụ, (trong khi quý cụ ở chung nhà lớn với con, dành nhà "housing" làm vacation home cho quý cụ mời bạn tới... du hí, đánh bài! v.v.v.)... Khi quý cụ vào nhà dưỡng lão thì chính phủ sẽ dùng tiền đóng thuế của dân đi làm đóng tiền tháng cho quý cụ. Tóm lại, nếu quý cụ đã khôn ngoan cất dấu tài sản trước khi "apply" Medical - Medicare - Housing - thì quý cụ sẽ được FREE 100% !
XỨ NẦY THẬT SỰ LÀ THIÊN ĐÀNG
CHO QUÝ CỤ THUỘC DẠNG 100% MEDI - MEDI ! ....
VỀ GIÀ Ở VỚI AI ?
Ngày xưa phụ nữ không ra ngoài xã hội làm việc, lấy chồng ở nhà nuôi con và nội trợ, dĩ nhiên có thể trông coi và phụng dưỡng cha mẹ chồng. Ngày nay phụ nữ cũng ra ngoài làm việc như đàn ông nên cả hai vợ chồng đều phải lo nuôi con, tổ chức sinh hoạt nhà cửa chia sẻ với nhau một cách bình đẳng (không biết ở VN thì sao chứ ở nước ngoài chồng vợ đều có những bổn phận như nhau, đàn ông cũng phụ trách nuôi con, đi chợ, làm bếp hay quét dọn nhà cửa như đàn bà, không có ai cười ai vì ở xã hội văn minh điều đó là công bằng), đàn bà cũng xốc vác và làm đủ mọi việc như một người đàn ông chứ không lệ thuộc vào chồng như ngày xưa.
Như thế đời sống xã hội đâu còn giống như trước đây vài chục năm nữa mà đi so sánh? Các cụ lớn tuổi ở nhà một mình đâu có ai trông, cũng không có hàng xóm ở gần nhà như ở VN vì ở nước ngoài nhà nào cũng quanh năm đóng kín cửa chẳng mấy khi gặp mặt nhau, hàng xóm có người chết còn không hay nữa kià, như vậy mấy cụ đâu có ai trông chừng trong trường hợp ngã té nếu không hay kịp thì nguy hiểm tánh mạng.
Do tình trạng đó, nhà dưỡng lão được thiết lập để gia đình an tâm gửi các cụ vào trong đó có người chuyên môn chăm sóc đêm lẫn ngày, có những tổ chức sinh hoạt cho các cụ vui chơi với nhau rất tốt đẹp. Mỗi ngày có người đem thuốc đến cho các cụ uống đúng giờ, tắm rửa có phương pháp, không làm cho các cụ đau đớn và nhanh lẹ. Đời sống nơi viện dưỡng lão bên nầy không giống như người trong nước tưởng tượng ra đâu. Mỗi phòng có một hoặc hai người, có điện thoại, TV, DVD, tủ lạnh, phòng tắm và WC riêng, rất tiện nghi. Tới giờ có người mang phần ăn đến nếu mình không muốn xuống phòng ăn chung với mọi người .
Tôi còn nhớ, những năm sau đây, nhóm bạn già chúng tôi đã có lập trường vững chắc, đã viết ra một bản nội qui cho hội, và tất cả đều nhất trí - kiểu Việt Nam - 100% là khi các con cái ra riêng, thì hai vợ chồng già ở mí nhau là hạnh phúc nhất đời. Đó là một sự tự do tìm lại được sau những ngày tháng miên man lo làm bổn phận mà quên mất hạnh phúc riêng tư. Cứ cho như lúc này là một cuộc hôn nhân mới, một tự do son rỗi mới, một tuần trăng mật triền miên. Cần phải biết tận hưởng bằng cách cùng nhau tổ chức những tuần trăng mật thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ vân vân và vân vân cho tới khi nào sụm bà chè không đi được nữa thì sẽ tính.
- Đúng vậy, khi con cái đã thành nhân, đó là thời gian vợ chồng già thảnh thơi hạnh phúc nhất, hạnh phúc còn hơn lúc son trẻ nữa vì không sợ sanh đẻ ngoài kế hoạch, không còn bận rộn lo cơm áo, nuôi dạy con cái, không còn mắc nợ ngân hàng, không phải dậy sớm đi làm, ngày nào cũng là ngày lễ, sung sướng nhất lúc nầy khi sức khỏe còn đầy đủ mình chỉ cần luyện tập về mặt đạo đức nữa để đời sống tinh thần được an lạc là hạnh phúc nhất rồi.
Khi nào một anh bỏ cuộc chơi, lên đường vinh quang thì anh kia sẽ tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà lo liệu lấy thân. Nhưng tất cả đều đồng thanh, không nên ở với con, cho dù là con trai hay con gái, cho dù là con mình sinh ra toàn là những gương mẫu nhị thập tứ hiếu không à. Cũng không nên ở chung, mất tự do của mình mà lại ảnh hưởng tới hạnh phúc của con. Đấy là chưa kể, trường hợp mình vô phúc, chẳng may, vụng về, khê nát, đẻ ra toàn là hột vịt ung, hột gà thối, thì đừng bao giờ nghĩ chuyện ở chung cho nó thêm phiền não.
- Làm cha mẹ trước hết nên thông cảm với các con mình đừng bao giờ đòi hỏi chúng quá khả năng mà chúng có thể làm được. Những gì cha mẹ làm cho con khi con nhỏ dại còn sống chung với mình thì hãy tạo điều kiện cho con mình làm tốt công việc đó cho con cái của chúng, đừng buồn vì chúng không làm được những điều chúng ta đã làm cho chúng lúc nhỏ. Đó là định luật của tạo hóa. Ví dụ như lúc mình đi làm việc thì chỉ có luật cho phép cha mẹ nghỉ làm khi con cái bị bệnh chứ đâu có luật nào cho mình nghỉ ở nhà để nuôi cha mẹ bệnh đâu. Nếu đầu óc mình biết thông cảm thì sẽ thấy không đứa con nào bất hiếu cả và như vậy mình sẽ không có chút phiền não trong lòng mà con cái của mình cũng thấy vui vẻ không áy náy vì sự phiền hà hờn trách của mình.
Trong đầu óc chúng tôi - những hội viên của hội lão này - cụ nào cũng có một vài ba cái kinh nghiệm của bà con, của bạn bè về những vụ ở chung với con cái. Chuyện nào cũng chẳng có happy ending gì hết, mà đều là bẽ bàng, dại dột. Bố hay mẹ góa, nghe lời ngon ngọt của con - trai hay gái - bán nhà, đem tiền về gửi con, rồi ở với con với cháu cho chúng nó có thì giờ trả hiếu. Nhưng chỉ chừng vài ba tháng trăng mật, khi chúng rút hết tiền trong két nhỏ cũng như công lớn, chúng bèn nhắc nhở, khách ở trong nhà giống y hệt như cá như tôm, chỉ đến ngày thứ ba là ươn, là thối sình lên rồi.
- Dĩ nhiên chuyện gì thì cũng có thể xảy ra, những đứa con vô lương tâm như thế chắc không có nhiều trên đời thì đừng đem chuyện đó ra mà phô trương hoài tội nghiệp các đứa con khác. Bây giờ đa số con cái của chúng ta giàu có hơn cha mẹ vì phần đông cha mẹ già là thành phần người VN xuất cảnh ra khỏi nước với hai bàn tay trắng gầy dựng sự nghiệp nuôi con từ số 0. Theo cách giáo dục tự lập bên nầy, con cái phần đông không đứa nào cần đến tiền bạc của cha mẹ ngoại trừ những đứa con cờ bạc, hút sách, lêu lỏng, thất học....
Thế là ông bà già tức tưởi, khăn gói quả mướp ra đi với hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa trắng. Hỏi đến tiền chúng cứ tảng lờ như không hiểu bố mẹ nói gì. Cụ nào cũng tắc lưỡi nói, vẫn biết đây là chuyện hàng xóm, con mình chả đến nỗi thế, nhưng nó ở nhà mình thì mình là chủ nhưng nó vẫn coi là nhà của nó, nhưng mình ở nhà nó là không được, vì nhà nó là nhà nó, không phải là nhà mình, nó là chủ mà mình là người ở nhờ.
- Đúng là nhà của cha mẹ là nhà của con cái nhưng nhà của con cái không phải là nhà của cha mẹ.
Có cụ thành thật chia sẻ. Ở nhà nó thì khi mình còn sức khỏe, làm vú em, làm chị sen, chị bếp cho chúng được thì vui, nhưng mà trông cháu coi vậy mà không phải vậy, mệt cầm canh. Nhất là khi mỗi đứa một loại tuổi, đứa thì bú sữa, thay tã, đứa thì thoáng một cái là chạy mất tiêu mất hút, chẳng biết đâu mà tìm, đứa đi đá banh, đứa đi học võ. Ông hàng ngày đưa đi, đón về, lái xe còn nhiều hơn cả tài xế taxi. Cụ nào như cụ ấy, ai cũng nghĩ không nên và không thể ở được với con.
- Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để giúp con cháu của mình, như vậy thấy mình còn có ích góp phần gián tiếp giúp xã hội tiến bộ. Tôi làm tự nguyện do tình thương không nghĩ đó là sự lợi dụng của con cái. Chúng nó đều là ruột thịt máu mủ của mình sao lại có thể cho là lợi dụng chứ?! Tôi vui với việc tôi làm và hạnh phúc với việc làm đó chứ không phải là hy sinh gì hết!
Thế mà lâu lâu vẫn có cụ bị mắc lỡm, bị vào tròng. Đã bảo là miệng thì khôn, nhưng đôi khi hành động lại không khôn. Cho nên, lâu lâu vẫn có cụ bị con lừa, ngậm một mối căm hờn trong nhà dưỡng lão. Và đề tài câu chuyện của các cụ trong nhà dưỡng lão luôn luôn vẫn là những chuyện nhị thập tứ bất hiếu thời nay.
- Mấy ông bà luôn luôn bất mãn con cái của mình sẽ là những người đau khổ cho đến chết và đó là lý do đẩy con cháu càng lúc càng xa mình thêm. Lòng thông cảm bao dung nhân ái sẽ đem hạnh phúc đến cho mọi người.
Nhưng mà, cụ cũng đừng coi những chuyện trên đây là thông lệ hay ngoại lệ, chỉ biết rằng lâu lâu lại có một chuyện như thế. Cụ nào không may thì gặp phải loại con Lý Tường, chứ không phải đứa con nào cũng là Lý Tường cả. Thôi thì cứ cho là, kiếp trước mình nợ nó, bây giờ nó trở vào làm con mình để nó đòi nợ. Chứ thực ra thì, con tôi đâu có thế, mà con cụ cũng đâu có vậy. Tuy nhiên, dù sao thì cũng chẳng nên lợi dụng lòng tử tế của nó. Cứ ở một mình là yên chuyện. Trừ khi nào không thể ở được một mình nữa thì hãy tính.
- Đừng nói rằng ai nợ ai, tình thương cha mẹ dành cho con cái là thứ tình cảm thiêng liêng, chính vì họ nghĩ là mắc nợ con của mình nên mới khổ, chứ nếu chúng ta cho đi mà không đòi hỏi nhận lại thì có phải cao thượng lắm không? Tại sao mình làm cha mẹ mà đòi hỏi con cái mình phải giống mình? Mỗi thời đại mỗi khác, tổ chức xã hội khác, quan niệm khác thì mình phải sáng suốt nhận định để có cuộc sống vui và hạnh phúc.
Nếu trời bắt u mê chẳng còn biết ai vào với ai, thì ở đâu mà chả giống nhau, ở nhà nó hay ở nhà mình, mà cho dù có ở trong viện dưỡng lão, thối tha, bẩn thỉu thì cũng có biết gì nữa đâu mà chịu mí lị không chịu!
- Tôi không biết nhà dưỡng lão ở xứ khác thì sao chứ nhà dưỡng lão ở Canada đẹp đẻ, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, nhân viên phục vụ tử tế, không có gì đáng phàn nàn.
Tôi luôn luôn lấy làm mãn nguyện, luôn miệng cám ơn Trời, đã thương tôi cho tôi những đứa con - chả được như nhị thập tứ hiếu, nhưng cũng không đến nỗi thuộc loại nhị thập tứ bất hiếu – chúng là những đứa con có tình, biết điều, có giáo dục, nói tóm lại là có hiếu.
- Đa số là những đứa con bình thường là như vậy.
Nhiều cụ nghe tôi khoe con, có vẻ lấy làm cay cú, hỏi mát tôi rằng, con cụ hiếu thảo thế, nhà cửa chúng lại đầy đủ tiện nghi, sao cụ không dọn về ở với một đứa, có phải vừa ấm cúng lại vừa đỡ tốn tiền thuê nhà không? Câu hỏi rất có lý, nhưng mà tôi cũng đã suy đi tính lại nát ra rồi cụ ạ. Tôi thấy cái lý luận con ở với bố mẹ thì bố mẹ vẫn là chủ, nó là con, còn bố mẹ ở chung với con thì nó là chủ mà mình là người ở nhờ. Đúng không thể chê vào đâu được.
- Vợ chồng già còn đủ đôi đủ cặp thì có nhà riêng được thoải mái sống tự do không ai dòm ngó hưởng thời ky` trăng mật cuối mùa vẫn hơn là sống chung với con cái vừa ồn ào vừa mất mất tự do.
Ở với con không được vì con tôi đứa thì có gia đình cả 35 năm nay, thằng út cũng lấy vợ năm nay là 20 năm rồi. Đứa nào cũng có một nếp sống riêng tư của chúng, tôi cũng có những thói quen của tôi. Chẳng ai có thể bỏ nếp sống quen thuộc của mình mà hòa nhập vào một nếp sống khác. Cho nên, nếu tôi muốn thoải mái, cứ sống một mình là khỏe.
- Nếu một ngày nào sức khỏe không cho phép chúng tôi sẽ vui vẻ chọn cho mình một nhà già để vào ở nương thân những ngày cuối đời bên cạnh những người bạn già khác, chúng tôi sẽ vẫn được sống cạnh nhau, vui vẻ ăn những bữa cơm của viện dưỡng lão và sinh hoạt ở đó cho đến ngày ra đi để các con của tôi an tâm làm việc và lo nuôi dưỡng các cháu của tôi được tốt đẹp. Trường hợp nầy là dành riêng cho quý cụ đươc hưởng MEDI - MEDI đó !
Nếu là dân đi làm từ hồi còn trẻ, về già vào viện Dưỡng Lão, chính phủ sẽ nạo tới tận xương, tới từng đồng trong quỹ IRA, quỹ 401K của quý Cụ! Đừng có tưởng bở !....   
                                                         Lê Hoàng

READ MORE - Ở MỸ KHI VỀ GIÀ Ở VỚI AI - Lê Hoàng

HÌNH NHƯ CHIỀU ĐÃ TẮT - thơ Huy Uyên





Hình Như Chiều Đã Tắt

Vương chân lối em về
còn thơm mùi hương cỏ
có hẹn hò trăng xưa
chìm sầu chao sóng gió.

Tháng ba nghe tiếng gọi
đăm mắt bóng quê nghèo
người bên sông ngồi đợi
dặm lòng nước trôi theo.

Phượng đỏ màu hạ buồn
thuyền sông chiều em đứng
tháng ngày ngậm ngùi trông
khuất xa rồi chiều rơi xuống.

Nắng đậu trên mắt người
cớ sao lòng xa-xót
biền biệt một miền yêu
để chiều đi không hết.

Người bao giờ quay lại
chợ hắt bóng đường quê
quán bên sông xa mãi
ai không kịp quay về.

Trăm năm câu hẹn hò
trao nhau màu môi mắt
ai đi dưới trời sao
hình như chiều đã tắt.

Nữa đêm ngồi cầm giữ
tim người một lần trao
tình thôi như đã vỡ
em ở đâu bây giờ.

Cuối hạ tình bơ vơ
tháng năm trôi đi mãi
sầu người cổ-tích xưa
buồn này ai đã hái?

Huy Uyên
READ MORE - HÌNH NHƯ CHIỀU ĐÃ TẮT - thơ Huy Uyên

MÀU CỦA MƯA Tản mạn của Lê Hứa Huyền Trân




MÀU CỦA MƯA

Lê Hứa Huyền Trân


Quy Nhơn trời đổ cơn mưa…

Cứ mỗi lúc hạ sang tiết trời Quy Nhơn lại trên mùa đổi khác: ban ngày nắng hiu hắt đến cháy bỏng, rồi chiều buông thì trút khồng hết những cơn mưa. Và cứ những lúc trời bắt đầu những cơn mưa ông và tôi lại hay cùng nhau đi tắm mưa làm bà cứ mắng cả hai vì sợ đau sợ ốm.

Thuở nhỏ tôi ở cùng ông bà nội vì bố mẹ đi làm xa, chỉ có một mụn cháu duy nhât nên ông bà thương hết mực. Nhà tôi bên một dòng sông, cứ mỗi lúc mưa tràn về là con nước nổi, tôi vẫn hay cùng cái Lài, cái Quỳnh đi mò cua ốc, và lấy rổ đi úp những con cá chốt về khoe ông bà. Những thứ chúng tôi bắt được sẽ chẳng thấm tháp gì so với một bữa cơm no nhưng những lời khen của ông bà làm chúng tôi có cảm tưởng chúng tôi lớn lắm, kiếm được bữa cơm cho gia đình rồi. Những lúc mưa bắt đầu to hơn, con nước trở nên giận dữ, lũ chúng tôi lại ngồi ngắm mưa qua cửa sổ, thi thoảng đứa này lại đẩy đứa kia phân công nhau đi lấy thau hứng nước. Thưở ấy nhà chúng tôi thiếu thốn tùm lum, cứ mưa về là chỗ này nối tiếp chỗ kia mà dột, rồi nước từ mái thấm tường mà xuống, thành ra niềm vui của chúng tôi khi ấy còn là lắng nghe tiếng mưa rơi vào thành thau nghe rất vui tai, dù đến đêm là ồn không sao ngủ được.

Mưa về là hai ông cháu lại kéo nhau ra mưa tắm, bà trách thì ồng chỉ cười, bà nào biết được tại đứa cháu hay vòi nên ông mới nuông, rồi mỗi khi ra mưa ông lại lấy cả tấm thân còm cõi che chở cho cháu vui đùa tinh nghịch... Có những đêm mưa rằm, chẳng thấy nổi trăng vì mưa to, mây đen vần vũ, ông cháu lại kê chõng nơi góc tường, nằm kể chuyện mà nghe. Những câu chuyện của ông không thiếu những cơn mưa vì dường như ông yêu mưa lắm: từ chuyện sự tích trời mưa, chuyện con cóc nghiến răng kêu mưa xuống, cho tới chuyện ngày ông đi lính, áo mưa là những lá chuối rừng, hay mặc mưa giống đoàn quân vẫn đi Tây Tiến không gục ngã… Cơn mưa đêm cứ rì rào, rả rích…

Lại nhớ có những hôm tôi đi học về con dường lầy lội, tôi, cái Lài, cái Quỳnh ,ba đứa cứ phải gọi là bấm chân xuống đất mà đi cho khỏi ngã. Mưa to trắng xóa đất trời, tôi bị cận kính mờ đường không thấy, cái Lài hồi giờ giữ thăng bằng không tốt, trượt chân té ngã, khóc òa không chịu dậy, thế là cả ba đứa lúng túng không biết làm gì khóc nức nở giữa cơn mưa. Rồi có những hôm nước rút, con sông bên nhà chỉ còn chừng đầu gối, ba dứa hì hục xuống “tập bơi”. Chân thì chạm đáy, cứ đi đi dưới nước, hai tay lại cứ quờ quạng trên mặt nước, rồi cứ thế mà tiến tới, ấy vậy mà cũng hãnh diện là đã bơi được rồi đấy. Cái bè chuối trở thành cái phao cứu sinh, những con cá ,con tôm trở thành “sinh vật biển” sống trong ao, thế là một thế giới kì thú lại mở ra.

Lớn thêm một chút, tôi lên phố học, những cơn mưa trở thành kí ức ghi dấu nhiều kỉ niệm. Đó là khi được tặng một nhành phượng ép trong cuốn vở bên trong có một lá thư viết vội nhưng đã nhòe ướt, cứ như “người ta” đứng dưới mưa chờ mình tan học đã lâu lắm. Đó là khi chiếc cặp bé xíu che chung đầu tôi và người ấy, và nụ hôn đầu ướt bởi cơn mưa. Đó cũng là khi tôi đứng khóc một mình vì tình đầu không như nguyện ước… Mưa cũng làm người ta thêm buồn những lúc phải chia tay. Tôi xa quê, xa ông bà, xa đám bạn thân thuở bé để đi thành phố học đại học. Ngày chia tay, ông không nhìn tôi mà chỉ dặn dò vài điều cần thiết, bà và lũ bạn thì tấm tức khóc, ôm chặt không muốn rời. Mưa rơi thay cho nước mắt tôi rơi. Những lá thư trở thành thứ duy nhất để liên lạc. Nhưng rồi cũng nhạt phai theo năm tháng, Tôi đánh rơi kí ức về những cơn mưa khi bộn bề việc học.

Lên thành phố, mưa thành phố dường như nhạt thếch như lòng người vậy, không còn mấy những cơn mưa đầy kỉ niệm như ngày xưa nữa. Đôi khi ngồi bâng khuâng tôi chợt nghĩ nhiều về những cơn mưa đọng. Lại có đôi khi bất giác như trong vô thức, hay một khoảng trời nào đó của riêng tôi, tôi như không tự chủ được mình, để quá khứ thôi thúc, tôi đưa tay ra cửa sổ chạm vào hạt mưa. Có gì đó lành lạnh, có gì đó làm tôi nhớ về kí ức. Kí ức thuở thiếu thời của tôi và chúng bạn, kí ức của một cô bé học trò ngồi mơ mộng ngắm mưa rơi qua cửa sổ, làm thằng em chốc chốc lại phát một cái rõ đau vì không giúp nó bưng xô chậu hứng nước. Kí ức với ông tôi, người cứ hay chiều theo sở thích của tôi rồi sau đó bị bà mắng quá trời vì cái tội nuông chiều con cháu quá. Tôi thích nghe những câu chuyện tiền tuyến ông kể, thích cả lúc cả gia đình quây quần bên nồi cháo nóng để giữa nhà, nhà bếp liền kề chỗ ngủ vì quá nghèo. Tôi không thể nào quên gia đình nhỏ của tôi khi mưa tới, nhà cúp điện, một ngọn đèn dầu, bắc chân ngồi hát giữa nhà, tôi cứ hay inh ỏi cả xóm làm ba má phì cười, cũng may tôi còn nhỏ quá mấy bác không mắng cho.

Bẵng một thời gian tôi về thăm quê. Con đường đất ngày xưa nay đã được trải bê tông rất đẹp. Đôi khi xuất hiện vài chiếc cộ bò hãy còn loanh quanh chốn đường làng bởi cấm lưu thông trên đường bộ. Tất cả dường như cũng đã đổi thay rất nhiều kể từ ngày tôi ra đi. Ông tôi đã già thêm, giờ đã lẩn, không còn cùng tôi hì hục chạy băng ra sông tắm, dạy tôi tập bơi như trước nữa. Lũ bạn tôi đứa tha phương tìm vận may nơi thành thị, đứa giờ đây đã lấy chồng lấy vợ, bộn bề cuộc sống đồng áng, không khi nào rảnh. Những đứa bạn thân của tôi cũng đã đi những nơi rất xa mà tôi không còn cách nào gặp lại được, có đứa còn giữ liên lạc, có đứa đã không biết thông tin nữa. Tối trời, trời lại mưa, cơn mưa này sao nghe lành lạnh gì đó không rõ. Tôi vẫn đứng trong căn nhà nhỏ của ông bà, đưa tay ra đón những hạt mưa. Hình như có gì đó trong tôi đã mất đi, một điều thật ngọt ngào, màu của mưa rơi xuống đất hòa tan vào đất, sao nghe trắng xóa.


Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định


Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Email cá nhân : Phongtruongtu201@gmail.com
READ MORE - MÀU CỦA MƯA Tản mạn của Lê Hứa Huyền Trân

TẠ TỪ - thơ Trầm Mặc


Tác giả Trầm Mặc


TẠ TỪ 

       Trầm Mặc

           (NTB)


Thôi trả lại những  ngày trên bục giảng 
Trả sân trường, lớp học với bảng đen 
Trả hành lang ngày hai buổi đi về 
Hàng  phượng vĩ, gốc bàng xưa quen thuộc
Xin trả lại những người thân năm trước 
Có gì đâu mà bịn rịn  ưu tư 
Mà thương nhớ, để rồi vương vấn mãi 
Đời sẽ quên, bởi cuộc sống vô thường 
Trả lại anh, những ngày xưa thân ái 
Bước vào đời ta nắm chặt tay nhau .
Gắng nghe em, ta chèo mãi con đò .
Đò đưa mãi mà đời phù du quá!
                     
2012 Trích:" Dấu chân xa miền ký ức" của Trầm Mặc.                           
Vỹ Dạ -Thành phố Huế
READ MORE - TẠ TỪ - thơ Trầm Mặc