Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 10, 2013

Thơ văn thầy cô giáo huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - GIỌT LẶNG: Cao Thị Thanh - MÙA NẤM: Nguyễn Thị Mẫn - TẤM LÒNG TRÒ CŨ: Thái Thị Yên Chi

Trích từ tập san 
Hoa Đầu Mùa số 15
của Phòng Giáo dục - Đào Tạo
huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị









CAO THỊ THANH
(GV Trường Tiểu học Thị trấn Hải Lăng)

GIỌT LẶNG

            Trong cuộc sống có những điều bé nhỏ và thầm lặng vẫn luôn tồn tại quanh ta. Những điều mà ta quen gọi một cách đầy mến thương là "giọt lặng".

            Giọt gợi sự nhỏ bé và tròn trĩnh - cái nhỏ bé giữa dòng đời theo một chuẩn mực ước lượng của vật chất. Lặng là âm thầm, lặng lẽ. Giọt lặng là sự nhỏ bé và thầm lặng nhưng chưa bao giờ biến mất, vẫn từng ngày rơi trên những ước mơ để một ngày "giọt" hóa thành biển cả, và "lặng" bỗng hóa tươi vui. Và tôi biết nghề giáo cũng là... giọt lặng. Như dòng sông muôn đời vẫn chảy, đem phù sa nhẫn nại vun đắp đôi bờ. Thầy cô vẫn từng ngày chắt chiu những "giọt lặng" thấm sâu vào từng cuộc đời, từng ước mơ. Phép cộng trừ con số, phép cộng niềm tin, phép nhân thân ái, phép trừ ích kỉ và chia sẻ yêu thương... Ánh mắt lo lắng của cô khi nhìn học trò mải chơi, trang giấy trắng chưa in một dòng chữ. Ánh mắt nhắc nhở của thầy khi cô học trò mãi nhìn theo những cơn gió xa xôi. Niềm vui ánh lên trong sự hi vọng của thầy cô khi điểm 10 nở rộ. Tất cả... tất cả là giọt lặng trong niềm tin yêu và nhiệt huyết, để rồi có ngày những giọt lặng ấy hóa thành con sóng đủ sức đưa cả một thế hệ vững vàng, cứng cáp sải cánh cuộc đời, góp sức xây đắp tương lai tươi đẹp. Và những giọt lặng ấy tiếp tục được tạo ra từ thế hệ này đến thế hệ khác từ những người ngày ngày miệt mài, lặng thầm đứng trên bục giảng.

            Giọt lặng... không hề nhỏ bé. Nó như chất dinh dưỡng cho cây, ít, từ từ nhưng rất cần thiết, bởi thiếu nó cây sẽ chẳng thể sống, và vụ mùa sẽ trắng tay. Và giọt lặng... cũng chính là chất dinh dưỡng cho đời.
                                                                                                            C.T.T

                                               


NGUYỄN THỊ MẪN
(GV Trường THCS Hải Sơn)

MÙA NẤM…

           Khi những cơn gió mang cái se lạnh của mùa thu chợt đến... khi mùa hè hờn dỗi ném lại vài tiếng sấm mỏng tang trên bầu trời... Ở một nơi xa kia, trên đồi cây với những tràm, những chủi, những sim... âm thầm mọc lên những nụ nấm bé xíu màu tim tím, nâu nâu... Rồi chỉ đợi khi những hạt mưa trong lành đến tưới tắm, những cô cậu nấm thi nhau lớn bổng lên, chắc nịch.

            Khi người già nhìn nhau gật gù "ngày nắng đêm mưa như ri tha hồ mà nấm mọc" là mỗi sáng, khi bình minh còn chưa lên, lũ trẻ con đã thi nhau lên đồi hái nấm. Dưới những gốc cây, nấm chị nấm em chen chân nhau chờ những bàn tay khéo léo, mừng rỡ nhấc bổng lên cho vào giỏ, vào bao, vào rá...

            "Đại tiệc nấm" bắt đầu với cả làng, cả xóm. Những nồi nấm to được luộc đi cho đỡ đắng rồi đem xào lên, nấu cháo đậu xanh hoặc nấu canh với rau khoai. Ngồi bên nồi cơm thơm và tô canh nấm tràm bốc khói, ai cũng phải nuốt nước miếng cái ực cho đỡ thèm trước khi vào “tiệc”...

            Rồi... gắp lên một miếng nấm tràm cho vào miệng... cha ui là cái mùi... cha ui là vị béo... tựa như miếng thịt mỡ đang bồng bềnh trong miệng... Bỏ qua những thứ sơn hào hải vị đi nhé!

Những ai xa quê khi mùa nấm chắc chạnh lòng nhớ lắm... nhớ tuổi thơ cùng chị, cùng mẹ lên đồi hái nấm, nhớ hương vị mà mỗi cơn mưa về lại nhói vào tim như nhắc nhở... Mùa nấm đến rồi!
                                                                                    N.T.M




THÁI THỊ YẾN CHI
(P.Hiệu trưởng THCS Thị trấn Hải Lăng)


TẤM LÒNG TRÒ CŨ

Ngày 20/11 năm nay trời đỗ mưa. Càng về chiều trời càng lạnh, có lẽ vì thế nên càng về chiều càng thưa dần những đoàn học sinh nô nức mang hoa tặng cô giáo. Em và mẹ đến thăm tôi lúc trời đã khá muộn.

- Ồ, Cao Tiến! Đã lâu mới gặp, em bây giờ đã là học sinh lớp 11 rồi phải không, nhanh thật!

Tôi vui lắm nên hỏi em rối rít. Em vẫn thế, cười hiền, ít nói. Em có vẻ đang ngại ngùng, bẽn lẽn… Tôi hơi tò mò, mẹ em hiểu ý nên giải thích: “Cháu ngại vào nhà cô vì áo quần đang bẩn”.

Rồi mẹ em cho biết, chiều nay hai mẹ con vừa mới đi thăm mộ của thầy Tuấn về (Thầy giáo dạy bồi dưỡng bộ môn Hóa cho Tiến 2 năm trước, đã qua đời), đường lên mộ khá xa, đường bẩn và cỏ may dính đầy quần, cháu bảo quay về nhà thay đồ rồi đi, nhưng quay vào thì xa quá… áo quần bẩn nên ngại với cô đó...

Tôi cảm thấy nghèn nghẹn trong lòng. Tôi muốn ôm chầm em, xoa đầu và bảo: “Học trò của cô ngoan lắm!”. Em bỏ lại chốn thị thành những cơ hội vui chơi cùng bạn, tranh thủ thăm vội thầy cô giáo mới để kịp quay về quê thắp cho thầy giáo cũ nén nhang ấm mộ thầy trong ngày hội.

 Cao Tiến là một học sinh đã tốt nghiệp THCS, thi đỗ và vào học trường THPT Quốc học Huế đã gần 2 năm nay. Cậu học sinh thông minh, chăm chỉ với nhiều hoài bão lớn. Dù em đã vào Huế, học xa nhà, song những thành tích, những mơ ước của mình em vẫn thường chia sẻ với tôi. Tôi rất quý em vì sự thông minh, nhanh nhẹn. Em từng là niềm hy vọng lớn nhất của tôi - hy vọng em là một thủ khoa cấp tỉnh môn Hóa học hai năm về trước. Năm vừa rồi em đã đạt giải cao trong kỳ thi HSG cấp thành phố Huế. Tôi kỳ vọng em sẽ đạt giải cấp Quốc gia trong năm học tới và đạt được nhiều mục tiêu lớn trên con đường học vấn tương lai của mình.

Và hôm nay… tôi lại thêm thấu hiểu về em, một cậu học trò giàu tình cảm và nghĩa tình. Nhìn em, nhìn quần áo bết bùn và găm đầy hoa cỏ may, tôi càng thấy học trò cũ của mình sao mà đáng yêu đến thế. Vâng, cô rất tự hào về em, về tất cả...

Gặp lại đồng nghiệp sau ngày 20/11, nhiều thầy cô đã kể về học trò cũ của mình, còn tôi, tôi đã kể về em. Em biết không? nghe xong câu chuyện, nhiều thầy cô đều đã có một cảm xúc rưng rưng đến nghẹn lòng. Cám ơn các em, những học trò đầy tình nghĩa. Chính nhờ các em mà thầy cô như được tiếp thêm niềm tin vào nghề dạy học - nghề không chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức mà còn có cả những tấm lòng…


T.T.Y.C
READ MORE - Thơ văn thầy cô giáo huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - GIỌT LẶNG: Cao Thị Thanh - MÙA NẤM: Nguyễn Thị Mẫn - TẤM LÒNG TRÒ CŨ: Thái Thị Yên Chi

TÌNH MƠ - thơ Ngọc Tình



Mơ thấy bóng ai dưới nắng hồng
Bên giàn thiên lý cạnh bờ sông
Bồng bềnh mái tóc bay theo gió
Lấp lánh vầng mây chảy giữa dòng
Nồng thắm anh xây bao giấc mộng
Thiết tha em giữ mặc mùa đông
Nào ngờ nhẫn cưới trao người khác
Tỉnh giấc rõ ràng một chữ “không”!


                         Ngọc Tình
                         nguyentinhtn@yahoo.com.vn
READ MORE - TÌNH MƠ - thơ Ngọc Tình

TỰ MÌNH PHẢI ĐANG YÊU - thơ Trúc Thanh Tâm

                                 

   1- CÙ  CƯA

   Giọt nước hình trái tim tôi
   Mà sao em cứ giỡn hoài dưới mưa
   Mà sao em cứ cù cưa
   Để tôi đi sớm, về trưa một mình!

                 
   2- THỜI GIAN NÀO ĐỂ CHÁU QUÊN

   Gọi anh, cháu gọi thầm riêng
   Mà nghe canh cánh nỗi niềm
   Khi đổi anh thành ra chú
   Thời gian nào để cháu quên!



       
   3- MÙA YÊU XANH NGÁT

   Không gian lạ, thời gian cũng lạ
   Tình gieo tinh mật ngọt trên môi
   Xuân xanh ngát, mùa yêu xanh ngát
   Nắng trong hồn, hoa bướm trong tay!


   4- HẠNH PHÚC TRONG TA

   Hạnh phúc phải nuôi dưỡng
   Nó lẫn trốn trong ta
   Một nụ cười tươi tắn
   Như ánh nắng chan hòa !




   5- TÌNH YÊU KHÔNG LỜI

   Nếu anh làm biển cả
   Em hạt cát nhỏ nhoi
   Thế gian chưa định nghĩa
   Bởi tình yêu không lời!


   6- NHỐT GIÓ ÊM ĐỀM

   Khi anh làm cơn gió
   Hẹn hò đến bên em
   Chỉ cần em khép cửa
   Đủ nhốt gió êm đềm!



   7- TỰ MÌNH PHẢI ĐANG YÊU

   Tình yêu bài học lớn
   Nếu mình muốn được yêu
   Sẽ không còn lý thuyết
   Tự mình phải đang yêu!


   8- TÌNH RIÊNG MẶT TRỜI

   Tiếng pháo, òa vỡ không gian
   Tôi nguôi ngoai trên nấc thang phận mình
   Chuyến xe đời đã quên tên
   Hạt sương giấu, nỗi tình riêng mặt trời!

   TRÚC THANH TÂM

   (Châu Đốc)
READ MORE - TỰ MÌNH PHẢI ĐANG YÊU - thơ Trúc Thanh Tâm

Truyện ngắn TÌNH KHÚC KHÔNG LỜI - Ngô Diệu Hằng


-    Vâng, tôi nghe…
-     Con chào cô!
Một giọng trẻ con trong vắt làm Phương tò mò.
-   Con là ai đấy?
-   Con là con của bố Thành, tên là Phương Anh.
   “Bố Thành?” Câu nói của đứa bé cứ vang lên trong đầu Phương hồi lâu. Cô muốn hỏi nhiều lắm nhưng Phương chỉ có thể kịp đáp lại đứa trẻ vài câu ngắn.
-         …Vậy à? Chào con. Bố con đâu?
-         Bố đang ngồi với con. Bố nói bố nhớ cô.

  Giọng Phương run run chùng xuống, rồi cô nghe thấy bước chân của đứa bé chạy đi. Chỉ còn lại hai người lặng im trong tiếng nhạc dập dìu - bản giao hưởng Sonata ánh trăng của Beethoven. Phương cảm nhận được hơi thở của người đầu dây bên kia. Lúc ánh trăng đang tan ra lơ lững bên họ và như đang mang họ trở lại cánh đồng đầy trăng năm đó thì chiếc ống nghe điện thoại bỗng rơi khỏi tay cô.
   Chiếc đĩa nhạc vẫn quay êm ả, dập dìu khúc nhạc Phương yêu thích nhất. Cô nhớ lại những cuộc điện thoại lặng lẽ suốt thời gian gần đây. Chợt Phương thấy bâng khuâng, ngồi lặng yên với hai bàn tay lồng vào nhau để hờ trên gối.
   Tiếng nhạc ngừng. Đang sờ soạng thì tiếng bà Sa cất lên:
-         Mẹ tắt đấy. Ngày nào cũng nghe cái thứ nhạc đó. Buồn lắm con ạ. Con gái mà nghe thứ nhạc đó nhiều là cuộc đời không vui đâu con.
   Cứ thấy Phương ngồi nghe những bản nhạc cổ điển trầm buồn đó, bà Sa lại lo lắng. Nhưng bà không thể cấm, bởi đó là cách Phương cảm nhận về thế giới bên mình. Cũng may bà còn lại một thứ trọn vẹn đó là sức khỏe. Từ sau khi chồng mất cùng với đứa con trai bảy tuổi trong một vụ tai nạn, đôi mắt bà cũng khô vắt đi vì khổ đau và những nỗi lòng khó ai hiểu thấu. Bà không muốn mất thêm gì nữa. Thứ vô cùng quý giá, lý do duy nhất bà luôn luôn cố gắng đó chính là Phương.
     Ngày Phương còn học phổ thông, cô nghĩ gia đình cô là hạnh phúc nhất. Phương học giỏi và luôn tự hào về bố mẹ của mình. Trong những bài văn cô viết bao giờ cũng có hình ảnh của một người cha mẫu mực, và đằng sau đó là hình bóng một người vợ yêu chồng, người thức muộn nhất mỗi đêm và cũng dậy từ rất sớm.
     Năm cuối cấp, Phương được thầy Thành dạy kèm để thi vào ngành báo chí như cô mong muốn. Thành là một thầy giáo trẻ, chỉ hơn Phương sáu tuổi. Anh có vẻ đẹp của một chàng trai trí thức với chiếc răng khảnh khẽ lộ ra khi anh cười. Thầy Thành nổi tiếng là nghiêm khắc nên học sinh đều kính nễ. Học sinh nữ mến mộ thầy nhưng đều rụt rè, sợ tiếng mắng của thầy. Chẳng ai biết được rằng thầy lại để ý đặc biệt đến Phương, cô học trò ngoan ngoãn và đặc biệt có đôi mắt đen long lanh dưới hai lá mày cong hiền dịu. Cô bé thường kể với thầy rằng không hiểu sao em cứ hay mơ thấy mình bị mù, nhưng không phải là màu đen mà là một thứ màu xám cứ đan trước mặt, mọi thứ cứ mờ dần mờ dần và nhập nhòe trước mắt, những giấc mơ cứ thi thoảng lại xuất hiện và làm em khó chịu trong những giấc ngủ của mình. Những lúc như thế, thầy lại mắng cô học trò ngốc nghếch và nói “chắc tại em học nhiều, mệt mỏi qúa ấy mà”.
   Kỳ thi đại học đến gần. Hai thầy trò miệt mài cùng bao sách vở. Lâu dần, dù chưa nói ra nhưng cả hai người đều cảm nhận được điều gì đó trong trái tim của nhau.
   Một buổi chiều muộn, Thành chở Phương đến một cánh đồng bát ngát hoa xuyến chi. Họ ngồi bên nhau yên lặng nhưng tiếng lòng thì như cùng hòa nhịp đan thành bản nhạc không lời còn mãnh liệt hơn tiếng gió thổi vút từ ngoài cánh đồng kia. Thành ngắt một nhánh hoa trao cho Phương: “Anh chúc em luôn cười tươi như bông hoa xuyến chi này nhé. Dù kết quả kỳ thì có như thế nào thì cũng hãy nhớ rằng ở đây anh luôn đợi chờ và ủng hộ em…” Trên đường trở về, không may Thành gặp tai nạn. Sự việc đến tai bà Ngân – mẹ Thành. Dù đã nghe thầy kể về mẹ, một người phụ nữ cả quyền, độc đoán và khắc nghiệt, nhưng Phương vẫn rủ bạn đến thăm. Chưa kịp cho Phương ngồi, bà Ngân đã túm lấy tay cô kéo ra khỏi nhà và xả ngay vào mặt những lời cay độc, chửi rủa. Trong mắt bà, Phương là đứa trẻ ranh, bám gót, ít giáo dục và đưa đến xui xẻo cho con trai bà. Thành nằm trên giường cố gắng lê người xuống, rồi anh ngã, những vết khâu rướm máu. Phương thì im lặng, nhạt nhòa.
   Có lẽ lần gặp mẹ Thành đã khiến Phương trưởng thành hơn và cái quyết tâm thi đỗ đại học thôi thúc hơn bao giờ hết. Cô gạt nước mắt và để sau lưng tất cả. Thành cũng nhắc nhở cô về vết thẹo trên tay anh, để Phương đừng bao giờ nản chí vì tình yêu của họ. Trước ngày thi, Phương được người bà con đưa đến ở nhờ một ngôi chùa nhỏ tại cố đô Huế. Để cho lũ trẻ ôn thi nên sư chủ trì thay đổi giờ hành lễ, mỗi ngày chỉ tụng kinh vào bốn giờ sáng. Lúc ấy cũng là lúc Phương thức dậy, cô ngồi im trên phản, nhắm mắt lại và chắp tay lắng nghe tiếng năm mô vang vang từ trên gác. Âm thanh của những bài kinh và tiếng chuông ngân dài mang lại một sự yên bình, thanh thoát mà cô cảm nhận được trong từng hạt không khí đang chuyển động quanh mình. Và những bữa ăn chay khiến cô thấy lòng mình sạch sẽ, nhẹ nhàng hơn. Trước sân chùa có một cây hoa sứ rất già, chiều chiều Phương lại ra đó nhặt những chiếc hoa rụng cắm lên những nhánh xương rồng trong chậu, khiến cho cây xương rồng đầy gai cũng biến thành những chùm hoa sứ xinh xắn, hiền lành. Sư thầy thấy vậy lại đến vuốt tóc cô bé và có lần sư thầy nói “trái tim con ngọt ngào như những bông hoa sứ, hương thơm sẽ phảng phất lan tỏa khiến không ai có thể quên được con.”
   Cô sinh viên sống trong ký túc xá của trường, ngày đi học, chiều chiều lại đạp xe lên ngôi chùa cũ giúp các chú tiểu làm nhang đèn, làm nước tương và quét dọn cổng chùa. Thành cũng bí mật vào Huế thăm Phương vài lần. Bà Ngân nhờ người gửi cho cô một bức thư. Dù đã có phần bớt khinh miệt nhưng cái bản chất của một người phụ nữ ít học, độc đoán và không cúi nhường một ai đã khiến bà không ngừng tuôn ra những lời khó nghe, cay nghiệt. Bà muốn Phương buông tha cho Thành, anh cần ổn định và tìm một người vợ bà ưng ý. Phương vẫn giữ kín về bức thư, nhưng Thành vẫn cảm nhận được sự lạnh lẽo băng một lớp sương dày quanh trái tim của cô.
   Mùa xuân năm thứ ba đại học, một mùa xuân màu trắng đối với Phương. Sự ra đi của bố và em cùng sự suy sụp của mẹ đã đặt lên vai cô một gánh nặng tưởng chừng không chịu nổi. Trái tim cô đau như xát muối nhưng vẫn phải cố gồng lên làm bờ vai cho mẹ. Thành đã ở suốt bên Phương cả thời gian đau khổ ấy. Lúc Phương thấy mang ơn Thành nhiều nhất thì cũng là lúc sự chịu đựng của bà Ngân vượt quá giới hạn.
   Một buổi chiều, khi Phương chuẩn bị bước lên tàu trở lại thành phố, mẹ Thành đã bí mật đến tiễn. Thực ra, bà ta muốn Phương hứa một điều, rằng hãy tìm cách chia tay Thành. Lúc cô đang cúi đầu lặng im thì bà Ngân òa khóc:
-         Nếu cô không làm được thì xin hãy giúp tôi gọi nó tới nhặt xác mẹ. Nói rồi bà lao nhanh về phía đường ray có tiếng còi tàu đang rít lên từ phía xa xa. Phương chạy theo níu lấy tay bà và khóc. Hơi thở cô đứt ra trong từng tiếng nấc nghẹn ngào:
-         Vâng. Bác ơi. Cháu hứa. Xin bác hãy về đi!
   Phương bước lên tàu. Cô mong sao cho chuyến tàu dài mãi, đi mãi đến nơi nào đó cô không phải gặp lại Thành, không phải đối mặt với mẹ Thành, càng không cần lo lắng sẽ phải chia tay như thế nào để anh chấp nhận. Bao nhiêu lần Phương nói chia tay với trăm ngàn lý do đều không vượt qua được ánh mắt của Thành, cũng như không chế ngự được nỗi nhớ âm ỉ cào xé trái tim họ.
   Rồi mùa hè năm đó Phương đi tác nghiệp ở Gia Lai. Khi đi qua một vùng căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến chống Mĩ, chất độc chiến tranh còn vương lại không may nhiễm vào người cô. Nó đưa Phương bước vào chính giấc mơ ngày xưa cô vẫn thường gặp, mọi thứ cứ mờ dần đi trước mắt. Lần này, bà Sa không khóc, dẫu trái tim bà rách toạc vì khổ đau. Bà muốn làm đôi mắt cho con và bà không muốn Phương biết rằng đôi mắt của cô đang khóc.
   Thế là Phương chưa kịp nhận tấm bằng tốt nghiệp cử nhân báo chí. Cô đau khổ, tuyệt vọng và cảm giác đó như một tờ giấy nhám chà đi xát lại trái tim cô bao nhiêu lần. Thương mẹ, Phương cố gắng vượt qua. Cô xin sư chủ trì nếu Thành có tìm thì đừng kể gì cho anh hay mà hãy nói cô đã đi lấy chồng rất xa và sống hạnh phúc. Hai mẹ con chuyển vào Đà Lạt sống cùng gia đình người bạn cũ.
   Cuộc sống bình yên ở trang trại khiến Phương quên bớt đi những trận cuồng phong cứ liên tiếp ập xuống. Cô muốn để sau cái thế giới màu xám của mình những thứ cô rất yêu. Bây giờ mẹ chính là đôi mắt. Đôi tay cô cũng đã lướt được rất êm trên những phím đàn. Đêm đêm Phương chơi đàn dương cầm cho một nhà hàng trong thành phố. Cô chỉ chơi được một vài bản nhạc cổ điển quen thuộc mà cô vô cùng ưa thích. Đặc biệt, vào mỗi tối thứ bảy, những người khách quen lại cố nán lại để nghe Phương chơi bản Sonata ánh trăng của Beethoven. Bản nhạc này do Thành gửi tặng khi Phương bảo anh hãy kể về ánh trăng quê trên cánh đồng hoa xuyến chi anh đang nhìn ngắm. Cô nghe và chơi nhiều đến nỗi giờ đây từng giai điệu, nốt trầm bổng, nhịp đô rê, tất cả đã ăn vào máu. Ngày đó, thời còn ở Huế, quyết tâm và khao khát đã thôi thúc cô theo học dương cầm. Sự thành tâm và nét đẹp toát ra từ khuôn mặt thánh thiện của Phương đã làm một người nghệ sĩ cảm động, nhân vật có tên Liễu Thanh Cầm. Họ quen nhau trong một buổi hòa nhạc từ thiện.
   Cái tin nghệ sĩ dương cầm mù chơi Sonata ánh trăng rất tình cảm đã lan khắp nơi gần xa. Và điều gì có thể ngăn được sợi chỉ vô hình mang nó đến với Thành?
     Về Thành, anh luôn sống trong những giấc mơ mà bao giờ hình bóng Phương cũng mập mờ xa xa, khi anh chạy đến thì biến mất, rồi anh lại hụt hững, quay cuồng tìm kiếm. Dù nhà chùa không nói dối, nhưng vì Phương, vì những khổ đau cô phải chịu và lời thỉnh cầu của hai mẹ con, sư thầy đành bảo Thành rằng Phương đang sống tốt cùng chồng. Cuối cùng anh cũng tự an ủi lấy bản thân và chấp nhận sự sắp đặt của bố mẹ. Dường như giấc mơ của Thành sẽ chẳng bao giờ tan đi và nó còn hiện hữu cả những lúc anh tĩnh. Trở về sau công việc và những cuộc gặp gỡ bạn bè, anh mang vẻ mặt u sầu và vô cảm bên vợ. Đã bao lần người vợ anh đòi chia tay nhưng rồi lại thôi, vì cả hai không ai làm điều gì có lỗi. Thành biết mình sai, những mong đứa con sẽ là ánh nắng xua tan giấc mộng của chính mình. Nhưng cái giây phút khi người bạn cũ cho anh hay về Phương, nghệ sĩ dương cầm mù chơi bản Sonata ánh trăng, giấc mộng ấy lại trỗi lên mãnh liệt hơn nữa.
   Thành ngồi dưới hàng ghế khán giả và nhìn lên Phương. Những giọt nước mắt anh rưng rưng rồi tràn ra khỏi khóe mắt theo từng nốt nhạc dập dìu tan vào không khí. Tất cả lặng im, cô gái mù mặc chiếc áo trắng màu hoa sứ đang lướt những ngón tay rất êm ái trên phím đàn kể cho mọi người nghe về ánh trăng cô cảm nhận được trong thế giới của mình. Thành ngồi đó, nhìn cô không rời mắt. Đôi mắt Phương nhìn vào không gian vô định, nó vẫn đẹp làm sao, anh thấy. Phương vẫn không hề quên bản nhạc này và còn chơi nó rất hay, nó làm Thành tin rằng cô chưa từng quên anh. Rồi tiếng nhạc ngưng, mọi người vỗ tay và ra về. Chỉ còn Thành ngồi lặng yên cố hứng trọn những mảnh trăng rơi còn vương lại đây đó. Khi anh giật mình nhìn lên thì Phương đã biến mất. Thành cuống cuồng tìm kiếm. Sau khi tìm hiểu anh mới hay về cuộc sống những năm qua của cô.
   Trở về mà chưa gặp được Phương, anh sợ cô biết lại lần nữa chạy trốn. Thành cũng thấy có lỗi với vợ, nhưng anh nghĩ sẽ thật có lỗi khi suốt đời này tra tấn cô ấy bằng trái tim lạnh lùng, băng giá.
*     *     *
     Bà Sa nhặt chiếc ống nghe Phương làm rơi đặt lên hộp điện thoại trên bàn rồi dẫn cô đi dạo. Đột nhiên bà nhắc đến Thành làm Phương sững sờ giây lát. Cô cố gắng lắng tai nghe thêm điều gì đó nhiều hơn nhưng chỉ nghe thấy được tiếng bước chân song hành cùng cái se lạnh của một đêm Đà Lạt.
     Vài ngày sau đó, hai mẹ con về quê thăm mộ bố và em trai Phương. Họ tản bộ thắp nhang viếng những ngôi mộ quanh đó. Rồi Phương đứng một mình bên mộ bố rất lâu. Cô chỉ lặng im nghe tiếng gió thoang thoảng hương cỏ dại từ mọi phía, thứ mùi thơm của quê hương xứ sở.


   Một cánh tay khẽ chạm vào cô. Phương giật mình hỏi “Mẹ ư?” Cánh tay kia nắm lấy bàn tay nhỏ gầy của cô yên lặng. Phương khá bình tĩnh, cô sờ lên bàn tay ấm áp ấy một cách chậm rãi. Rồi những ngón tay bỗng nhiên dừng lại khi chạm đến một vết thẹo dài trên đó. Bản nhạc ngày xưa trong khoảnh khắc dội về giữa mênh mông bát ngát xanh rờn, khiến cô lãng quên đi ngọn gió đang vi vu trên đồng cỏ. Hai người vẫn lặng im như thế chờ cho bản nhạc tan hết cùng bao nỗi nhớ thương. Rồi họ ôm chầm lấy nhau không nên lời.
   Trong buổi hòa nhạc từ thiện do cô Liễu Thanh Cầm mời Phương tham dự, Thành đã mang bé Phương Anh đến xem. Anh đã giải thích cho cô bé nghe về cái tên của nó. Anh cũng bảo với con gái rằng người chơi đàn mù trên sân khấu kia sẽ chơi tiếp bản nhạc cuộc đời cha con ta. Thành dắt con gái đến gặp Phương. Cô gái mù nhẹ nhàng cúi xuống sờ lên tay đứa trẻ. Những ngón tay nhỏ xíu bất chợt nắm chặt lấy bàn tay Phương khiến trái tim cô hạnh phúc ngập tràn.


                                          Ngô Diệu Hằng
READ MORE - Truyện ngắn TÌNH KHÚC KHÔNG LỜI - Ngô Diệu Hằng

ĐÁNH MẤT VẦNG TRĂNG - thơ Nguyễn An Bình

 
Nguyễn An Bình
Từ thuở yêu người tim chợt thức
Mọc nhánh rong buồn một góc sân
Sáng nắng chiều nghiêng theo lặng lẽ
Góc nhớ đường quen mòn vết chân
Ai hay sương thấm thềm hoa cũ
Lạc dấu nhau rồi, nụ tầm xuân.

*

Bụi đỏ theo em về cuối ngõ
Tìm ai anh lạc giữa chợ người
Con bướm vàng thôi vờn khóm trúc
Sầu tình xếp cánh chẳng buồn bay
Tóc thề vương vấn mùa thi cũ
Nhẹ bước chân em lạnh một đời.

*

Sáo ơi sao vội bay đi thế
Chưa đến giao mùa đã sang sông
Lớn ròng con nước chia đôi ngã
Tím lục bình trôi nở một dòng
Còn nghe hương thoảng đầy trong gió
Mưa ướt đời nhau có bận lòng?

*

Thơ tình anh viết từ dạo ấy
Tuổi đôi mươi vụng dại bao lần
Năm tháng tuổi xuân đi biền biệt
Đắng lòng chưa hết nỗi bâng khuâng
Đến giờ sao vẫn còn dang dở
Vì người đánh mất một vầng trăng.

8/6/2013

Nguyễn An Bình
READ MORE - ĐÁNH MẤT VẦNG TRĂNG - thơ Nguyễn An Bình

NHỚ NHÀ THƠ TẠ NGHI LỄ - Đinh Thanh Hải

Tạ Nguyên con trai của nhà thơ Tạ Nghi Lễ chia sẻ:

 " Thế là gần 5 năm ngày ba mất, thời gian cũng trôi đi quá nhanh, tưởng như mới ngày hôm qua mà thôi. Ba đi rồi để lại nỗi mất mát quá lớn đối với gia đình, Khi ba vừa trút hơi thở cuối cùng, con chở mẹ về để lo đám tang của ba được chu toàn. Con đã từng nghĩ rất nhiều trên đường về nhà, đường tuy gần nhưng sao thấy dài quá. Rồi suy nghĩ về cuộc sống, tương lai, lo cho mẹ, rất nhiều thứ xoay trong đầu của con, rồi những việc làm của ba còn dang dỡ. Con cũng đã cố gắng hết sức của mình để làm những gì ba còn chưa hoàn thành. Đến thời điểm này con đã thanh thản khi đã làm đúng những nguyện vọng lúc sinh thời của ba. Con nhớ lúc còn nhỏ, ba đã từng ru cho con ngủ bằng những điệu hò Miền Trung mộc mạc để đưa con vào giấc ngủ " hò ơi ... mẹ thương con ra cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên núi vọng phu ..." Rồi những lúc con ho, ba lại thương sợ con bị hen suyễn, ba đã xoa dầu nóng hiệu Đất Đỏ, để cho con không còn ho nữa. Rồi Cu Văn mất đi, Ba mẹ và con hết sức đau buồn, ba nén đau thương đó, rồi mẹ lại bệnh nặng. Khoảng thời gian đó thật là khó cho cả nhà mình. Sau những bôn ba lưu lạc Phương Nam, ba đã hoàn thành ước nguyện của mình, được vào Hội nhà văn Việt Nam, được nhiều người biết đến. Rồi những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, ba vẫn cho qua và chỉ mỉm cười. Ba là người hạnh phúc nhất khi ba nằm xuống, có mặt đầy đủ gia đình, bạn bè thân hữu. Cái hạnh phúc đó không phải ai cũng có. Con yêu và nhớ ba rất nhiều ...."

Nhà thơ Tạ Nghi Lễ cùng con trai

Qua đây cho Đinh Thanh Hải xin gửi lời chia sẻ đến với Tạ Nguyên đã mất đi người ba yêu quý của mình, đường đời này không còn có ba bên cạnh nữa, một nỗi mất mát lớn của một đời người.

Đồng thời quê hương Quảng Trị cũng mất đi một người con ưu tú, một người con luôn hướng lòng mình về với quê hương nguồn cội.

Qua những bài thơ của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, ta như thêm yêu thêm nhớ một miền quê " Nắng hạn cháy lưng, mưa dầm lụt lội  ", một miền quê không những bị thiên tai hàng năm trút lên đầu người dân những cơn bão, cơn lụt. mà quê hương Quảng Trị còn bị chiến tranh tàn phá, người chết nằm xuống nhiều hơn người còn sống.

Qua những lời thơ, nhà thơ Tạ Nghi Lễ đã cho mọi người thấy những nét về quê hương tuy nghèo khổ nhưng vẫn đượm tình làng nghĩa xóm, Quảng Trị như được gần hơn với mọi người khắp các vùng miền Việt Nam cũng như hải ngoại.

" Không có nơi mô như ở quê mình ,
Nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ . "

Những người con Quảng Trị xa xứ mỗi khi ngồi bên nhau đều ngân lên những bài hát được phổ thơ của nhà thơ Tạ Nghi Lễ .

Tôi đã được nghe rất nhiều bài hát về quê hương Quảng Trị được phổ từ thơ của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, tôi yêu và quý lắm, trong bài thơ NHỚ VỀ QUẢNG TRỊ  đã được nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng phổ nhạc, có một câu mà tôi rất thích: "Nợ áo cơm dặm đường xa ngái, Lòng hẹn lòng tôi nhé về quê. " Cái từ xa ngái sao mà hay quá vậy. 

Sau này, vô Sài Gòn tôi được quen anh Phan Duy Đức cùng những người bạn thân của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, tôi được các anh kể những câu chuyện về cuộc đời của nhà thơ TNL, nhưng tôi rất tiếc mình chưa được gặp mặt nhà thơ dù chỉ một lần. 

Hôm nay, tôi đọc được những lời tâm sự của người con trai của nhà thơ TNL, những dòng chữ thật xúc động, tôi đã xin Tạ Nguyên copy những dòng tâm sự của người con nhớ về ba để chia sẻ cùng với mọi người.

Những người Quảng Trị quê tôi đã luôn yêu quý nhà thơ Tạ Nghi Lễ, thời gian có trôi qua đi, nước có chảy đá có mòn, tên ông vẫn sống mãi trong lòng người con quê Quảng Trị.

"Tôi sẽ về tìm lại ấu thơ
Con sông nhỏ một thời tắm mát
Chiều thị xã hương sầu đông thơm ngát
Tiếng ve khô cong ngọn gió Nam Lào"

Nhà thơ Tạ Nghi Lễ

Nhà thơ Tạ Nghi Lễ tên thật là Tạ Lễ, sinh ngày 8-10-1951, tại làng Lâm Xuân, xã Gio Mai , huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, những bút danh: Tạ TấnHoàng NguyênMai LýÁi Nghi, năm 1970 tốt nghiệp trung học, 1970-1972 theo học khoa Luật và Văn Khoa tại Huế, 1973 -1975 học trường quốc qia hành chính Sài Gòn, sau 1975 TNL cùng gia đình sống tại Trảng Bom - Đồng Nai, năm 1997 TNL chuyển lên Sài Gòn sinh sống, cùng năm đó TNL đã trở thành Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

Nghề nghiệp: nhà giáo dạy học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà biên kịch, diễn viên điện ảnh, ngâm thơ trên truyền hình, ông tham gia hơn 30 bộ phim, trong đó có những phim: Người đẹp Tây đô + Hải Nguyệt ...

Tác phẩm đã xuất bản: Yêu một người làm thơ + Nàng hải sư và tôi + Những mảnh đời khác nhau + Những khoảng trời trong sáng + Đi qua lời nguyền + Ngày về .

Giữa khuya ngày 24-07-2008 nhà thơ Tạ Nghi Lễ bị tai biến, gia đình đưa TNL đi cấp cứu vào Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định, nhưng nhà thơ Tạ Nghi Lễ đã qua đời vào lúc 15h50 ngày 25-07-2008 (nhằm 23 tháng 06 năm Mậu Tý). Hưởng dương 58 tuổi.

Đạo diễn Lê Cung Bắc người con làng Xuân Thành, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, trong một bài báo mới đăng ngày 27-7 nhắc về Tạ Nghi Lễ rằng: " Tạ Nghi Lễ là một người rất tình cảm. Đối với gia đình, Lễ rất chỉnh chu. Đối với bằng hữu, Lễ rất nhiệt tình. Tôi thương Lễ, một người em đồng hương thân thiết. Tôi quý Lễ, một con người tài hoa. Tạ Nghi Lễ hoạt động và thành công trên nhiều lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đó là một khả năng hiếm có. Có lần nghe Lễ ngâm thơ về quê hương Quảng Trị, tôi đã không cầm được nước mắt vì nỗi hoài hương ".

Sài Gòn 06/06/2013
Đinh Thanh Hải
READ MORE - NHỚ NHÀ THƠ TẠ NGHI LỄ - Đinh Thanh Hải

VÀI CẢM NHẬN VỀ “NGỌC”, MỘT TRƯỜNG THI CỦA HẠNH PHƯƠNG - Lê Văn Trung

Có một lần, ngồi bên kè đá, nhìn dòng nước róc rách qua từng kẻ đá trong veo, tôi thấy  những dải mây vàng trôi trong suối và màu xanh của cây lá nhuộm vào đất trời cái màu của nhớ nhung vời vợi, tôi chợt nghe tiếng chim hót đâu dó trên cành cây đang xôn xao  gió, tiếng hót như lời mời gọi của cõi vô cùng, tiếng hót như âm vang buồn lắng từ giấc mơ đang trở mình của viên NGỌC thần thoại trở về từ đất trời vô tận.

Tôi đứng lên đi tìm tiếng hót, mong nhìn thấy bóng chim, hứng lấy lời ngọt ngào chảy vào hồn. Nhưng nào tôi có thấy bóng chim đâu, mà tiếng hót sang trọng cao vời vẫn mênh mang trong tôi như lời mời gọi ra đi.Tôi đã làm cuộc hành hương đời mình để đi tìm tiếng hót, để đi tìm tiếng hát, để đi tìm tiếng NGỌC, để mong tìm thấy mình lấp lánh trong sắc màu của NGỌC, NGỌC của “lẽ diệu thường”:

“có một lẽ diệu thường
bất hoại NGỌC kim cương” 

Và tôi đã đi tìm NGỌC, đi tìm giấc mơ của mình, giấc mơ nối tiếp cuộc hành trình miên viễn thiên thu, để NGỌC biến vào ta, để ta hoà trong NGỌC:

“thở vào ta thấy NGỌC
thở ra mình thấy châu” 

Và tôi đi tìm tiếng NGỌC để nghe tiếng réo gọi từ chân trời, tiếng hát của thiên thu về một cuộc giải thoát khỏi những ràng buộc của sắc không.

“ai chắc rằng tiếng hát
châu NGỌC ấy vô hình
trong ngân ngàn cánh hạc
giữa vòm trời lung linh” 

Lời em là “mật ngữ”, tiếng hát em là “diệu ngôn”, có phải hình hài em là “huyễn tượng”?  Mà than ôi! Tôi chỉ là một hành giả qua bao đá sỏi đời mình để một lần nghe tiếng hát dội  vào tim mình “cung bậc lá ngàn bay”, để rồi:

“trong tư thế kiết già
tim hồng ngân lời ca
đất trời chung nốt nhạc
mưa hoa mạn đà la” 

Và kẻ hành giả vô minh, một hôm nghe tiếng chim hót trên vòm cây xanh, nghe  lời châu NGỌC mà hoá giải tự thân:

“tự thân mình châu NGỌC
tự thân người bi từ
tham sân si lăn lóc
chợt sáng ngời chân như” 

Em là con chim nhỏ vô hình hát lời vô thanh giữa đất trời vô lượng:

“tiếng hát ấy NGỌC tuyền
tiếng hát ấy uyên nguyên
nam mô mười phương Phật
ca lăng tần áo uyên” 

Người ngồi nghe tiếng hát đó, nghe đến “ròng rả suốt mùa trăng”  một hôm  đã ngộ ra rằng, trong cái lai áo trần gian nghèo hèn của mình tự tiền kiếp xa xôi đã ngời ngời ánh NGỌC, tiếng hát chỉ là tiếng rơi nhẹ của một giọt sương làm mát rượi hồn thơ để đi về cái cõi uyên nguyên mật ngữ diệu pháp. Đọc ngót một trăm đoãn khúc của trường thi NGỌC, tôi gấp lại, bật một que diêm, ngọn lửa bùng lên rồi tàn rụi, khói lơ lửng bay đi, nhúm tàn tro đọng lại, rồi cũng tan hoà trong đất trời vô hạn thôi! Nhưng hình như, tôi nghe, không phải âm vang, và hình như tôi thấy, không phải hình hài, mà chỉ còn:

“quê nhà ngồi tĩnh tại
lóng lánh mình mimh châu” 

Quê nhà,
Mùa hạ huyền


LÊ VĂN TRUNG


Trích từ tập thơ Ngọc do tác giả gởi tặng.
READ MORE - VÀI CẢM NHẬN VỀ “NGỌC”, MỘT TRƯỜNG THI CỦA HẠNH PHƯƠNG - Lê Văn Trung

ĐỌC “MÙA GỌI” CỦA VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

                                   
MÙA GỌI

Xuân hãy đi đi đừng quay nhìn lại
Nắng hạ vô tình đốt cháy vết đau
Có vì Sao băng nghìn thu mới rụng
Ngay giữa trời đông lạc mất bốn mùa

Mấy lượt bốn mùa chưa đến mùa em
Một đời như không thành hai nỗi khát
Như hoa lìa cành hoa tan nhuỵ nhạt
Như Sen xa hồ hồ đục Sen khô *

Về nha Giang Tân đó đây còn đợi?
Mưa gió thay mùa  bão tố thay tên
Có còn ai không tôi ơi muốn  đổi?
Mòn mỏi trăm mùa xin một mùa em.

Vĩnh Thuyên

***

Lời bình: Châu Thạch

Có  người hỏi tôi vì sao viết lời bình thơ Vĩnh Thuyên và một vài tác giả khác hơi nhiều. Tôi trả lời: Châu Thạch chỉ là con ếch trong bài thơ “Tiếng Quê” của nhà thơ Lê Văn Thật. Ếch nằm bên bờ ruộng không quen biết vì sao nào, mà cũng chẳng có vì sao nào để ý đến ếch làm chi. Đêm đêm ếch nhìn lên bầu trời, thấy có vì sao nào phát ra tia sáng hợp với lòng mình thì phình bụng kêu to. Tiếng kêu của ếch có khi làm chói tai ai đó nhưng cũng góp phần làm rộn cho đêm.

Bài thơ Mùa Gọi là tia sáng mới mà ếch vô cùng tâm đắc. Tất nhiên trên bầu trời văn chương còn biết bao ngôi sao chói lọi phát ra tia sáng lung linh, nhưng ếch chỉ nhìn được gì mắt nó thấy mà thôi.

 Đọc bốn câu thơ  của vế đầu Mùa Gọi, cảm xúc của lòng tôi dâng tràn. Tôi nghe được giọng trách móc nhẹ nhàng và hờn lẫy trong thơ. Tôi cũng nghe được nỗi buồn chất chứa trong thơ tràn ngập, như hoa lá bốn mùa đều bị nước lũ mùa đông xóa sạch:

                      Xuân hãy đi đi đừng quay nhìn lại
                      Nắng hạ  vô tình đốt cháy vết đau
                      Có vì Sao băng nghìn thu mới rụng
                      Ngay giữa trời đông lạc mất bốn mùa

Tôi chưa đọc bài thơ  nào mà thi sĩ không luyến tiếc xuân đi. Tôi cũng chưa biết ai không phải làm nghề nông lại không muốn mùa xuân kéo dài thâm qua mùa hạ. Lần đầu tiên tôi thấy Vĩnh Thuyên đuổi xuân đi và cấm xuân nhìn quay lại. Thú thật tôi không tin lời nói ấy là thật chút nào. Câu thơ “Xuân hãy đi đi đừng quay nhìn lại” hiểu ra chỉ là một lời dỗi hờn mà thôi, và câu kế tiếp “Nắng hạ vô tình đốt cháy vết đau” mới tỏ bày được tâm trạng người thơ. Một là tác giả trách mùa xuân đã bỏ đi mau, hai là nếu không phải thế, thì tác giả dục xuân đi mau, tránh mùa hạ khắt nghiệt, vô tình đến lạnh lùng “đốt cháy vết đau”. “Vết đau” đã là một điều đau đớn mà mùa hạ lại “đốt cháy vết đau” thì khác chi phải chết hai lần. Đó là điều oan khiên không ai muốn có.

Rồi tiếp theo câu thứ  ba “có vì sao băng qua nghìn thu mới rụng” diễn tả khối buồn thương u uất trôi dài.  Hai chữ “băng”“rụng” là hai giai đoạn của đau thương. Sao băng là sao còn bay qua nền trời và sao rụng là sao đã tan tành tắt đi ánh sáng.  Sao băng là thời gian thoi thóp trước phút lâm chung. Sao rụng  là giờ tắt thở. Từ sao băng đến sao rụng diễn tả một cuộc đi dài trong đêm tối, vô vọng trong cuộc đời, để cuối cùng tan vào trong cõi hư vô.

Ở câu thứ tư “Ngay giữa trời đông lạc mất bốn mùa” diễn tả một sự đổ vỡ hoàn toàn, mất sạch, trắng tay. Bốn mùa đã lạc mất trong thời điểm mùa đông nghĩa là sự tê tái đã làm tê liệt hết cả niềm vui.

Trong bốn câu thơ nầy không đề cập đến đời, không đề cập đến tình, nên ta có thể hiểu chung nó là chữ “hoại” trong lẽ vô thường của Phật giáo. Đọc vế thơ mở đầu nầy ta thấy nó mang hình ảnh cao rộng của đất trời, cái lung linh của thơ trong văn tứ, và sâu nhiệm triết lý sâu xa trong lẽ sống.

Qua vế thứ hai của bài thơ tác giả mới nói đến em và chữ em cũng chỉ được nhấn mạnh có một lần, chừa chữ cho những biểu tương khác mang hình ảnh của đời:

                       Mấy lượt bốn mùa chưa đến mùa em
                       Một đời như không thành hai nỗi khát
                       Như hoa lìa cành hoa tan nhuỵ nhạt
                       Như Sen xa hồ hồ đục Sen khô *

Nếu suy luận hời hợt ta có thể hiểu nhầm ở câu một  của bài thơ, tác giả dùng mùa xuân để đại diện cho em, và đuổi mùa xuân đi không cho nhìn lại là lời nói dỗi hờn với em. Nhưng theo tôi thì không phải thế. Qua vế hai của bài thơ tác giả nói “Mấy lượt bốn mùa chưa đến mùa em” có nghĩa em là một mùa cá biệt khác với những mùa kia. Hoặc em là tổng hợp của bốn mùa, hoặc em là một mùa đẹp hơn cả bốn mùa kia, mà anh đang chờ, đang đợi, đang mong. Vậy mùa xuân ở câu một của bài thơ chỉ là mùa xuân của cuộc đời, nó đã bỏ đi trong anh từ ngày anh chạy theo em, vì em chính là một mùa quyến rủ con tim. Và “Một đời như không thành hai nỗi khát” diễn tả sự vô vọng trong cuộc tình, nỗi trăn trở theo tháng ngày nhân lên gấp bội. “Đời như không” là đời kể như không có niềm vui nào hết. “Hai nỗi khát” là khao khát có em và khao khát niềm vui cuộc đời, vì có em mới có niềm vui cuộc đời và nếu có niềm vui cuộc đời thì phải có em.

Hai câu thơ kế tiếp là hai vế song song bày ra bốn bức tranh tỉnh vật đượm buồn. Câu thơ “Như hoa lìa cành hoa tan nhụy nhạt” vẽ ra bức tranh hoa lìa cành và bức tranh hoa khô héo. Câu thơ “Như Sen xa hồ hồ đục Sen khô” vẽ ra bức tranh hoa sen đã tàn và bức tranh hồ sen khô héo. Tùy theo cảm quan của mỗi người, bốn bức tranh nầy thể hiện  anh và em mà cũng có thể, thể hiện tâm trạng của chính một mình  anh. Nếu bốn bức tranh thể hiện cho anh và em thì nói lên sự cần thiết có nhau như hoa và cành, như sen và hồ đã tàn tạ vì đã xa nhau. Nếu chỉ thể hiện tâm trạng của chính một mình anh thì có thể hiểu bản chất tình yêu trong linh hồn anh là cành và hồ, còn tình yêu nẩy nở trong linh hồn để anh yêu em là hoa và sen. Như thế, với hai câu thơ và bốn bức tranh tác giả nêu sự tượng quan giữa anh và em, giữa em và tình, để đồng hóa tình yêu với em như một, không có tình yêu nào khác cũng không có ai khác ngoài em.

Vế hai của bài thơ thật sự là một bức thơ tình, một bức thơ tình thổ lộ tâm tư. Lời lẽ trong thơ như trách móc, như than thở, điềm đạm nhưng bộc bạch hết những ẩn chứa trong tận đáy lòng.

Vế  ba của bài thơ là đỉnh điểm của nỗi sầu mà tác giả đã dồn nén lại trong lòng ở hai vế thơ trên, đến đây ức chế bung ra thành gió mưa, thành bão tố:

               Về nha Giang Tân đó đây còn đợi?
               Mưa gió thay mùa bão tố thay tên
               Có còn ai không tôi ơi muốn  đổi?
               Mòn mỏi trăm mùa xin một mùa em  

“Về nha Giang Tân đó đây còn đợi?”. Đánh dấu hỏi nghĩa là đang thắc mắc. Chữ “đó đây” nói lên sự lo sợ khắp cả vùng không còn ai mong đợi. “Mưa gió thay mùa bão tố thay tên” là một câu ta thán tuy không đánh dấu than (!) nhưng vẫn cảm thấy buồn vô hạn cho những biến đổi từng ngày trong cuộc sống. “Có còn ai không tôi ơi muốn đổi” nói lên tiếng thét gào của nỗi cô đơn. “Có còn ai không” nghĩa là hiện thời thấy không còn ai hết. “Tôi ơi” nghĩa là chỉ có một mình tôi, nghĩa là tôi than, tôi khóc, tôi gọi, tôi gào với chỉ chính tôi. Và cuối cùng “Mòn mỏi trăm mùa xin một mùa em” là sự vỡ òa buồng tim chất chứa nhớ thương, buồn giận, trông chờ, để mọi sự tràn ra như nước vỡ bờ, và tâm hồn thi nhân mềm nhủn, chắp tay van xin một mùa có em để có một mùa hạnh phúc.

Mùa của thời tiết không bao giờ gọi ai, nó tự nhiên đến và  đi. Vậy Mùa Gọi của Vĩnh Thuyên là mùa nào? Tất nhiên là em, người đã để anh phải đợi chờ mòn mỏi suốt trăm mùa của thời tiết trôi qua. Ôi! Cái “Mùa” trong thơ Vĩnh Thuyên thâm thúy biết bao, tự nhiên như hoa gọi bướm bay tới, như cây mời chim đến đậu líu lo, như em đi qua làm anh ngẩn ngơ suốt cả một đời. Đó là hương tóc, là ánh mắt, là bước đi, là dáng dấp, là tiếng nói của ai lôi kéo ta cho đến dại khờ. Trong chúng ta ai cũng có một ai và ai cũng có một lần trông đợi một mùa cá biệt như Vĩnh Thuyên, nhưng nó đến hay không còn tùy theo duyên số mỗi người. Đó là mùa tình yêu hòa nhịp trong tâm hồn nam nữ và đơm hoa kết trái giữa đời.
                                                           
                                                        Châu Thạch

                                 
READ MORE - ĐỌC “MÙA GỌI” CỦA VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

PHÔI PHAI - thơ Đan Thụy












Hoa xuân nở
trên lối em về
Mây trôi mênh mang
vỗ về ký ức
Gót sen hồng
trinh nguyên gìn giữ
Của một thời
chớm biết mộng mơ ...

Má em  nồng
môi xinh rạng rỡ
Đóa quỳnh thơm
sưởi ấm câu thơ
Em từ trong
thánh thiện hồn nhiên
Nhè nhẹ bước
vào đời nghiêng ngả

Xuân vẫn đến
hoa vẫn cười giục giã
Thời gian trôi
năm tháng héo mòn
Áng mây bay
chiều hoàng hôn tím
Mùa hương yêu thầm lặng
Gió ru ...

Nắng chợt nhạt
môi khô không còn thắm
Câu thơ buồn
man mác chiều say
Vẳng đâu đây
đàn ai réo rắt
Tiếng thở dài ...
dạ khúc buồn tênh


Đan Thụy


Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh Cosinco
Hoà Thành - Tây Ninh
Điện thoại : 0918266282
Email : damhaitn@gmail.com


READ MORE - PHÔI PHAI - thơ Đan Thụy