MÙA GỌI
Xuân hãy đi đi đừng quay nhìn
lại
Nắng hạ vô tình đốt cháy vết
đau
Có vì Sao băng nghìn thu mới
rụng
Ngay giữa trời đông lạc mất
bốn mùa
Mấy lượt bốn mùa chưa đến mùa
em
Một đời như không thành hai
nỗi khát
Như hoa lìa cành hoa tan nhuỵ
nhạt
Như Sen xa hồ hồ đục Sen khô
*
Về nha Giang Tân đó đây còn
đợi?
Mưa gió thay mùa bão tố thay tên
Có còn ai không tôi ơi
muốn đổi?
Mòn mỏi trăm mùa xin một mùa
em.
Vĩnh Thuyên
***
Lời bình: Châu Thạch
Có người hỏi tôi vì sao viết lời bình thơ Vĩnh
Thuyên và một vài tác giả khác hơi nhiều. Tôi trả lời: Châu Thạch chỉ là con
ếch trong bài thơ “Tiếng Quê” của nhà thơ Lê Văn Thật. Ếch nằm bên bờ ruộng không quen biết vì sao nào, mà cũng chẳng có vì
sao nào để ý đến ếch làm chi. Đêm đêm ếch nhìn lên bầu trời, thấy có vì sao nào
phát ra tia sáng hợp với lòng mình thì phình bụng kêu to. Tiếng kêu của ếch có
khi làm chói tai ai đó nhưng cũng góp phần làm rộn cho đêm.
Bài thơ Mùa Gọi là tia sáng
mới mà ếch vô cùng tâm đắc. Tất nhiên trên bầu trời văn chương còn biết bao
ngôi sao chói lọi phát ra tia sáng lung linh, nhưng ếch chỉ nhìn được gì mắt nó
thấy mà thôi.
Đọc bốn câu thơ của vế đầu Mùa Gọi, cảm xúc của lòng tôi
dâng tràn. Tôi nghe được giọng trách móc nhẹ nhàng và hờn lẫy trong thơ. Tôi
cũng nghe được nỗi buồn chất chứa trong thơ tràn ngập, như hoa lá bốn mùa đều
bị nước lũ mùa đông xóa sạch:
Xuân hãy đi đi đừng quay
nhìn lại
Nắng hạ vô tình đốt cháy vết đau
Có vì Sao băng nghìn thu
mới rụng
Ngay giữa trời đông lạc
mất bốn mùa
Tôi chưa đọc bài thơ nào mà thi sĩ không luyến tiếc xuân đi. Tôi
cũng chưa biết ai không phải làm nghề nông lại không muốn mùa xuân kéo dài thâm
qua mùa hạ. Lần đầu tiên tôi thấy Vĩnh Thuyên đuổi xuân đi và cấm xuân nhìn
quay lại. Thú thật tôi không tin lời nói ấy là thật chút nào. Câu thơ “Xuân hãy
đi đi đừng quay nhìn lại” hiểu ra chỉ là một lời dỗi hờn mà thôi, và câu kế
tiếp “Nắng hạ vô tình đốt cháy vết đau” mới tỏ bày được tâm trạng người thơ.
Một là tác giả trách mùa xuân đã bỏ đi mau, hai là nếu không phải thế, thì tác
giả dục xuân đi mau, tránh mùa hạ khắt nghiệt, vô tình đến lạnh lùng “đốt cháy
vết đau”. “Vết đau” đã là một điều đau đớn mà mùa hạ lại “đốt cháy vết đau” thì
khác chi phải chết hai lần. Đó là điều oan khiên không ai muốn có.
Rồi tiếp theo câu thứ ba “có vì sao băng qua nghìn thu mới
rụng” diễn tả khối buồn thương u uất
trôi dài. Hai chữ “băng” và “rụng” là
hai giai đoạn của đau thương. Sao băng là sao còn bay qua nền trời và sao rụng
là sao đã tan tành tắt đi ánh sáng. Sao
băng là thời gian thoi thóp trước phút lâm chung. Sao rụng là giờ tắt thở. Từ sao băng đến sao rụng diễn tả một cuộc đi
dài trong đêm tối, vô vọng trong cuộc đời, để cuối cùng tan vào trong cõi hư
vô.
Ở câu thứ tư “Ngay giữa trời
đông lạc mất bốn mùa” diễn tả một sự đổ vỡ hoàn toàn, mất sạch, trắng tay. Bốn
mùa đã lạc mất trong thời điểm mùa đông nghĩa là sự tê tái đã làm tê liệt hết
cả niềm vui.
Trong bốn câu thơ nầy không
đề cập đến đời, không đề cập đến tình, nên ta có thể hiểu chung nó là chữ “hoại”
trong lẽ vô thường của Phật giáo. Đọc vế thơ mở đầu nầy ta thấy nó mang hình
ảnh cao rộng của đất trời, cái lung linh của thơ trong văn tứ, và sâu nhiệm
triết lý sâu xa trong lẽ sống.
Qua vế thứ hai của bài thơ
tác giả mới nói đến em và chữ em cũng chỉ được nhấn mạnh có một lần, chừa chữ
cho những biểu tương khác mang hình ảnh của đời:
Mấy lượt bốn mùa chưa
đến mùa em
Một đời như không thành
hai nỗi khát
Như hoa lìa cành hoa tan
nhuỵ nhạt
Như Sen xa hồ hồ đục Sen
khô *
Nếu suy luận hời hợt ta có
thể hiểu nhầm ở câu một của bài thơ, tác
giả dùng mùa xuân để đại diện cho em, và đuổi mùa xuân đi không cho nhìn lại là
lời nói dỗi hờn với em. Nhưng theo tôi thì không phải thế. Qua vế hai của bài
thơ tác giả nói “Mấy lượt bốn mùa chưa đến mùa em” có nghĩa em là một mùa cá
biệt khác với những mùa kia. Hoặc em là tổng hợp của bốn mùa, hoặc em là một
mùa đẹp hơn cả bốn mùa kia, mà anh đang chờ, đang đợi, đang mong. Vậy mùa xuân
ở câu một của bài thơ chỉ là mùa xuân của cuộc đời, nó đã bỏ đi trong anh từ
ngày anh chạy theo em, vì em chính là một mùa quyến rủ con tim. Và “Một đời
như không thành hai nỗi khát” diễn tả sự vô vọng trong cuộc tình, nỗi trăn trở
theo tháng ngày nhân lên gấp bội. “Đời như không” là đời kể như không có niềm
vui nào hết. “Hai nỗi khát” là khao khát có em và khao khát niềm vui cuộc đời,
vì có em mới có niềm vui cuộc đời và nếu có niềm vui cuộc đời thì phải có em.
Hai câu thơ kế tiếp là hai vế
song song bày ra bốn bức tranh tỉnh vật đượm buồn. Câu thơ “Như hoa lìa cành
hoa tan nhụy nhạt” vẽ ra bức tranh hoa lìa cành và bức tranh hoa khô héo. Câu
thơ “Như Sen xa hồ hồ đục Sen khô” vẽ ra bức tranh hoa sen đã tàn và bức tranh
hồ sen khô héo. Tùy theo cảm quan của mỗi người, bốn bức tranh nầy thể
hiện anh và em mà cũng có thể, thể hiện
tâm trạng của chính một mình anh. Nếu
bốn bức tranh thể hiện cho anh và em thì nói lên sự cần thiết có nhau như hoa
và cành, như sen và hồ đã tàn tạ vì đã xa nhau. Nếu chỉ thể hiện tâm trạng của
chính một mình anh thì có thể hiểu bản chất tình yêu trong linh hồn anh là cành
và hồ, còn tình yêu nẩy nở trong linh hồn để anh yêu em là hoa và sen. Như thế,
với hai câu thơ và bốn bức tranh tác giả nêu sự tượng quan giữa anh và em, giữa
em và tình, để đồng hóa tình yêu với em như một, không có tình yêu nào khác
cũng không có ai khác ngoài em.
Vế hai của bài thơ thật sự là
một bức thơ tình, một bức thơ tình thổ lộ tâm tư. Lời lẽ trong thơ như trách
móc, như than thở, điềm đạm nhưng bộc bạch hết những ẩn chứa trong tận đáy
lòng.
Vế ba của bài thơ là đỉnh điểm của nỗi sầu mà
tác giả đã dồn nén lại trong lòng ở hai vế thơ trên, đến đây ức chế bung ra
thành gió mưa, thành bão tố:
Về nha Giang Tân đó đây còn đợi?
Mưa gió thay mùa bão tố thay tên
Có còn ai không tôi ơi muốn đổi?
Mòn mỏi trăm mùa xin một mùa em
“Về nha Giang Tân đó đây còn
đợi?”. Đánh dấu hỏi nghĩa là đang thắc mắc. Chữ “đó đây” nói lên sự lo sợ khắp
cả vùng không còn ai mong đợi. “Mưa gió thay mùa bão tố thay tên” là một câu ta
thán tuy không đánh dấu than (!) nhưng vẫn cảm thấy buồn vô hạn cho những biến
đổi từng ngày trong cuộc sống. “Có còn ai không tôi ơi muốn đổi” nói lên tiếng
thét gào của nỗi cô đơn. “Có còn ai không” nghĩa là hiện thời thấy không còn ai
hết. “Tôi ơi” nghĩa là chỉ có một mình tôi, nghĩa là tôi than, tôi khóc, tôi
gọi, tôi gào với chỉ chính tôi. Và cuối cùng “Mòn mỏi trăm mùa xin một mùa em”
là sự vỡ òa buồng tim chất chứa nhớ thương, buồn giận, trông chờ, để mọi sự
tràn ra như nước vỡ bờ, và tâm hồn thi nhân mềm nhủn, chắp tay van xin một mùa
có em để có một mùa hạnh phúc.
Mùa của thời tiết không bao
giờ gọi ai, nó tự nhiên đến và đi. Vậy Mùa
Gọi của Vĩnh Thuyên là mùa nào? Tất nhiên là em, người đã để anh phải đợi chờ
mòn mỏi suốt trăm mùa của thời tiết trôi qua. Ôi! Cái “Mùa” trong thơ Vĩnh Thuyên
thâm thúy biết bao, tự nhiên như hoa gọi bướm bay tới, như cây mời chim đến đậu
líu lo, như em đi qua làm anh ngẩn ngơ suốt cả một đời. Đó là hương tóc, là ánh
mắt, là bước đi, là dáng dấp, là tiếng nói của ai lôi kéo ta cho đến dại khờ. Trong
chúng ta ai cũng có một ai và ai cũng có một lần trông đợi một mùa cá biệt như
Vĩnh Thuyên, nhưng nó đến hay không còn tùy theo duyên số mỗi người. Đó là mùa
tình yêu hòa nhịp trong tâm hồn nam nữ và đơm hoa kết trái giữa đời.
Châu Thạch
1 comment:
Khi mới đọc bài thơ MÙA GỌI của nhà thơ Vĩnh Thuyên , cảm xúc của tôi vỡ òa . Tôi hiểu nỗi đau đáu trong lòng tác giả về một HOÀI VỌNG TƯƠNG PHÙNG ! Bài thơ vượt qua sự kiểm sóat của hạn kỳ thời tiết Xuân , Hạ , Thu , Đông trong nhiều , nhiều năm ...
Khi tôi đọc lời bình của Tác Giả Châu Thạch , tôi càng yêu bài thơ hơn . Ôi Khái niệm về MÙA của Vĩnh Thuyên cất giữ tự trong sâu thẳm lòng mình đã được Châu Thạch mở toang ra , một khám phá bất ngờ , nhưng rất tự nhiên , rất đáng yêu .
Vâng Châu Thạch giới thiệu MÙA của Vĩnh Thuyên chính là Mùa của Hồng Phúc Tình Yêu .
Cảm ơn hai nhà thơ đã cho chúng ta biết cuộc sống chỉ thăng hoa , khi mỗi chúng ta vẫn còn khát khao , nâng niu Tình Yêu và Hạnh Phúc luôn tiềm ẩn trong cuộc sống này .
Hạnh Phúc chỉ đến với những ai biết lắng nghe tiếng thì thầm của nó .
Ước mong sao mỗi chúng ta nhận ra tiếng gọi từ trong sâu thẳm lòng mình như hai nhà thơ Châu Thạch , Vĩnh Thuyên trong MÙA GỌI .
Thân ái .
Lê Liên
Post a Comment