- Vâng, tôi nghe…
- Con chào cô!
Một giọng trẻ con trong vắt làm Phương tò mò.
- Con là ai đấy?
- Con là con của bố
Thành, tên là Phương Anh.
“Bố Thành?” Câu nói
của đứa bé cứ vang lên trong đầu Phương hồi lâu. Cô muốn hỏi nhiều lắm nhưng
Phương chỉ có thể kịp đáp lại đứa trẻ vài câu ngắn.
- …Vậy à? Chào
con. Bố con đâu?
- Bố đang ngồi
với con. Bố nói bố nhớ cô.
Giọng Phương run run
chùng xuống, rồi cô nghe thấy bước chân của đứa bé chạy đi. Chỉ còn lại hai
người lặng im trong tiếng nhạc dập dìu - bản giao hưởng Sonata ánh trăng của
Beethoven. Phương cảm nhận được hơi thở của người đầu dây bên kia. Lúc ánh
trăng đang tan ra lơ lững bên họ và như đang mang họ trở lại cánh đồng đầy
trăng năm đó thì chiếc ống nghe điện thoại bỗng rơi khỏi tay cô.
Chiếc đĩa nhạc vẫn
quay êm ả, dập dìu khúc nhạc Phương yêu thích nhất. Cô nhớ lại những cuộc điện
thoại lặng lẽ suốt thời gian gần đây. Chợt Phương thấy bâng khuâng, ngồi lặng
yên với hai bàn tay lồng vào nhau để hờ trên gối.
Tiếng nhạc ngừng.
Đang sờ soạng thì tiếng bà Sa cất lên:
- Mẹ tắt đấy.
Ngày nào cũng nghe cái thứ nhạc đó. Buồn lắm con ạ. Con gái mà nghe thứ nhạc đó
nhiều là cuộc đời không vui đâu con.
Cứ thấy Phương ngồi
nghe những bản nhạc cổ điển trầm buồn đó, bà Sa lại lo lắng. Nhưng bà không thể
cấm, bởi đó là cách Phương cảm nhận về thế giới bên mình. Cũng may bà còn lại
một thứ trọn vẹn đó là sức khỏe. Từ sau khi chồng mất cùng với đứa con trai bảy
tuổi trong một vụ tai nạn, đôi mắt bà cũng khô vắt đi vì khổ đau và những nỗi
lòng khó ai hiểu thấu. Bà không muốn mất thêm gì nữa. Thứ vô cùng quý giá, lý
do duy nhất bà luôn luôn cố gắng đó chính là Phương.
Ngày Phương còn
học phổ thông, cô nghĩ gia đình cô là hạnh phúc nhất. Phương học giỏi và luôn
tự hào về bố mẹ của mình. Trong những bài văn cô viết bao giờ cũng có hình ảnh
của một người cha mẫu mực, và đằng sau đó là hình bóng một người vợ yêu chồng,
người thức muộn nhất mỗi đêm và cũng dậy từ rất sớm.
Năm cuối cấp,
Phương được thầy Thành dạy kèm để thi vào ngành báo chí như cô mong muốn. Thành
là một thầy giáo trẻ, chỉ hơn Phương sáu tuổi. Anh có vẻ đẹp của một chàng trai
trí thức với chiếc răng khảnh khẽ lộ ra khi anh cười. Thầy Thành nổi tiếng là
nghiêm khắc nên học sinh đều kính nễ. Học sinh nữ mến mộ thầy nhưng đều rụt rè,
sợ tiếng mắng của thầy. Chẳng ai biết được rằng thầy lại để ý đặc biệt đến
Phương, cô học trò ngoan ngoãn và đặc biệt có đôi mắt đen long lanh dưới hai lá
mày cong hiền dịu. Cô bé thường kể với thầy rằng không hiểu sao em cứ hay mơ
thấy mình bị mù, nhưng không phải là màu đen mà là một thứ màu xám cứ đan trước
mặt, mọi thứ cứ mờ dần mờ dần và nhập nhòe trước mắt, những giấc mơ cứ thi
thoảng lại xuất hiện và làm em khó chịu trong những giấc ngủ của mình. Những
lúc như thế, thầy lại mắng cô học trò ngốc nghếch và nói “chắc tại em học
nhiều, mệt mỏi qúa ấy mà”.
Kỳ thi đại học đến
gần. Hai thầy trò miệt mài cùng bao sách vở. Lâu dần, dù chưa nói ra nhưng cả
hai người đều cảm nhận được điều gì đó trong trái tim của nhau.
Một buổi chiều
muộn, Thành chở Phương đến một cánh đồng bát ngát hoa xuyến chi. Họ ngồi bên
nhau yên lặng nhưng tiếng lòng thì như cùng hòa nhịp đan thành bản nhạc không
lời còn mãnh liệt hơn tiếng gió thổi vút từ ngoài cánh đồng kia. Thành ngắt một
nhánh hoa trao cho Phương: “Anh chúc em luôn cười tươi như bông hoa xuyến chi
này nhé. Dù kết quả kỳ thì có như thế nào thì cũng hãy nhớ rằng ở đây anh luôn
đợi chờ và ủng hộ em…” Trên đường trở về, không may Thành gặp tai nạn. Sự việc
đến tai bà Ngân – mẹ Thành. Dù đã nghe thầy kể về mẹ, một người phụ nữ cả quyền,
độc đoán và khắc nghiệt, nhưng Phương vẫn rủ bạn đến thăm. Chưa kịp cho Phương
ngồi, bà Ngân đã túm lấy tay cô kéo ra khỏi nhà và xả ngay vào mặt những lời
cay độc, chửi rủa. Trong mắt bà, Phương là đứa trẻ ranh, bám gót, ít giáo dục
và đưa đến xui xẻo cho con trai bà. Thành nằm trên giường cố gắng lê người
xuống, rồi anh ngã, những vết khâu rướm máu. Phương thì im lặng, nhạt nhòa.
Có lẽ lần gặp mẹ
Thành đã khiến Phương trưởng thành hơn và cái quyết tâm thi đỗ đại học thôi
thúc hơn bao giờ hết. Cô gạt nước mắt và để sau lưng tất cả. Thành cũng nhắc
nhở cô về vết thẹo trên tay anh, để Phương đừng bao giờ nản chí vì tình yêu của
họ. Trước ngày thi, Phương được người bà con đưa đến ở nhờ một ngôi chùa nhỏ
tại cố đô Huế. Để cho lũ trẻ ôn thi nên sư chủ trì thay đổi giờ hành lễ, mỗi
ngày chỉ tụng kinh vào bốn giờ sáng. Lúc ấy cũng là lúc Phương thức dậy, cô
ngồi im trên phản, nhắm mắt lại và chắp tay lắng nghe tiếng năm mô vang vang từ
trên gác. Âm thanh của những bài kinh và tiếng chuông ngân dài mang lại một sự
yên bình, thanh thoát mà cô cảm nhận được trong từng hạt không khí đang chuyển
động quanh mình. Và những bữa ăn chay khiến cô thấy lòng mình sạch sẽ, nhẹ
nhàng hơn. Trước sân chùa có một cây hoa sứ rất già, chiều chiều Phương lại ra
đó nhặt những chiếc hoa rụng cắm lên những nhánh xương rồng trong chậu, khiến
cho cây xương rồng đầy gai cũng biến thành những chùm hoa sứ xinh xắn, hiền
lành. Sư thầy thấy vậy lại đến vuốt tóc cô bé và có lần sư thầy nói “trái tim
con ngọt ngào như những bông hoa sứ, hương thơm sẽ phảng phất lan tỏa khiến
không ai có thể quên được con.”
Cô sinh viên sống
trong ký túc xá của trường, ngày đi học, chiều chiều lại đạp xe lên ngôi chùa
cũ giúp các chú tiểu làm nhang đèn, làm nước tương và quét dọn cổng chùa. Thành
cũng bí mật vào Huế thăm Phương vài lần. Bà Ngân nhờ người gửi cho cô một bức
thư. Dù đã có phần bớt khinh miệt nhưng cái bản chất của một người phụ nữ ít
học, độc đoán và không cúi nhường một ai đã khiến bà không ngừng tuôn ra những
lời khó nghe, cay nghiệt. Bà muốn Phương buông tha cho Thành, anh cần ổn định
và tìm một người vợ bà ưng ý. Phương vẫn giữ kín về bức thư, nhưng Thành vẫn
cảm nhận được sự lạnh lẽo băng một lớp sương dày quanh trái tim của cô.
Mùa xuân năm thứ ba
đại học, một mùa xuân màu trắng đối với Phương. Sự ra đi của bố và em cùng sự
suy sụp của mẹ đã đặt lên vai cô một gánh nặng tưởng chừng không chịu nổi. Trái
tim cô đau như xát muối nhưng vẫn phải cố gồng lên làm bờ vai cho mẹ. Thành đã
ở suốt bên Phương cả thời gian đau khổ ấy. Lúc Phương thấy mang ơn Thành nhiều
nhất thì cũng là lúc sự chịu đựng của bà Ngân vượt quá giới hạn.
Một buổi chiều, khi
Phương chuẩn bị bước lên tàu trở lại thành phố, mẹ Thành đã bí mật đến tiễn.
Thực ra, bà ta muốn Phương hứa một điều, rằng hãy tìm cách chia tay Thành. Lúc
cô đang cúi đầu lặng im thì bà Ngân òa khóc:
- Nếu cô không
làm được thì xin hãy giúp tôi gọi nó tới nhặt xác mẹ. Nói rồi bà lao nhanh về
phía đường ray có tiếng còi tàu đang rít lên từ phía xa xa. Phương chạy theo
níu lấy tay bà và khóc. Hơi thở cô đứt ra trong từng tiếng nấc nghẹn ngào:
- Vâng. Bác
ơi. Cháu hứa. Xin bác hãy về đi!
Phương bước lên
tàu. Cô mong sao cho chuyến tàu dài mãi, đi mãi đến nơi nào đó cô không phải
gặp lại Thành, không phải đối mặt với mẹ Thành, càng không cần lo lắng sẽ phải
chia tay như thế nào để anh chấp nhận. Bao nhiêu lần Phương nói chia tay với
trăm ngàn lý do đều không vượt qua được ánh mắt của Thành, cũng như không chế
ngự được nỗi nhớ âm ỉ cào xé trái tim họ.
Rồi mùa hè năm đó
Phương đi tác nghiệp ở Gia Lai. Khi đi qua một vùng căn cứ địa cách mạng thời
kháng chiến chống Mĩ, chất độc chiến tranh còn vương lại không may nhiễm vào
người cô. Nó đưa Phương bước vào chính giấc mơ ngày xưa cô vẫn thường gặp, mọi
thứ cứ mờ dần đi trước mắt. Lần này, bà Sa không khóc, dẫu trái tim bà rách
toạc vì khổ đau. Bà muốn làm đôi mắt cho con và bà không muốn Phương biết rằng
đôi mắt của cô đang khóc.
Thế là Phương chưa
kịp nhận tấm bằng tốt nghiệp cử nhân báo chí. Cô đau khổ, tuyệt vọng và cảm
giác đó như một tờ giấy nhám chà đi xát lại trái tim cô bao nhiêu lần. Thương
mẹ, Phương cố gắng vượt qua. Cô xin sư chủ trì nếu Thành có tìm thì đừng kể gì
cho anh hay mà hãy nói cô đã đi lấy chồng rất xa và sống hạnh phúc. Hai mẹ con
chuyển vào Đà Lạt sống cùng gia đình người bạn cũ.
Cuộc sống bình yên
ở trang trại khiến Phương quên bớt đi những trận cuồng phong cứ liên tiếp ập
xuống. Cô muốn để sau cái thế giới màu xám của mình những thứ cô rất yêu. Bây
giờ mẹ chính là đôi mắt. Đôi tay cô cũng đã lướt được rất êm trên những phím
đàn. Đêm đêm Phương chơi đàn dương cầm cho một nhà hàng trong thành phố. Cô chỉ
chơi được một vài bản nhạc cổ điển quen thuộc mà cô vô cùng ưa thích. Đặc biệt,
vào mỗi tối thứ bảy, những người khách quen lại cố nán lại để nghe Phương chơi
bản Sonata ánh trăng của Beethoven. Bản nhạc này do Thành gửi tặng khi Phương
bảo anh hãy kể về ánh trăng quê trên cánh đồng hoa xuyến chi anh đang nhìn
ngắm. Cô nghe và chơi nhiều đến nỗi giờ đây từng giai điệu, nốt trầm bổng, nhịp
đô rê, tất cả đã ăn vào máu. Ngày đó, thời còn ở Huế, quyết tâm và khao khát đã
thôi thúc cô theo học dương cầm. Sự thành tâm và nét đẹp toát ra từ khuôn mặt
thánh thiện của Phương đã làm một người nghệ sĩ cảm động, nhân vật có tên Liễu
Thanh Cầm. Họ quen nhau trong một buổi hòa nhạc từ thiện.
Cái tin nghệ sĩ
dương cầm mù chơi Sonata ánh trăng rất tình cảm đã lan khắp nơi gần xa. Và điều
gì có thể ngăn được sợi chỉ vô hình mang nó đến với Thành?
Về Thành, anh
luôn sống trong những giấc mơ mà bao giờ hình bóng Phương cũng mập mờ xa xa,
khi anh chạy đến thì biến mất, rồi anh lại hụt hững, quay cuồng tìm kiếm. Dù
nhà chùa không nói dối, nhưng vì Phương, vì những khổ đau cô phải chịu và lời
thỉnh cầu của hai mẹ con, sư thầy đành bảo Thành rằng Phương đang sống tốt cùng
chồng. Cuối cùng anh cũng tự an ủi lấy bản thân và chấp nhận sự sắp đặt của bố
mẹ. Dường như giấc mơ của Thành sẽ chẳng bao giờ tan đi và nó còn hiện hữu cả
những lúc anh tĩnh. Trở về sau công việc và những cuộc gặp gỡ bạn bè, anh mang
vẻ mặt u sầu và vô cảm bên vợ. Đã bao lần người vợ anh đòi chia tay nhưng rồi
lại thôi, vì cả hai không ai làm điều gì có lỗi. Thành biết mình sai, những
mong đứa con sẽ là ánh nắng xua tan giấc mộng của chính mình. Nhưng cái giây
phút khi người bạn cũ cho anh hay về Phương, nghệ sĩ dương cầm mù chơi bản
Sonata ánh trăng, giấc mộng ấy lại trỗi lên mãnh liệt hơn nữa.
Thành ngồi dưới
hàng ghế khán giả và nhìn lên Phương. Những giọt nước mắt anh rưng rưng rồi
tràn ra khỏi khóe mắt theo từng nốt nhạc dập dìu tan vào không khí. Tất cả lặng
im, cô gái mù mặc chiếc áo trắng màu hoa sứ đang lướt những ngón tay rất êm ái
trên phím đàn kể cho mọi người nghe về ánh trăng cô cảm nhận được trong thế
giới của mình. Thành ngồi đó, nhìn cô không rời mắt. Đôi mắt Phương nhìn vào
không gian vô định, nó vẫn đẹp làm sao, anh thấy. Phương vẫn không hề quên bản
nhạc này và còn chơi nó rất hay, nó làm Thành tin rằng cô chưa từng quên anh.
Rồi tiếng nhạc ngưng, mọi người vỗ tay và ra về. Chỉ còn Thành ngồi lặng yên cố
hứng trọn những mảnh trăng rơi còn vương lại đây đó. Khi anh giật mình nhìn lên
thì Phương đã biến mất. Thành cuống cuồng tìm kiếm. Sau khi tìm hiểu anh mới
hay về cuộc sống những năm qua của cô.
Trở về mà chưa gặp
được Phương, anh sợ cô biết lại lần nữa chạy trốn. Thành cũng thấy có lỗi với
vợ, nhưng anh nghĩ sẽ thật có lỗi khi suốt đời này tra tấn cô ấy bằng trái tim
lạnh lùng, băng giá.
* * *
Bà Sa nhặt chiếc
ống nghe Phương làm rơi đặt lên hộp điện thoại trên bàn rồi dẫn cô đi dạo. Đột
nhiên bà nhắc đến Thành làm Phương sững sờ giây lát. Cô cố gắng lắng tai nghe
thêm điều gì đó nhiều hơn nhưng chỉ nghe thấy được tiếng bước chân song hành
cùng cái se lạnh của một đêm Đà Lạt.
Vài ngày sau đó,
hai mẹ con về quê thăm mộ bố và em trai Phương. Họ tản bộ thắp nhang viếng
những ngôi mộ quanh đó. Rồi Phương đứng một mình bên mộ bố rất lâu. Cô chỉ lặng
im nghe tiếng gió thoang thoảng hương cỏ dại từ mọi phía, thứ mùi thơm của quê
hương xứ sở.
Một cánh tay khẽ
chạm vào cô. Phương giật mình hỏi “Mẹ ư?” Cánh tay kia nắm lấy bàn tay nhỏ gầy
của cô yên lặng. Phương khá bình tĩnh, cô sờ lên bàn tay ấm áp ấy một cách chậm
rãi. Rồi những ngón tay bỗng nhiên dừng lại khi chạm đến một vết thẹo dài trên
đó. Bản nhạc ngày xưa trong khoảnh khắc dội về giữa mênh mông bát ngát xanh
rờn, khiến cô lãng quên đi ngọn gió đang vi vu trên đồng cỏ. Hai người vẫn lặng
im như thế chờ cho bản nhạc tan hết cùng bao nỗi nhớ thương. Rồi họ ôm chầm lấy
nhau không nên lời.
Trong buổi hòa nhạc
từ thiện do cô Liễu Thanh Cầm mời Phương tham dự, Thành đã mang bé Phương Anh
đến xem. Anh đã giải thích cho cô bé nghe về cái tên của nó. Anh cũng bảo với
con gái rằng người chơi đàn mù trên sân khấu kia sẽ chơi tiếp bản nhạc cuộc đời
cha con ta. Thành dắt con gái đến gặp Phương. Cô gái mù nhẹ nhàng cúi xuống sờ
lên tay đứa trẻ. Những ngón tay nhỏ xíu bất chợt nắm chặt lấy bàn tay Phương
khiến trái tim cô hạnh phúc ngập tràn.
Ngô Diệu Hằng
1 comment:
Cam on chu!
Nghi he ban ron wa chau k co thoi gian de di choi va cung ko co noi chut cam hung de viet lach. Hnay thay email tren dien thoai va xem lai truyen nay ma nhan ra da lau roi k viet duoc gi.
Chuc cac co chu mua he tuyet voi!!
Dieu Hang
Post a Comment