Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 4, 2014

GẶP GỠ NHÀ THƠ PHAN KỶ SỬU VỚI TÁC PHẨM BIÊN KHẢO ĐẦU TIÊN Ở TÂY NINH - Nguyễn Thị Hương Giang

              
Nhà thơ Phan Kỷ Sửu

Nói đến Phan Kỷ Sửu, độc giả yêu thơ trong ngoài tỉnh đều biết đấn anh ở góc độ một nhà thơ. Vâng! Gần 40 năm anh luôn là một người tình chung thủy của nàng thơ. Thơ anh đã nhiều lần đạt giải thưởng ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã vang lên trên Đài Tiếng nói Việt nam, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đài PTTH Bình Dương, Tây Ninh… Anh đã góp mặt trên 40 tuyển tập thơ nhiều tác giả xuất bản trong cả nước và riêng anh đã có 2 tập thơ được xuất bản.

Thế nhưng vào đầu năm 2014 này anh đã xuất bản tác phẩm biên khảo đầu tiên của mình trong tỉnh. Một lĩnh vực thật mới mẽ của nhà thơ ra đời trong lúc anh đã bước vào tuổi 65 sau 5 năm anh được nghỉ hưu. Đó là tập Biên khào: TÌM HIỂU PHẬT GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN Ở TÂY NINH, tập sách dày  350 trang do Hòa thượng Thích Niệm Thới, UV Ban Trị sự Giáo hội PG VN, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội PGVN Tỉnh Tây Ninh chủ biên và đề tựa.  Sách do NXB Tôn Giáo (Hà Nội) xuất bản. Tôi là một trong nhiều bạn thơ thân thiết của anh hết sức bất ngờ  và hết sức phấn khởi trước một thành quả mới của anh và sau 5 tháng sách được phát hành tôi mới có dịp gặp gỡ anh để trao đổi về tác phẩm ấy trong Mùa Vu Lan Thắng hội năm nay.

Hỏi :- Thưa anh! Có lẽ đây là tác phẩm đầu tay của anh trong thể loại biên khảo?  Trong quá trình sáng tác của mình anh đã bước vào lỉnh vực biên khảo tự bao giờ?  Anh đã viết biên khảo với những chủ đề nào?

Trả lời:-Đúng vậy đây là tác phẩm biên khảo đầu tay của tôi. Thực ra trong quá trình làm báo, sáng tác thơ văn, tôi đã đến với lỉnh vực biên khảo từ cuối thập niên 70 thế kỷ trước. Tôi đã có nhiều bài biên khảo đăng trên báo Văn nghệ Tây Ninh trước khi có hội VHNT Tây Ninh hiện nay, báo Tây Ninh, Đài PTTH Tây Ninh và một số báo chí khác  trong, ngoài tỉnh. Tôi viết biên khào chủ yếu là tập trung vào các lỉnh vực văn học nghệ thuật, văn hóa dân gian,tôn giáo và dân tộc. Viết để phổ biến trên báo chí. Có thể tôi sẽ biên tập lại để in thành sách một số tác phẩm biên khảo của tôi trong thời gian tới.

Hỏi: Anh đã biên soạn tác phầm "TÌM  HIỂU PHẬT GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN  Ở TÂY NINH" từ bao giờ? Anh có thể cho biết động cơ nào thôi thúc anh hoàn thành tác phần và  khái quát về nội dung cuốn sách ?

Trả lời: - Tôi bắt tay vào việc biên soạn cuốn sách ngay sau khi tôi được nghỉ hưu tức là hơn 5 năm qua, Trở lại với đời thường không còn bận bịu với công việc thường ngày của một cán bộ quản lý nên tôi đã lao vào công việc viết sách rất thoải mái, có điều kiện và thời gian nhiều hơn để nghiên cứu và sưu tầm các tư liệu cần thiết. Đây là tác phẩm đầu tiên  biên khảo về Phật giáo .một tôn giáo lớn đã đến Tây Ninh sớm nhất từ khi những bước chân khai phá đầu tiên có mặt trên vùng đất mới này.Tây Ninh cũng là nơi có nhiều tín ngưỡng dân gian chưa được giới thiệu và nghiên cứu. Tôi nghĩ biên soạn và xuất bản tập biên khảo này nhằm cung cấp cho mọi người nhất là các bạn trẻ những kiến thức cần thiết để hiểu  thêm và yêu quý hơn quê hương Tây Ninh của mình. Việc biên soạn cuốn sách đã được nhiều bạn bè khuyến khích, nhất là những người sống nhiều năm trên quê hương này. Anh Nguyễn Cảnh, người bạn nhiếp ảnh thân thiết đã góp công thực hiện hàng trăm tấm ảnh minh họa cho các bài viết của tôi là người động viên tôi nhiều nhất! Bây giờ mình đã có tuồi, tôi nghĩ biên khảo là một thể loại thích hợp nhất!
Cuốn sách của tôi chia làm 3 phần. 
Phần thứ 1: Phật Giáo;
Phần thứ 2: Tín ngưỡng dân gian ở Tây Ninh;
Phần thứ 3: Những trang văn, những vần thơ.

Hỏi: Anh có thể cho biết rõ hơn về phần thứ 3 của cuốn sách?

Trả lời:  Phần thứ 3 là tập hợp các bút ký,hồi ức , thơ, ca cổ  xoay quanh những kỷ niệm tuổi thơ, các sáng tác về các thắng cảnh thờ tự nổi tiếng trong tỉnh cũng như các bài thơ, ca cổ về tình cảm gia đình, đất nước, quê hương! Trong phần này có sự tham gia của cô Nguyệt Quế, người bạn gái thân thiết của tôi cũng là một cây bút nữ hiếm hoi ở Tây Ninh.

Hỏi: Trong hướng tới anh có dự định thực hiện các tác phẩm biên khào nào khác không?

Trả lời: Tôi sẽ tiếp tục thực hiện tập 2  "Tìm hiểu Phật giáo và tìn ngưỡng dân gian ở Tây Ninh". Bố cục cũng có 3 phần như tập I và độ dày cũng khỏang trên 300 trang. Sách sẽ được xuất bản vào cuối năm nay. Ngoài ra tôi sẽ tiếp tục thực hiện các tác phầm biên khảo khác về lịch sử ở địa phương.

Rất cảm ơn nhà thơ Phan Kỷ Sửu, Rất mong  được tiếp tục đọc những tác phẩm biên khảo mới của anh. Tin tưởng đó sẽ là những tác phẩm rất  cần thiết đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức các bạn trẻ. Chúc anh khỏe và ngày càng vững vàn hơn trong cuộc đời cầm bút của mình.

                                            Nguyễn Thị  Hương Giang

                                                      ( TP/HCM)


READ MORE - GẶP GỠ NHÀ THƠ PHAN KỶ SỬU VỚI TÁC PHẨM BIÊN KHẢO ĐẦU TIÊN Ở TÂY NINH - Nguyễn Thị Hương Giang

Thơ Huy Uyên - Ở LẠI VỚI TAM KỲ, CƠN MƯA CUỐI CHIỀU, SÀI GÒN VÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG BUỒN



Ở lại với Tam-Kỳ

Mười năm quay về chốn cũ
bên sông nước chảy qua cầu
con đường dài chi thương nhớ
bỏ quán bên đường quạnh hiu .

Trên sông thả bóng cùng thuyền
ngày em lưng ong quảy gánh
phổ nhỏ Tam-Kỳ lặng im
ai lên chiều về
Huỳnh-thúc-Kháng .

Chiên-Đàn tối màu tháp ngũ
ngày xưa từng nổi đợi chờ
quê xưa mối tình xa cũ
cầm tay người dạ ngẫn ngơ .

Trời chiều nhuộm bóng sông Đầm
xương rồng,cỏ may lớp gió
cát bay mù trời dặm sông
mái tranh ,con thuyền,xóm nhỏ .

Em nghèo áo chằm nón lá
rặng dừa hồng nắng sớm mai
Bàn-Thạch níu sầu đời đá
cho em thở vắn thương dài .

Phú-Ninh bao la trong xanh
làng quê cây đa bến nước
lúa về đẹp hội vào xuân
tím màu lan-rừng-hồ-điệp .

Đường Phan-chu-Trinh thẳng tắp
bên sông ngã bóng giáo-đường
sáng chiều lời kinh An-Mỹ
gió thổi về đâu An-Sơn .

Trở lại ngã ba Trường-Giang
câu hò xa người buổi trước
tình qua nắng cát Tam-Thanh
trao ai làm sao quên được .

Mây trôi về đâu Tam-Tiến
hoàng hôn ngũ sớm chân trời
ra đi một đời sông biển
Tam-Kỳ ở lại trong tôi ./.



Cơn mưa cuối chiều

Nữa mùa thu về đêm sương đầu ngõ
quán cà-phê lạnh buồn hắt hiu
có phải lá thu rơi đâu đó
để em đi lang thang cùng với trời chiều .

Em còn lặng im bước ở trong vườn
dỗ dành hoài chi từng chiếc lá
tôi đớn đau treo trên thập-tự-buồn
tím chiều ầm ào chuông rung đổ .

Bên ngoài hình như thu về vội
thổn thức bên hồ nhốt gió riêng ai
tiếc chi nhau giọng cười tiếng nói
giữ chi thu hoài ngũ muộn trên vai .

Nữa đêm em rưng lòng khõa thân
giấc mơ theo từng phút giây hấp hối
mây ở trên cao khẻ liếc mắt thầm
ngã-ba-đời em
thẹn thùng giận dỗi !

Tôi tháng tám khi trăng chưa mọc
bỏ tình ai mãi chạy loanh quanh
xưa lắm rồi em thôi rưng lệ mắt xanh
đứng giữa trời mà ôm mặt khóc .

Những hàng cây đen cháy đỏ bên đường
quanh em thơm mùi ngai ngái
hư hao nhiều em tắm giọt thu sương
nhắm mắt ép hương trời vời vợi .

Sao em chờ chi mùa đông gần đến
trả lại cho người dìu dịu ngất ngây
quán người say cầm trái đắng
lòng ai phai nghẹn cứng tháng ngày .

Tiếng chuông gió dỗ đêm quá buồn
thu qua bỏ em ở lại
tuổi dại khờ treo tim quanh vết thương
bên đường chờ chết người đàn ông năm mươi tuổi .

Chiều thu choàng lạnh giá
chim bướm bay đầy trời sương pha
hấp hối lời kinh đọng trên cây thánh-giá
để lại bên đời hiu quạnh hồn ma .

Nghĩa trang thu treo nghiêng quá vội
quanh đây tiếng gọi
thu về
cuối chiều và những cơn mưa ...



Sài-gòn và người đàn ông buồn

Rồi cũng một lần quay mặt
dòng sông xưa vĩnh biệt đò xưa
chỉ một lần thôi và mất
còn gì tóc xanh
mòn mỏi đợi ai ngày về .

Dấu mắt môi một thời đi qua
quên nghìn trùng lặng lẽ
chia tay từ độ ấy đến giờ
người đàn ông biết buồn
tháng ngày đóng cửa .

Quán rượu nghèo se buồn buốt lạnh
bóng hình em lẫn quất phố đêm
ru hồn ai giọt sầu cay đắng
nhớ em tôi mãi đi tìm .

Rằng tôi sẽ quay lại Sài-gòn
đã qua những con đường thay tên ngày cũ
gởi ba-ngôi bên cạnh Thánh-đường
đứng một mình bên chợ Bến Thành
gởi lại tình cố-xứ.

Rằng tôi sẽ về bên dinh-độc-lập
ngậm ngùi xưa súng đạn sa-trường
ngày tiễn tôi em đứng khóc
mấy mươi năm lệ kín hoàng-hôn .

Cho dù đêm trời có mưa,sao
quên hết chưa câu thề buổi cũ
những hàng cây bên đường câm nín niềm đau
chiều cuối tháng lang thang ngoài phố nhỏ .

Catinat em phai màu áo tím
Sài-gòn trôi dặm dài bước chân
người đàn ông bây giờ
trái trên cây héo chín
tình yêu dang tay nằm chết bên đường .

Chốn cũ sân ga,cầu cảng,bến xe
bơ vơ đầu dốc cuối chợ
Sài-gòn đi mà không có ngày về
mùa hạ lá vàng trên cây
đầy tràn nỗi nhớ .


                     Huy Uyên
READ MORE - Thơ Huy Uyên - Ở LẠI VỚI TAM KỲ, CƠN MƯA CUỐI CHIỀU, SÀI GÒN VÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG BUỒN

KHUYNH HƯỚNG TÌM NHÀN TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch


Nhà thơ Thái Quốc Mưu


KHUYNH HƯỚNG TÌM NHÀN 
TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU


Khuynh hướng thích sống nhàn đã có từ thời xa xưa trong văn thơ. Từ thời Đường bên Trung Quốc có bài thơ “Nhàn” của Bạch Cư Dị lưu truyền đến nay một thái độ sống bình an tự tại để hưởng niềm vui.

Ở Việt Nam ta, nhàn là cách muốn sống quen thuộc của nhà Nho xưa, thường là bởi một lý do nào đó như chán ngán con đường hoạn lộ, bất đắc chí vì thời cuộc đổi thay hay đã trả xong nợ sách đèn nên tìm thú hưởng nhàn bằng cách tránh xa thực tại, tìm vui trong thiên nhiên.

Thời Trần, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm xa lánh bả vinh hoa, tìm nhàn trong vui thú điền viên như cày cuốc, đi câu, gần gủi với thuyết vô vi của đạo Lão. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng ký gởi tâm trạng mình trong các bài thơ Thu Ẩm, Thu Điếu, Thu Vịnh để tìm quên thế sự trong cảnh thanh nhàn giữa cảnh vật thiên nhiên. Nguyễn Công Trứ cầu nhàn hưởng lạc trong những thú tiêu khiển khi còn đang tại chức và ngao du sơn thuỷ tìm nhàn khi nợ kẻ sĩ trả xong.

Ngày nay giữa thế kỷ 21, nhà thơ Thái Quốc Mưu cũng có khuynh hướng nhàn được thổ lộ trong bài thơ “Tìm Nhàn”. Thử đi vào bài thơ “Tìm Nhàn” của ông để để suy nghiệm thêm về cái lý do và cái ý muốn nhàn của nhà thơ thời đương đại:

Tìm Nhàn

Cuộc sống suy ra khổ luỵ nhiều
Cái tình nồng ấm chẳng bao nhiêu
Chi bằng lên núi đùa mây gió
Hoặc giả ra sông ngắm nắng chiều
Nhật nhật trần gian thường tự tại
Thời thời cực lạc tất tiêu diêu
Thư nhàn vui với câu thơ phú
Gác gối… cùng ta lẩy, luận Kiều.

Như trên đã nói các nhà thơ thời xưa có khuynh hướng hưởng nhàn vì ảnh hưởng thuyết vô vi của Lão giáo, đồng thời trong cuộc đời gặp sự cố bất bình, từ đó sinh ra yếm thế.
Hai câu thơ nhập đề trong bài thơ “Tìm Nhàn’ của Thái Quốc Mưu chưa tìm thấy bị ảnh hưởng bởi đạo Lão nhưng tư tưởng yếm thế cũng đã bộc lộ rỏ ràng khi cho cuộc sống là khổ luỵ và tình người chẳng nồng ấm bao nhiêu!

Thật thế, ngày nay con người bị quay cuồng chạy theo vật chất vì đòi hỏi của sự sống cần quá nhiều nhu cầu bức thiết. Con người càng văn minh thì mức sống vật chất càng cao, từ đó tinh thần bị suy giảm làm cho tình người bị giá lạnh đi. Chữ “khổ luỵ’ mà nhà thơ Thái Quốc Mưu đã nói nó thiên về phần tinh thần hơn phần vật chất vì câu thơ kế tiếp bổ nghĩa cho câu thơ trên là “cái tình nồng ấm chẳng bao nhiêu”. Chủ nghĩa cá nhân của phương tây càng ngày càng phát triển đem lợi ích là quyền tự do cá nhân được tôn trọng nhưng nó càng khiến loài người trở nên ích kỷ, khô khan tình yêu thương đồng loại, tha nhân.

Khi Thái Quốc Mưu nói “Cái tình nồng ấm chẳng bao nhiêu” ông không đặt cá nhân mình vào sự bất mản vì bị thua thiệt ở đời mà ta thấy tác giả nhấn mạnh chữ “Cuộc sống” nghĩa là chỉ vào sự suy thoái đạo đức chung của con người trong xã hội ngày nay. Khác với một Thái Quốc Mưu thường lên trời hay xuống địa ngục, luôn luôn kiên cường, dè biểu, tố cáo cái xấu, mong muốn sửa chửa con người một cách tích cực thì ở bài thơ nầy ông tỏ ra tiêu cực, lánh xa sự náo nhiệt, tìm nơi ở đem sự bình lặng cho mình:

Chi bằng lên núi đùa mây gió
Hoặc giả ra sông ngắm nắng chiều

Hai chữ “chi bằng” và hai chữ “hoặc giả” cho ta thấy lên núi và ra sông không phải là điều ông thật sự mong muốn. “Đùa mây gió”, “ngắm nắng chiều” chẳng qua chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Ta thấy khác với các nhà thơ xưa, cái tinh thần vô vi của đạo lão không có sẵn trong Thái Quốc Mưu, mà ở đây, cái tinh thần dấn thân trong cuộc đời có sẳn trong ông bị ngưng trệ trong một vài phút giây xuống tinh thần sinh ra yếm thế. “Đùa mây gió”, “ngắm nắng chiều” với Thái Quốc Mưu không phải để tu thân, không phải để hoà nhập với đất trời như chính nó, mà chỉ là cách quay lưng lại, tạm quên cuộc đời nhọc nhằn khổ luỵ mà thôi. Tất nhiên các nhà nho xưa cũng chán đời mới tìm nhàn nhưng chữ “nhàn” đối với họ là con đường giải thoát còn chữ “nhàn” ngày nay của Thái Quốc mưu là con đường thư giản tìm quên, không phải là cứu cánh.

Qua hai câu luận của bài thơ “Nhật nhật trần gian thường tự tại / Thời thời cực lạc tất tiêu diêu” được giải nghĩa là “Ngày ngày trần gian mà ung dung tự tại thì khi chết sẽ tiêu diêu miền cực lạc” và hai câu kết “Thư nhàn vui với câu thơ phú /Gác gối…cùng ta lẩy, luận Kiều” cho thấy phong cách hưởng nhàn của nhà thơ ung dung và tự tại nhưng chung quy vẫn chưa thoát hẳn ra ngoài vòng tục luỵ. Chưa thoát hẳn ra vì sao? 

Đọc bài thơ “Nhàn” của Nguyễn bỉnh Khiêm ta thấy tác giả thoát hẳn vòng danh lợi, lui về ở ẩn và sống lao động, ăn uống giữa thiên nhiên và sự thật ông đã làm như thế:

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ao vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao.

Ngược lại đọc bài thơ “Tìm Nhàn” của Thái Quốc Mưu ta biết đó chỉ là ước mơ trong khi ông vẫn sống, làm việc trong “cuộc sống suy ra khổ luỵ nhiều” nầy. Ở một bài thơ “Tìm Nhàn” khác, khẳn định cái quan niệm hưởng nhàn của nhà thơ như là một nguồn vui mới thanh nhã hơn nhưng vẫn dấn thân và năng động:

Vinh nhục bao phen đã đủ rồi
Dại gì ta chẳng chịu vui chơi
Lên non đùa giỡn cùng hoa bướm
Tắm biển tung tăng với nắng trời
Vẩy gió đùa mây trêu ã nguyệt
Căng bườm lướt sóng vượt ngàn khơi
Lên đèn, vung bút làm thơ phú
Nghiêng gối chung chăn với bạn đời.

Tóm lại ta nhận thấy cái quan diểm hưởng nhàn của nhà thơ Thái quốc Mưu là sự chắc lọc tinh hoa của tư tưởng người xưa cọng thêm tư duy của mình trong hoàn cảnh thực tế ngày nay. Hoàn cảnh thực tế không cho nhà thơ hành đạo như các tiên ông xuất thế, quên đời, hoà mình trong cõi thiên nhiên. Vì vậy, thơ là sự thăng hoa ước muốn của tâm hồn mình.

Cái hay trong thơ “Tìm Nhàn” của Thái Quốc Mưu là nhà thơ không thánh hoá mình như tiên ông đạo cốt. Đọc thơ ta không thấy cái cao siêu giả tạo của hạng người lộng ngôn chỉ tu thân trên miệng lưởi của mình. Đọc thơ ta thấy con người thật của Thái Quốc Mưu vẫn còn lấm bụi trần nhưng lòng trần của ông luôn ao ước những điều cao đẹp .
Thơ “Tìm Nhàn” của Thái Quốc Mưu cũng thể hiện cho tâm tư của nhiều bậc trí giả ngày nay, ước mơ một vùng bình yên để nghỉ dưởng tâm hồn nhưng dễ đâu mà có được ./.

Châu Thạch
Đà Nẵng, ngày 1/9/2014







                            
                          
                           

                      
               
              





THĂM HỎI BẠN
Lâu ngày tình…tệ chẳng ra sao !
Vắng bặt không nghe tiếng gọi chào
Có phải trùm chăn lo bão nổi
Hay đang sợ lũ quyét bờ bao ?
Mắc theo đạo sĩ thăm rừng trúc
Bận gặp tiên nga viếng động đào ?
Chớ bảo rằng ta không nhớ bạn
Trông chờ tin nhạn dạ nao nao


Nhân tình lạnh nhạt biệt âm hao
Thế giới bao la lạc chỗ nào ?
Chắc ẩn am mây tu khổ hạnh
Hay nương lều cỏ sống thanh cao ?
Đã vào cõi tạm nhiều cay đắng
Chẳng trách đời hư thiếu ngọt ngào
Nắn nót viết thơ trao tới bạn
Đừng cười sáo sậu hót xôn xao
Lý Hiểu
VA,09/2014






                            
                          
                           

                      
               
              






READ MORE - KHUYNH HƯỚNG TÌM NHÀN TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch