Thầy Hồ Ngọc Thanh (mặc áo vest)
ĐỌC BÀI THƠ "KHI VỀ QUẢNG TRỊ"
Hồ
Ngọc Thanh
Tôi đã từng
đọc thơ của anh Phan Phụng Thạch – người bạn đồng nghiệp cùng trường Nguyễn
Hoàng từ năm 1966 cho đến khi anh qua đời (1973). Thơ của Thạch hiền hòa, bay
bổng và đầy tình người. Đồng nghiệp và học sinh của anh đã yêu mến những vần
thơ ấy như đã yêu mến con người của anh – một thầy giáo độc thân, trẻ tuổi có
phong thái điềm đạm. Sự yêu mến đó không chỉ có lúc anh còn sinh thời mà còn tồn
tại nhiều năm qua, sau khi anh từ trần vào năm 1973.
Hôm nay, nhân đọc lại bài
thơ “Khi về Quảng Trị” tôi thật sự xúc động, tưởng như cảnh mấy mươi năm trước
tái hiện, cái khoảng thời gian Quảng Trị bị bom đạn tơi bời, người chết không
kịp chôn và người sống tan tác khắp bốn phương trời tìm đất sống. Bài thơ ấy
không phải là sự hoài cổ, ca ngợi và tán tụng vẻ đẹp của quê hương hay tình cảm
anh dành cho quê hương nhiều hơn người khác mà vì nó chứa một tình yêu Quảng
Trị thiết tha – một tình yêu trong tận cùng của nỗi đau:
Rồi mai đây giã từ từng nỗi chết
Ta trở về đứng giữa tang thương
Anh là một người trong số
những người may mắn trở về từ cõi chết đang đứng lặng, hoài niệm chiếc cầu;
hoài niệm đường xưa lối cũ:
Quê hương đó những chiếc cầu đã gãy
Còn mong chi nối lại những con đường
Cảnh tang thương trước
mắt đã khiến lòng anh buốt giá và anh đã không nén được tiếng kêu:
Còn ai đó những người thân yêu cũ
Thắp dùm ta một chút nắng trong hồn
Hoài niệm hình bóng người
thân; hoài niệm người em gái một thời mơ mộng với câu hỏi mà chẳng có câu trả lời:
Em còn đó hay muôn đời đã ngủ
Để rồi cất tiếng than:
Ôi một thời hoa bướm Hạnh Hoa thôn.
Tôi nghĩ phải chăng khi
đó anh đang nhớ đến người xưa (có thể là
người đẹp Thiếu Hoa ở thôn Hạnh Hoa ngày ấy).
Và cái tang thương của
Quảng Trị sau cuộc chiến mùa hè năm 1972 được anh vẽ lên bằng những nét vẽ mà
tôi nghĩ đó là nét vẽ bằng máu khi nhìn quê hương não lòng đến dòng sông cũng “u
uẩn”:
Màu đào ai đã chảy về Cửa Việt?
Mà xương khô còn gởi núi Ba Lòng?
Ôi! Không có cái nhức
nhối nào bằng cái nhức nhối này. Người ra đi biền biệt và người đã chết như thế
đấy! Vậy thì hỏi quê hương còn lại gì ngoài tang tóc, đớn đau. Những cảnh thanh
bình ngày nào đâu rồi? Đâu rồi khói lam chiều từ mái tranh trong ánh chiều
buông? Đâu rồi mục đồng với đàn trâu trên đồng ruộng? Bức tranh đồng nội nên
thơ của một vùng quê hiền lành ấy bây giờ đã bị khai quang, bạch hóa đến nỗi
khi nghe bản nhạc Bà Mẹ Gio Linh anh đã phải thốt lên:
Phạm Duy ơi! Giọng hát Thái Thanh buồn.
Và khi về lại Quảng Trị
thì những người sống sót như thế nào. Đó là trại định cư với môi trường khắc
nghiệt: bụi đường đất đỏ, giếng nước chua phèn. Và con người nơi đó đang dở
sống dở chết với những cảnh đời:
Từng bữa cơm người ăn khoai cả vỏ
Cho nên:
Trẻ em gầy tuổi nhỏ cũng già nua
Hỏi có bức tranh nào đau
thương bằng bức tranh của quê hương Quảng Trị? Một địa danh đã phải hứng chịu
bao nhiêu tổn thất trong chiến tranh. Một vùng quê trù phú ngày nào giờ đã “mỏi mệt yên nằm” vì mưa bom
lửa đạn. Nỗi lòng của anh trải dài theo nỗi đau
của quê hương, “vọng về muôn ngã” qua từng địa danh: Đông Hà, Ngô Xá, Đạo Đầu,
Bích La, Bồ Bản, … Và nỗi đau của người thầy giáo trong anh đọng lại với câu
hỏi:
Trời mùa thu sao vắng trẻ đến trường?
Song, từ cái đau thương
ấy, tự trong sâu thẳm tâm hồn anh vẫn còn chút ký ức hoa mộng một thời:
Ơi Đại Lộc một lần ta qua đó
Để muôn đời còn nhớ mãi Xuân
Ba
Và
rồi anh mơ :
Cho tôi ngủ bên dòng sông
tuổi nhỏ
Thuở thanh
bình vang vọng tiếng chim ca.
Vâng! Và bây
giờ thì anh đã ngủ yên rồi và tôi tin rằng tiếng chim ca đã ru giấc ngàn thu
cho anh như mơ ước.
Tôi là nhân chứng một
thời tại quê hương Quảng Trị, nay đọc lại bài thơ Khi về Quảng Trị của Phan
Phụng Thạch, một bài thơ gợi nhớ làm sao mà tôi không xúc động cho được? Đọc
thơ anh, tôi tưởng chừng như chính mình là người trở về trong bài thơ vậy.
Có lẽ đây là một trong
những vần thơ cuối cùng mà anh để lại cho đời, nó như là một lời báo trước sự
ra đi của anh để trở về ngủ mãi bên dòng sông tuổi nhỏ.
Xin cảm ơn Phan Phụng
Thạch – người đồng nghiệp quá cố. Tuy anh đã xa lìa cõi thế trên 40 năm rồi
nhưng người thân, bạn hữu, học trò của anh và người Quảng Trị vẫn mãi nhớ đến
anh với những vần thơ để đời.
Đà Nẵng, 01/12/2014
Hồ
Ngọc Thanh
(Nguyên Tổng giám thị trường TH Nguyễn Hoàng Quảng Trị)