Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 13, 2014

MÀ THƯƠNG MÀ… GIÓ - Phạm Xuân Hùng

                            “…Đố ai ngăn gió, gió đừng rung cây…” -Ca dao

                               
                                                                     

Hình ảnh thơ chuyển tải những thông điệp mỹ học quan trọng nhất trong thi ca cổ điển là hệ thống các biểu tượng “phong, hoa, tuyết, nguyệt…”. Cũng lạ là trong hệ thống biểu tượng ấy, đứng đầu và cũng hình như duy nhất nhà thơ không nhìn thấy đó chính là gió. Nghĩa là thi sĩ chỉ “ru với gió” bằng tất cả các giác quan, bằng trái tim, nhưng cầm nắm, nhìn thấy được như hoa cỏ, vầng trăng, con nước thì không. Vậy mà, cũng thật lạ, là gió tác động mãnh liệt vào cảm xúc thi nhân. Bên cạnh ngọn “gió mùa thu mẹ ru con ngủ…” xao xuyến tấc lòng là những ngọn gió xuân tươi sắc, gió hè mát rượi, gió đông rét ngặt rét nghèo…tất cả đều hiện diện trong thi ca. Tôi nghĩ, có lẽ, trong muôn loài và hiện tượng thì gió về bản chất gần với thi sĩ hơn cả, vì sự phóng túng và cả những vô thường của gió.

Quê tôi ở miền Trung, nơi mà người ta thường định danh chẳng cần vùng miền cụ thể, chỉ cần nói đó là nơi “gió lào cát trắng”. Cát trắng thì hẳn nhiên, trắng từ đời nảo đời nào, từ thuở Nguyễn Hoàng khởi nghiệp xứ Đàng Trong, lúc những bước chân vượt Đèo Ngang của ông bắt gặp chang chang cồn cát kéo dài những Đại Trường Sa, Tiểu Trường Sa… Để tiếp sau đó, chỗ định cư đầu tiên của ông là bãi cát dài xứ Sa Khư thuộc Ái Tử, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Cát thì vậy, còn gió thì dường như có từ thời khai thiên lập địa, chỉ có điều gió ở quê tôi là gió Lào, không ở vùng miền nào trên đất nước có được. Gió Lào và cát trắng, nghe cứ như một thành ngữ, đăng đối, biền ngẫu và mật thiết đến mức ngỡ là tự nhiên phải thế, không cần hỏi cũng chẳng cần giải thích thêm.

Sách địa lý phổ thông dạy rằng tên chính danh của gió Lào chính là gió phơn Tây Nam, gốc gác phía bên kia dãy Trường Sơn hướng tây. Gió phơn Tây Nam mang nhiều hơi nước nhưng do phải băng qua ngàn dặm Trường Sơn núi non trùng điệp nên những giọt nước mang theo đã bốc hơi trước khi về đến cuối nguồn. Nghĩa là khi về đến miền Trung eo thắt, những ngọn gió trở nên khô rát và bởi vì từ phía nước bạn Lào thổi sang mà người ta gọi là gió Lào. 

Tôi ngày thơ ấu ở ven dòng sông Hiếu, con sông hẹp như một đường chỉ nhỏ nép giữa hai bờ lau sậy, ôm ven dọc theo con đường 9 nổi tiếng từ thời kháng Pháp. Cũng xin nói thêm rằng, người ở xa nói về Quảng Trị thường chỉ biết đến Hiền Lương là giới tuyến chia cắt đất nước mấy chục năm trời hay sông Thạch Hãn gắn với Thành cổ-con sông từng được ví như Nghĩa trang quốc gia không mộ chí bởi lòng sông đã ôm giấu hàng ngàn liệt sĩ trong những ngày máu lửa ở Cổ thành Quảng Trị. Còn sông Hiếu ít nổi tiếng hơn nhưng nếu ai chịu khó đọc vài trang sử xưa cũng biết rằng đây là dòng sông có ngọn nguồn từ miền Ai Lao,  từng là hành lang giao thông giao thương giữa miền tây với trung du và đồng bằng Quảng Trị xưa. Ấy là nói theo những ghi chép có từ “Ô châu cận lục” của Dương Văn An hay “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn. Còn như thời cận hiện đại ai cũng biết dọc theo con sông này có những địa danh nổi tiếng như Cam Lộ với hai lần được chọn làm kinh đô (một là vua Hàm Nghi chọn Tân Sở làm căn cứ dựng cờ Cần Vương, hai là Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam). Lại nói về sông Hiếu, sông không rộng, chẳng dài nhưng bù lại mang vẻ đẹp hoang dại của hai bờ rừng rú. Và tuổi thơ tôi đã lớn lên cùng sông, cùng những ngọn gió Lào khô khát thổi dọc đôi bờ sông quê.

Vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch là mùa lau nở, báo hiệu xuân sang hè tới. Bấy giờ, những ngọn gió Lào đầu tiên thổi nhẹ qua vườn, nhẹ lắm nhiều khi chẳng nhận ra. Chỉ biết, vào một sớm mai nào đó thức dậy, nghe rười rượi làn gió cùng tiếng chim, tiếng côn trùng rỉ rả ở đụn rơm, mái bếp. Nếu vườn nhà ai có nhiều cây xanh lưu niên như mít, xoài, cà phê… thì ngọn gió càng mát lạnh khiến thân mình trở nên lười biếng, mắt mở rồi lại muốn nhắm tiếp để chìm đắm trông giấc mê man cùng gió.

Kỳ thực ở quê tôi người ta ít gọi tên gió Lào mà thường hay gọi gió Nam, một cách gọi có lẽ để phân biệt với gió nồm thổi lên từ phía biển. Và bắt đầu mùa gió Lào, khi những ngọn gió vẫn còn mát mẻ, chưa bị rang nóng người ta gọi là nam đọt. Đọt tức là ngọn cây, ngọn cỏ mới nhú, mới tượng hình. Nam đọt vì thế có thể xem như gió Lào mới nhú, báo hiệu bắt đầu một mùa nam nóng khắc nghiệt sẽ đi qua.

Rồi chẳng ai nhớ nữa, những ngọn nam đọt bắt đầu mạnh dần lên, hơi mát chỉ còn đâu đó trên màu lá cây hoặc dọc ven những dòng suối nhỏ khuất lấp bởi cây rừng. Còn ở làng quê, hoặc đôi bờ sông trống trải, gió nam trở nên hanh hao từ lúc nào. Gió như đàn ong bay đi tìm mật, từ xa đã nghe tiếng rào rào, tiếng của những vòm lá xao động, của bờ tre xao xác và những ngọn cỏ đang ngả theo chiều gió.

Cũng rất nhanh, chừng khoảng chưa đầy một tháng sau ngọn nam đọt đầu tiên gió Lào thực sự bước vào chính vụ. Lúc này thì gió cũng mới thực sự là gió Lào. Gió thổi từ sáng sớm, vần vụ từ ngày sang đêm, ào ạt, nóng bỏng. Lúc này người ta gọi đó là nam ròng, ròng là lõi của thân cây gỗ lâu năm. Không như nam đọt thổi nhẹ nhàng, mang ít hơi mát đầu mùa, nam ròng thổi liên tu bất tận, thổi không ngừng nghỉ và hơi nóng trong ngày tăng dần lên, ngày sau dường lại nóng hơn cả ngày trước.

Thường thì sáng sớm, lúc mặt trời chưa mọc, mặt đất chưa bị nung lên bởi nắng thì gió Lào bắt đầu thổi. Cây cối quanh vườn nhà sau một đêm tránh nắng còn thở ra chút hơi ẩm hiếm hoi nên người ta chưa có cảm giác nóng. Nhưng rất nhanh sau đó, khi mặt trời hé mọc thì gió như hùa cùng với nắng lấy dần đi chút hơi ẩm đầu ngày. Rồi nhiệt độ tăng dần lên, đến lúc mặt trời mọc khoảng hai ba sào, cao ngang hoặc quá ngọn tre đầu làng thì cái nóng đã hầm hập xông vào từng ngôi nhà, góc vườn. Nóng quá, người đang làm đồng có khi dừng lại ngó mặt trời rồi dừng tay, thu dọn cày cuốc sải bước về nhà. Trẻ em đang chơi ở cuối vườn cũng thu dọn đồ chơi dời đến góc sân có giếng nước. Các bà, các mẹ, các chị cũng dừng tay, không làm việc nặng nhọc cốt không phải ra mồ hôi bằng cách chọn những việc nhẹ nhàng và quan trọng là được nhúng tay vào nước như giặt giũ, phơi phóng, xắt rau, vằm chuối cho heo… Không gian làng quê lúc này im ắng hẳn, chỉ còn tiếng gió ù ù thổi dọc triền sông, trên những mái nhà. Gió tung mình trên ngọn cây cao, vặn vẹo những cành yếu khiến lá rụng từng chặp từng chặp. Bờ tre chắn gió đầu làng nghiêng ngả như có ai cột cả trăm sợi dây vào mà rung. Bụi đất bay lên bám vào lá cây, bám vào tường nhà khiến tất cả nhuộm màu của đất, chìm dần vào đất. Thoảng hoặc rất hiếm hoi khi ngọn gió bất chợt dừng lại hoặc yếu đi vài ba giây mới nghe ở đâu đó rất xa tiếng chim bìm bịp khắc khoải thôi dài. Cả tiếng chim như cũng khàn đi vì gió và nắng.

Mặt trời tiếp tục nhô lên, gió tiếp tục lồng lộn, hung dữ. Và cao điểm của gió, của nóng là giờ ngọ, khoảng từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Vào giờ này, mặt trời ngay giữa và trên đỉnh đầu, tất cả các bóng cây đều thu vào gốc để lộ ra những vạt nắng chói chang. Mọi vật bị nung lên vì nhiệt độ trong bóng râm có khi lên đến 38, 39, hoặc 40 độ C, ngang và cao hơn cả thân nhiệt của người bình thường. Gió mạnh đến mức nếu nhắm mắt hoặc là người ở xa đến có thể lầm tưởng đang đứng trước cơn bão nhẹ. Từ phía rất xa, gió đã rít lên từng hồi, không còn nghe tiếng xay lúa ù ù mà chỉ còn tiếng rít, tiếng gầm rú. Xen lẫn trong tiếng rú rít của gió là những trường đoạn tạp âm cơ hồ bao gồm cả trăm ngàn âm thanh phát ra bởi cây cối, đồ vật va đập vào nhau. Lúc này, những ngọn cây cao nghiêng ngửa, vòm cây xõa xượi như người uống say, say quá không đứng vững được. Cả bờ tre xoắn xít vào nhau, thân tre cọ vào nhau cháy khô từng đốt, lá tre bay rào rào nhìn tối cả mắt. Không chỉ cây to, đến cả cỏ cũng phải rạp mình xuống, cỏ tranh mềm mại cong mình lại từng đợt từng đợt nhìn xa như sóng đã đành, cỏ dại bò lan trên mặt đất nhiều nhánh cũng bị bứt lên, khuơ khuơ từng chùm rễ nhỏ li ti. Mặt đất càng lúc càng ngập ngụa trong nắng, gió càng lúc càng hừng hực như vãi lửa trên những con đường. Bụi tung lên mù mịt, có khi chẳng nhìn thấy người đi ngoài đường…

Mà thực ra, lúc này cũng ít có ai ra đường. Nếu không có việc cần kíp chẳng ai dại ra đường vào giờ này. Nóng như thế, gió như thế không bị cảm nóng thì cũng dễ sứt đầu mẻ trán vì chuyện không đâu. Hãy thử hình dung, trong mớ âm thanh hỗn tạp mà gió như muốn nhét vào tai bạn có tiếng răng rắc của của những cành cây cao sắp gãy, tiếng mái tôn nhà ai đang chực bứt ra khỏi chiếc đinh lung lay, tiếng gàu rơi xuống giếng, tiếng… và tiếng… Thế đó, dường như vào lúc này, ngoài nắng và gió, cả làng quê như ngưng lại, bất động. Người ta tránh gió và cơn nóng hầm hập dưới những vòm cây cao nhất, rộng nhất hoặc tìm ra bờ sông bắt cá, đùa giỡn với sông nước. Trẻ em, người già cởi áo vắt vai hoặc ở trần trải lá chuối tươi nằm đỡ nóng lưng.

Nhưng cái gì đến rồi cũng phải đi. Quá ngọ sang mùi, những trận gió tuy không hẳn giảm bớt cường độ song mặt trời dần xế về tây, bóng cây đổ dài hơn, nắng xế chiều xiên khoai nhức mắt nhưng cơn nóng lại giảm đi đáng kể. Bởi vì mặt đất đã loang dần bóng cây và ánh nắng buổi chiều cũng không còn hầm hập dội thẳng xuống đỉnh đầu. Tầm 3 giờ chiều trở đi, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Người lớn có thể đánh trâu ra đồng cày nốt đường cày dở dang buổi sáng, trẻ em mang bài vở ra ê a hoặc chơi trò trốn tìm giữa vườn cây um tùm. Đàn gà mới ban trưa lông tả tơi vì gió giờ cục ta cục tác dắt nhau đi tìm mối quanh đụn rơm vàng… Gió vẫn thổi nhưng đã trở nên nhẹ nhàng hơn, mát hơn. Qua liếp cửa nhà ai có thể nhìn thấy một lão nông tri điền ngủ say giấc nồng trên chiếc chõng tre.

Và rồi mùa hè cũng không thể kéo dài ra mãi. Cuối tháng 6 âm lịch hoặc muộn lắm là tháng 7 “nước nhảy lên bờ” những con gió Lào cuối cùng mà người dân quê tôi gọi là nam côộc (côộc là gốc) cũng đi qua. Hơi nóng muộn màng từ những ngọn nam côộc se thêm chút vàng vọt trên vòm cây, ngọn cỏ. Những đóa lau già đi qua một mùa nam nóng thân ngả sang màu rơm, thả nốt những sợi lau trắng li ti còn lại lên trời. Những sợi lau xoay tròn trên không như những chiếc ô bé xíu trong vũ điệu cuối cùng tiễn biệt một mùa nam nóng hanh hao. 

Người xứ khác đôi lần đi ngang qua chỗ eo thắt nhất của miền Trung đều lắc đầu e sợ cái nóng của gió lào, cát trắng. Ấy vậy mà người dân quê tôi hàng bao đời nay vẫn sống, vẫn tồn tại và đi qua những mùa hè như thế. Đến độ quen đi từ lúc nào, ngấm vào máu thịt, không có lại thấy nhớ, thấy thiếu điều gì đó. Cũng như dân miền Tây mùa nước lũ, khổ thì có khổ nhưng vẫn vui bởi đây là mùa cá linh béo đậm đà hương vị phù sa, của bông điên điển thảo thơm hồn quê kiểng. Mùa gió Lào quê tôi cũng vậy. Người ta ra sông, ra suối, ngâm mình dưới nước để tránh nóng nhưng cũng để làm việc khác nữa đó là bắt cá. Mùa này con nước rặc, nhiều chỗ cạn trơ đá ngầm, nhiều con thác mùa mưa chảy xiết giờ chỉ còn riu riu nước. Sông Hiếu mùa gió Lào thời thơ ấu của tôi chỉ lớn hơn con suối, đôi bờ ngút mắt một màu xanh của rì rì, loài cây sống gần nước. Mùa này nước rặc nên tha hồ thả câu, bủa lưới, đặt lờ. Bấy giờ cá nhiều, gặp hên chỉ cần canh giờ là đầy rỗ, cá to để kho, cá vừa vừa để nấu canh và cá nhỏ để dành làm mắm cho mùa mưa sắp tới. Quá trời loại cá ngon, cá chép thịt dày, vảy to bằng đồng xu, cá chình béo tròn, nướng tắt cả bếp, cá kiên không ăn gì ngoài rong rêu nên thịt ngọt mà ruột cá rất sạch làm thành loại mắm ruột độc đáo. Rồi cá thát lát to cỡ bàn tay người lớn, thịt vằm nhuyễn chiên mỡ thì không gì bằng. Cá trơn nhỏ bằng ngón tay, kho nghệ ăn hết nồi cơm lúc nào không hay, cá bống thì có nhiều loại bống thệ, bống cát, bống đá… đem kho tiêu thơm nhức mũi, mùi thơm cuốn theo chiều gió sang tới nhà hàng xóm.

Đó là nói chuyện sông, chuyện suối. Còn như ở nhà, trong vườn cũng lắm chuyện hay. Nóng quá người ta tum năm tụm ba dưới bóng cây lưu niên, thế là hình thành một nét văn hóa ẩm thực đi kèm với… gió. Nóng thì uống bát chè xanh keo đặc gọi là chè xeng đứng đụa (chè xanh cắm đũa vào không đổ), nóng quá thì mua nuốt (giống như sứa) về trộn với vả, chuối xanh, rau thơm ăn vào mát cả bụng. Rồi sẵn cá sông đấy, tha hồ làm gỏi, nấu cháo ăn giải nhiệt. Và hẳn nhiên, quanh bữa ăn dã chiến, để chống lại cái nóng là biết bao câu chuyện trên trời dưới đất, trong đó dĩ nhiên có cả những câu chuyện về gió.

Vậy đó, ai bảo chăn trâu là khổ thì ai bảo gió Lào là đáng ghét. Thử hỏi, trời đất có cho ai cái gì mà không lấy lại cái gì không. Cũng như trong rủi có may, thì trong gió Lào cũng ẩn chứa bao điều thú vị. Cực khổ, chống chọi thì đã đành rồi, tuy vậy cứ sống, cứ tìm cái vui vẻ để sống thì cũng đáng mặt gọi là con người. Lạy trời, ai bảo tôi nói trạng thì thôi xin thể tất cho, vì quá yêu mà nói vậy, không thể tất thì xin cho lời nói gió bay cũng được.

Vâng, tôi giờ là kẻ tha hương nhưng mùa hè nào cũng cạy cục cắt phép vài ngày về thăm quê. Trước nữa là thăm bà con họ hàng nhưng sau nữa là để gặp lại cảm giác của thời thơ ấu, thời chân trần trên đất, ngược gió ra sông vẫy vùng. Không dám nói theo kiểu thi nhân là cầm gió, mang gió hay bắt gió, tôi chỉ mong có những phút giây như thế chỉ để trong lòng sống lại cảm giác của những mùa hè xưa xa, để khi về lại chốn phố phường đông đúc khỏi phải đêm đêm giật mình vì thèm nghe tiếng gió.

Gió Lào ơi, ngươi là ai không cầm nắm được. Mà thương mà…gió suốt cả cuộc đời. 
READ MORE - MÀ THƯƠNG MÀ… GIÓ - Phạm Xuân Hùng