Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 6, 2022

THANH MINH LÀNG - Truyên ngắn Vũ Hùng

 

Nhà văn Vũ Hùng

Truyện ngắn

THANH MINH LÀNG

Vũ Hùng


Đã thành lệ, từ xưa đến nay cứ cuối tháng Hai âm lịch là làng Đông Trạch tổ chức cúng Thanh Minh.

Năm nay dù có dịch Covid nhưng làng vẫn cứ quyên góp và tổ chức như thường vì nhà nước không cấm nhưng phải triệt để thực hiện 5K.

Chưa tới 6 giờ sáng, thằng Lục Giới - con lão Ba Kiêu người trông coi đình làng - với cái lưng dài thườn thượt ngự trên đôi chân ngắn lũn cũn cố đạp chiếc xe đòn dông cà tàng chạy như bay và dừng lại các ngả ba rồi sau đó đến đầu làng, cuối xóm tay giơ chiếc phèng la bằng đồng đã hoen màu, đánh liền ba hồi chín tiếng để báo cho dân chúng trong làng biết hôm nay cúng Thanh Minh, đám trai tráng phải tập trung ra các Gò Ngôn, Gò Tranh, Gò Lớn để tảo mộ cô hồn và cánh đàn bà con gái phải ra đình sớm để phụ mấy gã đàn ông mổ con heo gần tám chục ký với hơn hai chục con gia cầm vừa gà vừa vịt.

Bốn năm chiếc bếp lộ thiên đặt thành một hàng dài phía sau mái đình đang nhóm lửa khói um lên mù mịt.

Tiếng heo bị chọc tiết cứ rống lên ằng ặc, ằng ặc. Máu tuôn ra thau đỏ lòm. Thấy rờn rợn ở sống lưng! Tiếng gà rồi tiếng vịt bị đè bẹp gí xuống đất để cắt cổ nghe cứ quang quác, khào khào, giãy đành đạch một lát rồi nằm xuội lơ.

Một tốp trẻ con mũi dãi thò lò trố mắt đứng xem bị người lớn xua đuổi:

- Ra chỗ khác  mà chơi, có gì hay đâu mà coi, khi nào cúng xong hãy tới!

Đến 10 giờ công việc nấu nướng đã đâu vào đấy. Lão Ba Kiêu lễ mễ bưng chiếc mâm đồng nghễu nghện bộ thủ vĩ heo có phủ lớp mỡ sa bên ngoài trông rất bắt mắt đặt lên bàn cúng. Xếp sau là các đĩa gà vịt, chè xôi, khoai lang, trái cây, bia rượu, bánh ngọt... cũng bày la liệt, ngồn ngộn trên bàn không còn một chỗ trống. Mấy đôi đũa cũng cố lách mình chật vật mới yên vị được

Hai chiếc đèn bạch lạp cỡ đại màu đỏ được thắp lên sáng choang. Lão Năm Cào xúng xính trong chiếc áo tế lễ màu đỏ rộng thùng thình, trên đầu đội chiếc mão cũng màu đỏ có hình thù giống như cái bao cám hiệu Con Cò 5 kg của Pháp quốc liên doanh với Việt Nam cách đây vài chục năm cũng oai ra phết! Nhưng ngắm kỹ lại có vẻ  gì đó như bị lạc tông bởi sắc da tai tái của lão chủ tế giống như đang mắc căn bệnh thiếu máu trầm trọng do con sán xơ mít gây ra. Đôi tay lão trịnh trọng nâng ba cây nhang ngang mày, đôi mắt hướng thẳng vào chiếc linh vị bằng gỗ cũ, nét chữ Hán chạm nổi cũng đã mờ.

Để hỗ trợ cho việc cúng tế thêm phần trang trọng, tôn nghiêm còn có đội nhạc lễ của làng. Nói đội nhạc lễ cho oách chứ chỉ có hai anh em nhà thằng Cu Cơ và Cu Nu thôi. Không hiểu sao anh em gã đã gần 50 tuổi nhưng người làng từ già đến trẻ đều gọi là thằng Cu. Có người kể là do hai gã là con cầu con khẩn phải gọi như vậy cho dễ nuôi, lâu dần thành quen. Hai anh em chơi trống và kèn nổi tiếng trong các gánh hát bội, hát bài chòi và đám ma!

Thanh Minh năm nào cũng đều có mặt. Thiếu tiếng trống, tiếng kèn của hai anh em gã chẳng khác nào nấu canh mà quên nêm muối vậy!

Tum!..Tum!... Tum!...

Ò...í....e...

Tiếng trống, tiếng kèn đồng loạt nổi lên.

Hơn 50  người vừa già, vừa trẻ mặt đeo khẩu trang kín mít đứng theo hai hàng dọc chắp tay trước ngực vẻ kính cẩn!

Tiếng Lão Năm Cào xướng lên rè rè, đùng đục như người bị hen phế quản mãn tính lâu niên.

- Nam Mô A Di Đà Phật!

Có tiếng ai đó ở bên ngoài mái che thì thào.

- Sao lại Nam Mô A Di Đà Phật ta? Toàn là thịt heo, thịt gà trên bàn....

- Đừng có nói bậy - Có tiếng nhắc nhỏ -  Xưa nay đều vái vậy đó!

Lão Năm Cào đằng hắng một tiếng rõ to rồi ê a tiếp:

- Việt Nam quốc... 

- Bình Định tỉnh...

- Đông Trạch làng...

Tiếng kèn ò í e theo điệu Nam Xuân quyện với tiếng tiếng trống tum tum điểm nhịp rộn ràng, cao vút.

Thằng Cu Tửng, con của mụ Tưng chuyên nhặt ve chai ở các bãi rác - nó chừng năm sáu tuổi, da đen bóng chẳng mặc áo quần, mắt lồi như mắt ếch, cái bụng chang bang, tay cầm nửa miếng xoài tượng xanh chua lét vừa mới xin được dưới bếp cố lách vào xem cái ông Cu Cơ phồng mang trợn mắt thổi kèn sao mà vui quá! Nó vừa gãi mông sồn sột vừa nhai xoài rôm rốp.

Tiếng kèn của Cu Cơ đang ò í e bay bổng bỗng dưng phát ra mấy tiếng ùng ục, ùng ục như tiếng sôi của nồi cháo cám heo quá lửa, rồi tắt ngấm!

- Đù mẹ thằng Tửng! Mày...mày.., tiếng gã Cu Cơ bực tức quát lên, miệng còn nuốt nước bọt - ai kéo dùm nó ra chỗ khác? Nó ăn xoài trước mặt tui thể này làm sao mà thổi kèn được?

Thằng Cu Tửng nghe quát, nó hoảng hốt chạy giật lùi và va mạnh vào bộ chân trống. Chiếc trống cũ lâu năm văng vào thềm đình, phần tang mít bị thủng một lỗ lớn như hang ếch mới đào.

Anh Cu Nu giơ hai chiếc dùi lên trời lắc đầu ngao ngán! 

- Trật tự! Trật tự!

Lão Cào nhắc nhở chung rồi tiếp tục:

- Hôm nay là ngày 28 tháng Hai năm Nhâm Dần tại đình làng Đông Trạch....

Lão ê a đọc tên hơn hai trăm hộ trong làng không sót một ai, rồi nhắc Lão Ba Kiêu rót lưng lửng ba chén rượu.

Khi đọc đến bài "Văn tế chiêu hồn" của cụ Tố Như gồm 184 câu song thất lục bát đã được mạn phép cụ xin được chỉnh lại cho phù hợp, chẳng hạn tiết Thu thành tiết Xuân, tháng Bảy thành tháng Hai..... thì giọng của Lão Cào có vẻ rời rạc, hụt hẫng như chiếc xe Wave Tàu cũ kỹ vừa thiếu gió lại vừa hụt xăng cứ cà giật, cà giật nhưng vẫn lỳ lợm cố chạy nốt quãng đường còn lại! 

Từ chiếc độc lư bằng đồng to tướng khói hương xanh dờn, mong manh huyền ảo tỏa ra tứ hướng.

Lão Cào trán mướt mồ hôi vừa thở vừa khấn lời cuối.

- Nam Mô A Di Đà Phật!

Rồi khom lưng bái bốn bái và lạy bốn lạy! 

Xong lão lui ra ngoài để mọi người lần lượt vào cúng.

Thằng Cu Tửng thấy im im chẳng ai để ý đến nó nữa cũng chạy vào bái mấy bái mà mắt cứ lấm lét nhìn vào cái đùi gà vàng hươm thơm phức trên bàn cúng, nước dãi cứ tứa ra nuốt vào không kịp!

Mười một giờ rưỡi việc tế lễ, cúng kính đã xong mười hai chiếc bàn tròn đã kê sẵn, đầy ắp thức ăn. Năm sáu chiếc chiếu rộng trải dài bên hông đình với bảy chiếc mâm to tướng cũng bày la liệt thức ăn dành cho đám trẻ nhỏ.

Do kinh phí đóng góp của bà con và hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân năm nay cũng có phần eo hẹp nên chỉ uống bia Quy Nhơn thôi thấy cũng thơm ngon, đậm đà chán!

Trước khi nâng cốc Lão Cào trịnh trọng tuyên bố chung:

- Cần phải thực hiện nghiêm túc 5K nghen! Ăn uống thoải mái nhưng nói càng ít càng tốt nghen!

Tiếng vỗ tay vang lên bôm bốp.

- Dạ! Cụ cứ yên tâm! Được ăn, được uống là OK rồi!

Nhưng đến ly bia thứ năm thì không thể nói in ít được.

Lão Thầy Gà thấy cổ họng cứ bứt rứt, ngứa ngáy. Các cụ xưa đã dạy chẳng bao giờ sai. Đã rượu vào thì lời phải ra.  Chẳng lẽ bia vào mà lời không ra, khác nào chuyện Trạng Quỳnh cho ị mà không cho đái? Lão Thầy Gà lấy hết can đảm nổ phát pháo đầu tiên. Vẫn là câu chuyện mà cả làng Đông Trạch nghe đến thuộc lòng.

- Tuần trước tui ra Hà Nội xem ngôi nhà thằng rể Út mới mua ở Nhật Tân tới bốn tỷ hai để bán thịt chó. Con gái tui chỉ phụ vô 50 triệu và vay thêm trăm triệu nữa là được đồng sở hữu tên trên số đỏ...

Hi...hi...

Thử hỏi có thanh niên nào mới ba mươi bốn tuổi đã nắm trong tay 108 cây vàng ròng bốn số 9 không?

Đang cao hứng khoe khoang bỗng có tiếng eo éo ở dãy bàn bên, hình như là của con mẹ Tám vé số thì phải.

- Sao lại không có? Ông Phạm Nhật Vượng đấy! Tưởng làm thủ tướng chứ bán thịt chó mà cũng khoe? 

Lão Thầy Gà khựng lại, tím cả mặt.

- Con mẹ bán vé số nghèo mạt xái mà dám lớn giọng với tao à? Láo! Mày có mấy lô đất như tao không?Tao thù mày!

- Thù thì làm đếch gì tui? Hữu xạ tự nhiên hương! Cần gì phải khoe?

- Tao cứ khoe, cứ nói cho đã cái miệng!

- Thôi không cãi nữa! Xin mời! Xin mời! Trăm phần trăm nghen! Dô...D...ô... ô...

Qua ly thứ sáu rồi thứ bảy mặc cho lão Thầy Gà ngồi làu bàu chửi thề một mình như kẻ mắc bệnh tâm thần phân liệt, chuyện vẫn tiếp tục bung ra như bắp rang nổ. Nào là chuyện bà Phương Hằng bị bắt giam theo điều luật 331. Kẻ tán đồng người chê bai loạn xà ngầu. Rồi chuyện con đường rộng những 22 mét xoẹt qua làng Đông Trạch như một giấc mơ. Chuyện bồi thường, chuyện kiện cáo nhặng xị cả lên.

Lão Cào vội vàng đứng lên chấn chỉnh nhưng không mấy ai quan tâm.

- 5 K! 5K! Nói in ít thôi! Covid nó dính vào thì khổ cả lũ?

Như nước đã tràn bờ cứ nói, cứ cười, cứ quàng vai nhau ,

mời nhau thoải mái.

- Dô! Dô! Cạn trăm phần trăm nghen các chiến hữu!

- Bà Phương Hằng là số 1!

- Con mẹ Hừng Nắng bố láo là cái thá gì kia chứ? Chỉ có con đường An Nhơn - Quy Nhơn mới là số 1!

Lão Thầy Gà đang uống dở ly bia vội vàng đặt xuống bàn đánh cộp một tiếng rõ to cũng tranh phần.

- Ngôi nhà của thằng rể tui ở Hà Nội mới đỉnh, mới là số 1.

Thừa lúc ồn ào không ai để ý thằng Tửng cố len vào bàn đầu, rướn người cuỗm chiếc đùi gà bóng nhẫy trong chén của Lão Cào rồi chạy vù ra ngoài như bị ma đuổi, chắc sợ người lớn giành lại! 

Nó dừng lại trước cổng đình, ưỡn cái bụng tổ chảng với chiếc rốn lồi bằng quả trứng gà, miệng cười nhăn nhở, giọng đớt đát:

- Xanh minh mới dà số 1!

               

Bình Định, 06.04.2022.           

Vũ Hùng                        

hutazox@gmail.com


READ MORE - THANH MINH LÀNG - Truyên ngắn Vũ Hùng

CÁCH NHỚ VÀ VIẾT CHỮ ĐỨC 德 THEO HÁN TỰ CHO DỄ DÀNG - La Thụy sưu tầm




Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm
 
CHỮ ĐỨC

- Bên trái có bộ  xích (ở đây có hình tượng con chim chích đậu trên cành tre) – Chích và Xích cũng cùng âm.
- Bên phải
Trên cùng có chữ thập: 
Dưới chữ  là chữ Tứ: 
Dưới nữa là chữ Nhất: 
Dưới cùng là chữ Tâm: 

*
Chữ tứ 四(罒)là chữ viết sai hoặc hình thức thư pháp của mục () (mắt)
Bộ xích còn gọi là bộ chim chích (彳)mang hàm ý là bước chân trái.




Có thể đọc thêm câu thơ sau cho dễ nhớ:
 
Đức (Xích) dù đi đâu, Mười phương (Thập), 4 hướng (Tứ), ta vẫn giữ nguyên một (nhất) tấm lòng (tâm)
 
Cứ theo thứ tự của câu thơ mà viết từng phần của chữ Đức sẽ thấy chữ Đức dễ viết vô cùng. Có thể gặp chữ Đức trong Tứ Đức của người phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh (Người phụ nữ xưa phải có đủ Tam Tòng Tứ Đức, Tam Tòng là: Tại gia tòng Phụ, Xuất giá tòng Phu, Phu tử tòng Tử)

CHỮ ĐỨC

Đặc điểm của chữ ĐỨC  được tạo thành bởi năm bộ thủ:

1/ Bộ xích (): có nghĩa là những bước chân chậm rãi, từ từ, thong thả, trường kì. Bộ xích trong chữ đức có thể hiểu là muốn rèn “đức” hay bất kì một phẩm chất nào cũng vậy cũng cần có thời gian rèn luyện, phải tích lũy từng chút từng chút, không phải một bước mà thành.

2/ Bộ thập (): có nghĩa là mười.
(Thập) ngụ ý là nhiều, là đầy đủ, là thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, cũng có ngụ ý là bốn phương tám hướng. Điều đó có nghĩa rằng, con người dù ở đâu, lúc nào cũng phải dùng đức hạnh để đối đãi với người khác. 
Bộ thập xuất hiện trong chữ ĐỨC với ý nghĩa là dù ở đâu, ở phương nào cũng cần dùng đạo đức, đức hạnh để đối xử với người khác.

3/ Bộ mục (): nghĩa là mắt
 nằm ngang, ý nói người có đức là người có con mắt tinh tường, có thể phân biệt thị phi, đúng sai, thật giả.

4/ Bộ nhất (): có nghĩa là một,
 mang ý nghĩa là chỉnh thể, tổng thể, là toàn bộ, ý nói người có đức lấy đại sự làm trọng, không tư lợi cho bản thân, vạn pháp quy nhất, một lòng một dạ, không tâm không tạp niệm, không vướng bận.

5/ Bộ tâm (): có nghĩa là tâm.
 là chỉ nội tâm, muốn tu dưỡng được đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Tâm là bên trong, là thật lòng, chân tình, trung thành. Tâm () là bộ phận dưới cùng của chữ đức (), ý nói ĐỨC là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi.

Hiển nhiên rằng một người muốn tu dưỡng đạo đức thì phải tu dưỡng nội tâm. 

Chữ Đức    được tạo lên từ những phần như sau: Bên trái là bộ xích  Bên phải trên cùng là chữ Thập  , dưới chữ thập là chữ Mục  , dưới chữ mục là Chữ nhất  , dưới cùng là chữ Tâm   tất cả kết hợp cấu thành chữ Đức 




Qua chiết tự chữ Đức ta còn thấy được người có ĐỨC cao thì vô vi không vội vàng, mà thuận theo tự nhiên. Người có đức cao thì thuận theo tự nhiên không có ý cầu đức cho nên có đức, người có đức thấp thì luôn vội vàng và có ý cầu đức cho nên không có đức.

Nếu phân tích sâu, chữ ĐỨC này có nghĩa như sau: ĐỨC là thứ người ta tích được khi biết dùng mắt , dùng tâm  lắng nghe thiên ý, chữ nhất  trong tiếng Hoa cổ đại có nghĩa là trời, nhất ở đây cũng có thể hiểu là hợp nhất với ý trời. Ý trời là gì? Là khuyên con người hãy biết “kính thiên ái nhân” có nghĩa là kính trời, yêu người. Làm việc lành, nói điều lành, nghĩ điều lành, thì đức sẽ tăng lên, dùng được cho bản thân và đức này có thể tích lại cho con cháu thế hệ sau.

 Nếu muốn phân tích thành xích , thập , mục , nhất , tâm  vẫn được. Dùng mắt, dùng tâm lắng nghe và làm theo và hợp nhất với ý của thập phương thần thánh, thì sẽ có ĐỨC.

Có thể nói chữ “ĐỨC” quyết định hết thảy mọi thứ của con người, sâu cạn nhiều ít của đức hạnh quyết định phúc phận và vận mệnh của con người. Cũng chính như “có đức mặc sức mà ăn” mà cổ nhân thường nói đến...

Chúng ta cần rèn học chữ Đức ngay từ khi còn bé thơ và áp dụng mọi lúc mọi nơi. Đức không tự nhiên mà có mà phải tích theo năm tháng. Bởi thế tiếng Việt có từ TÍCH ĐỨC!

                                                     La Thụy sưu tầm

*


Học giả Đỗ Chiêu Đức góp ý:
 
XÍCH: là Bước Chân Trái. Cũng có nghĩa là Bước Chậm rãi. XÍCH vừa là Bộ vừa là Chữ. Khi là Bộ, thường đứng bên trái và được gọi là "Song Nhân Bàng 雙人旁". Có nghĩa là Bộ gồm có 2 chữ Nhân  chồng lên nhau . Những chữ được ghép bởi Bộ XÍCH thường chỉ về Đi Đứng, Đường xá, Hành vi của con người.
Ta còn có một biến dạng của bộ XÍCH là chữ SÁCH  (còn đọc là XÚC) là Bước chân phải, nên XÍCH SÁCH 彳亍 : Bước chân trái một cái, bước chân phải một cái là đi Tản bộ, là đi Bách bộ, đi chầm chậm, như trong bai câu thơ của Lý Chí đời Minh :
 
踟蹰横渡口Trì trù hoành độ khẩu,
彳亍上灘舟 XÍCH SÁCH thướng than chu.
 
Có nghĩa:
 
Chần chừ trước bến đò ngang,
NGẦN NGỪ bước xuống thuyền sang bến bờ.
 
Theo học giả Đỗ Chiêu Đức còn có một cách chiết tự khác về chữ ĐỨC
 
“Một hình thức khác nữa của chữ Đức  là Đức  (hay  Đức) nầy đây. Bỏ hẵn bộ XÍCH bên trái, và bộ Mục  được viết thẳng đứng hẵn hoi, hợp với chữ Thập  thành chữ TRỰC  là Ngay thẳng. Chiết tự chữ ĐỨC  nầy gồm có TRỰC  trên, TÂM  dưới. Có nghĩa: Một tấm lòng ngay thẳng ! Vâng, MỘT TẤM LÒNG NGAY THẲNG đã là ĐỨC rồi!”
 

READ MORE - CÁCH NHỚ VÀ VIẾT CHỮ ĐỨC 德 THEO HÁN TỰ CHO DỄ DÀNG - La Thụy sưu tầm