Nhà giáo sư Vũ Tuấn ở Láng Hạ, một
căn biệt thự hạng trung có nhiều cây xanh quanh năm mát lạnh. Bà Hà vợ giáo sư
là con nhà trâm gia thế phiệt, ăn nói dịu dàng, đi đứng khoan thai, mới nhìn
qua ai cũng đoán biết là cô giáo hiền thục, có tiếng một thời. Bà thường mặc chiếc áo the lụa Hà Đông màu cánh gián
để lộ làn da trắng hồng, hai cánh tay nòn nã, ngực còn căng như thời con gái.
Khuôn mặt thanh tú, mũi thẳng, đôi mắt nâu đen nhìn xa xăm, ươn ướt đôi mi.
Người ta nói, miếng ăn nuôi cơ thể cũng đúng lắm. Nhà bác lúc nào cũng đủ món,
ngoài ra, trái cây không bao giờ thiếu trong tủ lạnh, ăn xong bác thường uống
một cốc cam tươi nên da dẻ hồng hào phơn phớt. Bà không dùng son phấn cầu kỳ mà
chỉ điểm lên môi chút son đỏ thẳm nên dáng người ra vẻ quyền quý, sang trọng
lắm. Phải nói là bà đẹp! Đi ngang qua bà, mùi thơm từ cơ thể toát ra quyến rũ
lạ thường.
Giáo sư Tuấn thì trái lại, ở nhà
ông thường mặc bộ pi-gia-ma màu tro xám, hai tay xắn lên quá khuỷu, vầng trán
cao hói hết tóc chỉ còn mấy sợi lơ thơ nằm vắt ngang như cố che đi phần hói của
vầng trán đĩnh ngộ. Suốt ngày, khi không có giờ đến lớp, ông say sưa bên những
mẫu vật vừa mới sưu tầm về như chiếc thố của người Ba Na, chiếc cồng Tây Nguyên
hay chiếc A chói người Vân Kiều.
Nhà có hai anh em, cậu Trung đang
du học ở Nhật, cô em gái là Hồng Nhung, năm cuối Đại học xã hội nhân văn Hà
Nội. Nhung giống mẹ như đúc, da trắng, mắt xanh biếc, mái tóc loăn xoăn bên bờ
vai thon thả, đúng mẫu người Hà Nội gốc. Nhung được bố Tuấn cưng chiều hết cỡ.
Nhà có miếng ngon vật lạ là bố để dành khi Nhung đi vắng. Chiếc Atlanta đời mới,
màu trứng sữa mới cóng là quà sinh nhật mà bố mua tặng.
Cùng giảng dạy đại học nhưng ở
bách khoa là giáo sư Phục Hưng. Ông người cao lớn, mái tóc đen kịt, cặp kính
cận có gọng đồi mồi, đúng mẫu người trí thức Hà Nội.
Ông có hai người con. Một ở Viện
khoa học còn cậu em đang làm luận án tiến sĩ ở Học viện ngoại giao tên là Tú.
Hai nhà giáo sư đi lại với nhau như anh em. Tú thường sang chơi nhà bác Tuấn vì
rất thích chiếc đàn tơ rưng đặt ở đầu hồi. Anh chơi thành thạo bài cô gái vót
chông theo nhịp điệu Tây Nguyên.
Mỗi lần anh gỏ nhịp là Hồng Nhung
cất tiếng hát. Tiếng hát và tiếng đàn quyện vào nhau nghe hoang dã và âm u như
núi rừng tây nguyên vậy. Mỗi lần như thế, bà Hà lại gọi con làm việc này việc
nọ ý chừng không muốn con gái ủy mị mà đâm ra hư hỏng.
Lại một tháng phải lên Tây Nguyên
đưa đoàn sinh viên đi điền dã, nghiên cứu những tập tục của vùng đất sử thi
đầy huyền thoại. Một tháng xa nhà, bao nhiêu việc phải làm nhưng giáo sư cứ
giao hết cho vợ. Đến mấy bộ quần áo mà ông cũng không thèm xếp lại chờ đến ngày
là vác ba lô lên đường.
Hà nội về đêm. Ánh đèn đường bật
sáng bên những hàng cây sấu sần sùi và hoang dại. Đường thanh niên, con đường
hạnh phúc, những đôi tình nhân ngồi chéo chân nhau tình tự như không biết còn
ai. Tú và Hồng Nhung đan tay nhau, vừa đi vừa chuyện trò thầm thỉ. Hình như
tình yêu đến với họ sau những lần gỏ đàn và cất giọng hát. Gió từ hồ Tây thổi
nhẹ, mấy chiếc thuyền hình con ngổng bơi khoan thai, sóng vỗ lan man bên chân
thuyền. Tú nói với Hồng Nhung bao nhiêu
dự định cho tương lai, một tương lai sáng đẹp đang ở phía trước, hạnh phúc chứa
chan của đôi bạn trẻ đang phôi thai khi bước vào đời. Hồng Nhung dừng lại, bàn
tay ấm dần rồi nóng ran, cơ thể của cô như có một dòng điện vô hình chạy qua
làm sởn lên gai ốc.
Anh Tú ạ! Có lẽ đã đến lúc anh
phải thưa chuyện với bố em rồi.
Tú chân thật. Anh buồn lắm! Không hiểu vì sao bố anh không muốn anh làm quen với em. Có lần anh thưa
chuyện, ông cứ gạt phăng đi, mày không thiếu người mà sao phải lấy con gái bác
Vũ Tuấn, tao không chấp nhận. Ông nói mà không cần giải thích.
Hồng Nhung cũng có cảm giác đó
trong một lần qua nhà Tú chơi. Hai đưa yêu nhau bằng trái tim mẫn cảm và trong
sáng. Tú nhớ lắm mỗi khi hai đứa xa nhau. Trong Tú bây giờ chỉ có Hồng Nhung,
Hồng Nhung là đóa hoa thanh tú và kiều diễm mà tạo hóa ban tặng. Lẽ nào mà sao
người lớn không hiểu được, không cảm nhận nỗi rạo rực khi tình yêu đã đến độ vô
bờ. Hồng Nhung còn hơn thế. Không thể sống thiếu anh Tú. Là những thanh niên
có học, họ nhận thức và nâng niu tình cảm như gìn giữ cánh hoa thắm sắc nở bên
vườn vô ưu, hoang dại và thanh khiết.
Đêm ấy, mãi tới gần mười giờ đêm
Hồng Nhung mới về nhà. Bà Hà ngồi soạn giáo án cho ngày mai, thấy Nhung, bà đã
nhẹ nhàng, con đi đâu mà về khuya thế, con gái phải biết giữ gìn chứ!
Một tháng đối với giáo sư Vũ Tuấn
như một tuần lễ. Ông về mang theo chum vại và mấy cuốn sử thi Tây Nguyên. Tắm
rửa xong, ngồi mày mò ghi chép lại những điều thu hoạch được, ông khoái trá
tục đổi vợ của dân tộc K'ho mà ngày nay
không còn. Tục ấy kể rằng sau khi cưới vợ những chàng trai có thể đổi vợ cho
nhau mà cô vợ nào cũng thuận chiều không hề trách cứ. Rồi ông cười, một nụ cười
xa xăm, huyền bí. Suốt ba hôm liền ông về nhà mà không hề đoái hoài gì đến
người vợ lúc nào cũng hừng hực lửa tình, bà Hà cũng ngán ông lắm. Mỗi lần, một
mình trong buồng tắm, cơ thể đẫy đà và trắng ngồn ngộn, đôi vú của người đàn
bà gần năm mươi tuổi vẫn săn tròn, tuy có chảy xệ một ít nhưng vẫn hấp dẫn
không thua gì con gái. Mỗi lần kỳ cọ lên đôi vú, bà có cảm giác tê mê hứng thú
như hồi mới yêu ông, cảm giác ấy cứ
chảy mãi, chảy mãi trong cơ thể một con người sinh lực dồi dào và rạo
rực.
Tuần này, giáo sư Phục Hưng chuẩn
bị đi dự hội thảo toán học tại Labenhaghen, đất nước thần tiên có nàng tiên cá
nỗi danh. Bác Vũ Tuấn nói với bà Hà chuẩn bị làm cơm thiết đãi. Nghe thế, Hồng
Nhung tươi ra mặt. Hai mẹ con ra chợ Bưỡi mua sắm chuẩn bị cho bữa tiệc.
Trên bàn tiệc, giáo sư Vũ Tuấn
rót chai whisky mời Giáo sư Phục Hưng, hai người nói chuyện khoa học say sưa.
Không thấy anh Tú đến, Hồng Nhung buồn rười rượi, cô không lên ngồi cùng bàn
tiệc, mặc dầu bác Tuấn đã gọi mấy lần. Trong thâm tâm, Hồng Nhung đoán chắc
bác Hưng không muốn cho Tú đến gặp cô . Nỗi buồn sâu thẳm và cồn cào khó tả. Có
ai hiểu được cho Hồng Nhung lúc này không, không một ai hiểu được tình yêu mà
mình đã dành trọn vẹn cho anh Tú, người thanh niên hai bốn tuổi đầu có mái tóc xanh
đen, đôi mày rậm toát lên vẽ nghiêm trang và chuẩn mực.
Đêm ấy, cô nghĩ ngợi nhiều lắm,
hình như có cảm giác gì là lạ, người cứ rời rợi, buồn nôn nhưng không nôn được.
Đã đến ngày “nguyệt kỵ” nhưng sao không
thấy… Hay mình đã có thai. Cô suy nghĩ lao lung rồi quyết định phải nói với mẹ.
Cô lấy máy di động điện cho Tú và
nói chuyện gì đó rất lâu. Đoạn cô đến phòng mẹ, nhẹ nhàng mở cánh cửa bước vào.
Bà Hà giật mình khi thấy Hồng
Nhung bước vào. Cô ôm mẹ rồi khóc nức lên.
Con có thai rồi mẹ ạ!
Bà Hà giật bắn người, bà không
tin vào lời con nói.
Trời ơi! Sao con biết có thai?
Có thai với ai, thằng nào? thằng nào?
Hồng Nhung buột miệng, Anh Tú,
anh Tú con bác Phục Hưng. Bà Hà ngất lịm, cơ thể bà mềm nhủn, hai tay níu lấy
vai con như cầu cứu. Chết mẹ rồi con ơi! Mẹ đã nói nhiều lần với con là không được chơi với thằng Tú. Con là con của
bác Phục Hưng, mẹ không thể nói cho con biết. Con có thương ba con không? Con có thương cả nhà này không? Trời ơi!
Ba con mà biết chuyện này thì nhà ta tan hoang hết con ơi!
Hồng Nhung không hiểu hết câu
chuyện mà mẹ vừa nói, chỉ biết tất cả đã sụp đổ, sụp đổ như bất thần cơn bão
kéo qua, cả ngôi nhà ba tầng rung chuyển rồi đổ ầm xuống, chỉ còn lại một đống ngổn ngang gạch vữa nằm
chơ vơ trên mảnh vườn xác xơ cây lá.
ĐỨC TIÊN