Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 17, 2012

Ở TRỌ - Nguyễn Thị Tuyết Mai

Ghi lại những kỷ niệm của tác giả và những người bạn đồng môn trong 7 năm ở trọ để học tại trường NHQT (1958-1965)


Quảng Trị xưa



     Tuổi học trò Trung học của chúng tôi gắn liền với những năm tháng ở trọ. Cuộc sống ở trọ đã dẫn tôi đi khắp thành phố Quảng Trị. Từ xóm sân vận động sôi động nằm bên cạnh trường Nguyễn Hoàng đến xóm không tên khá xa nằm cuối làng Thạch Hãn. Từ đường Lê Thái Tổ thơ mộng nằm dọc bờ hồ đến đường Nguyễn Thái Học ồn ào trước rạp Đại Chúng. Từ đường Quang Trung ngập tràn nắng gió đến đường Trần Hưng Đạo im lìm kín đáo nằm sau Toà Tỉnh. Rồi có những ngày ở trong xóm nằm sâu sau nhà anh Bé,Tỵ bạn anh Phái trên đường Phan Đình Phùng đến cuối đường Phan Thanh Giản gần chợ Quảng Trị. Gần như đâu đâu cũng có bước chân hải hồ của những cô cậu học trò xa nhà ít ngươi thân như chúng tôi ghé đến.

     Năm 1958, những ngày đầu tiên xa xưa ấy, ngày mới bước chân vào trường Nguyễn Hoàng cũng là ngày tôi bắt đầu cuộc sống mới. Anh em tôi được ba mẹ đưa đến trọ tại nhà dượng Hưởng. Nhà dượng nằm trong xóm sân vận động gần bên trường Nguyễn Hoàng. Có lẽ đó là lý do ba tôi chọn để gửi anh em tôi. Vì xa lạ thì phải được đi học gần. Chưa kể dượng hình như có bà con với mẹ tôi. Nghe đâu dì mất và dượng đã tái giá với người khác.  Dì vợ trước của dượng có để lại một người con trai. Anh Quýnh. Vợ anh là chị ruột của Trần Văn Nhỏ, học cùng lớp với anh Phái, nay Nhỏ đã mất. Ở trọ cùng với anh em tôi có Trần Văn Sơn, người cùng làng mới đỗ vào đệ thất một lần với chúng tôi. 

     Những ngày đầu tiên đến ở nhà dượng tôi bớt nhớ nhà nhờ cái không khí ồn ào của gia đình dượng. Nhưng cũng chính cái không khí đó làm tôi không học được. Tối đến, tôi muốn học cũng không biết ngồi học ở đâu. Anh Quýnh thì có chị rồi mà vẫn còn bay bướm. Khoảng vài tháng sau, anh bị gọi quân dịch. Hình ảnh anh ngồi trên chiếc xe trắc-xông đen vẫy vẫy tay chào từ biệt chúng tôi để vào Sài Gòn nhập ngũ tôi còn nhớ như in. Anh vào đến nơi là viết thư về và bảo ba đứa tôi nhớ viết thư cho anh. Lá thư hồi âm của anh, anh nói trong ba đứa thì Mai là đứa viết hay nhất. Rồi kể từ đó tôi chưa một lần gặp anh lại. Nghe đâu vào Sài Gòn, nhờ cái mã đẹp trai và cái tài ngoại giao khéo léo của anh mà anh được chọn vào ngành không quân. Anh không bao giờ về lại Quảng Trị nữa và chị một mình lặng lẽ nuôi con cho đến ngày chị mất. Anh thì hình như đã lấy vợ khác và vẫn còn ở Sài Gòn. Tôi rất mong được gặp anh một lần mà không biết tìm anh ở đâu. 

     Ngày qua ngày, dần dần tôi cũng quen xóm trọ. Đông lắm. Nhưng tôi không nhớ ngoài ba đứa tôi còn có những ai vì tôi còn quá nhỏ, chỉ loáng thoáng thấy hình như có anh Phái, anh Kha ở quanh đâu đó. Gần đường một tí thì có Quế con bác giáo Biền học Bồ Đề và Tạ Quang Bồn, cháu bác học cùng tôi một lớp. Tôi mới mười một tuổi nên rất trẻ con, hàng ngày ngoài việc lo bài vở, tôi thường chơi với hai đứa con gái lớn của dượng, chúng thua tôi cỡ hai, ba tuổi. Buổi chiều tôi ra sân vận động ngồi trên khán đài ngắm nhìn bâng quơ và thấy cánh đồng trước sân ngập tràn lúa chín, thanh bình làm sao..

      Năm đệ lục tôi không ở nhà dượng nữa. Bạn chị tôi bằng lòng nhận ba đứa tôi ở cùng vì nghe đồn chúng tôi học giỏi. Nhà bác Quỳ. Bác muốn chúng tôi truyền lửa học hành cho con bác. Nhà bác ở trên con đường cuối làng Thạch Hãn nhưng gần đường Trần Hưng Đạo. Trước nhà bác là nhà Phan Thu Hương - Đồng Nai. Bên cạnh nhà Hương có một cái quán vừa lớn vừa đẹp. Đêm đêm tôi chạy ra quán này xem đồng hồ để biết giờ đi ngủ. Kim ngắn chỉ đúng 8 giờ là chúng tôi dọn dẹp bài vở rồi đi ngủ. Đến lớp thấy tôi khi nào cũng thuộc bài, Ngọc Lan mới hỏi tôi buổi tối mấy giờ mi đi ngủ. Tôi bảo 8 giờ Lan trố mắt nói, sao? Vì Lan nói 8 giờ tau mới bắt đầu vào bàn, mi gạo bài như thế thì phải 11 giờ mới phải chứ. Làm sao Lan hiểu cái giờ giấc nhà quê của ba đứa tôi. Ăn tối xong - Học bài - Học bài xong - Đi ngủ.  Không biết gì thêm... Cũng có những tối thức khuya, tôi nghe văng vẳng tiếng đàn Hạ-uy-cầm của anh Ngọc Lộc réo rắt thật buồn ở nhà sau. Anh Lộc cũng là học trò Nguyễn Hoàng đến trọ cùng xóm. Nhà bác Quỳ xa trường quá, mùa đông chúng tôi phải đi học trong mưa lạnh rất khổ nên ba tôi lại mang chúng tôi đi gửi nhà khác. Nhà bác Oanh, ba Thương, vợ anh Trần Toàn ở sau Toà Tỉnh. Đây là nhà của Ty Giáo dục cho bác ở. Một kỷ niệm ở đây làm tôi nhớ hoài. Hình ảnh chú lính gác ôm súng đứng trong cái bót nằm ở cửa sau Toà Tỉnh ngỡ ngàng khi thấy 12 giờ đêm mà hai anh em tôi áo quần chỉnh tề đang xăm xăm bước. Hai em đi đâu giờ này. Tụi em đi dự mít tinh. Có biết bây giờ mấy giờ không? Mấy giờ rồi chú? 12 giờ đêm. Hai đứa lủi thủi trở về nhà ngủ lại và sáng mai dậy trễ mất. Tôi buồn, khóc và tủi thân vì thấy người ta có ba mẹ lo giờ giấc còn hai anh em tôi chỉ biết nương tựa nhau mà sống. Ba mẹ ơi, chúng con tự lập khi còn quá nhỏ nên tội lắm ba mẹ biết không. 

     Rồi bác Oanh hết ở đó và chúng tôi lại được ba mẹ tha đi như mèo tha con vậy. Chỗ mới tôi đến là nhà bác Nẫm, nằm bên hông Ty Thông Tin, trên đường Lê Thái Tổ. Cạnh nhà bác là nhà bác Học, ba chị Kim Hoa, anh Võ Minh Lạc, Hỷ, Vinh, Ngọc Anh… nhưng hồi đó tôi chỉ chơi với Hỷ, biết Vinh vì cùng lứa, còn chị Kim Hoa đâu để ý mấy đứa con nít tụi tôi. Chị đã biết yêu và biết ăn diện rồi. Lâu lâu tôi thấy chị ra đứng giữa sân với những bộ đồ bộ rất “model”. Trọ trong nhà chị Hoa có anh Dương Văn Mua, Dương Quang Tưởng, em anh Tưởng… Ty Thông tin luôn có những sinh hoạt văn nghệ. Mỗi năm hai lần họ tổ chức thi tuyển chọn giọng hát hay. Người làm tôi nhớ đến bây giờ là Thanh Hà, em Kim Giao của lớp tôi. Hà từ Triệu Phong lên, luôn mặc bộ đồ đầm rất mốt, hát hay và luôn có giải. Thanh Hà giờ là ca sĩ của Nguyễn Hoàng Houston-Texas và vẫn đẹp như xưa. Còn có một cặp đôi khá dễ thương là anh Hoàng Trọng Tùng và chị Tiên. Hai anh chị thường tập hát bên nhau ở phòng tập hát của Ty, chúng tôi, những đứa trẻ con trong xóm đứng bên cửa sổ nhìn họ say đắm. Thế mà sau này, nghe đâu anh Tùng đi lính bị mù hai mắt, trở thành người sĩ quan luôn mang kính đen, nghệ sĩ đẹp trai  lang thang ở các quán cà phê hay nhà bạn bè tại Quảng Trị hát hò vui vẻ. Không biết bây giờ anh Tùng ở đâu và chị Tiên có còn nhớ những ngày làm việc ở Ty Thông Tin không? Còn tôi, từ đó đến giờ chưa gặp họ lại và mãi giữ trong lòng cái hình ảnh đôi trai tài gái sắc mà tôi nhìn thấy thời ấy. 

     Đường Lê Thái Tổ cũng là con đường trọ học của học sinh Nguyễn Hoàng.  Phía trên nhà ông thợ mộc có anh em anh Hồ Xuân Lộc, về phía gần trường Nguyễn Hoàng có nhà Hoàng Văn Minh. Đó là những người cùng khối với chúng tôi nên hay đến nhà anh em tôi mượn sách, giải toán. Hoàng Văn Minh giờ ở Houston-Texas còn anh Lộc ở Đà Nẵng. Đêm đêm tôi lại nghe tiếng sáo  của anh chàng Trương Chi nào đó bay vi vu trong gió. Học khuya, đám học trò lớn có, nhỏ có  thường ùa ra đường thả hồn theo tiếng sáo của chàng để bớt căng thẳng. Không biết ai  là nàng Mỵ Nương tương tư người thổi sáo. Còn tôi, cho đến bây giờ vẫn chưa biết người đó là ai.
     
     Cũng trong năm đệ lục này, tôi trở lại trọ nhà bác Oanh, nhà bác xây ở trong xóm sau nhà anh Nguyễn Bé - hiện sống ở Thanh Đa. Con đường dẫn vào xóm xuyên từ Phan Thanh Giản qua Phan Đình Phùng.Trong xóm có nhà thầy Cang và thời gian tôi ở đây là thời gian thầy cưới cô.  Hình ảnh cô ngày về nhà chồng vẫn còn trong tôi và đây là lần đầu tiên tôi thấy cô dâu mặc áo cưới cài vương miện đẹp như thế nào. Nhà Thương chật chội không có chỗ học nên tôi thường ra nằm trên chiếc giường tre ngoài sân để gạo bài. Đối diện nhà thầy Cang là nhà anh Bảo, trong nhà luôn đông người sinh sống, vì hình như ngoài mấy anh em nhà anh Bảo còn có gia đình của chị Đoan, mẹ Hùng và Hùng cũng sống tại đây. Cùng lớp với tôi có Hùng và Đính, nhưng tôi chẳng hề nói chuyện hay chào hỏi họ bao giờ. Trong mắt mọi người tôi chỉ là đứa trẻ con xa lạ nào đó siêng ê a học bài thật to cả xóm đều nghe, chẳng biết chi cái thế giới hai bên. Bây giờ Đính đã mất và nhà anh Bảo rất thân quen với tôi. Chị Dung vợ anh Diệp, em anh Nguyễn Tử Hà đã gặp tôi trên Đại học. Hùng  đang ở San Jose là  bạn thân của vợ chồng tôi. Anh Bảo -Xuân Mai thì Nguyễn Hoàng không ai xa lạ. Có ai còn nhớ con bé học bài ê a ngày nào giờ đã khôn lớn và nó chính là tôi không? Đúng là Que sera sera phải không các bạn.

     Rồi mùa hè đệ lục cũng qua mau và mùa tựu trường đệ ngũ lại tới. ..Đi loanh quanh cho đời mỏi mệt. Anh em tôi lại trở về xóm cũ.. Xóm nhà lá sân vận động ban đầu. Cũng nhà dượng Hưởng. Cũng có Sơn trọ chung, có anh Phái, anh Kha trọ nhà anh Vinh đối diện. Nhưng bây giờ rộn ràng hơn và tôi nhớ rõ hơn, vì ít nhất tôi cũng đã thêm được hai tuổi. Anh Vinh, cán bộ diệt trừ sốt rét mới được đào tạo từ Sài Gòn về. Anh đem vợ con em út ra mua nhà ở xóm sân vận động sống và nuôi em ăn học. Hai người em của anh, anh Chuyết và Đạt đang học đệ ngũ Bồ Đề. Chị Thùy vợ anh, dễ thương xinh đẹp muốn nhận thêm một ít học sinh nấu cơm tháng, nên ngoài hai anh em anh Phái còn có Hóa, Hưởng và ai nữa tôi không nhớ hêt. Anh Hồ Sĩ Trân trọ nhà gần bên. Nhà trước thì có anh Sanh, anh Huynh, Ngọc Thuỵ. nghĩa là một xóm hùng hậu học trò NH bao quanh tôi. Chưa kể, anh Lương, anh của Sơn và anh Đường ( nhạc sĩ Đan Thanh) bạn anh Vinh cũng về làm việc tại Quảng Trị, trọ chung trong nhà dượng Hưởng. Tôi là đứa con gái học Nguyễn Hoàng duy nhất trong xóm phải có một quyết tâm sắt thép và một tâm hồn đá mới không bị vướng lụy tình ái lăng nhăng. Thế mà anh Phái, lấy cớ bạn Sơn và giỏi toán, ngày nào cũng chạy sang nhà dượng Hưởng. Khi thì hỏi mượn quyển vở, khi thì cùng giải bài toán nên có chuyện trò với tôi. Tôi biết anh Phái ưa tôi nhưng tôi làm ngơ. Anh Sanh và dượng Hưởng đều có ý chớm cho mẹ tôi biết nhưng bà cũng chỉ cười. Hình như ba mẹ tôi luôn tin tưởng tinh thần ham học của con gái mình. Với tôi, ba anh : Sanh, Huynh, Trân là người lớn nên gọi bằng anh và lâu lâu cũng chuyện trò tự nhiên. Hóa và Hưởng nhỏ bằng tôi nên tôi mắc cở chưa thấy rõ mặt.  Trong hai người không biết người nào hay qua nhà anh Thới, thợ hồ, ở trong cái nhà tranh nho nhỏ trước nhà dượng Hưởng, ngồi trên cái chõng tre trước sân chuyện trò với tôi mỗi khi tôi qua đó chơi. Tôi hỏi anh Phái thì anh bảo chắc Hóa, Giám đốc nhà in Thuận Hóa mới về hưu, vì khi đó Hóa nhỏ nhất bọn. Hỏi lại Hóa chứ tôi thì chịu. Anh Sanh đã mất trong chiến tranh. Anh Huynh khi đến Mỹ chúng tôi có tìm gặp. Có vợ nhưng không có con, cũng tội nghiệp. Anh Chuyết bây giờ làm chủ một tiệm ăn nổi tiếng ở San Jose. Đạt, hiệu trưởng đã về hưu đang sống tại Đà Nẵng. Anh Kha, anh Trân, Ngọc Thuỵ đều định cư tại Mỹ. Sơn và anh Đáng đã ra người thiên cổ. Nhạc sĩ Đan Thanh có người đăng báo tìm mà chưa gặp. Ngày xưa ông nhạc sĩ này bay bướm lắm, thấy cô nào cũng yêu, giờ không biết có còn trên đời nữa không. 

Xóm nhà lá đã bị xóa sổ trong bản đồ Quảng Trị từ lâu lắm rồi nhưng với chúng tôi vẫn còn in rõ từng con đường, từng ngôi nhà, từng nét mặt của từng đứa cùng trọ với nhau trong những ngày tháng cũ. Nghe đâu anh em còn lui tới trọ học đó cho đến hết năm đệ nhất. Còn tôi, chưa hết năm đệ ngũ, ba tôi đã đem tôi vào gửi trong ký túc xá của các xơ sau nhà thờ Thạch Hãn. Ở đó có chị Lê Đông Hà, bà con với tôi. Tôi còn nhớ câu nói của anh Vinh khi gặp tôi về thăm xóm cũ, Mai vào ở với các xơ là tụi anh quá khâm phục . Vì có lẽ tất cả người lớn đều thấy cần tách tôi ra khỏi môi trường khá phức tạp đó để học hành. Ký túc xá Ma Soeur không nhận con trai nên anh tôi vẫn ở lại đó. Hàng tuần anh gói một đống áo quần dơ đem vào ký túc xá để tôi giặt ủi. Chiều chủ nhật anh tới lấy về. Các chị Lê Châu Hạnh thấy vậy nói tôi sao dại quá. Áo quần của hắn để hắn giặt tại sao em phải làm việc đó cho nó. Tính phục vụ và được phục vụ của tôi và anh đã thành nề nếp và thấm sâu trong máu thịt nên tôi không hề thấy gì cả khi tôi làm cho anh như vậy từ tháng này qua tháng khác. Các xơ thấy thế rất thương tôi và rất không thích mấy chị. Các chị được cha chánh thương. Tôi nhớ khoảng năm ba hôm là cha giấu vài ba cái trứng lộn trong áo đem vào cho các chị. Các chị khi nào cũng reo lên cám ơn cha ” Merci beaucoup  papa. Bonnenuit papa…” khiến các xơ càng ghét các chị thêm . Người cùng giới thì dẫu ở môi trường nào cũng không tránh khỏi ganh tị sân si nhau, nhất là nữ. Tôi luôn luôn đứng ở giữa để nghe chứ không nói. Các xơ thương tôi vì tôi ít nói, chỉ cười và không thân mật với cha như mấy chị.  Nhưng tôi lại thuộc nhóm ba chị Lê Châu Hạnh, nên các xơ luôn luôn khuyên, em đừng giống ba đứa đó nhe. Sống với ba chị rất vui nhộn vì ba chị học đệ tam, năm ăn chơi mà. Đêm nào ăn tối xong các chị cũng dẫn tôi đi chơi. Có một lần các chị dẫn tôi ra nhà Tống Thị Gòn, lúc đó hai anh Lê Đình Cai và Nguyễn Hữu Hiền đang nghe radio, vì đó là thời rục rịch đấu tranh Phật giáo và các anh là nòng cốt của học sinh Nguyễn Hoàng nên theo dõi tình hình ghê lắm. Tôi thấy các chị khâm phục kính nể hai anh như thần tượng. Rồi có đêm các chị dẫn tôi đến nhà Kim Loan chơi vì ở đó có anh Lộc cũng khá điển trai. Chị Lê có rất nhiều anh ngưỡng mộ nhưng chị lúc đó đã có người yêu đang học Quốc Học Huế. Tôi luôn sống hòa đồng với các chị nhưng biết nghiêm túc với mình vì tôi chưa lấy bằng Đíp-lôm như các chị. Cũng do sống tại đây, tôi biết rất nhiều chuyện, từ sinh hoạt của cha chánh, cha phó, tâm tư tình cảm của các xơ, các bạn cùng nội trú đến cách đối nhân xử thế trong xã hội thu nhỏ mới lạ này. Một chuyện mà tôi thấy là lạ và nhớ hoài khi  trong bữa cơm có món trứng vịt. Bữa cơm nào ở ký túc xá ăn món trứng vịt luộc thì trên bàn ăn có 4 nửa cái trứng vịt cắt sẵn dành cho 4 đứa. Một hôm, đang ngồi ăn, có một đứa trong bàn tôi nó mang nửa cái trứng vịt của nó sang bàn khác và bảo: “Tao không ăn trứng nên đem sang cho mi đó”, trong khi trên bàn của tôi đang thiếu thức ăn trầm trọng … Lẽ tất nhiên mọi việc như vậy xảy ra ở mọi bàn và hàng ngày nhưng tôi thấy khó chịu sao sao. Một sự sòng phẳng không đáng có và ít nhiều vẩn đục tâm hồn trong sáng của những đứa bé đang sống ở đây, vì đa số chúng đang tuổi mẫu giáo và tiểu học (Chúng ở khu riêng nhưng ăn chung một phòng). Tôi không thích nhưng vẫn im lặng và đây là lần đầu tiên bày tỏ những gì mình đã nghĩ hồi đó lên trang giấy. Bao nhiêu điều nữa nhưng tôi xin ngưng lại sợ quá số trang cho phép.

  Rồi mùa hè đến, Ai về nhà nấy nhưng tôi ở lại một mình để học hè theo lệnh ba tôi. Tôi xin các xơ và xơ trình bày với cha chánh, anh tôi còn nhỏ và ngoan nên cha chấp nhận cho anh tôi vào trọ chung với tôi. Trong cái nhà kiểu nhà đình xưa, hai anh em tôi ở chung với các xơ. Suốt ngày các xơ đi làm việc chỉ có hai anh em ở nhà và đi học, tối về có thêm các xơ. Đi ra các xơ mặc áo thụng đen về tối các xơ mặc áo thụng trắng như những thiên thần. Cuộc sống ngày qua ngày như thế không biết các xơ xót xa hay hãnh diện. Chỉ có Chúa mới hiểu hết các con chiên ngoan đạo của Người. Bên cạnh xơ luôn có anh em tôi. Cũng âm thầm như xơ. Có một lần anh Phái và Sơn đến thăm (tất nhiên chỉ đứng ngoài sân nói chuyện và vào lúc các xơ đi khỏi vì con trai vào vùng này là phạm luật), thốt lên rằng: "Mai vào đây để học  thấy khiếp quá". Lúc đó ông Phái ngán tôi lắm và thấy như hai đứa hai lối đi. Tôi thấy anh buồn buồn vì tôi như một tu sĩ nghiêm trang, học hành. Tôi cảm nhận như thế và cũng hơi chạnh lòng nhưng nghĩ đến tương lai nên vẫn để mọi thứ trôi đi. Hơn nữa, giữa chúng tôi luôn là sự lặng câm. Đứa nào cũng dệt quá nhiều ước mơ cho tương lai và đều hiểu được lúc này im lặng là tốt nhất.         
   
Vào niên khóa đệ tứ tôi phải xa đây vì ba chị lên đệ nhị, một năm của thi cử nên phải chọn chỗ trọ thích hợp cho mấy chị. Tôi không hiểu ai đã giới thiệu đến trọ nhà bác Hiển, mẹ của Hoa vợ anh Hoàng Em ở Đồng Nai bây giờ. Đây là một quán ăn ở bến xe nên rất phức tạp. Hàng ngày đủ loại người đến đó ăn uống. Ăn ngày có, ăn tháng có và đủ loại người xin ở trọ trong nhà bác. Về học trò thì có anh em tôi và anh Ngọc Lộc, người đã từng thả ra những tiếng nhạc từ chiếc đàn Hạ- uy- cầm năm nào trên xóm cuối làng Thạch Hãn. Về người ngoài thì có một cặp vợ chồng anh chị công nhân sống không hôn thú. Vì là quán nên chúng tôi thường được ăn ghép với bất kỳ người nào đến ăn cơm tháng tại đó. Cũng vì thế mà tôi biết một vài chú công chức làm ở Ty Thông Tin hay Công dân vụ đến ăn cùng mâm. Tôi còn biết đủ hạng người, từ chị Phú chủ nhiều chiếc xe chạy từ Huế ra rất giàu có để sau này vào học Huế, tôi đã có lần đến trọ nhà chị, kèm các con chị. Biết anh Ba yêu chị Hồng, chị của Hoa có người bà con học đệ nhất Quốc Học hay kể về chị Sen, chị Cúc học cùng lớp, là dân Nguyễn Hoàng Quảng Trị chuyển vào. Buồn cười nhất là lâu lâu tôi bị mất tiền mà người lấy không ai ngoài chị công nhân có bầu sắp sinh quá khó khăn làm bậy. Nhờ tính trẻ con ham học của tôi nên sống ở đâu tôi vẫn vững như kiềng. Tối đến quán thanh vắng, hai anh em tôi và anh Lộc đem vở sách ra sân học. Học mệt thì anh Lộc lấy đàn ra đàn. Có người bạn cùng lớp anh Lộc lâu lâu đem tới cho bịch bánh bịch kẹo và ở lại cùng học với anh Lộc. Không biết sao tôi vô tư lự như thế mà anh này lại yêu tôi. Sau này anh theo tôi miết làm tôi mệt mỏi và nói hơi nặng lời với anh. Anh đâu biết tôi kỳ vọng về tương lai cao vòi vọi và mê mải theo giấc mơ của mình. Làm sao tôi có thể yêu đương ở cái tuổi “Học là trên hết”. Không phải chỉ anh, mà trong thời gian còn trên ghế nhà trường, có vài người hoặc viết thư cho tôi hoặc đánh tiếng với ba mẹ tôi xin hỏi tôi làm vợ. Và vì muốn yên thân, tôi đã nói để họ khó chịu và ghét tôi làm họ giận lắm. Hôm nay trên trang giấy này cho tôi gửi lời xin lỗi đến các anh, nếu các anh còn ở đâu đó và đang đọc bài này.

Khoảng vài tháng sau, ba tôi đổi vào dạy Hải Lâm. Lúc đầu ông cũng ở chung với chúng tôi tại nhà bác Hiển. Một hôm, tôi ngủ quên làm cây đèn sáp tôi gắn lên mặt ghế cháy nám đen lõm sâu hư mất mặt ghế . Đây là một trong 6 cái ghế của bộ bàn phòng khách bà chủ. Ba  tôi thường dậy rất sớm và ông khám phá ra tầm quan trọng của việc xảy ra. Ông vội vàng mang chiếc ghế ra xưởng thợ mộc nhờ họ chuyển ngược mặt ghế lại và đánh véc-ni cho giống như cũ. Cho đến hôm nay, không biết có ai biết việc tày trời mà tôi đã gây ra không, còn tôi ba tôi đã nói cho biết ngay sáng đó và cảnh giác tôi từ đây không được học kiểu nguy hiểm như vậy nữa. Một tháng sau, ba tôi thuê nhà anh chị Kinh bên kia đường Lê Thái Tổ ở cùng chúng tôi. Ở với ba tôi nhưng thực thì 4-5 giờ sáng ông đã lên tàu lửa về Hải Lâm dạy trong khi hai anh em tôi đang ngon giấc. Ba tôi cưng hai đứa tôi vô cùng. Thức dậy, tôi luôn luôn thấy trên bàn có sẵn hai ly bột sắn dây (đặc sản của quê tôi), hai ổ mì và một chậu nước ấm để rửa mặt trời lạnh. Hai đứa chỉ kịp rửa mặt đánh răng ăn sáng và chạy tới trường cách đó độ 20 mét. Thế mà buổi trưa về tới nhà hơi chậm chân coi chừng hết cơm vì hình như có thêm vài người và con chị ăn chung. Đôi khi tôi để nguyên áo dài đứng ăn luôn vì mấy đứa con trai kêu đói quá trời. Con chị có Quang, con trai đầu thua tôi vài tuổi, hay bị anh phạt nhiều kiểu oái oăm mỗi lần anh ghé về thăm nhà vì tính lười học của nó. Quang thành thạo trong việc lấy cắp tiểu thuyết ở các tiệm sách. Nó đem đủ loại sách nhất là tiểu thuyết về cho tôi đọc. Bé Mai em kế nó thì anh lại rất cưng vì đẹp, ngoan. Thế mà nghe anh Đáng tôi kể lại, khi anh học ở quân trường Thủ Đức thì gặp gia đình anh chị Kinh trong đó. Anh đang là sĩ quan quân trường, chị thầu mở quán ăn. Gặp lại anh tôi, anh chị, Quang, Mai mừng lắm, cho anh ăn miễn phí đều đều. Anh nói đứa nào cũng lớn, ngoan và Mai rất đẹp….Ngày tháng trôi nhanh và năm đệ tứ lại đi qua, kết quả những năm tháng chăm học chăm làm cũng đã đem lại cho anh em tôi tấm bằng Thành chung đầu tiên của cuộc đời học trò.. Ba tôi về lại quê dạy còn anh em tôi tiếp tục ở trọ nhà chị đến hết năm đệ tam.

      Đệ tam, năm chơi không học. Tại phòng tôi thuê trọ có rất nhiều bạn bè ghé thường xuyên. Người học cùng lớp tôi có Phan Văn Bồng, hay đến đợi tôi cùng tới trường làm nhiều đứa trong lớp hiểu lầm tưởng hai đứa có tình ý với nhau. Võ Lượng, cùng lớp Nhị B với anh tôi và đã học cùng nhau từ đệ thất lên nên rất thân. Có anh Khả và mấy anh bà con với chị Kinh, quê làng An Đôn, cũng đến gửi xe nhà chị. Đặc biệt có bạn Thương, cô học trò Nguyễn Hoàng người An Đôn làm xao lòng nhiều chàng trai, mà Hỷ, em chị Kim Hoa là người đã chiếm được tình cảm của nó. Ở với nó, nó yêu đương bồ bịch vậy  mà tôi vẫn bình thản không để lộ cho ai biết những lãng mạn của mình, nên chị rất khâm phục. Chị luôn đem tôi làm gương khuyên răn con cháu. Anh Phái, Sơn lâu lâu đến chơi, ở lại ngủ trưa. Tôi vẫn vô tư tỉnh bơ. Anh Phái nói, thấy áo dài tôi treo trên mắc tưởng lớn lắm nhưng ngoài thì còn trẻ con. Thực tôi rất sợ làm duyên với mấy ông con trai bạn anh tôi vì chỉ cần sơ suất một tí là có thể bị hiểu lầm, rắc rối. Anh Phái cũng không phải ngoại lệ.

    Những năm tháng ở trọ với người quen chấm dứt khi tôi lên đệ nhị.  Anh rể tôi, anh Nguyễn Tuần, ra làm Trưởng Ty Chiêu hồi ở Quảng Trị. Vì đây là một ty mới thành lập nên chưa có sẵn cơ sở như những ty khác. Anh chị tôi lại thuê nhà nhiều nơi trước khi ổn định tại nhà của ba Phan Quang Đài cuối đường Phan Thanh Giản, đối diện nhà Trần Quang Châu, cùng lớp. Nhà đầu tiên tại số 37 Quang Trung. Sở dĩ tôi nhớ rõ địa chỉ này vì tại đây bài thơ đầu tay của tôi “Tình em bé dại” ra đời có nhắc đến số nhà 37. Đây là năm tôi hoàn toàn thành người lớn. Biết yêu, biết buồn, biết làm thơ… Tôi vẫn học giỏi nhưng những đợt buồn vui luôn xâm chiếm hồn tôi và tôi thấy khó thuộc bài. Những buổi chiều, nắng gió mùa xuân hắt hiu đi qua môi tóc tôi khi tôi ngồi sau cây mít học bài làm tôi bật ra những dòng thơ đầu tiên của tuổi mộng mơ:

           Đường vào lối nhỏ…..
           Có tình em bé dại..
           Nắng thường đùa trên mái tóc nâu thơ
           Rồi hôn nhẹ lên làn môi chợt đỏ…

           Đường về l’ église….
           Có sương chiều đổ đầy trên đại lộ
           Có bướm lượn, có ong tìm hoa nhỏ..

           Đường vào Quang Trung
           Có mơ mòng hình hài cô em gái
           Ba mươi bảy, lắm lần buồn hoang dại

           Những người em thương,
           Hãy về đây
           Nhận niềm ưu ái ấy
           Of  Mine..
           Với đôi mắt bồ câu chớp chớp nhanh …
                        
(Tình em bé dại, 1964 tại nhà 37 Quang Trung QT)

Đường Quang Trung có nhà thờ Thạch Hãn với tiếng chuông ngân từng buổi sáng, có bóng dáng của những chàng trai cô gái Nguyễn Hoàng dập dìu qua lại, là đường của những bước chân tìm kiếm vào những đêm Noel giá rét. Ai là học sinh Nguyễn Hoàng thời chúng tôi đều mến yêu con đường đầy kỷ niệm này. Khoảng nửa năm anh chị tôi lại đến thuê nhà của chị Mỹ Lệ - Quang Ngân nằm bên rạp Đại Chúng. Tôi chỉ là bạn của Ngân. Chị Lệ lớn còn Mỹ Liên thì nhỏ nên không biết tôi lắm. Ngọc Lan, cô ruột của Thủy An lúc đó, tôi thấy trọ tại đây và cũng hay chuyện trò với tôi.  Lúc này tâm hồn tôi tạm yên tỉnh nên học nhiều hơn nghĩ vẩn vơ. Một vài chuyện còn để lại ấn tượng trong tôi vào những tháng ở đây, đó là có một lần anh Phái đem theo một ông bạn Mỹ tới nói chuyện với anh tôi. Thấy anh Phái thật oai khi nói tiếng Anh lưu loát với người nước ngoài và đó là một trong những đặc điểm của anh được tôi chấm điểm A. Có một tối thầy Phan Khắc Đồ, anh Ngô, Tiên, anh Hào đến thăm anh tôi vì họ và  anh tôi đều là người cùng quê Hải Lăng. Ai tới chơi tôi cũng chỉ để cho anh tôi tiếp và tôi ngồi nư trong phòng không ra chào. Sáng hôm sau, thầy Đồ trong giờ giảng toán đã hỏi tôi "Tại sao khi tối không ra chào …” Tôi chỉ cười thôi.
   
Năm lên đệ nhất anh chị tôi lại chuyển đến thuê nhà ở đường Lê Thái Tổ, đối diện với nhà Ái Thu - Ái Đông. Xóm này có nhiều nữ sinh Nguyễn Hoàng, chiều chiều các cô hay ra đứng chơi bên lề đường và các chàng trai tha hồ chiêm ngưỡng. Ngoài hai chị em Thu - Đông còn có chị em  Quả, Thiện ở  xóm trong, có Thủy An ở xế xa hơn một tí….và tôi chỉ quen sơ sơ với những người đẹp này vì lâu lâu học mệt tôi cũng ra đây  chuyện trò với các bạn dăm ba phút.Thỉnh thoảng tôi qua nhà Ái Thu chơi  với chị Lan, vợ thầy Liệu khi đó đang dạy Nguyễn Hoàng và chưa có người yêu. Cũng tại nơi đây, anh Phái viết lá thư thứ nhất trao tôi.  Anh là người, nói như các chính trị gia, biết chớp thời cơ, đúng lúc, đúng nơi. Tôi đã là nữ sinh đệ nhất, đã biết trước con đường mình sẽ tới và tôi tự cho phép mình “Yêu đương”. Hình như đêm nào, trời lạnh cóng, anh nghèo không có tiền mua  áo len đẹp nên chỉ  mặc chiếc áo sơ mi trắng học trò đến sau cửa sổ phòng tôi mở ra phía bờ hồ. Anh lấy đầu điếu thuốc chui vào kẽ hở của cánh cửa lá sách và chặc chặc lưỡi, báo rằng có anh ngoài này. Tôi mở cửa sổ ra thì anh, khi thì mượn quyển vở, khi thì trả quyển sách, khi thì nói buồn quá nên đi chơi một tí mới về học được …Và như thế, anh làm tôi cảm động. Và đã viết thành thơ:

                           Anh yêu tôi nồng nàn tha thiết
                           Những đêm bờ hồ gió lạnh rít bờ vai
                           Anh đến thăm tôi suốt tháng năm dài
                           Níu hồn tôi những ngày đông giá rét

                                                (Trích thơ Tôi và Anh)

Từ đó tôi trở thành người đã có tình yêu, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến giai đoạn nước rút nhất là đối với anh Phái, nên tôi luôn bảo anh đừng thư từ hay đến chơi nhiều mà phải học. Để đáp lại lời dặn dò đó, anh đã viết một là thư gửi Bưu điện tới, mở ra chỉ thấy hai chữ Mai thương rồi toàn giấy trắng... Thấy cũng vui vui khiến tôi phải cười một mình.

Nhà sau cùng anh rễ tôi thuê là căn nhà hai tầng của ông trợ Đãi, ba của chị Tĩnh và Đài ở gần chợ Quảng Trị. Căn nhà này họ đồn, trước đây là Phòng Tư của Pháp, tra tấn tù binh đến chết nên còn nhiều hồn ma oan uổng lởn vởn trong nhà nên ít ai thuê. Anh tôi, người Công giáo không tin chuyện ma quỷ và đã thuê làm trụ sở của Ty. Dưới lầu làm việc, trên lầu ăn ở. Buổi tối khi nhân viên về hết, tôi lại xuống lầu học một mình. Vì quá chăm chú vào bài vở, tôi không quan tâm gì chung quanh cả. Sau này người ta hỏi tôi, tôi nhớ lại đúng là đêm đêm luôn có những tiếng động rất lớn ở khu nhà bếp. Tiếng động như có rất nhiều người sắp xếp chén bát soong nồi vậy và cứ xảy ra liên tục trong khi tôi học bài. Hú hồn là tôi chỉ biết chuyện khi đã đỗ Tú Tài, không thì làm sao mà tôi dám ngồi một mình đến 12 giờ đêm trong căn nhà vắng lặng đó được.

    Ngày qua ngày, mọi thứ trôi đi với thời gian. Tại đây, Hồ Quang Bá, anh Phan Đình Bồng, Trần Văn Sơn …những người bạn Nguyễn Hoàng bỏ trường bỏ lớp vào quân ngũ đều đến chào tôi. Họ cùng đến quân trường ở Nha Trang và cùng viết thư về cho tôi. Ngoài Sơn ra, hai anh Bồng và Bá đâu biết tôi đã có anh Phái. Thêm một lần nữa tôi làm mất lòng bạn… Anh Bồng đã mất khi còn ở quân trường. Bá định cư tại  Mỹ, đã về thăm chúng tôi năm 2009.

    Cuộc sống ở trọ chạy dài suốt trong đời học trò với bao thay đổi đã làm tôi lớn khôn. Bây giờ ngồi ghi lại những căn nhà đã đi qua, tôi muốn được gặp lại các con của các bác. Hôm gặp lại Vinh, em chị Kim Hoa, tôi có hỏi thăm con bác Nẫm nghe nói khổ lắm nhưng không biết ở đâu mà tìm giúp đỡ. Các con dượng Hưởng, bác Quỳ cũng thế…không biết cuộc sống có mỉm cười với các em không. Còn các bác thì không dám hy vọng được gặp mặt vì có lẽ tất cả đều đi vào miền miên viễn. Tôi muốn tìm Thương – An Đôn. Giờ bạn ở đâu? Muốn gặp Mai Quang con anh chị Kinh… Ôi ! Tất cả đã để lại trong tôi những ngày tháng khó quên... thật xa mà sao lại thật gần. Nhớ thương tràn ngập hồn tôi vào những ngày tôi viết bài này và bây giờ thì hy vọng có cuộc trùng phùng bất ngờ để thỏa thương nhớ. Mong lắm lắm  !!!!
                                              
     Viết xong ngày 10 tháng 5 -2012 tại Sài Gòn.

                                                                      NTTM
phaimai@yahoo.com

           



READ MORE - Ở TRỌ - Nguyễn Thị Tuyết Mai