Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 20, 2017

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỤM TỪ “THANH MAI TRÚC MÔ; DỊCH THƠ “TRƯỜNG CAN HÀNH” CỦA LÝ BẠCH - Ngô Văn Ánh



                Tác giả Ngô Văn Ánh


NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỤM TỪ “THANH MAI TRÚC MÔ; DỊCH THƠ “TRƯỜNG CAN HÀNH” CỦA LÝ BẠCH
                                         
     Là giáo viên đứng lớp giảng dạy hơn 35 năm với 3 môn tạm gọi là sở trường là Ngữ Văn, Lịch Sử và Địa lý thế mà chỉ một cụm từ thông dụng thường được nghe nói hằng ngày đến lúc sắp nghỉ hưu vẫn còn chưa biết! Dù rằng kiến thức nhân loại là vô tận, sự hiểu biết của mỗi người chỉ là hạt cát trong sa mạc mênh mông nhưng tôi vẫn thấy xấu hổ cho chính mình! Thành thật mà nói, cho đến bây giờ tôi mới hiểu được nghĩa và xuất xứ của cụm từ “Thanh mai trúc mã”. Thì ra “Thanh mai trúc mã” là một điển tích lấy từ trong bài thơ Trường Can Hành của thi tiên Lý Bạch đời nhà Đường bên Trung Quốc. Tôi xin chép ra đây bài thơ phiên âm Hán-Việt của Lý Bạch để chúng ta cùng thưởng lãm.

          TRƯỜNG CAN HÀNH
                          
          Thiếp phát sơ phú ngạch
          Chiết hoa môn tiền kịch
          Lang kỵ trúc mã lai
          Nhiễu sàng lộng thanh mai
          Đồng cư Trường Can lý
          Lưỡng tiểu vô hiềm sai.
          Thập tứ vi quân phụ
          Tu nhan vị thường khai
          Đê đầu hướng ám bích
          Thiên hoán bất nhất hồi.
          Thập ngũ thủy triển mi
          Nguyện đồng trần dữ hối
          Thường tồn bão trụ tín
          Khởi thướng Vọng phu đài.
          Thập lục quân viễn hành
          Cù Đường, Diễm Dự đôi
          Ngũ nguyệt bất khả xúc
          Viên thanh thiên thượng ai.
          Môn tiền trì hành tích
          Nhất nhất sinh lục đài
          Đài thâm bất năng tảo
          Lạc diệp thu phong tảo.
          Bát nguyệt hồ điệp hoàng
          Song phi tây viên thảo
          Cảm thử thương thiếp tâm
          Tọa sầu hồng nhan lão.
          Tảo vãn há Tam Ba
          Dự tương như báo gia
          Tương nghênh bất đạo viễn
          Trực chí Trường Phong Sa.

                                     Lý Bạch

       Đây là bài thơ ngũ ngôn theo thể Cổ Phong (thể thơ cổ có trước thể thơ Đường) làm theo điệu hát dân gian của người Trung Quốc xưa ( Như ở Việt Nam ta có đồng dao, dân ca…). Bài Trường Can hành kể về cuộc tình của đôi trai gái ở xóm Trường Can. Tạm dịch như sau: Thời nhỏ đôi trẻ chơi thân với nhau rất hồn nhiên. Năm cô gái 14 tuổi thì họ thành vợ chồng.  Lúc về làm vợ, cô gái còn xấu hổ thường quay mặt vào tường. Mười lăm tuổi, cô gái bắt đầu lộ vẻ tươi vui. Họ cùng thề nguyền sống với nhau trọn đời dù gặp phải nghèo khó. Hứa sẽ như chàng Vỹ mãi ôm chân cầu (Vỹ Sinh giữ chữ tín cứ ngồi ôm chân cầu chờ đợi cho đến khi nước ngập mà chết) và sẽ làm người Vọng phu đứng trông chồng. Mười sáu tuổi họ xa nhau vì chồng phải đến tận chốn xa xôi. Tháng Năm nước lớn không thể đến với chồng được, Tiếng vượn kêu thảm thiết  vang vọng trời xanh. Trước sân nhà còn in dấu chân người xưa đã phủ đầy rêu xanh. Rêu dày không thể quét sạch hết được. Gió thu thổi sớm làm lá rụng nhiều. Tháng Tám, từng đôi bướm vàng bay lượn  ở thảm cỏ phía tây khu vườn. Nhìn cảnh ấy nàng thấy xót xa cho mình. Ngồi buồn vì tuổi xuân ngày càng phai tàn. Đến Tam Ba dù sớm hay muộn,  chàng nhớ gửi thư báo về cho gia đình biết. Nàng sẽ đi thẳng đến Trường Phong Sa đón chàng dù cho đường sá có xa xôi.
     Trong bài thơ có chi tiết  chàng (lúc nhỏ) lấy cành trúc làm ngựa  đến chạy quanh ghế nàng ngồi và ném những quả mơ xanh để chơi đùa (khi nàng đang hái hoa chơi trước sân). Sau này người ta dùng cụm từ “ Thanh mai trúc mã” để chỉ về đôi trai gái trời sinh có duyên nợ xứng đôi vừa lứa từ nhỏ.
        Tôi xin mạo muội dịch bài Trường Can Hành của Thi tiên Lý Bạch ra 3 thể thơ khác nhau là Ngũ ngôn, Lục bát và Song thất lục bát. Mong các bạn góp ý giúp đỡ..

     TRƯỜNG CAN HÀNH
       (Dịch thơ ngũ ngôn)

    Tóc nàng xõa chấm trán
    Trước sân hái hoa chơi
    Ngựa trúc chàng chạy tới
    Mơ xanh đùa ghế ngồi.
    Cùng ở xóm Trường Can
    Đôi trẻ còn trong sáng.
    Mười bốn thành vợ chồng
    Nàng xấu hổ thẹn thùng
    Quay mặt vào vách tối
    Mặc cho chàng vẫy gọi.
    Mười lăm mày ngài nở
    Thề cùng dù nghèo đói
    Ôm trụ giữ niềm tin
    Lên Vọng phu chờ đợi.
    Mười sáu chàng đi xa
    Chốn Diễm Dự, Cù Đường
    Tháng năm thuyền khó đến
    Vượn hú vọng bi thương.
    Dấu chân xưa còn đó
    Khắp lối phủ rêu xanh
    Rêu dày khó xóa sạch
    Gió thu lá tan tành.
    Tháng tám bươm bướm vàng
    Vườn tây từng đôi múa
    Thấy cảnh thiếp đau lòng
    Ngồi buồn hồng nhan úa.
    Về Tam Ba sớm muộn
    Chàng nhớ gởi thư nhà
    Dù xa xôi vẫn đón
    Thiếp tới Trường Phong Sa.

                       Ngô Văn Ánh


      TRƯỜNG CAN HÀNH 
           (Dịch thơ lục bát)

      Tóc em chấm trán xõa dài
Hái hoa trước cửa nắng mai vui đùa
      Ngựa trúc chàng đến bất ngờ
Vờn quanh ghế nhỏ ném đùa mơ xanh
      Trường Can xóm nhỏ yên bình
Ngây thơ hai trẻ vô tình hồn nhiên
      Tơ hồng, Nguyệt lão xe duyên
Tròn mười bồn tuổi đã nên vợ chồng
      Em còn xấu hổ, thẹn thùng
Quay vào vách tối mặc chồng gọi kêu.
      Mười lăm mày phượng mỹ miều
Nguyện dù nghèo khổ vẫn yêu trọn đời
      Một lòng ôm trụ giữ lời
Xin lên núi đá làm người vọng phu.
      Mười sáu xa cách tuyệt mù
Cù Đường, Diễm Dự biên khu việc chàng
      Tháng năm nước lớn khó sang
Vượn kêu ai oán đại ngàn vọng ra
      Dấu chân còn trước sân nhà
Bóng xưa phủ kín nhạt nhòa rêu xanh
      Quét rêu xóa hết sao đành
Gió thu thổi sớm tan tành lá rơi
      Bướm vàng tháng tám rợp trời
Từng đôi bay lượn chẳng rời vườn tây
      Cảnh như xé nát lòng nầy
Ngồi buồn gặm nhấm hao gầy tuổi xuân.
      Tam Ba về tới, phu quân
Phong thư xin báo tin mừng nhà hay
      Đường xa em cũng đi ngay
Trường Phong thẳng đến vui say đón chàng.

                                          Ngô Văn Ánh


           TRƯỜNG CAN HÀNH  
         (Dịch thơ song thất lục bát)

      Thuở ấu thơ tóc còn xõa trán
     Thiếp hái hoa nắng sớm trước sân
         Ngựa trúc, chàng phóng lại gần
  Đùa quanh ghế nhỏ ném chùm mơ xanh.
     Xóm Trường Can, yến oanh đôi trẻ
     Cùng thơ ngây có ngại ngùng chi
       Thiếp vừa mười bốn xuân thì
   Nên duyên chồng vợ biết gì phu thê.
      Thiếp xấu hổ, đêm về chung bóng
     Ngoãnh vào tường lóng ngóng làm ngơ
       Mặc cho chàng mãi gọi chờ
   Rèm mi run rẩy, hững hờ bờ vai. 
     Mười lăm tuổi, mày ngài  mắt phượng
     Nghĩa tào khang càng đượm càng sâu
       Nguyện cùng trọn kiếp ôm cầu
  Vọng phu núi đá dãi dầu cũng cam.
     Mười sáu tuổi, li tan đôi ngã
     Chốn biên khu vất vả riêng chàng
       Cù Đường, Diễm Dự quan san
   Tháng Năm, sông lớn nước tràn khó qua.
       Não trời xanh, xót xa vượn hú
     Trước hiên nhà xanh phủ đầy rêu
        Dấu xưa phai nhạt ít nhiều
   Ngậm ngùi cảnh cũ, phòng tiêu lạnh lùng.
      Tháng Tám sớm, thu phong lá đỏ
     Lũ bướm vàng vờn ngõ vườn tây
        Từng đôi bay lượn sum vầy
   Tủi thân thiếp sợ hao gầy tuổi xuân. 
      Đến Tam Ba, phu quân chàng hỡi
     Cánh nhạn hồng xin gởi nhà hay
         Dù xa, thiếp cũng đi ngay
   Trường Sa thẳng tới mừng ngày đoàn viên.

                                             Ngô Văn Ánh

READ MORE - NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỤM TỪ “THANH MAI TRÚC MÔ; DỊCH THƠ “TRƯỜNG CAN HÀNH” CỦA LÝ BẠCH - Ngô Văn Ánh

MỘT MÌNH CÀ PHÊ THÁNH - Thơ Châu Thạch


       
                                   Tác giả Châu Thạch
   
READ MORE - MỘT MÌNH CÀ PHÊ THÁNH - Thơ Châu Thạch

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ KỲ 20 - Nguyễn Ngọc Kiên


          
                       Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên


NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (KÌ  20)

(57) 闻鸡起舞 [Văn kê khởi vũ] (nghe tiếng gà gáy dậy múa kiếm) : chỉ những người có chí hướng, chăm chỉ rèn luyện , cố gắng sẽ làm được việc lớn.
Chữ
[văn] ở đây là chỉ nghe thấy. Còn chữ [vũ]là chỉ múa kiếm.
Thành ngữ này có xuất xứ như sau:
Tổ Địch là 1 người văn võ song toàn, tuy nhiên hồi nhỏ ông rất nghịch ngợm và bê trễ chuyện học hành. Khi ông lớn lên bấy giờ, trong nội bộ tầng lớp thống trị của triều Tấn xảy ra lục đục, thủ lĩnh các dân tộc thiểu số cũng nhân cơ hội này nổi loạn, khiến tình hình vương triều hết sức nguy ngập. Tổ Địch rất lo lắng trước việc này,ông cảm thấy kiến thức của ông là không đủ vàrằng ông không thể phục vụ đất nước tốt nếu không nghiên cứu nhiều hơn. Ông bắt đầu đọc rất nhiều, nghiêm túc nghiên cứu lịch sử mà từ đó ông đã hấp thụ kiến thức phong phú.
Sau đó ông cùng Lưu Côn- bạn thân của mình từ thưở nhỏ đều đc bổ nhiệm làm quan Bộ Tịch chuyên quản văn thư ở Tư Châu (Tức phía đông bắc Lạc Dương tỉnh Hà Nam ngày nay). Hai người rất tâm đầu ý hợp và đều mong muốn được cống hiến sức mình cho nhà nước. Họ ban ngày cùng làm việc với nhau, tối đến lại cùng ngủ một chỗ.
Một hôm vào lúc nửa đêm, tiếng gà gáy từ xa vọng lại làm Tổ Địch thức giấc, ông trở dậy lay gọi Lưu Côn và nói "Người ta bảo gà gáy vào lúc nửa đêm là điềm không lành, nhưng tôi không nghĩ vậy. Anh nghĩ sao nếu bây giờ chúng ta tỉnh dậy và luyện kiếm"
Lưu Côn đồng ý, bèn trở dậy mặc quần áo rồi cùng bước ra sân. Bấy giờ trên trời trăng sáng vằng vặc, hai người cùng rút kiếm múa với nhau cho tới khi trời sáng, quần áo đều ướt đẫm mồ hôi mới thu kiếm trở về phòng nghỉ.
Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, hai người không ngừng luyện kiếm và trau dồi tri thức. Sau này Tổ Địch và Lưu Côn đều là danh tướng triều đình.

(58) 金屋藏娇[Kim ốc tàng Kiều]: ( Để nói tới việc xây một nơi đẹp để cất giấu người đẹp.)
Câu này cũng có nghĩa là chỉ thứ đẹp lộng lẫy nhưng cô đơn, cô tịch.
金屋 [Kim ốc] : nhà làm bằng vàng
[tàng] : chứa
Thành ngữ này có xuất xứ từ truyện cổ:
Hán Vũ Đế có người hoàng hậu đầu tiên tên là Trần A Kiều. Bọn họ là thanh mai trúc mã cùng nhau lớn lên, Hán Vũ Đế đã hứa hẹn với chị họ của ngài rằng: nếu có một ngày ta cưới A Kiều làm vợ thì ta sẽ cho xây một tòa lầu cao bằng vàng thật to để nàng ở.Nhưng về sau vận mệnh của Trần hoàng hậu rất bi thảm, sau khi phu quân của nàng lên ngôi Hoàng Đế liền phế nàng lập Vệ Tử Phu lên làm Hoàng Hậu. Nàng bị đẩy đến Trường Môn Cung (lãnh cung Trường Môn) chờ đợi hắn trong đau khổ suốt hơn hai mươi năm trời, đến tận khi nàng chết, Hán Vũ Đế cũng không một lần đến thăm.

(59) 按圖索骥[Án Đồ sách kí]: (Để nói về người làm việc cứng nhắc , không linh hoạt.)
Thành ngữ này có xuất xứ như sau:
Thời Xuân Thu , Tôn Dương người nước Tần nổi tiếng là người xem tướng ngựa giỏi. Theo truyền thuyết, vì tâm nguyện mong muốn nhiều người biết tướng ngựa để ngựa thiên lý không bị mai một , và để bảo tồn tuyệt kỹ của mình , ông viết lại những hiểu biết và kinh nghiệm của mình thành cuốn "Tướng mã kinh". Trong sách,ông viết rõ từng đặc trưng của thiên lý mã , đồng thời vẽ rất nhiều để mọi người cùng tham khảo. Tôn Dương có một người con trai,tư chất kém cỏi , nhưng lại rất muốn kế thừa sự nghiệp của cha . Thế là anh ta đọc thuộc lòng cuốn sách do cha để lại . Anh ta cho rằng xem tướng ngựa rất dễ dàng,thế là muốn đi tìm thiên lý mã dựa vào những gì cha viết. Anh ta thấy trong "Tướng mã kinh"có viết :" Đặc trưng chủ yếu của thiên lý mã chính là gò não cao , mắt to, bắp đùi săn chắc" nên cầm theo sách , đi ra ngoài muốn thử nhãn lực . Anh ta tìm theo hình vẽ nhưng không hề có thu hoạch gì . Một hôm anh ta thấy ven đường có một động vật vừa đi vừa nhảy . Anh ta nghĩ " Con vật này rất giống với thiên lý mã trong sách , chỉ có điều nó hơi nhỏ , vế đùi cũng không to như vò rượu . Tuy nhiên không sao , thiên lý mã vẫn có điểm khác chứ ".Anh ta tốn rất nhiều sức mới bắt được con vật nhảy tưng tưng , đồng thời mang nó về nhà .Con trai vừa về nhà vui mừng nói với cha : " Cha xem , con tìm thấy một con thiên lý mã rồi .HÌnh dáng của nó rất giống với hình dáng trong sách, "tướng mã kinh" chỉ có điều hơi nhỏ hơn một chút , đùi cũng hơi kém ."
Tôn Dương thấy con trai cầm một con cóc vừa buồn cười vừa tức giận, không ngờ con trai mình lại ngốc đến thế ,bèn nói thầm : Đáng tiếc "ngựa "thích nhảy quá không thể kéo xe được , cũng không cưỡi nổi !". Tiếp đó ông thở dài : " Con ngốc à, đây là một con cóc chứ ngựa thiên lý gì . Con tìm ngựa theo sách như thế là không được , muốn học được cách xem tướng ngựa, con phải đi xem nhiều ,nuôi dưỡng nhiều ngựa thì mới có thể hiểu hơn về ngựa ". Con trai nghe lời của cha , vô cùng ân hận, từ đó đến quan sát ngựa trong chuồng rất kỹ .

 (Theo Wikipedea)

                                                          Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ KỲ 20 - Nguyễn Ngọc Kiên

LAN MAN VÀ CHUYỆN ĐÀN CỪU - Thơ Đặng Xuân Xuyến





LAN MAN VÀ CHUYỆN ĐÀN CỪU 
(Thân tặng anh Vũ Đình Ninh
Chủ nhiệm Website Văn Đàn Việt)

I.
Tôi đặt cược đời mình
Bằng nụ cười nhếch mép
Bằng vòm ngực lép kẹp
Bằng căn phòng mốc meo ướt nhép
Bằng cót két tiếng giường ọp ẹp
Bằng cả tiếng ngủ mơ chóp chép...
Tôi kỳ vọng quá nhiều!
Tôi đặt cược quá nhiều!
Hình như...

II.
Đàn cừu
Ngoài kia...

Con đầu đàn vừa bị hóa kiếp
Cả đàn chết khiếp
Lẩy bẩy
Chen đẩy
Vào chuồng
Ông chủ oang oang
Bà chủ nhẹ nhàng
Đàn cừu
Im lặng
Cúi xuống
Nhai...

Đống rơm trước mặt oải mùi.

Hà Nội, 19 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - LAN MAN VÀ CHUYỆN ĐÀN CỪU - Thơ Đặng Xuân Xuyến

CẢM TÁC TỪ BÀI THƠ "NĂM THÁNG MÙ SƯƠNG CỦA NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH - Thủy Điền



               Nhà thơ Phan Phụng Thạch


NĂM THÁNG MÙ SƯƠNG

Rồi các em mỗi người đi mỗi ngã
Giữa những ngày đầy lửa đạn quê hương
Thầy đứng đó từ đầu thu - cuối hạ
Mỏi mắt nhìn sách vở cũ tang thương.

Rồi những mùa thu - mùa thu lá rụng
Thầy bâng khuâng trong từng buổi tựu trường
Một ngày kia quê hương ngừng tiếng súng
Còn em nào trở lại tự muôn phương?

Hay tất cả sẽ cùng nhau nằm xuống
Sẽ cùng nhau thành tiếng núi lời sông
Thầy đứng đó nghe tâm hồn biển động
Những buồn thương như sóng cả mênh mông

Thầy đứng đó giữa cuộc đời góc cạnh
Nhớ ngày xưa hoa bướm lạ thiên đường
Thương các em chưa đầy lông đầy cánh
Bay vào đời trong năm- tháng mù sương

                              Phan Phụng Thạch





CẢM TÁC TỪ BÀI THƠ 
"NĂM THÁNG MÙ SƯƠNG" 
CỦA NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH

Tình cờ đọc được bài thơ của cố Nhà giáo, Nhà Thơ Phan Phụng Thạch ở trang Sài Môn Thi Đàn trưa nay 18-05-2017 tự dưng lòng dâng lên một nỗi buồn vô hạn và cảm thương một người thầy (Dù giờ đã đi xa) đã ví những học trò của mình như là những đứa con trong gia đình không hơn, không kém. Bài thơ tuy rất là đơn sơ, mộc mạc. Đặc biệt nó đã diễn tả hết sự thương yêu, gắn bó với nhau dưới mái trường qua những năm dài. Thiết nghĩ, chúng ta ai ai cũng có một thời học sinh dù khoảng ấy ngắn hay dài mà thôi. Như khi nghe những lời nói chân thành của người thầy mình hẳn nhiên đều xúc động cả. Biết, làm trai giữa thời tao loạn là bổn phận mỗi người công dân là phải lên đường giữ gìn non sông, đất nước. Nhưng ở đây lòng thầy nhìn các em đi mà cứ mãi lo lo. Sợ, ông luôn lo sợ là đúng. Bởi, những đứa em của mình còn quá trẻ, non dại, đang bước vào đời chập chững như những con chim chưa đủ lông, đủ cánh sẽ dễ gặp những điều mà người ta không lường trước được, thật là đáng tiếc.

Vì không phải là nhà bình luận thơ, nhưng khi đọc thấy bài thơ hay, cảm xúc tôi thường hay đáp lại bằng tấm chân tình như phụ họa thêm với những ý nghĩ riêng của mình, hầu góp phần cho nội dung bài thơ ấy được nổi bật hơn. Dẫu những lời đóng góp nầy còn vụng về. Tôi nghĩ dưới mộ sâu chẳng thầy nào hẹp hòi cả.


LÒNG THẦY

Thầy: Như cha. Thốt ra! Não ruột
Giữa quê hương khói lửa chiến tranh
Nhìn trò đi mà dạ không đành
Cứ liên tưởng kẻ còn, người mất

Đứng giữa sân lòng thầy chất ngất
Nhìn hai mùa thu, hạ đi qua
Nhìn bảng xanh phấn họa nhạt nhòa
Thương bóng trẻ ngoài kia tiếng súng

Các em đi lòng thầy bủn rủn
Mỗi tựu trường nước mắt tràn dâng
Ngày trở về còn mấy người thân?
Trong hiu quạnh nỗi buồn canh cánh

Thương các em còn non lông, cánh
Bay vào đời thiếu vắng thầy, cô.

                             Thủy Điền
                            18-05-2017

READ MORE - CẢM TÁC TỪ BÀI THƠ "NĂM THÁNG MÙ SƯƠNG CỦA NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH - Thủy Điền

DẠ KHÚC BUỒN - Thơ Nhật Quang





DẠ KHÚC BUỒN

Lơi rơi cánh lá úa mềm
Nhạt phai chút nắng bên thềm hắt hiu
Vội vàng núi chặt hương yêu
Gió nghiêng ngả gió xô chiều đi hoang

Giọt buồn rơi chạm mênh mang
Chơ vơ lối mộng...miên man gập ghềnh
Đường tình trượt gót chông chênh
Lấm lem em bước lênh đênh mịt mờ

Chập chờn trong mộng hoang mơ...
Phòng côi một trái tim hờ...lặng câm
Đêm ngu ngơ - bóng âm thầm
Mắt mòn mỏi đợi đêm trầm lệ rơi.

                              Nhật Quang
                               (Sài Gòn)

READ MORE - DẠ KHÚC BUỒN - Thơ Nhật Quang