Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 21, 2022

HẾT CÓ RỒI TỚI KHÔNG, HỌC VỚI HÀNH, HOA – Thơ Chu Vương Miện



 
HẾT CÓ RỒI TỚI KHÔNG
 
hết không rồi tới có
người dìu dặt bướm ong
người hai tay một xó
có dễ thì có khó
có mưa thì có dông
 
nói là bạc im là vàng
vàng giả
thiếu cà ra
nói rất là mất đoàn kết
im lặng tốt hơn hết
câm là vàng tốt
nói toạc móng heo
là thèo lèo cứt chuột
vàng giả vàng mã
chưa được tốt
 
 
HỌC VỚI HÀNH
 
quan với lính
bình với loạn
liền vào nhau
như đèn kéo quân
lúc tiền
lúc không
lúc com lê cà vạt
lúc cởi trần
 
đi loanh quanh khắp địa cầu
từ làng xóm đến phố phường
qua đầm qua chuôm
qua băng sơn, biển chết
trở lại thảo nguyên
trái đất chỉ có thế?
chốn nào địa ngục?
thiên đàng?
 
 
HOA
 
1000 năm đất nước người Tàu
1 ngàn tiểu quốc Đông Châu uýnh hoài
nhà Ngô đánh với nhà Khoai
nhà Trâu nhà Quắc dài dài uýnh nhau
đánh luôn xóa nước cụ Khâu
bây giờ nước Lỗ vào sâu nước Tề
tướng quân có Bách Lý Hề
tài cao ngang bộ da dê rẻ tiền
có tiên mua được cả tiền
không vàng mua được cái xiềng cột chân
chuyển qua Chiến Quốc Đại Tần
con người con thú lần lần giống nhau
 
Chu Vương Miện
 
READ MORE - HẾT CÓ RỒI TỚI KHÔNG, HỌC VỚI HÀNH, HOA – Thơ Chu Vương Miện

QUẺ DỊCH: CÁCH LẬP & GIẢI ĐOÁN - Nguyên Lạc giới thiệu sách



 
[TRÍCH ĐOẠN TỪ SÁCH]
 
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Phần thứ nhất:
 
NHẬP MÔN KINH DỊCH/ ĐẠI CƯƠNG VỀ QUẺ DỊCH
 
I. Kinh Dịch
II. Thuật ngữ cần nhớ
III. Ý nghĩa các hào
IV. Quy tắc cần nhớ
 
Phần thứ hai: BÓI QUẺ DỊCH
 
I. Nghi thức bói và luật cảm ứng
II. Các phương pháp lập quẻ Dịch
III. Giải đoán quẻ
 
Phần thứ ba: PHỤ CHÚ
 
I. Phương pháp lập quẻ bằng thẻ tre
II. Bấm độn
 
Phần thứ tư: ÔN TẬP
 
I. Nước Việt của Câu Tiễn
II. Lập quẻ Dịch
III. Giải quẻ
IV. Chuyển đổi quẻ
 
LỜI KẾT
 
Lời nói đầu:
 
Bói Dịch không phải là mê tín, nó là khoa học. Có thể gọi là khoa học huyền bí. Vì vậy, Tiến sĩ Phân tâm học C.G. Jung (ông cùng với S. Freud là một trong những thủy tổ của khoa Phân Tâm Học, nghiên cứu về tiềm thức của loài người) năm 1949 đã dùng bói Dịch để biết việc quảng bá và giới thiệu Dịch (I Ching) từ tiếng Đức sang tiếng Anh có được thuận lợi hay không?. Bói được rất tốt, ông tiến hành và Dịch đã trở thành kinh điển cho các học giả và các trường đại học Tây Phương học hỏi.
 
Có 2 lý do để tôi viết tiểu luận này:
 
1/ Chúng ta chỉ sợ những gì mình không hiểu: Thí dụ như sợ Ma, vì chúng ta không biết rõ Ma là gì?. Nếu biết thì sẽ không sợ. Cũng vậy, chúng ta sợ chết, vì không biết chết ra sao, sau khi chết như thế nào?. Nếu chúng ta biết rõ thì chắc chúng ta cũng sẽ không sợ. Đó là lý do Phật giáo khuyên chúng ta nên tìm hiểu về sự chết (Tử)
Tôi viết tiểu luận này mong độc giả tìm hiểu rõ về Bói Dịch, không sợ nó nữa, để các ông thầy Bói toán, Phong thủy (giả), vì tư lợi, không còn “hù” ta được nữa. Bói Dịch mà vì tư lợi sẽ không bao giờ linh ứng.
 
2/ Kinh Dịch là 1 trong 5 Kinh chính của triết lý Đông Phương. Các nhà trí thức (Nho gia) xưa phải lào thông nó mới có thể đi thi. Điều đó chứng tỏ nó rất quan trọng. Bói Dịch rất khó hiểu đối với các người trẻ, người mới bắt đầu. Ngay cả sách được cho là kinh điển của cụ Ngô Tất Tố, phần giải thích về bói cũng rất khó hiểu. Tôi mong làm nó đơn giản hơn, dễ hiểu hơn để giúp các bạn trẻ, ai muốn tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn, hầu mong giữ gìn những quý giá của ông cha không bị mai một!
 
Lại nữa, ý của Dịch cho rằng: con người tự mình vẫn có thể sửa đổi được số mạng của mình một phần nào; thế thì tại sao chúng ta không tự tìm hiểu, tự bói quẻ tìm phương thức đối ứng, mà phải nhờ người khác làm thay cho mình? Biết chắc họ thật sự là bậc thức giả không? Ở đời, biết đâu hư biết đâu thực, biết đâu chân biết đâu giả.
 
PHẦN THỨ NHẤT
 
NHẬP MÔN KINH DỊCH
ĐẠI CƯƠNG VỀ QUẺ DỊCH
 
I. KINH DỊCH
 
Kinh Dịch là một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung quốc, sau Kinh Thi và Kinh Thư, nhưng nguồn gốc của nó (tức bát quái) thì có thể sớm hơn, vào cuối đời Ân, khoảng 1.200 năm trước Tây Lịch.
Nó không do một người viết, mà do nhiều người góp sức trong một ngàn năm, từ Văn Vương nhà Chu mãi đến đầu đời Tây Hán.
Điều kỳ dị nhất của Dịch là nó chỉ dựng trên thuyết âm dương, trên một vạch liền ____ tượng trưng cho dương, một vạch đứt __ __ tượng trưng cho âm. Hai vạch đó chồng lên nhau, đổi lẫn cho nhau nhiều lần thành ra tám hình bát quái, rồi tám hình bát quái này lại chồng lẫn lên nhau thành sáu mươi bốn hình mới: Lục thập tứ quái.
Dùng sáu mươi bốn hình này người ta sẽ diễn giải được tất cả các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh. Từ những hiện tượng trên trời dưới đất, những luật thiên nhiên cho tới những công việc thường ngày như trị nước, ra quân, trị nhà, cưới hỏi, ăn uống, xử thế…
— Mới đầu chỉ có lưỡng nghi: dương (vạch liền: ___ ) và âm (vạch đứt: _ _ )
— Bên dương, nếu lấy dương chồng lên dương, rồi lấy âm chồng lên dương, chúng ta sẽ được hai hình tượng:
– (vạch dương/ vạch dương): thái dương
– (vạch âm/ vạch dương): thiếu dương
Bên âm cũng vậy, nếu lấy âm chồng lên âm, rồi lấy dương chồng lên âm, chúng ta sẽ được hai hình tượng nữa:
– (vạch âm/ vạch âm): thái âm
– (vạch dương/ vạch âm): thiếu âm
Như vậy được bốn hình tượng, gọi là tứ tượng.
Tứ tượng có tên: Thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm
— Sau cùng, lấy dương lần lượt chồng lên cả bốn hình trên, chúng ta sẽ được 4 hình:
Ly (Li), Càn (Kiền), Tốn, Cấn.
Rồi lấy âm lần lượt chồng lên cũng cả bốn hình đó, chúng ta sẽ được thêm 4 hình nữa:
Chấn, Ðoài (Đoái), Khảm, Khôn.
 
Như vậy được hết thảy 8 hình gọi là bát quái (tám quẻ). Mỗi quẻ có 3 vạch (gọi là 3 hào), xuất hiện lần lần từ dưới lên trên. Cho nên khi gọi tên hào, khi đóan quẻ, phải đếm và xét từ dưới lên trên: Hào dưới (cũng là hào 1), rồi lên hào 2, hào 3…
 
[HẾT TRÍCH]
 
Đọc toàn bộ sách hoặc Download xin theo links dẫn dưới đây:

https://t-van.net/nguyen-lac-que-dich-tieu-luan/

Hoặc:

https://nguyenlac.wordpress.com/2022/11/18/nguyen-lac-que-dich-cach-lap-giai-doan/

...............
 
PHỤ CHÚ
 
@ Về Bác sĩ Nhân Tử NGUYỄN VĂN THỌ (1921-2014)
Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ sinh ngày 15 tháng 12 năm 1921 tại Chi Long, Hà Nam, Bắc Việt. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1952. Phục vụ ngành Quân Y từ năm 1952 đến năm 1965 với cấp bậc Thiếu Tá và giữ chức vụ Chỉ huy Tổng Y Viện Duy Tân (Đà Nẵng) từ năm 1956 đến 1963. Từ năm 1967 cho đến 1975, Bác sĩ là Giáo sư trường Đại học Saigon và Minh Đức (Saigon), phân khoa Văn Khoa: dạy Triết Học Đông Phương, đặc biệt có giảng dạy thêm về Kinh Dịch. Năm 1960 tác giả được trao giải thưởng văn chương Tinh Việt Văn Đoàn qua tác phẩm Trung Dung Tân Khảo.
Năm 1982 Bác sĩ cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ và lấy bằng Bác Sĩ Y Khoa tương đương tại Hoa Kỳ vào năm 1983. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ từng là cộng tác viên của nhiều nguyệt san tại Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc và đã hoàn tất 18 tác phẩm với khoảng 7000 trang về hai đề tài chính là Triết Học Đông Phương và Tôn Giáo Đối Chiếu (Khổng Học Tinh Hoa, Chân Dung Khổng Tử, Dịch Kinh Đại Toàn, Phật Học Chỉ Nam, Lão Trang Giản Lược, Đạo Đức Kinh Đường Vào Triết Học Và Đạo Học v.v…)
Lúc ở California thập niên 1980, bác sĩ Thọ có mở lớp dạy Kinh Dịch miễn phí vào cuối tuần tại chùa Việt Nam (12292 Magnolia St, Garden Grove, CA 92641). Lớp dạy phải giải tán vì bác sĩ Thọ bị tai biến mạch máu não năm 1989.
Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ tạ thế ngày 07 tháng 01 năm 2014 tại Issaquah, WA, USA, hưởng thọ 93 tuổi.

Link trang web BS Nhân tử Nguyễn Văn Thọ

– Văn hóa Đông phương (Có bộ sách Dịch Kinh đại toàn E – Book)

    http://nhantu.net/
 
                                                               Nguyên Lạc
 
READ MORE - QUẺ DỊCH: CÁCH LẬP & GIẢI ĐOÁN - Nguyên Lạc giới thiệu sách

NỖI NHỚ ĐẦU NGÀY, NGỦ ĐI MÙA HẠ CŨ, MẮT PHẬT, MỘT SỚM MAI, TỰ CẢM – Thơ Tịnh Bình


 
         Nhà thơ Tịnh Bình

 
NỖI NHỚ ĐẦU NGÀY
 
Không còn tiếng chim mềm mại trên dây thép gai
Lũ ong bỏ quên chiếc tổ trống hoác
Nỗi nhớ đầu ngày
Bông hoa kia nói gì sao em không còn nghe thấy
 
Vẫn hương cà phê quen thuộc
Tự lặp lại mình
Giai điệu của nắng và mưa
Sự bình yên đến lúc chẳng thể cứu rỗi
 
Mùa thu chẳng còn đứng đợi
Và cơn gió rủ những chiếc lá bay đi
Tự lúc nào mắt hoàng hôn hoe đỏ
Đối diện mình trống vắng những buồn vui
 
Những bước chân mùa thu xa dần
Nép mình vào ngực tối
Những bông hoa chỉ lặng yên nở
Còn đâu đó nồng nàn
Trong tiếng thở của mùa đông...
 
 
NGỦ ĐI MÙA HẠ CŨ
 
Ngủ đi mùa hạ cũ
Hoa trên cây cháy lòng
Con ve sầu chết rũ
Trên mộ tình mùa đông
 
Ngủ đi mùa hạ cũ
Mưa chấp chới bên trời
Giọt trầm lăn khung cửa
Ướt lên chiều chơi vơi
 
Ngủ đi mùa hạ cũ
Nghe phượng xưa cúi đầu
Xác bướm khô trên giấy
Tóc ngắn giờ về đâu?
 
Ngủ đi mùa hạ cũ
Vời trông theo heo may
Sắt se gầy lối phố
Lá vàng thôi bay bay
 
Ngủ đi mùa hạ cũ
Đã từng cơn bể dâu
Ngày xưa thôi nhớ nữa
Hạ bây giờ tìm đâu...?
 
 
MẮT PHẬT
 
Quên rồi lời gió nhắn mây
Bông hoa quên nở
mặc ngày trời lên
 
Nổi chìm bao cuộc lênh đênh
Chân chai đá cứng
giọt mềm mặn môi
 
Một màu hoa nở riêng thôi
Dưới thềm rêu phủ
lên ngôi nỗi buồn
 
Hồn thiêng chuông nguyện lời chuông
Chơ vơ khói lạnh
làn hương vô hình
 
Rụng bông hoa đại im thinh
Từ bi mắt Phật
cúi nhìn nhân tâm
 
Lưng chừng tàn cuộc trăm năm
Trăng xanh vời vợi
mảnh rằm treo nghiêng...
 
 
MỘT SỚM MAI
 
Một sớm mai nào rộn tiếng chim
Lướt ngang hiên mộng vụt qua thềm
Lả lơi cánh bướm chừng say đắm
Môi hoa hàm tiếu đọng hương đêm
 
Ta với mình ta riêng góc trời
Hoàng hôn khuất bóng lặng chơi vơi
Nâng chén trà khuya mời trăng lạnh
Hàn huyên khúc gió ghé qua chơi
 
Đã nhạt duyên xưa thôi từ độ
Một khúc bi ca điệu tình hoài
Ai chờ ai nữa mùa sương khói
Huyễn hoặc thu vàng thả tàn phai
 
Chân trời xa vắng mờ lau bạc
Tìm lối quê xưa mây trắng miền
Hoa bướm còn chi niềm lưu luyến
Ai hay muôn sự thả tùy duyên...
 
 
TỰ CẢM
 
Lặng im bên hồ cũ
Mây trắng tạm dừng chân
Về đâu bóng chim trời
Nước xanh nào lưu dấu
 
Hình như trong nắng biếc
Giọt sương tan khẽ khàng
Chiếc lá hình tim khóc
Hay là gió đa mang?
 
Mùa xây đời mộng ảo
Cõi lòng tràn tơ vương
Chiêm bao ai vừa thức
Mỉm cười nhìn khói sương
 
Còn bao nhiêu năm nữa
Mưa nắng đã xanh chồi
Còn bao nhiêu năm nữa
Tôi không còn thấy tôi...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - NỖI NHỚ ĐẦU NGÀY, NGỦ ĐI MÙA HẠ CŨ, MẮT PHẬT, MỘT SỚM MAI, TỰ CẢM – Thơ Tịnh Bình

MỖI NGƯỜI LÀ MỘT SỐ PHẬN – Thơ Vĩnh Thuyên


 
             Nhà thơ Vĩnh Thuyên

 
MỖI NGƯỜI LÀ MỘT SỐ PHẬN
 
 
Hong kong mưa hoài không dứt
Việt Nam mình mưa dứt chưa em
Mưa mỗi nơi nỗi niềm mỗi ngã
Vui cũng nhiều buồn chẳng ít đâu
 
Trên chuyến tàu xuyên suốt màn đêm
14 tiếng bay mặt trời đang trốn ngủ
Hơn 500 người là bao trăm mảnh đời ghép lại
Dong ruổi giữa trời, vật vã bay đêm
 
Ai cũng có ngày mai
Chỉ thương con tàu như người Mẹ oằn vai chở nặng
Không một lời thở than
Mẹ cho con tương lai
Con tàu chở ngày mai đi-đến
 
Và đêm nay
Cùng chuyến bay đêm
Tiếng con tàu ru êm như lời dặn dò của mẹ
Trong giấc ngủ gà, ngủ gật
 Luôn ươm đầy mong ước…
 
Sớm mai khi mặt trời thức dậy
Khi mùa xuân kịp về
Mỗi người là một số phận
 
                          Vĩnh Thuyên

(Viết trên chuyến bay đêm từ Vancouver về Hong kong)
 
*

Tên thật: Dương Văn Thạnh
Điện thoại: 0913955375
Đ/c: Số 2 Đ57 Phạm Hùng Long Thới, P. Long Thành Trung, 
Thị xã Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh.

READ MORE - MỖI NGƯỜI LÀ MỘT SỐ PHẬN – Thơ Vĩnh Thuyên

CÓ MỘT CHIỀU NẮNG HẮT - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Có một chiều nắng hắt

 

Cỏ xuân thì, dưới lưng người thiếu nữ

Êm như tơ, biêng biêc sắc hoàng hôn

Bàn tay ngọc đang thật thà níu giữ

Một mùa xuân trôi, đẫm mộng ngập hồn 

                        *

Con Bìm bịp gọi chiều, thương quá đỗi

Bóng ngày đi, nghiêng sắc nắng chiều rơi

Có một gã đang ngồi bên bó gối

Đăm đắm xa xăm, ngắm ánh mây trôi

                        *

Chợt nắm lấy bàn tay đương bổi hổi

Đưa môi hôn, lặng lẽ phút giao mùa

Kìa đôi mắt, dưng nhìn nhau trân trối

Có điều gì đâu, như muốn phân bua

                        *

Ngọn cỏ rung rung, trời không quẩn gió

Đôi môi người đang khe khẽ đắn đo

Lời chưa nói mà dường như buông bỏ

Dùng dằng rơi, tím thẫm một hẹn hò

                        *

Vạt cỏ mềm, in dấu chiều nắng hắt

Khoảng không gian mờ, nắm bắt trong tay

Run run hờ, chếnh choáng say

Đường trăm ngã, mộng vun đầy mắt ai

 


Con sâu vẽ bùa 

 

Có con sâu vẽ bùa

Vẽ lời yêu trên lá

Sợi nắng vàng óng ả

Chờn vờn như phân bua

              *

Quay ngang mắt, tò mò

Hồn nhiên cười tươi trẻ

Cầm lá rung nhè nhẹ

Đoán chữ, rồi đắn đo ...

             *

Loằng ngoằng điều xa xôi

Loang mờ cong bìa lá

Chợt xót lòng trở dạ

Theo chiều chầm chậm trôi

             *

Thoảng gió ngang lưng đồi

Chìm xa trên đường vắng

Êm trong chiều phẳng lặng

Một bóng người đơn côi

             *

Ngút mắt cuối tầm nhìn

Người đi, lời vương mãi

Hương ngày còn đọng lại

Đợi nắng mùa loang tin …

 


Vợ vắng nhà, anh vào bếp nấu ăn


Đồ làm sẵn, sao cứ lóng nga lóng ngóng

Quên thứ này, thứ nọ nêm nếm lăng xăng


Mới hay đâu là nước sôi lữa bỏng

Dẫu đã biết, đầu bếp nhà hàng hầu hết là đàn ông

Sao nỗi nhớ cứ loay hoay, anh như kẻ lên đồng



Bóng ngày chầm chậm bên bờ lá


Khép lại hoàng hôn, tím mờ chân mây

Em bên đó, ngõ đi về xa lạ


Nhớ thương nào đã tuột mối sút dây

Hương ngày cũ trôi mảnh đời bươn bả

Một chút tình xưa, nghe váng vất hao gầy…


Lê Thanh Hùng

   Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - CÓ MỘT CHIỀU NẮNG HẮT - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

KHÚC KHÓC THƯƠNG CON - Thơ Phạm Ngọc Thái

 



KHÚC KHÓC THƯƠNG CON

 
                               Con - Phạm Ngọc Bảo
                             ( 7.3.1992 - 22.7.2019 )
 
Con đi... để lại lòng u uất
Với một trời thương xót trong cha
27 năm ròng chăm bẵm con thơ
Gặp mối họa đời, chia đôi phụ tử.
 
Đường nhân thế, con ơi! Cha gần xuống lỗ
Con mùa xuân nở rộ như hoa
Sao thượng đế không nổi cơn lôi đình
                                         mà giết chết ta?
Để cho con tôi được bước đường thiên lý...
 
Nỗi lòng già ngày đêm vò xé
Cố làm nốt chút việc trần gian
Rồi đến với con trên tận thiên đàng
Cha con lại quấn bên nhau như mây gió
 
Mai hậu thế chắc sẽ cho cha một ngôi miếu nhỏ
Hãy đưa con tôi vào trong đó hưởng khói hương
Nó trong lành như ngọn cỏ, giọt sương
Là bảo vật của đời tôi nơi kiếp sống
 
Xin để lại dương trần, một trời thơ làm dấu ấn
Rằng, cõi vô thường tôi đã đi qua
Hạnh phúc, khổ đau, tươi đẹp, phong ba
Đều nếm trải tới tận cùng phận số
 
Chút hơi tàn lắt lay trước gió
Phải ôm vào lòng một nỗi thương tâm
Món nợ nghiệp đời, tôi đã trả xong
Trút vào đứa con ngoan, Đức Phật ơi sao nỡ?
 
Thôi thì... chắp tay vái mong trời phù hộ
Ván bài cuối cùng tôi đã bầy lên
Nay dẫu đi !... Còn những người thân
Đang trôi nổi bến bờ, vương vất
 
Vì tham vọng đường văn chương quá mức
Làm khổ lây bao thân phận sống bên tôi
Sự nghiệp riêng đã mỹ mãn cuộc đời
Xin chút lãi từ ván cờ người,
                      để an lòng nhắm mắt...
 
Cha con tôi lại dạt bay trời, đất
Nghe dưới trần vẫn nhắc vọng ca thi
Đến thiên thu truyền kể chuyện hôm ni
Đọc "khúc khóc thương con", xin thắp vòng nhang khói.
 
                                      Hà Nội, Đêm viện E
                                             16.11.2022
                                                  PNT.
READ MORE - KHÚC KHÓC THƯƠNG CON - Thơ Phạm Ngọc Thái

Chùm ảnh BÔNG BỤP ĐỎ - Chu Vương Miện

 









READ MORE - Chùm ảnh BÔNG BỤP ĐỎ - Chu Vương Miện