Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 22, 2017

CHÚC MỪNG NĂM MỚI - Thơ Sĩ Chương





CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Chúc mừng các bạn tết đoàn viên
Năm mới hào bao có lắm tiền
Rủng rỉnh tạo nhà mua xế hộp
Rong chơi thơ phú với nàng tiên

Chúc phúc tình xuân khắp mọi nhà
Hồng ân đến với mẹ cùng cha
Tiền tài lộc phước như đông hải
Nam sơn thọ hưởng tợ ông bà

Hoa đào khoe sắc với nàng mai
Nắng mới loang thơm níu gót hài
Lững thững nàng thơ tìm hái lộc
Tay ngà nhẹ vuốt tóc ngang vai

Năm mới chúc mừng thêm tuổi mới
Sang năm lộc vượng phát thêm tài

                             Sĩ Chương  
                            22/01/2017

READ MORE - CHÚC MỪNG NĂM MỚI - Thơ Sĩ Chương

GIAI THOẠI VỀ BÀI THƠ "PHONG KIỀU DẠ BẠC" CỦA TRƯƠNG KẾ - Nguyễn Ngọc Kiên tóm lược


              

GIAI THOẠI VỀ BÀI THƠ "PHONG KIỀU DẠ BẠC" CỦA TRƯƠNG KẾ
                                       Nguyễn Ngọc Kiên tóm lược

“Phong Kiều dạ bạc” (楓橋夜泊) là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế (张继), tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756-  đời vua Đường Túc Tông. Trương Kế tự là Ý Tôn, từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự..., đặc biệt rất thích làm thơ. Thơ của ông trong “Toàn Đường thi” có chép thành một quyển, nhưng chỉ một bài “Phong Kiều dạ bạc” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, chỉ với nó ông đã được liệt vào hàng “đại gia” và đã giúp ông lưu danh thiên cổ. Nguyên tác:
滿 天,
眠。
寺,

Phiên âm:
(Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hà San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.)
Dịch nghĩa:
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
Hàng cây phong và bếp lửa thuyền chài cùng trong một giấc ngủ buồn
Chùa Hà San bên ngoài thành Cô Tô
Nửa đêm bỗng nghe tiếng chuông chùa vọng đến thuyền ai.
Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh thường được cho là của Tản Đà:
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Bản dịch của Trần Trọng San:
Trăng tà, tiếng quạ vẳng sương rơi,
Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài.
Ngoài lũy Cô Tô, chùa vắng vẻ,
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.


Bài thơ Phong Kiều dạ bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn San để cho người đời sau qua đây chiêm ngưỡng.

Theo giáo sư Kiều Thu Hoạch, “trong lịch sử văn học thật hiếm có trường hợp như bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, chẳng những chỉ gây xôn xao dư luận ở nước Nam ta, mà cũng từng gây xôn xao dư luận cả ngàn đời nay tại chính nơi nó sinh ra.”

Người đời cho rằng, nửa đêm không làm gì có tiếng chuông chùa nên mới có giai thoại về sự ra đời của “Phong Kiều dạ bạc” như sau:

Hàn San Tự là một ngôi chùa nhỏ nằm ở bên ngoài thành Cô Tô, thuộc Ngô huyện (Tô Châu), tỉnh Giang Tô Trung Quốc, cách Phong Kiều 10 dặm về phía Tây. Trương Kế sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình. Đêm ấy đậu thuyền ở bến Phong Kiều, thấy cảnh trăng tà, ông tức cảnh ngâm:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Ngâm xong, ông “tắc tị” không tìm được tứ nữa nên trằn trọc không thể nào ngủ được. Khi đó ngoài thành Cô Tô, sư cụ chùa Hàn San cũng tức cảnh trăng non, liền bật ra tứ thơ:



(Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung)
Dịch nghĩa:
Mồng ba, mồng bốn, mặt trăng mờ mờ,
Nửa như móc bạc, nửa tựa cái cung
Nhưng sư cụ cũng hết tứ không sao nghĩ tiếp được nữa nên cứ trằn trọc, cũng không sao ngủ được. Chú tiểu hầu bên cạnh mới hỏi duyên cớ. Sư cụ mới kể lại nỗi khổ tâm của mình, chú tiểu bèn xin phép sư cụ xin được tiếp nối để hoàn chỉnh bài thơ:

分两

(Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.)

Dịch nghĩa:
Một chiếc bình ngọc chia làm hai mảnh,
Nửa chìm đáy nước nửa nổi trên trời.

Toàn bài ghép lại là:

分两

(Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.)

Bản dịch của Trần Trọng San:
Mồng ba mồng bốn trăng mờ,
Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời.
Một bình ngọc trắng chia hai,
Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không.

Bản dịch khuyết danh:

Đêm nay đầu tháng trăng mờ

Nửa như móc bạc, nửa ngờ vành cung

Hồ xanh ai xẻ đôi vừng

Nửa chìm đáy nước nửa lồng chân mây

Sư cụ nghe xong khen hay và bảo chú tiểu lên lầu gióng một hồi đại hồng chung để cám tạ ơn Trời Phật đã ban hai thầy trò làm được một bài thơ hay. Thành Cô Tô đêm ấy bỗng nhiên nghe thấy tiếng chuông lúc nửa đêm.

Đúng lúc đó trong chiếc thuyền ở bến Phong Kiều tiếng chuông vọng đến, Trương Kế kết thúc bài thơ của mình như sau:


寺,
 


(Cô Tô thành ngoại Hà San tự
Dạ bán chung thanh đáo khác thuyền.)

Dù sao giai thoại cũng chỉ là giai thoại. Có giả thuyết cho rằng, sự thực thì “nguyệt lạc” (trăng lặn) đã là lúc về sáng rồi. Tác giả đi nằm lúc nửa đêm cứ  mơ màng cho đến khi chợt tỉnh và bị ảo tưởng về thời gian nên cho là mới có nửa đêm.

Nhà thơ Âu Dương Tu đời Tống cho rằng, “Trương Kế vì mê câu văn hay đã làm cho ý văn không được thông; đó là ngữ bệnh (tì vết trong câu văn) vậy.

Nhưng chúng ta cũng không nên bới lông tìm vết làm gì”.



CHÙA HÀN SAN VỚI BÀI THƠ NỔI TIẾNG CỦA
TRƯƠNG KẾ KHẮC VÀO ĐÁ

READ MORE - GIAI THOẠI VỀ BÀI THƠ "PHONG KIỀU DẠ BẠC" CỦA TRƯƠNG KẾ - Nguyễn Ngọc Kiên tóm lược

NGÀY XUÂN VỚI "MƯA XUÂN" CỦA NGUYỄN BÍNH - Bình thơ của Hoàng Yên Lynh




 MƯA XUÂN               

 Em là con gái trong khung cửi
 Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
 Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
 Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

 Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
 Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
 Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
 Mẹ bảo:“Thôn Đoài hát tối nay”.

 Lòng thấy giăng tơ một mối tình
 Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
 Hình như hai má em bừng đỏ
 Có lẽ là em nghĩ tới anh…

 Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
 Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
 Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
 Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

 Em xin phép mẹ,vội vàng đi
 Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
 Mưa bụi nên em không ướt áo,
 Thôn Đoài cách có một thôi đê.

 Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
 Em mải tìm anh chả thiết xem
 Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
 Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

 Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
 Thế mà hôm nọ hát bên làng
 Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
 Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

 Mình em lầm lũi trên đường về
 Có ngắn gì đâu một dải đê
 Áo mỏng che đầu,mưa nặng hạt
 Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

 Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
 Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
 Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
 Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.

 Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
 Bao giờ em mới gặp anh đây?
 Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
 Để mẹ em rằng : hát tối nay?

                            Nguyễn Bính

             
NGÀY XUÂN VỚI "MƯA XUÂN" CỦA NGUYỄN BÍNH
                                                                       Hoàng Yên Lynh 

     
              Hoàng Yên Lynh


Nỗi nhớ của con người thường gắn liền với hình ảnh, sự kiện hay cái duyên cớ nào đó... Mỗi khi mùa xuân đến, không chỉ là niềm vui, háo hức đón chờ nắng ấm xuân sang mà với tôi còn là nỗi lòng, là hình ảnh của bao mùa xuân đã đi qua trong đời mình...Và những lúc bồi hồi với xuân xưa, tôi lại nhớ,đọc lại bài thơ Mưa Xuân của Nguyễn Bính.
Nhắc đến cố thi sĩ Nguyễn Bính, chúng ta vẫn nghĩ đến những vần thơ lục bát bình dị, gần gũi và những áng thơ tình rất mực chân quê "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn..." Với Mưa Xuân lại là một chuyện tình có hồi đoạn, là những trăn trở của cô gái quê khi mùa xuân đã chạm ngõ là nỗi tủi phận tủi duyên, là nỗi sầu nhân thế. Nhà thơ đã khéo léo trình bày hình ảnh của người con gái, cuộc sống với tâm hồn ngây thơ như mảnh lụa trắng.

            Em là con gái trong khung cửi
            Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
            Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
            Mẹ già chưa bán chợ làng xa.           

Chỉ vậy thôi, Nguyễn Bính đã cho ta nhìn được hình ảnh, tính chân thật, mộc mạc của con người, của miền quê còn êm đềm chưa vướng bụi phồn hoa.Với Nguyễn Bính hạt nhân của mỗi bài thơ Nguyễn Bính bao giờ cũng là một câu chuyện,một khúc tâm tình nào đó được diễn ra thành một cái cốt truyện,điều này làm nên chất tự sự thấm đẫm trong thơ ông Và bởi tất cả những điều ấy mà nền âm hưởng của mọi tiếng thơ Nguyễn Bính đều là những vang vọng của một lời kể lể sự tình, là dòng chảy liền mạch giữa tình người với con sông, bến nước với làng quê, với những khúc ca dao thấm đẫm tình người.

Song chất trữ tình của bài thơ không chỉ ở sự sóng đôi mà thôi: sự – tình mà là ở một lí do khác, đó là Mưa xuân. Mưa xuân chứ không thể là một thứ mưa nào khác. Mưa xuân – nó là đầu mùa, là đầu năm, là tơ vương đầu tiên,  mối tình đầu tiên, cuộc hò hẹn đầu tiên… Bởi thế chỉ có thể là mưa xuân. Mưa trong mùa xuân luôn là niềm tin yêu, gợi lên những mơ ước, là một không gian trong lành như Hàn Mạc Tử đã viết "Sột soạt gió trêu tà áo biếc / Bên giàn thiên lý bóng xuân sang."

Bài thơ gợi lên hai hình ảnh tuy tương phản nhưng cũng tự nhiên của hai không gian: Khung cửi và cuộc đời. Kẻ chia rẽ hai không gian này chính là… mưa xuân. Đây là quãng đời khi mưa xuân chưa đến. Người con gái quê với khung cửi dệt lụa, với những ước mơ thầm kín về một điều thật gần mà cũng thật xa.

Mưa xuân không chỉ giăng tơ cho trời đất. Mưa xuân còn giăng tơ vào cả hồn người với bao nỗi niềm tâm sự.  Mưa xuân đã gieo vào lòng cô gái xuân những luyến ái đầu tiên. Nỗi niềm tâm sự tuy thầm kín nhưng luôn ấp ủ rong tim của người con gái và tràn ngập niềm rung động khi bắt gặp mùa xuân. Từ trong khung cửi, em đã bước ra ngoài trời xuân của cuộc đời theo tiếng gọi của mưa xuân.

            Bữa ấy mưa xuẩn phơi phới bay
            Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.

Nguyễn Bính với hai câu thơ đã phác họa cả cảnh trời, tình người, mùa xuân nơi thôn dã. Với mưa bụi và lớp lớp hoa xoan đều phơi phới vào xuân, trời đất kia đang mang trong nó niềm xốn xang, háo hức của nàng thiếu nữ. Cái cảm giác rạo rực, cái nồng ấm của đất trời đã được Nguyễn Bính lắng đọng qua những vần thơ tài hoa. Mưa xuất hiện lần này là “mưa bụi.” Mưa xuân dường như cũng đồng tình với cô gái để cùng thao thức, cùng dự hội, để đến nơi hò hẹn. 

                Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm 
                Em mải tìm anh chả thiết xem 
                Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh 
                Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em 

Nhưng lễ hội, với cô gái qua tâm thức của Nguyễn Bính cũng chỉ là cái cớ. Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh. Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em, nên lễ hội với em chỉ là lý do để nói với mẹ về đám hát thâu đêm còn em thì mãi tìm…ai. 

                Chờ  mãi anh sang,anh chả sang, 
                Thế mà hôm nọ hát bên làng, 
                Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn 
                Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

Một lời tâm sự mộc mạc, chân thành như chính tâm hồn trong trắng của gái quê. Chờ mãi mà người ấy không đến.  Ước mơ - hi vọng và rồi buồn giận. Nhưng nỗi buồn trong lòng cô gái quê vẫn rất nhẹ nhàng... Mình em lầm lũi trên đường về... Thế rồi người con gái ra về, con đường cũ giờ đây dài dằng dặc:

                Mình em lầm lũi trên đường về, 
                Có ngắn gì đâu một dải đê 
                Áo mỏng che đầu,mưa nặng hạt 
                Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

Chờ mãi, rồi không gặp. Nỗi lòng đó, tâm trạng đó ai cũng có thể hiểu thấu. Có ngắn gì đâu một dải đê mà để em tủi với canh khuya. Hình tượng cô gái lấy tà áo che đầu cho khỏi ướt có cái gì rất dân dã, mộc mạc. Không gặp được người ấy, thì bây giờ ướt áo có làm sao. Khi Hội chèo làng Đặng ra về qua  ngõ, cho đến khi mẹ bảo "Mùa xuân đã cạn ngày" Hội làng khép lại, mưa xuân đã vơi dần theo nắng xuân và những chùm hoa xoan đã rụng dần thì cũng là lúc câu chuyện, nỗi ước mơ trong lòng khép lại.

                Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay 
                Hoa xoan đã nát dưới chân giầy 
                Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ 
                Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
              
Có phải mùa xuân dường như vô tình, lạnh lùng với tâm tình của cô gái quê vốn đơn sơ, chân thực. Đời con gái là bao, mà sao mùa xuân đã sớm cạn ngày? Cô gái thầm hỏi và hy vọng:

                Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày 
                Bao giờ em mới gặp anh đây? 
                Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ 
                Để mẹ bảo rằng: Hát tối nay

Một bài thơ lồng trong khung cảnh mùa xuân nhưng thực ra là một chuyện tình. Đây cũng là nét đẹp rất duyên của thơ tình Nguyễn Bính. Mưa Xuân là một trong rất nhiều bài thơ tình của Nguyễn Bính, cả một đời thơ mang nặng tình yêu, mang nặng gánh tương tư. Vâng, như Nguyễn Bính đã tự nhận trong thơ "Gió mưa là bệnh của trời / Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng " vì vậy, khi nói đến căn bệnh tương tư trong thơ tình Nguyễn Bính không thể không nói đến khí hậu tình yêu trong thơ ông, cái đã làm nên "mưa gió giông bão" trong cuộc đời của ông như một định mệnh. Tình yêu vốn là một chủ đề không mới lạ trong thi ca nhưng ở thơ Nguyễn Bính tình yêu vẫn mang một nét đẹp riêng, một sắc thái riêng, một sự quyến rũ riêng giản dị, chân thành mà không tầm thường đơn điệu. Nó như cây cỏ, như hương hoa, như dòng suối thanh sạch làm tươi mát tâm hồn ta. Thơ tình yêu của Nguyễn Bính không có những đam mê da diết, không có những sôi nổi ồn ào, điên loạn hay bâng khuâng ray rứt... Thơ tình của Nguyễn Bính trong sạch, kín đáo và cao thượng và dấu vết nỗi bật trong thơ ông là tấm lòng chung tình, chung thủy. Nguyễn Bính sáng tác rất nhiều, mỗi bài thơ như đã nói ở trên là một khúc tình ca nhưng thơ tình của Nguyễn Bính khác hẳn cái nóng nảy của Hồ Dzếnh, cái lãng mạn say đắm như Xuân Diệu... chứa chan và trầm mặc như Huy Cận, đau đớn điên loạn như Hàn Mạc Tử hay ngậm ngùi chua xót tan vỡ như T.T.KH, ngược lại tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là tình yêu nhẹ nhàng, câm lặng với những mối tình mộng đẹp.
                                         
Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối diễn đạt lạ. Thơ của Nguyễn Bính nhẹ nhàng, êm đềm, mộc mạc như dòng sông,bến nước, con đò, hàng giậu. Thơ của ông từ những bài lục bát thấm đẫm chân quê đến những bài thơ lưu lạc nới đất phương Nam ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông đã để lại cho văn đàn nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó “Mưa xuân” – một bài thơ tuyệt đẹp là một điển hình.

Nhà thơ Nguyễn Bính ra đi đã 1/2 thế kỷ nhưng những vần thơ của ông để lại với đời vẫn là những chân tình, là những hình ảnh miền quê Việt Nam mà không thể phai mờ trong tâm trí, trong lòng người đọc. Đọc Mưa Xuân để thấy quá khứ vẫn còn nối kết với hiện tại dẫu lòng người, cuộc sống và mùa xuân có mang bao nhiêu sắc áo mới mùa xuân vẫn là mùa xuân của quê hương, của tâm hồn người Việt.

 Mưa Xuân với tôi còn là nỗi lòng thương nhớ về cố hương, nơi tôi đã sống và đi qua những mùa xuân đầu đời. Nơi có mưa bụi bay, có cái gió se lạnh đầu xuân và áo the guốc mộc... nên dẫu thế nào, đường đời có phong ba bão táp Mưa Xuân vẫn là điệp khúc xuân sưởi ấm tình tôi mỗi khi xuân về nới miền đất cao nguyên ngóng chờ những hạt mưa xuân để hiện tại lại nối về quá khứ.

                                                                        Hoàng Yên Lynh    

READ MORE - NGÀY XUÂN VỚI "MƯA XUÂN" CỦA NGUYỄN BÍNH - Bình thơ của Hoàng Yên Lynh