Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 13, 2016

VÒNG KÝ ỨC THÁNG BA - Truyện ngắn của Phan Trang Hy


Phan Trang Hy


Truyện ngắn của Phan Trang Hy

VÒNG KÝ ỨC THÁNG BA

       Hải bặm môi, trở mình. Mấy hôm nay trở trời, nằm trên giường nệm, anh vẫn thấy ê ẩm cả người. Vết thương ngày nào, giờ, tái phát. Nhưng anh gắng gượng. Anh phải cố sức để vẽ cho xong bức tranh về đồng đội anh ngày nào, về một thời đã ám ảnh anh trong từng hơi thở, trong từng mảng màu, nét cọ mà anh thao thức.
       Anh khó nhọc chống cùi ngồi dậy. Miệng khô khốc. Anh nuốt nước bọt. Chỉ có sự rát đau ở họng. Anh đưa miệng ngậm chiếc ống nhựa, hút nước ở ly.
       Uống nước xong, anh lại định thần, gắng hít thở thật mạnh. Tựa lưng vào chiếc gối, anh nhìn bức tranh còn dang dở. Hình ảnh đồng đội của anh lại hiện về.
       Nhớ lại ngày ấy, anh cùng đồng đội xây dựng đảo. Chiến dịch CQ88 được phát. Nhận lệnh là đi. Chỉ có trái tim vì biển, vì đảo. Không phải là những câu khẩu hiệu tuyên truyền mà chính là mệnh lệnh của trái tim, của tình yêu biển đảo đã đưa anh cùng đồng đội đến với Gạc Ma.
       Nhìn bức tranh, anh như thấy từng người. Này là Quân, lính trẻ nhất đơn vị, thích nghe anh nói chuyện về những cô gái ở làng biển quê Quảng Nam. Này là Nhơn, người lúc nào cũng thích ca bài chòi. Cựa một tí là ca. Dù chẳng có hơi xuống giọng xề. Thế nhưng, mỗi lần rảnh là ca. Anh em trong đơn vị thích cái tính xuề xòa của Nhơn nên cũng thích luôn những lời ca dân dã ấy. Này là anh Phương, chỉ huy, coi anh em như ruột thịt. Còn biết bao nhiêu người nữa. Họ trong tranh như cười động viên anh vượt qua cơn đau.
       Nhìn tranh, anh nhớ lại ngày ấy...
       Trời hửng sáng. Biển vẫn trong xanh. Cả đơn vị đang ra sức xây dựng đảo. Yên bình trên từng lời bông đùa của đồng đội. Yên bình trên từng con sóng. Hải như nghe được lời của Nhơn ca: “Đảo này là của chúng ta. Ngàn năm ta giữ nước nhà Việt Nam...”. Tiếng vỗ tay vang lên. Chưa kịp cười đùa cho thỏa thích, Hải bỗng nghe tiếng loa. Lởn vởn tàu của giặc. Chúng bắt loa gọi đơn vị anh rời đảo. Nhưng lời của bọn giặc chẳng là cái quái gì. Cả đơn vị phớt lờ lời của giặc. Anh em được lệnh của anh Phương: “Phải bình tĩnh. Đảo là của ta, ta quyết giữ. Chúng ta giữ đảo là giữ đất Mẹ Việt Nam. Quyết không rời đảo!”. Lúc ấy, Hải như thấy tất cả đều có tâm niệm: “Quyết không rời đảo!”. Bọn giặc tìm cách khủng bố tinh thần của anh em. Rồi bất thần, bọn chúng xả súng về phía đơn vị anh.
        Hải không ngờ tình thế như vậy. Chỉ tiếng súng nổ. Và đạn bay... Chợt tiếng của Phương vang lên: “Tất cả nắm chặt tay nhau, kết thành vòng tròn. Quyết tâm bảo vệ đảo, bảo vệ cờ Tổ quốc!”. Đó cũng là mệnh lệnh của trái tim. Trong làn đạn của giặc, Hải và đồng đội siết tay thật chặt, kết thành vòng tròn, giữ cờ Tổ quốc. Lá cờ ngạo nghễ giữa biển trời. Giặc vẫn xả súng. Hải một tay nắm tay Nhơn, một tay nắm tay Quân. Và cứ thế vòng tròn vẫn vững trước đạn thù. Bỗng, Nhơn á lên một tiếng. Giọng Nhơn đứt quãng. Máu Nhơn! Nhơn bỏ tay Hải, quỵ xuống: “Anh Hải!... Hãy… trả thù… cho… em!”. Đạn giặc trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái… Đạn giặc bao vây đồng đội anh. Rồi, Quân cũng bị trúng đạn. Quân ngã trên người Hải, giọng phều phào: “Anh đưa… em… về quê… nghe!... Nói… với Mẹ… là em… em… nhớ Mẹ… lắm!... Còn chuyện… mấy đứa… con gái… làng chài quê anh...,… em xin… nói lời… vĩnh… biệt… với họ… Mẹ!... ”. Quân hy sinh trên tay anh. Anh chưa kịp nói lời nào thì lại nghe tiếng gào to. Đó là tiếng Phương. Tiếng của Phương hòa trong tiếng sóng: “Thà hy sinh, chứ không chịu mất đảo”. Đạn giặc bắn không ngừng. Hải thấy hai tay mình như có ai chém.
       Hai tay của Hải không còn. Trước mắt anh sừng sững lá cờ Tổ quốc cùng đồng đội. Mắt anh vẽ một khoảng không. Biển. Đảo. Đồng đội. Cờ Tổ quốc!...
                                                  *
                                               *      *
       Hải được giải đặc biệt về Biển đảo Quê hương, nhiều phóng viên đã đến tìm hiểu về cuộc đời anh. Bấy lâu nay, có ai biết đến Hải Trường Sa là ai đâu. Nhưng giờ đã khác. Bút danh Hải Trường Sa khẳng định với công chúng về tài năng hội họa.
       Tôi được Hội Văn học Nghệ thuật thành phố gửi giấy mời tham dự buổi khai mạc và trao giải thưởng. Vì bận việc đột xuất, nên tôi đến trễ. Chỉ được xem tranh là chính. May mắn cho tôi là được thưởng thức một số tranh dự thi đoạt giải cùng với một số tranh khác của những họa sĩ nổi tiếng trong nước.
       Sau khi xem từng bức tranh, tôi giành thời gian bên bức tranh đạt giải đặc biệt. Trước mắt tôi là bức tranh mang tên “Vòng ký ức Tháng Ba”. Và điều làm tôi ngạc nhiên là, bên cạnh bức tranh, một người không còn hai bàn tay. Đó chính là Hải Trường Sa, tác giả bức tranh ấy. Một số phóng viên đang phỏng vấn anh. Anh chỉ cười. Đứng cạnh Hải, tôi nghe anh trả lời:
       - Có gì đâu! Tôi không vẽ là tôi còn nợ với chính tôi. Tôi chỉ là người lính giữ đảo năm nào, giờ là như thế này đây - Anh cười và đưa hai cánh tay cụt - Cũng may cho tôi là chất lính một thời trong tôi giúp tôi vẽ. Còn đời tư tôi, xin các bạn thông cảm, tôi không muốn nói về mình. Chỉ thế thôi! 
       Nghe những gì anh trả lời, không hiểu anh ta khiêm tốn hay kiêu. Nhưng rồi, nhìn nụ cười hiền với tiếng nói đặc sệt chất giọng Quảng Nam, cùng với ánh mắt sáng tự tin, tôi tin lời anh nói.
       Và rồi, người xem tranh cũng bớt dần. Tôi đến làm quen Hải. Tôi tự giới thiệu về mình, là thầy giáo, nhà văn, thích xem tranh vẽ. Hải nhìn tôi cười. Và đưa cái cùi chỏ đụng vào bàn tay tôi lắc lắc.
       Từ đó trở đi, chúng tôi thành bạn của nhau. Những khi rảnh, tôi thường đến thăm Hải. Hoặc trao đổi qua facebook. Càng ngày chúng tôi càng thân nhau. Biết tính Hải không muốn nói về mình, nhưng tôi cũng hỏi chuyện riêng tư của Hải. Vì thân, mà đã là bạn thân cần gì phải dấu nhau điều gì, nên rồi Hải cũng tình thật kể cho tôi nghe.
       - Cậu biết không, hồi thanh niên, mình thích vẽ lắm. Nhìn những tranh của Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, rồi đến Đinh Cường, Bửu Chí, Rừng… là mình mê tít. Mình có một tập ảnh chụp lại các bức tranh mình thích. Nhìn những bức tranh ấy, nhiều lần, mình tưởng tượng các sắc màu trong các tranh ấy như muốn nói với mình: “Bạn cứ tin vào khả năng và tình yêu của chính mình thì mới có thể vẽ những tranh đẹp được”. Mình tin lời sắc màu nói với mình. Từ đó, ngoài chuyện học, mình lại lao vào việc mày mò, tìm hiểu về hội họa. Nào là cách tìm chủ đề, tìm bố cục, cách pha màu… Thú thật, mình thích vẽ từ nhỏ, lại có chút năng khiếu, nên mình vỡ lẽ ra là mình có thể vẽ những gì mình thích, những gì in đậm dấu ấn trong lòng mình.
       Hải nói như trút hết tâm trạng của mình. Tôi cầm cùi tay Hải, xoa xoa, nói:
       - Hèn gì! Phần thưởng cậu nhận xứng đáng với công sức của cậu.
       Hải kẹp ly nước lên uống. Rồi để xuống bàn. Tôi nhìn căn phòng xinh xắn, đầy những tranh. Có bức đã hoàn thành. Có bức chưa xong. Bên cạnh giá vẽ nào là những hộp sơn, lọ màu… Đủ cả. Tất cả đều gọn gàng. Nhìn căn phòng một hồi, Tôi khen:
       - Họa sĩ như cậu có khác! Nghiêm túc dữ.
       Hải nhìn tôi cười:
       - Sao cậu lại nói thế? Tại cái tính mình giờ nó thế. Quen rồi. Để mọi thứ lộn xộn, ngổn ngang, mình không chịu được. Cũng tại chất lính một thời tạo cho mình cái tính ấy. Thật ra, khi còn trẻ, trước khi vào lính mình cũng a-ma-tơ lắm.
       - Hồi trẻ, cậu nghệ sĩ lắm thì phải? Kể cho tôi nghe cậu tập như thế nào mà được như rứa?
       Hải cười to, tiếng vang như sóng biển:
       - Ừ, thanh niên đa phần là thế mà cậu. Bộ cậu không có à? Nhưng giờ, như cậu thấy đó, mình phải tự nghiêm túc với chính mình mà. Cũng nhờ làm lính đó.
       Như được dịp kể cho tôi nghe, Hải cho biết những năm tháng ở quân trường, anh phải tự điều chỉnh ghê lắm. Chớ thằng con trai nào không có chút máu nghệ sĩ? Cái máu ấy tạo ra những biểu hiện để gọi là chút tài tử, chút chịu chơi. Hải nói rằng con trai mười tám, đôi mươi có tính như con chim trống rướn cổ hót phô bày bản lĩnh trước lỗ tai của những chim mái; như gà trống, rướn cổ gáy, phô diễn khả năng trước sự cương trứng của gà mái; như công trống xòe sự rực rỡ, phơi sắc màu tình yêu trước ánh mắt của chim mái. Hải cũng tâm sự, hồi chưa vào lính, anh thường thức khuya, đàn hát như khoe cho hàng xóm biết tài của mình, hoặc để bọn con gái chú ý. Có lẽ, hầu như đàn ông trai trẻ đều có một thời như vậy! Nhưng rồi, khi vào lính, dù tính đàn ông con trai vẫn thế, nhưng sống có quy củ hơn. Ăn có giờ, học có giờ, tập có giờ. Chệch giờ giấc là bị kỷ luật ngay. Không một hai gì cả. Còn quần áo, mùng mền, chiếu gối đâu vào đó. Ngay ngắn, sạch sẽ, ngăn nắp. Giường nào cũng như thế, cũng răm rắp.    
       - Còn bức tranh được giải vừa rồi, cậu vẽ khi nào? Do đâu?
     - Khi nào à? Mình chỉ nhớ là mình nhớ biển, nhớ con sóng ở Trường Sa. Không biết làm gì để đỡ nhớ, mình lên mạng tìm những bài hát về biển đảo, về tháng Ba. Tình cờ mình xem một video về trận Hải chiến ở Gạc Ma. Xem mà mắt mình rưng rưng. Như có ai bóp tim mình. Như ai đó làm mình nghẹt thở. Vòng tròn ấy cứ ám ảnh mình từ đó!
       - À, ra vậy!
       Từ khi đạt giải, mỗi lần Thành phố có triển lãm tranh về chủ quyền biển đảo, Hải đều được mời gửi bức tranh đạt giải tham dự. Và lần nào cũng vậy, tôi tìm cách dàn xếp công việc, thời gian để chở Hải đến phòng triển lãm. Như mọi lần, tôi cùng Hải đứng trước tranh ngắm nghía. Hải nói như thấy Nhơn, Quân, anh Phương cùng đồng đội hiện về. Còn tôi, lần này, như thấy trong tranh, trước mắt mình, hiện lên là vòng lửa bất diệt, vòng của sự sinh tồn của đất nước, vòng của sự sinh sôi, nảy nở lòng yêu nước, vòng của sự kết đoàn toàn dân tộc. Trước mắt tôi là các chiến sĩ – những chàng trai nước Việt – nắm tay nhau làm cột mốc. Những gương mặt ánh lên lòng tự hào, sẵn sàng hy sinh vì biển đảo. Tôi như nghe đủ giọng nói của mọi miền Tổ quốc. Giọng Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, giọng Khánh Hòa, Quảng Nam… Bắc, Trung, Nam có cả. Tôi như nghe họ hát. Tiếng hát của họ hòa vào sóng biển vang mãi ngàn năm cho con cháu Việt Nam biết một thời bi tráng của dân tộc.
       Đứng trước bức tranh “Vòng ký ức Tháng Ba” là mọi người và tôi. Nhìn sâu vào trong tranh, tôi nghe từ tiếng vọng từ bức tranh: “Thà hy sinh, chứ không chịu mất đảo!”.

Tháng 02/2016
Phan Trang Hy



READ MORE - VÒNG KÝ ỨC THÁNG BA - Truyện ngắn của Phan Trang Hy

TRÁI TIM Ở LẠI HUẾ - thơ Huy Uyên




Trái Tim Ở Lại Huế

Dấu trong Huế trái tim đằm thắm
Bước chân về sương khói mong manh
Hương-Giang thuyền chờ ai dưới nắng
tháng giêng rêu thả sợi tơ buồn .

Em về dịu ngọt đêm trăng treo
lung linh khói sương trời đất Huế
ký-ức buồn chôn ngày tháng năm xưa
gởi lại cho người trăm ngàn thương nhớ .

Có phải em Huế tháng ba,tháng bảy
thành-nội chìm sâu xao xuyến tim người
quấn quít môi ai trao người tình Huế
bên thành quách cũ áng mây trôi .

Cuộc tình em gởi lại Trường-Tiền
sáng chiều ai gừng cay mặn muối
nắng mưa chi dầu dải hơi sương
yêu người hoài sao không hề được nói .

Trên đồi chuông Thiên-Mụ đổ
tôi bên cầu xưa đứng đợi bóng hình em
"hoa bâng khuâng" chiều ba mươi hé nở
ngọt đắng tình ai
cau quấn quít trầu .

Em, sắc hồng môi phai với nắng chiều
thương nhớ ai dấu trong vườn cỏ biếc
những cụm lau lung linh bóng người yêu
bên bờ sông Hương xuôi dòng nước chảy .

Chảy đi đâu về Bao-Vinh buổi trước
nhớ xưa xưa thuyền đổ bến thương-hồ
sáng đêm gọi lớn ròng con nước
thương nhau rồi có biết về mô !

Huế tôi ơi da diết giọng hò
để sông buồn cả đời chảy mãi
bước chân xưa ai quấn quít theo người
bên sông nhìn bóng  mình bóng lẻ .

Nữa đêm xuân cháy hồng bếp lửa
nhớ sao tình vương-vấn khi xưa
sông tiếc nhớ rưng rưng ngày tháng cũ
thôi không đâu
ai đón đợi ai về .

Huế cả đời mê thiếp trong tôi .

Huy Uyên
(tháng giêng/b.thân)
READ MORE - TRÁI TIM Ở LẠI HUẾ - thơ Huy Uyên

CHÙM THƠ TRƯƠNG ĐÌNH XUÂN



            Tác giả Đình Xuân




LỐI THẨN

Ừ, về thôi biển đã chiều
Sóng và gió, cát, nợ nhiều vết sâu
Hẹn mai, mai hẹn mai sau
Bao giờ mới hết nỗi đau lặng người

Đôi khi nhận được nụ cười
Không vay  không mượn, hay lời tình chung
Ừ, về thôi đừng mông lung
Nhớ rằng một thuở đã từng mơ hoa

Ừ, quên ngọc, sẽ quên ngà
Riêng nhà thi nữ ai mà nỡ quên


SỢI XUÂN

Bầy chim sẻ ríu rít
Lời ca xin trú ngụ cuối mùa
Cuối đông gió lùa
Lời ân ái lả lơi trên từng nơi góa phụ

Chao ơi, có những mùa xuân
Có mùa không nhớ hết
Có mùa tơ in hệt
Dấu chân chưa biệt u hoài

Chốn cũ, chân xưa, mùa mới
Ngựa xe nương tựa vào nhau
Mai rồi về miền gió lạ
Hãy tựa mái đầu

Cuối đông gió lùa
Quê hương như người tình vắng
Trước sân lời chim sâu lắng
Mai rồi sợi nhớ đừng quên...


LỤC BÁT THÁNG GIÊNG

Tháng giêng ngọt lịm môi người
Mắt huyền khuấy động một thời khôi trinh
Lời mật ngọt, sắc lung linh
Tưởng chừng ở chốn cung đình ươm mơ

Tháng giêng óng mướt tóc tơ
Nên vầng lục bát ngu ngơ vệ đường
Tóc thề gội bến sông Hương
Hong trăng thôn Vỹ là thương một đời

                                      ĐÌNH XUÂN

READ MORE - CHÙM THƠ TRƯƠNG ĐÌNH XUÂN

CẢM NHẬN “THỀM XƯA, EM ĐỢI NGƯỜI VỀ” THƠ HÀ NHỮ UYÊN - Châu Thạch

CẢM NHẬN “THỀM XƯA, EM ĐỢI NGƯỜI VỀ” 
THƠ HÀ NHỮ UYÊN
                                                         Châu Thạch


Hà Nhữ Uyên



THỀM XƯA, EM ĐỢI NGƯỜI
                                     Hà Nhữ Uyên

Em đợi người bên Thềm Xưa trầm lắng
nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn
ly phin đá nhẩn nha từng giọt đắng
nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan.

Em khắc khoải đợi một dòng tin nhắn
thèm giật mình khi nghe tiếng chuông reo
chiếc điện thoại cũng tảng lờ im ắng
ném niềm vui như chiếc lá bay vèo.

Mắt ngân ngấn- “Người ơi” - em khẽ gọi
đợi tiếng người trầm ấm phía bên kia
mà : “…rất tiếc, số này không kết nối”
ngỡ trời tình ai thổi tắt trăng khuya.

Buồn vây ráp đêm dài thêm sợi tóc
tựa vào đâu ấm áp một bờ vai?
em cố dặn: thôi đừng mau mắt khóc
dẫu muộn phiền có thể chẳng nguôi khuây.

Người gieo lại nửa hồn nghe ngơ ngẩn
nửa trên tay em bồng nắng về rừng
như thạch thảo bên tường mưa ướt cánh
nghe con chim góa bụa hót rưng rưng.

Em khờ khạo xới lên miền cổ tích
như mối đùn trăm nỗi nhớ về nhau
khi yêu dấu môi hôn chưa nhàm nhạt
ai cam tâm hờ hững tự khi nào?
___________________________________________
**Viết thay một người từng ngồi ở cà phê Thềm Xưa.


Cảm nhận của Châu Thạch

Tôi có cái bịnh văn chương thật là nặng nề, đó là khi một bài thơ của ai đó đã nhập tâm mình thì tôi phải viết cảm nghĩ về nó, nếu chưa viết được thì tôi như nóng sốt trong người, ngày và đêm cứ băn khoăn như mắc nợ mà chưa trả được. Bởi vậy dầu đọc thơ Hà Nhữ Uyên lần đầu tiên và chỉ đọc được hai bài thì tôi phải viết cả hai bài. Bài thứ nhất là “Giấc mơ tôi là sợi khói” và bài thứ hai là bài nầy: Thềm xưa, em đợi người về.

Thú thật, bốn câu thơ ở vế đầu đã làm tôi sướng nâng và đọc những vế thơ kế tiếp tôi có cảm nhận mình đã thèm , đã thèm như chất kích thích đầy hương vị của “Ly phin đá nhân nha từng giọt đắng” ngấm vào trong thớ thịt: 

Em đợi người bên Thềm Xưa trầm lắng
nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn
ly phin đá nhẩn nha từng giọt đắng
nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan.

Câu thơ tôi yêu mến đầu tiên là câu “nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn”: Bài thơ nầy tác giả dùng chữ “em” nghĩa là viết thay cho một người con gái, và câu thơ nầy cho thấy được hết cả cái tâm hồn uỷ mị của cô em, cũng cho ta thấy hết được cái khung cảnh cô liêu nơi cô ngồi, cả sự lảng mạn trong suy tư của em. Nhặt hạt nắng là hành động của một kẻ tâm thần, nhưng tất nhiên cô gái không là kẻ bị bệnh tâm thần, vậy nhặt hạt nắng là một cử chỉ siêu lảng mạn của con người đa cảm, một hành động vô tâm nhưng bày tỏ một tính cách rất nên thơ có trong một tâm hồn rất đẹp.

Câu thơ thứ hai tôi thích là “nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan”. Ở câu thơ trên ta thấy cô gái”nhặt bâng quơ hạt nắng”, ở câu thơ dưới ta thấy cô gái “nhặt hoài mong”  Vậy thì trong vế thơ nầy sự hoài mong của cô gái được thể hiện trên hạt nắng. Cô gái nhặt hạt nắng như nhặt sự hoài mong của mình, và tất nhiên hạt nắng thì trôi tuột qua “mười ngón tay đan” nên sự hoài mong cũng trôi theo hạt nắng. Câu thơ liên kết sự mong đợi với hạt nắng ngủ trên bàn thật là lý thú. Cái vô hình trong tâm được thể hiện bằng cái hửu hình trên bàn, và cả hai được lồng trong bức tranh tỉnh vật chứa đựng sự sâu kín trong hồn hoà điệu cùng phong cảnh. 

Vế thư hai của bài thơ là những tứ thơ mới lạ vô cùng. Tác giả dùng chiếc điện thoại để nói về sự mong đợi của cô gái kia:

Em khắc khoải đợi một dòng tin nhắn
thèm giật mình khi nghe tiếng chuông reo
chiếc điện thoại cũng tảng lờ im ắng
ném niềm vui như chiếc lá bay vèo.

Trong câu thơ thứ nhì tác giả dùng chữ “ thèm giật mình” hay quá, bày tỏ sự khát khao nghe tiếng điện thoại, biến một từ ngữ “thèm” bình thường trở thành độc đáo, khiến người đọc dễ dàng nghiệm  cái “ thèm” thường ngày của mình để hiểu cái nỗi chờ mong của người con gái. 

Câu thơ thứ tư “ném miềm vui như chiếc lá bay vèo” cũng là một hình ảnh gợi hình vừa buồn vừa đẹp, làm tăng khung cảnh nơi cô gái ngồi man mát hơi thu.

Qua vế thơ thứ ba tâm hồn cô gái chùng xuống trong đợi chờ, cô bắt đầu rơm rớm khóc:

Mắt ngân ngấn- “Người ơi” - em khẽ gọi
đợi tiếng người trầm ấm phía bên kia
mà : “…rất tiếc, số này không kết nối”
ngỡ trời tình ai thổi tắt trăng khuya

Vế thơ nầy cho ta thấy cô gái đợi người tình đã quá lâu. Cô đã đợi từ chiều khi trời còn nắng đến bây giờ đêm đã xuống. Cô gái biết trời không trăng khuya nghĩa là đêm tới đã lâu rồi. Câu thơ “ngỡ trời tình ai thổi tắt trăng khuya” biến ánh trăng thành le lói như ngọn nến, cũng thể hiện niềm hy vọng mong manh trong lòng cô. Trăng khuya thì ai mà thổi tắt được? Tác giả dùng hình ảnh nầy để gởi cái hồn nhỏ nhoi của cô gái vào trăng. Cái hồn tuy nhỏ nhoi nhưng khi được gởi vào trăng thì nó bao la biết bao, nó chính là cái tình yêu vô bờ bến mà cô gái đang mang trong lòng. Vậy thì trong câu thơ nầy cái trong sáng cao rộng của trăng được thu vào cả trong tâm hồn cô gái, và ngược lại tâm hồn cô gái được nhà thơ làm cho toả ra bao trùm bầu trời. Cái nghệ thuật làm thơ như thế nầy Châu Thạch gọi là “thiền”, vì thiền là định để thấy tâm mình và lấy cái tâm mình mà quán được vạn vật. ( Đây chỉ là cách diễn ý của Châu Thạch mà thôi chớ không phải là thiền thật).

Bài thơ qua vế thứ tư:

Bun vây ráp đêm dài thêm si tóc
tựa vào đâu ấm áp một bờ vai?
em cố dặn: thôi đừng mau mắt khóc
dẫu muộn phiền có thể chẳng nguôi khuây.

Vế thơ nầy thì Châu Thạch tâm đắc nhất câu “Buồn vây ráp đêm dài thêm sợi tóc” là một sự so sánh ý nh đy cht thơ trong đó. đây mái tóc đen ca cô gái được đng hoá vào trong bóng đêm, và thi gian tâm lý thy đêm dài thêm được gi vào trong hin tượng sinh lý “dài thêm si tóc”.  Người xưa thường nói “suy nghĩ mt đêm làm cho tóc bc trng” thì đây ch đi mt đêm làm si tóc thêm dài. Ch “dài” đây va ca đêm mà cũng va ca tóc, th hin s trin miên nôn nao bc rc trong lòng.

Qua vế thơ thứ năm cô gái không còn âm thầm chịu đựng sự dằn xé trong lòng mà phải cất tiếng than van:

Người gieo lại nửa hồn nghe ngơ ngẩn
nửa trên tay em bồng nắng về rừng
như thạch thảo bên tường mưa ướt cánh
nghe con chim góa bụa hót rưng rưng.

Một nửa linh hồn cô gái đã bị gieo vào hạt giống đau thương. Nửa linh hồn còn lại cô trân trọng như giữ trên tay mình đem dấu vào nơi cô tịch. “Bồng nắng về rừng” là đưa nắng về vùng rợp bóng, ở đó nắng cũng bị tắt đi vì cây che khuất. Rồi thì cả hai nửa linh hồn hay cả hai nửa tình yêu đều bị phủ phàng như đoá hoa ướt cánh, khóc than như “con chim hoá bụa hót rưng rưng”.

Thế rồi ở vế thơ chót cô gái trách mình, trách người trong vô vọng:

Em khờ khạo xới lên miền cổ tích
như mối đùn trăm nỗi nhớ về nhau
khi yêu dấu môi hôn chưa nhàm nhạt
ai cam tâm hờ hững tự khi nào?

Ở vế nầy hai câu thơ “ Em khờ khạo xới lên miền cổ tích/ như mối đùn trăm nỗi nhớ về nhau” vẽ lên một bức tranh hiu hắt, rêu phong làm hình ảnh cuộc tình trở nên hoang sơ như một vùng thánh địa hoang tàn. Hình ảnh “mối đùn” cho ta thấy nổi nhớ ồ ạt đến, chiếm lỉnh cái tâm hồn u vắng, hình dung trong trí ta trăm ụ mối đùn lên trên vùng phế tích xa xưa.

Bài thơ “Thềm xưa, em đợi người về” Hà Nhữ Uyên đã bố cục bài thơ theo vòng xoắn trôn ốc, đưa nối buồn mong đợi cao lên, toả ra theo từng giờ. Nhà thơ đã sáng tạo những tứ thơ chưa ai từng dùng, khiến cho người đọc thích thú với những hình ảnh rất mới lạ trong thơ để thể hiện sự việc.
Tôi còn muốn viết nhiều về bài thơ nầy nhưng trong khuôn khổ một bài đăng trên trang web không cho phép viết dài, nhưng chắc chắn sự rung động trong lòng bạn đọc sẽ có hơn những gì tôi viết ra đây rất nhiều./.
                                                                             Châu Thạch
 












READ MORE - CẢM NHẬN “THỀM XƯA, EM ĐỢI NGƯỜI VỀ” THƠ HÀ NHỮ UYÊN - Châu Thạch

TIẾNG GÕ CỦA EM - Truyện ngắn của SONE





TIẾNG GÕ CỦA EM

Truyện ngắn của SONE
            -Tặng Bảo Trân.



            Cứ mỗi khi không ngủ được, tôi lại vô thức gõ vào bức tường, những âm thanh dội lại nghe thật vui tai làm tôi nhớ cả một quãng trời khi hãy còn thơ bé. Mỗi khi như vậy tôi lại nhớ về em tôi da diết, một nỗi nhớ nhung chẳng thể tượng hình.

            Tôi và nó là hai chị em sinh đôi nhưng lại sống ở hai nhà khác nhau. Nó ở nhà ngoại còn tôi ở nhà nội. Vì ba mẹ tôi dong ruổi theo những con tàu bám biển ngày đêm nên chúng tôi được bà nuôi dưỡng, dẫu thế, nhà nội hay nhà ngoại đều nghèo nên không thể nuôi cả hai đứa mới chia ra ở như vậy. Tuy nhiên, nhà hai bà lại chỉ cách nhau một bờ kênh, chỉ cần băng qua hai cánh đồng với một cây cầu là đã tới nhà người kia nên khi nhớ nhau, chúng tôi chỉ cần gặp nhau trên cây cầu mỗi khi đến lớp là được. Nó giống tôi như tạt. Từ bờ môi, ánh mắt, nụ cười, nên nhiều người cứ hay nhầm lẫn hai đứa. Họ lại ít thấy hai đứa đi chung với nhau nên hễ tôi tạt qua xóm nó hay nó ghé xóm tôi là cứ y như rằng người ta nghĩ chúng tôi là nhau. Từ khi lên bốn lên năm chúng tôi đã xa nhau nhưng không hiểu tại sao tình thương và nỗi nhớ nhung máu thịt chưa khi nào vơi bớt.

            Cứ mỗi cuối tuần bên ngoại lại dẫn nó về nội nhưng chưa khi nào dẫn nó vào nhà mà chỉ dẫn đến rồi lại đi. Cũng bởi hai nhà không thuận nên chúng tôi ngày đó ít có điều kiện gặp nhau. Là máu thịt nhưng khi mới gặp nhau tôi lại như có cảm giác lạ lẫm, tính tôi trầm ít nói còn nó thì lại vui tươi hớn hở, vừa thấy tôi nó đã ôm thốc vào, rồi hai đứa xoắn xít đi chơi. Nội tôi khó chứ không dễ chịu như ngoại, nội cấm tôi không được bước chân qua bên kia cây cầu. Ngày nhỏ thì bảo băng hai cánh đồng là xa lắm, đến lớn thì lại nói thẳng ra là không thích ngoại. Tôi được nội nuôi dưỡng từ bé, những lễ giáo dường như có từ thời phong kiến ăn sâu vào máu thịt của tôi, từ việc ăn cơm không phát ra tiếng động, khi ăn không nói chuyện cho đến những trò đùa nghịch của lũ trẻ cũng phải giữ ý từ tốn. Ngoại tôi thì khác, rất dễ tính nên em tôi lúc nào cũng hiếu động tự do được sống như tuổi của mình.

            Lúc mới gặp nó, nó đứng yên lặng ngoài sân, nội bước ra uy nghiêm, còn tôi đứng khép nép lẳng lặng bên cạnh. Vừa thấy tôi, nó đã chạy ào tới:

- Chị, chị.

Trong tôi dấy nên một nỗi xúc động mạnh không nói thành lời, bỗng nội xô nó ngã cái uỵch và hắng giọng:

- Con gái con đứa, đi đứng ăn nói cho lễ giáo, từ tốn, không phải cứ gặp người thân là thốc vào thế được.

Lòng tôi đau một cơn, mắt nó nhói một cơn, nhưng tôi còn bé quá không dám bước ra đỡ nó dậy. Cũng cùng một gương mặt, cũng là cháu nhưng dường như nội chẳng thích nó vì nó đã chọn ở với ngoại. Bữa ăn nó cứ chọc nội la miết, còn tôi ý tứ kín đáo ngồi ăn nhưng lúc nào cũng nghĩ giá như bữa cơm nào cũng vui vẻ như có nó thì thật tốt. Tối về, nó ngủ lại để sớm hôm sau ngoại tới đón về, nội phạt nó hư không cho ngủ trong phòng, hai đứa tôi ngủ cách một tấm tường mỏng. Nửa đêm, tôi hay khó ngủ, cứ lăn qua trở lại. Vì nhà nội sát bờ sông, tính tôi lại nhát nên nghe tiếng ếch nhái kêu là sợ cứ thức trắng mệt quá mới thiếp đi. Bỗng tôi nghe tiếng nó hỏi nhỏ:

-Chị, chị không ngủ được hả?

-Ừ, tại chị sợ.

-Chị đừng có sợ. Có em đây mà, này nhé, mỗi khi chị khó ngủ, chị gõ vào bức tường, em sẽ gõ lại, có em thức rồi chị hãy ngủ đi.

Nó nói rồi làm thật. Tự nhiên tôi có cảm giác an tâm mà ngủ được. Có những khi nó về không có nó bên cạnh, đêm chẳng rõ vì sợ hay vì nhớ nó mà tôi thức trắng, bỗng đưa tay ra gõ vào bức tường, phía bên kia cũng có tiếng gõ lại thật nhẹ, tôi vội chạy ra, cạnh cái lu tối hù là nó.

-Sao em lại ở đây? Tối rồi. Hơn nữa, nội thấy nội mắng chết,

-Rảnh em mới qua đây, đợi chị ngủ rồi em về nè.

Tự nhiên tôi đứng khóc tả tơi còn nó luống cuống không biết làm gì. Thì ra nó đã băng hai cánh đồng trong ngày tối để có thể chờ tôi ngủ rồi lại tất tả về trong đêm. Vì thương nó tôi tập quen với nỗi sợ để nó không phải về giữa đêm như thế nhưng hễ có nó bên cạnh là tôi bỗng trở nên yếu mềm, vì tôi biết khi tôi không ngủ được đã có em tôi bên cạnh.

            Khi chúng tôi bắt đầu đi học, vì học chung một lớp nên chúng tôi hầu như gặp nhau mỗi ngày. Bạn bè trong lớp cứ luôn cho rằng sinh đôi là điều gì đó lạ lắm nên cứ quấn quýt cạnh hai đứa tôi. Ở quê thì không thiếu gì để chơi nhưng cứ cách nhau một cây cầu là thế giới của tôi và nó dường như khác xa nhau lắm. Có những buổi đi học nó dạy tôi chơi đánh đáo, chơi nhảy dây, tôi cứ một mực từ chối vì: “Nội bảo con gái phải ý tứ không nhảy cẫng cẫng lên thế được.” Thì nó lại bảo: "Chị cứ như thế thì mất cả một đời tuổi trẻ.” Cái kiểu nói như chắc nịch lại tở vẻ người lớn khi mới chừng ấy tuổi đầu làm tôi phì cười. Thỉnh thoảng những mùa lúa lên, nó và đám bạn lại kéo tôi đi thả diều, chạy suốt trên những triền đê theo những cánh diều tự do, nó hay nhìn thơ thẩn rồi nói:

-Chị biết em ước gì không? Em ước ba mẹ sẽ về ở luôn với hai đứa mình và em sẽ về ở với chị.

Tôi nhìn nó ngẩn ngơ. Rồi chưa kịp để tôi nói gì nó nhảy như con ếch vồ lấy một chú cào bên cạnh.

-Món này chiên lên là mấy bát cơm đấy chị.

-Eo ơi, em ăn cả món này cơ à?

-Ngon đáo để đấy chị.

Từ khi có nó, tôi lao theo những cuộc vui không đầu không cuối, từ một cô gái khó gần trong mắt bạn bè vì quá kín đáo và ý tứ tôi dần cởi mở hơn. Nó hay dắt tôi ra đồng để gặt lúa phụ ngoại, những lúc ấy tôi lại dối nội có những buổi học thêm, nó dạy tôi cách bắt cào cào, cách bắt lũ cua rồi chính nó lại bị những chị cua kẹp đứng khóc giữa đồng. Nó tinh tướng nói chuyện với lũ vịt chạy đồng:

-Chúng mày nhé, tao vớt hết lúa, rồi còn sót lại cho chúng mày tất.

Tôi phì cười. Nhưng dẫu thời gian có trôi qua, chúng tôi lớn dần lên thì mỗi khi về nội giữa hai đứa vẫn có một tấm vách ngăn. Khi tôi lên cấp ba, mỗi khi khó ngủ, tôi lại gõ vào tấm vách, nghe tiếng gõ lại đều đều tôi lại mải miết ngủ say. Những hôm về nội, nó thường mang về cả rổ cua vì biết tôi thích ăn, nhìn cách nó ngồi chàng hảng cả hai chân để rổ cua ở giữa, rồi cậy gạch tôi lấy làm tò mò. Nội tôi nhìn thấy chỉ nhai vội miếng trầu bỏm bẻm:

-Gớm, cái kiểu ngồi, cứ như ngoại nó.

-Trời, nội nói hay. Ngồi sao thoải mái là được chứ. Cũng có ăn là được mà.

Nội dường như đã quá quen nên cũng chẳng buồn nói lại. Tự nhiên trong mắt tôi khi ấy nó cứ như … một anh hùng vì đã dám…cãi nội. Nó ngồi cậy gạch tỏa nắng vàng ươm còn tôi ngồi nướng bánh tráng bên cạnh. Trưa nay nó trổ tài nấu món riêu cua ăn với bánh đa. Nó đưa tôi cái tăm nhỏ rồi bảo:

-Thử không chị?

-Thôi không dám. Kinh chết, bên đây chú hay làm, chứ con gái mà cứ xé toạc ra như thế thì…

Chưa nói hết câu nó đã ấn vào tay tôi. Tôi thử làm, nhìn miếng gạch như nở hoa trong cái bát tôi thấy có gì đó vui vui. Nó nhìn tôi mỉm cười rồi quăng vội mấy cái yếm cho mấy chị gà chờ giành ăn cho đám con. Bát cơm hôm đó dẫu món riêu đã bị tôi cho hơi quá lửa nhưng tôi vẫn thấy rất ngon, chỉ có nội tôi thi thoảng tặc lưỡi còn nó vẫn cứ bưng húp xì xụp.

            Đến khi tôi chuẩn bị vào đại học thì sau hàng chục năm bôn ba kiếm tiền nuôi sống gia đình cuối cùng ba mẹ cũng về. Hai chị em tôi cuối cùng cũng về dưới một mái nhà thì tôi hay tin đậu đại học trên phố. Thế là chúng tôi lại xa nhau. Bốn năm đi học xa, tôi quyết về cống hiến để đổi mới quê mình chứ không ở lại phố. Nó đã trở thành một cô thôn nữ xinh đẹp hiền lành và dịu dàng hơn rất nhiều. Hai đứa tôi vẫn ở hai phòng khác nhau vì nhà đã có điều kiện hơn, để mỗi người tự do trong khoảng trời riêng. Bỗng nửa đêm, chẳng hiểu vì mệt hay sao tôi lại khó ngủ, bỗng nhớ tới lời nó hơn chục năm về trước, tôi gõ thử vào bức tường rất nhẹ, phía bên kia, có những tiếng gõ lại thật êm, tôi bỗng yên tâm chìm vào giấc ngủ.




Lê Hứa Huyền Trân
HỘI VIÊN HỘI VHNT TỈNH BÌNH ĐỊNH
Mọi thư từ, phúc đáp nếu cần xin chuyển về địa chỉ:
HỘI VHNT TỈNH BÌNH ĐỊNH,  
103 PHAN BỘI CHÂU, THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH.

Email cá nhân : Phongtruongtu201@gmail.com

READ MORE - TIẾNG GÕ CỦA EM - Truyện ngắn của SONE