Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 4, 2014

THĂM LẠI CĂN VƯỜN CỦA MỘT NGƯỜI VỪA ĐI XA - Đỗ Trầm Tư

Đỗ Trầm Tư thăm lại vườn thơ văn của Cô giáo - Nhà thơ Thái Sao Mai 
nhân 49 ngày chị rời xa cõi tạm.




Những dấu chân ngày nào còn để lại trên con đường cát bụi một lần đi qua ... Hồi ức ngày tháng chiến tranh chia cắt đầy bi tráng. Nhớ lại cái phút giây được gặp Bác Hồ tại nơi đóng quân của người cha ... Rồi đến ngôi trường bên Thành Cổ cùng bao lớp học trò trong mưa nắng bão lụt của một thời khó khăn gian khổ không dễ gì quên được! Thời gian cứ qua đi, qua đi, màu xanh về theo sự hồi sinh, phát triển tươi hồng của cuộc sống chung quanh. Và Vầng trăng cổ tích, Hát mãi cùng em… Còn rất nhiều cỏ hoa, trăng sao, ong mật…trong căn vườn của một người vừa rời cõi tạm. Một vì sao rụng cuối trời! Qua từng trang viết, bài thơ, cô giáo Thái Sao Mai trang trải tâm hồn, tình cảm chân thành của mình trên các Tuyển tập Thơ Nhà Giáo (TNG), Đặc san trường THPT TX Quảng Trị (ĐS), Catxanh, blogtiengviet (CX), Violet (V), chúng ta gặp lại một thân hữu trân quý.

       QUA NHỮNG TRANG VĂN
Trước tiên, hãy đọc lại từng trang văn, qua đó sẽ thấy tái hiện hình ảnh của đất nước, quê hương, gia đình, trường học, thiên nhiên gần gũi thân quen mang đậm dấu ấn của người viết.
Dở lại trang hồi ký về thời niên thiếu ghi theo lời kể của người anh trai TLT đăng trên Catxanh blog, chúng ta cảm nhận niềm vui lớn lần đầu được gặp Bác :
Hồi ấy tôi lên 7. Tôi cùng mẹ lên thăm ba ở đơn vị. Ba tôi là bộ đội của Sư đoàn 325 bấy giờ đóng quân ở Bàu Tró Quảng Bình… Được chú Trân giúp đỡ, tôi và Lập nấp sau một tấm liếp và nhìn thấy Bác rất rõ. Chúng tôi nhìn nhau vui sướng và hồi hộp. Bỗng Bác hỏi: ở đây có cháu bé nào không ? Chúng tôi lo lắng đến nghẹt thở. Mọi người chưa kịp nói gì thì Bác đã tiếp: cho các cháu lên đây với Bác. Thế là tôi và Lập quên hết mọi chuyện cùng chạy đến bên Bác và không hiểu sao tôi lại ngồi gọn trong lòng Bác".
Trong bài tùy bút có tựa đề là Tha thiết một vùng quêgóp mặt cùng các đồng nghiệp ở Đặc san Mái Trường ấn hành năm 1992 nhân kỷ niệm 17 năm thành lập trường THPTTXQT,  mở đầu bằng lời kể tự nhiên: “Thuở bé, tôi không có may mắn được nghe câu hát à ơi của bà. Quê tôi có dòng sông Thạch Hãn, nhưng tôi lại ra đời và lớn lên trong câu hò bên bến Hiền Lương của mẹ. Đất nước chia cắt! Nỗi đau không chỉ của những người con miền Nam tập kết mà là vết thương luôn rỉ máu trong lòng mỗi người dân Việt Nam." Tấm lòng hướng về quê cha đất tổ đã sớm nảy nở trong tâm khảm của lớp trẻ, thuộc gia đình cán bộ tập kết ra Bắc lúc bấy giờ: “Từ đó, mỗi lần ra trước ngõ, nhặt cánh hoa phù dung rơi, tôi thường nhìn theo những đàn chim xa tít trên mây mà lòng mênh mông nỗi nhớ thương khao khát một miền quê, những mong được hóa thành một cánh chim trời". Tiếp đến, cha vào Nam chiến đấu, anh du học Liên Xô, chị tốt nghiệp y khoa tình nguyện lên đường theo cha nên tiếng gọi ra đi luôn thôi thúc trong lòng cho đến khi đất nước thống nhất chị đã được về quê, đứng giữa Thành Cổ còn lỗ chỗ rào gai, bom mìn… Sau đó chị nối tiếp thế hệ đi trước ươm mầm xanh “cho quê hương QT thương yêu." Trong những ngày tháng mới vào đời, những người cùng dạy học ở đây đều thấy hình ảnh sống thực của mình hiện ra trong trang viết của người bạn gái tâm huyết họ Thái: “Bước đầu khởi nghiệp của những người vừa mới hôm qua còn là sinh viên trên giảng đường đại học là buổi giảng bài trong căn phòng tranh tre nứa lá vách đất nhồi rơm, là những bữa cơm thực ra chỉ toàn sắn, là những buổi cuốc đất làm ruộng, thác phế liệu chiến tranh đắp đổi cuộc sống, là những đêm soạn bài bên ngọn đèn Hoa Kỳ tù mù, không phải lúc nào cũng đủ dầu để thắp. Bù lại, sự đồng cam cộng khổ đã gắn bó các thành viên tổ toán với nhau ..” (Gương mặt một tổ chuyên môn- ĐS-2005.)
Bài tản văn ngắn về Xương rồng trên CX. blog có thể xem như một bài thơ, từ hình ảnh, nhạc điệu ngân nga đi vào tâm thức người đọc, khơi gợi những suy niệm về vùng đất, con người cam chiu của quê nhà QT: “Tôi bước đi trong chiều tím quê nhà, đồi cát mênh mông chẳng hề hiu quạnh bởi những bụi xương rồng đang hé những chồi non… Mùi hăng hắc vờn trong gió nhẹ, nói lời của cây chẳng ngừng nghỉ bao giờ! Thân xương rồng là những phiến gồ ghề, lá rất lạ, kết thành chùm nhọn sắc. Chính vì thế, dù mọc trên đồi cát, cây vẫn giữ cho mình nguồn nhựa sống tràn đầy. Dáng cây lên cam chịu âm thầm, cành xanh thẳm vươn mình đón nắng… Cành xương rồng gảy xuống giấu niềm đau, cứ bền bỉ như tâm hồn của cát. Rồi sáng hè nắng lên bát ngát, đồi cát ngỡ ngàng bừng sáng một màu hoa."
Bên cạnh sự đồng cảm với cây cỏ thiên nhiên, Thái Sao Mai càng chứng tỏ tâm hồn nhạy bén, có chiều sâu khi cảm nhận thi ca. Sau khi đọc tác phẩm Gởi tình yêu - Gởi cuộc đời (GTY -GCĐ) của ĐTN – ĐàLạt, chị đã ghi lại những cảm xúc và suy nghĩ chân thành của mình: “Thế đấy, anh N ạ, đọc xong tập thơ: vui, buồn, suy ngẫm… tôi muốn được tâm sự với tác giả, nhưng tôi cũng ngần ngại… Nhưng tôi cũng không thể không đáp lại ,vì anh không biết tiếng hát tôi đang ở đâu? Tôi muốn được vụng về cùng anh là tôi có nghe được tiếng hát ấy, và tôi rất cám ơn anh , như cám ơn cuộc đời đã tình cờ cho tôi gặp tập thơ GTY –GCĐ như gặp lại một người bạn thân thiết tưởng chừng không gặp lại được nữa. Cám ơn anh vì anh đã nói hộ những điều mà hình như tôi đã ấp ủ từ lâu trong trái tim mình mà không sao cất thành lời; xin anh hãy tha thứ nếu như đây là một âm thanh không mong đợi đã bất ngờ lạc vào tiếng hát của anh… Điều tuyệt vời nhất, là độc giả đã gặp được một tâm hồn, và thấy được an ủi, không còn bơ vơ đơ độc giữa cuộc đời.” (Tiếng vọng tri âm- Mùa quỳ vàng- Đà Lat. 2000).
Trên blog Catxanh, chúng ta còn có dịp thưởng thức những ý tưởng đột hiện, tiểng reo vui thích thú khi nhận lời mời của con gái ra Hà Nội ăn Tết. Vì đây là nơi đầy ắp kỷ niệm với gia đình trong những lần tiễn đưa anh chị đi xa thời chiến tranh, chính là nơi đã trang bị kiến thức cần thiết cho hai con bay xa. Hơn nữa Tết Hà Nội để lại những ấn tượng đặc biệt đôi với chị: “Tạm biệt Hà Nội, tôi nhớ mãi mùi thơm của bánh chưng xanh đậm đà hương vị cổ truyền rất đặc trưng của HN, mang theo tiếng cười ấm áp của ngày đầu xuân và tất cả tình cảm mà bạn bè đã gửi gắm theo tôi trên suốt đường về. Ôi những người bạn của tôi, chính các bạn đã tô đậm thêm trong tôi tình yêu HN để tôi thấy HN càng trở nên gần gũi, thân thương biết bao !" (Hà Nội trong tôi).
Đối với học trò, cô giáo Sao Mai luôn là người nâng bước ân cần thương mến, động viên kịp thời cho nên khi nhận thư chúc mừng nhân ngày 20-11, cùng bài thơ Vầng trăng cổ tích cô đã hồi âm bằng những lời thư đầy xúc động : “Cô rất cảm động vì nhận được thư chúc mừng của em, một lá thư đầy tình cảm, em đã chọn bài thơ nối hộ lòng mình… Cô tự hào về em, đứa học trò của một vùng quê nghèo khó đã trưởng thành, đã đặt chân đến được một ngôi trường mà nhiều người trẻ tuổi từng mơ ước... Đọc thư em cô lại nhận ra còn có một vầng trăng nữa, vầng trăng vẫn sáng khi trời đẹp và cả những đêm mưa gió vầng trăng ấy sẽ ôm ấp soi sáng lòng ta trên con đường tiếp đến tương lai phải không em?" (CX. blog - Còn một vầng trăng nữa).

BƯỚC VÀO VƯỜN THƠ
Nếu cùng bước vào góc vườn thơ, chúng ta cũng sẽ có cơ duyên để thưởng thức những đóa hồng thơm tho, những hình ảnh và câu chữ tạo ra vang ngân thẫm mĩ trong tâm hồn người đọc.
Trong tuyển tập Thơ Nhà Giáo đã nói trên, có bài Về với Mẹ, thể hiện tấm lòng của người con khi về thăm mộ phần của mẹ trên đồi cát quê nhà Hải Quy. Con gái đã thầm thì cùng mẹ suốt đời chịu thương chịu khó nuôi lớn đàn con góp hương hoa cho đời. Một lời tri ân mẹ hiền.
Cồn trắng sương chiều con về thăm mẹ
Thương quá đỗi cánh hoa vằng lặng lẽ
Nép ven đồng hoa nhỏ bé trầm ngâm
Truông cát này in muôn vạn dấu chân
Dấu chân mẹ nắm cát nào gìn giữ?
Mẹ ơi! Suốt cuộc đời âm thầm lam lũ
Chắt chiu tháng ngày thành hương mật trong hoa."

Hãy đọc tiếp với bài thơ Nói với con", xuất hiện trên ĐS kỷ niêm 30 năm thành lập trường THPTTXQT, sau đó trên CX blog. Bài thơ gồm có 9 khổ, là lời dặn dò nhỏ nhẹ của người mẹ - cô giáo đối với những đứa con rất đỗi dấu yêu của mình. Mẹ gợi lại nơi ở ban đầu trong khu tập thể chật chội của trường, với biết bao thiếu thốn, gian khổ phải trãi qua từng ngày. Còn gì xúc động hơn khi ôn lại những đêm ngày, tháng năm ấu thơ giữa thời buổi khó quên ấy:
- “Con trở dậy trong tiếng gà gáy sáng
Tiếng lợn kêu, tiếng bếp lửa bập bùng
Ngọn đèn dầu tàn bên thùng bột sắn
Ba vớt rong về, cái lạnh buốt lưng.”
- “Mẹ tất tả bên gánh hàng rau muống
Chợ sớm về nhanh, lớp học còn chờ…”
- “Những lối nhỏ dấu đầy kỷ niệm
Sẽ ấm lòng con những chuyến đi xa."

Ôi ! lời dặn ân tình của người mẹ theo con trên mỗi chặng đường đời, tạo thêm niềm tin yêu và sức mạnh, vượt lên chướng ngại bước tới tương lai tươi sáng.
Bài thơ “Hát mãi cùng em" trước tiên là bài học đạo lí cho thế hệ trẻ đối với những người đã ngả xuống cho mảnh đất này:
Ta cùng nhau miệt mài trang sách -
Phải giành lại những tháng ngày đã mất
Và phải sống cả phần người đã khuất
Dẫu cơm sắn khoai, đèn vẫn sáng đêm dài.”

Hơn thế nữa, tinh thần lạc quan luôn được thắp sáng trong tâm hồn học sinh thân yêu, để học tập và lao động cho tương lai lập nghiệp tươi hồng:
- “Tay cầm bút, tay em thêm mơ ước
Thêu những sắc hồng cho mặt đất hôm nay
Viên gạch em làm đượm bao tình nghĩa
Cuộc sống bừng lên rạng rỡ từng ngày."

Còn nhiều câu thơ trong bài đáng trích dẫn, nhưng giờ đây chúng hãy theo chân cô giáo cùng các em đến với Chiều Thành Cổ, bài thơ được đăng vào tuyển tập Thơ Nhà Giáo (HN năm 2002).  Nhìn cỏ cây xanh tươi, sự hồi sinh của đất mẹ sau những tháng năm bom đạn hoang tàn, mạch trữ tình tuôn trào trong tâm hồn cô:
Tôi sẽ cùng em dạo ven bờ Thạch Hãn
Soi bong xuống dòng để thấy những ngày xưa
Sông vẫn mát trong như tấm lòng của mẹ
Chảy giữa lòng ta, chiều Thành Cổ trong ngần."

Sống trong căn vườn học đường quen thân gắn bó sáng chiều thanh binh yên vui đã tạo hứng cảm cho nhiều bài thơ Bên thềm lớp học, Mùa hạ sân trường, Mùa thu đến lớp, Trắng và xanh...

Trước tiên hãy đắm mình trong thế giới của hai màu: trắng-xanh giao hòa nên thơ:
Trang giấy trắng, lá bàng thì xanh
Khoảng trời xanh, áo học trò lại trắng…
Vẫn có con ong miệt mài chuyên chở
Phấn trắng đem về xây những ước mơ xanh “
                    (Trắng và xanh- ĐS - 2005 ).
Gần hơn nữa, đến bên thềm lớp học nghe giai điệu của nắng, hương tràm, lời giảng, đôi mắt học trò dệt thành không gian êm đềm, đó là niềm vui và hạnh phúc của những người trong không gian đầy bụi phấn:
Nắng tràn trên những hàng cây
Hương tràm vương vấn ngất ngây trước thềm.
Quyện vào lời giảng êm đềm
Bao đôi mắt, bấy nhiêu niềm khát khao."

Hai mùa có nhiều ý nghĩa đối với tuổi cắp sách đến trường, đó là mùa thu - khai giảng năm học và mùa hạ chia tay nghỉ hè. Thiên nhiên tạo ra sự đối lập trong lòng mỗi học sinh và cô thầy yêu nghề mến trẻ:
Thu đến thật rồi sao
Sân trường bừng nắng ấm
Bóng những tà áo trắng
Ngày tựu trường xôn xao." 
                        (Mùa thu đến trường)
Và : -“Tôi lặng bước trên hành lang lớp học
Không một tiếng cười, không một bước chân
Cửa phòng học lặng yên giấu kín những nỗi niềm
Sân trường vắng, phượng khẽ khàng thắp lửa."
                                 (Mùa hạ sân trường)

Cũng trên CX blog có một bài thơ tác giả Thái Sao Mai viêt tặng lớp 12 B trường trung học Nguyễn Hoàng năm học 68-69 (lớp của người bạn đời LTT) nhân cuộc họp mặt thân mật chị được mời tham dự, đã thông cảm sẻ chia chân tình:
- “Một phần ba thế kỷ lại gặp nhau
Tóc trên đầu đã có nhiều sợi bạc...
Bạn bè lâu rồi phiêu bạt
Bây giờ còn mất những ai …? “
-“Học trò Nguyễn Hoàng năm ấy
Cất cánh vào đời giữa bão táp phong ba
Vẫn mang trọn một khung trời kỷ niệm
Tình bạn nghĩa trường luôn chói sáng giữa lòng ta!”
                                 (Bên ngôi trường cũ)

Lang thang trong căn vườn của người làm thơ mang tên vì sao mọc ban sáng, trên blog Catxanh nhiều thân hữu đã bày tỏ cảm nhận yêu thích khi đọc bài thơ "Bất ngờ" được đăng tải lúc 23h 34 ngày 26/11/2010:
- “Xám ngày đông rét mướt
Chợ tan, tôi gặp một người
Nụ cười hồng trên môi
Ấm lòng tôi mãi không thôi...”
- "Và thế là hoa hồng trước sân đã nở
Đúng vào một buổi chiều mưa…"

Tôi xin mượn lời các anh chị trên blog nói lên cảm tưởng chân thành khi đọc xong bài thơ:
- “Một nụ cười sáng bừng khuôn mặt, một nụ hồng nở vội trong mưa. Chỉ một chút thôi, món quà của cuộc sống tạo được bao niềm vui và cảm hứng." (Tường Vi).
Bài thơ ngắn, cách thể hiện tinh tế, cảm xúc chân thành và thánh thiện đến mức trong veo" (Vũ Trọng Hòa). 
Có đôi khi ta đi vội vã quá nên không kịp nhận ra những nét đẹp bất ngờ của cuộc sống và bạn đã cho chúng tôi phút nghỉ ngơi êm đềm qua một chút bất ngờ …" (Minh Tuấn ).

Tôi muốn được nói thêm đôi điều về tín hiệu “Bất ngờ" mà người làm thơ đã gởi đến tất cả chúng ta như một thông điệp đầy tính nhân văn. Hãy luôn mở rộng lòng, đôi mắt nhìn bao dung, biết lắng nghe, trân trọng sẻ chia với mọi người quanh ta. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn thiết tha với cuộc sống - đối lập với sự vô cảm, vị kỷ, thờ ơ, lạnh lùng thường gặp đâu đó. Có được như thế chúng ta mới đồng cảm với vui buồn của cuộc thế. Tìm thấy niềm vui ở nét mặt, nụ cười tha nhân. Trong những câu chuyện kể về “người đã đi xa"  mà các thân hữu còn nhớ rõ, minh chứng cho tấm lòng chị luôn quan tâm giúp đỡ, sẻ chia với bà con bạn bè, học sinh cũ thật cảm động ...


Trước lúc bước ra khỏi căn vườn văn - thơ chứa đựng những tình cảm yêu thương gắn bó với quê hương, gia đình, học trò, lý tưởng sống cao đẹp, tâm hồn phong phú nhạy cảm đầy nhân ái của cô giáo, nhà thơ Thái Sao, xin thắp nén hương tưởng niệm 49 ngày chị rời xa cõi thế:

- “Tấm lòng lấp lánh Sao Khuê
Vô thường thổi tắt bốn bề tang thương!
Hỡi ơi! Hai ngả âm dương
Ngậm ngùi tiếc nhớ mười phương khói trầm!" 
                                        (Hồ Thị Tú Quỳnh)

ĐỖ TRẦM TƯ, TXQT























READ MORE - THĂM LẠI CĂN VƯỜN CỦA MỘT NGƯỜI VỪA ĐI XA - Đỗ Trầm Tư

Ký sự du tăng: THEO MÂY ĐI, CÙNG MÂY VỀ - Mặc Phương Tử

Tịnh xá Ngọc Gìang, Long Xuyên



1/- NHẬN DIỆN

Điểm xuất phát từ Tp. Long Xuyên,  bây giờ đã hơn 20 giờ ngày 7.02al năm Giáp ngọ (2014), tổng số trong đoàn Tham quan và Cứu trợ trên dưới 150 người, trong đó có 10 vị thầy, thầy G. Tín là trưởng đoàn. Xe đến xa lộ Nam Saigon hướng thẳng cầu Phú Mỹ trong khu vực Quận 7, Tp. HCM, tiếp tục băng qua ngả tư Cát Lái giao lộ mới tiếp giáp đoạn đến cầu vượt sông Đồng Nai đến Thị Trấn Long Thành, hướng về Bình Sơn để trổ ra ngả tư Dầu Dây, rồi trực thẳng Long Khánh, Phan Thiết.

Dọc theo quốc lộ 1, cận Thị xã Phan Thiết, trông những vườn Thanh Long rực sáng bởi đèn chong để hấp thụ hoa, kích thích mỗi nhánh mỗi hoa, mỗi hoa là mỗi trái, đây là sự phát minh rất tình cờ của người nông dân bản xứ nơi ấy. Đến Phan Rí Cửa, trời đã tờ mờ rựng sáng, trời hồng lấp ló cuối biển xa, mọi hình ảnh mua bán, sinh hoạt đều bắt đầu cho một ngày mới, thế nhưng trong xe thì còn nghe im ỉm, bởi phần nhiều còn níu lại giấc điệp trong đêm.

Đã hơn 7 giờ sáng rồi, bãi biển Cà Ná hiện dần phía trước, đối diện là điểm dừng chân rộng thoáng, lịch sự, đó là Quán Quê Hương. Mọi việc buổi sáng đều xong, phần đông mọi người đã ngồi vào bàn để chuẩn bị lót dạ buổi sáng.                                                                                                                                                                           Từ phía khán đài nhỏ vang ra những giọng trầm ấm truyền cảm, bởi những âm điệu tình tự, sắc màu quê hương. Không có sự kết thúc qua một định nghĩa nào về hai chữ quê hương, mà chỉ mang mang vô cùng trong muôn vàn ý tưởng của mỗi chúng ta. Lời nhạc có lúc lên vút cao, hòa tan trong sương khói mây ngàn gió núi, có lúc trải dài êm êm trầm buồn, hoài niệm nhớ thương da diết cả một thời dĩ vãng, để rồi thanh âm lẫn vào bao lớp bụi thời gian, thành một sức sống trong tim máu của từng lớp người đi qua, như những bản nhạc bất hủ mà chúng ta thường nghe, như ; Miền Trung quê hương tôi, Chuyến đò quê hương, Giả từ cố đô, Huế buồn, Thương về miền trung, Lá thư miền trung, Thương về xứ Nghệ, Một chút tâm tình người Hà tỉnh.v.v…

Tất cả đều toát ra một ý vị quê hương, không phải quê hương chỉ có miền trung, mà là cả ba miền đất nước. Vì đoàn đang đi trên phần đất miền trung, nên nói về quê hương miền trung. Nhưng thật ra, đâu cũng là máu thịt quê hương, đâu cũng là hơi thở nhịp tim của dân tộc. 

Chúng ta có thể ngầm hiểu rằng : Quê hương là một dòng ký ức được thấm đẩm sâu sắc trong máu tim của mỗi con người, nó luôn gắn liền từ tuổi thơ và có khi suốt cả cuộc đời, từ những hình ảnh núi sông, biển đảo, ruộng vườn, bờ cau, liếp chuối, lũy tre, phong tục, tập quán lễ nghi, đạo lý, nếp sống cần cù, chân chất, hiền lành trong sáng.v.v… Cho dù mỗi lúc xã hội có thể đổi thay phần nào qua sự hối hả tất bật, thực dụng của con người. Nhưng khí chất, ý vị muôn thuở của quê hương, quốc túy, quốc hồn dân tộc có bao giờ phai nhạt đổi thay !

Đoàn bắt đầu hướng về Tp. Nha Trang, giả từ Quán Quê Hương, và cả tiếng hát quê hương, xe chạy được một đổi xa, băng ghế phía sau có người định cư ở nước ngoài, họ cùng tham gia trong đoàn theo cuộc hành trình, thoáng nghe họ tấm tắt, ca tụng, khâm khen không ngớt bao cái đẹp, cái sạch cái hay đủ điều nơi xứ sở họ đang định cư, nơi những quốc gia có nền công nghiệp phát triển, và không ít lời phê phán cách sinh hoạt ứng xử, từ việc ăn, việc ở đến việc sạch đẹp môi sinh môi trường.v.v… Họ luôn dùng ngôn ngữ Việt mà nói với nhau như vậy.

Không bảo vệ gì những điểm khuyết trên, thế nhưng có điều ta phải thấy rằng : không phải xã hội ta lúc nào cũng vậy, ở đâu cũng vây, người nào cũng vậy. Khi một phương hướng, hay một định hướng chưa thật sự khả thi, chưa thật sự nhận diện, thì điều ấy vẫn còn là một quá trình.


2/- BÀN ĂN CỦA QUÍ THẦY

Từ điểm dừng chân tại bờ biển Cà Ná, còn nằm trong địa phận tỉnh Bình Thuận-Ninh Thuận, sau khi dùng sáng xong, đoàn tiếp tục cuộc hành trình hướng về Tp.Nha Trang, bấy giờ đã hơn 8g sáng. Tuy đã sáng rồi, nhưng suốt đêm qua mọi người hãy còn chập chờn trong giấc ngủ, nên xe chạy được một khoảng đường, phía sau nghe im lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng ngái của một vài người có sức ngủ tốt.

Thành phố Nha Trang bây giờ sầm uất hơn xưa nhiều, có những công ty như vừa mới hoàn thành xong công trình, hoặc đã đi vào sinh hoat, những qui hoạch khu dân cư có nơi còn đang thi công, những con đường mới tráng nhựa thẳng tắp, quán xá người mua bán lao xao.v.v…
Chùa Long Sơn, Nha Trang
Đoàn xe thẳng đến quán chay trong khuôn viên chùa Long Sơn (Thích Ca Phật Đài,Nha Trang), nơi đây có tượng Phật an tọa uy nghi từ trên đồi cao nhìn xuống thành phố, như để quan sát, lắng nghe sự sinh hoạt của muôn người bằng một nguồn từ tâm bất tận, “cụ nhất thiết công đức, từ nhãn thị chúng sanh…” (Người có đầy đủ những công đức lành, nên thường lấy con mắt từ bi mà nhìn chúng sanh…)

Trời đã đứng bóng, chúng tôi bước nhanh vào quán, thấy bàn giữa phía trong như đã tươm tất hình thức, nên không ngần ngại ngồi vào, tất cả 9 vị thầy, chợt một cô từ bàn điều hành bước đến và nói với chúng tôi rằng; thưa quí thầy, bàn nầy là bàn ăn của quí thầy ở Saigon đã đặt trước, nghe vậy, nên cả chúng tôi phải vời qua bàn ở bên. Liền theo đó, vị thầy trong đoàn đã liên hệ trước đây với chủ quán, bước vào và xác định đây là quí thầy từ Long Xuyên đã đặt cách đây mấy hôm, bấy giờ chúng tôi lại phải vời qua trở lại.

Ngồi dùng bửa cơm trưa, mà thầm nghĩ rằng : nơi đây và bây giờ là “bàn ăn của quí thầy”, nhưng khi chúng tôi rời khỏi chỗ nầy, nếu có quí cô, quí ni ở đâu đó cũng có liên hệ đặt bàn, thì khi ấy nó sẽ là bàn ăn của của quí cô, quí ni, rồi đến lượt quí ông, quí bà hay một nhóm người nào đó cũng liên hệ như thế, thì bàn ăn ấy sẽ là của… như thế !...

Cứ như vậy mà “của” từng chập thời gian đi tới, và rồi sẽ qua đi, như để đánh dấu cột móc vô thường tạm bợ, của từng khoảnh khắc cuốn trôi lặng lẽ theo dòng đời, “của” nó không dừng lại cho ai, và cũng không bất cứ một ai luôn được dành riêng cho mình một hình thức sở hữu (danh hay sắc) tồn tại mãi bao giờ ! Như hình ảnh “bàn ăn của quí thầy” vậy thôi …!


3.- TẮM BIỂN

Mới hơn 4g sáng, tiếng gỏ cửa phòng từ phía bên ngoài của mấy vị thầy trẻ gọi mời đi tắm biển, tiếp theo là nghe tiếng lẹp xẹp của nhiều người đi về phía đầu cầu thang.

Nhìn qua cửa sổ, thấy từng tốp người hối hả đi ra hướng biển, trời còn sớm, nên biển vẫn còn im, những cơn gió vẫn nhịp nhàng qua những cành dừa nghiêng bóng, thỉnh thoảng có một vài lượng sóng con tạt vào bờ cát mịn, lố nhố những người lặn hụp, nhảy sóng, trường cát, trông ra vẻ thích thú, hào hứng lắm.

Chúng tôi hỏi : tắm biển chi sớm vậy ? 
Mấy vị trả lời ngay ! Tốt lắm; nào là để xả stress, sóng biển có tác tụng như là massage nhẹ, nước biển có khả năng cung cấp oxy cho cơ thể, tắm biển để được cải thiện các hoạt động của mạch máu, ổn định nhịp tim, giảm huyết áp khi bị cao, tắm biển làm cho các cơ bắp được khỏe, giảm đau nhức các khớp bị tê thấp,.v.v… những lợi ích ấy do tắm biển.

Nhìn chung, tất cả những tác dụng ấy nhằm giúp ích cho cơ thể vật chất, đồng thời ít nhiều liên hệ đến đời sống tinh thần trong xã hội, nhứt là giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, trăm sự lo toan, trăm phần đối mặt, tất bật với bao chuyện áo cơm, nhà cửa, công danh sự nghiệp.

Thế nhưng, cuộc đời vốn là biển pháp mênh mông, tất cả từ nguồn tâm vô tận, mà các bậc thiện trí thức, các bậc Thánh đức, Hiền đức, cùng chư Phật, và Bồ tát đều tắm bằng ý thức để được giác ngộ, để được nhận ra sự vật hiện tượng “không ta, không của ta” để tâm được nhẹ nhàng cao trên trong sáng an vui của một tâm hồn.

Nếu như vị mặn của nước biển sẽ tạo ra nhiều năng lực cho cơ thể tiếp thu, để hóa giải những bịnh tật từ nơi thân cần phải được hóa giải, để đem lại cho một chiếc thân không bịnh. Cùng thế ấy, giáo pháp của Phật có năng lực giúp cho chúng ta tiêu trừ những ô uế nơi thân và tâm, không còn bị những trói buộc và phiền não, sạch bẩn bởi những tham-sân-si, không còn bị đọa lạc vào sự thống khổ. Đó chính là vị giải thoát.

Thiển nghĩ; không có bến hay bãi tắm nào đem lại hạnh phúc thật sự cho tự thân và tha nhân trong thế gian nầy, một khi chúng ta còn thấm mặn những bùn dục, những ý tưởng tầm cầu thường tình qua từng lớp sóng phàm tâm, cho dù có rắn khỏe thân thể nầy, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn vẫn còn chứa đầy những bịnh tật, gầy guộc ốm đau giữa những người bịnh hoạn, ta sống bị bịnh hoạn.

Chúng tôi chợt nhớ đến lời Phật dạy đến với Bà La Môn Sagarava, như sau :

... “Chánh pháp là ao hồ
Giới là bến nuớc tắm
Không cấu uế, trong sạch
Được Thiện nhân tán thán.
Là chỗ bậc có trí
Thường tắm trừ uế tạp
Khi tay chân trong sạch,
Họ qua bờ bên kia.”
                                                                          Kinh Tương Ưng I.

Như vậy, sự tắm rửa của mọi sự tắm rửa bằng ý thức trong sáng, lành mạnh, đem lại bình an cho mình và người và cho cả cuộc đời, vẫn là quí hơn mọi sự tắm rửa, là vượt thoát mọi sự tắm rửa…



4.- DU THUYỀN HẢI ĐẢO

Nắng đã rót vàng lên những cành dừa lả ngọn nghiêng mình bên bờ cát phẳng lì, hắt hiu những cơn gió mới mang về từ đỉnh núi xa, từ đại dương xanh biếc mù khơi, hơi biển và khí núi rừng hội tụ thanh trong tinh khôi thoáng đã lên màu thanh tân trời đất. Đoàn đã chuẩn bị đâu đó cho buổi sớm mai vừa xong, đến Bến cảng Cầu đá, tàu du lịch ra vào bến liên tục, khách du lịch chen chúc lên xuống đông đầy.

Cuộc du thuyền hải đảo bắt đầu, những con tàu rẽ sóng bạc trên mặt biển xanh, mỗi lúc tàu lẫn trong biển trời, xa khuất bến bờ, chỉ còn thấy màu mây khói trắng đục ở phía chân trời. 

Bãi Sỏi, Nha Trang
Bãi Sỏi là điểm dừng duy nhứt, nơi đây du khách ăn uống, giải trí, tắm cát, phơi nắng, hoặc nhìn ra xa biển trời cao rộng mà tư duy chiêm nghiệm.v.v… Tuy có sự ồn náo, nhưng những thanh âm dường như đã bị chìm vào giữa thinh không bao la, không đủ gây tiếng vang động giữa cõi vô cùng tận. 

Đoàn tiếp tục cuộc hành trình  ngang qua từng hòn còn lại như: Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Rơm, Bãi Tranh.v.v… Giữa cảnh trời nước mênh mông, với cây cỏ um tùm, những lối mòn lạnh dấu hoang sương, những tảng đá rêu phong xanh hồn theo năm tháng, không một bóng người. Cảm tưởng như một thế giới kỳ tuyệt rất bình yên, như bặt đi những dấu vết ký ức thời gian, như chưa hề có một ý tưởng nào chạm đến từ thuở cõi nguyên sơ. Thời gian thoáng qua, bến cảng hiện ra dần, kết thúc chuyến du hành hải đảo.

Thế nhưng, phải đâu chừng ấy cuộc du hành ! Một khi con người vẫn còn bôn ba ngược xuôi giữa muôn vạn nẻo đời gió bụi, lao xao của dòng tâm tưởng phàm tình, của bao bến đục trong sóng dựng đài mây nhơn ngã. Ta đâu có nghĩ rằng : du thuyền hải đảo là để lắng nghe, tận hưởng hơi thở của khí đất trời bình yên, để hòa vào tận nguồn sâu thẳm của tâm hồn, để toát ra bao ý vị muôn trùng diệu lạc.

Du thuyền hải đảo phải đâu chỉ thoáng chốc thời gian, mà chính là sự quán chiếu từng phút giây hiện tại, biết nhận diện nơi chính mình, năng lực ý thức giác ngộ của mình cũng chính là năng lực của Tam bảo. trở về nương tựa từng niệm tỉnh giác trong mỗi phút giây, là biết trở về với hải đảo tự thân, Đức Phật dạy : 

“Hãy tự làm hòn đảo
Tinh cần gấp, sáng suốt
Trừ cấu uế, thanh tịnh

Không trở lại sanh già.” PC.238.

(Còn tiếp)

Mặc Phương Tử

READ MORE - Ký sự du tăng: THEO MÂY ĐI, CÙNG MÂY VỀ - Mặc Phương Tử

KHÓC VỚI NHAU MỘT NGÀY - thơ Trần Hữu Khả

                            

                   
Để dành những cơn đau
Đón tin vui trở lại
Khóc với nhau một ngày
Vơi tận đáy trăm năm.


Cắt gọt từng giấc mơ
Về vừa lòng nắng sớm
Chút sân si vụng trộm
Hoá điên tự bao giờ.

           
Khóc với nhau một ngày
Rồi ta là xa lạ
Giọt nước mắt oan uổng
Thôi đành đoạn bỏ nhau.

               
Giật tung làn tóc rối
Gió gục ngã trên môi
Quặt què ngày ngủ muộn
Đêm tận tuyệt lâu rồi.

              
Thả trôi một lần hẹn
Đau dai dẵng lời nguyền
Lần nầy thôi đừng ngại
Sẽ quên nhau hồn nhiên

             
Xa thật xa...thật xa
Phấn hương lạ thuở nào
Quay mặt về bóng tối
Khóc với nhau một ngày.



Tác giả: Trần Hữu Khả
Sinh năm: 1961
Địa chỉ: K95/10 Bà Huyện Thanh Quan- Đà Nẵng
Nghề nghiệp: Tự do

Số ĐT: 0903507075
READ MORE - KHÓC VỚI NHAU MỘT NGÀY - thơ Trần Hữu Khả

NƠI CÓ CUỘC CHIA LY MANG MÀU HOA GẠO - thơ Phan Minh Châu

(Tặng quê hương của nhà thơ Nguyễn Mỹ 
tác giả của bài thơ CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ)




Trong góc khuất cuộc đời vẩn có những mùa xuân
Đang nhen nhóm theo cuộc đời của mẹ
Một cánh sao khuya, một vầng trăng lẻ
Bao tão tần mong nhúm một ngày mai
Sông nước hôm nay sáng những tượng đài
Sáng những niềm tin thời thiếu cơm khát áo
Sáng những câu thơ từ một cuộc chia ly mang màu hoa gạo
Cuộc chia ly sáng ngời không thể sáng hơn thêm
Một vùng quê khốn khó dã xanh hơn
Nay ruộng lúa ken bờ,mía phất cờ trẫy hội
Em đến lớp trong những màu áo mới
Tủm tỉm cười ôm khát vọng mùa xuân
Vài xã nghèo nằm ôm mấy nhánh sông
Nay bổng tượng hình đỏ da thắm thịt
Đứng trên dốc Quán Cau trập trùng nghe biễn hát
Dỏi khơi xa tiếng cá vọng về
Gió ân cần hôm sớm gọi quê…..
Chúng tôi đi bao năm rời đất mẹ
Mang trong lòng nỗi nhớ yêu thương
Nhớ những cầu tre,nhớ những con đường
Nhớ khao khát cái màu quê chân chất
Nhớ đau đáu cái màu quê chín mật
Đang mỗi ngày từng bước để đi lên
Là một huyện nghèo trăn trở ở vùng ven
Chúng tôi lớn lên bằng tấm lòng nhân hậu
Bát cơm có hôm nay
Phải đổi lấy từ mồ hôi nước mắt
Từ những con người bám đất để đi lên. 


PHAN MINH CHÂU
READ MORE - NƠI CÓ CUỘC CHIA LY MANG MÀU HOA GẠO - thơ Phan Minh Châu

RU KHÚC TÌNH XƯA - thơ Trúc Thanh Tâm





1.
Nhà thờ rớt lại tiếng chuông
Tóc em che khuất nỗi buồn trong ta
Áo dài ôm trọn dáng hoa
Tình ru điệu nhớ mây xa phía trời
Tự dưng đời bỗng tuyệt vời
Mỹ Tho đêm ấy bồi hồi sáng nay !

2.
Nắng vàng hôn nhẹ hàng cây
Ta ngồi xe ngựa một ngày không em
Cuối cùng xuống bến Thủ Thiêm
Cà phê đá bụi, phố nghiêng bóng dài
Chiếc solex đậu chờ ai
Giọt thời gian rụng chim bay cuối chiều !

3.
Ta về phố cũ đìu hiu
Em đâu, chỉ sóng lá reo trên cành
Thủ Thừa mây trắng trời xanh
Quên ta lạc giữa khúc quanh tình đời
Sau lưng bỗng có tiếng cười
Cám ơn trời đất, hai người còn nhau !

4.
Củ Chi bốn mươi năm sau
Tóc tơ ngày đó nghe đau điếng lòng
Mùa thi em bước theo chồng
Ân tình mắc cạn giữa dòng nhân duyên
Ngoài kia phố đã lên đèn
Nhớ em ta lại nghe thèm mưa xa !

5.
Sông Tiền nước đỏ phù sa
Long Hồ đò nhỏ ta qua miệt vườn
Em cười nheo mắt dễ thương
Bên nhau quên mất hoàng hôn lâu rồi
Trường xưa, Tống Phước Hiệp ơi
Trong ta đọng mãi một trời tiếng ve !

6.
Gió lùa cong mấy ngọn tre
Rủ nhau trốn kiếm, ra hè chơi u
Em thua khóc mắt sưng vù
Ta thương biết mấy tóc xù bảy ba
Bây giờ hai đứa chia xa
Con sông phía lở tình ta chẳng bồi !

 Tháng 4. 2014
TRÚC THANH TÂM

 ( Châu Đốc )
READ MORE - RU KHÚC TÌNH XƯA - thơ Trúc Thanh Tâm

KHÔNG CÓ EM - thơ Châu Thạch

 (Tặng Sương)       
                              

Không có em
Ai lay anh đêm khuya cơn ác mộng
Ly cà fê nào buổi sáng thơm ngon
Ai cho anh những đóa môi hôn
Trên chiếc má làn da dày năm tháng
Những đường cày thời gian dài trên trán
Bàn tay ai vuốt nhẹ yêu thương
Ai cùng anh bách bộ trên đường
Công viên mỗi sớm mai giờ thể dục
Ai nhắc nhở anh từng giờ, từng lúc
Uống thuốc trong ngày, giữ ấm khi đi
Nghĩa là anh được tất cả yêu vì
Được tất cả trong em một thiên đường hạnh phúc.

Không có em giữa cuộc đời thế tục
Anh biết đâu những hương vị ngọt ngào
Một thứ tình không có ở trên cao
Nơi thượng giới không còn nam hay nữ
Ở nơi đó anh có đầy mọi thứ
Nhưng thiếu em chăn chiếu cũng cô đơn
Nhưng thiếu em thì hoa lá tủi hờn
Đền sáng láng cũng như thành hoang phế
Ở nơi đó không ai ngồi kể lể
Chuyện cháu con, chuyện tiền bạc thiếu, thừa
Chuyện xóm làng, chuyện bè bạn đong đưa
Nghe thì chán, thiếu nghe thì nhớ.

Đêm ấm cúng lắng lòng trong hơi thở
Tiếng ngáy dài để biết có bên nhau
Ngày vào ra cũng có lúc lòng đau
Nhưng vết xước liền ngay khi nắng chiều chưa tắt.

Tạ ơn Chúa ngày xưa từ bụi đất
Thương A-Đam ngài tạo dựng Ê-Va
Để hôm nay con riêng có ngôi nhà
Hưởng hạnh phúc giữa dương trần tội lỗi
Mai đây con sẽ về nơi cứu rỗi
Trên trời cao không có chuyện vợ chồng
Thì Chúa ơi tình ấy có còn không?
Con buồn lắm nếu xa nàng muôn thuở! 
                                      Châu Thạch 





READ MORE - KHÔNG CÓ EM - thơ Châu Thạch