Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 17, 2016

TRĂNG RU ĐIỆU NHỚ - chùm thơ Trúc Thanh Tâm




Chùm thơ Trúc Thanh Tâm


TRĂNG RU ĐIỆU NHỚ

Gió đàn oằn ngọn tre cong
Cầu ngang qua xóm bão giông sập rồi
Cuối trời vạt nắng rong chơi
Bến xưa còn đó bóng người xưa đâu

Sông dài chở mấy bể dâu
Trang đời sót lại bao câu thệ nguyền
Còn gì để nhớ mà quên
Bởi đâu còn đất tổ tiên tìm về

Khói đồng bàng bạc hồn quê
Trong tay hạnh phúc cận kề mấy khi
Cái đau rồi sẽ qua đi
Cái chưa đau sớm muộn gì cũng đau

Phong trần tỉnh giấc chiêm bao
Biển khơi từng đợt sóng trào bờ xa
Trăng ru điệu nhớ đêm qua
Lệ nào chảy xuống lòng ta ngậm ngùi !

 TRÚC THANH TÂM

     
CÙNG EM NÓI CHUYỆN TRĂM NĂM

Từ trong tiếng vọng xa xăm
Cho mưa ướt đất nẩy mầm cây yêu
Ta đi qua bến sông chiều
Nghe con nước trở dạt bèo thở than

Đưa em về lũy tre làng
Bùi ngùi chỉ thấy bóng hoàng hôn rơi
Người thân theo đất đi rồi
Dường như đâu đó còn lời mẹ ru

Bướm vàng xa nhánh mù u
Gió đưa bụi cuốn mịt mù trời quê
Cố hương lạ lẫm nẻo về
Mấy mươi năm đó đủ tê tái lòng

Đời người chưa hết long đong
Mộng phù du chảy theo dòng trầm luân
Cùng em nói chuyện trăm năm
Chờ nhau đi tiếp cuộc thăng trầm nầy !

TRÚC THANH TÂM

        
 ĐỜI NHƯ GIỌT CÀ PHÊ

Đời buồn như giọt cà phê
Ngựa quen đường cũ, người mê muội hoài
Thân em bến nước mười hai
Kiếp ta trôi nổi nên hoài giang truân

Đời ai cũng có lỗi lầm
Đi mưa để ướt số phần công danh
Tóc dài trên phố áo xanh
Vẽ nên thời cuộc bức tranh muộn phiền

Đời còn gian dối đảo điên
Thời nay nhân cách người đem bán rồi
Dọc đường nhìn thấy nụ cười
Hóa ra ta nợ em rồi, nụ hôn

Đời chưa phân biệt oán, ơn
Nên sương khói phủ ngập hồn biển dâu
Trăm năm, mười thế kỷ, đau 
Sơn hà nguy biến trắng màu tóc ta !

TRÚC THANH TÂM
READ MORE - TRĂNG RU ĐIỆU NHỚ - chùm thơ Trúc Thanh Tâm

TÌNH SỬ DƯƠNG KINH - sử thi của Ngô Quang Khoát



Tác giả Ngô Quang Khoát


Ngô Quang Khoát

Tình Sử Dương Kinh
  (Sự tích Làng Cổ Đế Vương-Trà Phương Công chúa.)


                        I
Một chiều về đất Cổ Trai (1)
Lạc vào cổ tích quê tôi một thời
Để vương triều Mạc lâu rồi
Vẫn còn vang mãi trong lời hát ru

Chuyện rằng từ những ngày xưa
Đăng Dung (2) đánh cá chèo đò bến sông
Vui con nước lớn nước ròng
Làm chim sải cánh vẫy vùng nước non

Đồ Sơn trâu hội (3) mùa sen
Non ngàn bãi bể đua chen cùng về
Cắm sào đò gửi chân đê
Đăng Dung vội quẩy hai bề (thống) (4) nước trong

Bể nhỏ gửi ở Lão Phong (5)
Lớn đến Lê xá (6) tặng ông quan nghè (7)
Phạm Gia Mô (8) quan nhà Lê
Khen Đăng Dung khoẻ nhất quê biển này

Nhận làm nô bộc * liền tay
Kinh kỳ đô hộ tháng ngày ruổi rong

II
Gặp ngày hội vật Trà Phương (9)
Mấy đô tài trổ oai phong hơn người
Dừng chân quán nước sừơn đồi
Đăng Dung ướm thử ngỏ lời xin đua

Lão hàng nước tưởng chuyện đùa
Nghĩ tài mấy bậc dám đua chốn này
"Rằng đô nổi tiễng xưa nay
Đã ai thắng được ở đây bao giờ."

Đăng Dung cúi lạy rồi thưa
"Trai tài gặp hội, mây mưa gặp rồng
Lão rằng: "Thôi hãy gắng công
Nếu thắng lão nhận làm chồng con ta!"

Sân đình dậy tiếng hò la
Mấy đô sát khí bước ra sầm sầm
Đăng Dung đĩnh đạc lặng thầm
Chưa tàn khắc đã tay cầm bảng son
  
Dân làng chưa ngớt lời khen
Nhìn ra Dung đã chân chen hội làng
Không màng thứ hạng bạc vàng
Thày trò lại vội đăng đàng đế đô

III
Một ngày ở chốn cung vua
Đăng Dung gánh kiệu nươc (10) qua sân rồng
Nhà vua vui mắt ghé trông
Hỏi: "Người đâu thể thần đồng sức trai?"
Phạm Gia Mô vội cúi tâu:
"Gia nô khanh tuyển hội trâu quê nhà!"

Lần lần tháng lận năm qua
Gia nô Dung vẫn phận là gia nô
Gặp năm mưa thuận gió hoà
Triều đình mở hội vua ra kén tài
Đăng Dug sức khoẻ tuyệt vời
Một mình thắng được mười người như không
Chức Đô lực sỹ vua phong
Tuyển làm vệ sỹ hầu trong cung đình

Nước non loạn lạc điêu linh
Vua sai dẹp bẩy loạn binh sứ Đoài (11)

Lửa gươm luyện trí anh tài
Đăng Dung đánh dẹp trong ngoài bình an
Được phong trấn thủ (12) Sơn nam (13)
Chức Tả đô đốc (14) vẻ  vang oai hùng

IV                   
Việc quân được buổi thung dung (15)
Chạnh lòng nhớ hội Trà Phương năm nào
Nhớ hàng nước đã ghé vào
Nhớ lời lão hứa kết trao duyên tình
Vội sai song mã (16) kiệu đinh (17)
Đón nàng thôn nữ về dinh tỏ lòng

Trà Phương từ mãn hội làng
Con lão hàng nước bẽ bàng trúc mai
Nhớ ngày hội mở đua tài
Lão đã hứa gả người trai qua đàng

Nàng là Vũ thị Ngọc Toàn (18)
Tuổi hoa đang độ nồng nàn quỳnh giao (19)
  
Hương xuân mơn mởn má đào
Bỗng thành e ấp lời trao thẹn thùng

Đau lòng thay đoá phù dung
Chưa khoe hết thắm đã dùng dằng qua
Sen tàn cúc mới nở hoa (20)
Chưa có đông lạnh sao mà xuân sang
Mỏi mòn chờ mở hội làng
Đón người trai ấy lại sang đua tài

Ngày dài tháng cứ dằng dai
Ngượng ngùg gương lược, biếng cài Hoa trâm
Lời vàng từ đó lặng câm
Rằu ràu khuôn ngọc héo bầm liễu hoa

Đường thôn một buổi sáng loà
Ngựa hồng, võng lụa Lọng hoa rộn ràng
Lệnh truyền: "Thôn nữ Ngọc Toàn
Kiệu hoa (21) Xin đó rước nàng về cung
Sánh duyên cùng Mạc Đăng Dung
Bạc vàng gửi lại tạ công sinh thành!"

Ông tơ bà nguyệt cao xanh
Duyên trời sắp đặt rành rành … phải chăng! 
Tỏ lòng đức độ minh anh
Vua phong công chúa kết thành liên gia (22)


V
C an khôn dâu bể can qua
Vương triều Lê hoá ra ma quỷ rồi

Đăng Dung  quân giỏi tướng tài
Phế vua lợn (23), quỷ (24).Lên ngai bệ rồng
Lập vương triều Mạc oai hùng
Mở trang Quốc sử lẫy lừng công lao

Gái Trà Hoàng hậu ngôi cao
Mẫu nghi thiên hạ làm nao nức lòng

Ở ngôi nặng mối thâm tình
Trích ban ruộng đất dân mình làm ăn
Ấy là lộc nước phúc dân
Trăm năm sau vẫn trong ngần tiếng thơm

Trai rài làng Cổ: đế vương
Gái ngoan công chúa Trà Phương (từ) bấy (đến) giờ)



Kết

Trong cơn khói lửa mịt mù
Sáu nhăm năm  với cõi bờ rồng tiên
Ra công đãi sỹ chiêu hiền (25)
Giao thương công nghệ mọi miền mở mang
Rạng danh máu đỏ da vàng
Tây đông nức tiếng bắc nam quy về

Hoá thân vào cõi hư vô
Không, không sắc sắc ảo mờ khói hương
Tôn thờ trong chốn Phật *(26) đường
Cửa Thiên Phúc Tự (27) Trà Phương nặng tình

Vần soay con tạo gập ghềnh
Chuyện tình vua Mạc vẫn truyền sử xanh
Nổi chìm qua mấy trăm năm
Mà câu chuyện cũ vẫn đằm trang thơ
.....Chuyện rằng từ thủa ngày xưa... /.

             Kiến Thụy tháng 8 2004


 ***

Chú thích:
 *1-Cổ Trai: Làng Cổ Trai thuộc xã Ngũ Đoan H Kiến Thụy TP Hải Phòng -Quê hương Mạc Đăng Dung là trung tâm Dương Kinh xưa.
 *2- Đăng Dung: Mạc Đăng Dung Người Lập lên vương triều Mạc Thế kỷ16.
 *3-Hội trâu: Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn H P tổ chức vào 10 tháng 8 âm lịch.
 *4- Thống: cái bể đựng nước cổ đúc bằng xỉ vôi và nước đưòng, hình trụ, thể tích khoảng 1m3.
 *5- Lão Phong: làng thuộc xã Tân Phong h Kến Thụy.Hiện, nay vẫn còn cái thống nước ấy.
 *6- Lê Xá; Làng thuộc xã Tú Sơn h Kiến Thụy Xưa kia là một làng khoa bảng của Hải Phòng có 7 tiến sỹ nho học (chỉ sau làng Mộ Trạch Hải Dương).
 *7-  Nghè: một chức quan thời phong kiến.
 *8- Phạm Gia Mô: Người Làng Lê Xá là Quan Tể tướng của nhà Lê Sau Đã có công đưa Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lập ra vương triều Mạc, Được nhà Mạc phong tước Hải Quốc công.
 *9- Trà Phương: làng thuộc xã Thụy Hương h Kiến Thụy   Tp /  H-P.
 *10- Kiệu nước: hình trụ bằng sành dung tích khoảng 1m3.
 *11- Sứ Đoài: Vùng Sơn Tây, Hoà Bình.
*12-  Trấn thủ: chúc quan đứng đầu 1 trấn.
*13- Sơn Nam; Vùng Nam Định Ninh Bình.
*14-   Tả đô dốc: Chức quan cai quản quân đội của 1 đạo tương đương 1 binh chủng.
*15- Thung dung ý nhàn rỗi.
*16- Song mã: Loại xe kéo bằng 2 ngựa.
*17- Kiệu Đinh: Loại kiệu sang trọng của nhà quan này xưa.
*18- Vũ Thị Ngọc Toàn; Sau được phong là Thái Hoàng Thái Hậu. Hiện được thờ ở Đền Hoà Liễu xã Thuận thiên và chùa làng Trà Phương.
*19- Guỳnh giao là 2 loài cây trồng liền nhau làm cây cảnh, thường được ví như tình yêu nam nữ.
*20- Thơ Nguyễn Du.
*21- Kiệu hoa: loại kiệu cho cô dâu ngồi về nhà chồng trong ngày cưới.
*22- Liên gia; ý nói 2 gia đình thân thiết.
Vua Lê phong cho Ngọc Toàn là Công chúa.
Để nhận Mạc Đăng Dung là Phò mã nhằn giữ Mạc Đăng Dung  phò tá trung thành.
*23- 24 Triều Đình nhà Lê suy đồi  Lê Uy Mục.
ham mê tửu sắc,  hoang dâm cực độ, nhân dân gọi là vua lợn . Vua Lê Tương Dực độc ác  vô độ , coi mạng người như cỏ rác ...nhân dân gọi là vua quỷ.                                                               
*25- Đãi sỹ chiêu hiền: ý nói đối đãi tốt với kẻ sỹ, coi trọng hiền tài. 65 năm ở Thăg Long nhà Mạc đã mở 22 khoa thi Đình, lấy đỗ 484 tiến sỹ trong đó có 13 trạng nguyên như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Nhữ ...
*26- - Khi nhà mạc thất bại nhân dân vùng Dương Kinh đã tạc tượng Mạc Đăng Dung, Vũ thị Ngọc Toàn, Mạc Đôn Nhượng đưa vào  thờ ở các chùa như thờ Phật.
*27-  - Thiên Phúc Tự là chùa làng Trà Phương hiện trong cung Phật còn thờ 2 pho tượng: Mạc Đăng Dung và Vũ thị Ngọc Toàn... /.


Ngô Quang Khoát
nuidoisongda2015@gmail.com






READ MORE - TÌNH SỬ DƯƠNG KINH - sử thi của Ngô Quang Khoát

Thương Bàng Lá Đỏ - Thơ: Sĩ Chương - Nhạc: Huỳnh Văn Bích - Giọng ca: Thanh Yên

READ MORE - Thương Bàng Lá Đỏ - Thơ: Sĩ Chương - Nhạc: Huỳnh Văn Bích - Giọng ca: Thanh Yên

Thơ: Trương Thị Thanh Tâm - ĐÊM THU



Đêm Thu 

Con đường trãi nắng ban trưa 
Hàng cây ngã bóng, ai đưa anh về?
Bốn mươi năm đã lỗi thề 
Đò ngang lỡ chuyến, bên lề yêu đương 

Trăm năm mộng chẳng tròn vuông 
Tóc phai màu nắng, tình vương vấn hoài 
Mỹ Tho đêm ngắn hay dài 
Đèn chong dầu cạn, tháng ngày chờ mong 

Đêm thu khắc khoải trong lòng 
Cuộc tình như mớ bòng bong rối bời 
Nửa chừng sao bỏ cuộc chơi 
Cuốn theo dòng xoáy, cho đời buồn thêm 

Thu khuya trăng rụng bên thềm 
Ai còn ngơ ngẩn nhìn đêm khóc thầm 
Đâu đây vọng khúc nguyệt cầm 
Cung đàn ai oán, trăm năm lỗi thề!
         
Trương Thị Thanh Tâm                
Mỹ Tho


READ MORE - Thơ: Trương Thị Thanh Tâm - ĐÊM THU

NGƯỠNG CỬA YÊU THƯƠNG - thơ Phan Minh Châu

Tác giả Phan Minh Châu
NGƯỠNG CỬA YÊU THƯƠNG
(Tặng chị Hoài huyền Thanh)

Xong công việc nghĩa là xong bịnh tật
Ta lại về hong lại chút tình xưa
Thương bạn quá chưa một lần gặp mặt
Sao lòng ai trong suốt đến vô ngần
Bạn theo tôi cũng một ngày nổi gió
Tôi đi tìm kẻ chửa trái tim tôi
Ôi ngọn gió vô hình đang nổi loạn
Thổi vào ta trăm nỗi nhức cho đầy
Ta chợt lạ bởi nơi nào cũng lạ
Đất Sài Gòn đâu phải đất Nha Trang
Sáng Chợ Rẫy người đông như cánh kiến
Đừng mơ chi đâu đó chút hoa vàng
Ôi căn bịnh làm tim ta nhức nhối
Đường vào nam phải cấp cứu đôi lần
Ôi lá phổi ngươi là đồ tội lỗi
Sao giữa đường không chịu nói lời vui
Bạn lại đến mời ta về nhà bạn
Đường dẫu xa cũng một cuốc xe chiều
Hiếm có dịp may ra đời hoạn nạn
Mới thấy đời thêm một chút gian nan
Khu vườn nhỏ với những loài hoa nhỏ
Bạn yêu thương chăm chút chúng mỗi ngày
Gió lồng lộng vào ngôi nhà thánh thiện
Ta ngẫn người tìm lấy chút hương bay
Chỉ vài tiếng nữa thôi đành tạm biệt
Nỗi yêu thương ta thề cất trong lòng
Ôi tình bạn sáng như vầng trăng lạc

Buổi ta về đây đó có buồn không?

Phan Minh Châu
READ MORE - NGƯỠNG CỬA YÊU THƯƠNG - thơ Phan Minh Châu

SỚM THU, THU SỚM - THU BUỒN HAY VUI? - Bình thơ của Nguyễn Bàng


         


          SỚM THU, THU SỚM - THU BUỒN HAY VUI?

Đã mấy năm sống ở Sài Gòn với hai mùa: Mùa mưa và mùa khô, quanh năm ngày tháng nắng vàng rực rỡ, trong tôi dường như đã quên mất mùa thu và cũng quên cả các câu thơ về mùa thu đã thuộc bấy lâu thì bất chợt nhận được 2 bài thơ: Sớm Thu của nhà thơ Nguyễn Khôi và Thu Sớm của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến  làm tôi bật nhớ ra mùa thu đang về trên miền Bắc.
Mà cũng lạ, hai nhà thơ tuổi chú cháu này như một cặp đôi thi nhân luôn phối hợp nhịp nhàng với nhau. Mới gần đây khi nhà thơ tuổi cháu Đặng Xuân Xuyến đưa lên bài thơ Về Đi Em thì nhà thơ tuổi chú Nguyễn Khôi hưởng ứng ngay với bài Về Làm Chi Nữa, nói như nhà phê bình văn học Châu Thạch thì cả hai bài thơ “đều là tiếng gọi người về trong nỗi xót xa, đều là tâm trạng của những người có lòng khi thấy quê hương mỗi ngày mất đi bản sắc”. Hôm qua, ngày 15/08 nhà thơ tuổi chú đưa lên bài Sớm Thu
(http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2016/08/som-thu-tho-nguyen-khoi-ha-noi.html)
thì hôm nay 16/08 nhà thơ tuổi cháu hòa giọng luôn với bài Thu Sớm
(http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2016/08/thu-som-tho-ang-xuan-xuyen.html
một sáng tác được nâng niu cất giữ từ 15/09/2015. Cả hai bài thơ Thu này đều là những cảm xúc rất chân thật và rất đẹp của hai tâm hồn trước cảnh Thu về.
Mặc dù đang vào ngưỡng tuổi 80 nhưng trong Sớm Thu của nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, ta không thấy hình ảnh lá vàng khi mùa thu tới mà hầu hết các thi nhân Việt Nam từ cổ đến cận đại, từ cụ Tam nguyên Yên Đổ đến Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu đều ca ngợi:
                   Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
                   Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
                             (Nguyễn Khuyến)
                   Trận gió thu-phong rụng lá vàng
                   Lá bay hàng xóm lá bay san
                             (Tản Đà)
                   Con nai vàng ngơ-ngác
                   Đạp trên lá vàng khô
                             (LưuTrọng Lư)
                   Sắc trời trôi nhạt dưới khe
                   Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh-lùng
                             (Huy Cận)
                   Đây mùa thu tới mùa thu tới
                   Với aó mơ phai dệt lá vàng
                            (Xuân Diệu)
Mà với Nguyễn Khôi là cảnh Sớm Thu rất hiện đại: 
                   Sớm nay nghe hồn lành lạnh
                   Một trời sương trắng : ờ thu ,
                   Cao Tầng ánh sao lấp lánh
                   Ban công vẳng tiếng chim Cu
Có lành lạnh, có sương trắng nhưng không phải là cái lạnh, cái sương buồn mờ ảo trong thơ Tản Đà:
                   Gió thu hiu hắt,
                   Sương thu lạnh
                   Trăng thu bạch,
                   Khói thu xây thành.
Đó là cái lạnh cái sương trên cao tầng giữa thủ đô Hà Nội, khi đêm chưa tan hẳn, ánh sao còn lấp lánh và không hề tĩnh lặng bởi “vẳng tiếng chim Cu”. Nhưng tiếc thay, không phải là tiếng chim Cu trên không trung được ví như tiếng nhạc của đất trời ngợi ca sớm thu cho mọi người thưởng thức mà là tiếng chim Cu trong lồng treo trên ban công nhà ai đó:
                   Chim Cu nhốt lồng gọi bạn
                   Mơ về một cánh rừng xa
                   Nhốt lồng khác chi bị "hoạn"
                   Không còn được sướng mây mưa...
Tiếng kêu trong bức bối khắc khoải, ao ước được tung cánh về rừng của một kẻ đang bị giam cầm tù hãm.
Hơn một trăm năm trước, đứng trên mặt đất làng Bùi, nhà thơ Nguyễn Khuyến phải ngửa mặt lên mới thấy được:
                   Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Nay nhà thơ Nguyễn Khôi ở lưng trời cao ốc, chỉ cần giơ tay ra là nắm được mây trời. Nhưng thật phũ phàng đó không phải là đám mây xanh ngắt mà là một đám mây độc đến chết người:
                   Đón thu lưng trời cao ốc
                   Quờ tay định tóm đám mây
                   Mây đen chừng đầy khí độc
                   Tạt qua tối xẩm mặt mày...
Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến là cảnh thu đến sớm trên một làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bước chân thu sớm thật khẽ khàng tinh tế, nếu không có cảm quan nhậy bén thì không dễ nhận ra. Vì vậy, anh có cảm nhận Thu đã về rồi nhưng vẫn phải hỏi em: 
                  Em hỡi! Mùa thu đã đến chưa?                    
                  Có nghe se lạnh gió chuyển mùa?
                  Có nghe thoang thoảng thơm cốm mới?                                        
                   Có thấy nhà bên rúc rích cười?
Và bây giờ mới chắc chắn mùa Thu đã đến thật:
                   Em nhỉ. Mùa thu đến thật rồi
                   Sương chiều bảng lảng rắc muôn nơi
                   Diều ai dìu dặt chòng chành nắng
                   Vắt vẻo em cười. Ơ ... đã thu.
Có gió chuyển mùa se lạnh, có sương chiều bảng lảng, có con diều chòng chành nắng, có mùi hương cốm mới. Không có tiếng chim cu ngoài đồng kể cả tiếng chim cu trong lồng nhưng có tiếng cười rúc rích bên nhà hàng xóm trong đó có tiếng cười vắt vẻo đáng yêu của em! Một Thu Sớm thật thanh bình, thật đáng yêu.
Từ tháng Tám năm 1945, mùa Thu đối với người Việt Nam không còn là mùa thu của lá vàng rơi, mùa thu của “Con nai vàng ngơ ngác” hay mùa thu của “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” mà là mùa Thu Cách mạng đẹp hơn cả thiên nhiên vốn có:
                   Trời bỗng xanh hơn nắng chói lòa
Nhà thơ Thâm Tâm từ những “Chán ngán tình gia sầu ngất ngất/ Già teo thân thế hận mang mang”, đã gắn bó với cuộc đời mới trong khung cảnh “Mùa Thu Mới”:
                   Trái hồng trĩu xuống cây rơm
                   Sáng nay mùa cốm dậy thơm đầy làng
                   Lúa vươn thân hút ánh vàng
                   Nguồn tươi vống nở thu sang mát lành.
Nguyễn Đình Thi thì rất vui khi nêu sự so sánh hai  trạng thái cảm xúc của mình về mùa thu trước và mùa thu nay:
                   Mùa thu nay khác rồi
                   Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
                   Gió thổi rừng tre phấp phới
                   Trời thu thay áo mới
                   Trong biếc nói cười thiết tha
Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm,  mặc dầu đang chiến tranh, mùa thu cũng không bớt đẹp đi chút nào:
                    Sáng mát trong như sáng năm xưa
                   Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Sau giải phóng Điện Biên Phủ, đất nước mới hòa bình, nhà thi sĩ làm cách mạng và nhà cách mạng làm thơ Tố Hữu phơi phới hát ca giữa trời thu:
                   Ngẩng đầu lên: Trong sáng tuyệt trần
                   Tháng Tám mùa thu xanh thẳm
                   Mây nhởn nhơ bay
                   Hôm nay ngày đẹp lắm!
                   Mây của ta, trời thẳm của ta
                   Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa!
Sau khi nước nhà thống nhất, Đảng dẫn dắt dân ta đi vào đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập với khẩu hiệu: phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp thì hình ảnh Thu Sang của Hữu Thỉnh thật đẹp, đẹp tinh khôi, nhẹ nhàng và dịu êm duyên dáng, đẹp đến nỗi phải hàng năm phải cho học sinh lớp 9 học:
                   Sông được lúc dềnh dàng
                   Chim bắt đầu vội vã
                   Có đám mây mùa hạ
                   Vắt nửa mình sang thu
Dòng sông sang thu không còn chảy cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp mà êm ả lững lờ trôi như một con người đang trầm tư, suy ngẫm. Các loài chim chuẩn bị di cư về phương Nam tránh rét mới chỉ “bắt đầu vội vã”. Đám mây mùa hạ hãy còn, đẹp như một giải lụa vắt nửa mình sang thu” như sẻ chia cùng bạn. Thu Sang đúng là đẹp hơn thơ!
Đến nay, người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa…” Thì hình ảnh Sớm ThuThu Sớm trong bức tranh nhị bình trên của Nguyễn Khôi và Đặng Xuân Xuyến là Thu buồn hay vui?
Với bài thơ rất chân thực của Nguyễn Khôi thì câu trả lời đã khá rõ. Làm sao có thể vui được khi Chim Cu nhốt lồng gọi bạn / Mơ về một cánh rừng xa”. Làm sao vui được khi “Mây đen chừng đầy khí độc / Tạt qua tối xẩm mặt mày...”.  Và chính vì không vui được nên nhà thơ phải “Cúc vàng mua về cắm lọ” để ngắm và ngắm cúc vàng để mà:
                   Nhớ nhung lá đỏ cành Phong 
                   Thu vàng nước Nga rực rỡ
Buồn thay, ngồi trong Sớm Thu ở nhà mình trên Thủ đô nước mình, ngắm  Cúc vàng Việt Nam mình mà lại nhớ lá đỏ cành Phong, Thu vàng ở tận nước Nga xa xôi. Đã thế mà lòng vẫn bất yên vì lại nghe thấy:
                   Lũ đang cuộn sóng sông Hồng...
Sớm Thu nay buồn nên nhà thơ mơ mùa Xuân tới, hy vọng ở ngày mai cho  tuổi 80 của mình::               
                   Xuân tới 80 rồi nhỉ ?
                   Sớm nay qua nẻo thu sang
Và niềm hy vọng ấy khiến nhà thơ:
                   Ngắm hoa thấy lòng tươi trẻ
                   Chỉ e hoa thẹn bẽ bàng...
Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến, như trên đã nói, đó là một cảnh Thu rất đẹp: Có gió chuyển mùa se lạnh, có sương chiều bảng lảng, có con diều chòng chành nắng, có mùi hương cốm mới. Không có tiếng chim cu ngoài đồng kể cả tiếng chim cu trong lồng nhưng có tiếng cười rúc rích bên nhà hàng xóm trong đó có tiếng cười vắt vẻo đáng yêu của em!
Nhưng hẳn bạn đọc còn nhớ, nhà thơ họ Đặng đã từng kêu lên: Quê tôi nghèo lắm, Nghèo cả giấc mơ, nghèo đến xót xa cõi cõi lòng thì sao cái làng Đá của anh có một cảnh Thu Sớm đẹp và vui như vậy. Phải chăng cũng chỉ là giấc mơ thôi?
Tôi nói chỉ là giấc mơ thôi bởi như ai cũng biết Sài Gòn không có mùa thu nhưng lại có rất nhiều nhà thơ ca ngợi Thu Sài Gòn mà điển hình là nhà thơ nữ Nguyễn Thị Lệ Thanh đã sáng tác bài thơ "Trưng Vương, khung cửa mùa thu", và nhạc sĩ  Nam Lộc đã soạn thành một ca khúc ghi dấu những mối tình nhẹ nhàng, nỗi bâng khuâng, những xao xuyến của tuổi học trò:
     Tim em chưa chưa nghe rung qua một lần!
     Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
     Tình trần mong manh như lá me xanh 
     Ngơ ngác rơi nhanh
     Thu giăng heo may che bóng cây lạnh này
     Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày…
     Người mang cho em quen môi hôn ngọt mềm
     Tình cho tim em rung những đêm lạnh lùng…
     Nắng vấn vương nhẹ gót chân
     Trưng Vương vắng xa anh rồi
     Mùa thu đã qua một lần
     Chợt nghe bâng khuâng lá rơi đầy sân...
Và hàng trăm nhà thơ khác chưa thành danh với hàng trăm câu thơ như thế này:
        Sài Gòn Thu đã chớm sang
        Em đi qua phố dịu dàng như mơ
       Mùa Thu đẹp tựa vần thơ
       Tim anh xao xuyến đến giờ còn vương
Chả là giấc mơ mùa thu cho Sài Gòn đó sao?
Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến cũng chỉ là một giấc mơ như thế, cũng là hy vọng của anh về một Thu Sớm đẹp cho cái làng Đá quê hương của anh. Mà nói như Lỗ Tấn: "Đã là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư”.
Bởi thế, tôi trân trọng tất cả những giấc mơ đẹp, những hy vọng đẹp trong Sớm Thu của bác Nguyễn Khôi và Thu Sớm của nhà thơ Đặng Xuân  Xuyến.
Tôi thành thực cầu chúc cho hai nhà thơ:
Nhà thơ tuổi chú Nguyễn Khôi sẽ  luôn có những Sớm Thu với những giây phút “ngắm hoa thấy lòng tươi trẻ” và sẽ được mãi như câu thơ của Thế Lữ:
          Cùng với ánh quanh minh còn mãi.
          Cho người vui cảnh quên già.
Nhà thơ tuổi cháu Đặng Xuân Xuyến cùng làng Đá quê  anh sẽ có được đích thực những Thu Sớm đẹp với “Diều ai dìu dặt chòng chành nắng” và vui tươi với tiếng “Vắt vẻo em cười” đầy trong thôn xóm.

Sài Gòn Rằm tháng Bảy 2016
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn

READ MORE - SỚM THU, THU SỚM - THU BUỒN HAY VUI? - Bình thơ của Nguyễn Bàng