Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 8, 2013

ĐÊM NÚI SAM TINH KHIẾT - truyện ngắn Đỗ Phu

     
ĐỖ PHU

     Tên thật : Đỗ Văn Chẵn, sinh năm 1956.
     Quê Chợ Mới.
     Hội viên Hội Văn nghệ An Giang, công tác tại Hội Văn nghệ Châu Đốc.
     Hiện sinh sống tại Châu Đốc.
     Điện thoại : 0913 791153  
   

      

        "Em rất nhớ Núi Sam, một chiều thứ bảy ... "

        Hằng ngập ngừng qua điện thoại từ vùng đất xa xôi ở Tây bán cầu. Tùng buông điện thoại, nhìn xa xăm.Phía trước nhà một bông hồng rực rỡ nghiêng nghiêng dưới nắng chiều. Một bông hồng lẻ loi trong chậu hoa mà Tùng thường xuyên tưới tiêu. Bông đã nở và bông sẽ tàn nhưng nó đem lại sự tươi vui cho khung cảnh căn nhà vắng vẻ. Vợ Tùng đi dạy chưa về, bé Thu còn ở nhà trẻ chờ mẹ rước.
   
        Mới ba năm thôi mà như xưa lắm. Hồi còn làm việc chung cơ quan, Tùng nào để tâm đến tình cảm cô em gái mà bạn bè đặt cho là "Tiểu thư yểu điệu". Hằng trẻ hơn Tùng năm tuổi, làm văn thư ở cơ quan, hay bị anh chị trong văn phòng trêu ghẹo. Cô ăn mặc cũng rất "thời thượng" với áo cánh hoặc áo khóet cổ rộng, quần jean, thỉnh thỏang mang guốc... để tiếng kêu "lộp cộp: xé vào trái tim những chàng trai trẻ trung nơi công sở hay khách đến quan hệ công việc. Hàng ngày cô đến cơ quan bằng chiếc xe đạp mini màu xanh biển, trước giỏ lúc nào cũng có thực phẩm hay trái cây đem vào phòng mời bạn bè cùng ăn trong những giờ rảnh rỗi. khi thì ổ bánh mì, khi thì vài trái chuối hấp, vài trái mứt me, ổi, xơri...Thỉnh thoảng cô để trên bàn Tùng vài trái cam. Tùng biết cô muốn trêu mình những khi tức giận, nóng nảy với các đồng nghiệp khác mỗi lần họ thọc mạch cho là anh có bồ, mới hôm qua thấy chở cô A mà hôm nay chở cô B...Tùng cãi không lại đám bạn đành ậm ừ cho qua chuyện.Ừ, đành chịu thôi, Tùng không thích đem chuyện riêng ra bàn bạc để trêu đùa trước mặt Hằng dù anh vẫn xem cô như bạn gái có một chút" ấn tượng". Vì khi Tùng nhờ đánh máy một bản báo cáo hay gởi công văn cho một ngành nào thì Hằng đều làm rất nhanh, mặc dù còn nhiều hồ sơ, giấy tờ cần phải làm.

        Một lần, Thắng - anh bạn ở cơ quan khác đến liên hệ công tác rồi kiếm đủ cách để làm quen với Hằng, anh ta còn tặng cho Hằng cặp vé xem ca nhạc với chương trình hấp dẫn có nhiều"sao" nổi tiếng từ thành phố Hồ Chí Minh về biểu diễn. Ai cũng háo hức muốn đi xem để thưởng thức giọng hát quyến rũ và hớp hồn những bạn trẻ. Hằng chờ gần hết giờ làm việc, bước đến chỗ Tùng nói khẽ: "Anh Tùng ơi, anh có thích tiếng hát TT hong?" " Ờ, anh thích, anh có cả một album của ca sĩ này đó, anh nghe tới nghe lui hoài mà vẫn thích. Ôi, nó ngạt ngào êm ái như dòng sông quê hương mình. Có bài ca ngợi tình yêu rất thơ mộng nữa". "Vậy, tối nay mời anh đi xem ca sĩ TT hát nghe?"."Đi thì đi, nhưng chưa mua vé". "Em có vé nè!". Hằng chìa cho Tùng xem hai tấm vé mà Thắng đã tặng và cười hồn nhiên khi thấy Tùng gật đầu.

        Đêm biểu diễn của đoàn ca nhạc T.N rộn ràng, nhiều người chen lấn, gọi nhau í ới mua vé để vào xem. Đúng hẹn, Tùng đến cổng nhà văn hóa chờ Hằng. Tùng ngỡ ngàng khi thấy Hằng đến với bộ trang phục tươi trẻ, áo màu hồng, quần trắng, trên tay một túi xách mini,. chắc bên trong có bọc hạt dưa hay kẹo gì đây, Tùng nghĩ. Hằng vừa đến cổng thì Thắng cũng vừa trờ tới, anh chàng ăn mặc rất lịch sự và đon đả chào Hằng, mời Hằng đến quan kế bên uống nước một chút rồi vào xem biểu diễn. Hằng cười, nghiêng khuôn mặt trái xoan ửng hồng về phía Tùng."Ủa? Hằng đi với anh Tùng à! Mời anh đi uống nước nữa nghe?"."Ờ". Thắng ậm ờ mời Tùng vào quán nước. Trong quán, nhạc mở nhẹ, ba người ngồi im lặng thì Hằng lên tiếng" gần đến giờ mở màn, hằng xin phép đi nghe!". Thắng gật đầu, cô nắm tay Tùng kéo đứng dậy trong khi Thắng thì ngồi thừ ra. Đang xem, lúc nào Hằng cũng khuấy động, khi thì vỗ tay vẫy vẫy ca sĩ H, lúc thì khen ca sĩ M có mái tóc đẹp, bộ váy xinh. Tùng chỉ chú tâm theo dõi những tiếng hát vang vang nên không để ý cô bạn gái lấy khăn thấm nước mắt. "Sao vậy Hằng?". "Buồn quá, bài hát buồn quá, sao phải chia ly, sao phải xa nhau?..." Hằng khóc như thật, như là chuyện của mình. Tùng rụt rè cấm tay Hằng an ủi, cô mới chịu thôi nước mắt, lắng nghe vở kịch hài đang gây tiếng cười cho khán giả. Hằng để tay minh yên trong tay Tùng đến khi kết thúc chương trình.

        Từ đó,Tùng nghe trong lòng dấy lên những cảm xúc rất lạ, thấy vui khi gặp mặt nhau, thấy buồn khi Hằng nghỉ ốm, hoặc cô trò chuyện với người con trai khác.

        Công việc ở cơ quan cuối năm thật tất bật ai cũng tỏ vẻ mệt mỏi. Một hôm, thủ trưởng cho gọi Tùng đến giao anh lên kế hoạch tổ chức đi tham quan Núi Sam, nghỉ lại một đêm, hôm sau sẽ tiếp tục tham quan Hà Tiên... Tùng nhận lệnh và đi về họp anh em để phổ biến kế hoạch. Nghe xong ai nấy đều rất vui và phấn khởi.

       Đến Núi Sam gần ba giờ chiều, cả đoàn gần ba chục người dưới sự hướng dẫn của Tùng và người bạn trú ngụ nơi ấy. Đoàn đến tham quan Tây An cổ tự cổ kính trong khói hương trầm mặc, nhiều tương Phật, thập bát La Hán, ông thiện ông ác. Tùng nhìn về phí Hằng hỏi: "Cô có mệt không?". "Hỏng mệt, thấy lạ nữa, nè anh Tùng, sao lại có ông thiện ông ác vậy?"."Tại vì cái ác thì lúc nào cũng có, cần có cái thiện để gột rửa tội lỗi cho cuộc đời bớt đau khổ!". "Anh nói hay thiệt, nhưng em thích ông thiện hơn". "Ừ, mình nên làm nhiều điều thiện, bớt làm điều ác nghe... chịu hong?"."Ừ, chịu".

        Đoàn đi đến Miếu Bà chúa xứ, khách đến đây viếng rất đông. Cả đoàn đi vào chánh điện thắp hương. Tùng nhìn vào tượng Bà. Với gương mặt hiền từ và bao dung dường như Bà muốn ban phát những điều tốt lành cho mọi người đang chiêm bái và cầu khấn. Hằng đang khấn gì? Anh liếc mắt nhìn sang bờ môi hồng đang mấp máy điều gì đó, cô khấn cầu Bà trợ cho công tác tốt, sức khỏe dồi dào hay cho một mối tình bền vững và hạnh phúc? Hương khói bay lan tỏa làm mờ đi những gương mặt mệt nhọc vì đường xa, một niềm vui len vào mỗi người khi đến viếng ngôi miếu nguy nga và linh ứng này.

       Rời miếu, cả đoàn đến viếng lăng mộ Thoại Ngọc Hầu. Nhìn những bức tường xám nét rêu phong, phía trong là khu mộ của ông, hai vị phu nhân và những người tùy tùng làm lòng người xao xuyến. Hình ảnh những người đi mở cõi, đào kinh, đổ xương máu cho cuộc sống hàng vạn con cháu sau này dường như cũng đang phảng phất đâu đây. Để tri ân những người có công dựng nước thì thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ và làm đẹp hơn cho quê hương mình...Tùng và Hằng cắm vài nén hương để tưởng nhớ người xưa vì mảnh đất này mà nằm xuống.

       Đã năm giờ chiều, nắng nhạt dần, trên triền núi có hương khói bếp của những hàng quán, chim chóc cũng đang sãi cánh về tổ. Mọi người ngồi nghỉ chân trước lăng. Chưa tìm ra chỗ dùng cơm chiều và nơi nghỉ tối nay. Anh bạn của Tùng đề nghị đi một chút nữa sẽ sang chợ Vĩnh Phước rồi leo lên chùa cô Ba. Nơi này rộng và thoáng có thể nghỉ nhờ được. Tùng ái ngại vì đến núi non, chùa chiền lại bày cơm thịt sợ không phù hợp. Bạn của Tùng bảo không sao, sẽ dùng cơm ở hậu liêu, tối đến thỉ nghỉ ở nhà khách, nếu không đủ thì xin nghỉ trước điện thờ, nam nghỉ nhà trước, nữ nghỉ nhà sau, chịu hong?

       Cả đoàn lại kéo nhau đi theo sự hướng dẫn của bạn Tùng. Đi lên từng bậc thang đá núi, ai nấy đều thở hào hển nhưng nét mặt lúc nào cũng vui tươi. Tùng nhìn mọi người rồi động viên "Ráng lên, ráng lên". Có đoạn Tùng lên bậc thang cao rồi chìa tay nắm kéo các cô, các cháu, đến lượt Hằng, anh nắm thật lâu mới chịu buông ra. Cô vẫn để yên và nhỏen miệng cười. Vì sợ anh em trong đoàn trêu chọc nên anh nói với Hằng lên chùa trước để anh mang hộ những giò thức ăn lên dốc núi.

       Đến chùa, được sư cô trụ trì đồng ý cho đoàn nghỉ lại nên ai cũng rất vui. Sư cô bảo rằng nơi đây cũng thường đón nhiều khách đến tham quan Núi Sam rồi nghỉ lại để vãn cảnh chùa, tro đổi hàn huyên chuyện đạo chuyện đời. Nơi đây thật tĩnh lặng, không khí mát mẻ trong lành. Cả đoàn được nhà chùa thết đãi một bữa cơm chay đơn giản nhưng rất ngon.

        Màn đêm bắt đầu phủ xuống, từng cơn gió nhẹ phớt qua hàng cây trước cổng chùa, tiếng lá reo xào xạc, tiếng chim thi thỏang rúc rích trên cành cây đem đến cho mọi người một cảm giác thật lạ, thật sảng khóai sau một ngày leo núi. trông ai cũng tươi tỉnh hơn, đi dạo xung quanh và ngắn nhìn những mái nhà nằm xen lẫn trên những cánh đồng trải dài tít tắp, kia là rặng Thất sơn mờ ảo phía chân trời. sắp xếp cho mọi người ngả lưng. Tùng đến một phiến đá nằm chông chênh gần chùa ngồi hóng mát. Trên bầu trời một vài vì sao nhấp nháy, tiếng mõ, tiếng chuông xa xa vọng lại, sương núi là đà làm không khí trở nên se lạnh, nlàng Tùng lâng lâng. Bỗng, một tiếng gọi rất khẽ: "Anh Tùng cho em ngồi với". "Ủa! Hằng không chuẩn bị đi nghỉ à? Chà, mới đi xa có một bữa mà nhớ nhà rồi phải hong? Hay nhớ những cô bạn, nhớ quán kem, nhớ quán bán bún...". "Hỏng có đâu, em chưa buồn ngủ, anh níu tay cho em lên đấy với". Tùng nắm tay hằng kéo lên. Hai người ngồi bên nhau, mặt quay về nhìn dãy Thất sơn xa xa lòng lâng lâng. Hai tâm hồn đang mơ gì? Đang mơ về một mái ấm gia đình với những đứa con ngoan hiền, chàng làm việc ở cơ quan, nàng chuẩn bị những bữa cơm ngon chờ chàng, hai đứa về bên nội bên ngọai thăm bà con. Những cô gái ở quê tấm tắt khen hằng ngon, đẹp, dễ thương, khen Tùng có cô vợ đảm đang. Bất chợt Hằng quay sang tùng hỏi: "Đêm nay không có trăng hả anh?"."Có, trăng khuyết". Tùng chỉ về hướng ngôi chùa, có ánh trăng khuyết lẩn vào đám mây. Những hàng cây, những con đường, những vách núi hòa vào bóng đêm, chỉ có hai bóng người ngồi cheo leo trên bệ đá nghe đá thở hơi lạnh làm cho hai người xích gần nhau hơn. Tùng nghe bờ vai hằng run khẽ, hơi thở nhẹ nhàng với mái tóc mềm mại phả vào mặt anh mỗi khi có cơn gió thổi qua. Anh muốn chòang tay qua vai Hằng."Em lạnh hong?"."Em lạnh chút chút, nhưng hỏng sao, vì..."."Làm bộ hòai, mấy cô tiểu thư ít chịu sương chịu gió dễ bị cảm lắm! Thôi ngồi gần anh chút nữa cho ấm". Tùng muốn đốt lên ngọn lửa để sưởi ấm cho Hằng khi thấy cô em bé nhỏ mong manh trong chiếc áo cánh mỏng. Họ ngồi im lặng khá lâu rồi thì thầm kể chuyện cho nhau nghe đủ chuyện xa, chuyện gần, chuyên bạn bè trêu họ khi thấy họ đi với nhau vào quán kem, quán bún...

       Đêm đã khuya, tiếng con trùng bắt đầu trổi lên, sương mỗi lúc mỗi dày đặc. Tùng bảo hằng: "Thôi, em đi nghỉ đi, mai ta còn tham quan Hà Tiên nữa đọan đường khá xa."  Hằng đứng dậy: "Dạ, nếu mai em có ngủ quên, anh nhớ gọi em nha!" Tùng ngồi dậy chuẩn bị đưa Hằng xuống thì một làn hơi ấm phả vào má anh. Một nụ hôn bất ngờ. Hằng gởi cho anh với tấm lòng trong trẻo, tinh khiết... Anh ngẩn người và nghe lòng xao động vô cùng.

        Đêm Núi Sam tinh khiết đó giờ đây theo Hằng về nơi xa xôi. Cô theo gia đình định cư ở nước ngòai và chọn cho mình một tấm chồng tương xứng, có tương lai tươi sáng... Thỉnh thỏang Hằng điện về thăm anh, nhắc lại chuyện xưa, chuyện xa rồi mà vẫn sâu đậm ở mãi trong tâm hồn. Tùng cũng có lúc nhớ mênh mông, một nụ hôn đầu tiên người con gái tặng anh sẽ khó tìm lại như một nhà hiền triết đã nói: "Không ai tắm hai lần ở một dòng sông" Phải không cô gái đỏng đảnh ngày xưa?...

ĐỖ PHU

(Châu Đốc)






READ MORE - ĐÊM NÚI SAM TINH KHIẾT - truyện ngắn Đỗ Phu

Chùm thơ Nguyễn Ngọc Hưng - TẠ ƠN ĐỜI MỖI SỚM MAI - NGÀY YÊU THƯƠNG NHỚ MẸ - HƯƠNG CỐ LÝ

Trích từ thi phẩm
BÀI CA CON DẾ LỬA
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hưng
NXB Hội Nhà Văn, 2012













TẠ ƠN ĐỜI MỖI SỚM MAI

Người sống với người hay sống cùng cảm quan 
                                                      vô thường thực ảo
Những gì giả hợp rốt rồi giả tan
Thế giới trong mắt ta là hạt hay đối hạt
Sóng hay phản sóng cũng tương tàn

Tự xây ngục tự mở đường giải thoát
Nhân loại loay hoay trong vòng xoáy chính mình
Bởi tri kiến sai lầm cái tôi trùm vũ trụ
U minh này u minh nữa u minh…

Cây một chỗ chờ chim bay quên đậu
Quay phía nào trái đất cũng đứng yên
Lặng lẽ lên xe mặt trời nổ máy vọng tâm hướng về ba-la-mật(*)
Cuộc tìm tôi xa đến mức hão huyền

Giữa rỗng không bất chợt tiếng chim chuyền
Lơ lửng rơi cái giật mình nho nhỏ
Ta ngắm ta hay ta đang ngắm làn không khí mơ hồ 
                                                                        rung động gió
Mang âm hưởng một giai điệu cổ xưa cố vẫy vùng thoát
                                                                 thăm thẳm thâm u

Ngày đang sáng đêm sắp mù nay cuối hạ mai đầu thu
Hoàng hôn khép những bông sen dịu dàng rũ cánh
Bóng tối phủ màn đen lên mờ tỏ giấc mơ trăng vừa đủ lạnh
Để mỗi sớm mai cầm hoa đỏ nắng xanh hoan hỷ tạ ơn đời!
______________

(*) Ba-la-mật: Viết tắt của Ba-la-mật-đa, là cách phiên âm thuật ngữ tiếng Phạn pāramitā . Ba-la-mật được dịch nghĩa là Đáo bỉ ngạn, Độ vô cực, Độ, Sự cứu cánh. Cách dịch "sự cứu cánh" (chỗ tối hậu của sự việc) được nhiều người cho là đúng hơn cả.




NGÀY YÊU THƯƠNG NHỚ MẸ

Tăm tăm bóng mẹ cuối trời
Ba thập niên
Gió
Lá rơi ngập đường
Con ngồi trông nắng mà thương
Nghe mưa mà nhớ góc vườn quê xưa

Chiều nương sắn
Sớm nà dưa
Một tay vun xới cày bừa
Một tay
Ngược xuôi ăn bữa chạy ngày
Nhịp chày đơn độc
Cối xay mỏi mòn

Cho con êm giấc trăng tròn
Một mình mẹ gánh nắng non sương già
Hết lo gần lại lo xa
Mai cơm ai thổi
Mốt nhà ai chăm…

Cuối trời bóng mẹ tăm tăm
Khổ thân con một chỗ nằm nhớ suông
Mấy thương
Mấy xót
Mấy buồn
Cũng đành bấm bụng
Mệnh khuôn đúc rồi!

Hiu hiu gió thổi run đồi
Cỏ vàng chân mộ
Mây trôi sẫm trời
Hoa hồng ai nhận, mẹ ơi
Ngày yêu thương
Bỗng nghẹn lời yêu thương…



HƯƠNG CỐ LÝ

Không kịp gửi cho em một tẻo teo nào
Dù chỉ đơn sơ chùm bông bưởi rưng rưng trời cố lý
Hay một vài dải gió lơ ngơ cắp hương ổi đào thổi suông 
                                                                           qua vườn thị
Tí đỉnh gọi là thơm thảo quà quê

Không kịp gửi cho em cánh bướm rập rờn đôi lá cỏ ven đê
Vàng sót cọng rơm sau vụ gặt hè thu ngậy nắng
Giọt nước sông xanh ngấm phù sa đỏ nặng
Vẫn mê mải về xuôi nuôi nấng dưỡng chăm  
                                                       những xôi mật bãi bờ

Không kịp gửi cho em vài khẩu khói lam đôi chút sương mờ
Ngày ướp gió heo may đêm đẫm mùi hoa sữa
Câu thơ vội còn lửng lơ một nửa
Ngập ngừng tay chẳng dám trao tay

Không kịp gửi cho em ngay cả một lời say
Dăm tiếng ngọt dẫu men rượu mật đường ối a trời đất
Trăn trở lòng quê sá cày đang dở dang trở lật
Sẽ ra sao những hạt giống gieo nhằm giông tố bão bùng

Đã tơ tằm tơ nhện chi chi mà vương vấn lạ lùng
Ẩn hiện nhớ thương trong tất cả những vui buồn thân thuộc
Chiều cuối thu khắc khoải nổi chìm trong đục trong tiếng cuốc
Chưa kịp gửi gì em đã nhận gì đâu!

Tâm tư khổ qua này lặng lẽ xỏ thành xâu
Nỗi niềm cam thảo đây anh âm thầm kết chuỗi
Dòng năm tháng mải miết miên man trôi không đầu không cuối
Ai còn chín nhớ mười thương hương cố lý mơ về!


Nguyễn Ngọc Hưng



READ MORE - Chùm thơ Nguyễn Ngọc Hưng - TẠ ƠN ĐỜI MỖI SỚM MAI - NGÀY YÊU THƯƠNG NHỚ MẸ - HƯƠNG CỐ LÝ

Vĩnh Hoàng - họa chùm lục bát PHÍA SAU của Hoàng Văn Chẩm

Vĩnh Hoàng

TRƯỚC MẮT

Trước mắt nắng ấm tình xuân
Nhớ ngày chia cách, khóc thầm vẫy tay
Rượu hồng càng ngấm, càng cay
Mặn mà tình nghĩa chuốc say giấc nồng
Trước mắt khát nỗi chờ mong
Nay đà bên bế, bên bồng hết mơ.
     


 ĐỪNG TRAO LỜI HẸN

Xin đừng trao hẹn ngày sau
Tình duyên đã lỡ, nỗi đau rã rời
Tôi tìm một nửa của tôi
Mịt mờ sương phủ, dấu đời mất nhau
Hết rồi, mơ áo nàng dâu
Xe hoa lạc lối tìm đâu ngõ về
Bây giờ tóc trắng lê thê
Mà còn nối mộng nguyện thề ước mong.


 Vĩnh Hoàng
vinhhoang441@yahoo.com.vn
READ MORE - Vĩnh Hoàng - họa chùm lục bát PHÍA SAU của Hoàng Văn Chẩm

Chuyện vui: CHÀNG NÔNG DÂN VÀ CON VỊT CÒI - Nguyễn Hồng Trân

                           
                     

Đây là một câu chuyện thật ở vùng Vĩnh Linh, Quảng Trị thời kỳ năm 1955-1956. Hồi đó các phương tiện nghe nhìn rất hiếm hoi. Nhất là đối với dân chúng ở thôn quê chỉ được nghe tin tức hàng ngày qua đài truyền thanh của thôn, xã, thị trấn. Người nào, nhà nào khá thì có radio để nghe dài phát thanh. Thời bấy giờ ở miền Bắc Việt Nam chưa có vô tuyến truyền hình. Do đó, các đội chiếu bóng lưu động về phục vụ cho đồng bào ở nông thôn là rất có giá, rất hấp dẫn đối với dân. Mỗi lần thấy đoàn chiếu bóng về làng, về xã, dựng màn hình trên sân đình hoặc bãi cỏ thì không khí rộn ràng vui tươi hẳn lên khắp thôn xóm, làng quê. Nhất là khi có tiếng loa thông báo của đoàn chiếu bóng về phục vụ cho nhân dân các bộ phim tài liệu, phim chuyện sẽ chiếu đêm nay thì ai cũng phấn khởi. Thế là mọi người sung sướng và tính liệu chiều đi làm về sớm để nấu cơm ăn cho kịp đến nơi xem chiếu bóng.

Nhân dịp sắp đến cái Tết Đoan Ngọ 5-5 âm lịch, Anh Trần Lê Tôn, một nông dân vui tính đã khẩn trương lo chuyện bắt một số vịt đến tuổi xuất chuồng ra khỏi ao hồ đem lên chợ Huyện bán cho kịp thời để tối còn kịp về xem chiếu bóng. Lên đến chợ huyện, anh thấy cũng có rất nhiều người đi bán vịt như anh. Các lồng vịt của những người khác thấy toàn vịt béo, vịt đẹp hơn vịt của nhà anh. Thấy vậy, anh cũng lo cho lồng vịt gần 20 con của anh không biết hôm nay họ có mua được hết không? Vì thế anh rất vui vẻ với khách hàng, chào mời ngon ngọt đê lấy lòng khách:

“Xin mời bà con mua vịt của tôi, loại vịt sạch ở ao hồ, vườn ruộng nhà, loại vịt cỏ thịt thơm ngon, ăn rất bổ thận, mát gan, mát huyết, ăn ngậm mà nghe, ngon lắm! Đến mua cho em đi, ơi bà con đi chợ!”.

Việc quảng cáo hàng của anh nông dân vui tính này làm cho mấy cô bán hàng xung quanh và người đi chợ cũng bật cười. Thế rồi người ta cũng mua cho anh gần hết lồng vịt. Đến chiều gần tắt mặt trời, lồng vịt của anh chỉ còn một con vịt còi chẳng ai thèm mua cả. Vì nó vừa nhỏ vừa gầy gò, cổ nó dài thòng. Anh chờ lâu cũng không ai mua nữa. Anh nói với con vịt còi:

“À ra mi là con vịt còi mà có mạng sống cũng cao đó. Ngày hôm nay, ngày mai mi không bị tử hình là phúc cho mi rồi đó! Trời tha cho mi và mi có duyên lại về sống với nhà tao thêm một thời gian nữa. Thôi tao không cần bán mi nữa, tao đem về giao lại cho bà xã tao nuôi mi cho mau lớn. Sướng chưa con!”.

Anh Tôn nói xong và cười ha hả, làm mọi người xung quang cũng cười theo. Anh vội vàng đi mua gói xôi lạc vừa đi vừa ăn để kịp ghé vào bãi xem chiếu bóng. Đến bãi chiếu bóng, thấy bà con đã đông đúc ngồi vào rồi nhưng chưa đến giờ chiếu. Anh vội vàng bỏ lồng vịt có con vịt còi trong lồng rồi nói với người soát vé ở cổng:

-Cho tui gửi anh cái lồng có con vịt còi này nhé.

-Ồ, không được đâu, tôi không giữ của cho anh đâu. Vả lại khi người ta đang xem chiếu bóng mà vịt nó rống lên ồn ào thì người ta mắng chết. 

-Thôi được, tôi bắt nó đi theo tôi và lo giữ chặt cổ  nó không cho nó kêu rống lên đâu.

-Người ta thấy anh xách con vịt vào là Đội trật tự bãi chiếu sẽ đuổi anh ra ngay.

-Tôi có  cách của tôi, họ sẽ không thấy đâu.

Nói xong, anh Tôn sáng kiến mở hàng cúc quần anh đang mặc rồi nhét con vịt còi vào trong quần và cài cúc lại. Một tay anh xỏ vào túi quần cố giữ chặt thân con vịt. Sau đó anh lẻn nhanh vào phía còn hở chỗ trống và liền đặt đôi dép, ngồi xuống ngay.

Buổi chiếu bóng diễn ra yên ổn. Mọi người chăm chú nghe thuyết minh.Ngồi xem lâu, anh Tồn sợ con vịt còi chết ngạt, nên anh mở hết cúc quần và kéo đầu cổ con vịt ra ngoài cho nó thở. Con vịt lúc này chắc là sung sướng được ông chủ chiếu cố cho thư giãn. Nó cứ mở to mắt và cứ đưa cái đầu nhói tới, rụt lui, xoay qua, xoay lại rất tự nhiên.

Ngồi phía trước anh Tồn có hai cô thanh niên đang vừa xem, vừa bóc lạc luộc ra ăn nhóp nhép và thải vỏ ra phía dưới chân. Con vịt còi tưởng bở liền vói cổ dài ra đớp đớp vào mấy vỏ lạc, húc húc mỏ vào đít hai cô gái. Hai cô dật mình nhìn lui trong bóng tối thấy người đàn ông và phía dưới có một cái gì dài dài cử động cứ thúc vào đít các cô. Hai cô hoảng quá, nhưng không dám kêu lên mà liền ngồi dịch ra xa. Anh Tôn liền cầm cổ con vịt còi nhét vào lại trong quần rồi như nói nhỏ với con vịt:

“Tao cho mi ra thở giải lao thế là đủ rồi, mi còn muốn thăm dò mông đít của hai cô gái đó nữa thì bậy quá! Làm tao phải mang tiếng với hai cô là cứ tưởng con vịt giống của tao xông ra quấy rối các cô...”.

Khi tan buổi chiếu bóng, đèn bật sáng lên toàn bãi, mọi người đứng dậy ra về. Hai cô gái nhìn lui người đàn ông lúc nãy ngồi phía sau họ xem là ai, người lạ hay quen? Họ cứ đi theo anh Tồn ra cổng và theo rõi. Anh Tồn đến gần chiếc lồng vịt, rồi mở hết cúc quần lôi con vịt còi ra ngắm một lúc rồi nói to lên: “Vịt còi ơi là vịt còi của tao ơi! Mi được vào xem chiếu bóng, được biết mùi các cô gái, mi ngoan mi không kêu lên để họ khỏi đuổi tao ra khỏi bãi, nhưng nếu mi kêu lên thì hai cô gái sẽ không nghĩ xấu cho tao. Nói xong, anh Tồn bỏ con vịt vào lồng đem về nhà. Lúc đó hai cô gái mới biết rõ chuyện cái gì thúc thúc vào đít hai cô khi đang xem chiếu bóng và ăn lạc luộc, chính là con vịt còi của anh ta. Hai cô dọc đường về mà cứ buồn cười cho anh chàng bán vịt.

Anh Tồn về  nhà cũng kể lại cho vợ con nghe chuyện con vịt còi của nhà anh. Cả nhà anh ai cũng cười dòn tan vui vẻ.

                                                      NHT


                                   Viết từ Quảng Trị năm 2010
READ MORE - Chuyện vui: CHÀNG NÔNG DÂN VÀ CON VỊT CÒI - Nguyễn Hồng Trân

BÊN BỜ SÔNG DỊCH - thơ Thế Lộc



Tôi nghe đâu đó lời trăn trở
Như của Kinh Kha bỏ cuộc chơi
Sóng nước lao xao bờ Dịch thủy
Ngàn năm biệt vọng một phương trời
Kinh Kha hề
Kinh Kha hề
Mây Tần che khuất nẻo sơn khê
Người vào ngọa Hổ tàng Long ấy
Còn có thầm mong một chuyến về!...
Réo rắc cung thương Cao Tiệm Ly
Điệu đàn biến thủy sầu ai bi
Vỗ con chủy thủ Kinh Kha hát
"Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn " (*)
Nghe sao não nuột tận tâm cang
Người đi không có ngày trở lại
Hờ hững Dịch giang sóng cuộn tràn.

08.06.2013

THẾ LỘC

(*) Thái tử Đan nước Yên cùng tân khách mặc áo trắng tiển đưa Kinh Kha sang bờ sông Dịch. Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, Kinh Kha theo nhịp ứng khẩu hát điệu biến thủy (Cung, Thương, Giốc , Chủy, Vũ)
" Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn "
" Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn "
   Dịch :
" Gió hiu hiu hề sông Dịch lạnh ghê "
" Tráng sĩ ra đi hề, không còn trở lại " .
READ MORE - BÊN BỜ SÔNG DỊCH - thơ Thế Lộc