Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 1, 2013

THÂM TÌNH - thơ Trúc Thanh Tâm



              Nhìn đi em, nhìn trong mắt anh thật kỹ
           Tìm chút gì yên bình lứa tuổi chúng ta
           Khi cuộc sống còn khó khăn, lận đận
           Khi thân tình mỗi lúc cứ rời xa  !


           Anh băn khoăn trong tự do, hạnh phúc
           Bởi mỗi người, sự ý thức chưa cao
           Khi xã hội sự công bằng đang vươn dậy
           Nên con người còn mánh khóe với nhau  !

           Vì thế nên, em hãy còn nghĩ đến
           Những đua chen và dối trá cuộc đời
           Những kiến thức và tầm cao khoa học
           Nên nhớ rằng, tiếng Việt vẫn lên ngôi !

           Nhìn đi em, nhìn trong mắt anh thật kỹ
           Tìm chút gì âu yếm của ngày xưa
           Em thấy không, trong mắt con thật sáng
           Nét ngây thơ không một chút ganh đua  !

           Hãy ru ngủ con chúng mình yên tĩnh
           Dù tháng ngày gian khổ vẫn chưa nguôi
           Những đêm hôm, giật mình không yên giấc
           Em hãy ru con cho ấm mãi nụ cười
           Khi tuổi thơ chưa chút gì tội lỗi
           Chưa biết buồn và chưa biết thù ai  !

           Con trai mình, em nên nói điều cần nói
           Những đói nghèo,những tủi nhục, đắng cay
           Những đấu tranh, những hy sinh cao quý
           Vì quê hương mà xem nhẹ hình hài
           Bởi xương, máu là linh hồn tổ quốc
           Cho bây giờ và mãi mãi tương lai  !

           Em dạy con với những ngôn từ thâm thúy
           Duyên dáng, dịu dàng phận gái như em
           Sự thủy chung là thước đo cuộc sống
           Đức và tài luôn ghi khắc vào tim
           Để mai kia, khi làm dâu, làm vợ
           Trọn đạo bên chồng và trọn nghĩa thiêng liêng  !

           Nhìn  đi em, nhìn trong mắt anh thật kỹ
           Tìm lại những gì yên ấm xa xưa
           Khi cả đời anh thật nhiều trôi nổi
           Mang kiếp người và mang cả ganh đua
           Nên anh muốn con chúng mình phải hiểu
           Biết thế nào từng hoàn cảnh thắng, thua  !

           Bằng tất cả những thâm tình anh viết
           Đời chúng mình và xã hội bon chen
           Cho những con mình mai nầy khôn lớn
           Biết làm người phải biết sống cho quê hương !

          TRÚC THANH TÂM
          (Châu Đốc)
READ MORE - THÂM TÌNH - thơ Trúc Thanh Tâm

BÁC HỒ - thơ Nguyễn Thanh Xuân



Ngày hai tháng chín năm bốn lăm (2-9-1945)
Hồ Chí Minh, tên Người vang trên bầu trời Việt Nam
Các bác già gọi Cụ, lớp trẻ chúng tôi gọi Bác
Không ai nghĩ gì khác

Bốn thế hệ đã qua
Trong chúng ta
Không gọi Ngài, chưa ai gọi Cố,
Khi gọi Cụ, khi gọi Người, có lúc gọi Cha
Hòa trong đó: “Bác” như điệp khúc bài ca mát rượi

Không trưng cầu dân ý,
Không biểu quyết giơ tay trái phải
Và “Bậc Bác” đi vào huyền thoại
Đi vào tâm linh đi vào chân lý
Mãi sau này không chỉ hôm nay.

NGUYỄN THANH XUÂN
Hà Nội
nhuxuan29@gmail.com
READ MORE - BÁC HỒ - thơ Nguyễn Thanh Xuân

MỘT BỨC THƯ TÌNH CÒN RƠI LẠI TRONG TÔI - Hồi ký Nguyễn Hồng Trân


  
NGUYỄN HỒNG TRÂN
  

Trích Hồi ký “DÒNG ĐỜI TÔI” (chương 4 “Chặng đường du học nước ngoài).

 Hàng năm vào dịp nghỉ hè, tôi rất chịu khó đi du ngoạn nhiều nơi trên đất bạn và hiểu biết được nhiều điều thú vị. Thế là tôi cũng thực hiện được nhiều mơ ước của tôi hồi ở Hà Nội.  

Cũng có nhiều bạn VN được phân phiếu cho đi du lịch hay đi nghỉ an dưỡng trong dịp hè hoặc đông, nhưng các bạn đó không đi mà bán lại phiếu nghỉ dưỡng cho người khác dùng.  Vì họ muốn giành thời gian đó đi lao động kiếm tiền mua các thứ gửi về cho gia đình, vợ con. Một số người cũng tiết kiệm tối đa để khi về nhà có chút ít đồng tiêu pha đỡ khổ. Nếu tôi có vợ con ở nhà thì tôi cũng thế. Nhưng nay tôi đã ngoài 30 rồi mà vẫn chưa có gia đình, vẫn còn cô đơn và đang đi du học. Nhiều lúc tôi nghĩ mà buồn cho số phận tình duyên của mình. Thế rồi những lúc rỗi, tôi tranh thủ biên thư về nước thăm gia đình, bà con, bạn bè... Tiếc rằng tôi vẫn chưa có vợ con để chăm biên thư cho thỏa lòng mong nhớ. Lần nầy tôi cảm thấy buồn buồn rồi lại nhớ tới người yêu cũ với chuyện tình duyên không thành, tôi liền biên thư cho Nguyễn thị Đào Nguyên nhân ngày 8-3 năm 1971 và trong thư tôi cũng chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe và công việc, thế thôi. Tôi không dám tâm sự gì nhiều, vì biết em đã lấy chồng và anh ấy đang đi bộ đội. Sau gần một tháng, tôi nhận được thư của Nguyên. Bức thư đã viết:

Thái Nguyên ngày 1-4-1971

Anh Trân yêu thương (không còn của em nữa)!

Quá lâu rồi anh nhỉ !  Hôm nay em mới nhận được tin anh. Em vui mừng biết dường nào !

Em tưởng anh quên em rồi! Anh đã giận em và không bao giờ biên thư cho em nữa phải không? Em có lỗi với anh nhiều lắm! Anh cứ ghét em đi! Em tệ bạc lắm phải không anh? Ngay cả lúc anh rời Hà Nội ra đi du học, em có nghe tin và biết ngày giờ anh lên đường mà em vẫn không về Hà Nội tiễn anh được. Chiều hôm đó anh có mong em không ? Thôi mong làm gì anh ! Chúng ta đã không có cơ duyên với nhau cũng là số phận. Nhiều đêm em không ngủ được, cứ muốn lùi lại thời gian để hồi nhớ những kỷ niệm đẹp đẽ một thời ở Hà Nội về mối tình đầu của chúng ta. Để rồi nhớ nhung, lưu luyến; để rồi kỷ niệm mãi mãi trong lòng! ...

Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi. Bây giờ em đã có gia đình, con cái, nhưng anh vẫn cô đơn nơi đất khách quê người. Em thương anh lắm! Nói thế chắc anh không tin, nhưng em vẫn nói thực lòng mình đấy anh ạ. Em cầu chúc cho anh có một người vợ xinh đẹp hơn em, trình độ học vấn cao hơn em và có nghị lực nhiều hơn em, nhưng tình thương yêu và chiều chuộng anh thì không bằng em để cho anh đôi lúc còn nhớ tới em. Nói như vậy chắc anh cười em và cho rằng em tham lam, ích kỷ. Tùy anh muốn nghĩ về em thế nào cũng được, nhưng đối với em, anh là người tình cao quý và trân trọng nhất trong đời em vì anh đã đưa đến cho em cái hương vị ngọt ngào, rạo rực đầy cảm xúc của tình yêu trong tâm hồn em thời non trẻ... Nhất là mỗi lần nghe bài hát “Thiên Thai” của Văn Cao, em lại nhớ những âm thanh giọng hát của anh đã từng hát cho em nghe khi hai đứa mình ngồi sát bên nhau trên ghế đá bên đường Thanh Niên ở Tây Hồ. Bài ấy anh hát rất thiết tha và ấm áp tiếng ngân. Lời bài hát có mấy lần nhắc đến tên em là Đào Nguyên. Chắc anh đã cố ý hát bài này để gieo lắng sâu đậm vào tâm hồn em mỗi lần gặp gỡ tỏ tình?... Em hiểu rồi, anh khôn thật đấy!

Em muốn viết nhiều cho anh thêm nữa nhưng không thể viết được mà chỉ muốn ngồi bên anh chuyện trò như ngày xưa bên Hồ Tây Hà Nội.

Ôi, em thật là ảo tưởng! có phải không anh ? Thôi anh chiều em nhé ! cứ cho em có những giây phút tưởng tượng như thế có được không anh ?...

Thôi, em im lặng và từ từ lim dim đôi mắt để hình dung anh đang sát trước mặt em và… cho em được mơ màng say đắm thật lâu !...    
                                    
Chào anh nhé!
                                   
Người bạn gái đáng trách của anh,

Đào Nguyên

Tôi cứ đọc đi đọc lại bức thư này nhiều lần và lòng đầy thương nhớ. Biết nói gì đây với em qua không gian xa xôi cách trở này ! Tôi âm thầm đắp chăn nằm và nghĩ về em, càng yêu em nhiều thêm nữa. Nhưng em thuộc về anh bộ đội rồi. Thôi đừng khơi dậy chuyên tình năm xưa của em làm gì cho thêm lôi thôi đau khổ !... Tôi cố khuây đi nỗi buồn về chuyện tình riêng của mình để chủ tâm vào việc học hành vào thời kỳ cuối…

Sau này khi về nước, tôi vẫn giữ bức thư ấy. Đó là một kỷ niệm cảm động giữ lại bút tích về một bức thư tình còn rơi lại sâu lắng trong tôi.

                                                         Nguyễn Hồng Trân
Hà Nội
(Nguyên GV Đại học Huế)
nghongtran38@gmail.com


Ghi chú: Chuyện tình giữa tôi và Đào Nguyên không thành là do mẹ cô ấy (góa bụa sớm) quá thương con gái út độc nhất của bà (sau 2 người anh) nên không muốn cho con đi lấy chồng xa với người quê miền Nam. Vả lại, tôi là con một gia đình liên quan đến phong kiến, quan lại, địa chủ. Vì vậy bà một mực không cho tôi và Nguyên dính kết duyên tình với nhau. Tôi biết Nguyên cũng khổ tâm lắm, nhưng vì quá thương mẹ nên đành phải nghe theo mẹ. Tôi biết Nguyên rất yếu đuối về tình cảm nên không quyết tâm vượt qua được những rào cản nặng nề lễ giáo đó./.


READ MORE - MỘT BỨC THƯ TÌNH CÒN RƠI LẠI TRONG TÔI - Hồi ký Nguyễn Hồng Trân

Vũ Lập - CHÙM THƠ HAI CÂU

VŨ LẬP

  


Nặng nhẹ

         Bạn xưa xuân ngả hoàng hôn
Nghĩa tình nặng trĩu tâm hồn nhẹ tênh.


Đãi

         Người ta đãi cát tìm vàng
Tôi đi đãi chữ tìm nàng thơ yêu!


Nuôi con

         Một đời dầm tuyết dãi sương
Nuôi con thành đạt ở phương trắng trời!


Tình mẹ

         Con đi cuối đất cùng trời
Vẫn không sưởi ấm được nơi mẹ nằm.


Hỏi trăng

         Lung linh trăng lặn nơi nao?
Nước không gợn sóng nghiêng
                                            chao sóng lòng!


Cả đời

         Cả đời tuyết phủ sương bào
Cho con khôn lớn để cao bằng người.


Chợ trời

         Chợ trời sương tuyết đầm vai
Nhạc răng đợi khách mấy ai bạn cùng?

   
Bóng quê

         Xứ người lạnh lẽo xa xăm
Bóng quê vời vợi ướt đằm trời Tây!   


Đợi

            Thảm vàng mây gió ngẩn ngơ
Tròn trăng đợi nguyệt bình thơ với đời!


Vừa thôi!

         Người ơi người đẹp vừa thôi
Để ai khỏi đứng giữa trời… tuyết bay!

                    
Mảnh vỡ

         Đi gom mảnh vỡ gia đình
Đầy vơi băng giá những hình giá băng!


Nhạc Răng

Nhạc răng gõ nhịp đàn môi
Trời Tây bán lẻ chợ Đời mưu sinh!


Thác Đambri

Bảy sắc cầu vồng bơi dưới suối
Rủ mây gọi thác chảy vào thơ.


Học

Sang Tây học luật, học buôn, tìm tri thức
Hỏi có mấy ai thấy chữ Gốc?

 VŨ LẬP
CHLB Đức
thovulap37@yahoo.de
READ MORE - Vũ Lập - CHÙM THƠ HAI CÂU

VIẾT CHO KỶ NIỆM - thơ Nguyễn An Bình



Anh xuôi Ngã Bảy về Long Mỹ
Nhìn khói đồng quê quyện ngút ngàn
Nơi đó một lần anh cất tiếng
Ngàn đời ký ức vẫn chưa tan.

Xanh mãi vườn xưa nhẹ gót chân
Tiếng chày gạo giã dưới trăng thanh
Vút cao lời mẹ ca dao ấy
Của một đời anh thuở thái bình.

Chương Thiện có về chung ước mơ
Hay là con nước rẽ tình thơ?
Như ngày anh lớn lìa quê mẹ
Nên mộng chiều xưa hóa dại khờ.

Để nắng hanh vàng thôn xóm cũ
Mẹ già hong tóc bạc thời gian
Còn ai nhắc lấy mùa ly loạn
Sương trắng mái đầu khói chửa tan.

Anh nhớ làm sao ngày tháng đó
Quê nghèo xuôi ngược biết bao kinh
Cha theo kháng chiến đi biền biệt
Biết lúc nào vui buổi thái bình.

Có nhớ gì không em của anh?
Còn quê hương đó vết không lành
Nghe tiếng đạn bom mòn năm tháng
Như hỏa châu hồng rực thâu canh.

Hãy ngủ đi em - cuộc chiến nào?
Quê anh quê mẹ vẫn thương đau
Ru em trong mộng đời Long Mỹ
Để hiểu chúng mình sẽ cách nhau.

Anh sẽ về theo mộng tháng ngày
Phong Điền mưa bụi lắm em ơi
Cái Răng có mãi hoài chung thủy
Con nước vô tình vẫn chảy xuôi.

NGUYỄN AN BÌNH
Cần Thơ
luongmanh2106@gmail.com





READ MORE - VIẾT CHO KỶ NIỆM - thơ Nguyễn An Bình

GIẤC MƠ NGÀY - thơ Hoàng Yên Lynh


Tôi đốt buồn theo khói thuốc
Con chim buồn ngái ngủ dưới hàng hiên
Chút mây bay hoen nắng bên thềm
Một chút nhớ
Chút ngậm ngùi ...
Năm tháng mãi không tìm ra bờ bến.

Tôi hỏi lòng tôi
Có điều gì mong đợi
Một vầng trăng óng ánh cuối chân trời
Đất với người bừng lên sức sống mới.

Có điều gì trăn trở mãi chưa nguôi
Là ánh sáng sẽ xóa nhòa bóng tối
Để tình người sống thật với người hơn
Cho quá khứ chôn vùi theo năm tháng .

Tôi đốt thuốc buồn vui cùng nhân thế
Cũng khóc cười trong bến đục bến mê
Đường có xa ...  Mai mốt một lối về
Hoa nhân ái nỡ bừng trong hi vọng.

Tôi đốt thuốc thắp lên niềm tin mới
Này em ơi ! Trăng tỏa sáng bên đồi
Quê hương mình
Vang mãi khúc tình ca.


HOÀNG YÊN LYNH

B'Lao
hoangmylinh@live.com
READ MORE - GIẤC MƠ NGÀY - thơ Hoàng Yên Lynh

TÌNH CHIỀU - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa



Xin hãy gửi tình anh trong ánh mắt
Đừng nói lời âu yếm bằng thơ
Muôn lớp sóng ngàn năm rào rạt quanh bờ
Em đâu biết con sóng nào là miên viễn !
Không cần đâu anh những lời ướp mật
Cuộc tình nào không pha vị đắng cay !
Xin mãi yêu anh theo năm tháng dạn dày
Dù sương gió có nhàu phai hy vọng
Em muốn hôn
Lên trán anh thật khẽ
Xóa ưu tư hằn in nếp nhăn nâu
Lòng the thắt
Xin gió chiều đang lộng thổi
Dịu dàng thôi cho giấc ngủ anh lâu.
Em xót xa nhìn hoàng hôn xuống vội
Trời sang mùa … anh có lạnh lắm không !

TTQH
Tây Ninh
tranquynhtn@yahoo.com.vn
READ MORE - TÌNH CHIỀU - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa

NGƯỜI ĐÁNH MÁY CHỮ - Tùy bút Nguyễn Đức Tùng


Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò. Tôi hay đứng ngoài hiên tránh mưa nhìn vào, máy chữ chạy rì rào, cô nghiêng nửa mặt có chấm tàn nhang tím. Chỗ làm việc là góc thừa ra của tiệm thuốc Nguyệt quế đường, vừa vặn đặt cái bàn, cái ghế, phía trong là kệ sắt cao đầy giấy tờ. Tôi ngắm những tờ giấy carbon đen sẫm trong mùi cam thảo, quế, táo tàu bay qua. Cô nói giọng Hà nội, khoảng bốn mươi tuổi, gầy mảnh mai, tóc búi lên, gương mặt khô khan nhưng hiền, ít nói vì bận việc, một cái lông nhím vàng hổ phách trong suốt kẹp xuyên qua búi tóc. Cô mặc áo dài màu xanh bông lý, màu mận chín, ngón tay dài, lưng bàn tay những đường gân nổi lên như tay đàn ông, không nhẫn. Khi đã quen, cô gọi tôi vào chơi nhờ việc vặt, phần thưởng là tờ giấy carbon dùng nhiều lần đã bạc màu nhưng tôi quý lắm, ôi những tờ giấy carbon tôi dùng để đồ những hình vẽ thật đẹp làm tụi bạn lác mắt. Máy đánh chữ hiếm, đơn từ nộp công sở đều dùng giấy in nên việc lúc nào cũng bận, có lẽ vì thế mà cô cần ba máy một lúc, cái thì hôn thú, cái đơn xin việc, cái “thế vì khai sinh”. Công việc là đánh máy nhưng cô làm nhiều hơn, giúp sửa lỗi chính tả, sửa câu văn, cố vấn nhiều thứ linh tinh từ việc làm ăn đến hôn nhân tình cảm, có người đến tay không chỉ nói ý mình, cô liền thảo tờ đơn tự cô nghĩ ra. Một người khách giọng khàn vì thuốc lá, đứng sau lưng cô đọc ngắt quãng, ho vì lên cơn suyễn: Đơn xin hoãn dịch vì lý do gia cảnh…Họ tên con tôi: Nguyễn Văn…Năm sinh…Chánh quán…Trú quán…Tôi làm đơn này xin chính phủ xem xét hoãn dịch cho con tôi vì trong nhà chỉ có mình nó là con trai, không ai nối dõi tông đường, mẹ nó hay đau, con gái có ba đứa nhưng không tính. Cô quay lại: sao bác nói ba đứa con gái không tính, người đàn ông cười: thì cô sửa lại giùm.

Cô có mấy chồng báo cũ để người chờ lật coi cho đỡ nóng ruột. Tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ sau kẹt cửa, đọc các tạp chí như Tự Do của chính phủ có ảnh đẹp, Hương Quê của bộ Thông tin đều đặn có truyện ngắn đồng quê của Bình Nguyên Lộc hoặc Sơn Nam, các nhật trình như Độc lập, Hòa bình, Sóng thần, Công luận, ngắm mấy tờ carbon, lắng nghe cuộc chuyện trò khi lớn lúc khẽ giữa cô và khách hàng. Thỉnh thoảng cô đứng dậy bật bếp lửa dầu hỏa ở góc nhà, chùm lửa xanh ngọn nhỏ liu riu, đun nước sôi pha trà Thiết Quan Âm trong ấm sành, cho tôi uống, di chuyển mau lẹ giữa những chồng giấy cao ngất. Hiệu của cô không tên, không có chỗ ngồi rộng rãi, ở trên đường vắng chạy ra bờ sông, không quảng cáo nhưng người có việc cần đều biết cách tìm đến. Ngoài hiên một cây dâu tằm cổ thụ cao rợp mát, những trái dâu đỏ mọng ngọt lịm, lá xanh mềm mại ngày nay không thấy nữa. Ngày mưa dầm nắng gắt đi học về muộn trễ chuyến đò cả giờ, tôi quay lại ghé vào, cô im lặng làm việc nhưng thỉnh thoảng quay nhìn tôi, mắt như cười, ấm áp. Đôi khi một ông khách đứng tuổi lịch sự, da tái xanh, má hóp, tóc chải dầu brillantine bóng, sơ mi trắng, cầm dù đen bất kể trời mưa hay tạnh, đứng ngoài cửa sổ trò chuyện, đưa giấy tờ hay trả tiền gì đó, nhưng có khi chỉ nói vài câu rồi đi. Những lúc ấy cô đứng lên, tựa người lên thành cửa, khoanh tay trước ngực trò chuyện. Sau khi ông khách đi rồi, cô kín đáo mỉm cười, ngửa đầu ra sau, nhắm mắt lại, mở mắt, quay về với công việc. Như thế, năm này qua năm khác, hết niên học này đến niên học khác của tôi, như thể cuộc đời này sẽ trôi đi êm đềm như vậy mãi với cô, không bao giờ thay đổi, không bao giờ ngừng lại, mà thay đổi cho ai, cách mạng làm gì, chiến tranh chết chóc làm chi?

Đôi khi tôi chợt nghĩ hay cô là cô Mai, nhân vật của Khái Hưng trong Nửa Chừng Xuân, con ông Tú ngoài Ninh Bắc? Có em trai học trường Bảo hộ, tức trường Bưởi, nhà nghèo vì cha mất sớm, đem lòng yêu Lộc, nhưng rồi chuyện hai người không thành. Cô Mai đẹp, dịu dàng, cương nghị, trái tim đầy tình yêu thanh sạch. Có lúc tôi ước làm cậu Huy em trai của cô, đứa em học trò nghèo thương chị đến ứa nước mắt. Tôi ngồi nhìn những chiếc máy chữ nghiêm trang nằm ngoan ngoãn dưới hai bàn tay lượn nhấp nhô như sóng, cô dùng tám hay mười ngón để gõ phím, cổ tay thoăn thoắt đưa đi đưa lại, những cái cần bằng kim loại xám óng ánh nhảy nhót như vũ nữ phim Ấn Độ. Nhưng chiến sự đổi chiều không báo trước. Trong hai ngày hai đêm, những đơn vị sư đoàn bộ binh trú đóng căn cứ Ái Tử và Đông Hà hỗn loạn rút quân qua sông, bỏ lại chiến xa vũ khí, và điều đó sẽ lập lại đúng ba năm sau ở những nơi khác, người dân, viên chức kinh hoàng di tản, họ bị pháo kích ác liệt chặn lại trên quốc lộ, chạy lui chạy tới như kiến trên chảo rang dưới nắng tháng tư. Không khí nóng đặc lại, hoa phượng mới ra héo rũ nhưng không tàn, cuống non khô đi không chịu rơi xuống đất. Ngày cuối cùng trước khi ra đi tôi lang thang trên đường không người, mặt nhựa chảy mềm dưới trời xanh bao la, sự yên tĩnh của nó buông xuống mặt đất một không khí dị thường không ra chiến tranh chẳng phải hòa bình, bầu trời như nhật thực, tôi đi trên đường biên, giữa một vùng tối đen và một vùng sáng rực, nhưng cái đường biên kia di chuyển mau lẹ quá, nó chạy vùn vụt, tôi cố đuổi theo không kịp, vấp ngã trên những hầm hố công sự hay trên những thây người rải rác đó đây quanh quốc lộ một, gần ngã ba Long Hưng. Đi ngược về trung tâm, tôi đến trước những địa chỉ yêu dấu, trường Bồ Đề, Phước Môn, Thánh Tâm, Nguyễn Hoàng, hiệu sách Lương Giang, Phú Long, Tao Đàn, chào nhau lần cuối. Chắc chỉ có mình thôi, tôi nghĩ, là đứa lẩn thẩn đi chào bến đò chợ tỉnh nhiều bậc tam cấp đọng vảy cá trắng xóa, bốc mùi cá tanh, chào chùa Tỉnh hội rợp bóng ngô đồng, im bặt tiếng chuông, chào tiệm vải chất đầy tơ lụa mẹ tôi hay ghé qua, quán tiết canh vịt của ba tôi, tiệm cháo bánh canh của các chị tôi, đứng hồi lâu trước quán bi-da của bạn bè, những hòn bi xanh đỏ lăn lóc góc bàn, tôi cầm lên bỏ xuống.

Trong chiều nắng xế, thành phố sắp biến mất trông như huyền thoại. Tôi đứng tần ngần trước căn nhà khang trang ngoài hiên có cây lê ki ma mỗi mùa xuân đều nở hoa trắng của người bạn gái cùng lớp, nhìn cánh cổng sơn xanh đóng im ỉm, lần cổng ấy ngày sau mạng nhện sẽ giăng đầy, hai con bồ câu trắng đứng rù rì chụm đầu vào nhau trên khoảng sân gạch gần ảng nước mưa, mặt nước có một lá sen nửa lành nửa rách. Tôi tìm đến tiệm người đánh máy chữ, cửa ra vào đóng, ổ khóa còn nguyên nhưng cửa sổ đã bị ai mở bật tung ra, tôi nhìn quanh một lúc, leo vào bật công tắc, không điện, có lẽ cô đã ra đi cùng lúc với hàng chục ngàn người tị nạn chiến tranh khác nhưng cũng như họ, yên chí rằng sẽ trở lại trong vài ngày tới, khi tình hình chiến sự yên ổn. Mùi hơi quen thuộc phảng phất, vài tờ giấy carbon đen lả tả trên sàn nhà, tôi cầm lên kề sát mũi hít hà những tờ giấy carbon cũ thơm phảng phất mùi hạnh đào, mùi ô mai tẩm đường, mùi quế hơi gắt, trên bàn ba chiếc máy đánh chữ vẫn còn nguyên. Tôi tiến lại gần, nhìn xuống một tờ giấy đang nằm trong máy giữa chừng, chiếc màu xanh ngọc bên trái, liếc qua mấy chữ trên cùng:

GIẤY TỪ CON

Tôi ngạc nhiên, kéo ra đọc tiếp.

Họ tên cha mẹ…Con trai của chúng tôi là…Sinh ngày… Học sinh lớp Đệ tứ, trường…Chúng tôi làm đơn này đăng lên nhật trình để thông cáo: kể từ ngày…chúng tôi không nhận … là con trai trong gia tộc. Lý do: không nghe lời nghiêm phụ, bỏ bê việc học, trốn nhà theo gánh hát cải lương Kim Chung. Nay kính trình…Ngày…

Tôi đứng hồi lâu giữa căn phòng tối sẫm, mặt trời bên kia sông đang xuống sau rừng dương liễu Nhan biều, ngả sang màu lửa lựu, vài con chim sẻ kêu thảng thốt trên mái ngói, một cành cây khô rơi xuống mặt đường, nẩy bật lên, lăn đi nhiều vòng, trong tịch mịch của phố xá bỏ hoang, những ngày bầy chim vỡ tổ bắt đầu. Tôi nghĩ đến chàng thanh niên có lẽ chừng đôi mươi giờ này vẫn chưa đọc được cái tin sét đánh trên báo của thân phụ anh, một người thương con nhưng có lẽ quá nghiêm khắc, tôi nghĩ đến cha mẹ người thanh niên kia giờ phiêu dạt nơi đâu, ga Lăng Cô hay bến tàu Đà Nẵng, hay đã tử nạn trên đường. Tôi nghĩ đến gánh cải lương miền Nam ra trình diễn ở thành phố gần giới tuyến trong ngày xuân thanh bình, trong gánh hát ấy biết đâu có một cô đào trẻ đẹp với giọng ca mê hoặc, sáng hôm sau lên đường khăn gói vào Nam, không biết mình vô tình mang theo trái tim một chàng trai Đệ tứ trung học, mê tân nhạc, vọng cổ, ghi ta, đờn sáo hơn chuyện học hành thi cử lẩm cẩm, biết đâu sau này chàng nổi tiếng ở Sài thành hoa lệ, thành công rạng rỡ về quê trong sự chào đón của khán thính giả như Út Trà Ôn, hay biết đâu anh lầm đường lạc lối, bị hắt hủi giữa chừng, thất bại chốn phồn hoa, đói khổ, một chiều dừng lại bên đường nhìn hạt bụi trong tia nắng xiên khoai mà ngoái về quê cũ.

Nhưng quê cũ của anh đá nát vàng phai có đâu nữa mà ngoái lại? Hay biết đâu vài mươi năm sau, hai cha con nơi đất khách lại làm hòa với nhau, ôm nhau mừng tủi, bằng cách nào thì tôi không biết, nhưng thế nào cũng có cách, vì cha mẹ và con cái, hay anh chị em trong nhà, giận nhau vì lối sống, cãi nhau vì chính kiến, nhưng bỏ nhau hoài sao đặng. Phải không?  Khi đó người cha biết đi tìm đâu người phụ nữ đã đánh máy cho ông, khẩn khoản đòi xin lại một tờ giấy cũ vàng ố, lẳng lặng cho vào ngọn lửa xanh lơ trong tiếng máy chữ rào rào chiều chạng vạng. Gần như vô thức, tôi gập nhỏ nhiều lần tờ giấy đánh máy, nhét vội vào túi quần sau, cài cúc, nhảy qua cửa sổ, vói tay khép cánh cửa mà đi.

Nguyễn Đức Tùng

Canada

bachnguyen@shaw.ca

READ MORE - NGƯỜI ĐÁNH MÁY CHỮ - Tùy bút Nguyễn Đức Tùng